Đạt Ma Kinh

Chương 18: Giương Đông kích Tây tạo lối thoát - Hắc Tử lâm thành lối đào sinh




Chạy một hơi được mười dặm đường về phía Tây, Dư Hải Bằng bèn quay sang hướng chính Nam! Lúc này đã sắp tàn canh ba nên bầu không khí càng lúc càng âm u hoang vắng!

Đi thêm năm dặm nữa, Dư Hải Bằng đặt gã nọ nằm dựa vào một thân cây bên cạnh con đường quan đạo dẫn đi khỏi Hán Dương thành!

Chàng tự tay lột bỏ lớp lụa mỏng, mang dung mạo của nhân vật cao niên trên mặt gã nọ ra! Sau khi cất lớp lụa mỏng đó vào người, chàng lại lột bỏ lớp mặt nữ nhân của chàng và mang vào mặt gã nọ! Đúng lúc đó, khi Dư Hải Bằng định sửa lại y phục cho gã thì gã đột nhiên bật lên tiếng rên :

- Ư... ư... ư...

Mừng rỡ, Dư Hải Bằng vừa lay vừa khẽ gọi gã :

- Huynh đài! Huynh đài! Là tại hạ đây! Dư Hải Bằng đây!

Gã gượng mở mắt ra nhìn chăm chú vào gương mặt thật của Dư Hải Bằng! Gã khe khẽ lên tiếng :

- Là ngươi đấy ư? Chúng ta... chúng ta đã thoát rồi sao?

Dư Hải Bằng mỉm cười và trấn an gã :

- Huynh đài nhìn xem! Đây là con đường đi khỏi Hán Dương thành đấy. Huynh đài nghỉ ngơi một lúc cho khỏe. Sau đó muốn đi đâu thì đi. Tại hạ còn phải quay lại đã!

Nói xong, Dư Hải Bằng vươn người đứng dậy định bỏ đi như lời chàng vừa nói.

Gã nọ vội vàng kêu lên :

- Ngươi phải quay lại à? Tại sao chứ?

Dư Hải Bằng chỉnh dung và nghiêm giọng khi đáp lại :

- Nếu cả hai chúng ta tiếp tục bỏ đi thì bọn chúng ắt phải đuổi theo thôi! Huống chi tại hạ chỉ đánh lừa lão Y Thần được một lúc thôi, trước sau gì lão cũng đoán được ý đồ của tại hạ. Huynh đài hãy an tâm mà lên đường, tại hạ còn phải làm cho bọn chúng thất điên bát đảo một trận nữa mới xong. Hẹn gặp lại nha!

Vút!

Không chờ cho gã nọ có đồng ý hay là không, Dư Hải Bằng đã đi mất dạng để lại cho gã một ấn tượng khó phai về Dư Hải Bằng.

Và rồi, liền lúc đó lại có tiếng người chạy đến. Gã điếng hồn, ngỡ là bọn U Minh giáo xuất hiện!

Nhưng không phải! Vì có tiếng Dư Hải Bằng ấm áp vang lên :

- Suýt nữa tại hạ quên mất, huynh đài bây giờ đang là thân phận nữ nhi đó! Cáo biệt!

Vút!

Một lần nữa, Dư Hải Bằng lại bỏ đi, và lần này chàng đã làm cho gã nọ phải hoang mang lo ngại!

Gã đưa tay sờ nắn khắp người, ở bên ngoài lớp y phục! Và khi gã sờ đến gương mặt của gã thì gã mới hiểu Dư Hải Bằng muốn ám chỉ điều gì khi nói gã mang thân phận nữ nhi!

Gã cào bỏ lớp lụa ở trên mặt xuống với thái độ trân trọng khác thường! Chính lớp lụa này Dư Hải Bằng đã mang trên mặt, rồi chính chàng đã tự mang vào cho gã!

Gã xếp gọn và cất vào người gã! Sau đó, gã đứng lên đi vào một chỗ khuất gần đó dù bấy giờ bầu trời vẫn là đêm đen.

