Hai Số Phận

Chương 37




Albel đang ngồi một mình trong văn phòng của ông ở Nam tước New York chờ một người đi quyên tiền cho cuộc vận động của Kennedy đến gặp. Đã quá hai mươi phút rồi mà ông ta chưa đến. Abel sốt ruột gõ ngón tay lên bàn. Cô thư ký bước vào.

- Có ông Vincent Hogan đến gặp, thưa ông.

Abel đứng dậy ngay.

- Xin mời vào, ông Hogan, - ông nói và vỗ tay vào lưng một chàng trẻ tuổi đẹp trai. - Ông khỏe không?

- Tôi khỏe, thưa ông Rosnovski. Tôi xin lỗi đã đến muộn, - anh ta đáp bằng một giọng đặc Boston.

- Tôi không để ý - Abeì nói. - ông uống chút gì chứ, ông Hogan?

- Không, xin cảm ơn ông Rosnovski. Khi nào phải đi gặp nhiều người trong một ngày thì tôi cố gắng không uống.

- Rất đúng. Nhưng tôi uống được chứ, - Abel nói. - Hôm nay tôi không định gặp nhiều người lắm.

Hogan cười, anh ta biết rằng trong ngày hôm nay sẽ phải nghe nhiều người khác nói đùa nữa. Abel rót một cốc whisky.

- Nào, bây giờ tôi làm gì được cho ông đây, ông Hogan?

- Vâng, thưa ông Rosnovski, chúng tôi hy vọng rằng Đảng lại một lần nữa có thể trông vào sự ủng hộ của ông.

- Như ông biết đấy, ông Hogan, trước sau tôi vẫn là một người của đảng Dân chủ. Tôi đã ủng hộ Franklin D. Roosevelt, Harry ruman và Adlai Stevenson, mặc dầu Adlai nói đến nửa ngày mà tôi không hiểu được ông ta muốn nói gì.

Hai người cùng cười một cách giả tạo.

- Tôi cũng giúp ông bạn cũ của tôi, Dick Daley ở Chicago, đã ủng hộ Ed Muskie, con trai của một người Ba Lan nhập cư đấy, ông biết không, ngay từ hồi ông ta vận động ra làm thống đốc bang Maine năm 54 kia đấy.

- Ông vẫn là một người ủng hộ trung thành của Đảng trong quá khứ, điều đó không ai phủ nhận được, thưa ông Rosnovski, - Vincent Hogan nói bằng một giọng khác thường, cho thấy lúc này không còn là lúc nói quanh co nữa. - Chúng tôi cũng biết rằng những người của đảng Dân chủ, không phải chỉ có cựu nghị sĩ Osbome, cũng đã có những hành động trả ơn đối với ông. Tôi nghĩ không cần thiết phải đi vào chi tiết cái vụ bất tiện nhỏ với công ty hàng không Liên Mỹ nữa làm gì.

- Chuyện ấy đã qua lâu rồi, - Abel nói, - hầu như tôi không nhớ đến nữa.

- Vâng, - ông Hogan nói, - và mặc dầu phần lớn những nhà đại triệu phú không muốn cho người ta nhòm ngó vào những việc riêng của mình, nhưng ông cũng là người đầu tiên thấy rằng chúng ta phải đặc biệt cẩn thận. Như ông đã hiểu, người ra ứng cử không muốn gần đến ngày bầu cử lại đem cá nhân mình ra mà nhận làm điều gì mạo hiểm. Nixon rất mong chúng ta có chuyện bê bối trong cuộc chạy đua này.

- Thượng nghị sĩ Kennedy lúc này đang phác thảo một luồng dư luận Ba Lan - Mỹ và chúng tôi chưa thấy có sự phản đối nào. Cố nhiên ông ấy chỉ có thể đi đến quyết định cuối cùng sau khi đã được trúng cử.

- Tất nhiên. Liệu hai trăm năm mươi ngàn đô la có thể giúp ông ấy quyết định được điều đó không ? - Abel hỏi.

vincent Hogan không nói gì.

- Vậy là hai trăm năm mươi ngàn đô la nhé, - Abel nói. - Cuối tuần, số tiền sẽ được chuyển đến trụ sở ban vận động, ông Hogan. Tôi hứa như vậy.

Công việc đã xong, cuộc mặc cả đã xong. Abel đứng dậy.

- Xin nhờ ông chuyền đến Thượng nghị sĩ Kennedy những lời chúc mừng tốt đẹp nhất của tôi và nói giùm thêm cho là tất nhiên tôi hy vọng ông ấy sẽ là Tổng thống tương lai của Hoa Kỳ. Tôi vẫn rất căm ghét Nixon sau khi ông ta có một thái độ đáng khinh trong vụ Helen Gahagan Douglas, vả lại cũng có những lý do riêng tại sao tôi không thích Henry Cabot Lodge ra làm phó tổng thống.

- Tôi sẽ rất sung sướng chuyển những lời chúc của ông, - ông Hogan nói, và xin cảm ơn ông về sự ủng hộ liên tục đối với đảng Dân chủ, nhất là đối với vị ứng cử viên. - Anh chàng người Boston đưa tay ra bắt tay Abel.

