Giang Sơn Chiến Đồ

Quyển 1 - Chương 118: Cách đánh vu hồi




Ở bờ nam Phối Thuỷ cách thành Bình Nhưỡng về phía đông ước chừng hai trăm năm mươi dặm, có một ngọn núi lớn có chút danh tiếng, tên là Hạc Sơn. Hạc Sơn do đâu nổi tiếng, là bởi vì nơi này là núi có quặng sắt lớn nhất Cao Câu Ly.

Mỗi năm khai thác mỏ nấu sắt rèn ra sắt thô không chỉ cung cấp cho thực lực của nước Cao Câu Ly, còn trở thành ngọn nguồn sắt thô quan trọng của người Hề và Khiết Đan. Năm năm trước, Cao Câu Ly chính là dùng sắt thô sản xuất ở nơi này đưa đến Khiết Đan đổi về năm ngàn con chiến mã, tổ chức thành kỵ binh của Cao Câu Ly.

Sau thất bại chiến dịch Cao Câu Ly lần thứ nhất hai năm trước, gần tám vạn tù binh quân Tuỳ bị áp giải đến mỏ quặng sắt Hạc Sơn, bị bức nhận khai thác khoáng thạch, tinh luyện sắt thô, khổ sai nặng nhọc. Do một cánh quân đội một vạn người Cao Câu Ly phụ trách trông coi giam giữ tám vạn tù binh quân Tuỳ này.

Thức ăn khan hiếm, ngày qua ngày cưỡng bức lao động nặng nhọc, tương lai tuyệt vọng khiến tù binh quân Tuỳ không chịu nổi gánh nặng, từng hai lần phát sinh bạo loạn, đều bị trấn áp tàn khốc, mấy ngàn người bị giết.

Vì bảo tồn mạng sống, chờ đợi sự cứu viện của Vương triều Đại Tuỳ, tám vạn tù binh quân Tuỳ âm thầm chịu đựng sự áp bức tàn khốc, mỗi ngày thợ mỏ khai thác quặng trải dài trên hai mươi dặm mỏ quặng.

Mặc dù quân đội Cao Câu Ly cực lực phong toả tin tức, giấy không gói được lửa, tin tức quân Tuỳ đổ bộ ở vịnh Phối Thuỷ vẫn phải truyền đến mỏ. Mấy vạn tù binh quân Tuỳ không ai không hưng phấn vạn phần, mỗi người đều mong đợi một ngày nào đó được về nhà, nằm im đã lâu, tổ chức quan quân tù binh cũng bắt đầu bí mật chuyển vận nổi dậy.

Nhưng không lâu, binh lực Cao Câu Ly vì không đủ, điều động năm ngàn người về Bình Nhưỡng. Binh lực Cao Câu Ly trên mỏ chỉ còn lại năm ngàn người, điều đó càng thêm khiến bọn tù binh quân Tuỳ thấy được hy vọng.

Xế chiều hôm đó, chính là lúc tù binh ăn cơm nghỉ ngơi, mấy tên thợ mỏ tù binh mang một tên nam tử trẻ tuổi ăn mặc giống như là thợ mỏ vào trước một ngôi lều trại rách nát.

- Tướng quân, người đã dẫn đến rồi!

Trong lều trại ngồi năm sáu gã tướng lĩnh quân Tuỳ bị cầm tù, người cầm đầu là một lão tướng ước chừng sáu mươi tuổi. Ông ta chính là Thái thú Trác quận tiền nhiệm, Tả võ Vệ tướng quân Thôi Hoằng Thăng.

Trong đại chiến đông chinh trước đây hai năm, Thôi Hoằng Thăng bởi vì chân trúng tên mà bị bắt, trở thành tướng lĩnh quân Tuỳ cấp bậc cao nhất bị Cao Câu Ly bắt được. Tuy nhiên trong chiến báo thống kê sau đó của Vũ Văn Thuật, ông ta ngược lại được báo là đã vì trúng tên khó cứu mà bỏ mình nơi chiến trận.

Thôi Hoằng Thăng trước mắt cũng là đầu lĩnh quân Tuỳ trong trại tù binh. Ngay khi mệnh lệnh của ông ta đưa ra, tù binh quân Tuỳ tạm thời dừng bạo loạn, không làm việc hi sinh vô vị nữa, chờ đợi triều đình cứu viện.

