Đại Mạc Thương Lang

Quyển 1 - Chương 43: Lính nhật




Thời khắc đó, tôi, đội phó, Mã Tại Hải, người nào người nấy đều lạnh toát, cứng đờ người, cả ba đứng chết lặng tại chỗ.

Tôi vốn đang bán tính bán nghi có phải khi nãy đã nhìn thấy lính Nhật thật không, hay chỉ là ảo giác, bởi lúc ấy tôi bị chúng đạp cho một phát, ngã lộn cổ xuống hố, khoảnh khắc đó chỉ diễn ra trong mấy giây, nên tôi cũng không dám chắc điều mình thấy có chính xác hay không.

Không ngờ chẳng bao lâu sau, tôi lại nhìn thấy một đám lính Nhật rõ mồn một thế này. Tôi thấy mình như thể vừa chui qua đường hầm thời gian. Nhìn bộ quân phục màu vàng đáng ghét của lính Nhật, tôi có cảm giác đang quay trở lại thời kì kháng chiến trước đây.

Nhưng rồi tôi nhanh chóng phát hiện không phải, mấy người Nhật này nhìn quen lắm, dường như tôi đều biết họ cả.

Tôi nhìn lại lần nữa, bỗng thấy một sĩ quan Nhật thò đầu ra nhìn tôi, đó rõ ràng là anh Miêu!

Tôi vẫn đang ngạc nhiên thì Bùi Thanh và Vương Tứ Xuyên đi tới, Vương Tứ Xuyên đỡ lấy tôi, nhìn thấy tôi bị đóng băng, cậu ta rất ngạc nhiên, hỏi đội phó tại sao tôi lại bị như vậy.

Tôi được đưa đến chỗ đống lửa, họ thay ngay quần áo, rồi đem chỗ quần áo ướt vắt lên cái giá bên cạnh đống lửa. Đống lửa cháy rất to, rất ấm áp, lúc đó nước mắt tôi bỗng trào ra mà không hiểu vì sao.

Bây giờ ngồi nhớ lại cảm giác an toàn khi gặp lại những người đồng đội, tôi thấy thực sự hạnh phúc!

Khi đó, quần áo mấy người chúng tôi đều rách tơi tả, trong khi đó hội anh Miêu lại chỉnh chu trong quân phục người Nhật, nhất là anh Miêu. Anh đang mặc bộ quân phục sẫm màu dành cho sĩ quan, kết hợp với vẻ mặt lầm lì không biểu lộ cảm xúc, lúc này trông anh giống hệt một sĩ quan Nhật mà chúng tôi vẫn thường thấy trên phim ảnh. Tôi được khoác một cái túi ngủ trên người, bọn tôi ngồi đối diện nhìn nhau, rồi phì cười. Mọi người cũng cười theo.

Tôi hỏi họ tại sao lại thành ra thế này, các anh đã trở thành lính Nhật từ khi nào vậy?

Bùi Thanh nói: “Cậu đừng nghĩ xấu cho người tốt, thực ra bọn tôi là đội quân hóa trang thành địch đấy chứ.”. Cậu ta nói xong thì cả đội đều cười ầm lên.

Tôi hỏi kĩ thêm mới biết chỗ quần áo này được lấy ra từ một kho quân dụng của quân Nhật để lại. Bùi Thanh kể lúc họ đi vào con đường đó tự nhiên thấy rất lạnh mà không hiểu vì lí do gì. Sau đó, họ tìm ra cái kho này, rồi lôi từng này quần áo từ trong đó ra, ban đầu không ai dám mặc, sau đó lạnh không chịu được mới đành phải khoác lên người, tất cả đều là quân phục dành cho đội quân Quan Đông. Nhìn đống quần áo, ai nấy vui mừng khôn xiết.

Tôi nhớ lại lúc chia tay họ, liền hỏi thêm vì sao các cậu lại đến được nơi này, có tìm thấy người đã đánh điện báo cho mình không?

