Đàn Hương Hình

Chương 34




Tôn Bính cưỡi con ngựa màu táo chín, đi trước dẫn đường. hai chân sau con ngựa bị trụi một vệt lông vì dây kéo miết vào, chỗ da trụi có màu đen. Cặp mông gầy giơ xương bám nhoe nhoét phân lỏng. Nhìn thoáng qua, quan huyện cũng nhận ra đây là loại ngựa kéo cày, chở phân ra đồng, nay trở thành ngựa chiến của Nhạc nguyên soái. Thương thay cho con ngựa! Đi trước ngựa là một thanh niên mặt bôi đỏ, tay cầm cây gậy trơn bóng giống cán cuốc. Đi sau ngựa là một thanh niên mặt bôi đen, tay cầm cây gậy trơn bóng giống cán xẻng. Quan huyện đoán hai người này là Trương Bảo và Vương Hoành, hai nhân vật trong “Chuyện kể Nhạc Phi”. Tôn Bính ngồi thẳng đuỗn trên lưng ngựa, một tay cầm cương, một tay cầm cây gậy gỗ táo, điệu bộ rất khoa trương. Tư thế này chỉ hợp với khung cảnh trăng lạnh biên thùy hoặc mênh mông bình nguyên… với con tuấn mã phi như gió. Quan huyện nghĩ, rất tiếc là không có ngựa chiến, mà chỉ có một con ngựa già chốc chốc lại ỉa phân lỏng, chỉ có một con đường chật hẹp bụi mù, một con gà mái đang bới rác, một con chó gầy trơ xương chạy trong ngõ. Cỗ kiệu đi theo Tôn Bính đến bên một vũng cạn rất rộng ở trung tâm thị trấn. Quan huyện trông thấy trên mặt đất khô nẻ có vài trăm đàn ông, đội khăn đỏ, thắt lưng đỏ, ngồi im như bụt. Trên một cái bệ xây bằng gạch vỡ, trước mặt đám đông, mấy người ăn mặc lòe loẹt đang gân cổ hát Miêu Xoang, làn điệu bi thảm mà lời của nó thì hai bằng tiến sĩ như quan huyện cũng chịu không rõ nghĩa:

… Chính nam thổi tới luồng gió xoáy, Hồng Thái úy đã thả bạch miêu tinh. Bạch miêu tinh, lông trắng mắt đỏ bạch miêu tinh! Chỉ hút máu tanh! Thái Thượng Lão Quân đã hiển linh… Luyện thần quyền bảo vệ Đại Thanh! Giết sạch bạch miêu tinh, lột da móc mắt, thắp thiên đăng…

Tôn Bính dừng ngựa trước một túp lều bằng chiếu mới dựng bên vũng. Con ngựa lắc lắc cái bờm rối như lá hẹ, ho khan một hồi rồi khuỵu hai chân sai ỉa ra một bãi phân lỏng. Mã tiền Trương Bảo buộc ngựa vào gốc liễu đã chết khô, Mã hậu Vương Hoành đón cây gậy gỗ táo từ tay Tôn Bính. Tôn Bính ngó kiệu của quan huyện, biểu thị một thái độ vừa kiêu kỳ vừa ngu xuẩn. Phu kiệu hạ đòn khiêng, vén rèm, quan huyện vén áo chui ra. Tôn Bính ngênh ngang bước vào trong lều, quan huyện theo sao.

Trong lều thắp hai cây nến, ánh nến leo lét, soi sáng một tranh tượng treo trên vách. Thần tượng trong tranh, đầu cài lông trĩ, mặc mãng bào, cầm có bộ râu đẹp, ba phần giống Tôn Bính, bảy phần giống quan huyện. Quan huyện nhiều năm dan díu với Tôn Mi Nương, nên hiểu rất sâu lịch sử Miêu Xoang. Ông biết người trong tranh là Thường Mậu, ông tổ Miêu Xoang, giờ đây Tôn Bính thỉnh về làm thần hộ mệnh cho Nghĩa hòa quyền. Quan huyện vừa bước vào trong lều thì nghe có tiếng thị uy phát ra từ trong bóng tối, định thần nhìn kỹ, thấy tám man đồng đứng hai bên, bốn mặt đỏ, bốn mặt đen, quần áo trên người cũng bốn đen bốn đỏ, cựa một cái là sột soạt như bằng giấy. Quả nhiên là bằng giấy. Các man đồng đều cầm gậy, và đều là cán cuốc. Quan huyện càng coi thường Tôn Bính, tưởng nhà ngươi có cái gì mới mẻ kia, té ra vẫn mấy cái trò lăng nhăng quen thuộc trên sân khấu ở nông thôn. Nhưng ông biết, người Đức không cho là lăng nhăng, triều đình và Viên Thế Khải không cho là lăng nhăng, hơn ba nghìn trấn Mã Tang không cho là lăng nhăng, những thanh niên thường trực trong lều không cho là lăng nhăng, người cắm đầu là Tôn Bính càng không cho là lăng nhăng.