Thôi Hoằng Thăng râu tóc bạc trắng, phía sau lưng có chút còng xuống, đôi mắt vẫn coi như trong suốt sắc bén. Ông ta liếc nhìn nam tử trẻ tuổi ở phía sau, lạnh lùng hỏi:

- Ngươi chính là người đưa tin Lai Hộ Nhi phái đến phải không?

Nam tử trẻ tuổi vội vàng quỳ một gối xuống, ôm quyền lên cao nói:

- Lai đại tướng quân cũng không biết Thôi tướng quân ở nơi này, ty chức là Giáo uý Trần Húc dưới trướng Võ Dũng Lang Tướng Trương Huyễn. Vâng lệnh của Lang tướng, đặc biệt đến liên hệ với tướng quân.

Nói xong, Trần Húc từ trong tóc rối bù rút ra một tờ giấy, trình lên cho Thôi Hoằng Thăng. Thôi Hoằng Thăng mở tờ giấy ra đọc một lượt, sắc mặt hoà hoãn rất nhiều, gật đầu nói:

- Trần giáo uý xin đứng lên.

Thôi Hoằng Thăng là nhân vật trọng yếu của gia tộc Thôi thị ở Bắc Lăng, huynh trưởng của ông ta Thôi Hoằng Độ chính là gia chủ đời trước của gia tộc, Thôi Hoằng Thăng ở trong sĩ tộc Sơn Đông có uy vọng cực cao.

Cũng chính là vì nguyên nhân này người Cao Câu Ly không có làm khó ông ta, một dạo còn mời ông ta vào trong thành Bình Nhưỡng định cư, bị ông ta một lời từ chối. Ông ta chịu sống ở trong trại tù binh, cùng bọn tù binh ở cùng nhau, chính vì như thế, ông ta có uy vọng cực cao ở trong lòng tù binh.

Thôi Hoằng Thăng làm người thanh cao, quan niệm phe cánh rất nặng. Ông ta luôn coi thường Đại tướng quân phe cánh phương nam, Lai Hộ Nhi cũng là một trong số đó. Ông ta nghe nói lần này là Lai Hộ Nhi lãnh binh đến, trong lòng hoặc ít hoặc nhiều có chút không vui vẻ lắm.

Chẳng qua trong bức thư Trương Huyễn đưa cho ông ta, thái độ lại rất thành khẩn khiêm tốn, thoả mãn lòng tự trọng vì bị bắt mà trở nên mẫn cảm khác thường của ông ta.

Thôi Hoằng Thăng lại hỏi:

- Xin hỏi Trần giáo uý. Trương lang tướng các ngươi là người nơi nào. Ta tại sao chưa bao giờ nghe nói qua về hắn ta.

- Hồi bẩm tướng quân, Lang tướng của chúng tôi nguyên quán Trường An, lớn lên ở Hà Nội, y vốn là thị vệ của Yến Vương điện hạ, có được sự đề cử của Yến Vương điện hạ, được Thánh thượng ngự phong làm Võ Dũng Lang Tướng.

Thôi Hoằng Thăng lúc này mới chợt hiểu, hoá ra là người của Yến Vương. Ông ta gật gù cười nói:

- Ta hiểu được rồi, vậy hắn bây giờ ở nơi nào, có bao nhiêu quân đội, ta nên hô ứng cùng hắn như thế nào.

Những thứ này đều là vấn đề trọng yếu, Trương Huyễn cũng không có viết ra giấy, chỉ sợ sau khi Trần Húc bị bắt bị tiết lộ bí mật, mà phải do Trần Húc thuật lại bằng miệng.

Trần Húc ôm quyền nói:

- Trương lang tướng dẫn một ngàn binh lính ẩn núp ở ngoài phía tây mỏ mười dặm. Chúng tôi thời khắc canh tư đêm nay tấn công quân Cao Câu Ly trông coi, hy vọng tướng quân có thể ổn định các huynh đệ, ngàn vạn lần không nên rối loạn.

Trong lòng Thôi Hoằng Thăng có điểm hoài nghi, trông coi chính là năm ngàn quân đội, Trương Huyễn lại chỉ có một ngàn người. Tuy nhiên ông ta không nói gì thêm, ông ta gật đầu nói:

- Ta hiểu rõ rồi, xin chuyển lời lại với Trương tướng quân, canh tư đêm nay, chúng ta sẽ phối hợp khi hắn đến.

