Đời Nhẹ Khôn Kham

Chương 2: Tâm hồn và thể xác




1

Thật vô li nếu người viết cố gắng thuyết phục người đọc những nhân vật trong tiểu thuyết mình có thật ngoài đời. Họ không từ bụng mẹ chui ra. Họ nảy sinh từ đôi ba nhóm chữ có vẻ gây khích động hay từ cảnh huống cơ bản nào đó. Tomas được đẻ ra từ câu nói “Einmal ist keinmal”, và Tereza từ tiếng sôi bụng cồn cào vì cơn đói.

Hôm đến nhà Tomas lần đầu, bụng cô bỗng dưng sôi lên đùng đùng. Buổi sáng, lúc đứng chờ trên sân ga, cô chỉ ăn lót dạ qua loa một mẩu bánh mì thịt. Cô để hết tâm trí vào chuyến hành trình liều lĩnh trước mắt mà quên khuấy chuyện ăn uống. Nhưng ta rất dễ biến thành nạn nhân của chính thân thể mình nếu ta lãng quên nó. Cô ngượng chín người lúc đứng trước mặt Tomas, bụng sôi réo sùng sục. Cô muốn khóc lên được. Nhưng may quá, chỉ mười giây đồng hồ sau Tomas đã quàng tay lên người cô và cô quên hẳn tiếng sôi bụng của mình.

2

Tereza nảy sinh từ cảnh huống trong đó luật đối tính bất khả hoà giải giữa tâm hồn và thể xác, cuộc nghiệm sinh cơ bản của kiếp người, tàn nhẫn phơi bày.

Thuở xưa, con người lạ lẫm lắng nghe tiếng đập đều đặn phát ra từ lồng ngực, thắc mắc không hiểu đó là tiếng gì. Hắn không có khả năng nhận ra chính bản thân mình với thể xác quá lạ lùng, xa lạ. Thể xác là cái cũi, và trong cái cũi đó là vật gì biết ngắm nhìn, lắng nghe, sợ hãi, nghĩ suy, kinh ngạc; cái gì đó, cái phần còn lại ngoài thể xác, chính là tâm hồn.

Ngày nay, dĩ nhiên, thể xác không còn xa lạ nữa: chúng ta thừa biết tiếng đập phát ra từ lồng ngực là do quả tim và mũi chúng ta chẳng qua chỉ là cái ống hút thò ra từ thể xác có nhiệm vụ hút khí ốc-xy vào hai lá phổi. Bộ mặt chúng ta chỉ là nơi ghi tiếp mọi năng động của thể xác: tiêu hoá, hô hấp, nghe nhìn, suy nghĩ.

Kể từ khi con người tìm tòi, khám phá và đặt tên cho các bộ phận trên thân thể mình, thân thể bớt phiền nhiễu con người nhiều lắm. Con người biết tâm hồn chẳng qua chỉ là chất xám trong não bộ. Sự đối chọi giữa tâm hồn và thể xác bị che phủ bởi hàng trăm danh từ khoa học và chúng ta cả cười, cho đó là thành kiến đã phai nhạt rất nhiều.

Nhưng thử bắt người mới yêu lắng nghe tiếng bụng mình sôi sùng sục, nghe tiếng hoà hợp giữa tâm hồn và thể xác mình. Lập tức cái ảo ảnh trữ tình của kỉ nguyên khoa học tan biến ngay vào hư không.

3

Qua thể xác, Tereza cố nhìn vào nội tâm mình. Đó là li do tại sao, ngay từ khi còn bé thơ, cô đã có thói quen đứng trước gương. Và vì sợ bị mẹ bắt gặp nên mỗi lần liếc mắt nhìn vào gương soi cô có mặc cảm mình đang phạm phải tật xấu bí mật nào đó.

Cô hay soi gương không phải vì thích chưng diện. Cô bị mê hoặc bởi “cái tôi” của cô. Nhìn vào gương, cô không nghĩ cô đang nhìn vào bề mặt phần thân xác, đây chính là tâm hồn cô đang hiện ra trên khuôn mặt. Cô quên mũi cô chỉ là cái ống có nhiệm vụ hít khí ốc-xy vào hai lá phổi. Cô thật sự tin tưởng cô trông thấy bản chất mình hiện ra trên mặt gương.

Soi gương mãi, đôi lúc cô bực dọc về những nét của mẹ cô trên khuôn mặt mình. Càng nhìn vào gương cô càng ước ao phải chi những gì thuộc về mẹ cô có ngày biến đi để nhường chỗ cho những gì thuộc về cô mà thôi. Mỗi lần thấy lời ước nguyện thành tựu cô say đắm trong ý tưởng: tâm hồn cô ngoi lên, tràn ra ngoài thân thể như đoàn thủy thủ túa lên boong tàu, đưa tay lên trời vẫy vẫy, vui sướng cùng cất tiếng hát vang.

4

Cô giống mẹ cô cả tính nết. Đôi lúc tôi có cảm tưởng cuộc đời cô chỉ là đoạn nối dài phần đời mẹ cô, giống như đường banh trái bi-da chỉ là cánh tay người chơi banh vươn dài.

Cuộc đời Tereza bắt đầu từ đâu và từ lúc nào?

Có lẽ nó bắt đầu từ khi ông ngoại cô, một thương gia sinh sống ở Praha, tán dương quá đáng về sắc đẹp cô con gái yêu quý của ông, tức là mẹ Tereza. Năm mẹ cô lên ba lên bốn gì đó, ông bảo mọi người con gái ông đẹp như Thánh Mẫu trong tranh của Raphael. Cô gái bốn tuổi không bao giờ quên điều đó. Khi lớn lên đi học, cô không chịu lắng nghe lời giảng dạy của thầy cô trong lớp học mà cứ ngồi mơ mộng miên man về bức tranh nào của Raphael có hình Thánh Mẫu giống mình.

Rồi đến tuổi cập kê, tính chuyện dựng vợ gả chồng, bà mẹ Tereza có cả thảy chín người đàn ông theo đuổi. Họ quỳ dưới chân bà thành vòng tròn. Đứng giữa chín người đàn ông như nàng công chúa kiêu sa, bà không biết chọn lựa ai bây giờ: người thứ nhất điển trai nhất, người thứ hai khôn ngoan lanh lợi nhất, người thứ ba giàu có nhất, người thứ tư thể thao nhất, người thứ năm có gia đình sang cả đàng hoàng, người thứ sáu biết làm thơ, người thứ bảy đi đây đi đó rất nhiều, người thứ tám biết chơi vĩ cầm, người thứ chín tráng kiện nhất. Nhưng cả chín người quỳ mọp dưới chân bà như nhau, da đầu gối họ chai lì, dày cộm như nhau.

Li do cuối cùng bà chọn người thứ chín chẳng phải vì gã là người tráng kiện nhất trong bọn mà chỉ vì gã cố tình tặng cho bà cái bào thai. Bà kêu khẽ vào tai gã “Hãy cẩn thận” trong lúc hai người ân ái, thế mà gã không chịu nghe lời bà. Bà mang thai và không tìm ra thầy thuốc nào chịu phá thai. Thế là Tereza ra đời. Bà con trong họ khắp nơi đổ về đứng bên nôi đứa bé sơ sinh nói chuyện con cái. Bà mẹ Tereza chán chường chẳng thèm nói câu nào. Bà đang nghĩ đến tám gã đàn ông kia, dường như cả tám người đều tốt lành, cao đẹp hơn gã đàn ông thứ chín này.

Giống như Tereza, bà mẹ cô cũng có thói quen hay nhìn mình trong gương. Một hôm bà khám phá ra những đường nhăn dưới đuôi mắt và bà quyết định cuộc hôn nhân này không đi đến đâu. Cùng lúc bà gặp gã đàn ông khác, một người không đàn ông chút nào, có tiền án, dính líu đến vài vụ lường gạt, chưa kể gã có hai đời vợ trước. Bà ghét thậm tệ những kẻ đầu gối chai lì quỳ mọp trước mặt bà khi xưa. Bây giờ bà muốn chính bà là người quỳ xuống trước mặt người đàn ông nào đó. Bà quỳ xuống trước mặt gã đàn ông gian xảo mới gặp này và bà bỏ mặc cha con Tereza tự xoay sở trong cuộc sống.

Người đàn ông tráng kiện nhất bỗng chốc biến thành người cùng quẫn nhất. Ông cùng quẫn đến nỗi không gì trên cõi đời này còn ý nghĩa nữa. Ông nói toạc ra những điều ông nghĩ trong đầu và bọn công an không để ông yên. Ông bị bắt ra toà và lãnh án nhiều năm tù. Nhà cửa bị tịch thu và Tereza lại quay về sinh sống với bà mẹ.

Người đàn ông cùng quẫn chết trong tù sau thời gian ngắn. Tereza theo mẹ cùng người cha ghẻ về sống tại thị trấn nhỏ gần cao nguyên. Người cha ghẻ làm thư kí dưới phố, bà mẹ làm công trong một tiệm tạp hoá. Bà còn đẻ thêm ba người con nữa. Bà nhìn vào gương và thấy giờ đây bà là một bà già xấu xí.

5

Khi biết đã mất hết mọi thứ trên đời, bà bắt đầu truy tìm xem ai là thủ phạm làm cuộc đời bà khốn khổ như vầy. Dưới mắt bà, ai cũng có thể là thủ phạm: người chồng thứ nhất, tráng kiện, đàn ông, nhưng không có tình yêu, không chịu nghe lời bà cảnh giác khiến bà mang thai; người chồng thứ hai, có tình yêu nhưng không đàn ông chút nào, người lôi kéo bà về cái xó xỉnh này và bắt bà sống trong cảnh ghen tuông thường trực vì ông ta lén lút đi lại với hết người đàn bà này sang người đàn bà nọ. Nhưng bà bất lực trước cả hai người đàn ông. Người duy nhất nằm dưới quyền sinh sát của bà, người không có lối thoát, người làm con tin cho bà giải toả tất cả những nguyên cớ làm đời bà khốn khổ, chính là Tereza.

Phải chăng Tereza đã là nguyên nhân định đoạt cả cuộc đời bà mẹ cô? Chính cô? Sự gặp gỡ phi li giữa con t*ng trùng người đàn ông tráng kiện nhất và noãn châu người đàn bà xinh đẹp nhất? Vâng, trong phút giây định mệnh đó, giây phút có tên là Tereza, cuộc chạy đua đường trường đầy lầm lỗi, cuộc đời bà mẹ cô khởi đầu.

Bà không ngừng nhắc nhở cô, làm mẹ tức là hi sinh mọi thứ. Lời nói bà chứng thực bởi kinh nghiệm của người đàn bà đánh mất mọi thứ trên đời chỉ vì một đứa trẻ. Tereza lắng nghe và cô tin tưởng giá trị cao cả nhất trong đời sống là bổn phận làm mẹ, làm mẹ tức là hi sinh. Nếu người mẹ là Hi sinh được nhân cách hoá thì đứa con là Tội lỗi không có cơ may dung thứ.