Câu hỏi của tôi khiến sắc mặt mọi người bỗng trầm hẳn xuống, Bùi Thanh thở dài, gật đầu nói có tìm thấy, nhưng họ đã chết hết cả rồi.

Sau đó, Bùi Thanh liền kể tóm tắt qua cho chúng tôi nghe toàn bộ những họ đã trải qua.

Đến đây tôi cần phải nhớ lại một chút, những gì Bùi Thanh kể lại lúc đó chỉ là tóm tắt sơ lược, đến nay đã rất lâu rồi, tôi không còn nhớ rõ nữa, tôi đã quên khá nhiều tình tiết. cũng có thể lúc đó Bùi Thanh không kể chi tiết, tóm lại, điều này không còn quan trọng nữa.

Họ lần theo đường dây cáp xuôi xuống nơi sâu của một con sông – chỗ chúng tôi đang đứng đây được gọi là “nhánh sông số 6”, đây là cách đặt tên của quân Nhật, đợi phần sau tôi sẽ kể rõ hơn. Về mặt địa lý, “nhánh sông số 6” là một nhánh sông được tách ra từ dòng chảy chính có tên là “nhánh số 0” – nơi xây dựng con đập lớn này.

Kể từ lúc chúng tôi tách thành hai nhóm ở chỗ hố sụt, họ cứ thế xuôi thuyền đi, tình hình giống hệt như anh Đường đã phân tích, họ trôi qua chỗ hố sụt một đoạn thì thấy dây cáp điện và hệ thống đường sắt dưới nước tập trung như mạng nhện, điều đó cho thấy trước đây khu vực này từng là khu hoạt động đông đúc trước khi bị quân Nhật phế bỏ. Địa thế ở nơi này và khu vực xung quanh nhìn chung khá bằng phẳng, nên xuồng đi vào khá thuận lợi, không gặp trở ngại gì. Dấu vết của quân Nhật để lại càng lúc càng nhiều và càng lúc càng đa dạng.

Xuôi vào bên trong chừng bốn mươi phút, đáy sông bắt đầu xuất hiện hiện tượng đất trồi lên cao ở khu vực giữa sông, dòng nước ngày càng trở nên nông hơn. Chẳng bao lâu sau, họ nhìn thấy một bãi nông xuất hiện ngay giữa dòng sông. Mọi người bơi sát đến để tìm hiểu, càng đi thấy bãi đất càng cao, tạo thành một dải trước mặt, dòng sông đến đây là chấm dứt, thay vào đó là một bãi đất đá sỏi trải dài đặc trưng thường thấy ở các dòng sông.

Phía rìa bãi đá cũng có nước nhưng do nước nông nên không thể lái thuyền lên phía trên, họ đành phải lội nước, hội Bùi Thanh phát hiện một tấm biển với dòng chữ “Nhánh sông số 6” treo trên mỏm đá, từ chỗ này dòng sông bắt đầu phân nhánh.

Bờ sông là một bãi đất có độ dốc thoai thoải, mọi người di chuyển lên trên, chẳng mấy chốc đã tới được chỗ khô ráo. Leo đến điểm cao nhất của bãi, chúng tôi mới thấy phía sau bãi đất có một cái hang rất rộng được hình thành do quá trình nước ăn mòn, địa hình trong hang khá bằng phẳng, nhưng đồ đạc lại để rất lộn xộn, trên các nhũ đá mắc đầy các loại dây điện, đủ kiểu lớn nhỏ, trên mặt đất la liệt các đống đồ đạc được phủ bằng vải bạt. Họ kéo thử một tấm bạt ra, thì thấy bên dưới chất đầy các loại bàn giấy và thiết bị điện. Trong đống đổ nát đó, Bùi Thanh ấn tượng nhất đống dây điện, đủ các loại cỡ từ to đến nhỏ; dưới đất, trên bàn chỗ nào cũng có. Ngoài ra, ở đó còn rất nhiều rương gỗ và giường ngủ tiện dụng. Những bộ quân phục của lính Nhật mà họ đang mặc cũng đều lôi ra từ đấy cả.

