Hẹn Bạn Trên Đỉnh Thành Công

Chương 22




CHƯƠNG PHỤ THÊM: TIỀM THỨC NGƯỜI GIÚP VIỆC “LÝ TƯỞNG”

Giả sử chỉ xin giả sử thôi - bạn là ông chủ đang cần người giúp việc, thì bạn muốn loại người nào? Nếu được tự do lựa chọn bạn muốn người ấy có những đặc tính nào? Có phải một người ngoan ngoãn, lương thiện, chăm chỉ, sẵn sàng vâng lời, thông minh, giỏi giắn vượt bực, hết sức vui tính, lạc quan, tự nguyện phục vụ trong ngoài đến suốt đời không? Nhưng nếu có một người giúp việc như vậy, bạn sẽ cư xử với người ấy thế nào? Câu trả lời cực kỳ quan trọng vì hiệu năng của người giúp việc ấy hoàn toàn tùy thuộc vào lối cư xử của bạn. Nếu bạn lịch thiệp và ân cần, người ấy sẽ làm việc tích cực và bền bỉ. Nếu bạn cộc cằn và lãnh đạm, người ấy sẽ sinh ra lì lợm và ngỗ ngược. Tâng bốc người ấy, khen người ấy linh hoạt tất người ấy sẽ làm việc đâu ra đấy. Còn kêu ca người ấy lười biếng tất người ấy sẽ trở nên ương bướng và phá rối đủ điều. Khen người ấy dễ thương và tỏ ra kính trọng tất người ấy sẽ thức cả đêm để giải quyết vấn đề giúp bạn, hất hủi và bảo rằng mình không ưa người ấy tất người ấy sẽ căm giận đến độ không thèm giúp bạn ngay cả vào ban ngày nữa.

Biết rõ như vậy rồi, giả dụ bây giờ người giúp việc tương lai ấy xuất hiện trước nhà, xin vào làm công bạn có mướn không? Dĩ nhiên là mướn rồi, bạn nhỉ? Nhưng mướn xong, bạn sẽ cư xử với người ấy ra sao? Mọi người đều biết trả lời thế nào rồi, phải không? À, mà chút nữa thì quên mất - Người giúp việc “lý tưởng” này dễ bị những người xung quanh tác động lắm đấy. Nếu ở chung với những người suy nghĩ “tiêu cực” người ấy cũng sẽ hóa thành “tiêu cực”ngay và sẽ không còn vui vẻ cũng như hiệu quả mấy nữa. Ngược lại, nếu được ở chung với những người suy nghĩ, chuyện trò, hành động tích cực, người ấy sẽ đầy sáng kiến tích cực - và vui vẻ phải biết.

Tôi tin chắc bạn đã quyết định để người giúp việc lý tưởng của mình sống với những người tích cực và môi trường tích cực rồi. Tôi cũng tin chắc bạn đang trù liệu để tỏ ra thật ân cần, vui vẻ đồng thời cẩn thận quan tâm đến mọi việc tốt đẹp người ấy đã làm để có thể “khen thưởng” cho người ấy cố gắng hơn nữa. Chắc chắn bạn sẽ suy nghĩ làm việc, tính toán và có lẽ còn phác họa cả một kế hoạch nho nhỏ để đạt hiệu quả tối đa nữa, Bạn sẽ đạt được mọi thứ mà tuyệt chẳng mất mát tí gì khi tỏ ra rất mực ân cần với người giúp việc siêu hạng này cả. Hẳn bạn sẽ xử sự như người khôn ngoan đấy chứ? Hi vọng bạn sẽ trả lời phải - và tôi tin chắc bạn đã “trù tính” để làm y như vậy. Tuy nhiên, rất có thể bạn sẽ lạm dụng và ngược đãi người giúp việc lý tưởng này. Tôi nói thế vì trong hàng triệu cuộc đời khốn khổ và nghèo nàn hiện nay, phần lớn là do người ta đã lạm dụng và ngược đãi người giúp việc lý tưởng là CHÍNH TIỀM THỨC CỦA MÌNH. Người giúp việc lạ thường này hành xử y hệt như người giúp việc lý tưởng mà tôi đã trình bày. Thành thực mà nói thì bạn hiện đang đối xử với người giúp việc quý giá, bảo sao nghe vậy này, là chính tiềm thức mình ra sao? Tùy bạn ra lệnh mà nó sẽ đem cho bạn điều bạn muốn hoặc điều bạn không muốn đấy.

