Dốc Quỷ Ám

Chương 9: Manh mối hé mở




Thời gian Tiết Hiểu Hoa chết vào khoảng 9h tối đến 1h sáng, mà nhà ông ta cháy lại vào lúc gần 1h sáng. Giả sử Tiết Hiểu Hoa chết là do bị sát hại, thì hai sự việc này bất luận là về quan hệ nhân quả hay về trình tự thời gian, đều có mối liên hệ tất yếu nào đó. Giả thiết dễ đưa ra nhất là: Hung thủ trước tiên đi giết hại Tiết Hiểu Hoa, sau đó nhanh chóng quay về làng đốt nhà ông ta, động cơ của hành vi thứ hai rõ ràng là để tiêu hủy những thứ có liên quan đến vụ án.

Sau khi đưa ra suy luận này, La Phi lập tức lao một mạch đến nhà Tiết Hiểu Hoa, vừa đi vừa thầm mong sau cơn đại hỏa hoạn, ở đó vẫn còn để lại một vài manh mối có giá trị.

Dân trong làng hầu hết đều đã đến cửa động xem vụ việc, hiện trường đám cháy vừa mới ầm ĩ đêm qua nay đã trở nên lạnh ngắt. Cảnh tượng ở đây khiến người ta phải thất vọng: mức độ thiệt hại của nhà cửa là… hết sức triệt để. Nóc nhà đã bị sập, tường nhà chỉ còn lại những vết nứt đen xì, đồ đạc bày biện trong nhà đều đã biến thành tro bụi, chỉ một vài thứ đồ sành sứ là may ra còn giữ được chút hình dạng ban đầu của nó.

Nhưng La Phi không chịu bỏ cuộc: Có thể tìm kiếm được manh mối ở nơi mọi người không còn hy vọng, đây vốn là tố chất mà một trinh sát hình sự xuất sắc cần có. Anh cẩn thận lật tìm trong đống đất đá gạch ngói bị cháy xém, không bỏ sót một ngóc ngách nào. Điều làm anh cảm thấy có chút an ủi là: Đến thời điểm này, hiện trường vẫn chưa có dấu hiệu bị người nào đó nhanh chân đến trước.

Hành động kì lạ của La Phi đã thu hút sự chú ý của một số người dân gần đó, họ hiếu kì kéo đến vây quanh, chốc chốc lại chụm đầu to nhỏ vài câu. Cuối cùng, một phụ nữ trạc ngoại tứ tuần không kìm nổi nói với La Phi: “Anh là người nơi khác đến phải không? Đừng bới nữa, không tìm được cái gì đáng giá nữa đâu, nhà này đã bị cái lão chết tiệt ấy làm cho khuynh gia bại sản từ lâu rồi!”

“Gì cơ?” –nghe bà nói vậy, La Phi dừng ngay công việc đang dở tay và lại gần mấy người dân đó, chuẩn bị nói chuyện với họ.

“Nhà này trước đây còn có cả một sản nghiệp cơ à?” –La Phi vừa phủi bụi trên tay vừa thủng thẳng hỏi.

“Tất nhiên rồi.” –vẫn là người phụ nữ đó nói, “Ngày còn sống bố lão ta là thầy lang nổi tiếng nhất trên đảo chúng tôi, y thuật cao siêu, lại là người tốt. Không chỉ cuộc sống sung túc, mà người trên đảo không ai là không kính trọng ông ấy.”

Những người đứng xung quanh đều gật đầu lia lịa, tỏ ý tán đồng. La Phi đang định hỏi thêm điều gì đó thì lại nghe thấy một cụ già thở dài: “Có câu hổ phụ sinh hổ tử, nhưng chả hiểu sao thầy lang Tiết lại sinh ra cái phường bất hiếu ấy? Suốt ngày ham ăn lười làm, du thủ du thực. Ngày thầy lang Tiết còn sống, còn quản được lão ta; chứ mấy năm trước cụ quy tiên rồi, lão ta càng phách lối không còn ra thể thống gì nữa. Trên tay luôn cầm một chai rượu, chẳng thấy lúc nào tỉnh táo! Tôi đã bảo từ lâu, kiểu gì cũng có ngày lão chết vì rượu. Quả nhiên không nằm ngoài dự liệu của tôi, chỉ thương cho thầy lang Tiết nằm ở dưới đó mà biết được, chắc tức đến lật đất nhổm dậy mất.”

“Vậy trước khi bị cháy, trong nhà còn lại những gì?” –La Phi hi vọng có thể lần ra chút dấu vết nào đó từ lời nói của những người này.

Người phụ nữ xua tay: “Chả còn gì sất.”

Cụ ông thì lại lắc đầu phản bác lời của bà ta: “Bà nói thế cũng không đúng, thực ra vẫn còn một thứ có giá trị, chỉ là các bà không biết đó thôi.”

“Liệu còn thứ gì cơ chứ?” – người phụ nữ vặn lại vẻ không phục, “Những thứ đáng giá một chút thì đã bị Tiết Hiểu Hoa đem đổi lấy rượu uống hết rồi.”