Một lúc sau, gã lại bước ra. Không! Không phải là gã nữa, mà bây giờ là một giai nhân có sắc đẹp thiên kiều bá mị!

Gã đã cải trang thế nào mà khéo quá! Chẳng trách lúc đầu chính Dư Hải Bằng đã nói đùa rằng : “Nếu lão bá bá giả dạng nữ nhân không khéo sẽ phù hợp hơn tiểu điệt nữ đó!”

Có lẽ gã đang nghĩ đến điều đó nên gã bỗng mỉm cười thích thú. Và nụ cười của gã đâu khác gì nụ cười mê hồn của Bao Tự thuở xưa! Có thể nói nếu ai nhìn vào gã lúc này sẽ mười phần tin đến mười gã chính là khách má hồng mà không sợ lầm!

Gã tần ngần một lúc khi đã đặt chân lên đường quan đạo! Sau đó, sau khi ra chiều nuối tiếc, nàng giai nhân xinh đẹp mới chậm chạp bước đi, ly khai khỏi Hán Dương thành!

* * * * *

Sau khi vội vã bỏ đi, Dư Hải Bằng ngược Bắc năm dặm, sau lại rẽ về hướng Đông!

Đúng như chàng đã dự liệu, lão Y Thần và một bọn bảy tám tên đang giăng thành hàng chữ nhất, như muốn lùng sục chàng vậy!

Và cũng như chàng đã dự định, chàng vừa thấy bọn chúng liền ào ào lao ra.

- Đỡ!

Vù... Vù...

Ầm! Ầm! Ầm!

Ngay chưởng đầu tiên với thập thành công lực, Dư Hải Bằng đã loại bỏ được ba tên! Đoạn chàng nhanh tốc thi triển Túy Tiên bộ pháp đan qua đan lại giữa số địch nhân còn lại.

Có tiếng lão Y Thần quát lên :

- Phóng tín hiệu gọi Tam Khách Khanh hộ pháp mau! Tiểu súc sinh! Xem đây!

Sùy... Sùy...

Mặc cho lão Y Thần muốn kêu la gì thì cứ kêu, Dư Hải Bằng cũng không bận tâm đến vệt cháy sáng màu hồng nhuận đang vẽ trên không trung! Song chưởng của chàng liền cùng một lúc quật ra hai ngọn chưởng kình khi chàng tận dụng Túy Tiên bộ pháp làm rối loạn nhãn quang của bọn chúng!

Rồi nhân lúc bọn chúng đứng tùm tụm lại với nhau, chàng bèn thoát ra và phát chưởng! Đây chính là chưởng Thiên Địa Giao Thái mà lần thi triển này là lần thứ hai!

Lần trước, trong lốt một nhân vật cao niên, Dư Hải Bằng đã dùng tuyệt chưởng này đấu kình thủ của Giáo chủ U Minh giáo! Qua đó, chàng mới biết lão chính là Giáo chủ thật sự! Bằng không thì lão khó lòng toàn mạng với chiêu chưởng bá đạo này của chàng.

Còn lần này, tuy đối phương có đến năm người nhưng phần vì Dư Hải Bằng đánh ra xuất kỳ bất ý, phần khác là vì công phu của chàng lúc này đã hơn hẳn lúc trước. Vì thế, sau một tiếng nổ long trời lở đất thì...

Ầm! Ầm! Ầm!

Hự! Hự!

Thêm hai tên nữa phải xuống ngay Uổng Tử thành!

Vút!

- Ha ha ha...

Dư Hải Bằng thích chí cười vang và lập tức xuôi Nam.

Lão Y Thần hậm hực quát tướng lên :

- Đuổi theo!

Tuy bỏ chạy, nhưng Dư Hải Bằng luôn chăm chú quan sát và nghe ngóng khắp tứ bề. Nhờ đó, khi Dư Hải Bằng để cho lão Y Thần rượt đuổi theo được nửa dặm thì chàng đột ngột dừng chân, sau lại quay đầu chạy ngược về phía lão Y Thần.

