Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Quyển 2 - Chương 68




Phủ Bạch Lan Vương của Kháp Na mới thật gay go! Ngọn lửa chiến tranh lúc nào cũng sẵn sàng bùng lên giữa hai cô vợ có thân thế và địa vị xã hội tương đương nhau, và số lượng đầy tớ, người hầu biết đánh biết chửi cũng ngang ngửa nhau. Bọn họ không thể dùng quyền lực để áp chế đối phương nên chỉ có thể dựa vào “năng lực” mắng chửi và đánh lộn của mình, chỉ cần chạm mặt là có thể lập tức cãi nhau. Mukaton và Dankhag không cần đến phiên dịch, ai dùng ngôn ngữ của người nấy, họ mạt sát nhau bằng thứ tiếng dữ dằn, hằn học. Cũng may phủ Bạch Lan Vương rất rộng nên những cuộc cãi vã chói tai không truyền ra ngoài phố.

Vợ chồng son lại mặt nhà gái ba ngày sau hôn lễ. Mukaton cương quyết xen vào, cô ta ngồi chễm chệ trên kiệu, đi theo đoàn người ra khi lều trại ở ngoại thành mà Tsirenja dựng lên để đón thông gia. Mukaton giành lấy vai trò chủ nhà, thay mặt Kháp Na đến chào hỏi, mời rượu và trao lì xì cho từng người, cô ta còn diễn vẻ niềm nở, hiếu kính với Tsirenja. Dù có tức tối nhường nào đi nữa, Dankhag cũng phải nể mặt người vợ cả của Kháp Na vì cô ta là công chúa. Ngày lại mặt trở nên khôi hài với các màn trình diễn thú vị của Mukaton và nỗi bực tức đến mức có thể hộc máu của Dankhag. Một tháng sau, Tsirenja lên đường trở về đất Tạng, trước khi đi ông ta đã căn dặn con gái phải nhẫn nhịn và nhanh chóng sinh hạ con trưởng cho giáo phái Sakya.

Mỗi ngày Dankhag đều trang điểm rất đỗi cầu kỳ, tận dụng mọi cơ hội để có thể tiếp cận Kháp Na, nhưng kế hoạch của cô ta đều bị “bóng ma” Mukaton theo dõi và phá hủy. Vì khi Kháp Na vừa trưởng thành, Mukaton đã tìm đủ mọi cách để giám sát cậu ấy nên kinh nghiệm đấu tranh của cô ta quá ư phong phú, đừng nói là một ngọn lửa, ngay cả một tia lửa vừa mới nhen nhóm cũng sẽ bị cô ta dập tắt ngay lập tức. Dankhag sinh ra và lớn lên ở đất Tạng tự do, phóng khoáng, làm sao có thể trở thành đối thủ của Mukaton được, nhất cử nhất động của Dankhag đều không thoát khỏi tầm mắt của Mukaton.

Và cứ thế, cuộc đấu đá diễn ra ngày một đều đặn, biến thành các vụ ẩu đả, bạo lực: bỏ thuốc độc, gian trá, yểm bùa, bắt cóc, mua chuộc kẻ hầu người hạ,...Từ tờ mờ sáng, hai người đã dồn toàn bộ tâm trí vào đối phương, cho đến lúc tắt đèn đi ngủ vẫn còn lẩm bẩm gọi tên người kia, thân yêu hơn cả người tình. Cuộc đấu đá kịch liệt ấy mang lại cho hai người lợi ích sau: Tiếng Mông Cổ và tiếng Tạng của cả hai đều tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là những từ ngữ dùng để chửi bới, thóa mạ người khác.

Người đáng thương nhất là Kháp Na, cậu ấy sống trong cảnh phấp phỏng, lo sợ ngay trong bữa ăn, giấc ngủ. Kể từ lần Dankhag bỏ xuân dược và thức ăn của Kháp Na và bị Mukaton phát giác, Kháp Na không dám uống nước trong Vương phủ của mình. Một lần khác, khi cậu ấy đang ngon giấc thì bỗng nghe tiếng cãi vã ngoài cửa. Thì ra cả Mukaton và Dankhag cùng cho người giám sát cửa chính và cửa sổ phòng ngủ của Kháp Na hằng đêm, để có thể tóm gọn đối phương nếu người nào định lẻn vào phòng của cậu ấy.

- Tiểu Lam ơi, những ngày tháng đáng sợ thế này sẽ kéo dài bao lâu nữa?

Kháp Na quá đỗi mệt mỏi, ánh mắt đờ đẫn, thần sắc tiều tụy, gương mặt hom hem, gầy rộc đi trông thấy. Cậu ấy đã mất ngủ nhiều đêm rồi.

- Không dám ăn, không dám ngủ, thế này còn đáng sợ hơn đời sống lao tù.

Không muốn bị hai cô vợ đeo bám, giày vò, ngày ngày Kháp Na theo Bát Tư Ba vào cung. Bát Tư Ba đang lập kế hoạch khôi phục hệ thống trạm nghỉ từ thời vương triều Tufan, xây dựng một hệ thống trạm nghỉ hoàn thiện hơn trước nên Kháp Na đi theo trợ giúp cậu ấy. Kháp Na vốn thông minh, lanh lợi, cậu nắm bắt rất nhanh những vấn đề thuộc về quan hệ và lợi ích chính trị. Vì vậy, Bát Tư Ba đặc biệt tin tưởng và tín nhiệm em trai, xem cậu ấy như trợ thủ đắc lực.