6

Dĩ nhiên, Tereza đâu biết câu chuyện xảy ra trong đêm tối khi mẹ cô kêu khẽ vào tai cha cô, “Hãy cẩn thận.” Lương tâm cô cắn rứt nhưng nó mơ hồ, lãng đãng như nguyên tội của thủy tổ loài người. Cô tìm mọi cách gột rửa nó ra khỏi tâm tư mình. Cô thôi học từ năm mười lăm tuổi và đi kiếm tiền giúp mẹ. Cô làm nghề hầu bàn. Tiền kiếm được cô đem về đưa hết cho bà. Cô sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có tình thương của bà. Cô làm việc nhà, săn sóc lũ em ghẻ, dùng trọn ngày Chủ nhật lau chùi nhà cửa và giặt giũ áo quần cho cả gia đình. Thật đáng tiếc vì cô là người thông minh. Cô khao khát muốn vươn lên cao, nhưng ở cái xó xỉnh nơi cô sinh sống làm gì có cơ hội cho cô với lên? Ngồi giặt quần áo cô luôn đặt một quyển sách bên cạnh. Lúc giở trang sách, cô vô ý làm nước bắn tung tóe ướt cả quyển sách.

Trong nhà không ai biết xấu hổ là gì. Mẹ cô mặc quần áo lót thản nhiên đi lại trong nhà, có khi bà còn không thèm che đậy bộ ngực. Mùa hè nóng bức bà cởi hết quần áo, trần truồng như nhộng là chuyện thường. Người cha ghẻ không đến nỗi vậy, nhưng ông ta hay xông vào phòng tắm mỗi khi Tereza tắm rửa bên trong. Có lần cô khoá cửa phòng tắm, bà mẹ cô thấy vậy giận dữ la lối: “Mày làm cái giống gì vậy Tereza? Bộ mày nghĩ sắc đẹp mày sẽ bị ông ấy cắn nát ra đấy à?”

(Sự va chạm này cho thấy lòng ghét bỏ con gái còn nặng hơn lòng nghi kị người chồng. Tội lỗi con gái bà to tày đình, nó che lấp cả ý tưởng bậy bạ đen tối của người chồng. Những quyền hạn tối thiểu của Tereza – như có quyền khoá cửa phòng tắm – với bà, còn đáng bị xét lại hơn cả ý tưởng dâm ô của người chồng muốn dở trò bậy bạ với người con gái riêng.)

Có lần vào một buổi tối mùa đông, đèn trong nhà cháy sáng và bà không buồn khoác lên người mảnh vải che thân nào. Tereza thấy vậy, vội vã chạy ra kéo bức màn cửa để hàng xóm trước nhà không nhìn thấy thân thể trần truồng của bà. Cô nghe tiếng bà cười lớn phía sau lưng. Ngày hôm sau, vài người bạn quen đến nhà chơi: bà hàng xóm, bà làm việc cùng chỗ, nữ giáo viên, và hai ba mụ khác vẫn thường đến nhà lê la tụ họp. Có cả cậu trai chừng mười lăm mười sáu tuổi, con một người đàn bà theo mẹ đến chơi. Cô vừa cất tiếng chào hỏi cậu trai, bà mẹ cô lập tức kể mọi người nghe về chuyện xảy ra hồi tối. Bà phá lên cười, đám đàn bà cũng cất tiếng cười theo. “Buồn cười đến chết thôi các bà ạ. Cái con bé Tereza nhà tôi, nó không chịu nghĩ cơ thể con người ta tiểu tiện và đánh rắm tùm lum.” Bà nói trong lúc cười. Tereza đỏ chín cả mặt, nhưng mẹ cô vẫn tiếp tục, “Có gì ghê gớm đâu nào?” Bà tự trả lời rồi tiếp tục cười. Những người đàn bà khác cũng ré lên cười theo.

7

Bà mẹ Tereza có tật hỉ mũi rất to, bà nói bô bô về đời sống riêng tư trong phòng the, bà còn thú vị biểu diễn cho mọi người xem hàm răng giả của bà. Bà rất khéo léo dùng lưỡi điều khiển hàm răng giả. Miệng bà chành ra, bà dùng lưỡi đẩy hàm trên xuống hàm dưới, khiến khuôn mặt bà trở nên rúm ró trông gớm ghiếc, ghê sợ.

Hành động này của bà chẳng qua là cố gắng muốn gạt đi tất cả những gì dính líu đến tuổi trẻ và sắc đẹp. Khi bà còn son trẻ, khi bà có chín gã đàn ông say mê theo đuổi, quỳ xuống chung quanh bà, bà rất lo ngại trong việc bảo vệ tiết hạnh, như thể giá trị người con gái ở tính nết đằm thắm đoan trang chứ không phải sắc đẹp bên ngoài. Giờ đây, bà không những mất hết vẻ nết na đằm thắm, bà còn thẳng tay đập phá tan tành. Bà dùng sự luông tuồng, thô bỉ vạch ra lằn ranh ngăn cách đời bà, với bà sự trẻ đẹp chỉ có ở đầu môi chót lưỡi người đời, tuyệt đối không có giá trị gì.

Tôi thấy cuộc đời Tereza là hậu quả hành vi bà mẹ cô, hành vi cố ý gạt bỏ hình ảnh người con gái đẹp ra khỏi đời sống cô, bà ném bỏ nó tuốt phía sau lưng cô.

(Và nếu Tereza có dáng đi rụt rè, nếu cử chỉ cô thiếu dịu dàng, duyên dáng thì chúng ta cũng đừng nên ngạc nhiên: hành vi, ngôn ngữ hung tợn, thô bạo, đầy chất tự hủy của mẹ cô để lại dấu hằn không sao xoá nhoà được trong tâm khảm cô.)

8

Bà mẹ Tereza đòi hỏi phải có công li. Bà muốn thủ phạm làm đời bà khốn khổ phải đền tội. Đó là li do tại sao bà trì kéo Tereza vào cái thế giới luông tuồng, thô bỉ của bà, thế giới không có chỗ đứng cho tuổi trẻ và sắc đẹp, thế giới trống rỗng ngoại trừ những trại tập trung khổng lồ lúc nhúc xác người nằm xếp lớp bên nhau, thế giới không có tâm hồn.

Giờ đây chúng ta có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa tật xấu bí mật của Tereza, tật hay nhìn khuôn mặt mình trong gương. Nó là trận chiến không ngừng giữa cô và bà mẹ. Nó là ý muốn khát khao thân xác mình không giống những thân xác khác, để thấy nét mặt bên ngoài là đoàn thủy thủ từ dưới hầm tàu chạy túa lên boong vui sướng hát ca. Cô thấy khó khăn lắm: tâm hồn cô – một tâm hồn sâu thẳm, nhát nhúa, chìm đắm – nằm yên ẩn nấp tận dưới đáy lòng cô. Cô thấy xấu hổ khi phải trưng bày nó ra cho mọi người xem xét. Thế rồi cái hôm đầu tiên cô gặp Tomas. Lách người qua bọn đàn ông ồn ào, nồng nặc hơi rượu bia trong tiệm ăn, thân xác cô lún xuống dưới sức nặng khay bia cô bưng trên tay, và tâm hồn cô thì lưng chừng đâu đó, khoảng ngang bụng hay cạnh sườn. Tomas cất tiếng gọi cô. Tiếng gọi có ý nghĩa rất lớn, bởi nó xuất phát từ người không biết chút gì về bà mẹ cô và lũ đàn ông say khướt miệng không ngớt buông lời chọc ghẹo chớt nhả này. Vai trò một người ngoại cuộc đưa Tomas lên cao, vượt hẳn những gã tầm thường khác.

Điều nữa khiến anh được cô đặc biệt chú ý: trước mặt anh là quyển sách đang xem dở. Xưa nay, có ai bước vào tiệm ăn này đem theo sách ngồi đọc bao giờ đâu. Dưới mắt Tereza, sách vở là biểu tượng cho hội tình thương bí mật. Bởi khí giới duy nhất cô có trong tay để chống chọi với cái thế giới thô bỉ, nhơ nhớp chung quanh cô là những quyển sách cô mượn từ thư viện thành phố. Nhất là tiểu thuyết. Cô đọc bất cứ quyển gì cô vớ được trong tay, từ Fielding cho đến Thomas Mann. Sách vở không những giúp cô tạm thời thoát khỏi đời sống buồn nản, chán ngắt cô đang vướng mắc, nó còn mang ý nghĩa khác: cô rất thích đi bộ xuống phố, trên tay ôm một quyển sách. Với cô quyển sách có ý nghĩa giống như cách đây gần thế kỉ người đàn ông lịch sự, bảnh bao cầm trên tay cây can khi bước ra đường phố. Nhờ quyển sách cô thấy mình khác những người chung quanh.

(So sánh quyển sách với cây can không chính xác tuyệt đối lắm. Cây can khiến người đàn ông lịch sự, bảnh bao kia không những khác người, nó còn giúp ông ta hợp thời trang, mới mẻ. Quyển sách làm Tereza khác người, nhưng trông cô cũ kĩ, quê mùa đến tội nghiệp. Cô thấy đám trai trẻ qua lại trên đường phố với chiếc máy thu thanh áp sát tai trông thật ngớ ngẩn, dị hợm. Dưới mắt cô, bọn con trai đó chẳng có gì tân tiến, mới mẻ.)

Vì thế người đàn ông cất tiếng gọi cô trong tiệm ăn khách sạn là người lạ mặt và cũng là hội viên hội tình thương bí mật. Anh gọi cô bằng giọng từ tốn, nhã nhặn, và Tereza cảm thấy tâm hồn cô đột nhiên như muốn vùng lên chạy xuyên qua trăm ngàn mạch máu li ti, tràn lên mặt và nôn nóng hiện ra cho anh trông thấy.

9

Từ hôm ở Zurich về, Tomas cảm thấy bất ổn với ý tưởng cuộc gặp gỡ giữa anh và Tereza chỉ là kết quả của sáu chuyện ngẫu nhiên.

Nhưng có phải càng nhiều ngẫu nhiên bao nhiêu biến cố càng trọng đại, càng đáng nói bấy nhiêu?

Sự tình cờ và chỉ có sự tình cờ mới ưu ái gửi đến chúng ta những thông điệp. Việc xảy ra do nhu cầu, được tiên liệu trước, tái diễn ngày này qua ngày nọ, có khác chi món vật ù lì, câm nín. Chỉ có sự tình cờ mới có khả năng kể lể, chuyên chở thông điệp đến chúng ta.

Tomas xuất hiện trước mặt Tereza trong tiệm ăn khánh sạn là một tình cờ tuyệt đối. Anh ngồi đó, mải miết đọc quyển sách, bất chợt ngửng đầu lên và thấy cô đang bước đến, anh khẽ mỉm cười nói, “Cô làm ơn cho li cô-nhắc.”