Cùng với tiếng thông báo, Tôn Bính khệnh khạng bước tới chiếc ghế co tay vịn bằng gỗ pơ mu, điệu bộ rất kịch, ngồi xuống vá dài giọng hỏi:

- Tướng kia hãy thông báo họ tên!

Quan huyện cười nhạt:

- Tôn Bính, nói theo kiểu Cao Mật các ông, ông đừng có xỏ chân lỗ mũi. Bản quan đến đây, một không phải đến nghe hát, không phải đến cùng ông diễn Miêu Xoang. Ta đến bảo ông điều này…

- Ngươi là thằng đếch nào mà dám ăn nói như thế với nguyên soái ta – Mã tiền Trương Bảo cầm gậy chỉ vào mũi quan huyện – Nguyên soái nhà ta thống lĩnh hàng ngàn binh mã, lớn hơn nhiều so với cái huyện bé tí của ngươi.

- Ông đừng quên – Quan huyện vuốt râu, nhìn chằm chằm vào cái cằm lỗ chỗ như người bị chốc đầu, hỏi – Tôn Bính, vì sao râu của ông không còn nữa?

- Biết ngay tên gian tặc này làm chuyện ấy. Ta còn biết, trước khi đọ râu, nhà ông đã chải râu bằng keo nước trộn với muội than, nếu biết, chắc ta không thua ông. Ta thua thì đã đi một nhẽ, trước mặt mọi người, ông tuyên bố tha cho ta rồi lại sai người vặt râu ta.

- Ông muốn biết ai vặt râu ông không?

- Chẳng lẽ nhà ông?

- Ông đoán đúng – Quan huyện bình tĩnh nói – Hiển nhiên là râu ông đẹp hơn râu của ta, nếu ta không ra tay trước, chắc chắn ta sẽ thua. Trước mặt mọi người, ta tha ông để các hương hiền thấy ta là người khoan hồng độ lượng; đến đêm ta che mặt vặt rau ông để trị cái thói ngông của ông, để ông làm con người biết điều.

- Tên quan chó má! – Tôn Bính đập bàn giận dữ đứng lên – Các con, bắt thằng chó cho ta, vặt sạch râu nó đi cho ta. ngươi biến cằm ta thành bãi đất phèn, ta phải biến cằm ngươi thành sa mạc Gôbi.

Trương Bảo, Vương Hoành vác côn lăm le xông vào, tám tên man đồng hó hét trợ oai.

- Ta đây mệnh quan triều đình, đường đường một tri huyện, xem thằng nào dám đụng vào cái lông chân của ta – Quan huyện nói.

Mắng Tiền Đinh vô ý vô tình… Ngươi như con thiêu thân rơi trúng tay ta… mối thù này hôm nay phải báo…

Tôn Bính vừa hát điệu Miêu Xoang vừa vác gậy xông tới…

Bớ tên giặc… nhằm đỉnh đầu quan huyện bổ một gậy.

Quan huyện né sang bên, bổ hụt, ông tiện tay tóm được gậy dúi một phát, Tôn Bính ngã bổ chửng.

Trương Bảo, Vương Hoành nhảy xổ vào ông huyện. Ông huyện nhẹ nhàng nhảy lui một bước như một con mèo đực, rồi tung mình nhảy tới linh hoạt như một chú gà trống, Trương Bảo, Vương Hoành dập đầu vào nhau đánh “cốp” một cái, hai cây gậy đã lọt vào tay quan huyện không biết từ lúc nào! mỗi tay một gậy, ông vụt Trương Bảo bên trái, ông vụt Vương Hoành bên phải, chửi:

- Đồ khốn, cút!