Dưới đáy hang còn có vô số các nhánh hang nhỏ ăn sâu vào vách đá, có những hang chất đầy đồ vật, có hang sâu hoắm, không nhìn thấy đáy, không biết nó thông tới đâu, nhưng một lượng lớn dây cáp điện vẫn được mắc về phía các nhánh hang đó, xuyện tận vào bên trong, rõ ràng bên trong cũng có các thiết bị cần dùng điện.

Bùi Thanh nhận định anh Đường đã phân tích tình hình dựa trên bố cục toàn cảnh của hang động. Đầu nguồn của “nhánh sông số 6” chính là đầu mối thông tin của toàn bộ hệ thống hang động và cũng là trung tâm dây dẫn của toàn bộ hệ thống điện thoại, phòng dây cáp dẫn được cung cấp điện trực tiếp bởi máy phát điện lắp ở chỗ hố sụt chúng tôi đã chui qua lúc trước, nó được giấu khá kĩ, nếu tấn công thì nơi này sẽ an toàn vì rất khó tìm.

Nhìn tình hình bên trong hang động, có thể thấy quân Nhật không có ý định tiêu hủy các văn kiện, họ dùng vải bạt để che tất cả chỗ văn kiện lại, điều này chứng tỏ lúc rời đi họ vẫn nghĩ sẽ quay trở lại, những gì ở đây so với những gì chúng tôi đã thấy trước đây khá mâu thuẫn nhau, tôi không thể hiểu chuyện gì đã xảy ra với đám lính Nhật ở đây vào thời khắc cuối cùng. Họ đã nhận được mệnh lệnh gì?

Sau khi quan sát kĩ tất cả mọi nơi bọn họ bắt đầu lần theo đầu mối dây cáp, tìm kiếm điểm nối với máy phát điện của dây cáp điện thoại. Anh Miêu phán đoán có thể có người trong đội khảo sát đã đến trước chúng tôi và đang đợi cứu viện ở nơi này, vì thế anh thổi còi nhằm thu hút sự chú ý.

Thế nhưng không có bất cứ âm thanh nào đáp lại tiếng còi đinh tai nhức ốc đó, cuối cùng chỉ có anh Đường và một cậu lính thông tin lần theo sợi dây, họ tìm thấy đầu cắm của sợi dây giữa vô vàn các đầu cắm dây điện khác, họ đi theo sợi dây đó để tiếp tục tìm kiếm, thì thấy nó được dẫn đến một hang nhánh nằm rất sâu trong động.

Anh Đường gọi thêm người chui vào trong, đi sâu chừng hai mươi mét thì ngửi thấy mùi ẩm mốc, tiếp đó họ nhìn thấy một phòng điện báo, bên trong có một cái bàn đặt máy phát điện báo, bên cạnh bước tường là đống gì đó được phủ vải bạt, Bùi Thanh kéo tấm bạt ra thì nhìn thấy ba xác người đã thối rữa ở bên dưới.

Trong ba thi thể đó có một thi thể phụ nữ và hai thi thể đàn ông – một già, một trẻ. Cả ba cái xác đều khoác trên người trang phục màu vàng đất đặc trưng của quân Nhật, có đều bên trong lại mặc trang phục giống hệt quân phục của giải phóng quân chúng tôi, những cái xác đã bắt đầu thối rữa, cả căn phòng điện báo nồng nặc thứ mùi khủng khiếp đó.

Bùi Thanh lật mặt họ lên để xem, cậu ta thấy ba gương mặt đều lạ hoắc, nhưng nhìn vào trang phục thì biết đó chính là những người mà anh Miêu đang tìm kiếm, đáng tiếc họ đã chết cả, chắc hi sinh được một thời gian khá lâu rồi.