Giờ ta cùng nhau xem xét đến tiềm thức của mình - xem điều gì xảy ra khi ta sử dụng nó - và học xem phải làm gì để biết nó mỗi ngày một trở nên người giúp việc tốt hơn, có hiệu quả hơn. Ba ví dụ sau đây sẽ giúp bạn có một cái nhìn khái quát về người giúp việc bền bỉ và đa năng này.

TIỀM THỨC

Charles Dennis Jones, một người da đen tuy chỉ cao chừng 1,8m thôi, nhưng những người chứng kiến sự cố dưới đây lại cho anh là một người khổng lồ.

Một chiếc xe tải lạc tay lái, lao vào một gốc cây. Đầu xe bẹp dúm còn người tài xế thì nằm sóng sượt dưới mui xe, chân kẹt giữa khớp ly hợp và bàn thắng. Cửa xe dúm dó cả lại. Người ta đã gọi xe cứu nạn và dùng đủ cách để mở cửa xe, lôi người tài xế ra, nhưng vì đụng quá mạnh, cửa xe bẹp dúm hết cả, nên không chịu bung ra. Đã thế cabin lại phựt cháy nữa mới chết chứ! Ai nấy cuống cả lên vì đều biết rõ là người tài xế sẽ chết cháy trước khi xe cứu nạn tới. Mặc dù đã thấy những người cứu nạn tìm mọi cách mở cửa không ra. Charles Dennis Jones vẫn cố thử. Anh ta sát người vào cửa, đẩy thật mạnh. Cánh cửa bắt đầu chuyển rồi từ từ hé ra. Jones cố sức thêm đến nỗi bắp thịt vồng lên rách toạc cả áo. Cuối cùng, cửa xe cũng đành chịu phép bung mạnh ra. Jones chui ngay vào, lấy tay bẻ cong cần ly hợp và cần thắng ra rồi gỡ đùi người tài xế, dùng tay dập lửa kéo người tài xế bị thương lên trên cabin. Sau đó, anh khom lưng đội mui xe lên cho người ta lôi người tài xế ra ngoài. Xong xuôi, anh lặng lẽ và nhanh nhẹn biến mất.

Về sau, tìm thấy anh, người ta hỏi nhờ đâu và làm cách nào anh đã thực hiện được kỳ công đó thì anh giản dị đáp:“Tôi chán ghét mọi hỏa hoạn“. Anh đã có một lý do. Trước đó vài tháng, anh đã phải bó tay đứng nhìn cô con gái nhỏ của mình bị chết cháy. Một thiếu phụ khác cũng đã nâng nổi cả một chiếc xe hơi nặng 1,8 tấn để kéo cậu con trai bị kẹt ra. Khi làm việc đó, bà không suy nghĩ hoặc do dự chi hết. Bà đã có một lý do.

Hẳn bạn cũng từng có những lần đang vô tư lái xe trên đường phố, chợt nẩy ra một ý nghĩ khiến bạn phải la lên: “Đúng rồi, đúng là câu trả lời rồi! Quái lạ, sao mình không nghĩ ra từ trước nhỉ?” Quả thật, bạn vừa nghĩ ra được lời giải đáp cho vấn đề thao thức bấy lâu nay và đã tưởng chừng như đành phải bó tay mất rồi. Lạ một điều là cả Charles Dennis Jones lẫn thiếu phụ ba mươi bảy tuổi và bạn cùng làm y như nhau là đang sử dụng kiến thức, sức bền bỉ và sức mạnh của tiềm thức.

Con người từng nghĩ đến việc tìm hiểu tiềm năng to lớn của tiềm thức đã lâu để có thể sử dụng được nó một cách đều đặn. Nhiều thế kỷ qua, người ta chỉ có thể sử dụng sức mạnh lớn lao này một cách ngẫu nhiên, vô chừng. Cho tới hôm nay, chúng ta cũng mới chỉ hiểu biết đôi chút về sức mạnh kỳ bí hoặc tài tình của cái gọi là tiềm thức này.