Đột nhiên thấy đối phương quày đầu chạy ngược lại là thế, lão Y Thần mừng nhiều hơn là kinh ngạc. Do đó, lão vừa xô kình ra vừa quát lên :

- Tiểu tử! Nạp mạng đi nào!

Ào! Ào! Ào!

Vụt! Vụt!

Vù... Vù...

Ầm! Ầm! Ầm!

- Ha ha ha...

Ngọn chưởng kình tận lực bình sinh của lão Y Thần còn cách ngực Dư Hải Bằng độ nửa trượng thì Dư Hải Bằng liền cảm nhận được một luồng lực đạo khá mạnh bạo hơn thập phần đang nhằm vào hậu tâm chàng mà lao đến. Chủ nhân của ngọn chưởng phía sau nếu không phải là Tam Khách Khanh hộ pháp thì còn là của ai bây giờ? Do vậy, lựa đúng dịp này, Dư Hải Bằng bèn nhanh nhẹn thi triển bộ pháp Túy Tiên, lao sang hẳn một bên. Và chuyện gì đến thì phải đến.

Chưởng lực của lão Y Thần và của vị Tam Khách Khanh hộ pháp liền va thẳng vào nhau. Và đương nhiên là lão Y Thần phải cam bề lép vế. Còn may cho lão Y Thần họ Kha là vị Tam Khách Khanh hộ pháp đã kịp thời thu bớt chân lực về khi nhận thấy có điểm khác lạ. Bằng không thì lão Y Thần sẽ biến thành ma thần rồi.

Còn Dư Hải Bằng thì nhanh tốc đảo người, vận dụng Thiên Thốn địa xúc thân pháp lao đi như tên bắn về hướng nam.

Tiếng cười cuồng ngạo của chàng như chọc giận lão Y Thần hơn. Lão bèn ném một lúc những ba ngọn tín hiệu một xanh, một vàng và một đỏ bay thẳng lên trên không. Đấy là tín hiệu mang ý nghĩa triệt thoát toàn bộ mọi chốt chặn và lập tức kéo cả về phía có phát tín hiệu.

Đoạn lão cũng hộc tốc đuổi theo, dù vị Tam Khách Khanh hộ pháp chỉ còn hơn trượng nữa là sẽ tóm được Dư Hải Bằng.

Dư Hải Bằng dù tài cao mật lớn, dù hùng tâm có cao đến đâu đi nữa thì chàng không quên rằng nhị thần, Kỳ, Bốc vẫn không là đối thủ của vị Tam Khách Khanh hộ pháp kia. Mà nếu Dư Hải Bằng đoán định không lầm thì vị Tam Khách Khanh hộ pháp kia chính là Hắc Diện Ma, một trong Tam ma vừa thoát khỏi bẫy giam cầm hằng năm mươi năm là Hắc Tử lâm.

Do đó, đối với nhân vật đang truy đuổi theo sau Dư Hải Bằng, chàng vẫn luôn có tâm trạng kinh cung chi điểu, không đợi đánh đã vội bỏ chạy. Bất quá, Dư Hải Bằng chỉ ỷ trượng vào thân pháp Thiên Thốn địa xúc và bộ pháp Túy Tiên thập phần biến ảo mà thôi.

Nhưng dẫu sao khoảng cách một trượng hơn giữa Dư Hải Bằng và vị Tam Khách Khanh hộ pháp vẫn là một khoảng cách khá an toàn, đủ cho Dư Hải Bằng vừa vận dụng khinh thân pháp vừa đề phòng đòn tập kích phía sau của địch nhân nếu có.

Quả nhiên, khi Tam Khách Khanh hộ pháp rút ngắn khoảng cách chỉ còn bảy thước, nghĩa là già nửa trượng một chút thì lão bật cười lên khằng khặc :

- Hắc... hắc... hắc... Nộp mạng đi thôi, tiểu tử!