Cả hội vô cùng buồn bã trước cái chết của ba người đồng nghiệp, họ đem xác ra ngoài, Bùi Thanh ngắt nguồn điện của chiếc máy điện báo tự động vẫn đang kêu “tút tút”, sau đó họ tiến hành khám nghiệm tử thi để tìm nguyên nhân cái chết của ba người kia, sau khi xem xét cẩn thận, họ phát hiện trên nướu răng của cả ba đều bị thâm đen, giống hệt cái xác chúng tôi đã thấy lúc chui xuống hố sụt, có lẽ họ đều chết do trúng độc.

Anh Đường phán đoán có thể lúc đó họ trúng phải một loại độc phát tác chậm, nên không chết ngay lập tức, chắc một trong số họ là người phát đi tín hiệu điện báo cấp cứu, rồi họ cứ chờ mãi ở đây, cho đến phút cuối không thể chống chọi được với chất độc thì tắt thở. Nhưng nghe anh Đường suy luận xong, anh Miêu lại lắc đầu bảo khả năng đó không thể xảy ra.

Ba người này đều được phủ một tấm bạt lên trên, nếu cứ như anh Đường phán đoán thì chắc chắn ngoài ba người này ra phải còn một người nữa may mắn sống sót.

Hồi đó, thông thường số người được biên chế trong một đội khảo sát tuy không thể xác định cụ thể, nhưng có lẽ là rất nhiều, đặc biệt là những nhóm thực hiện nhiệm vụ khảo sát ở những vùng miền chưa được biết tới, chúng tôi ước đoán số lượng cán bộ trong một đội khảo sát khoảng từ năm đến mười người.

Như vậy, hội anh Miêu cũng không biết thêm tin gì hơn chúng tôi ngoài số lượng người chết của đội khảo sát thứ nhất. Tổng số người chết tìm thấy cho tới lúc này là ba người, cộng thêm hai người may mắn sống sót là Viên Hỷ Lạc và anh Miêu. Ngoài cậu lính trẻ mà chúng tôi đã tìm thấy ra, thì có lẽ vẫn còn một số đang ở đâu đó vẫn chưa tìm được. Anh Miêu xem ra rất đau đầu, một mặt, anh sai người tiếp tục tìm kiếm khắp nơi, mặt khác ngồi bàn bạc với anh Đường tìm biện pháp giải quyết. Nhưng hai người đó cứ thì thầm bí mật với nhau, thành ra Bùi Thanh không nghe được gì, không biết họ đã quyết định như thế nào.

Hệ thống hang động ở đây tương đối phức tạp, nên việc tìm kiếm trở nên rất khó khăn, nhóm lính anh Miêu dẫn theo đa phần là tân binh, còn anh Đường lại khá yếu đuối, về mặt chuyên môn thì ai cũng phục anh ấy, anh ấy cũng biết đánh nhau, nhưng hễ có chuyện gì lớn thì anh ấy lại mất đi hẳn sức thuyết phục để cảm hóa mọi người nghe theo anh ấy, cho nên đám lính của anh ấy chạy khắp nơi, khi phát hiện ra hang động sâu không thấy đáy, họ sợ quá rút lui về hết.

Cuối cùng bọn họ bị kẹt lại ở chỗ đó, có quát mắng bắt đi nữa cũng không chịu, anh Miêu vốn là một người khôn ngoan nhiều mưu mẹo, nhưng trong tình thế đó cũng không tìm được cách gì khả dĩ, đành phải ngồi đợi. Cùng lúc đó, tôi cùng với một đội phó ngoan cường, một Vương Tứ Xuyên bất cần đời đang xông pha vào khu vực “Nhánh số 0”

Tôi vốn không có nhiều kinh nghiệm trong nghề. Bao nhiêu năm theo nghề, tôi mới biết thế nào là người sĩ quan giỏi có khả năng dẫn dắt cả đoàn quân, có lẽ cuộc đời này tôi chỉ gặp được một quân nhân chấp hành mệnh lệnh đến cùng như đội phó, một kỹ sư dũng mãnh như Vương Tứ Xuyên, một nhà khảo sát mưu trí như anh Miêu, bởi những người như vậy thực sự tồn tại không nhiều.