- Ông cứ liên lạc với chúng tôi nhé, ông Hogan. Tôi giúp tiền như thế nhưng cũng mong được đáp lại một cái gì chứ?

- Tôi hoàn toàn hiểu ý ông - Vincent Hogan nói.

Abel tiễn khách ra tận thang máy và mỉm cười quay về văn phòng. Ông lại gõ gõ ngón tay lên bàn. Cô thư ký bước vào.

- Mời ông Novak lên đây cho tôi, - Abel nói.

Lát sau George đến.

- Tôi nghĩ là mình đã thành công rồi đấy, George.

- Thế thì mừng cho anh, Abel. Tôi cũng sung sướng. Nếu Kennedy là tổng thống tới thì một trong những giấc mơ lớn của anh sẽ thực hiện được. Florentyna sẽ tự hào về anh biết bao nhiêu.

Nghe đến tên cô, Abel mỉm cười.

- Anh có biết con bé ấy nó đã làm được chuyện gì không ? - ông cười nói. - Anh đã xem tờ Thời báo Los Angeles tuần trước chưa, George?

George lắc đầu. Abel đưa cho ông ta tờ báo. Một tấm ảnh trong báo được khoanh đỏ. George đọc to lên:

Florentyna Kane khai mạc nhà hàng thứ ba của cô, lần này ở Los Angeles. Cô đã có hai nhà hàng ở San Francisco và đang hy vọng đến trước cuối năm sẽ mở một nhà hàng nữa ở San Diego. "Florentyna" như mọi người đã biết, đang nhanh chóng trở thành nổi tiếng ở Califomia giống như Balenciaga đã nổi tiếng ở Paris.

George bỏ tờ báo xuống và phá lên cười.

- Có lẽ chính nó đã viết bài báo này, - Abel nói. - Tôi rất mong nó có một nhà hàng Florentyna ở New York. Tôi tin rằng chỉ trong năm năm, nhiều lắm là mười năm, nó sẽ thực hiện được điều đó. Anh có dám đánh cuộc với tôi chuyện đó không, George?

- Tôi đã không nhận đánh cuộc lần trước, anh nhớ không, Abel. Nếu không tôi đã mất mười đô la rồi.

Abel nhìn lên, giọng nhẹ nhàng hơn.

-Anh có nghĩ là nó sẽ đến gặp Thượng nghị sĩ Kennedy khai mạc khách sạn Nam tước mới ở Los Angeles không, George? Liệu nó có đến không?

- Không, trừ phi anh chàng Kane kia cũng được mời.

- Không bao giờ, - Abel nói. - Cái thằng Kane ấy chả là cái gì hết. Tôi đã xem mọi điều trong báo cáo trước của anh. Nó đã bỏ Ngân Hàng để đi làm cho Florentyna. Nó không giữ nổi được một việc làm tốt mà phải dựa vào thành công của con bé.

- Anh đọc mà không thấy được các mặt, Abel. Tôi đã nói rõ các trường hợp trong đó: Kane là người phụ trách về tài chính trong khi Florentyna quản lý cửa hàng. Như thế là một sự cộng tác lý tưởng. Anh không nên quên rằng một ngân hàng lớn đã đề nghị Kane ra làm người đứng đầu chi nhánh Châu Âu của họ, nhưng Florentyna yêu cầu anh ta về giúp cho nó vì bản thân nó không còn có thể kiểm soát tài chính được nữa. Abel, anh phải chấp nhận sự thật là cuộc hôn nhân của chúng nó là một điều tốt. Tôi biết anh khó chấp nhận điều đó lắm, nhưng tại sao anh không tự hạ mình đi một chút để gặp anh ta?

- Anh là bạn thân nhất của tôi, George. Không ai khác trên đời này dám nói với tôi như vậy đâu. Anh biết hơn ai hết là tôi không thể nào tự hạ mình như vậy không đâu, trừ phi cái lão Kane khốn kiếp kia tỏ ra muốn gặp tôi ở nửa đường. Cho đến lúc đó, tôi sẽ không nhích một bước trong khi hắn còn sống để theo dõi tôi.

- Lỡ anh chết trước thì sao, Abel? Hai người bằng tuổi nhau kia mà.

- Nếu tôi chết trước thì tôi thua, và Florentyna sẽ thừa hưởng hết.

- Anh bảo tôi là nó không lấy gì kia mà. Anh định thay đổi chúc thư cho cháu ngoại của anh, không phải thế ư?

- Tôi không thể làm thế được, George. Lúc hạ bút ký vào chúc thư, tôi không sao ký nổi. Vì tôi cứ 10 cái thằng cháu ngoại chết tiệt ấy rồi nó phá hết của cải của hai bố con.

Abel rút ở túi áo trong ra một tấm ảnh, giở qua những tấm ảnh cũ của Florentyna và lấy ra những tấm ảnh của thằng cháu, đưa cho George xem.

- Trông thằng bé xinh quá, - George nói.

- Xinh lắm, - Abel nói. - Hình ảnh của mẹ nó.

George cười.