Ta hãy khảo sát nó từ cách nhìn của một người bình thường và xem hoạt động ra sao đồng thời liên hệ với ý thức thế nào. Sau đó, tôi sẽ giúp bạn vài bước để có thể hiểu rõ hơn về sức mạnh lớn lao này nơi bạn. Ý thức là bộ phận tính toán, suy nghĩ, lý luận của tâm trí. Nó có khả năng đón nhận hoặc bác bỏ bất cứ điều gì xuất hiện trước mắt. Nói chung, thì bất cứ điều gì ta học được đều qua ý thức cả. Tuy nhiên, nếu muốn làm một điều gì cho thành thạo, bạn phải đưa nó từ ý thức sang tiềm thức.

Tiềm thức có một trí nhớ hoàn hảo. Mọi điều bạn đã thấy, đã nghe, đã ngửi, đã nếm, đã chạm tới hoặc ngay cả nghĩ tới cũng đều trở thành một bộ phận cố định của tiềm thức. Tiềm thức tỉnh thức và đáp ứng suốt 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần và ba trăm sáu mươi lăm ngày một năm. Nó chấp hành mọi mệnh lệnh, không thắc mắc cũng không phân tích hoặc bác bỏ bất cứ thông tin nào. Nó chấp hành một mệnh lệnh hoặc chỉ dẫn và đáp ứng trọn vẹn hệt như một người đánh máy gõ chữ lên giấy. Tiềm thức vừa có khả năng lớn lao vô hạn vừa có thể lưu trữ vô tận mọi thông tin ta cung cấp cho nó.

THÔI MIÊN VÀ TIỀM THỨC LÀ GÌ?

Thôi miên, một việc chủ yếu liên quan tới tiềm thức, vẫn còn kỳ bí đối với đa số chúng ta. Chúng ta thừa nhận hoặc bác bỏ nó tùy theo mức độ hiểu biết, nhưng đa số chúng ta đều không thực sự hiểu được nó.

Thực ra thì ta vẫn tự thôi miên mình từ hết lợi ích này sang lợi ích khác suốt cả đời đấy chứ. Chỉ khổ một điều là phần lớn chúng ta tự thôi miên mình vào những điều mình không muốn mà thôi. Mục tiêu của nhà thôi miên chỉ là giúp bạn thư giãn, tập trung và sử dụng tiềm thức của mình. Thôi miên không phải là một trò để giải trí với bạn bè hoặc bất cứ ai. Dưới tác dụng của thôi miên, không ai dám bảo đảm được là bạn sẽ không làm một điều bất chính hoặc vô luân cả. Do đó, bạn nên hết sức thận trọng và chỉ cho phép một người cao tay ấn thôi miên mình mà thôi. Thôi miên một người tương đối dễ, nhưng đưa được họ ra khỏi tình trạng bị thôi miên mới khó. Nếu một tay thôi miên non tay ấn hoặc không chuyên môn hoảng loạn trong khi thôi miên bạn thì hậu quả có thể hết sức nghiêm trọng. Sức mạnh của sự ám thị sau khi thôi miên thì ai cũng rõ rồi. Một nhà thôi miên tài tử hứa “chữa trị” hoặc “giải quyết” cho bạn những vấn đề cấp thiết như mập phì, hút thuốc, uống rượu, tính dục... và để lại cho bạn những vấn đề còn nghiêm trọng hơn nữa. Tóm lại thôi miên do tay một chuyên gia thì tốt, còn do một tay nghiệp dư thì rất nguy hiểm. Một số nha sĩ và bác sĩ đã sử dụng thôi miên trong những ca phẫu thuật nhẹ rất thành công. Thôi miên hẳn có chỗ đứng của nó thật, nhưng không phải trong phòng giải trí và do một tay nghiệp dư đâu.

