Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Quyển 2 - Chương 39: Đấu pháp




“Bậc trí giả thường gặp lúc chông gai lại càng thêm bền chí;

Sư tử lâm vào cảnh đói khát sẵn sàng sát thương cả loài voi khổng lồ.”

(Cách ngôn Sakya)

- Về rồi đấy à?

Tôi và Kháp Na vừa đặt chân đến Phủ Châu thì nhận được tín hiệu mà Khabi phát ra bằng thứ mùi đặc biệt của loài hồ ly chúng tôi. Tôi lần theo mùi hương đến chỗ Khabi, hai chúng tôi giả bộ lên đồi đi dạo. Cô ấy lệnh cho người hầu giữ khoảng cách và không được làm phiền chúng tôi. Nhác thấy gương mặt đầy lo âu của Khabi, đột nhiên tôi cảm thấy sốt ruột lạ lùng, bèn hỏi ngay:

- Đã xảy ra chuyện gì?

Đôi mày thanh tú của cô ấy chau lại:

- Trong thời gian cô đi vắng, pháp vương của phái Karma Kagyu, ngài Karmapa đã đến đây.

Cứ tưởng xảy ra chuyện gì nghiêm trọng, tôi thở phào một cái, nhìn Khabi vẻ đầy thắc mắc.

- Phủ đệ của Hốt Tất Liệt vẫn ngày ngày tiếp đón người của các giáo phái khác nhau đến xin được phục vụ cho Vương gia đấy thôi! Ngài Karmapa này là người thế nào mà khiến Vương phi Khabi được sủng ái rất mực phải lo lắng dường vậy?

- Cô chẳng biết gì cả!

Một cái cốc giáng xuống đầu, tôi nhăn mặt kêu đau. Khabi lạnh lùng nói bằng giọng mũi:

- Người này không giống mấy tên thầy mo quèn, chuyên bày trò ma quỷ lừa gạt người khác đâu. Ông ta cũng xuất thân từ dòng dõi cao quý, còn nhỏ đã nổi tiếng thông minh, trác việt. Ông ta được chọn là linh đồng chuyển thế của người khai sáng ra giáo phái Karma Kagyu, tiếng tăm lan khắp vùng Wusi suốt bốn mươi năm qua. Nếu không có cuộc tranh biện vừa qua, Bát Tư Ba sẽ chỉ là một tiểu Lạt Ma nổi danh ở vùng Hậu Tạng xa xôi, hẻo lánh và nghèo nàn. Còn pháp vương Karmapa là người mà ở khu vực phồn vinh nhất của đất Tạng ai nấy đều hay, nhà nhà biết tiếng.

Nghe Khabi nói vậy, tôi chợt nhớ ra, bốn mươi năm trước, giáo phái Karma Kagyu đã tìm ra hướng đi riêng, không lựa chọn trong số các đệ tử hoặc con cháu của người đứng đầu giáo phái một người xứng đáng để kế thừa pháp thống mà tìm kiếm một đứa trẻ được cho là linh đồng chuyển thế của vị pháp vương tiền nhiệm. Đó là điều chưa từng có trong lịch sử tôn giáo ở đất Tạng, bởi vậy sự kiện này đã gây chấn động một thời, ngay cả một hồ ly suốt ngày giam mình trong sơn động trên núi Côn Luân như tôi cũng biết. Vậy ra, chính là người này đã đến phủ Vương gia Hốt Tất Liệt.

Tôi vừa xoa đầu vừa hỏi:

- Việc ông ta đến đây có đe dọa địa vị của Bát Tư Ba không?

- Có đấy! Sau khi tới đây, ông ta đã nhiều lần phô bày năng lực thần kỳ của mình, giúp Đại Vương được chiêm ngưỡng ảo ảnh về những cung điện trên mặt biển và trên trời cao. Tất cả các đại thần và phi tử sau khi xem xong màn ảo thuật của ông ta đều choáng ngợp và hết lời khen ngợi. Bọn họ đang kháo ầm lên rằng, vị Lạt Ma lão luyện này tài ba hơn, thần thông quảng đại hơn thượng sư trẻ tuổi, người xưa nói đâu có sai, “gừng càng già càng cay”!

Tôi bực mình:

- Bát Tư Ba rất ác cảm với mấy trò phù phép, ma quỷ nhằm mê hoặc người khác. Chắc chắn cậu ấy sẽ không bận tâm đến những lời bàn tán kia.