- Anh vẫn không bỏ con được, phải không?

- Anh bảo chúng đặt tên nó là gì?

- Sao, anh biết tên thằng bé quá đi chứ - George nói

- Tôi muốn nói anh thấy chúng gọi tên nó là thế nào cơ?

- Tôi làm sao biết được? - George nói.

- Anh tìm hỏi đi, - Abel nói. - Tôi cần biết.

- Tôi hỏi cách nào ? -George nói. -Cho người đi theo chúng nó đẩy xe nôi ở Công viên Cổng vàng ư? Anh đã dặn lại rõ ràng là Florentyna không bao giờ được biết anh vẫn còn quan tâm đến nó hay thằng chồng Kane của nó kia mà.

- À nhân đây tôi nhớ ra, tôi vẫn còn có một chuyện nhỏ phải thanh toán với bố nó, - Abel nói.

- Anh định làm gì về chứng khoán ở ngân hàng Lester, - George hỏi.- Peter Parfitt tỏ ý muốn bán hai phần trăm của ông ta, nhưng tôi không tin Henry trong chuyện thương lượng này. Với hai con người đó dính vào chuyện bán chứng khoán thì mọi người có thể bập vào đó, trừ anh.

- Tôi sẽ không làm gì hết. Dù có căm ghét Kane đến đâu, tôi cũng không muốn dây vào chuyện ấy trước khi biết chắc là Kennedy sẽ thắng cử. Lúc này hãy cứ để yên đó đã. Nếu Kennedy thất bại, tôi sẽ mua chỗ hai phần trăm của Parfitt rồi tiếp tục với kế hoạch chúng ta đã bàn. Mà anh cũng đừng bận tâm đến Henry làm gì nữa, tôi đã bỏ hắn ra ngoài hồ sơ Kane rồi. Từ nay chở đi, tôi sẽ tự mình giải quyết lấy.

- Tôi phải bận tâm chứ, Abel. Tôi biết ông ta còn đang mắc nợ đến nửa số bọn cá cược ở Chicago, và nếu như bất cứ lúc nào ông ta lại mò đến New York mà ăn xin thì tôi thấy làm lạ.

- Henry sẽ không đến đây nữa đâu. Lần vừa rồi tôi đã nói rõ với ông ta là sẽ không có được một xu một hào của tôi nữa. Nếu ông ta đến đây xin nữa thì sẽ chỉ mất cái ghế trong ban giám đốc và nguồn thu nhập duy nhất của ông ta thôi.

- Như thế thì tôi lại càng lo, - George nói. - Thử hỏi ông ta đích thân đến Kane lấy tiền thì sao?

- Không thể thế được, George. Henry là người duy nhất còn sống còn ghét Kane hơn cả tôi ghét nữa, mà điều đó không phải không có lý do.

- Làm sao anh biết chắc thế được?

- Mẹ của William Kane là vợ thứ hai của Henry,- Abel nói, - và lúc còn trẻ, chỉ mới mười sáu tuổi, William đã đuổi ông ta ra khỏi nhà.

- Trời ơi, làm sao mà anh có được thông tin ấy nhỉ?

- Không có gì về William Kane mà tôi không biết,- Abel nói.- Và cả về Henry nữa. Hoàn toàn không có gì mà tôi không biết được, mà Kane với tôi lại là hai người sinh cùng ngày, còn tôi - thì cũng tin rằng không có gì về tôi mà hắn không biết. Vì vậy lúc này chúng ta phải cẩn thận. Tuy nhiên, anh không có gì phải lo về chuyện Henry có thể ra làm mồi. ông ta sẽ còn phải nói dối nữa trước khi khai thật rằng tên ông ta là Vittorio Togna và cũng đã ngồi tù một lần rồi.

- Trời ơi, Henry có biết là anh biết tất cả những chuyện này không?

- Không, ông ta không biết. Tôi biết từ lâu nhưng vẫn giữ kín. Vì, anh hiểu không, George, tôi luôn luôn tin rằng nếu mình biết rằng một người nào đó có thể đe đọa mình vào lúc nào đó thì tự mình phải hiểu mà giữ lấy một cái tủ. Tôi chưa bao giờ tin ở Henry được, ngay từ cái hồi ông ta làm cho công ty bảo hiểm Great Westeru mà đã gợi ý tôi lừa dối công ty của ông ta để kiếm chác rồi. Còn tôi cũng phải thừa nhận là trong quá khứ của ông ta đã có ích cho tôi khá nhiều. Tôi tin rằng trong tương lai ông ta sẽ không dám gây rắc rối cho tôi nữa đâu, vì nếu không có lương giám đốc nữa thì chỉ qua một đêm là ông ta không còn một xu nào trong tay. Anh cứ việc quên Henry đi, mà lo việc của ta đã. Hạn cuối cùng để hoàn thành khách sạn Nam tước Los Angeles là bao giờ?

- Giữa tháng chín,- George đáp.

- Thế thì tốt. Như vậy là sáu tuần trước bầu cử khi Kennedy khai mạc khách sạn đó, báo chí cả nước sẽ đăng lên trang đầu.