Để Người Cười

Chương 2: An Bình-Bình an




Đinh phủ nằm ở Tri Châu thành, chủ nhân là Đinh Hoàng Tiên, người làng Lư Hạ, đậu tiến sĩ trong kỳ thi năm Thìn. Đinh Hoàng Tiên có chính thất là Lư thị sinh được một gái, một trai. Trưởng nam Đinh Diệu Võ là phó soái ở Nam Thành, chết trận khi 20 tuổi. Trưởng nữ Đinh Vân Ca lấy chồng là Hạ Chúc Bằng, trưởng tử nhà quan Lễ bộ thượng thư, sau đó nạp luôn thứ nữ Đinh Mẫn Tiệp làm thiếp. Đinh Mẫn Tiệp dịu dàng hiền thục đối lập với Vân Ca lạnh bạc. Chủ nhân Đinh phủ vô cùng buồn bã khi 3 năm trước, Vân Ca vì ganh tỵ với muội muội của mình đã bỏ độc vô sinh cho Mẫn Tiệp, sau đó còn ngoại tình với người khác, sinh ra nghiệt chủng làm hổ mặt Đinh gia, sau cùng tự vẫn chết. Tuy gia đình con rể không trách, Mẫn Tiệp được tôn lên vị trí chính thất nhưng Đinh lão gia vẫn buồn phiền lâm bệnh. Chuyện trong nhà đều do Phương thị, nhị phu nhân quản lý. Còn Lư thị sau khi Vân Ca xảy ra chuyện, bệnh tim tái phát, cũng đã xuôi tay.

Trong số thiếp thất của Đinh Hoàng Tiên, Phục thị là người có thân phận thấp nhất, xuất thân là một ca nhi (đào hát) tại Ngọc xuân lầu. Phục thị chỉ sinh được một con gái, đặt tên là Đinh An Bình, năm nay vừa tròn 13 tuổi.

13 tuổi….Khi mình mất đi, Bình nhi mới vừa 10 tuổi. Thời gian ở địa phủ tưởng như dài vô tận nhưng không là gì so với chốn nhân gian sao?

Lúc Bình nhi lên sáu, được Phục di nương dẫn lên nhà chính, Vân Ca khi ấy vẫn là một đích nữ. Bình nhi nắm chặt lấy vạt áo nàng, gọi “tỷ tỷ”. Tiếng gọi trong trẻo ấy nghe thật đáng yêu.

Tiểu thư Vân Ca vốn tính cách lạnh nhạt, chỉ toàn ở khuê phòng thêu thùa, viết chữ, từ nhỏ đến lớn chỉ làm theo lời mẫu thân cố gắng làm tròn bổn phận đích nữ, sau này theo chồng, sinh con, làm Đinh phủ nở mày nở mặt. Với các thứ nữ là muội muội, nàng không khắc nghiệt, cũng không mấy quan tâm tới, cứ theo lễ nghi là cư xử. An Bình tuy là muội tử, nhưng xuất thân của mẫu thân hèn kém, ngay cả Mẫn Tiệp cũng có phần khinh rẻ hai mẹ con. Thế nhưng Vân Ca lại mỉm cười với cô bé, còn tặng cho An Bình cây ngọc trâm quý giá. Nàng nói với Phục thị, xem như quà gặp mặt của tỷ tỷ cho muội muội. Khuôn mặt trẻ con rạng rỡ nhìn nàng.

Không ngờ sau khi trở lại, An Bình chỉ còn là một cái xác không hồn nằm bất động. Phương thị chỉ mời đại phu đến trị cho An Bình vài ngày, sau đó nghe thông báo cô bé có thể bị ôn dịch bắt đã không màng tiếng van xin của Phục thị, đuổi hai mẹ con ra ngoài. Giữa trời đông giá lạnh, cô bé từng ấy tuổi làm sao có thể chịu đựng. Linh hồn nhỉ rời khỏi xác với đôi mắt ngơ ngác, bay lên trời làm một tiểu thiên thần…

Vân Ca nhìn thấy muội muội có đôi cánh. Còn nàng, phải chăng lòng còn đầy oán hận nên chưa thể vứt bỏ thế gian này.

-Bình nhi…

-Mẫu thân.