Cụ ông lườm người phụ nữ một cái: “Tiền thì đã thấm vào đâu? Cuốn y thư chép tay mà thầy lang Tiết để lại, cộng với sổ ghi chép kinh nghiệm hành nghề mấy chục năm trời, đó mới thực là những thứ đáng giá. Tiết Hiểu Hoa mà đem những thứ này học đến đầu đến đũa, chẳng phải khác nào bưng cái bát vàng trên tay hay sao?”

Lời nói của ông cụ khiến mọi người tâm phục khẩu phục, chả thế mà từ lâu đã có người khen cụ không hổ danh kinh nghiệm đầy mình, kiến thức uyên bác. Lúc đó, một người đàn ông liên tiếp vỗ vào trán mình, tỏ vẻ tiếc nuối: “Thế mà mình không nghĩ ra nhỉ? Biết thế hôm qua mình đến nhà lão đòi nợ, kiểu gì chả ôm ra một mớ sách, giá trị hơn cái tờ giấy ghi nợ chết tiệt ấy gấp nhiều lần!”

Ông cụ lườm anh ta: “Lão ta nợ anh bao nhiêu tiền? Lại còn viết giấy nợ nữa, kể cũng hiếm gặp, tôi thấy lão ta chuyên vay tiền quịt nợ chứ có ý định trả bao giờ đâu.”

“Kể cũng không nhiều lắm, 100 tệ.” –người đàn ông đưa tay bóp bóp đầu, “Ai biết được không hiểu sao hôm qua lão ta lại nghĩ cái trò ghi giấy nợ, còn nói nội trong vài ngày là lão ta có thể trả hết nợ mọi người trong làng… chã lẽ lão ta đã nghĩ đến cái chết, nên mới cố tình đem tôi ra đùa cợt?”

“Lão Tiết Hiểu Hoa này cả thảy nợ người trong làng bao tiền?” –La Phi hỏi người đàn ông đó.

“Nhiều đấy, người năm chục kẻ một trăm, mọi người đều nể người cha quá cố của lão nên hầu như không ai là không bị lão lừa bịp. Tôi nghĩ cộng lại kiểu gì cũng phải lên đến ba bốn trăm.”

“Umm.” –La Phi cúi đầu trầm ngâm giây lát, “Cái giấy ghi nợ ấy của anh đâu, cho tôi xem được không?”

Người đàn ông ngây người ra, không trả lời, ngẩng đầu nhìn La Phi với vẻ hoài nghi dò xét.

La Phi hiểu ý, vội mỉm cười giải thích: “Ồ, tôi là cảnh sát của thành phố Long Châu, tôi cần tìm hiểu một vài thông tin về vụ Tiết Hiểu Hoa.

Người đàn ông hiểu ra sự việc, vội rút mẩu giấy trong túi quần ra đưa cho La Phi, cùng lúc đưa tay vỗ ngực thề thốt: “Trên đó có ghi đầy đủ cả ngày tháng và chữ ký, 100% là sự thật, chính quyền nhớ làm trọng tài cho tôi đấy nhá.”

Ông cụ cười khẩy: “Thôi đi ông, người ta đến để điều tra về cái chết của Tiết Hiểu Hoa và vụ cháy ngày hôm qua, ai mà thèm quan tâm đến chuyện cho vay vớ vẩn của anh” -những người xung quanh đều phá lên cười, người đàn ông đưa tay xoa mũi, tỏ vẻ ngượng ngùng.

La Phi xem mẩu giấy trên tay, chỉ thấy trên đó có ghi dòng chữ:



Giấy ghi nợ

Tôi có vay của ông Trần Xuân Sinh 100 tệ, trước Tết năm nay phải trả nợ, nay viết giấy này làm bằng!

Ngày 4 tháng 1 năm 1994

Tiết Hiểu Hoa”

Mấy hàng chữ xiêu vẹo, đúng là người làm sao chữ chiêm bao làm vậy. Qua ánh sáng buổi sớm, La Phi phát hiện trên tờ giấy có một vài dấu vết mờ, anh lật lại mặt sau, quả nhiên phía sau còn ghi một dòng chữ, nội dung dòng chữ này khiến tim anh đập thình thịch:

“Tôi đã tìm thấy con trai của Vương Thành Lâm, nó nhận lời đưa tôi 2000 tệ, bảo tôi nói với…”

Sau chữ “với” của từ “nói với” còn một chữ nữa mới viết được một nửa, nhìn vào nét bút mà đoán thì hẳn là chữ “hắn”, số “2000” sau khi viết xong rồi lại bị gạch đi, viết lên phía trên con số “3000”.

“Hôm qua Tiết Hiểu Hoa viết giấy nợ anh khi nào? Lúc anh đến ông ta đang làm gì? Trong nhà còn có người nào khác không?” –La Phi hỏi liền một lúc mấy câu hỏi.