Trương Bảo và Vương Hoành ôm mặt kêu rối rít rồi chuồn ra bên ngoài. Quan huyện vứt bớt một cây gây, chỉ giữ lại một cây, quát:

- Bọn đốn mạt các ngươi, đợi ta nện cho các ngươi một trận hay cút đi cho khuất mắt!

Tám tên man đồng thấy tình thế rắc rối, tên thì vứt, tên kéo lê gậy chuồn sạch. Quan huyện túm cổ áo Tôn Bính, nhắc khỏi mặt đất, hỏi:

- Tôn Bính, ngươi phải nói thật, ba người Đức giam ở đâu?

- Họ Tiền kia, ngươi giết ta đi! – Hát:

Ta đây nhà tan, người mất, cô quạnh một mình. Sống thì sống, chết thì chết, tim ta không sờn…

- Người Đức giam ở đâu?

- Chúng ấy à? - Tôn Bính cười nhạt, lại cất tiếng hát:

Hỏi những tên chó Đức ở đâu, lòng ta lại nổi cơn thịnh nộ. Chúng đang ngủ trên trời, chúng đang nấp dưới đất, chúng đang trong rãnh nước, chúng đã chui vào bụng chó, nấp dưới xương sống lưng…

- Ngươi giết họ rồi hả?

- Chúng đang sống nhăn, ngươi có giỏi thì đi mà tìm!

- Tôn Bính – Quan huyện buông tay, thái độ chuyển sang thân thiết – Ta nói thực với ông, người Đức đã bắt giam con gái ông. Nếu ông không trả người cho họ, thì họ sẽ treo Mi Nương trên cổng thành.

- Thích treo thì cứ treo! – Tôn Bính nói – Con gái là con nhà người, ta không thể giúp gì con ta!

- Tôn Bính, Mi Nương là con gái độc nhất của ông, đừng quên ông nợ cô ấy nhiều lắm – Quan huyện nói – Nếu ông không giao cho ta những người Đức, thì hôm nay ta buộc phải bắt ông! – Quan huyện túm tay Tôn Bính ra khỏi lều.

Lúc này, mấy trăm người đội khăn đỏ, thắt lưng đỏ dưới sự chỉ huy của một người mặc trang phục sân khấu, ùn ùn chạy lên, vây Tôn Bính và quan huyện vào giữa. Người kia mặc quần da hổ, vẽ mặt khỉ, tay cầm cây gập sắt, nhảy vào giữa vòng người, trỏ gậy sắt vào quan huyện, nói giọng tỉnh ngoài:

- To gan! Tên yêu nghiệt ở đâu đến nhục mạ nguyên soái ta?

- Huyện lệnh đâu mà huyện lệnh! Rõ ràng là yêu nghiệt hóa thành người! Các con, phá bùa phép của nó cho ta!

Quan huyện chưa kịp phản ứng thì đã bị máu chó đổ đầy đầy mặt từ phía sau, tiếp theo là phân đầy người. Ông vốn ưa sạch, cả đời chưa bao giờ bị bẩn như thế này, ruột gan lộn cả lên chỉ muốn nôn ọe, phải buông Tôn Bính ra.

- Tôn Bính, chính ngọ trưa mai trao đổi con tin ở bên ngoài cửa Bắc, nếu không, con gái ngươi sẽ bị hành hạ đến chết. – Quan huyện vuốt mặt, mở mắt ra, tuy bẩn kinh khủng, nhưng ông vẫn tỏ ra cứng rắn – Ông không được coi lời ta như gió thoảng ngoài tai.

- Đánh chết nó đi! Đánh chết tên quan chó má đi! – Đám đông hét to.