Tôi cũng không biết họ ngồi lại dưới này bao lâu rồi, nếu anh Đường không phát hiện ra phòng điện báo thì chắc hội anh Miêu đã tuyên bố cuộc khảo sát thất bại, rồi quay lại bảo chúng tôi rút về. Như vậy, chúng tôi cũng không có cơ hội gặp nhau ở nhà kho dưới này, trong tình huống dở khóc dở cười như bây giờ.

Thực ra, trong lúc Bùi Thanh kể lại quá trình tìm kiếm của nhóm cậu ta cho tôi nghe, có mấy chỗ tôi vẫn thấy lơ mơ, không thể lý giải hết được, bởi lúc đó Bùi Thanh kể bằng giọng phổ thông rất nặng. Những năm ấy, đất nước vừa mới phổ cập tiếng phổ thông được vài năm, tôi không nhớ rõ lắm, nhưng dù sao thì hiệu quả cũng không cao, Bùi Thanh lại nói rất nhanh, tôi cố căng tai nghe mà vẫn không thể hiểu hết câu chuyện. Nhất là chi tiết họ khâm liệm cái xác mà anh Đường phát hiện ra.

Vấn đề là nằm ở chỗ phòng điện báo.

Hệ thống điện thoại trong thời chiến tranh thô sơ và chỉ thực hiện được cuộc điện thoại trong phạm vi gần, còn tín hiệu điện báo không dây lúc đó chủ yếu được dùng để truyền thông tin ở những khoảng cách rất xa, phạm vi sử dụng điện báo được qui định khá nghiêm ngặt, máy phát điện báo phải được đặt trên vị trí cao, cho nên nó thích hợp sử dụng ở những vùng như cao nguyên; còn vùng sơn cước, đặt biệt là những khu vực sông suối thì tín hiệu điện báo tương đối khó khăn, hãy nghĩ xem, khu vực rừng núi còn vậy, huống hồ lại dưới một hệ thống hang động phức tạp như thế này.

Cho nên tôi thực sự không hiểu tại sao người ta lại xây dựng một hệ thống điện báo trong điểm tận cùng của cái động này, nó được dùng để làm gì?

Anh Đường nhận định nó thực sự là phòng điện báo. Cuốn sổ giải mã code và một lượng lớn các tư liệu điện báo đều ở trong phòng, ăng ten phát tín hiệu của máy điện báo chắc không nằm dưới này mà được lắp trên mặt đất, có lẽ nó được để đâu đó trong đài điện báo liên lạc ở công trình quân sự.

Vấn đề nảy sinh ngay bây giờ là, nếu đúng thực sự như vậy (trên thực tế mọi người đều khẳng định như vậy), thì đây chỉ là máy phát điện báo tự động, nó tự động phát tín hiệu đến đường dây điện thoại, phải chăng đó chỉ là ngẫu nhiên? Liệu có chuyện lúc đó người phát điện báo đi cũng phát hiện ra khả năng này, mục đích của anh ta có thể chỉ là phát tín hiệu lên trên mặt đất, và việc chúng tôi tình cờ nghe được bức điện báo trong phòng điện báo bên dưới cái lô cốt chỉ là một sự tình cờ?

Nếu nói như vậy thì liệu bức điện báo này có bị người nào đó cố tình chặn lại không? Phải chăng bộ chỉ huy công trình 723 trên mặt đất đã biết được bên dưới này rất nguy hiểm?