THÔI MIÊN ĐỂ ĐƯỢC SỨC MẠNH VÀ LÒNG TIN

Người ta phát cho một sinh viên tờ báo có ba đoạn văn đóng khung lại để anh học thuộc lòng. Anh dốc sức học cho kĩ thuộc rồi đọc lên vanh vách, chỉ sai có vài từ. Nhà tâm lý học mới hỏi đến những phần báo khác xem anh nhớ được bao nhiêu, thì anh ta mỉm cười đáp “Tôi chẳng nhớ tí nào vì mải tập trung vào có ba đoạn để đóng khung thôi“. Nhà tâm lý bèn thôi miên anh và lạ thay, không những anh chỉ thuộc có ba đoạn mà còn cả lô những đoạn khác nữa. Lượng thông tin rút ra từ tờ báo đã cung thẳng vào tiềm thức, với bộ nhớ vô cùng hoàn hảo. Điều này không có gì lạ nếu thị giác của bạn bình thường vì bạn có thể thấy cả những vật bên phải, bên trái cũng rõ như trước mặt vậy. Không thế, bạn sẽ là một đại họa cho xã hội cũng như chính mình mỗi khi lái xe, đi bộ hoặc đạp xe.

Như tôi đã nói, phần lớn người ta tự thôi miên mình vào những hình ảnh tiêu cực và những điều mình không muốn. May thay, bạn không nằm trong “số lớn đó” và với chỉ dẫn này cộng thêm những sách và băng từ có sẳn trên thị trường, bạn sẽ có thể thôi miên vào những điều tốt đẹp, lành mạnh tích cực và mạnh mẽ. Tắt một lời, bạn sẽ tự “thôi miên” để sử dụng sức mạnh, tài năng và thông tin sẵn có nơi mình, nhờ có thể đạt được điều bạn muốn.

Như mọi việc khác, điều này cũng đòi bạn phải cố gắng đáng kể nhưng tôi xin nhắc lại là phần thưởng cuối cùng lớn đến nỗi bạn sẽ phải nhận thực là mình được “hưởng giá” chứ không phải “trả giá đâu“.

BÀN GIẤY TRỐNG TRƠN

Hẳn bạn từng có dịp bước chân vào một văn phòng doanh nghiệp và đã thấy một bàn giấy bề bộn đủ mọi thứ, từ báo cũ đến thông báo khẩn mới nhất, từ bản thống kê thuế năm trước đến những dự thảo ngân sách cho tháng tới. Bạn cũng như chủ nhân của bàn giấy đó hẳn cũng nhận định:

“Quả là lắm việc đây.”

Bạn cũng có thể từ đó suy ra lợi tức của người ngồi sau bàn giấy ấy. Cách chung thì nếu chất đầy giấy má thì chủ nó ắt phải kiếm được ít là 20.000 đô la một năm. Cũng có những tác giả, doanh gia, quản đốc và thầu khoán suy nghĩ và trù tính xa bàn giấy. Hiện nay, một bàn giấy trống trơn không hẳn đồng nghĩa với lợi tức lớn nhưng phần lớn những người kiếm trên 50.000 đô la một năm thường có bàn giấy trống.

Sở dĩ thế vì nhiều khi tính ngồi vào bàn giấy để giải quyết đề án này, nhưng vì mặt bàn bề bộn đủ loại giấy tờ, bạn vô tình cầm lên một đề án khác cần giải quyết gấp hơn nên lại bỏ dở đề án kia. Cứ vậy, thay vì tập trung vào đề án trước mặt, bạn lại tản mạn lung tung, xem xét cả chục đề án - mà thực ra không dứt điểm được đề án nào.

Nay, thôi miên thực sự chính là khả năng qui hướng hoặc tập trung vào một chủ đề đặc biệt, nên xin bạn nhớ cất hết mọi giấy tờ trên bàn đi. Vì không thể giải quyết đôi ba việc một lúc được, do đó bạn hãy đặt từng việc một lên bàn. Làm như vậy, sẽ có ba điều lợi.

Thứ nhất, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn với một bàn giấy trống trải. Thứ hai, không phải bạn chỉ có thể làm công việc cần hơn mà bạn còn làm việc nhanh hơn nhiều. Thứ ba, bạn sẽ dễ tìm thấy giấy tờ cần thiết hơn, nhờ đó tiết kiệm được rất nhiều thì giờ.