Phục thị vừa ra ngoài về, tay vẫn còn mang theo giỏ đi chợ. Món ăn hôm nay đạm bạc, chỉ có rau cải nhưng Vân Ca lại thấy vô cùng ấm áp. Mẫu thân Lư thị của nàng xuất thân danh môn, tính cách lạnh nhạt, kiêu ngạo, không chịu thua người khác, khi còn ở Đinh phủ thường xuyên đấu đá với Phương thị, Mạnh thị và các tỳ thiếp khác. Không để tranh sủng, nhưng do bởi lòng kiêu hãnh bị tổn thương. Vân Ca chỉ là nữ tử, tuy là đích nữ song cũng không thể nào sánh với đại ca. Sau khi đại ca qua đời, vị trí của Lư thị bị uy hiếp càng lớn, tâm tư cũng không có nhiều để ý tới nàng. Phục thị thì khác. Dù xuất thân nghèo hèn, lại bị khinh thường vì quá khứ làm ca nhi, bà vẫn hết lòng yêu thương con gái. An Bình chết, bà cũng sẽ chết. An Bình sống lại, bà cũng sẽ kiên cường sống tiếp. Có lẽ cái nắm tay cuối cùng An Bình muốn gửi lời nhắn nhủ cho Vân Ca, nhờ nàng chăm sóc cho mẫu thân mình.

-Sao con ra đây? Vào trong đi…Thân thể đã không tốt rồi mà.

Phục thị vuốt mái tóc dài của con gái. An Bình càng lớn càng có nhiều nét phảng phất như đại tiểu thư Đinh Vân Ca. Có lẽ là vì liên hệ huyết thống. Bà vẫn nhớ vị tiểu thư bề ngoài có vẻ kiêu ngạo song lại là người duy nhất không khinh rẻ thân phận hai mẹ con bà. Chiếc ngọc trâm nàng ấy tặng, bà vẫn luôn giữ gìn, tự nhủ sau nàng khi An Bình xuất giá sẽ lấy cho con làm của hồi môn

-Mẫu thân. Hôm nay là….

Vân Ca im lặng. Ngày 17 tháng 8. Đó là ngày đứa con nàng sinh ra chết yểu. Nàng còn nhớ rất rõ….Đám người ấy với chén thuốc nồng nặc mùi diêm hương đè nàng xuống, đổ thuốc vào trong miệng. Bào thai vốn là oan nghiệt nhưng hơn 7 tháng trong bụng đã trở thành nguồn sống của Vân Ca. Đó vốn là một đứa bé trai tuấn tú. Ngay cả khi bị người chồng đầu ấp tay gối phụ bạc, Vân Ca cũng không đau đến vậy. Lần đầu tiên nàng gào khóc…Để rồi mọi thứ đều thành hư ảo…Vân Ca hận, mối hận này khiến nàng chết cũng thành một hồn hoang lay lất nơi trần thế….Con của nàng….Sao người ta lại có thể nhẫn tâm đến vậy. Chỉ là đứa trẻ, nó có tội gì đâu.

-Bình nhi…

-Không có gì đâu ạ- Vân Ca cười gượng- Trời lạnh, mình vào nhà đi mẫu thân.

Kể từ ngày trở về từ cõi chết, Phục thị và Vân Ca được y sư Kiều Vạn thu nhận. Mục đích của vị y sư nổi tiếng khắp thành Tri Châu này ban đầu chỉ là muốn nghiên cứu xem tại sao An Bình (Vân Ca) mắc ôn dịch mà có thể vượt qua được. Mấy năm nay dần dần ý nghĩ đó đã phai nhạt dần, thay vào đó Kiều y sư lại đem hết y thuật và tâm huyết đời mình mà truyền hết cho đứa bé này. An Bình thông minh, tính cách trầm tĩnh, tỉ mỉ, rất thích hợp làm một y sư. Tuy nhiên vì là nữ tử nên chuyện chữa bệnh hành y không thể công khai với mọi người. Vân Ca cũng muốn ở lại Kiều y quán. Nơi này Phục thị đã được sống những tháng ngày bình an vui vẻ. Với nàng, có lẽ như thế là đủ lắm rồi.

Cuộc đời con người không dễ dàng như những gì mong muốn. Một vài chuyện dù không muốn cũng đang được số phận đưa đẩy, dẫn đến trước mặt Vân Ca.

Chỉ là….nàng không còn là vị tiểu thư trong tháp ngà ngày đó. Kiêu hãnh, lạnh bạc nhưng thực tế vô cùng mềm yếu và mâu thuẫn. Người chết một lần sẽ không còn ngốc nghếch, trái tim đã mọc thêm những gai chông….

———–

Nữ chính là Đinh Vân Ca nhưng lại trọng sinh trong thân xác muội muội là Đinh An Bình. Các bạn độc giả cho ý kiến, gọi thế nào cho thuận tiện nhé, bản gốc tác giả lúc gọi là Vân Ca, lúc gọi là An Bình, hơi lộn xộn, những bạn không đọc kỹ mạch truyện hay thắc mắc.