Dịu Dàng Đến Vô Cùng

Chương 14




BỐN CÔ GÁI hăng hái ghi tên học võ, luyện Kung phu, không những bảo vệ mình không bị cưỡng bức, hơn thế còn trừ bạo tàn giữ yên cho dân lành, khiến cho bọn lưu manh cưỡng bức phải kinh hồn bạt vía. Bốn cô còn nghĩ cả khẩu hiệu và mỹ danh giang hồ. Khẩu hiệu là “Dĩ sắc chế bạo tàn”, mỹ danh là “Diệt họa tặc”.

Kết quả, tập được vài hôm ai đi đường nấy, vì không chịu được khổ, cũng không biết đến bao giờ mới tập được Kung phu. Cứ tập thế này rất có thể phải học đến bảy tám lớp mới quật ngã nổi một thư sinh tú tài trói gà không chặt. Còn để đánh nổi một tên cướp cơ bắp rắn chắc, không biết phải tốn bao nhiêu học phí. Chủ yếu thầy dạy võ cũng thật thà, không kích thích lòng hăng say của các cô gái, luyện tập cũng uể oải, hiểu nhau, nửa chừng bỏ cuộc.

Mọi người quyết định tự mình tìm cách đề phòng kẻ gian. Không đi đêm một mình, không nói chuyện với đàn ông không quen biết, đi đâu ăn gì phải cẩn thận, lúc tham gia liên hoan không được rời cái cốc của mình, vân vân, tóm lại không để cho kẻ bất lương một cơ hội nào.

Lúc bấy giờ Carol vẫn là “cán bộ sơ cấp” nên rất sợ gặp kẻ gian. Những lời Linh nói giống như ma lực tà la, biết rõ là không đúng, nhưng một khi đã vào đầu óc, liền tiếp nhận toàn bộ. Linh bảo mình không phải là cán bộ sơ cấp, cho nên không sợ cưỡng bức, thêm một lần, bớt một lần không có gì khác nhau. Tại sao cán bộ sơ cấp lại cần phải phòng thân không để bị cưỡng bức? Tất nhiên một khi bị cưỡng bức không còn là cán bộ sơ cấp nữa, sẽ bị mất giá trong mắt bạn trai hoặc chồng.

Carol bực tức nghĩ, nếu bị cưỡng bức, còn nói gì đến bạn trai hoặc chồng nữa? Đàn ông Trung Quốc đầu óc phong kiến, nếu bạn gái hoặc vợ mình bị cưỡng bức, liệu anh ta có cần đến nữa không? Carol nghĩ, nếu bị cưỡng bức, còn nói gì đến bạn trai hoặc chồng? Anh ta không đủ dũng cảm đi tìm kẻ bạo hành để trả thù, chỉ còn biết trút giận lên người bất hạnh. Ở Trung Quốc, người con gái gặp nỗi bất hạnh này coi như xong đời, không một người đàn ông nào yêu cô, hình như cô không phải là người bị hại, mà cô ta giống như một ả điếm lấy ác dâm làm đầu. Cho nên, từ cổ xưa đến nay, người con gái thà chết còn hơn bị làm nhục, không chết thì cuộc đời cũng coi như chết, chưa biết chừng còn tệ hơn chết.

Carol còn nhớ, mẹ có một người bạn tên là Bình, người rất đẹp, lúc về nông thôn cùng mẹ ở một đội sản xuất, về sau cô Bình bị ông đội trưởng đội sản xuất cưỡng hiếp, cô tố cáo ông, cấp trên cử người về điều tra, ông đội trưởng sống chết gì cũng không nhận tội, bảo cô Bình giở trò dụ dỗ, mua chuộc ông ta để được về thành phố.

Vợ ông đội trưởng ra mặt bênh chồng, bảo đàn ông đàn bà có đôi có lứa làm gì có chuyện cưỡng hiếp? Mà là hai bên tự nguyện, chỉ cần người đàn bà không để người đàn ông vật ra, người đàn ông liệu có thể làm được gì?

Vợ ông đội trưởng là người đàn bà to béo thô lỗ, đen đúa, chị ta đứng trên cái bàn đắp bằng đất của đội sản xuất để làm động tác mẫu, thách đám đàn ông có mặt tại đấy: “Tôi đứng đây, các anh thử xem nào, từng người một, xem các anh có quật ngã nổi tôi không? Cứ coi như các anh vật được tôi ra đất, tôi cũng quậy cho cái con chuột của các anh không thể nào chui vào được lỗ”.

Người đứng dưới xôn xao. Không biết cánh đàn ông có mặt tại đây sức hèn tài mọn hay là con chuột của họ ủ rủ không muốn chui vào cái hang hổ mẹ, hoặc không muốn làm khó cho ông đội trưởng, dù sao thì không một anh nào dám lên vật ngã cái con quỷ dạ xoa vợ ông đội trưởng. Vậy là vụ án coi như khép lại.