Ngay lúc đó, ngẫu nhiên máy hát trong tiệm ăn đang phát ra điệu nhạc. Lúc bước vào sau quầy rượu rót li cô-nhắc, Tereza vặn nút cho tiếng nhạc lớn hơn một chút. Cô nhận ra đó là khúc nhạc của Beethoven. Cô bắt đầu biết nghe và thưởng thức nhạc Beethoven từ hôm thị xã nơi cô ở đón tiếp ban nhạc bốn đàn dây từ Praha xuống trình diễn. Tereza (như chúng ta biết, luôn luôn khao khát muốn vươn tới “cái gì cao hơn”) bỏ thì giờ đến nghe buổi trình tấu. Thính đường trống trơn, không ma nào thèm đến nghe ngoại trừ cặp vợ chồng người dược sĩ có tiệm bán thuốc dưới phố. Mặc dù khán giả chỉ vỏn vẹn ba người nhưng ban nhạc rất tử tế, họ đã không hủy bỏ buổi trình diễn. Họ tấu ba người nghe trọn vẹn ba tứ cầm khúc cuối của Beethoven.

Sau đó, vợ chồng người dược sĩ có nhã ý mời bốn người trong ban nhạc đi dùng cơm tối và họ mời luôn cô gái khán giả. Từ bữa đó trở đi, Beethoven trở thành hình tượng cái thế giới khác thường kia, thế giới cô luôn vọng tưởng tới. Đi vòng qua quầy rượu với li cô-nhắc của Tomas trên tay, cô cố tìm hiểu thông điệp của sự tình cờ: Làm cách nào có chuyện tiếng nhạc Beethoven trổi lên ngay lúc cô rót rượu cho người lạ mặt mà cô thấy dễ mến?

Nhu cầu thường không cần biết đến công thức ảo diệu nào – nó hoàn toàn dựa vào sự tình cờ. Nếu tình yêu muốn trở nên bất tử thì bao nhiêu tình cờ hãy lập tức bắt đầu phất phới bay xuống như đàn chim đậu lên bờ vai thánh Francis Assisi.

10

Anh gọi cô đến tính tiền li cô-nhắc. Anh đóng quyển sách lại, và cô chợt nảy ra ý nghĩ muốn hỏi anh đang đọc quyển sách gì.

“Cô tính tiền li rượu vào tiền phòng được chứ?” Anh hỏi cô.

“Dạ được. Ông ở phòng số mấy?”

Anh đưa chìa khoá phòng khách sạn cho cô xem. Chiếc chìa khoá đeo lủng lẳng vào miếng gỗ nhỏ có con số sáu màu đỏ sẫm.

“Lạ nhỉ? Con số sáu.” Cô buột miệng.

“Cái gì lạ?” Anh hỏi cô.

Cô chợt nhớ căn nhà cô chung sống với cha mẹ ở Praha trước khi hai người xa nhau. Căn nhà số sáu. Nhưng cô không nói với anh điều này (chúng ta có thể cho đó là mánh khóe của cô): “Ông ở phòng số sáu còn tôi tan việc lúc sáu giờ.”

“Chuyến xe lửa tôi khởi hành lúc bảy giờ”. Người lạ mặt nói.

Cô không biết nói gì thêm đành đưa tờ biên nhận cho anh kí rồi mang ra quầy tính tiền. Lúc cô làm xong việc người lạ mặt không còn ngồi chỗ cũ nữa. Ông ta có hiểu ra câu nói kín đáo của cô không nhỉ? Cô rời khách sạn lòng rộn ràng niềm vui khó tả.

Đối diện khách sạn là một công viên trơ truị, xác xơ. Ở chốn tỉnh lẻ xấu xí, tồi tàn này chỉ có chừng đó thôi, nhưng với Tereza, cái công viên nhỏ bé, khiêm nhường đó là hòn đảo xinh đẹp: Nó có vườn cỏ, bốn cây bạch dương, ghế ngồi, một cây liễu, và vài bụi cây con.

Người khách lạ ngồi trên chiếc ghế dài màu vàng mắt nhìn lơ đãng vào cửa ra vào khách sạn. Cũng chiếc ghế đó mới ngày hôm qua cô ngồi với quyển sách trên đùi! Tới đó cô biết (đàn chim của sự tình cờ đã bắt đầu đáp xuống vai cô) người khách lạ này là định mệnh đời cô. Ông ta gọi cô lại, mời cô ngồi xuống bên cạnh (đoàn thủy thủ tâm hồn cô đang túa chạy lên boong tàu thân thể.) Sau đó cô đưa ông ta ra trạm ga, và trước khi từ giã ông ta trao cô tấm thẻ. “Khi nào cô có dịp ghé thăm Praha...”

11

Tấm thẻ anh đưa cô vào giây phút chót không mang ý nghĩa gì cả. Chính tiếng gọi của những tình cờ dun rủi (quyển sách, Beethoven, con số sáu, chiếc ghế công viên màu vàng) đã cho cô can đảm bỏ nhà ra đi để thay đổi định mệnh đời mình. Có thể lắm chứ! Rất có thể chỉ cần vài chuyện tình cờ như thế đã đủ thổi bùng lên tình yêu trong cô và nó còn hà hơi tiếp vào cô sức mạnh cùng ý chí để cô vẫn thấy hăng hái, say mê vào lúc cuối mùa này.

Trong đời sống thường nhật, chúng ta bắt gặp không biết bao nhiêu chuyện tình cờ dun rủi, hay nói đúng hơn, không biết bao nhiêu lần gặp gỡ bất ngờ mà chúng ta gọi là tao ngộ. Tao ngộ là hai biến cố xảy ra cùng lúc mà không hề được tính toán, dự trù trước. Chúng gặp nhau: Tomas xuất hiện trong tiệm ăn khách sạn cùng lúc máy hát trổi lên khúc nhạc Beethoven. Đa số những chuyện ngẫu nhiên như vậy chúng ta chẳng bao giờ bận tâm để ý. Giả sử thay vì Tomas, ngồi nơi bàn là gã bán thịt ngoài chợ có lẽ Tereza đã không bận tâm lắng nghe máy hát lúc đó đang trổi điệu nhạc gì (mặc dù sự gặp gỡ giữa Beethoven và gã bán thịt cũng là điều ngẫu nhiên khá li thu.) Nhưng tình yêu đang nhen nhúm trong cô được thổi bùng, khuếch đại lên ý niệm về cái đẹp, và cô không bao giờ quên tiếng nhạc đó. Bất cứ lúc nào nghe lại tiếng nhạc, cô đều bị rung động. Tiếng nhạc tạo thành vùng hào quang rực rỡ bao phủ mọi vật chung quanh cô lúc đó.

Trong đoạn đầu quyển tiểu thuyết Tereza ôm trong tay hôm cô lên Praha tìm Tomas, Anna gặp Vronsky trong trạng huống rất li kì: Họ gặp nhau tại trạm ga xe lửa giữa lúc có người bị xe lửa cán chết. Ở đoạn cuối, Anna nhảy vào xe lửa tự tử. Cấu trúc đối xứng này – cùng một mô-típ xuất hiện ở đoạn đầu và đoạn cuối – với bạn nghe có vẻ “tiểu thuyết” quá phải không, và tôi sẵn sàng đồng ý với bạn, nhưng với điều kiện bạn phải tự chế, đừng để những ý niệm như “hư cấu”, “sắp đặt”, “không có thật ngoài đời” đi vào chữ “tiểu thuyết”. Bởi, đời sống con người được cấu thành bởi chính những đường lối, cách thức như vậy.

Nó được cấu thành như người ta sáng tác âm nhạc. Được hướng dẫn bởi ý niệm thẩm mĩ, người ta biến hình những sự kiện ngẫu nhiên (nhạc Beethoven, cái chết dưới gầm toa xe lửa) thành một mô-típ, và rồi cái mô-típ đó chiếm hữu chỗ đứng thường trực trong đời sống con người. Anna có thể chọn cho mình cái chết khác. Nhưng, mô-típ cái chết và trạm ga xe lửa, cả hai buộc chặt vào sự ra đời của tình yêu, đã lôi cuốn mê hoặc Anna trong những giây phút tuyệt vọng với nét đẹp thâm trầm. Không cần biết đến nó, người ta cấu tạo đời sống tùy theo định luật thẩm mĩ ngay cả vào những lúc khốn cùng, tuyệt vọng nhất.

Vì thế, thật sai lầm nếu chúng ta chê bai một quyển tiểu thuyết bị mê hoặc bởi những biến cố ngẫu nhiên kì bí (như gặp gỡ của Anna, Vronsky, trạm ga, và cái chết, hay gặp gỡ giữa Beethoven, Tomas, Tereza, và li cô-nhắc), nhưng chúng ta có quyền chê trách con người mù quáng không thấy những biến cố ngẫu nhiên đó trong đời sống thường nhật. Bởi, như thế, con người đánh mất bề mặt vô cùng đẹp đẽ của đời sống.

12

Bị thúc đẩy bởi đàn chim của tình cờ đang phất phới bay xuống đậu trên vai mình, Tereza xin nghỉ làm trọn tuần lễ và lén mẹ đáp xe lửa lên Praha. Ngồi trên xe, chốc chốc cô lại vào phòng vệ sinh nhìn ngắm khuôn mặt và cầu khẩn tâm hồn cô đừng quay lưng lại thân xác trong ngày trọng đại nhất đời này. Kiểm soát lại mình, cô chợt thấy có điều không ổn: cổ họng cô nhói lên từng cơn đau buốt. Chẳng lẽ cô ngã quỵ giữa ngày trọng đại nhất đời này sao?

Nhưng không còn đường cho cô quay về nữa rồi. Cô gọi Tomas từ trạm ga, và giây phút anh mở cánh cửa đón cô vào, bụng cô bắt đầu sôi réo lên từng hồi. Cô chết điếng cả người. Cô có cảm tưởng bà mẹ chui vào nấp sẵn trong đó tự lúc nào và giờ đây bà đang cất tiếng cười ha hả để phá tan cuộc gặp gỡ giữa cô và Tomas.

Trong vòng mấy giây đồng hồ, cô nghĩ Tomas sẽ mời cô ra khỏi nhà vì tiếng kêu khó chịu phát ra từ bụng cô. Nhưng không. Ngay sau đó anh quàng tay ôm cô. Cô sung sướng thầm cảm ơn anh không để ý tiếng sôi bụng của mình. Anh ôm hôn cô thật say đắm. Nước mắt cô trào ra. Chưa đầy phút sau, hai người đã đắm đuối nhập vào nhau giữa dòng ái ân cuồng nhiệt. Cô hét lên trong lúc làm tình. Cô lên cơn sốt. Cô bị cơn cảm cúm tai ác hành hạ. Cái ống hút dùng tiếp khí ốc-xy vào hai lá phổi đỏ ửng lên.

Khi lên Praha lần thứ hai, cô xách theo chiếc va li nặng trĩu. Cô nhét vào va li tất cả vật dụng tư trang, nhất quyết không bao giờ quay về cái thị trấn buồn tênh này nữa. Tomas mời cô đến nhà vào buổi tối hôm sau. Đêm đó, cô nghỉ đêm tại một khách sạn tồi tàn. Sáng ra, cô gởi va li ở trạm ga rồi thơ thẩn lê bước khắp phố phường với quyển Anna Karenina trong tay. Mãi đến lúc cô bấm chuông nhà Tomas và anh ra mở cửa đón cô vào, cô mới chịu rời quyển sách. Quyển sách là tấm thẻ bài tùy thân cho phép cô bước vào thế giới của anh. Cô biết cô không có gì khác ngoài tấm thẻ bài đáng thương đó, và ý nghĩ này làm cô muốn rơi nước mắt. Để trấn áp cơn buồn tủi, cô lớn tiếng nói chuyện huyên thiên và cười luôn miệng. Một lần nữa Tomas kéo cô vào lòng và hai người lại làm tình với nhau. Cô bước vào vùng lãng đãng khói sương. Sự vật trở nên mù mờ, huyễn hoặc. Chỉ còn tiếng hét của cô là rõ mồn một mà thôi.