- Bà con nông dân, ta chỉ muốn tốt cho các vị! – Quan huyện nói rất thành khẩn – Ngày mai trả con tin đi, sau đó muốn làm gì thì làm! Đừng theo Tôn Bính làm bậy nữa – Quan huyện nói với vị sư huynh Nghĩa hòa quyền bằng giọng châm biếm – Còn hai vị thì Tuần phủ Viên đại nhân có nghiêm lệnh giết sạch Nghĩa hòa đoàn, không để sót một mống, nhưng hai vị từ xa đến đây thì là khách, bản huyện bảo lãnh cho hai vị, mở cho hai vị con đường sống. Vậy hai vị nên mau rời khỏi nơi này, binh mã của tỉnh mà về đây thì muốn đi cũng không kịp.

Hai đại ca sắm vai Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới ngẩn người. Nhân đà, quan huyện bảo Tôn Bính.

- Tôn Bính, chuyện quan hệ đến mạng sống của con gái ông, ông không được bội ước. Trưa mai, đúng gờ ngọ, tại đầu cầu cách cửa Bắc huyện thành ba dặm, ta đợi ông ở đấy. Rồi quan huyện rẽ đám đông, bước những bước dài trên đường phố chính. Bọn phu kiệu hối hả khiêng kiệu chạy theo. Quan huyện nghe thấy Tôn Ngộ Không hát điệu Miêu Xoang:

Nghĩa hòa quyền, thần giúp quyền, giết hết dương quỉ giữ Trung nguyên, Nghĩa hòa quyền, giỏi như thần, đao thương kiếm thích không thể đâm…

Ra khỏi trấn, quan huyện chạy như bay. Các phu kiệu, bọn lính huyện chạy theo như một đàn dê. Họ ngửi thấy mùi thối trên người quan huyện, nhìn thấy các màu đỏ đỏ vàng vàng trên người ông, buồn cười mà không dám cười, muốn khóc mà không khóc nổi, định hỏi lại không dám, đành ra sức mà chạy theo. Đến cầu bắc qua sông Mã Tang, quan huyện nhảy ùm xuống sông, nước bắn tung tóe. Xuân Sinh và Lưu Phác đồng thanh kêu to:

- Đại nhân…

Họ nghĩ quan huyện tự vẫn, nên chạy vội đến bờ sông định nhảy xuống thì đã thấy đầu quan huyện nổi lên. Tháng Tư vẫn còn lạnh, nước sông màu xanh lưu ly, quan huyện cởi quan phục ra giặt, rồi sau đó giặt mũ.

Quan huyện sau khi tắm rửa sạch sẽ, được các tùy tùng trợ giúp, lóp ngóp lên bờ, người run cầm cập, lưng cúi gập. Ông mặc áo của Xuân Sinh, quần của Lưu Phác rồi lên kiệu. Xuân Sinh phơi bộ quan phục lên nóc kiệu, Lưu Phác phơi mũ quan trên tay đòn kiệu. Các phu kiệu vội khiêng kiệu về huyện, có đam lính rồng rắn đi theo. Quan huyện nghĩ:

- Mẹ kiếp, y như một tên gian phu trong vỡ diễn!

Cái tin người Đức bắt giam Tôn Mi Nương là do quan huyện bịa ra, hoặc cũng do linh cảm, nếu Tôn Bính tiếp tục giam giữ con tin, thì người Đức sẽ làm như thế. Ông đem theo vài tùy tùng thân tín, Caclôt cũng đem theo chừng ấy người đến địa điểm đã hẹn: đầu càu cách cửa Bắc ba dặm, đợi Tôn Bính. Quan huyện không nói với Caclôt chuyện trao đổi con tin, mà nói Tôn Bính đã hối cải, đồng ý trả lại con tin. Caclôt nghe vậy rất vui, qua phiên dịch, nói rằng nếu các con tin được tha, thì sẽ đến gặp Viên đại nhân xon cho quan huyện. Quan huyện cười buồn, trong lòng thấp thỏm không yên. Vì rằng, qua những lời ỡm ờ của Tôn Bính, ông đồ chừng những người Đức lành ít dữ nhiều. Ông cầu may mà đến, do vậy không hề nói chuyện Mi Nương với ai. Với Xuân Sinh và Lưu Phác, ông chỉ dặn đem theo một cỗ kiệu hai người, trong kiệu để một tảng đá.