Sách lược Lý Tĩnh hiến với Lai Hộ Nhi chính là lợi dụng tù binh quân Tuỳ đến gia tăng binh lực. Đây cũng là cơ mật Quyền Văn Thọ vì mạng sống mà tiết lộ, gã nói cho Lý Tĩnh biết, có thể dùng gã để đổi lấy tù binh quân Tuỳ ở mỏ quặng. Khiến Lý Tĩnh biết rằng Đại Tuỳ còn có một cánh lực lượng bí mật ẩn núp ở Cao Câu Ly như vậy.

Phương án Lý Tĩnh cung cấp rất chu đáo bí mật, phái hai cánh quân đội qua Phối Thuỷ xuôi nam. Một cánh quân đội đi giải phóng tù binh quân Tuỳ, birnd tù binh quân Tuỳ có sức chiến đấu trở thành quân đội tham dự quyết chiến thành Bình Nhưỡng. Còn một cánh quân đội khác thì đi tấn công Hán Thành*, cướp lấy quân giới vật tư cất giấu ở Hán Thành, dùng để võ trang cho tù binh quân Tuỳ.

(Là Seoul ngày nay, triều Tuỳ Seoul chỉ là một đô thành nhỏ bên sông Hán)

Lai Hộ Nhi tiếp thu sách lược tăng binh của Lý Tĩnh, ông ta một mặt hoãn lại ngày quyết chiến cùng quân đội Cao Câu Ly, mặt khác phát lệnh cho đại tướng Vũ Văn Thành Đô dẫn ba ngàn người qua Phối Thuỷ xuôi nam tấn công Hán Thành, còn Trương Huyễn do nhiều lần lập kỳ công, dẫn một ngàn quân đi đến mỏ giải cứu tù binh.

Lúc này, Trương Huyễn suất lĩnh một ngàn quân đội ẩn thân trên một ngọn núi đối diện đại trại tù binh trong mỏ quặng. Hạc Sơn chu vi trăm dặm hoang vắng không người ở, phía bắc bị Phối Thuỷ ngăn cách, cho dù có tù nhân cá biệt chạy thoát, cũng rất khó trốn về Liêu Đông.

Dưới chân núi một sơn cốc rộng chừng năm sáu dặm, ba toà đại trại tù binh cũng sắp xếp xây dựng tu sửa ở trong sơn cốc. Đại trại tù binh xây dựng bốn phía rào doanh cao cao, cách mỗi ba mươi bước thì có một toà tháp canh, nghiêm mật giám thị nhất cử nhất động của tù binh.

Mà phía tây trại tù binh chính là quân doanh, năm ngàn binh lính Cao Câu Ly đang đóng quân ở nơi đó. Bởi vì gần đây tin đồn chiến tranh rất gấp, khai thác khoáng thạch đã dừng lại, phần lớn thợ mỏ tù binh cũng không có làm việc, mỗi ngày chỉ có một vạn người liên tục ra công nấu sắt. Quân đội Cao Câu Ly đang tích cực chuẩn bị chiến tranh, cần phải có rất nhiều sắt thô.

Trên núi hai bên cũng xây dựng vài toà tháp canh, dùng để quan sát tình hình chạy trốn của tù binh. Trương Huyễn đã chiếm được một toà tháp trong số đó, từ trong miệng lính gác hắn đã biết được rất nhiều tình báo quan trọng, cũng hiểu được tình hình chung toàn bộ quân doanh.

Thời gian đã đến thời hoàng hôn, Trương Huyễn đứng ở trước tảng đá lớn nhìn chăm chú đại trại tù binh ở dưới núi, suy nghĩ cuộc chiến vào thời khắc canh tư đêm nay. Liên tục trải qua hai lần chiến đấu đánh lén, Trương Huyễn cùng đội ngũ của hắn đã tích luỹ kinh nghiệm tác chiến đánh lén phong phú. Đó cũng là nguyên nhân căn bản Lai Hộ Nhi quyết định phái hắn đến đây.

Lúc đó, một binh lính chạy như bay tới bẩm báo:

- Tướng quân, Trần giáo uý quay về rồi.

Trương Huyễn xoay người ra lệnh:

- Bảo y đến đây gặp ta.

Một lát, Trần Húc vội vàng đi tới, quỳ một gối bẩm báo:

- Ty chức tham kiến tướng quân.

- Như thế nào, có liên lạc được không?