13

Không phải là tiếng thở hắt ra, cũng không phải tiếng rên rỉ mà là tiếng hét thật sự. Cô hét to đến nỗi Tomas phải nghiêng đầu sang bên, như thể anh sợ tiếng hét gần tai quá chọc thủng màng nhĩ anh mất. Tiếng hét không phải là tiếng kêu biểu lộ nhục cảm. Khoái cảm nhục dục là sự điều động toàn thể các giác quan: nhìn người tình của mình thật say đắm rồi cố gắng chụp bắt từng tiếng động. Nhưng tiếng hét của Tereza không phải thế, nó có chủ tâm làm què quặt mọi giác quan. Nó ngăn cản, không cho thính giác cũng như thị giác mình hoạt động. Tiếng hét thật ra là cái li tưởng ngây ngô của cô về tình yêu, nó cố gắng gạt đi mọi đối nghịch, gạt đi đối tính giữa thể xác và tâm hồn, gạt đi có lẽ cả thời gian.

Cô có nhắm hai mắt lại không? Không, nhưng hai mắt cô không nhìn vào chỗ nào nhất định. Tầm mắt cô phóng lên khoảng trống trần nhà. Có lúc cô lắc đầu thật mạnh từ bên này sang bên kia.

Khi tiếng hét lắng xuống, cô lập tức chìm vào giấc ngủ bên cạnh Tomas, hai tay nắm chặt tay anh. Suốt đêm cô ngủ trong tư thế hai tay ôm chặt tay Tomas.

Ngay từ năm lên tám cô đã có thói quen ngủ trong lúc hai tay nắm chặt vào nhau, cô tin tưởng mình đang nắm chặt bàn tay người mình yêu dấu, người của cuộc đời mình. Vì thế, chúng ta hiểu ngay li do tại sao trong lúc ngủ cô nắm tay Tomas chặt như vậy: cô được huấn luyện thuần thục ngay từ khi còn rất bé thơ.

14

Một cô gái trẻ tuổi bị ép buộc phải đi hầu rượu bọn đàn ông say sưa và giặt giũ quần áo lót cho lũ em ghẻ – thay vì được quyền vươn tới “cái gì cao hơn” – là người biết dự trữ sinh lực, thứ sinh lực không người sinh viên đại học lười lĩnh nào dám mơ tưởng đến. Tereza đọc sách còn nhiều hơn các cô cậu sinh viên này. Cô học hỏi khá nhiều về đời sống, nhưng cô không bao giờ nhận ra điều đó. Sự khác biệt giữa người tự học và người tốt nghiệp đại học không nằm ở khả năng kiến thức mà ở sức sống cùng lòng tự tin vào đời sống. Lên Praha sinh sống Tereza lao vào cuộc sống mới với lòng cuồng nhiệt và sự bấp bênh. Cô có vẻ như chờ đợi một ngày có người đến nói với cô, “Cô làm gì ở đây thế? Cô hãy trở về nơi chốn của cô đi!” Tất cả lòng hăng hái say mê của cô cho đời sống được treo bằng sợi chỉ: tiếng gọi của Tomas. Chính tiếng gọi của Tomas đã dẫn dụ cái tâm hồn nhát nhúa, rụt rè của cô ra khỏi chỗ nó ẩn nấp tận đáy lòng sâu kín.

Tereza có việc làm trong phòng tối tờ tạp chí tuần, nhưng công việc này không làm cô vừa ý. Cô muốn trở thành người chụp ảnh chứ không phải người thợ rửa hình. Cô bạn Sabina của Tomas có nhã ý cho cô mượn ba bốn quyển sách dạy nhiếp ảnh và hẹn gặp cô ở quán cà phê để cắt nghĩa thế nào là bức ảnh đẹp tạo thú vị cho người xem. Tereza yên lặng chăm chú nghe. Mặt cô nghiêm trang lắng nghe từng câu nói của Sabina, khuôn mặt cô lúc đó không phải là khuôn mặt các giáo sư thường thấy ở đám sinh viên trong lớp học.

Nhờ Sabina, cô hiểu quan hệ giữa hội hoạ và nhiếp ảnh. Cô còn bảo Tomas đưa cô đi xem tất cả những buổi triển lãm tranh ảnh ở Praha. Chẳng bao lâu, ảnh cô chụp được tờ tạp chí chọn đăng và cô trở thành phóng viên nhiếp ảnh chuyên nghiệp của tờ báo.

Tối hôm đó, hai người rủ thêm vài người bạn kéo nhau ra quán rượu để ăn mừng cô lên chức. Mọi người ra sàn khiêu vũ trong lúc Tomas ngồi lại bàn một mình, vẻ mặt tư lự. Về đến nhà, sau khi bị Tereza chọc ghẹo, anh thú nhận anh quả có lên cơn ghen khi thấy cô khiêu vũ với người bạn anh.

“Tomas, anh ghen thật đấy à?” Cô ngờ vực hỏi đi hỏi lại đến mười mấy lần, như thể có người báo tin cô vừa được trao tặng giải Nobel.

Rồi cô ôm thắt lưng Tomas, lôi anh theo những bước nhảy khắp phòng. Không phải những bước nhảy làm mọi người suýt soa thán phục ở quán rượu. Cô nhảy như dân làng thường nhảy múa trong dịp hội hè đình đám, những bước nhảy nô đùa nghịch ngợm, chân phóng cao lên không khí, thân hình nhấp nhô lên xuống. Cứ thế, Tomas bị cô lôi xềnh xệch khắp phòng.

Nhưng buồn thay, chẳng bao lâu chính cô là người khổ sở với cảnh ghen tuông và với Tomas sự ghen tuông ở Tereza không phải là giải Nobel, nó là gánh nặng chồng chất lên anh, gánh nặng anh phải đưa vai ra chịu đựng cho đến khi anh gần nhắm mắt lìa đời.

15

Trong lúc Tereza cùng lũ đàn bà khác bước vòng quanh hồ bơi, thân thể trần truồng, Tomas đứng trong chiếc giỏ treo toòng teng trên trần nhà, hò hét bắt họ vừa đi vừa ca hát và uốn gối. Ai uốn gối không đúng kiểu lập tức bị bắn chết và rơi tõm xuống hồ.

Hãy để tôi trở lại giấc mơ này của Tereza. Sự kinh hoàng không ập đến với tiếng súng đầu tiên phát ra từ tay Tomas, nó bắt đầu ngay từ lúc cảnh tượng mới chớm hiện ra trong giấc mơ. Với Tereza hình ảnh gây kinh hoàng tột độ là hình ảnh những thân thể trần truồng diễn hành bên nhau. Khi còn ở nhà, mẹ cô cấm cô không được khoá cửa phòng tắm. Bà giải thích cái mệnh lệnh quái đản này như sau: “Mày khác gì thiên hạ đâu; mày không được quyền xấu hổ; mày không có li do phải giấu giếm cái vật hàng triệu người đều có như nhau.” Trong thế giới của mẹ cô, thể xác nào cũng y như nhau và tuần tự nối đuôi nhau diễn hành thành hàng một. Từ lúc còn trẻ thơ, Tereza đã xem khoả thân là dấu hiệu của đồng dạng trong trại tập trung, dấu hiệu của nhục nhã, đớn hèn.

Chưa hết, vẫn còn nỗi kinh hoàng khác ùa đến ngay từ giây phút đầu tiên của giấc mơ: tất cả những người đàn bà đều phải cất tiếng ca hát! Không những thân thể họ y như nhau, vô dụng như nhau, không những thân thể họ là những bộ máy vô hồn như nhau – họ vui sướng với điều đó! Nỗi vui sướng của họ là nỗi vui sướng của kẻ không có tâm hồn. Họ vui vẻ thẳng tay ném tâm hồn họ xuống đất – họ ném đi cái tính tự mãn buồn cuời, cái ảo giác có một không hai để trở thành giống hệt người bên cạnh. Tereza cùng ca hát với họ, nhưng cô không thấy vui sướng chút nào. Cô hát vì cô sợ lũ đàn bà kia sẽ xúm lại giết cô chết mất nếu cô cưỡng lại.

Nhưng sự việc Tomas giơ súng bắn hết người này đến người khác khiến họ lần lượt rơi tõm xuống hồ bơi có ý nghĩa gì?

Đám đàn bà sung sướng vì giống nhau, vì không có gì khác biệt trên thân thể họ. Thật ra, họ đang ăn mừng cái chết đang chậm chạp tiến đến, cái chết khiến sự đồng dạng trở nên tuyệt đối. Vì thế, sự sung sướng cứ thế dâng lên theo mỗi tiếng súng Tomas bắn ra, dần đến cực điểm trong cuộc diễn hành bệnh hoạn. Mỗi lần súng nổ, họ lại phá lên cười sung sướng, và mỗi lần có xác người rơi ngã xuống hồ họ lại gân cổ ca hát lớn hơn.

Nhưng tại sao Tomas là người cầm súng bắn? Tại sao anh lại bắn Tereza và những người đàn bà khác?

Vì anh là người xô đẩy cô vào lũ đàn bà đó. Giấc mơ của Tereza cho Tomas biết như thế, nó mở ra cho anh thấy điều cô muốn nói mà không nói được. Cô đến với anh để thoát khỏi thế giới của mẹ cô, thế giới trong đó mọi thân xác bình đẳng và giống hệt như nhau. Cô đến với anh mong mỏi trở thành thân xác độc nhất, có một không hai trên cõi đời này và không sao thay thế. Nhưng chính anh đã vẽ dấu bằng giữa cô và những người đàn bà khác: anh hôn mọi người đàn bà như nhau, anh vuốt ve họ như nhau, anh tuyệt đối không thấy khác biệt giữa thân xác cô và những thân xác khác. Anh đẩy cô tụt về thế giới cô cố sức thoát li, anh đẩy cô bước ra trần truồng diễn hành với những người đàn bà trần truồng khác.

16

Những giấc mơ tuần tự tiếp diễn: giấc thứ nhất cô thấy lũ mèo điên, chúng tượng trưng cho những đau đớn cô trải qua trong đời; giấc thứ hai hình ảnh cô bị hành quyết, nó thay đổi luôn; giấc thứ ba hình ảnh cô sau khi chết, khi nhục nhã như rơi vào trạng thái bất tận.

Chúng ta chẳng cần bận tâm giải đoán những giấc mộng này của Tereza. Chúng nhắm vào Tomas rõ rệt đến nỗi phản ứng duy nhất anh làm được sau đó là gục mặt xuống, hai tay xoa nhẹ lên tay Tereza và miệng không thốt được tiếng nào.

