Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Quyển 2 - Chương 72




Hôn lễ của Chân Kim rất linh đình. Tôi được ngắm cô dâu Khoát Khoát Chân mười lăm tuổi của Chân Kim. Nằm ngoài dự đoán của tôi, Khoát Khoát Chân không to cao, lực lưỡng, nước da thô ráp như hầu hết các thiếu nữ Mông Cổ. Cơ thể cô ấy gọn gàng, thanh thoát, dáng vẻ yêu kiều, tha thướt, làn da trắng trẻo, mịn màng, gương mặt xinh đẹp, đáng yêu. Tuy cô ấy thường hay đỏ mặt nhưng ứng xử rất tự nhiên, nho nhã. Người thân, bạn bè đồng loạt hô vang, đòi cô ấy uống rượu, cô ấy nâng chén uống cạn, rất thoải mái, phóng khoáng. Buổi tối, cô ấy còn nắm tay các chị em phụ nữ nhảy điệu Gouzhuang quanh đống lửa. Động tác mềm mại, điêu luyện và giọng ca cao vút, trong veo của cô ấy khiến Chân Kim chẳng thể rời mắt.

Tính cách hoạt bát, năng động, vẻ hồn nhiên, ngây thơ, không cầu kỳ, kiểu cách của cô ấy rất được lòng bố mẹ chồng, Khabi cười không khép nổi miệng.

Kháp Na thì đang mải mê chạm chén với viên quan Ahama, người rất được Hốt Tất Liệt sủng ái. Ông ta là người Hồi, xuất thân nghèo khó, vốn là người hầu của cha Khabi, được cử theo hầu Khabi khi cô đi lấy chồng. Ông ta thông minh, nhanh trí, lại giỏi ăn nói nên chỉ một thời gian ngắn đã giành được sự tín nhiệm của Hốt Tất Liệt. Trong suốt khoảng thời gian giao tranh ác liệt với A Lý Bất Ca đồng thời phải xây dựng đô thành, Hốt Tất Liệt cần rất nhiều tiền bạc. Ahama đã ra sức phát huy năng lực sở trường của mình giúp Hốt Tất Liệt thu gom tài sản. Con người này vô cùng nhạy bén và tinh nhanh, trong thời kỳ đầu Hốt Tất Liệt xây dựng đế quốc, cần đến một khối lượng tiền bạc khổng lồ, tài năng đặc biệt của Ahama đã phát huy tác dụng, và quan lộ của ông ta lên như diều gặp gió.

Lúc này, Ahama đang cầm bình rượu, rót hết chén này đến chén khác mời Kháp Na, nói lời bợ đỡ, nịnh hót. Kháp Na không từ chối ly rượu mời nào, cậu ấy cứ thản nhiên ngửa cổ dốc cạn. Chân Kim bước đến, kéo Kháp Na (lúc này đã lảo đảo) về bàn mình uống tiếp, cậu ta chỉ lạnh lùng liếc Ahama một cái rồi đi thẳng. Chân Kim xưa nay vốn cương trực, thẳng thắn nên không hợp với kiểu người ưa dùng thủ đoạn và hay nịnh hót như Ahama. Và thế là, viên đại thần được Hốt Tất Liệt trọng dụng lại bị Hoàng từ Chân Kim tỏ ra lạnh nhạt, thờ ơ. Ahama không biết giấu mặt vào đâu, đành ngượng ngùng kiếm cớ xin phép về trước.

Tiệc cưới kéo dài đến tận nửa đêm, khi đã cơm no rượu say và vui chơi hết cỡ, đoàn khách khứa lục đục chào tạm biệt chủ nhà. Hai cô vợ đến tìm Kháp Na, cậu ấy say bí tỉ nhưng kiên quyết không chịu về, vẫn ôm khư khư bình rượu, tiếp tục ngửa cổ tu.

Mukaton bước đến, giằng lấy bình rượu, xốc Kháp Na lên, nghiêm mặt:

- Kháp Na, đi về, say khướt thế này còn ra thể thống gì nữa!