Ban ngày, Kháp Na được yên ổn theo Bát Tư Ba vào cung làm việc, nhưng cứ đến tối, hai cô vợ lại trang điểm kỹ càng đến phủ Quốc sư “đòi người”. Kháp Na không về, họ cũng không về, sau cùng thì người phải đầu hàng luôn là Kháp Na. Bát Tư Ba tuy không tiện xem vào chuyện vợ chồng của họ nhưng cũng không khỏi phiền lòng. Vì vậy, cậu ấy đành phải viết thư cho anh trai Thiếp Mộc Nhi của Mukaton, mời cậu ta đến Yên Kinh ngay.

Hai người phụ nữ đó khiến tôi không thể không ghét họ, vậy nên tôi đi theo Kháp Na cả ngày để bảo vệ cậu ấy. Khứu giác nhạy bén của tôi có thể nhận biết mọi loại độc dược, thảo dược nên trước khi Kháp Na ăn bất cứ thứ gì, tôi đều làm nhiệm vụ kiểm tra. Buổi tối, lúc cậu ấy ngủ, tôi sẽ đặt kết giới [1] quanh cậu ấy, dù cho hai người phụ nữ có cãi vã long trời lở đất ở bên ngoài thì cậu ấy cũng không bị làm phiền. Nếu họ có hành vi gì quá đáng, tôi sẽ hóa phép khiến họ đột ngột sinh bệnh hoặc bị thương nhẹ.

Mùa xuân năm đó, Hốt Tất Liệt lại một lần nữa cầm quân lên phía bắc, tiếp tục cuộc chiến với A Lý Bất Ca. Đến đầu mùa hạ, quân của A Lý Bất Ca đại bại ở Ximutu, Hốt Tất Liệt chiếm được kinh đô Hòa Lâm của A Lý Bất Ca. A Lý Bất Ca tháo chạy về Gigli Gi, vốn là vùng đất thuộc quyền cai trị của Đà Lôi, người cha của A Lý Bất Ca. Hốt Tất Liệt sốt ruột chuyện kết hôn của Chân Kim nên đã không truy đuổi A Lý Bất Ca mà đưa quân về Yên Kinh.

~.~.~.~.~.~

- Trong năm này, ngoài việc thiết lập hệ thống trạm nghỉ, Hốt Tất Liệt còn giao cho Bát Tư Ba một nhiệm vụ không kém phần quan trọng và khó khăn: sáng tạo chữ viết cho người Mông Cổ.

Chàng trai trẻ hứng khởi kêu lên:

- Tôi nhớ rồi, chữ viết đó về sau được đặt tên là chữ viết Bát Tư Ba. Ngày nay, trong một số thư tịch xuất bản của chúng ta, chữ viết Bát Tư Ba vẫn được sử dụng để trang trí bìa và gáy sách.

Tôi rút ra một cuốn sách lịch sử trên giá, lật đến trang có hình chữ viết Bát Tư Ba, đưa cho chàng trai trẻ:

- Chữ Bát Tư Ba là loại chữ cổ, vuông vắn, trang nghiêm, khoáng đạt, bởi vậy, cho đến tận thời nhà Thanh, người Tạng và người Mông Cổ vẫn sử dụng chữ Bát Tư Ba khi thảo công văn và làm ấn chương.

Trước khi Thành Cát Tư Hãn lập ra nhà nước Mông Cổ, người Mông Cổ không hề có chữ viết. Trong khoảng thời gian hợp nhất các bộ lạc Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn bắt được một người Uyghur chuyên coi giữ các con dấu và công văn, thư từ tên là Tatatonga, lúc đó ông mới biết đến tầm quan trọng của chữ viết. Thế là, ông ra lệnh cho Tatatonga ghi lại tiếng Mông Cổ bằng văn tự Uyghur rồi dạy cho các hoàng tử.

Chàng trai trẻ đưa ra nhận định sắc sảo:

- Nhưng dù sao đó cũng chỉ là chữ viết của dân tộc khác, giống như việc chúng ta dùng tiếng Anh để ghi lại âm đọc tiếng Trung vậy. Nhưng hai hệ thống ngôn ngữ này hoàn toàn khác nhau, sao có thể ăn khớp được?

- Đúng thế. Bởi vậy sau này, vào thời đại của Oa Khoát Đài, Quý Do và Mông Kha, hệ thống chữ viết của người Mông Cổ vô cùng hỗn độn. Họ giao lưu với các quốc gia Tây Á bằng chữ Ba Tư, với nước Kim và nước Tống bằng chữ Hán. Ngoài ra, họ còn sử dụng cả chữ Uyghur, chữ Tây Hạ, v.v... Người Mông Cổ phải học rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, ngôn ngữ trở thành gánh nặng đối với họ.

- Khi ấy, lãnh thổ của đế quốc Mông Cổ thì rộng lớn, trong khi các sắc lệnh ban ra sử dụng ngôn ngữ quá ư hỗn độn nên yêu cầu cấp thiết với họ lúc này là phải sáng tạo ra chữ viết của riêng mình.

Tôi gật đầu:

- Đúng vậy. Và Hốt Tất Liệt tin tưởng rằng, với trí tuệ mẫn tiệp, uyên bác của mình, Bát Tư Ba nhất định sẽ hoàn thành được trách nhiệm nặng nề này.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[1] Thuật kết giới là loại phép thuật tạo ra vòng tròn hoặc hộp bảo vệ để tránh sự tác động từ bên ngoài đến người nằm trong vòng hoặc hộp kết giới. (DG)