Những giấc mơ mang ý nghĩa tàn bạo nhưng cũng thật diễm lệ. Về điểm này, dường như nó muốn vượt khỏi li thuyết của Freud về mộng mị. Nằm mơ không hẳn chỉ là hành vi truyền giao cách cảm (hay truyền giao ẩn mật, nếu bạn muốn nói như thế); nó còn là sinh hoạt thẩm mĩ, là trò chơi của trí tưởng tượng, trò chơi có giá trị trong chính nó. Những giấc mơ – về những sự kiện vị lai – chứng tỏ trí tưởng tượng là nhu cầu sâu thẳm nhất của con người. Điều nguy hiểm nằm nơi đó. Chúng ta mau chóng quên ngay những giấc mơ không đẹp. Nhưng vì giấc mơ của Tereza tái hồi năm này tháng nọ nên nó trở thành truyền thuyết, thành truyện hoang đường và Tomas sống dưới lời nguyền rủa trù yểm bởi nét đẹp ray rứt khôn nguôi của giấc mơ đó.

“Hỡi Tereza yêu quý, hỡi Tereza thân ái ơi! Tôi đang bị tội tình gì đây?” Có lần Tomas nói với Tereza như vậy trong lúc hai người ngồi đối mặt nhau trong quán rượu. “Đêm đêm em cứ mơ thấy cái chết như thể em thật tình mong muốn từ giã cõi đời này...”

Lúc đó là ban ngày, lúc li lẽ cùng ý chí đều vô cùng vững chãi. Một giọt rượu màu đỏ au đang từ từ lăn xuống thành li, Tereza trả lời anh, “Em không làm được gì cả, Tomas ạ. Ồ, em hiểu chứ. Em biết anh yêu em. Em biết tính trăng hoa của anh chẳng bao giờ gây chuyện đau buồn lớn lao cho chúng mình...”

Cô nhìn Tomas với nỗi thương yêu tràn đầy trong khóe mắt, nhưng cô sợ hãi đêm tối trước mặt, cô sợ hãi những giấc mơ đang đón chờ cô trong bóng đêm. Đời sống cô bị xé toạc ra thành hai mảnh. Đêm và ngày cứ thế chống chọi nhau mãnh liệt.

17

Bất cứ ai có ý định muốn vươn lên tới “cái gì cao hơn” đều phải tiên liệu ngày nào đó sẽ mắc phải căn bệnh sợ hãi độ cao. Bệnh sợ hãi độ cao là gì? Là nỗi sợ hãi khi đứng trên cao? Nhưng tại sao chúng ta vẫn thấy sợ hãi dù trên đài quan sát chúng ta đang đứng có tay cầm chắc chắn? Không, bệnh sợ hãi độ cao là cái gì khác với tính sợ hãi khoảng cao. Nó là tiếng kêu của khoảng không trống trải bên dưới. Nó dụ dỗ, đánh lừa chúng ta. Chính ý định muốn nhảy từ trên cao xuống khiến chúng ta sợ hãi và vì thế chúng ta cố sức loay hoay tìm cách tự vệ.

Những người đàn bà khoả thân diễn hành quanh hồ bơi, những xác chết nằm trong xe tang vui sướng vì có Tereza cùng chết với họ – tất cả là những “cái gì từ bên dưới” Tereza không ngớt kinh khiếp và đã một lần trốn chạy trước đây nhưng, đầy bí ẩn, giờ đây chúng chường mặt ra đối đầu cô. Đây mới là căn bệnh sợ hãi khoảng cao của cô: lọt vào tai cô những tiếng gọi ngọt ngào (gần như vui sướng) kêu gọi cô hãy từ bỏ định mệnh, hãy gạt bỏ tâm hồn qua một bên. Sự cô độc vì không còn tâm hồn lớn tiếng kêu gọi cô. Những khi yếu lòng, cô bị tiếng gọi đó mê hoặc và cô thấy mình sẵn sàng trở bước quay về. Cô sẵn sàng quay lưng lại đoàn thủy thủ tâm hồn trên boong con tàu thân thể; cô sẵn sàng tụt xuống, ngồi chung chạ cười đùa với đám bạn bè mẹ cô; cô sẵn sàng diễn hành quanh bờ hồ cùng với họ, thân thể trần truồng và miệng vui sướng hát ca.

18

Đúng, Tereza chiến đấu với mẹ cô cho đến ngày cô bỏ nhà ra đi, nhưng chúng ta đừng quên cô không ghét bỏ bà. Giá mẹ cô nói với cô bằng giọng nói nhu mì, êm ái chắc cô đã sẵn sàng gánh vác bất cứ chuyện gì bà mong muốn. Li do duy nhất cô có sức mạnh thoát li khỏi gia đình chỉ vì cô không bao giờ được nghe giọng nói như thế thoát ra từ miệng bà. Khi nhận ra thái độ hung tợn của mình không chút ảnh hưởng gì lên đứa con gái, bà bắt đầu viết cho Tereza những lá thư với giọng điệu oán trách, than van. Bà than thở về gia đình, việc làm, sức khỏe. Bà làm như chỉ có Tereza mới là người thân trong cuộc đời bà. Tereza có cảm tưởng cuối cùng cô nghe được tiếng nói yêu thương của bà, và cô nảy ý định muốn quay về. Hơn thế nữa, cô muốn quay về vì cô quá mệt mỏi, quá suy yếu bởi tính trăng hoa, phóng đãng của Tomas. Cô thấy rõ sự bất lực của mình phơi bày ra, cô bị du vào căn bệnh sợ hãi độ cao, và cô không sao thoát khỏi cám dỗ muốn rơi ngã xuống.

Một hôm mẹ cô gọi dây nói cho biết bà bị ung thư và chỉ còn sống thêm vài tháng. Tereza trở nên tuyệt vọng đến cùng cực. Cô tự trách mắng mình đã bỏ mẹ đi theo người đàn ông chẳng yêu thương gì mình. Cô sẵn sàng tha thứ tất cả mọi lỗi lầm của bà trong quá khứ. Giờ đây cô có thể hiểu mẹ cô hơn. Hai người cùng lâm vào hai hoàn cảnh tương tự: mẹ cô yêu thương người cha ghẻ cô, cũng như cô yêu thương Tomas, và người cha ghẻ hành hạ mẹ cô thế nào Tomas hành hạ cô thế nấy. Mẹ cô trở thành người đàn bà ác độc chỉ vì bà chịu đựng biết bao nỗi đắng cay như vậy trong đời bà.

Tereza cho Tomas hay tin mẹ cô lâm trọng bệnh, và cô dự định xin nghỉ làm một tuần lễ về thăm nhà. Giọng cô đầy tủi hờn, oán trách.

Tomas không đồng ý cho Tereza về thăm mẹ vì anh linh cảm li do cô quay về chính là căn bệnh sợ hãi độ cao. Anh gọi dây nói xuống bệnh viện tỉnh lị nơi bà mẹ Tereza cư ngụ. Hồ sơ các ca bệnh ung thư được lưu trữ cẩn thận khắp nơi trong nước nên Tomas tìm ra ngay sự thật bà mẹ Tereza chẳng bị ung thư gì, bà cũng không hề đi khám bệnh trên năm trời nay.

Tereza nghe lời Tomas không về nhà thăm mẹ nữa. Vài tiếng đồng hồ sau khi quyết định, cô ra đường và tự làm ngã đến bị thương đầu gối. Cô bắt đầu đi đứng khó khăn, hôm nào cũng té ngã, va chạm bàn ghế, đồ đạc trong nhà, khá lắm là đánh rơi món đồ cầm trên tay.

Cô bị kẹp cứng giữa gọng kềm của cơn bệnh muốn rơi ngã xuống. Cô sống thường trực với căn bệnh sợ hãi độ cao.

“Hãy đỡ tôi lên!” Đó là tiếng kêu cứu của kẻ đang rơi tuột xuống. Và mỗi lần cô rơi xuống Tomas vẫn kiên nhẫn đưa tay kéo cô lên.

19

“Em muốn làm tình với anh ngay tại phòng vẽ của em. Giường hai ta nằm trông như bục sân khấu có người ngồi chung quanh. Khán giả không được lại gần nhưng họ không thể rời mắt...”

Thời gian trôi qua, hình ảnh này mất dần đi ý nghĩa tàn bạo và nó trở thành nguyên do dễ gây khích động trong lòng Tereza. Cô hay ghé sát tai Tomas thầm thì những câu như vậy trong lúc hai người làm tình.

Cô bỗng nảy ra ý nghĩ trong đầu rất có thể có con đường giúp cô tránh khỏi bản án buộc tội Tomas vì tính trăng hoa, phóng đãng của anh: chỉ cần Tomas dẫn cô theo, dẫn cô theo khi anh đến nhà các cô tình nhân của anh! Có lẽ, chỉ lúc đó thân xác cô mới vươn cao hơn các thân xác khác. Thân xác cô sẽ biến thành phần hai của Tomas, thành người phụ tá cho anh, người tri kỉ của anh.

“Em cởi quần áo cô nàng, tắm rửa sạch sẽ rồi đem đến dâng lên anh...” Cô thầm thì bên tai anh những lời như thế trong lúc thân thể hai người ép sát nhau. Cô khao khát hoà nhập vào Tomas thành cái gì độc nhất để thân xác những người đàn bà khác biến thành đồ chơi của hai người.

20

Ồ, để trở thành tri kỉ của anh trong cuộc sống đầy trăng hoa, mây gió này ư! Tomas không chịu hiểu điều đó cho Tereza nhưng cô không sao xoá tan được ý tưởng này trong đầu và cô cố tạo mối dây liên hệ thân thiết với Sabina. Tereza ướm lời bằng cách đề nghị đến nhà chụp ảnh cho Sabina.

Sabina mời cô về nhà và cuối cùng tận mắt cô nhìn thấy căn phòng rộng rãi với đồ vật chính trong nhà: chiếc giường lớn, vuông vức, trông như bục sân khấu trình diễn kịch.

“Tôi thấy áy náy quá vì chưa bao giờ có dịp mời cô đến đây”. Sabina nói trong lúc khoe Tereza những bức tranh treo trên tường nhà. Cô lôi ra một bức vẽ cảnh khu công trường thép đang xây cất cô vẽ thời còn đi học, thời mọi sinh viên mĩ thuật đều bị bắt buộc vẽ theo khuynh hướng hiện thực. (Người ta cho nghệ thuật không hiện thực ăn mòn, phá hủy dần nền móng xã hội chủ nghĩa.) Trong tinh thần hăng say đó, cô cố chứng tỏ mình có tinh thần giác ngộ còn hơn các giáo sư hội hoạ của cô bằng cách vẽ nó gần giống bức ảnh chụp.

“Đây là bức tôi vô ý làm giây lên vệt sơn đỏ. Ban đầu, tôi bực mình lắm, nhưng sau đó tôi thấy thích thú. Vệt sơn giây trên bức tranh trông giống vết nứt; bức vẽ công trường biến thành tấm phông sân khấu cũ kĩ, nhàu nát, tấm phông với hình ảnh công trường vẽ đè lên trên. Tôi bắt đầu thử nghiệm vết nứt, tìm kiếm, và tưởng tượng cái gì đó có thể ẩn hiện đằng sau vết nứt. Đây chính là bước đầu cho một loạt những hoạ phẩm tôi đặt tên là Đằng Sau Những Cảnh Tượng. Lẽ ra tôi phải thận trọng, không phải bạ ai cũng cho xem những bức tranh này. Tôi bị đuổi khỏi trường Mĩ thuật. Ở bề mặt, luôn luôn là thế giới hiện thực không sai chạy vào đâu, nhưng dưới nó, đằng sau tấm bố nứt nẻ, ẩn nấp đâu đó là cái gì khác hẳn, cái gì bí ẩn, trừu tượng.”