Chiều đến, khi rời bàn giấy thì bạn cũng rời ba công việc đã hoàn tất trong ngày đó. Xét về tâm lý, bạn cảm thấy mình đã hoàn tất được một công trình - bạn đã kết thúc được một đề án thay vì rời bỏ một đề án. Hai điều này rất khác nhau. Hôm sau, khi bắt tay vào việc, bạn sẽ cảm thấy mình tiến hành một bước mới chứ không phải lùi lại một việc cũ nữa. Mỗi khi làm xong một việc và xếp hồ sơ lại thay vì đặt lên, đặt xuống hoài, bạn có thể tăng hiệu năng và làm việc tốt hơn. Cảm giác nhẹ nhàng vì đã “thoát nợ” thật khoan khoái, đồng thời biết mình tiến bộ hơn và tốt đẹp hơn cũng thú vị không kém.

SỬ DỤNG TIỀM THỨC

Vì tiềm thức không bao giờ ngủ nên ta có dư thì giờ học hỏi và khích lệ trong khi ý thức ngủ say. Xin đơn cử với bạn một kinh nghiệm đơn sơ của chính bản thân tôi trong việc sử dụng tiềm thức này. Một bé gái trong gia đình tôi mắc chứng đái dầm nên chúng tôi đã nôn nả học hỏi về lối “dạy dỗ trong khi ngủ” và tiềm thức. Chúng tôi quyết định làm một cuộc thử nghiệm. Sau khi cô bé ngủ say, vợ tôi và tôi thay nhau đến bên giường thủ thỉ: “Con là cô gái nhỏ xinh đẹp, ba má thương con lắm, mọi người đều yêu con vì con vui vẻ, xinh xắn, và hạnh phúc. Ba má thương con vì con chỉ ngủ trên chiếc giường khô ráo và ấm áp mà thôi. Con luôn luôn ngủ trên chiếc giường khô ráo và ấm áp. Chỉ khi nào ngủ đầy giấc rồi, con mới dậy đi tiểu thôi!” Chúng tôi cẩn thận tránh bảo bé: “con đừng làm ướt chiếu!” Bạn không được nhồi nhét bất cứ điều tiêu cực nào trong mọi hoàn cảnh như vậy. Luôn luôn nói những điều tích cực. Ban ngày, khi cô bé lắng nghe, chúng tôi lại nhắc lại những điều đó. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng bảo bé là chúng tôi rất hài lòng và sung sướng khi thấy bé mỗi ngày mỗi ra dáng hơn. Bé là niềm tự hào của chúng tôi… Những lời tích cực được nghe với ý thức này củng cố thêm cho những lời đã đi trực tiếp vào tiềm thức bé. Kết quả thật bất ngờ. Chỉ trong mười ngày, cô bé đã ngưng đái dầm và suốt những năm thơ ấu còn lại, cô chỉ “mắc nạn” một, hai lần mà thôi.

NHỮNG BƯỚC ĐI DỄ DÀNG

Việc sử dụng tiềm thức hữu ý là một điều lý thú trong tầm tay bạn và đem lại lợi ích vô hạn. Có sáu bước hoặc sáu điều kiện tiên quyết để sử dụng tiềm thức mỗi ngày.

Thứ nhất, bạn nên biết là mọi thứ bạn đã từng thấy, từng nghe, từng ngửi, từng nếm, từng chạm đến hoặc nghĩ đến đều trở nên một phần cố định của bạn. Nó giống như phần mềm trong máy điện toán, được lưu trữ lại để cho bạn đem ra sử dụng. Máy điện toán này có thể lấy ra từng dự kiện riêng lẻ cách nhau nhiều năm trời để nối kết lại một cách kỳ diệu. Bạn có thể có những lối giải quyết và lời giải đáp khiến bạn phải sững sờ, đặt biệt là khi nó xảy đến lần đầu tiên.

Thứ hai, bạn nên biết là tiềm thức đáp ứng trước kích thích chứ không phải trước áp lực. Bạn không thể “đòi hỏi” một câu trả lời vào một thời điểm đặc biệt được. Bạn có thể kích thích tiềm thức hoạt động mạnh hơn bằng cách nghe băng giáo dục và khích lệ. Khi chất liệu lọt vào tiềm thức càng mạnh và càng thích thú thì lại càng dễ sử dụng.