Dankhag không chịu lép vế, cũng xong đến, túm chặt lấy cánh tay Kháp Na:

- Kháp Na chàng ơi, về thôi, để em dìu chàng.

Mỗi người kéo giật Kháp Na về một bên, bốn mắt mang hình lưỡi dao, bầu không khí nồng nặc mùi thuốc nổ. Những người chứng kiến cảnh tượng này đều che miệng cười thầm. May mà vừa lúc ấy Khabi tình cờ đi qua, khẽ chau mày.

Cuộc chiến giữa hai người phụ nữ chưa kịp lên đến cao trào đã bị đè bẹp, Hoàng hậu cho gọi cả hai người vào phòng. Hốt Tất Liệt nghiêm nghị ngồi trên ngai cao, Khabi đứng bên cạnh Nhà vua. Nhận ra bầu không khí nghiêm trọng, hai người vợ vội quỳ xuống, dập đầu.

Hốt Tất Liệt đập tay vào thành ghế, nạt nộ:

- Những ngày qua, hai ngươi gây ra bao tai tiếng, khiến ta không thể nhắm mắt làm ngơ. Phụ nữ phải hiểu lẽ tam tòng tức đức, hai ngươi đều là con nhà danh gia vọng tộc, lẽ ra phải làm gương cho kẻ dưới, vậy mà giờ đây cả kinh thành đều biết chuyện cãi vã, tranh chấp của hai ngươi, còn ra thể thống gì nữa hả?

Nộ khí xung thiên của bậc thiên tử khiến hai người sợ hãi nằm rạp dưới đất, run lẩy bẩy không thốt được thành lời.

- Lẽ nào các ngươi không biết ghen tuông là một trong “bảy tội của người vợ”[1]! Phạt hai ngươi chép một trăm lần cuốn Nữ giới[2], một tháng sau nộp cho Hoàng hậu.

Hốt Tất Liệt hầm hừ giận dữ, giọng đầy uy hiếp:

- Nếu ta còn phải nghe những tin tức không mấy tốt đẹp về hai ngươi thì đừng trách ta can thiệp vào chuyện nhà của Bạch Lan Vương!

Hai người phụ nữ dập đầu tới tấp, run lập cập, ra về. Hốt Tất Liệt mỉm cười với Khabi:

- Hoàng hậu thấy ta xử trí như vậy có ổn không?

Khabi ngó lên xà nhà, điềm nhiên liếc mắt với tôi rồi dịu dàng bóp vai cho Hốt Tất Liệt, tươi cười duyên dáng:

- Rất ổn! Đại hãn chỉ muốn dọa cho họ một trận, đâu có ý can thiệp sâu vào việc nhà người ta. Đại hãn gọi riêng họ tới để răn dạy, không làm mất đi thể diện của quốc sư mà chỉ rung cây dọa khỉ.

Đêm đó, Kháp Na say mềm, đám hầu cận phải khiêng cậu ấy về phủ. Cả hai anh em họ đều không biết rằng Hốt Tất Liệt đã can dự vào chuyện nhà của Kháp Na theo lời đề nghị của Khabi. Và tôi chính là người đã thỉnh cầu Hoàng hậu.

~.~.~.~.~.~

Chàng trai trẻ tấm tắc khen ngợi:

- Sáng tạo hệ thống chữ viết hoàn toàn mới, vừa có thể ghi lại tiếng nói của người Mông Cổ lại có thể dịch các ngôn ngữ khác, đây quả là một việc không hề dễ dàng. Điều đó chứng tỏ Bát Tư Ba là người có tầm tri thức uyên bác đến nhường nào!

Tôi tán đồng:

- Cậu có biết nguồn gốc của chữ Tạng không? Trước thế kỷ thứ bảy, người Tạng chỉ có lời nói, không có chữ viết. Chính vị vua vĩ đại nhất của Tufan khi đó, Tùng Tán Cán Bố, đã cho người sáng tạo ra chữ Tạng dựa trên chữ Phạn của Ấn Độ. Bởi vậy, người sử dụng có thể dễ dàng chuyển ngữ giữa chữ Tạng và chữ Phạn.