Ngưng một lát, Sabina nói tiếp, “Ở bề mặt là lời nói dối vô cùng rõ ràng, rành rọt và bên dưới là sự thật ẩn giấu, mù mờ.”

Tereza lắng nghe với sự tập trung hiếm thấy từ nét mặt bất cứ người sinh viên nào. Cô bắt đầu cảm nhận tất cả những bức tranh của Sabina, dù lúc trước hay bây giờ, đều chứa đựng tư tưởng giống nhau. Chúng là sự nhập lại của hai chủ đề, hai thế giới. Có thể nói chúng là những pô ảnh đúp. Một cảnh thổ soi sáng bởi chiếc đèn dầu kiểu xưa. Khối tĩnh vật mông lung gồm mấy quả táo, nắm hạt dẻ, và cây Nô-en nhỏ xíu thắp nến đỏ rọi chiếu hình ảnh bàn tay như muốn đâm thủng qua tấm bố.

Tereza thấy thán phục tràn ngập trong lòng và vì Sabina xem cô như bạn nên lòng thán phục hoàn toàn không chút e dè, sợ sệt. Nó mau chóng biến thành tình bạn.

Cô quên khuấy chuyện chụp ảnh cho Sabina và phải đợi Sabina nhắc cô mới sực nhớ ra. Cô rời mắt khỏi những bức tranh để thấy chiếc giường ngủ nằm nghênh ngang giữa phòng trông như bục sân khấu trình diễn kịch.

21

Trên mặt bàn nhỏ cạnh đầu giường có cái tượng hình đầu người, loại tượng thợ làm tóc dùng treo tóc giả. Nhưng thay vì mái tóc giả, Sabina treo ở đấy một cái mũ dạ tròn màu đen. “Mũ của ông tôi đấy”. Cô vừa cười vừa nói với Tereza.

Đó là loại mũ – màu đen, cứng, tròn – Tereza chỉ thấy trên màn ảnh xi nê, loại mũ Chaplin hay đội. Cô cười với Sabina, cầm mũ lên, ngắm nghía một lúc rồi nói, “Chị muốn em chụp ảnh chị với cái mũ này không?”

Sabina cười ngất về đề nghị này. Tereza đặt mũ xuống, cầm máy ảnh lên và bắt đầu bấm.

Sau gần tiếng đồng hồ, Tereza bỗng cất tiếng, “Chị nghĩ sao về một bức ảnh khoả thân?”

“Khoả thân?” Sabina cười.

“Vâng, khoả thân”. Tereza lặp lại lời đề nghị, giọng cô có phần quả quyết hơn.

“Thế thì phải khui rượu uống.” Sabina đi lấy chai rượu.

Tereza cảm thấy thân thể cô yếu đuối dần, lưỡi cô cứng đờ ra. Trong lúc đó, Sabina bước tới bước lui trong phòng, li rượu cầm trên tay, không ngớt nói về nhân vật cô gọi bằng ông. Ông là thị trưởng một thị xã nhỏ. Sabina không hề thấy mặt ông bao giờ, tất cả những gì ông để lại là cái mũ này và tấm ảnh chụp lúc ông đứng chung với đôi ba nhân vật chức sắc khác của thị xã. Chẳng biết họ đang làm gì trong bức ảnh đó. Có lẽ họ đang tham dự một buổi lễ lạc nào hay đang khánh thành đài kỉ niệm ghi nhớ công trạng một nhân vật mà có thời cũng đội mũ dạ tròn trên đầu trong các dịp hội hè, đình đám.

Sabina say sưa nói về cái mũ và ông già thị trưởng cho đến lúc uống cạn li rượu thứ ba mới chợt nói, “Tôi vào trong một chút và sẽ trở ra ngay” rồi biến mất vào buồng tắm.

Cô trở ra với tấm áo choàng trên người. Tereza cầm máy ảnh lên đưa ngang tầm mắt. Sabina đưa tay mở tung chiếc áo choàng.

22

Với Tereza, cái máy ảnh vừa là con mắt bằng máy qua đó cô quan sát người tình của Tomas, vừa là cái màn che giấu khuôn mặt cô.

Phải mất một lúc khá lâu Sabina mới hoàn toàn cởi hẳn cái áo choàng. Cảnh huống có vẻ khó khăn hơn cô dự liệu. Sau vài phút, cô bước lại Tereza và nói, “Nào, bây giờ đến lượt tôi chụp ảnh cô. Cởi quần áo ra!”

Sabina nghe cái mệnh lệnh “Cởi quần áo ra!” không biết bao nhiêu lần từ miệng Tomas và nó ăn sâu vào tâm khảm cô. Thế là, người tình của Tomas ra lệnh cho vợ Tomas cởi quần áo ra. Hai người đàn bà thắt nhau lại bằng câu nói. Đó là cách Tomas đột biến câu chuyện bâng quơ với đàn bà thành phút giây gợi tình nồng nhiệt. Thay vì mơn trớn, tâng bốc, nằn nỉ, anh buông ra mệnh lệnh như vậy. Anh buông đột ngột, không ngờ trước, tiếng nói anh nhẹ êm nhưng chắc nịch đầy quyền uy và từ khoảng cách khá xa: những lúc như thế, anh không bao giờ đụng vào người đàn bà. Anh cũng hay làm vậy với Tereza. Và mặc dù tiếng ra lệnh của anh nghe rất nhẹ, gần như tiếng thì thầm vào tai, nó vẫn là một mệnh lệnh. Tereza răm rắp nghe theo và không lần nào cô không bị khích động. Giờ đây nghe lại câu ra lệnh, cô càng muốn tuân lời nhiều hơn. Bởi tuân lệnh người lạ là điều điên khùng đặc biệt, trong trường hợp này còn điên khùng hơn bởi mệnh lệnh đó phát xuất từ người đàn bà chứ không phải đàn ông.

Tereza trao máy ảnh cho Sabina rồi lần tay cởi quần áo. Cô đứng đó, trước mặt Sabina, hoàn toàn khoả thân và trong tay không món vũ khí hộ thân. Thật đúng cô bị tước đoạt mất vũ khí: cô bị tước mất cái khí cụ cô dùng để che giấu khuôn mặt mình và để chĩa về Sabina. Cô hoàn toàn nằm dưới tay Sabina. Sự quy phục diễm lệ này gây cảm giác say sưa, choáng váng trong đầu Tereza. Cô ước mong giây phút đứng trần truồng trước mặt Sabina như vầy cứ kéo dài mãi đến vô tận.

Tôi nghĩ Sabina cũng có cảm giác kì diệu lạ lùng của giây phút đó: vợ người yêu mình rụt rè đứng chịu trận cách kì dị trước mặt mình. Nhưng sau khi bấm được hai ba pô ảnh, cảm giác kì diệu này làm Sabina sợ hãi, cô muốn đẩy nó đi, cô bật lên tràng cười ha hả.

Tereza cười theo, và hai người đàn bà đi mặc lại áo quần.

23

Tất cả tội ác của đế quốc Nga trước đây được che phủ bởi bức màn đen kín mít, tinh vi. Một triệu người Lithuania phải bỏ xứ ra đi, hàng trăm ngàn người Ba lan bị bách hại, toàn bộ sắc dân Crimean Tatars bị tiêu diệt. Tất cả mơ hồ rơi rớt trong trí nhớ chúng ta, không hề thấy tài liệu, hình ảnh nào ghi lại. Sớm muộn người ta sẽ phủ nhận, sẽ cho đây là những chuyện hoàn toàn bịa đặt, giả trả. Cuộc xâm lăng Tiệp khắc năm 1968 không thế. Cả hình chụp lẫn phim ảnh về cuộc biến động được lưu trữ tại nhiều văn khố khắp nơi trên thế giới.

Những người cầm máy ảnh hay máy quay phim ở Tiệp khắc nhìn ra công việc duy nhất họ có khả năng làm lúc đó là ghi nhận bộ mặt kinh hoàng này để các thế hệ mai sau biết rõ. Liên tiếp bảy ngày trời, Tereza xông xáo ngoài đường phố với chiếc máy ảnh trên tay. Lính Nga không biết phải phản ứng ra sao. Họ được huấn luyện kĩ lưỡng về cách đối phó nếu có người nổ súng hay ném đá vào họ, nhưng không hề được chỉ dạy phải đối phó ra sao trong trường hợp chĩa vào mặt họ là ống kính cái máy ảnh.

Tereza chụp hết cuộn phim này sang cuộn khác và cô tìm đến trao tận tay các phóng viên ngoại quốc một nửa số phim (biên giới Tiệp vẫn mở ngỏ và các phóng viên ngoại quốc này hoan hỉ tiếp nhận bất cứ tài liệu gì). Rất nhiều bức ảnh cô chụp lần lượt xuất hiện trên báo chí Tây phương. Xe tăng, những nắm tay đe doạ, nhà cửa cháy rụi, xác người chết phủ dưới lá cờ xanh-đỏ-trắng, cờ quốc gia Tiệp khắc. Những thanh niên cỡi xe gắn máy xả hết tốc lực chạy vòng quanh xe tăng Nga, người ngồi yên sau phất phới lá cờ. Những cô gái trẻ tuổi mặc váy ngắn cố tình khiêu khích, trêu chọc đám lính Nga đói đàn bà lâu ngày bằng cách ôm hôn bất cứ người lạ mặt nào gần đó. Như tôi thuật, cuộc xâm lăng của Nga vào đất Tiệp không phải là một biến động thương đau; nó là cuộc hội hè đình đám của thù hận, cuộc hội hè đầy ắp nỗi khích động lạ lùng (và không sao giải thích được).

24

Khi chạy sang Thụy sĩ, Tereza đem theo chừng năm mươi tấm ảnh đắc ý nhất. Cô ôm xấp ảnh đến toà soạn một tạp chí minh hoạ có số lượng phát hành khá cao. Người chủ bút tờ tạp chí đón tiếp cô khá ân cần (dân Tiệp vẫn mang hào quang giống dân xấu số và người Thụy sĩ thì thừa thãi lòng thương hại). Ông mời cô ngồi, giở xem xấp ảnh, cất tiếng khen ngợi đoạn giải thích vì yếu tố thời gian, biến cố ở Tiệp xảy ra khá lâu rồi nên chúng tôi không thể đăng báo giùm cô bộ ảnh này được (chứ không phải vì chúng thiếu nghệ thuật).