Lúc đó, Bùi Thanh báo chuyện này cho hội anh Miêu, rồi hỏi thêm: “Hay trước khi các anh xuống đây đã biết trước nhiều chuyện mà chúng tôi chưa biết?” Bùi Thanh thẳng thừng hỏi anh Miêu, nếu bây giờ dùng cách hỏi này xem ra không được thích hợp cho lắm, thế nhưng tại thời điểm đó, chuyện như vậy khá bình thường.

Anh Miêu không để ý đến cách hỏi của Bùi Thanh, anh bảo chẳng ai biết việc này cả, giả sử ăng ten của máy điện báo có lắp đặt trên mặt đất thật, thì với tình hình mưa gió bão tuyết thế này thì nó cũng đã hỏng từ lâu rồi.

Nói thế thì khác gì không nói, trong lúc hai người tranh luận, anh Đường và mấy cậu lính thông tin lôi máy điện báo ra nghiên cứu. Bùi Thanh đang định hỏi tiếp thì thấy anh Đường nhấc ống nghe của máy điện báo lên úp vào tai, rồi bất ngờ giật mình làm nó rơi xuống đất, sau đó anh bảo mọi người nghe thử.

Hóa ra, ngoài chức năng phát điện báo ra, máy phát điện báo còn có chức năng nhận điện báo. Lúc trước, anh Đường đinh ninh chiếc ăng ten được lắp đâu đó trên mặt đất có khả năng đã bị hỏng như lời anh Miêu nói, nhưng khi anh cầm ống nghe lên, không ngờ lại nghe thấy sóng điện báo phát ra liên hồi từ bên trong.

Nghe thấy thế, chúng tôi đều giật mình sợ hãi. Tuy việc kết nối được tần số nào đó của một máy điện báo khác không phải là điều không thể xảy ra, nhưng thời kì đó là thời kì cả thế giới đang có xu hướng thực hiện bảo mật tần số, chưa xuất hiện loại máy mã hóa nhảy tần, vì vậy để kết nối được sóng liên lạc nhất định phải có thiết bị điều chỉnh biên độ tần số. Ai ngờ vừa nhấc máy lên thì chúng tôi đã nhận được điện báo, điều này có nghĩa là máy ở đây có cùng tần số với máy đã phát đi tín hiệu, nhưng khả năng như thế xảy ra là rất nhỏ, trừ phi hai máy điện báo này đã cùng được cài đặt mã hóa sẵn cùng tần số từ trước đó.

Bùi Thanh không ngờ lại xảy ra chuyện này, nên cậu ta đoán rằng chiếc máy này chắc chắn đã bắt được sóng của một chiếc máy điện báo nào đó trên mặt đất của Trung Quốc và điều đó cũng cho thấy ăng ten trên mặt đất của nó vẫn chưa bị hỏng.

Sau khi anh Đường và mấy cậu lính thông tin sau chứng kiến cảnh ấy, thì một cậu lính lại cố gắng nghe thử chừng hơn một phút, thì phát hiện cách thức sắp xếp tín hiệu này vô cùng khác thường, cậu ta nghe mà không hiểu gì cả. Sau đó cậu ta nhìn quyển giải mã code của quân Nhật để lại, mới thấy tần suất điện mã trong ống đích thị là của người Nhật.

Cũng cần biết một điều rằng đây là một bức điện báo quân sự, có nghĩa là máy phát điện báo trên đất nước Nhật đã có thể truyền tín hiệu sang tận vùng đất Nội Mông của Trung Quốc, nếu chỉ là một bức điện báo dân dụng thông thường, thì nó không thể trùng hợp với những kí hiệu quân sự của người Nhật viết lại trong bộ giải mã code. Chuyện này lập tức đã trở thành vấn đề lớn: một máy điện báo tự động trong phòng điện báo bên dưới độ sâu một ngàn hai trăm mét có thể nhận một bức điện báo quân sự bằng tiếng Nhật, còn chúng tôi thì không hề biết bức điện báo đó được phát ra từ nơi đâu?