Thứ ba, nên nhớ là bạn có thể đánh lừa hoặc làm lạc hướng tiềm thức. Bạn nạp cho nó những ý tưởng và thông tin sai tất nó sẽ trả lời sai. Chính vì vậy mà phải hết sức thận trọng khi chọn sách và đọc sách, chọn bạn cũng như chọn xem phim ảnh. Nếu thu vào chất liệu tiêu cực tất cũng sẽ phát ra tiêu cực, điều mà giới điện toán gọi tắt là “GI - GO“. Rác vào Rác ra. (Garbage in... Garbage out). Ta thường mắc phải những vấn đề mà ta quan sát hằng ngày. Bạn có biết là gần 2/3 sinh viên y khoa mắc phải những triệu chứng của căn bệnh họ đang học hỏi không? Đây là điều mà khoa tâm lý gọi là “đồng cảm“.

Thứ bốn, “đừng đem những vấn đề của bạn lên giường ngủ” là lời khuyên sai lầm vì giường ngủ là nơi giúp bạn giải quyết được rất nhiều khó khăn. Khi lên giường vào ban đêm, bạn hãy thư giãn và nằm thật yên. Rồi vừa nhớ lại những thành quả, vừa gạt bỏ mọi thất bại trong ngày. Khi bạn nằm đó, thật lặng lẽ thì chính sự lặng lẽ ấy phát sinh sức mạnh. Khi nằm như vậy, bạn hãy lắng nghe và ngẫm nghĩ đến tất cả những niềm may mắn đã được. Một niềm tin tưởng sâu lắng sẽ ngự trị trong bạn khi bạn nghe thấy những từ và tìm thấy sức mạnh sẽ có thể giúp bạn được thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Tiến trình này cũng có thể giúp bạn ngủ thật ngon. Bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn an tâm. Chủ nghĩa tiêu cực không còn nữa nên óc sáng tạo hoặc tiềm thức của bạn được “giải thoát khỏi” ách nặng của nó và như, Tiến sĩ Schuller nói, sự lặng lẽ sản sinh tính sáng tạo.

Thứ năm, trước bất cứ câu hỏi nào cũng luôn mong đợi những lợi ích và những lời đáp tích cực. Bạn hãy nhớ luôn, những điều tốt bao giờ cũng xảy đến cho người mong đợi điều tốt. Sau khi thu nạp vào tiềm thức mình những ý nghĩ tốt đẹp, mạnh mẽ rồi, bạn hãy nhắc nhủ nó rằng: “Ta biết mi có đủ mọi giải đáp và biết mi sẽ cung cấp cho ta khi mi muốn, vì thế ta hoàn toàn an tâm nhẫn nại đợi chờ“.

Thứ sáu, bạn nên để sẵn viết, giấy hoặc máy ghi âm bên giường. Lắm khi tiềm thức hoạt động nhanh và hiệu quả đến độ bạn sẽ thức dậy giữa khuya với ý nghĩ và lời giải đáp kỳ diệu cho vấn đề đang băn khoăn. Dù khi đó có tỉnh táo đến mấy đi nữa thì đến sáng hôm sau, bạn cũng khó mà nhớ hết được ý nghĩ và lời giải đáp. Nhờ ghi được vào băng rồi, bạn sẽ an tâm ngủ lại vì biết chắc khi thức giấc, đã có sẵn lời giải đáp cho vấn đề của mình. Vì vậy mà BẮT BUỘC bạn phải để sẵn bút giấy hoặc máy ghi âm cạnh giường mình. Cuối cùng, mỗi lần như vậy, bạn phải thức dậy ngay, đừng chần chừ kẻo lỡ mất cơ hội. Tiện thể, nếu bạn từng cảm thấy khó ngủ lại được, bạn hãy lặng lẽ và an tâm nhắm mắt lại, nhủ thầm: “Cám ơn, cám ơn, cám ơn sức khỏe, của cải, hạnh phúc và bình an” và cứ thế lặp đi lặp lại. Nếu tuân thủ những bước này, bạn sẽ phải ngạc nhiên khi thấy mình có được những lời giải đáp mau như vậy. Việc này còn thêm ý nghĩa ở chỗ nhờ thành công, niềm tự tin của bạn sẽ mạnh thêm, mà bạn càng tự tin bạn lại càng thành công...