- Điều này có liên quan đến việc Bát Tư Ba sáng tạo ra chữ Mông Cổ ư?

- Có chứ. Ở Ấn Độ, kinh Phật được ghi chép hoàn toàn bằng chữ Phạn. Các giáo phái Phật giáo Tây Tạng đông đảo, đa dạng là thế, chỉ trong vòng vài trăm năm đã phiên dịch được một khối lượng kinh văn khổng lồ, bởi vậy họ đã tích lũy được vốn kinh nghiệm dịch thuật vô cùng phong phú. Phật giáo Tạng truyền còn giảng dạy môn “Thanh minh học”, tức là môn học chuyên nghiên cứu, luận bàn về cách hành văn và văn tự học. Tổ tiên nhiều đời của Bát Tư Ba đều là các bậc thầy về Thanh minh học, nhất là người bác Ban Trí Đạt của cậu ấy.

Nhớ tới ông cụ thông tuệ, uyên bác ấy, tôi bất giác thở dài:

- Hồi sống ở Lương Châu, đại sư Ban Trí Đạt từng than phiền rằng người Mông Cổ không có chữ viết của riêng mình, họ cai trị bao nhiêu dân tộc khác nhau, ngôn ngữ, chữ viết lại phức tạp như thế, rất bất lợi cho việc ban bố sách lệnh. Bởi vậy, đại sư đã tiến hành cải tiến văn tự Uyghur mà người Mông Cổ sử dụng phổ biến lúc bấy giờ.

Chàng trai trẻ gật đầu:

- Tôi hiểu được rồi. Được sự truyền dạy chu đáo của người bác, Bát Tư Ba chắc chắn sẽ là hậu bối tài năng. Công cuộc tìm tòi, khảo cứu và cải tiến thử nghiệm của người bác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo của Bát Tư Ba sau này.

- Đúng vậy. Bát Tư Ba đã suy nghĩ về vấn đề này: chữ Tạng có thể chuyển dịch sang chữ Phạn, vậy thì vì sao không thể áp dụng đúng nguyên tắc đó để chuyển dịch sang chữ Mông Cổ?

Chàng trai trẻ bật cười vì đã hiểu ra vấn đề:

- Kỳ diệu! Chỉ có bộ óc siêu phàm như ngài mới nghĩ ra được điều này.

- Đâu có dễ dàng như vậy. Dù Bát Tư Ba tinh thông cả chữ Phạn, chữ Tạng, chữ Uyghur và tiếng Mông Cổ, thậm chí cậu ấy còn nghiên cứu cả chữ Hán nữa, nhưng để có thể sáng tạo ra một hệ thống chữ viết hoàn chỉnh, không thể hoàn tất trong một thời gian ngắn.

Bát Tư Ba đã suy nghĩ về vấn đề này rất nhiều, thậm chí mất ăn mất ngủ. Tôi thở dài xót xa:

- Bát Tư Ba đã mất tám năm ròng không ngừng nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm, cuối cùng mới phát minh ra loại chữ viết mà người đời sau thường gọi là chữ Bát Tư Ba.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[1] Nguyên tác là “thất xuất”, hay còn gọi là “thất xuất chi điều” nghĩa là bảy tội trạng của người làm vợ vào thời phong kiến, mà theo đó, chỉ cần người vợ phạm phải một trong bảy tội này thì người chồng có quyền bỏ vợ. Bảy tội đó là: Không con, dâm đãng, không thờ cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông, mắc bệnh khó chữa. (DG)

[2] Nữ giới hay Những điều răn dạy phụ nữ là cuốn sách của tác giả Ban Chiêu, thời Đông Hán, cuốn sách răn dạy phụ nữ đạo lý làm người. (DG)