Tôi thực sự không tin nổi và không thể giải thích được đều này, chiếc máy điện báo nhất định phải có một cái ăng ten phát tín hiệu, nhưng ăng ten phát tín hiệu đó đang được lắp ở đâu?

Lúc đó, mọi người đều đoán rằng trong khu rừng nguyên sinh rậm rạp ở đất Nội Mông, chắc chắn còn có một căng cứ bí mật nữa của quân Nhật, chắc chắn chiếc máy điện báo này đã thu được điện báo từ nơi đó.

Cả hội đều đồng tình với cách giải thích này, bởi thực tế chẳng còn cách giải thích nào khác. Thứ nhất, mọi người đều thấy máy điện báo không thể tự phát ra bức điện báo ở hang động dưới lòng đất thế này, vì điều đó không phù hợp với quy luật khách quan, vậy thì nhất định nó phải thu tín hiệu từ một “ăng ten” nào đó. Thứ hai, vào năm 1962, ăng ten trên mặt đất của Trung Quốc không thể thu sóng điện báo quân sự của Nhật, hơn nữa bức điện báo này lại sử dụng loại kí hiệu mật mã của cuốn mật mã năm 1942, bởi thế nó chắc chắn được phát đi vào năm 1942 và từ một nơi hoang vắng, ví như Nội Mông chẳng hạng.

Vì không ai trong đoàn chúng tôi hiểu tiếng Nhật, nên không thể đọc được bảng mật mã, cũng không có cách nào hiểu được rốt cuộc bức điện kia nói gì, chỉ thấy cậu lính điện báo nghe ngóng hồi lâu, phát hiện nội dung bức điện tương đối dài, hơn nữa lại có tần suất tuần hoàn, dường như nó được gửi đi từ một máy điện báo tự động.

Đến tận lúc này, anh Miêu mới thở phào nhẹ nhõm đôi chút, tuy chưa cứu được đồng đội, nhưng mọi người lại tìm thấy bức điện báo và nhiều tài liệu khác nữa, có thể nói thu hoạch như thế cũng không tệ. Anh cẩn thận ghi chép lại tất cả tần suất tuần hoàn của bức điện, rồi tháo rời từng bộ phận của máy điện báo ra để mang về cùng toàn bộ bảng mã và bộ phận giải mã tự động tìm thấy trong hang. Anh Miêu muốn nhờ nhân viên chuyên ngành dịch và tìm hiểu xem nội dung bức điện báo nói gì.

Trong lúc thu dọn tài liệu xung quanh máy điện báo, nhóm anh Miêu lại phát hiện thêm một điều thú vị: họ vô tình tìm thấy một tấm bản đồ chi tiết vẽ các hạng mục ở đây, đáng tiếc là chỉ xem rõ được nửa phần trên, trong đó vẽ lại rõ ràng cấu tạo con đập, kết cấu của chiếc máy bay, thậm chí là thông tin về lưu lượng nước, hướng chảy của dòng sông ngầm.

Dựa vào tấm bản đồ, hội anh Miêu xuyên qua những nhánh rẽ của hang động, đi sâu vào hệ thống mở rộng ở bên trong, phía dưới hố sụt, rồi men theo đường dẫn của sợi dây cáp điện suốt mười mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng mới đến được con đập, đến được bờ vực sâu thăm thẳm của con sông, đó là khởi đầu của khoảng không thăm thẳm. Sau đó, họ đã trải qua một số sự kiện khác nữa, cuối cùng mới gặp được chúng tôi.

Sự việc đã được làm rõ, tôi cũng đã nắm được mạch câu chuyện, hiển nhiên anh Miêu và hội Bùi Thanh đã vào đây một cách thuận lợi, điều này khiến tôi thấy hơi xót xa, bởi vì thứ đưa chúng tôi lặn lội xuống tận động sâu chỉ là một mẩu giấy, nếu mẩu giấy đó là của một trong số bọn họ nhét vào người tôi, thì tôi cảm giác như người đó là một kẻ vô trách nhiệm đã cố tình đẩy chúng tôi vào hoàn cảnh nguy hiểm.