“Nhưng ở Praha, sự việc đã chấm dứt đâu.” Cô phản đối và cố gắng giải thích cho ông ta nghe với vốn liếng Đức ngữ nghèo nàn của cô rằng ngay giờ phút này, với tình trạng bị chiếm đóng, với hoàn cảnh hoàn toàn bất lợi, hội đồng công nhân vẫn đang được thành lập trong các nhà máy, sinh viên vẫn biểu tình chống đối đòi người Nga cút ra khỏi đất nước họ, cả nước đang lớn tiếng cho thế giới biết nguyện vọng của họ là gì. “Quả thật đó là điều không dễ tin chút nào! Vậy mà ở đây không còn ai thèm quan tâm đến nữa.”

Chợt có người đàn bà dáng dấp nhanh nhẹn bước vào phòng cắt đứt cuộc đối thoại giữa Tereza và người chủ bút khiến ông thấy nhẹ nhõm cả người. Bà ta trao cho người chủ bút một tập hồ sơ và nói: “Đây là bài phóng sự về khu bãi tắm khoả thân.”

Người chủ bút tinh tế đủ để cảm thấy e ngại một người Tiệp đi chụp ảnh xe tăng sẽ cho việc chụp ảnh khoả thân trên bãi biển là cái gì phù phiếm, vô bổ. Ông ta đặt tập hồ sơ xuống phía đầu bàn rồi nói nhanh với người đàn bà: “Xin giới thiệu cô một đồng nghiệp người Tiệp. Cô ấy chụp nhiều bức ảnh tuyệt lắm.”

Người đàn bà bắt tay Tereza rồi cầm lên xấp ảnh. “Cô xem ảnh tôi chụp xem sao.” Bà ta nói với Tereza.

Tereza khom người về phía trước, rút ra xấp ảnh từ tập hồ sơ.

Người chủ bút nói, giọng gần như xin lỗi: “Dĩ nhiên, những bức ảnh này hoàn toàn khác với ảnh cô chụp.”

“Không khác lắm đâu. Chúng đều tương tự nhau.”

Cả người chủ bút lẫn người nữ phóng viên nhiếp ảnh đều không hiểu Tereza muốn ngụ ý nói gì và ngay cả tôi cũng cảm thấy khó khăn giải thích ý tưởng đang lướt qua trong đầu cô khi cô so sánh hình ảnh bãi biển khoả thân với cuộc xâm lăng của người Nga vào đất Tiệp. Lật đến tấm ảnh chụp gia đình bốn người đứng quây thành vòng tròn, cô ngừng lại một lúc: bà mẹ trần truồng đứng nghiêng người che lấy hai đứa trẻ, cặp vú đồ sộ của bà ta chảy xuống trông như vú bò hay vú dê, ông chồng bà ta cũng đứng nghiêng người như thế ở phía bên kia, bộ phận sinh dục của ông ta trông giống đùm vú một con bò cái thu nhỏ.

“Cô không thích chút nào, phải không?” Người chủ bút cất tiếng hỏi.

“Ảnh chụp đẹp lắm.”

“Cô ấy bị sốc vì hình ảnh của đề tài.” Người nữ phóng viên nhiếp ảnh nói. “Tôi đoán cô chưa hề đặt chân đến bãi biển khoả thân nào.”

“Chưa bao giờ.” Tereza trả lời.

Người chủ bút mỉm cười: “Cô thấy không, thật dễ đoán cô là người xứ nào. Các quốc gia Cộng sản thường khắc khổ, nghiêm ngặt quá đáng.”

“Chẳng có gì sai quấy, bậy bạ về một thân hình không che đậy.” Người đàn bà nói giọng bao dung. “Đó là cái gì bình thường. Và cái gì bình thường đều đẹp đẽ.”

Hình ảnh bà mẹ trần truồng đi lại tự nhiên trong nhà chợt thoáng hiện về trong đầu Tereza. Cô có cảm tưởng vẫn nghe được tiếng cười của bà phía sau lưng khi cô chạy ào ra kéo bức màn cửa sổ để bên hàng xóm không trông thấy mẹ cô như vậy trong nhà.

25

Người nữ phóng viên nhiếp ảnh mời Tereza xuống phòng ăn tập thể dùng cà phê. “Ảnh cô chụp thú vị lắm. Tôi thấy cô có con mắt với thân hình người nữ. Cô biết tôi nói gì chứ. Ảnh những cô gái dáng điệu khiêu khích.”

“Những cô gái ôm hôn người lạ trước mũi xe tăng Nga?”

“Đúng đấy. Cô có triển vọng trở thành nhiếp ảnh gia thời trang thượng thặng, cô biết không? Cô cần tìm cho mình một người mẫu, một người đang cần việc làm như cô chẳng hạn. Rồi cô tự thực hiện một bộ ảnh, xong đem đến cho các tay đại diện xem. Dĩ nhiên, cô sẽ phải mất thời gian khá lâu trước khi tên tuổi cô được chú ý, nhưng tôi có thể giúp cô ngay lúc này, ngay tại đây: để tôi giới thiệu cô với người chủ biên phụ trang vườn tược trong tờ tạp chí của chúng tôi. Ông ta chắc đang cần vài tấm ảnh xương rồng hay hoa hồng gì đó.”

“Cám ơn bà nhiều lắm.” Tereza chân thành cám ơn bà ta bởi hiển nhiên người đàn bà đang ngồi đối diện cô là người đầy lòng hảo tâm.

Nhưng cô tự nói với chính cô, tại sao mình phải đi chụp ảnh xương rồng? Ở Zurich cô không muốn tái diễn chặng đường cô trải qua khi còn ở Praha: chiến đấu trong việc làm, tranh đấu cho từng bức ảnh được đăng báo. Cô chẳng bao giờ có tham vọng tìm kiếm hư danh. Cô chỉ muốn thoát khỏi thế giới của mẹ cô thôi. Vâng, cô ý thức rõ ràng lắm: dù cô nhiệt tình với nhiếp ảnh đến mấy chăng nữa cô vẫn có thể dễ dàng chuyển hướng sang bất cứ mục đích nào khác trong đời. Nhiếp ảnh chỉ là phương tiện giúp cô với lên tới “cái gì cao hơn” và giúp cô được sống bên cạnh Tomas.

“Chồng tôi là bác sĩ. Anh ấy đủ sức nuôi tôi. Tôi thấy không cần thiết phải đi chụp ảnh làm gì.”

Người nữ phóng viên nhiếp ảnh trả lời: “Tôi thấy rất uổng nếu cô bỏ ngang sau khi chụp được những bức ảnh đẹp như vậy.”

Vâng, những bức ảnh ghi nhận cuộc xâm lăng là cái gì hoàn toàn khác. Cô làm không phải cho Tomas. Nó đến từ lòng đam mê. Nhưng không phải lòng đam mê nhiếp ảnh. Tình huống này chắc sẽ không bao giờ tái diễn. Và những bức ảnh này, những bức ảnh có được nhờ lòng đam mê của cô, là những bức không ai thèm công nhận chỉ vì chúng đã mất yếu tố thời gian. Chỉ xương rồng mới hấp dẫn muôn đời. Và cô thấy xương rồng chẳng thú vị chút nào.

Tereza nói: “Bà thật tốt bụng, nhưng tôi thích ở nhà hơn. Tôi thấy không cần phải đi làm.”

Người đàn bà tiếp lời: “Nhưng ngồi nhà cô thấy hài lòng không?”

“Hài lòng hơn chụp hình xương rồng.”

“Dù phải chụp hình xương rồng, cô sống đời sống trong đó cô chủ động. Nếu cô chỉ sống cho chồng con thôi cô đâu còn đời sống của riêng cô nữa.”

Đột nhiên Tereza thấy khó chịu: “Chồng tôi là đời sống tôi chứ không phải xương rồng.”

Người nữ phóng viên nhiếp ảnh vẫn ôn tồn: “Cô muốn nói cô là người sung sướng?”

Vẫn thấy khó chịu, Tereza trả lời: “Dĩ nhiên tôi sung sướng!”

“Hạng đàn bà duy nhất nói được câu nói đó là hạng...” Bà ta bỗng im bặt, bỏ lửng câu nói.

“... hạn hẹp. Có phải bà muốn nói như vậy?”

Người đàn bà lấy lại tự chủ: “Không phải hạn hẹp. Lỗi thời thì đúng hơn.”

“Đúng. Chồng tôi vẫn nói về tôi như thế.” Tereza bâng khuâng trả lời.

26

Nhưng Tomas suốt ngày cắm đầu vào công việc ở bệnh viện và Tereza thui thủi một mình ở nhà. Ít nhất cô có con chó Karenin bên cạnh, thỉnh thoảng cô dẫn nó ra ngoài đi dạo. Về nhà cô chỉ biết mải miết chúi đầu vào đống sách vở văn phạm Đức, Pháp. Nhưng cô chỉ thấy nỗi buồn vây kín và không sao tập trung được tư tưởng. Cô miên man nghĩ đến bài diễn từ của Dubcek đọc trên làn sóng điện sau khi ông từ Moskva về. Mặc dù đã quên bẵng nội dung bài diễn từ, cô vẫn nghe văng vẳng bên tai giọng nói run rẩy của ông. Cô vẽ ra cảnh những tên lính ngoại xâm xông vào uy hiếp và cầm tù ông, lãnh tụ một quốc gia độc lập, ngay trên mảnh đất quê hương ông rồi giam giữ ông hết bốn ngày tại nơi nào đó vùng đồi núi Ukrainia, cho ông hay ông sẽ bị hành quyết – cũng như trước đó mười năm họ hành quyết lãnh tụ Imre Nagy của Hung-ga-ri – đoạn đẩy ông lên xe chở về Moskva, ra lệnh ông tắm rửa, cạo râu, thay quần áo mới, thắt cà vạt, thông báo cho ông biết về quyết định hoãn lệnh hành quyết, khuyên ông nên trở về làm lãnh tụ thêm lần nữa, ấn ông ngồi xuống ghế đối diện Brezhnev, và bắt ông diễn kịch.

Ông trở về trong nhục nhã để hiệu triệu cái xứ sở nhục nhã của ông. Ông nhục đến nỗi nói không ra hơi. Tereza không bao giờ quên những giây khắc im lặng rợn người trong bài diễn từ ông đọc. Ông mệt mỏi đến kiệt tàn hơi sức ư? Ông đang ốm đau? Ông bị thuốc? Hay đó chỉ là tuyệt vọng? Nếu chẳng có gì đáng nói tồn tại nơi con người Dubcek, ít nhất những giây khắc im lặng đến rợn người đó sẽ còn mãi mãi, những giây khắc khi ông dường như không còn khả năng hít thở, khi ông thở hổn hển trong lúc toàn thể dân chúng im lặng lắng nghe trước máy thu thanh. Những giây khắc im lặng chứa đựng nỗi kinh hoàng đã đổ chụp lên đầu người dân Tiệp.

Ngày thứ bảy của cuộc xâm lăng, Tereza ngồi nghe Dubcek đọc bài diễn từ trong phòng biên tập của tờ báo cô đang cộng tác mà chỉ qua đêm biến thành bộ phận của phong trào phản kháng. Mọi người có mặt lúc đó đều tỏ thái độ chê trách, bất bình Dubcek. Họ chỉ trích ông đã thoả hiệp; họ thấy nhục nhã; sự yếu đuối của ông khiến họ bị xúc phạm.