Vù... Vù...

Vút! Vút! Vút!

Phải ba lần dịch thân theo Túy Tiên bộ pháp thì Dư Hải Bằng mới tránh được ngọn kình phong mạnh bạo chưa từng thấy của Tam Khách Khanh hộ pháp vung ra.

Không dám chần trờ, Dư Hải Bằng vội vàng cắm đầu bỏ chạy.

- Hừ! Tiểu nhi tử trá ngụy lắm! Nhưng không thoát được lão tử đâu!

Vút!

Vút!

Vốn đang kinh hãi thì Dư Hải Bằng còn kinh hãi hơn thập bội khi nghe Tam Khách Khanh hộ pháp hăm dọa như thế. Chàng cuống cuồng lao đi, không còn định hướng được nữa. Nói đúng ra thì bây giờ chàng đâu cần chạy theo hướng chính nam nữa, vì gã nọ có lẽ lúc này đã vô sự rồi. Vì thế, cứ có lối là Dư Hải Bằng cứ chạy.

Chạy được năm mươi, sáu mươi trượng đường thì lại một lần chàng phải thi thố sở năng qua Túy Tiên bộ pháp để tránh kình tập kích của lão đại ma đầu quá đổi hiểm ác.

Mục đích khi chàng thi triển Túy Tiên bộ pháp là còn làm cho vị Tam Khách Khanh hộ pháp phải rối loạn nhãn quang, nhờ đó, Dư Hải Bằng mới có cơ hội để tháo chạy tiếp.

Cục diện đột nhiên hình thành một cuộc rượt đuổi vô tiền khoáng hậu giữa một kẻ chạy chết và một người quyết phải hạ thủ đối phương và còn là cuộc so tài về khinh công, về trí tuệ giữa hai nhân vật mà bản lãnh thì chênh lệch nhau một trời một vực.

Và còn lý thú hơn khi lão Y Thần và toàn bộ nhân số U Minh giáo giáo đồ từ tám phương tứ hướng đổ xô về để cùng tham dự cuộc đuổi bắt.

Cổ nhân có nói “giặc cùng chớ đuổi” vì “thú cùng đường sinh liều lĩnh”. Nhưng bọn chúng không nghĩ đến điều này. Và Dư Hải Bằng thì dù có nhớ đến đi chăng nữa, thì chàng không dại gì phải tỏ ra liều mạng để chết uổng.

Sự huyên náo càng lúc càng lớn, gây xao động một góc trời Hán Dương thành vì cuộc rượt đuổi này.

Và không ít lần Dư Hải Bằng lâm vào tình thế lưỡng đầu thọ địch. Đằng sau thì Hắc Diện Ma đuổi bén gót, đằng trước là bọn giáo đồ U Minh giáo. Những lần như thế, chỉ có tâm cơ mẫn tiệp và giác quan nhạy bén của Dư Hải Bằng đã có từ khi chàng còn là kẻ chuyên đào xác thú ở Thiên Sơn mới cứu được chàng mà thôi.

Giữa một bọn lúc nhúc có khi đến mười tên giáo đồ đứng chận phía trước mong bắt được chàng, thì chàng nửa dọ dẫm nửa áng chừng để thi thố Túy Tiên bộ pháp. Và chàng đã len được giữa bọn chúng mà thoát đi không mấy khó khăn.

Chính những lúc đó thì bọn giáo đồ U Minh giáo lại biến thành cái đích cho vị Tam Khách Khanh hộ pháp trút nỗi niềm tức giận. Vì bọn chúng vô hình chung đã trở thành vật cản cho Dư Hải Bằng thoát đi, là chướng ngại vật khiến cho Tam Khách Khanh hộ pháp đã chậm còn chậm hơn.

Những lúc như thế đó mới thấy hết sự hung ác của Hắc Diện Ma mà ác danh còn lưu lại trên giang hồ, dù Tam ma đã bị Vô Cực Tái Lão Quân giam cầm ở Hắc Tử lâm những năm mươi năm.

