Dưới Nắng Trời Châu Âu

Chương 10: Hungary: Tới BUDAPEST ngắm dòng sông Danube




TUY KHÔNG CÓ LỊCH chính thức sẽ đi Budapest trong chuyến hành trình qua Áo của mình nhưng để “chuộc tội” vì đã không làm hướng dẫn viên cho tôi trong ngày ở Áo nên anh bạn quí hóa đã mua vé đưa tôi tới Budapest – thủ đô kiều diễm của Hungary và là viên ngọc quý của Danube, nơi có những cây cầu xinh xinh nối hai bờ Buda và Pest lại với nhau.

Chúng tôi tớt Budapest vào một ngày nắng đẹp và trong veo, khi vừa bước chân ra nhà ga và đi thẳng trục đường chính để tới cây cầu Erzsébet, tôi đã bị hớp hồn bởi vẻ đẹp cổ kính mà lộng lẫy của những tòa nhà hai bên đường. Toàn bộ kiến trúc của thành phố này là sự kết hợp hài hòa giữa các tòa nhà hiện đại của một thành phố trẻ với những dinh thự lộng lẫy, những thánh đường nguy nga và những kiến trúc La Mã còn sót lại Những kiến trúc đẹp nhất của thành phố này đều nằm dọc theo hai bên dòng Danube. Có lẽ nhờ dòng sông xanh và những kiến trúc độc đáo này mà Budapest  trở thành một điểm đến hấp dẫn nhiều du khách.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là đỉnh đồi Gellert với độ cao 235m, được gọi theo tên vị thánh tử vì đạo Gellert – người đã truyền bá đạo Thiên chúa vào Hungary ở thế kỷ X. Ở dưới chân đồi, những bức tường thành bằng đá kiên cố vẫn còn đọng lại lớp băng của những ngày mùa đông. Đường lên đỉnh đồi có những hàng cây đẹp và những tảng đá lớn nằm trơ chọi khiến khung cảnh nên thơ và lòng tôi bình yên hơn bao giờ hết. Phía trên đỉnh đồi là bức tượng Nữ thần Tự do đang giơ hai tay nâng cao cành cọ, đó cũng là biểu tượng của chiến thắng và tự do. Từ phía trên cao này, người ta có thể nhìn thấy Đồi Lâu Đài (Castle Hill) và toàn bộ khung cảnh phía bên dưới dòng sông Danube.

Từ phía trên đỉnh đồi Gellert đi xuống, tôi ngước nhìn lên phía trên và thấy Đồi Lâu Đài thật đẹp nên lại quyết định leo lên. Đây là nơi ở của các triều đại vua chúa Hungary. Tại đây, vẫn còn những vết tích cổ xưa và rất nhiều gạch in đậm dấu vết thời gian. Khu di tích này gồm Cung điện Hoàng gia Hungary khởi công xây dựng vào giữa thế kỷ XIII. Nhà thờ Mátyás mang tên vị vua hùng mạnh và anh minh bậc nhất trong lịch sử đất nước này. Thư viện Quốc gia Hungary cùng hàng loạt bảo tàng và khu triển lãm.

Đứng ở phía trên này, người ta có thể nhìn ra ngã rẽ của dòng sông Danube khi chia thành hai nhánh. Là con song dài thứ hai của Châu Âu và chảy qua nhiều nước khác nhau như Đức, Slovakia, Áo… nhưng có lẽ không khúc sông nào có thể sánh với đoạn chảy qua Budapest.

Trời đã xế chiều, chúng tôi băng qua cây cầu Széchenyi với tên gọi tiếng Việt là cầu Xích. Đây cũng là cây cầu đầu tiên bắc qua song Danube, đồng thời cũng là cây cầu nổi tiếng và đẹp nhất ở Budapest. Với những dải treo bằng sắt tựa như chuỗi xích khổng lồ, Széchenyi nối Quảng trường Roosevelt của Pest với Quảng trường Adam Clark của Buda. Ngay ở đầu cây cầu, người ta đã thấy bức tượng con sư tử không có lưỡi, anh chụp cho tôi bức hình làm kỉ niệm và trêu: “Sau này xem lại ảnh, xem sư tử và em, ai xinh hơn,” rồi sau đó bế tôi lên thành cầu để chụp hình làm kỉ niệm trong khi tôi xấu hổ đỏ cả mặt khi thấy người đi đường cứ nhìn qua nhìn lại. Có lẽ trông mặt tôi lúc đó ngố kinh khủng nhưng anh thì mặc kệ, miễn sao anh có thể chộp những tấm hình đẹp nhất để tôi có “của hồi môn” cho con cháu sau này.