“Lúc đó khoảng chừng bảy giờ tối.” –thấy cảnh sát hết sức coi trọng những manh mối mà mình cung cấp, người đàn ông cảm thấy như lấy lại được chút thể diện, ưỡn ngực cao giọng trả lời, “Lúc đó trong nhà chỉ có mình ông ta. Ông ta đang chuẩn bị ra ngoài, chúng tôi trò chuyện chưa được vài câu thì ông ta lấy một tờ giấy trên bàn viết giấy ghi nợ này cho tôi. Phải rồi, hình như ông ta vừa mới viết xong cái gì đó, giấy bút vẫn còn chưa kịp cất đi.

Nhìn tờ giấy, trong đầu La Phi suy luận rất nhanh. Rõ ràng, đây là tờ giấy mới viết được một nửa thì bỏ đi, sở dĩ chưa viết xong, rất có thể là vì do có sự thay đổi về con số, khiến Tiết Hiểu Hoa phải thay tờ khác để viết lại. Sau đó Trần Xuân Sinh đến đòi nợ, ông ta tiện tay lấy luôn tờ giấy bỏ đi này, viết giấy ghi nợ vào mặt sau.

Giấy ghi nợ có nội dung không đầy đủ nói lên điều gì?

Vương Thành Lâm – con trai – 2000 tệ -

Con trai của Vương Thành Lâm chính là Mông Thiếu Huy! Không sai, Mông Kiến Quốc chính là tên gọi khác của Vương Thành Lâm, điều này giải thích tại sao cha con Mông Thiếu Huy tuy đã có thời gian sống trên đảo Minh Trạch nhưng không người nào đã từng nghe nói đến cái tên Mông Kiến Quốc!

Hàng loạt những suy luận này đều rất rõ ràng và hợp lý, khiến La Phi trong lòng cảm thấy xúc động.

“Vương Thành Lâm!” –anh lớn tiếng hỏi thăm, “Các anh có ai biết một người tên là Vương Thành Lâm không?”

“Vương Thành Lâm nào cơ?” –cụ già hỏi một cách dõng dạc.

“Hơn mười năm về trước đã từng sống trên đảo, vợ ông ấy bị mất trong trận sóng thần, sau đó ông ấy cùng con trai rời khỏi đảo…” –La Phi nói một mạch tất cả những gì anh biết.

Nhưng chưa đợi anh nói hết câu, cụ già đã xua tay ngắt lời anh: “Được rồi, được rồi, tôi biết rồi. Cái ông Vương Thành Lâm mà anh vừa nói cũng giống như thầy lang Tiết, đều là thành phần tri thức, đều từ thành phố trốn về đảo này hồi cách mạng văn hóa, có đúng không?”

Đây là những thông tin mà La Phi chưa được biết, anh vểnh tai nghe, cùng lúc tiếp tục dò hỏi: “Thế ông đã gặp con trai ông ta bao giờ chưa?”

“Tất nhiên gặp rồi.” –cụ già cuốt râu một cách đắc ý, “Gia đình Vương Thành Lâm tuy sống ở phía tây núi, nhưng do có mối thâm tình với thầy lang Tiết nên thường xuyên qua lại chỗ chúng tôi đây. Đợt sóng thần, con trai ông ta chắc chỉ độ bảy tuổi thôi nhỉ? Nó vốn là một đứa trẻ thông minh lanh lợi, nhưng do quá sợ hãi, thành ra bị câm. Sau đó cũng là nhờ thầy lang Tiết chữa khỏi. Ít lâu sau, hai cha con họ rời khỏi đảo, từ đó không thấy quay lại nữa.”

Cụ già nói vậy, mấy người có tuổi xung quanh cũng nhớ lại những chuyện đã qua và gật đầu phụ họa.

“Vậy tại sao họ lại phải rời đảo Minh Trạch? Liệu có khi nào là do một tình huống như thế này không: cha con Vương Thành Lâm có bí mật nào đó mà không thể tiết lộ, mà bí mật này lại chỉ có thể thầy lang Tiết biết?” đầu óc La Phi không cho phép anh ngừng nghỉ, cứ theo dòng suy nghĩ vừa bật ra này mà tiếp tục.

“Bí mật?” –cụ già ngây người ra giây lát, sau đó lắc đầu, “Điều này thì tôi không rõ. Vương Thành Lâm và thầy lang Tiết đều là người đàng hoàng, liệu có những bí mật xấu xa nào sao? Cha con họ vốn là người thành phố, trở về thành phố cũng là chuyện bình thường.”

La Phi chưa có nhận xét gì về những lời vừa rồi của cụ già, nhưng trong lòng anh như có tiếng đang thì thầm: Không đúng, nếu là quay về thành phố một cách bình thường, thì tại sao lại phải thay đổi tên họ, nhất định là họ đang giấu giếm điều gì đó!

Giờ đây, để biết được câu trả lời trong chuyện này, cách đơn giản nhất là gặp trực tiếp hỏi Mông Thiếu Huy.