Cố nhân có nói “non sông dễ biến đổi, chứ tâm tánh con người thì vô phương hoán cải”!

Tam Khách Khanh hộ pháp vừa vung loạn chưởng kình vào bọn giáo đồ U Minh giáo xấu số dám chận bước tiến của lão, vừa gầm thét vang dội :

- Bọn bị thịt! Cút hết đi cho lão tử!

Ầm! Ầm!

- Lũ vô dụng! Còn không mau tránh đường!

Ầm! Ầm!

- Quân ăn hại! Đáng chết!

Ầm! Ầm!

Cứ thế, Dư Hải Bằng di chuyển đến đâu thì tuồng như có cảnh máu đổ thịt rơi đi theo đến đấy.

Mãi rồi bọn giáo đồ U Minh giáo phần vì sợ, phần vì mỏi mệt đã bỏ cuộc lần lần.

Lão Y Thần họ Kha cũng thế. Và thế là đã đến lúc Dư Hải Bằng lâm nguy.

Chàng tuy có nhiều cơ hội được lơi chân phần nào, nhưng bấy nhiêu đó đâu đủ để cho Dư Hải Bằng lấy lại phần chân lực đã đổ ra khi chàng phải liên tục chạy hơn một canh giờ?

Do đó, khi canh năm sắp tàn, lúc Dư Hải Bằng không còn bao nhiêu hơi sức thì âm thanh giận dữ của vị Tam Khách Khanh hộ pháp như hiển hiện ở kề sát bên thân chàng rồi!

- Tiểu nhi tử! Ngươi còn chạy được nữa sao? Đỡ!

Vù... Vù...

Vút! Vút!

Hồn phi phách tán, Dư Hải Bằng may mà thoát được thêm một lần nữa. Chàng kinh tâm đến độ chàng vừa nhìn thấy một cụm rừng vẫn còn tối đen như mực ở phía trước thì chàng liền vội vã lao đến đó.

“Gặp rừng chớ vào”, lời nói không còn có ý nghĩa gì với Dư Hải Bằng nữa khi chàng đang chạy trối chết.

Nhưng đối với Tam Khách Khanh hộ pháp thì khác hẳn. Vì lão đột nhiên gầm lên như điên như dại :

- Tiểu tử bất trí! Muốn chết!

Ào! Ào! Ào!

Vút! Vút!

Ầm! Hự!

Không hiểu là do sức lực thần kỳ nào đã giúp cho vị Tam Khách Khanh hộ pháp, khi lão có thể cách Dư Hải Bằng một trượng rưỡi lại có đủ chân lực để đập trúng Dư Hải Bằng một kích?

Vì bình thường lúc lão phát chưởng thì Dư Hải Bằng cũng đang trên đà chạy tới.

Do đó khoảng cách một trượng rưỡi phải kể là ba đến bốn trượng nữa không chừng.

Và Dư Hải Bằng sau khi trúng chưởng đã phải kêu lên một tiếng kêu đau đớn, đồng thời chàng cũng bị dư kình đẩy tuốt vào trong cánh rừng tối thâm u kia.

Thế là hết! Dư Hải Bằng chỉ còn cách đứng yên, chờ cho vị Tam Khách Khanh hộ pháp đoạt mạng chàng chỉ với một chưởng nữa mà thôi.

Tuy nhiên, liền ngay lúc đó, Dư Hải Bằng đột nhiên cảm nhận được có điều khác lạ đang xảy ra.

Lão Tam Khách Khanh hộ pháp dường như đã quá chậm tay khi ra thêm một chưởng tối hậu nữa thì phải.

Dư Hải Bằng quay người lại. Và chàng liền nhận ra thái độ có vẻ phân vân chần chừ của lão khi lão cũng đang dừng chân đứng cách chàng hai trượng hơn.