Mặt trời đã lên cao, Caclôt rất sốt ruột, chốc chốc lại xem đồng hồ và qua phiên dịch, gặng hỏi xem liệu Tôn Bính có giở trò gì không? Quan huyện ậm ừ cho qua chuyện, không trả lời thẳng vào câu hỏi. Lòng như lửa đốt, nhưng bên ngoài ông cố làm ra vui vẻ thoải mái, nhờ anh chàng phiên dịch cằm nhọn:

- Ông giúp tôi hỏ tiên sinh Caclôt một câu, sao mắt ông ta xanh thế?

Anh chàng phiên dịch ngớ ra, không biết đối phó ra sao. Thế là quan huyện cười khanh khách.

Một đôi chim khách líu ríu trên cây liễu đầu sông, lông cánh màu sắc phân minh, trắng đen rành rẽ, thấp thoáng giữa đám tơ liễu buông mành, đẹp như tranh thủy mạc. Bên kia sông có mấy người dân đẩy xe, gồng gánh từ con đường nhỏ lên mặt đê, nhưng khi lên đến nơi, trông thấy con ngựa cao lớn của Caclôt và cỗ kiệu bốn người của quan huyện, họ hốt hoảng quay lui.

Giữa trưa, trên con đường đất mạn bắc, một đoàn rồng rắn đi lại. Caclôt vội lấy ống nhòm ra xem, quan huyện cũng đưa tay lên ngang mày che nắng để nhìn. Ông nghe tiếng Caclôt kề bên:

- Tiền, không có, tại sao không có?

Quan huyện đón chiếc ống nhòm từ tay Caclôt, đoàn người xa xa hiện ra trước mắt. Ông thấy Tôn Bính vẫn mặc trang phục sân khấu rách tả tơi, vẫn cây gậy gỗ táo, vẫn con ngựa già, nụ cười trên mặt không hiểu là ngu si hay ranh mãnh! Đi trước ngựa vẫn là Trương Bảo gầy như khỉ, đi sau ngựa vẫn là Vương Hoành ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới cưỡi ngựa đi sau. Sau lưng họ có bốn thợ kèn, hai thổi Sôlana, hai thổi kèn bầu. Sau nhóm kèn là cỗ xe bánh gỗ do la kéo, trên xe quây kín bằng chiếu cói. Sau cỗ xe là một đám hơn chục người đội khăn đỏ, tay cầm súng. chỉ người Đức là không thấy. Quan huyện lạnh người, mắt nhòa đi, tuy đúng như đã lường trước, nhưng ông vẫn le lói tia hy vọng, rằng trong xe có ba người Đức. Quan huyện trả ống nhòm cho Caclôt, tránh cái nhìn của lão ta. Ông ước lượng sức chứa của cỗ xe để xem liệu có ba người Đức ở trong đó không? Ông nghĩ đến hai kết quả, một, trên xe có ba lính Đức; hai, trên xe có ba cái xác lính Đức. Ông vốn không mê tín trời đất quỉ thần, nhưng lúc này ông thầm xin trời đất thần linh phù hộ ba tên lính Đức xuống xe yên lành, hoặc khiêng xuống cũng được, chỉ cần còn hơi thở, sự việc sẽ được giải quyết đâu vào đấy. Nếu xuống xe là ba cái xác thì hậu quả sẽ ra sao, quan huyện không dám nghĩ tiếp. Rất có thể là trong cuộc đổ máu, một cuộc đại tàn sát, lúc ấy thì cá nhân thăng gián ra sao có đáng kể gì!

Trong lúc quan huyện suy nghĩ miên man, thì đội ngũ của Tôn Bính đã kế cận đầu cầu. Giờ thì không cần ống nhòm, quan huyện cũng nhìn rõ từng chi tiết. Ông quan tâm cỗ xe bí hiểm. Lắc lư trên con đường gồ ghề, cỗ xe chở cái gì rất đáng kể, nhưng không thật nặng. Hai bánh cao lêu đêu chậm rãi lăn, phát ra tiếng kin kít. Đoàn người đến đầu cầu thì dừng lại, đội kèn cũng dừng thổi. Tôn Bính thúc ngựa lên mặt đê, cao giọng tự bạch:

- Ta, Nguyên soái Đại Tống Nhạc Phi. tướng kia mau xưng rõ tên họ?