Khi chạy sang Zurich và hồi tưởng những ngày giờ đó, Tereza không oán ghét ông nữa. “Yếu đuối” không có tội. Bất cứ ai phải đương đầu với sức mạnh cương cường hơn đều cảm thấy yếu đuối dù người đó có thân hình lực sĩ như Dubcek. Đột nhiên Tereza thấy cô như bị sự yếu đuối này lôi cuốn, sự yếu đuối có lúc cô tưởng như ghê gớm khôn kham, sự yếu đuối đẩy Tereza và Tomas ra khỏi quê hương hai người. Cô thấy cô là người đứng trong hàng ngũ những kẻ yếu đuối, trong xứ sở những người yếu đuối, cô phải chung thủy với họ bởi họ là những người yếu đuối, hơi thở hổn hển giữa những câu nói ngập ngừng, đứt quãng.

Cô bị sự yếu đuối này lôi cuốn y như căn bệnh sợ hãi độ cao từng lôi cuốn cô trước đây. Cô bị lôi cuốn bởi chính cô cũng cảm thấy yếu đuối. Một lần nữa cô bị lòng ghen tương nung nấu và một lần nữa hai tay cô lại run lên bần bật. Khi Tomas chú ý nhận ra cô như vậy, anh lại làm cái việc anh thường làm: ôm hai tay cô trong tay anh rồi cố xoa dịu bằng cách siết chặt. Cô giật ra khỏi tay anh.

“Em, việc gì vậy?” Tomas hỏi cô.

“Không có gì.”

“Em muốn anh làm gì cho em?”

“Em muốn anh già đi. Già đi đến mười tuổi. Hai mươi tuổi!”

Ý cô muốn nói: Em muốn anh yếu đi. Yếu như em đây.

27

Karenin chẳng vui sướng chút nào khi phải di chuyển sang Thụy sĩ. Nó ghét thay đổi. Chúng ta không thể vẽ biểu đồ thì giờ loài chó dọc theo đường thẳng; nó không tiệm tiến từ điểm này sang điểm kia. Nó chuyển động theo đường tròn như kim đồng hồ, từ tốn quay tròn, ngày này qua ngày khác trên cùng con đường. Hồi còn ở Praha, Karenin bực bội mỗi khi Tomas và Tereza mua về cái ghế mới hay di chuyển chậu hoa từ chỗ này sang chỗ khác. Ý niệm về thời gian của nó bị khuấy động như thể hai người cố tình lừa cây kim đồng hồ bằng cách đánh tráo những con số trên mặt.

Tuy vậy, chẳng bao lâu nó tái lập trật tự và tập quán cũ trong căn nhà ở Zurich. Cũng như hồi còn ở Praha, sáng sáng nó nhảy lên giường đánh thức hai người, rồi theo chân Tereza đi dạo phố mua sắm, nó cũng không quên các buổi đi dạo khác trong ngày.

Nó là thời biểu của cuộc sống hai người. Những khi tuyệt vọng, Tereza phải tự nhắc nhở hãy vì Tomas mà cố sức bám víu vào cuộc sống, vì anh yếu đuối hơn cô, có lẽ yếu hơn cả Dubcek và mảnh đất bị ruồng bỏ của hai người.

Một hôm, lúc vừa đi dạo về, trong nhà bỗng có tiếng chuông điện thoại reo vang, Tereza cầm lên hỏi ai ở đầu dây bên kia.

Cô nghe giọng đàn bà nói tiếng Đức xin nói chuyện với Tomas. Giọng cô ta có vẻ nóng nảy và Tereza cảm tưởng như có sự nhạo báng trong đó. Khi cô trả lời Tomas không có nhà và cô không rõ bao giờ anh về, người đàn bà ở đầu dây bên kia cất tiếng cười rồi cúp máy.

Tereza biết đây chẳng phải chuyện chi ghê gớm. Có thể đó chỉ là người nữ ý tá ở bệnh viện, hay một bệnh nhân, một cô thư kí, bất kì ai. Nhưng cô vẫn bực dọc và không tài nào tập trung tư tưởng làm việc khác. Đến đây cô nhận ra cô đã mất luôn chút sinh lực cuối cùng rơi rớt hồi còn ở quê nhà: cô hoàn toàn không có khả năng dung thứ câu chuyện tuyệt đối tầm thường cỏn con như vậy.

Sống trên mảnh đất xa lạ nghĩa là đi trên dây giăng cao cách xa mặt đất mà không có lưới đỡ bên dưới, cái lưới đỡ chính là nơi chốn con người có gia đình, bằng hữu, đồng nghiệp, nơi con người có thể dễ dàng nói điều mình muốn nói bằng ngôn ngữ quen thuộc từ thuở ấu thơ. Ở Praha, cô chỉ tùy thuộc Tomas trong những vấn đề tình cảm, liên quan đến quả tim; ở đây cô tùy thuộc anh tất cả. Mai kia, giả như anh ruồng rẫy cô thì cô sẽ ra sao? Cô phải sống suốt đời trong nỗi ám ảnh lo sợ có ngày mất Tomas sao?

Cô nhủ thầm: Sự quen biết giữa hai người dựa trên sai lầm ngay từ lúc ban đầu. Quyển sách Anna Karenina cô kẹp dưới nách là giấy tờ giả mạo; nó khiến Tomas có ý tưởng không đúng về cô. Dù yêu thương nhau nhưng hai người biến đời nhau thành địa ngục. Sự kiện hai người có tình yêu cho nhau chỉ là bằng chứng lỗi lầm không ở hai người, không ở thái độ cư xử nhau hay sự thất thường của cảm xúc. Lỗi lầm đó bắt nguồn từ sự tương khắc giữa hai người: Tomas cứng cỏi, mạnh mẽ còn Tereza yếu đuối, mỏi mòn. Cô giống Dubcek, người phải ngưng đến ba mươi giây đồng hồ trong một câu nói; cô giống cái xứ sở của cô, cái xứ sở nói lắp bắp, thở hổn hển, và không sao thốt lên nổi một câu nói tầm thường.

Nhưng khi người mạnh mẽ trở nên quá yếu đuối khiến người yếu đuối đau đớn thì người yếu đuối phải mạnh mẽ lên để cất bước giã từ.

Và sau khi tự nói với mình tất cả những điều này, Tereza dí sát mặt vào cái đầu bù xù của con chó Karenin: “Rất tiếc Karenin ạ. Dường như mày lại phải di chuyển thêm lần nữa.”

28

Ngồi nép mình vào góc buồng toa xe lửa với chiếc va li nặng trĩu nhét trên hộc và con Karenin kẹp giữa hai chân, cô không ngớt suy nghĩ về gã đầu bếp tiệm ăn khách sạn nơi cô làm việc trong thời gian còn chung sống với bà mẹ. Gã đầu bếp không bỏ lỡ cơ hội nào vỗ lên phần sau của cô và không bao giờ chán miệng hỏi cô cách thật nham nhở trước mặt mọi người là bao giờ cô mới chịu lên giường với gã. Kể cũng kì lạ gã lại là người cô liên tưởng đến trong lúc này. Từ hồi nào, gã vẫn là thí dụ cho cái gì cô khinh miệt, ghê tởm nhất. Giờ đây cô chỉ biết ngước mặt lên hướng nhìn về phía gã và nói: “Anh thường nói anh muốn ngủ với tôi. Thì đây, tôi đây.”

Cô muốn làm cái gì ngăn chận, không cho cô quay về Tomas. Cô mong nhìn thấy chính tay mình đập phá bảy năm trời vừa trôi qua cuộc đời cô. Nó là căn bệnh sợ hãi độ cao. Một cảm giác mãnh liệt, không sao chế ngự nổi, cảm giác mong muốn rơi ngã xuống.

Chúng ta còn có thể gọi bệnh sợ độ cao là sự chìm đắm trong nỗi say sưa của kẻ yếu. Biết ra nhược điểm của mình, hắn bó tay chịu thua chứ không chống trả. Hắn say đắm với sự yếu đuối, mong yếu hơn nữa, mong rơi xuống ngay trung tâm thành phố trước mặt mọi người, mong xuống thấp hơn, thấp hơn cả tận cùng bên dưới.

Cô cố tự thuyết phục sẽ thu xếp dọn về sinh sống nơi nào đó ngoài Praha và từ bỏ luôn nghề nhiếp ảnh. Cô dự định quay về cái tỉnh lị nhỏ bé nơi tiếng gọi của Tomas có thời quyến dụ mời gọi cô.

Nhưng khi về Praha cô phải dùng thì giờ giải quyết đôi ba việc vặt vãnh và cứ phải lần lữa trì hoãn chuyện di chuyển.

Ngày thứ năm từ hôm cô quay về, Tomas thình lình xuất hiện. Karenin nhẩy chồm lên người anh và vì vậy phải mất lúc khá lâu hai người mới rảnh tay chào đón nhau.

Hai người có cảm tưởng như đang đứng trên cánh đồng tuyết, thân thể run rẩy vì giá lạnh.

Đoạn hai người tiến lại nhau như những người tình chưa bao giờ biết hôn.

“Mọi việc yên ổn cả chứ?” Anh hỏi.

“Vâng.”

“Em ra toà báo chưa?”

“Em có gọi điện thoại.”

“Rồi sao?”

“Không có gì cả. Em vẫn đang chờ.”

“Em chờ gì?”

Cô không trả lời Tomas cô đang chờ cái gì. Cô không thể bảo anh cô vẫn chờ đợi ngày anh quay về.

29

Bây giờ hãy trở lại thời điểm chúng ta đã biết qua. Tomas sầu thảm đến tuyệt vọng và bao tử anh nhói lên từng cơn đau đớn. Đêm nào anh cũng mất ngủ.

Tomas ngủ được một lát thì Tereza thức giấc. (Máy bay Nga vần vũ bay lượn trên bầu trời Praha và không ai có thể yên giấc vì tiếng động.) Vì cô anh quay về. Đó là ý tưởng hiện đến trước hết trong đầu Tereza khi Tomas trở về. Vì cô anh thay đổi định mệnh đời anh. Anh không còn trách nhiệm gì với cô nữa; trách nhiệm đó giờ đây ở phía cô.

Cô thấy cái tinh thần trách nhiệm này dường như đòi hỏi sức mạnh nhiều hơn cô có thể có.

Nhưng thốt nhiên cô nhớ ra trước ngày anh xuất hiện tại ngưỡng cửa căn nhà, chuông nhà thờ bỗng đổ sáu tiếng. Hôm hai người gặp nhau lần đầu, ca làm của cô tan vào lúc sáu giờ. Cô thấy anh ngồi xa xa trên chiếc ghế dài màu vàng đối diện cô và cô nghe chuông nhà thờ đổ sáu tiếng.

Không, đây không phải là lòng mê tín dị đoan, nó là cái cảm quan thẩm mĩ cứu vớt cô khỏi nỗi chán chường tuyệt vọng và thâm nhập, tiêm nhiễm vào cô ý chí mới mẻ để cô sống tới. Đàn chim của ngẫu nhiên lần nữa lại đáp xuống đậu trên vai cô. Hai mắt cô nhoè đi và cô thấy tràn ngập nỗi sung sướng không sao diễn tả được khi nghe tiếng thở đều đặn của Tomas bên cạnh mình.