Khabi buồn tay ngắt một chiếc lá, vần vò trong tay, hàng lông mày lá liễu xô lại, cô ấy thở dài não nề:

- Đúng là như vậy! Ta có đến thuyết phục Bát Tư Ba, cậu ấy chỉ mỉm cười không nói. Tuy Đại vương rất mực tín nhiệm Bát Tư Ba nhưng nghe nhiều những lời bàn ra tán vào vô thưởng vô phạt ấy, ta chỉ lo Đại vương sẽ dao động, nếu vậy, địa vị của Bát Tư Ba sẽ bị ảnh hưởng. 

Tôi hiểu cậu ấy chẳng để tâm những chuyện điều tiếng ấy, lắc đầu, nói:

- Dù địa vị có bị lung lay chăng nữa, Bát Tư Ba cũng chẳng bận tâm đâu. Cậu ấy chẳng mang những vinh nhục, được mất của cá nhân.

Khabi ném chiếc lá đã nhàu nát xuống đất, hai tay chống nạnh, giọng cứng như đá:

- Vấn đề đáng lo là Bát Tư Ba có muốn không quan tâm cũng không được.

Tôi giật mình sửng sốt, ngẩng đầu lên nhìn Khabi. Cô ấy gật đầu xác nhận:

- Karmapa đã đề nghị được thách đấu với Bát Tư Ba. Hai hổ không thể chung một núi, muốn giữ yên địa vị của bậc thượng sư như hiện nay, Bát Tư Ba buộc phải chấp nhận lời thách đấu. Nếu không, Đại vương sẽ không hài lòng, thậm chí có thể xem xét việc tôn Karmapa lên làm thượng sư. Nếu vậy, bao công sức và tâm sức mà Bát Tư Ba dồn vào việc phục hưng giáo phái Sakya sẽ đổ xuống song xuống biển!

Khabi ngồi xuống, nhìn tôi chăm chú, tôi nhận thấy vẻ nghiêm túc chưa từng thấy trong ánh mắt của cô ấy.

- Bát Tư Ba có thể không màng đến lợi ích cá nhân, nhưng lẽ nào có thể bỏ mặc cả giáo phái? Từ bỏ cơ hội trở về Sakya thọ giới để đi theo phò trợ Đại vương, lẽ nào cậu ấy quên mục đích của mình rồi ư?

Tôi sững sờ, cô ấy nói không sai! Giáo phái Sakya là mối quan tâm lớn nhất của Bát Tư Ba, vì lợi ích của giáo phái, cậu ấy buộc phải nhận lời thách đầu! Tôi thở dài, nhìn Khabi chăm chú:

- Khabi, vì sao cô phải ra sức bảo vệ Bát Tư Ba như vậy?

- Lúc trước, ta giúp Bát Tư Ba là vì muốn mê hoặc cậu ấy.

Nhận thấy gương mặt tôi lập tức đổi sắc, Khabi vội vàng xoa đầu tôi:

- Một bậc cao tăng như thế, không hồ ly nào không muốn hút lấy linh khí của cậu ta.

Tôi trừng mắt nhìn, nhưng chưa kịp mở miệng, cô ấy đã cướp lời, giải thích:

- Sau đó, ta nhận thấy ý chí của cậu ấy vô cùng kiên định, dù có làm gì cũng không thể dụ dỗ được nên ta đã từ bỏ ý định.

Khabi rút khăn tay ra che miệng, nhìn tôi cười thích thú:

- Cô yêu người đàn ông như thế sẽ khổ lắm đấy!

Tôi nghiến răng kèn kẹt, chỉ muốn ngoạm cho cô ta một miếng. Đó là bí mật sâu kín mà bấy lâu nay tôi chôn chặt trong lòng, việc gì cô ấy phải nói oang oang như thế! Dường như chẳng thèm quan tâm đến biểu cảm của tôi, Khabi tiếp tục:

- Từ lâu Bát Tư Ba đã biết ta không phải người phàm. Những người tu hành có tuệ căn từ rất sớm như cậu ấy đặc biệt tinh nhạy, mẫn tiệp. Nhưng Bát Tư Ba là người thuần khiết, nhân hậu, biết ta không có ý hãm hại Đại vương nên cũng không bắt ta chịu tội. Ta thật lòng cảm kích vì điều đó.