Rất tiếc là gương mặt của lão đã bị một vuông lụa che kín nên Dư Hải Bằng không sao nhìn được sắc diện của lão.

Kinh nghi trước thái độ kỳ quặc của lão, Dư Hải Bằng quay ngang quay dọc nhìn lại vị trí chàng đang dừng chân đây.

“Ồ! Thì ra đây lại là Hắc Tử lâm à? Lão đang sợ? Không lẽ lão không biết rằng Hắc Tử lâm không còn là chốn nguy hiểm nữa hay sao? Nếu thế thì lão Giáo chủ U Minh giáo vẫn chưa cho bọn giáo đồ và Tam ma biết việc gì đã xảy ra ở Hắc Tử lâm sao? Hay quá! Vậy thì Dư Hải Bằng ta có cơ hội để thoát thân rồi”.

Xoay chuyển ý nghĩ thật nhanh, Dư Hải Bằng cất giọng hào hển vì mệt và hô hoán lên :

- Sao rồi lão ma? Có phải lão là một trong Tam ma năm xưa từng bị khốn đốn ở Hắc Tử lâm không? Đấy! Hắc Tử lâm đấy! Lão có giỏi thì tiến vào đây để bắt ta đi?

- Sao? Lão không dám à? Lão sợ rồi sao? Ha ha ha! Vậy thì lão còn chờ gì nữa mà không cút đi! Ha ha ha... Cút đi! Ôm đầu mà lui đi, lão ma!

Song thủ của lão ma cứ run lên từng chặp. Và như không dằn được nữa, lão ma liền nâng thẳng song thủ ra trước ngực. Lão gầm lên :

- Đáng chết!

Vù! Vù! Vù!

Ào! Ào! Ào!

Đúng như ý định của Dư Hải Bằng, chàng cũng vội vàng nâng song thủ lên và đánh ra tuyệt chiêu “Thiên Địa Giao Thái” với thập phần chân lực.

Ào! Ào! Ào...

Ầm!

Ầm! Ầm!

Vút! Hự! Vèo!

Ngay lúc chiêu Thiên Địa Giao Thái được đánh ra thì Dư Hải Bằng đã hờm sẵn tư thế. Và khi chiêu thức đó tự gây thành tiếng chấn kình thì Dư Hải Bằng vội vàng nhún mình lên và búng ngược thân về phía hậu. Kịp lúc đó, sóng kình bài sơn đảo hải của lão ma liền lao đến, đưa thân hình Dư Hải Bằng lao đi nhanh hơn vào Hắc Tử lâm.

Dù không đau đớn là mấy, nhưng Dư Hải Bằng cũng phải phát ra một tiếng kêu đau đớn cho lão ma phần nào hả dạ.

Để rồi Dư Hải Bằng chạy luôn vào trong Hắc Tử lâm, còn lão ma thì chỉ biết đứng nhìn với tâm trạng ngổn ngang trăm mối.

Trong khi lão ma đứng thừ người trước Hắc Tử lâm để miên man nghĩ về quá khứ, thì Dư Hải Bằng vội vã thoát ra khỏi Hắc Tử lâm theo lối thoát lúc trước. Đấy là do Hắc Tử lâm bốn bề bao bọc, nhưng duy chỉ có một hướng là hướng đã được Dư Hải Bằng khơi nguồn nước địa tĩnh để thoát khỏi Hắc Tử lâm mà thôi.

Sau khi thoát khỏi Hắc Tử lâm, Dư Hải Bằng nào dám trùng trình. Chàng nhân cơ hội bọn giáo đồ U Minh giáo đã triệt thoát một lối chận để đi miết về phương bắc là phương có một dãy núi sừng sững ẩn hiện xa xa.

Lúc đến được dãy núi thì Dư Hải Bằng sức đã cùng, lực đã kiệt. Chàng chỉ kịp vùi mình vào một lùm cây dại um tùm mọc ở chỗ khuất nẻo thì cơn hôn mê liền ập đến.