Kết quả cô Bình bị coi là người gây chuyện. Trong đôi ai cũng bảo cô Bình dụ dỗ ông đội trưởng, muốn làm hại cán bộ cách mạng. Cuối cùng ông đội trưởng xin tha mới cứu được cô Bình khỏi bị kỷ luật. Về sau, tất nhiên cô Bình cũng không được gọi về thành phố, bạn trai cũng bỏ. Sau ngày khôi phục thi tuyển đại học, cô Bình thi vào đại học, rời khỏi đội sản xuất, nhưng sự việc ấy đã ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Cô Bình không lấy chồng, sau khi tốt nghiệp, xin được về dạy học ở một vùng xa xôi, ít khi về thăm nhà. Có lần về, gặp mẹ, hai người ngồi ở ban công nói chuyện giấc mơ thời trẻ, nói đến người đàn ông trong đời, thỉnh thoảng cũng nhắc lại chuyện về nông thôn năm xưa.

Caro nghe cô Bình bạn mẹ nói, nếu không vì cảm thấy hai cái sinh mạng của họ không đáng một sinh mạng của mình, cô đã giết cả hai vợ chồng nhà ấy rồi.

Mẹ chỉ lắc đầu thở dài:

- Ôi, thân phận đàn bà con gái, chịu đựng bao nhiêu khổ cực!

Lúc bấy giờ Carol rất sợ cô Bình, nó nói với mẹ:

- Cô Bình ác quá, có phải cô ấy là người xấu không, mẹ? Tại sao cô ấy cứ đòi giết người?

Mẹ cười đau khổ:

- Cô ấy không phải là người xấu, có lúc người tốt cũng muốn giết người, vì họ chịu oan khuất, không thể tố giác ở đâu cả.

Với khả năng hiểu của Carol lúc bấy giờ, tất nhiên cảm thấy cô Bình bị oan. Cưỡng bức không nhất thiết phải dùng sức mạnh để khống chế người bị hại, kẻ gây ra bạo lực có thể dùng vũ khí trong tay, quyền lực trong tay, giữ kín chuyện để khuất phục người bị hại. Cưỡng dâm là gì? Chỉ cần làm ngược lại hành vi tính dục của đối phương tức là cưỡng dâm. Nhưng cái thời ấy luật pháp chưa đầy đủ, trong tình huống đó, cô Bình bị oán nhưng không nơi tố giác, xét xử.

Carol biết tuy luật pháp nước Mỹ rất nghiêm, phụ nữ cũng bị oan khuất như vậy. Cô đọc trên báo, thấy có nhiều phụ nữ bị cưỡng bức, bị quấy rối tình dục, tố giác với tòa án, tòa lại bảo vì phụ nữ mặc quá lộ liễu, cố tình làm cho nam giới phạm tội. Ý nói, đàn ông trước sự cám dỗ không sao cưỡng lại nổi, đó là bản tính tự nhiên của động vật, cho nên, nếu chị em không muốn bị nam giới cưỡng bức thì đừng mặc quá lộ liễu, hở hang, đừng lượn trước mặt đàn ông, nếu không, xảy ra chuyện thì chính nữ giới phải chịu trách nhiệm.

Lại có người nói, thật ra phụ nữ rất thích bị cưỡng hiếp, rất nhiều chị em muốn bị làm tình đầy tính bạo lực, bảo chị em muốn từ trong ảo giác đó để được thỏa mãn cực cao, cho nên trong lòng mỗi chị em đều muốn một lần bị cưỡng hiếp. Người đàn ông trong quan hệ tình dục quá nghiêm túc, quá cẩn thận nên người phụ nữ cũng không thích.

Carol nghĩ, toàn những lời nói vớ vẩn. Có thể người phụ nữ thường mong người đàn ông mình yêu nam tính hơn, hoang dã hơn, nhưng với một người không yêu vi phạm ý muốn, xâm phạm đến cơ thể, làm sao để được người phụ nữ hoan nghênh? Đó là sự sỉ nhục nhân cách phụ nữ. Có bị trói tay hay không, có hung dữ hay không, không quan hệ, mỗi một người có sự thích thú riêng, quan trọng là người phụ nữ ấy có mong muốn, có hợp với nguyện vọng hay không.

Nghĩ đến việc mình sắp bay đến một nơi đầy tội phạm, Carol cảm thấy sợ, tháy cô đơn, không biết chỉ một chốc nữa đến thành phố B, liệu có thể tìm được khách sạn qua đêm hay không? Tìm được thì đến đây bằng cách nào? Làm sao biết được người lái xe taxi liệu có đưa mình ra ngoại ô, ở đấy anh ta muốn làm gì mình thì làm? Coi như trông chờ vận may, gặp được người lái xe tử tế đưa đến khách sạn một cách an toàn, nhưng làm sao biết được khách sạn kia có như cái quán rượu của Tôn Nhị Nương? Có thể không bán bánh bao nhân thịt người, nhưng bánh sandwich nhân thịt người, sống bằng nghề làm thịt người hoặc có thể như thế? Hơn nữa, khách sạn có nhiều phòng, thiết bị cách âm tốt, cô xảy ra chuyện ma quái gì cũng không ai biết.