Khi đứng trên cây cầu và nhìn ra xa, tôi bảo anh: “Ở đây, ai muốn tự tử thì chỉ cần nhảy xuống dòng sông, dòng nước xoáy rất mạnh.” Lời nói vô tình ấy của tôi khi đó không hề có dụng ý nào, nhưng khi về kể cho cô bạn đồng nghiệp nghe, tôi mới biết rằng, khi xưa, người khắc bức tượng sư tử ở trên cây cầu này cũng đã nhảy xuống sông Danube tự tử khi người ta chế giễu ông rằng sư tử không có lưỡi (thật ra nếu để ý kỹ thì sư tử vẫn có lưỡi, chỉ có điều bức tượng này được đặt rất cao nên người ta khó có thể nhìn thấy lưỡi của nó).

Khi chúng tôi băng qua cây cầu, hoàng hôn đã bắt đầu buông xuống. Ngước nhìn lên tòa lâu đài và ngắm nhìn ánh đèn điện phía trên cao, tôi thấy một Budapest lung linh huyền ảo. Chúng tôi dừng lại ở Tòa nhà Quốc hội bên sông Danube. Đây là một trong những tòa nhà cổ kính nhất Châu Âu và lớn nhất thế giới với chiều dài 268m được xây theo kiến trúc Gothic. Tôi hơi ngỡ ngàng khi thấy tòa nhà này chẳng khác gì nhiều so với Tòa nhà Quốc hội ở London mà tôi đã tới cách đó vài tháng. Mãi sau này, tôi mới biết rằng tòa nhà này được phỏng theo nguyên bản của Tòa nhà Quốc hội ở London. Trên dòng sông Danube, người ta thấy bóng của tòa nhà soi trên mặt nước, nhưng lối đi chính thì không nằm ở đó mà nằm ở bên hông quảng trường. Tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp về đêm của một công trình kiến trúc đặc trưng của mọi thời đại và đã trở thành một trong những Di sản văn hóa của nhân loại. Chắc hẳn, người dân Hungary phải rất hãnh diện vì đã lưu giữ được một kiến trúc kiêu hãnh, hùng vĩ mà vẫn mang đậm phong cách cổ xưa như thế này.

Trời đã bắt đầu tối, hai anh em đi dạo trên những đại lộ rộng lớn và sạch sẽ với những cửa hàng lớn nhỏ nằm hai bên đường. Mà nói đến phố xa Budapest, phải nhắc đến đại lộ Andrassy nằm ở trung tâm thủ đô (phía bên Pest). Hai bên đại lộ này là những quán cà phê, những viện bảo tàng, còn phía cuối đại lộ là Quảng trường "Những người anh hùng" được xây dựng đầu thế kỷ XX với những bức tượng các thủ lĩnh lập quốc Hungary và các anh hùng, các vị vua lớn trong lịch sử đất nước này. Tôi ghé vào một cửa hiệu bán đồ lưu niệm nhỏ bên đường và được anh tặng luôn một chiếc khung ảnh một bên là hình chiếc cầu ích và một bên tôi có thể gắn bức hình của tôi vào để làm kỉ niệm trong chuyến đi này. Chúng tôi lang thang trong cái lạnh ban đêm và những cơn gió mát lành thổi từ sông vào. Dù có lạnh đến đâu, tôi vẫn muốn ra sông để ngắm lại đồi Lâu đài và những cây cầu lung linh huyền ảo giữa màn đêm. Anh lấy chiếc máy ảnh của mình và cố chụp lại những khoảnh khắc đẹp trong đêm của Budapest nhưng những tấm hình vẫn không được ưng ý. Tôi đã nói với anh rằng có những khoảnh khắc mà người ta chỉ có thể ghi lại vào kí ức mỗi khi nhớ về nó chứ không thể lưu hết lại vào trong máy ảnh hay trong những bức hình được. Dường như hiểu được điều đó nên anh cũng buông máy và tận hưởng khoảnh khắc dịu dàng đó.