Nhưng về sau tôi nghĩ lại, thấy việc lọt xuống dòng sông ngầm rộng lớn đó thực ra lại là một tình huống may mắn ngoài dự kiến, nếu như không phát sinh sự việc ngoài ý muốn này, thì chúng tôi sẽ xuống khu vực bãi bồi bên dòng sông ngầm, rồi đi lạc đến đâu thì thực sự khó mà đoán được.

Vương Tứ Xuyên cũng kể lại cho hội anh Miêu nghe toàn bộ hành trình của chúng tôi, bao gồm cả việc trong đội ngũ khả năng có gián điệp nữa. Sắc mặt anh Miêu trở nên buồn rầu, bởi lẽ anh biết đội của mình lại mất thêm một người, danh sách những người chết vốn đã rất dài rồi.

Phòng điện báo – ba người chết.

Khu vực máy phát điện ở hố sụt – một người chết.

Khu vực nhà kho để máy cẩu – một người chết – Tô Chấn Hoa phát điên.

Ngoài ra, Viên Hỷ Lạc đã phát điên từ trước đó và một đồng chí mà chúng tôi không biết tên trong đội khảo sát đã vào đây lần trước, chúng tôi tìm được cả thảy bảy người, trong đó không có ai còn bình thường cả, bọn họ nếu không chết thì cũng phát điên.

Tôi hỏi anh Miêu, đã đến lúc này rồi thì anh nên kể lại mọi chuyện cho chúng tôi nghe, ít nhất cũng nói cho chúng tôi biết đội khảo sát thứ nhất có tất thảy bao nhiêu người.

Tôi nói xong thì Bùi Thanh kế bên cũng phụ họa theo, rồi Vương Tứ Xuyên, Mã Tại Hải, đội phó đều nói thêm vào. Bùi Thanh xem ra khá kích động, bởi trước đó cậu ta đã từng cãi nhau kịch liệt với anh Miêu, lần này chúng tôi đều đứng cả dậy, làm cho cậu ta càng sốt ruột, đứng ngồi không yên.

Anh Miêu và anh Đường đều im lặng, hai cậu lính trước mặt họ chắc cũng không biết gì. Nếu ở đây có người biết sự thật thì có lẽ chỉ có thể là hai người là anh Miêu và anh Đường mà thôi.

Chúng tôi kiên trì đợi thêm một lúc nữa, mọi người đều không nói gì, cuối cùng anh Miêu không chịu nổi, thở dài nói với chúng tôi: “Thôi được, thế nhưng tôi chỉ có thể tiết lộ với các cậu một chút thôi, các cậu không được hỏi thêm nữa, biết quá nhiều không tốt cho cả các cậu và tôi đâu!”

Tôi liền bảo: “Anh cứ nói ra, chúng tôi hiểu anh. Từ nay về sau chúng tôi sẽ không nhắc gì đến chuyện này nữa”.

Anh Miêu cười đau khổ, đành nhượng bộ: “Đội khảo sát này được đưa vào đây từ nửa tháng trước, tất cả có chín người, bốn chuyên gia, bốn lính chuyên ngành và một chuyên gia được đặc phái.”

“Chín người?”, Mã Tại Hải thở dài bảo: “Vậy là còn hai người nữa chưa được tìm thấy sao?”

Anh Miêu lắc đầu đáp: “Không, chỉ một người thôi.”

Mã Tại Hải bấm đầu ngón tay nhẩm tính, rồi bảo không phải, chín trừ đi bảy, còn hai chứ?

Anh Miêu chậm rãi nói: “Có một người vẫn sống, ra ngoài rồi.”

Lúc đó chúng tôi đều giật mình, ngẩn người ra, Mã Tại Hải vội hỏi người đó là ai.

Anh Miêu lim dim mắt, chỉ tay vào chính mình: “Là tôi đây!”