Thật là rầu lòng, đến một nơi không quen biết, có kêu cứu cũng phải dùng tiếng của người ta. Ở đây, nếu gặp kẻ cưỡng hiếp, bạn phải kêu to với hắn “không, không, không” nếu hắn định giết bạn, bạn phải kêu lên “cứu tôi, cứu tôi” bằng tiếng Anh, đến lúc ấy liệu có nhớ được mấy câu tiếng Anh ấy không?

Carol còn biết, nước Mỹ cho phép người dân được sở hữu súng, cho nên có cảm giác mọi người đi trên phố đều đeo một khẩu súng săn hoặc bỏ khẩu súng lục trong túi quần, vô duyên vô cớ rút súng ra bắn vào ai đó. Cô đọc một số tiểu thuyết Mỹ và xem phim Mỹ có thể cảm giác phần tử phạm tội nước Mỹ là lũ điên không thể hiểu nổi, động cơ phạm tội của chúng vượt quá động cơ phạm tội truyền thống. Những chuyện như cướp của, trộm cắp, trả thù hình như đã lỗi thời. Kẻ phạm tội nước Mỹ phần đông có bệnh tâm thần, giết người không lý do, muốn giết là giết, hơn nữa giết người không ghê tay, không biết được một số nào đó chưa thôi. Chúng có bị bắt cũng không sao, luật sư sẽ chứng minh chúng bị bệnh tâm thần vì vậy không chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Từ ngàn dặm xa đến nước Mỹ, bị chết trong tay kẻ điên, như vậy có lợi ích gì không?

Kẻ cưỡng hiếp của nước Mỹ không còn là tội phạm cưỡng dâm mang ý nghĩa truyền thống, động cơ không giống nhau, thủ đoạn không giống nhau. Động cơ của chúng không phải để thỏa mãn thú tính, mà để thỏa mãn hành động tình dục bạo lực, thỏa mãn rồi bỏ đi, chúng điên cuồng ngược đãi người bị hại, không tàn nhẫn không thấy đã cơn nghiện. Lại không thông hiểu ngôn ngữ, muốn khuyên chúng đừng phạm tội cũng không khuyên nổi. Nếu nói với chúng “tôi bị AIDS”, có thể chúng sẽ sợ, không đụng đến chăng? Nhưng nếu chúng muốn giết người bị AIDS để trừ hại cho dân lành thì sao? Bị cưỡng bức và bị giết chết, cuối cùng thì đâu nặng đâu nhẹ? Có thể cả hai cùng không thoát chăng?

Carol đang suy nghĩ vẩn vơ bỗng nghe trong loa tuyền thanh phát ra mấy tiếng “from china” – đến từ Trung Quốc – cô nhìn quanh, hình như ngoài cô ra không còn ai là người Trung Quốc hoặc người châu Á, vậy là cô chú ý nghe. Nghe một lúc, cô cảm thấy tiếng loa đang nói “vào thành phố” hoặc “sửa nhân sâm” hoặc “bà mang thai” người Trung Quốc đến bàn phục vụ. Carol bất giác bật cười, ai nhỉ, ai lại đặt cái tên kì quái như vậy?

Một lúc sau, tiếng loa nhắc lại, vẫn nghe thấy from china, bỗng như có ai đó nhắc đến tên Carol, cô ý thức được người ta đang gọi mình, không biết người Mỹ kia tại sao gọi “Ly” thành ra “lai”, “Cạnh Thành Lý” thành ra “vào thành lai”, tức là Lý Cánh Thành.

Carol đi tới, chỉ vào tên mình trên thẻ lên máy bay, hỏi:

- Có phải cô đang gọi tên người này?

Nhân viên phục vụ của hãng hàng không nhìn tên, gật gật đầu, sau đấy lẩm bẩm một tràng tiếng Anh. Carol chú ý nghe, nhưng chỉ hiểu được vài tiếng, trong đó có tên Jason. Cô đành “Tôi xin lỗi…” mấy lần, cô nhân viên phục vụ kiên nhẫn nhắc lại, cuối cùng thì Carol cũng hiểu ra, Jason bảo anh ta biết chuyến bay của Carol sẽ đến chậm giờ, nhắc cô đừng sốt ruột, dù có muộn mấy tiếng thì anh vẫn chờ ở sân bay. Anh biết Carol bay chuyến 7674 nên anh chờ ở nơi lấy hành lý của chuyến bay này.

Chợt Carol cảm thấy ấm lòng, nước mắt trào lên bờ mi.