Trần Húc gật đầu:

- Ty chức gặp được Thôi tướng quân, ông ta rất mong đợi, cũng rất sẵn lòng phối hợp hành động đêm nay của tướng quân. Tuy nhiên ông ta sai tôi chuyển cáo với tướng quân. Quân đội Cao Câu Ly bây giờ tăng cường trông giữ đối với tù binh. Mỗi khi trời chiều sẽ có một ngàn binh lính Cao Câu Ly tham gia tuần tra giám sát tù binh. Một khi hành động thì phải quả quyết, không nên sợ trước sợ sau.

Trương Huyễn cười, Thôi Hoằng Thăng là sợ mình lâm trận rút lui mới đúng, tuy nhiên hắn có thể hiểu được tâm tình bọn tù binh quân Tuỳ. Loại tuyệt vọng mãi mãi không thấy được người thân kia, rốt cuộc nhìn thấy một tia hy vọng. Bọn họ càng sợ hãi hy vọng lại đột nhiên biến mất.

Trương Huyễn lúc này ra lệnh cho binh lính bên cạnh:

- Đi sai tất cả quan quân từ Lữ soái trở lên đều đến chỗ này của ta, bàn bạc chi tiết hành động đêm nay.

Thời gian dần dần đến thời khắc canh một, trong một toà đại trướng ở trong trại tù binh quân Tuỳ, mười mấy tên tướng lĩnh quân Tuỳ cao tầng tụ tập cùng một chỗ, bàn bạc phối hợp hành động quân Tuỳ đêm nay như thế nào. Trong đại trướng không có đốt đèn, nhưng trong ánh mắt mỗi người đều vô cùng sáng ngời, tràn ngập hưng phấn và chờ mong.

- Ta muốn trước tiên nhắc nhở tất cả một lời, Lai Hộ Nhi phái quân đội đến cứu chúng ta, rất có thể là hy vọng chúng ta gia nhập cuộc chiến với người Cao Câu Ly.

Giọng nói của Thôi Hoằng Thăng rất trầm thấp, lời ông ta nói như một chậu nước lạnh, cũng dội tắt ý nghĩ kích động trong đầu tất cả mọi người. Sau một lúc lâu, có người thấp giọng hỏi:

- Thôi tướng quân cảm thấy chúng ta không nên tham chiến sao?

Ánh mắt Thôi Hoằng Thăng sắc bén liếc mắt nhìn người nói chuyện trong bóng tối, lạnh lùng nói:

- Tham chiến hay không là quyết định của mỗi người, không cần đến hỏi ta. Tuy nhiên, nếu như tham chiến thắng lợi, có lẽ có thể rửa đi sự sỉ nhục bị bắt làm tù binh cũng không chừng. Nói ngắn gọn lại chính là một câu, là muốn bảo toàn tính mạng, hay muốn tranh thủ vinh quang, rửa sạch sỉ nhục. Tất cả tự mình quyết định. Bắt đầu từ ngày mai, ta cũng không phải là đầu lĩnh của mọi người nữa rồi.

- Tướng quân vì sao nói lời như vậy.

Một tướng lĩnh không hiểu hỏi.

Thôi Hoằng Thăng thở dài:

- Ta đã già, nếu như có thể bảo toàn tính mạng, ta sẽ trở về đất tổ an dưỡng tuổi già, sẽ không hỏi qua sự tình triều đình nữa. Nhưng các ngươi còn trẻ, không cần giống ta sa sút tinh thần như vậy.

Tất cả mọi người đã trầm mặc, Thôi Hoằng Thăng lại cười nói:

- Chúng ta không nói những thứ này, nói xem hành động đêm nay. Ta có chút lo lắng binh lực quân Tuỳ không đủ, không thể đánh bại quân đội Cao Câu Ly. Chúng ta nhất định phải có hành động riêng. Cứ dựa theo kế hoạch định ra lần trước của chúng ta. Chỉ là sửa thời gian thành canh tư đêm nay. Xuân Sinh, chỉ cần quân doanh bên kia phát sinh động tĩnh lạ, ngươi lập tức dẫn theo ba ngàn người giết ra ngoài, hiểu chưa.

Một gã tướng lĩnh dáng người khôi ngô lập tức trả lời:

- Ty chức hiểu rõ.

Thôi Hoằng Thăng lại hướng tất cả mọi người lạnh lùng nói:

- Tối nay quyết định chúng ta có thể thấy mặt trời lần nữa hay không, tất cả mọi người đều phải tham gia. Chúng ta hai năm qua chịu nhục đủ điều. Hãy khiến cho những quân trông coi kia phải hoàn trả gấp đôi nha.

Các tướng lĩnh đều xoa tay, chờ đợi thời khắc canh tư đến gần.