Hẹn Ước Nơi Thiên Đường

Chương 24




Lúc ấy Lâm Tinh ngồi bên bể bơi nóng ruột chờ đợi, ông Thiên đang nói chuyện trong thư phòng. Câu chuyện kết thúc, Ngô Hiểu thay mặt người vợ mới cưới bảo đảm: “Bố, bố yên tâm, nếu cần thiết cô ấy sẽ làm chứng, chắc chắn cô ấy sẽ đồng ý.” Ông Thiên phấn khởi vì lời bảo đảm. Ngô Hiểu cũng phấn khởi vì cuộc hôn nhân của anh đã được gia đình thừa nhận và tiếp nhận. Cũng là lần đầu tiên ông Thiên và con cùng cô gái được con trai chọn lựa, ngồi bên bàn ăn, ăn bữa tối gia đình. Ông dùng trà thay rượu, nói lời chúc mừng của người cha đối với tương lai của hai người. Về chuyện ông mong Lâm Tinh làm chứng, ông không nói trong buổi tối hôm nay.

Ông chúc mừng rất nhiệt tình, nhất là mấy câu nói nhắc đến bố mẹ Lâm Tinh, khiến cô vô cùng xúc động. Khoảnh khắc ấy tưởng chừng ông quên mất động cơ ban đầu để ông từ bỏ cái cố chấp của mình, nhanh chóng đồng ý với cuộc hôn nhân này. Bên bàn ăn có một cô gái, cuối cùng đã có được không khí gia đình. Ông nghĩ, mong rằng cô gái này có thể đem đến sự bình yên và hạnh phúc cho Ngô Hiểu, bao gồm cả ông trong đó.

Sau bữa ăn, tiễn vợ chồng Ngô Hiểu rồi ông lên lầu. Ông Tường và ông Công vẫn đang sốt ruột chờ, nhưng họ trông thấy vẻ mặt ông Thiên rất yên ổn. Thấy ông Công, ông mới nhớ phải trách ông này: “Anh xử lý cái xác chẳng cẩn thận chút nào, sai hết việc này đến việc khác, cuối cùng làm hỏng mọi việc!” Ông Công cúi đầu lau mồ hôi. Ông Tường khuyên: “Thôi anh ạ, vừa rồi tôi đã trách anh ấy rồi. Bây giờ phải bàn chuyện mà chúng ta đang đối mặt.” Ông Thiên nói: “Vấn đề không phải đã hết thuốc chữa. Bên công an nhận định cô Hân chết lúc chín giờ bốn mươi lăm phút, chúng ta phải tìm cách chứng minh trước đó họ đã ra về. Lúc này có một người làm chứng, có thể chứng minh tối hôm ấy chúng ta giải tán lúc nào. Tôi đã tìm được người làm chứng đó rồi.”

Ông Tường và ông Công đồng thanh: “Ai?”

Ông Thiên trả lời: “Cô Lâm Tinh.”

Ông Công nghi ngờ: “Cô ta? Cô ta? Cô ta không phải là người thuần tính, với lại cũng không giống như cô Aly, cô Hân có thể mua được bằng tiền.”

Ông Thiên nhìn vẻ mặt hoài nghi của hai người kia, nói: “Bây giờ cô ấy đã là con dâu của tôi rồi.”

Ông Tường, ông Công đều bất ngờ: “Cưới chưa? Lấy cậu Hiểu à?” Tất nhiên hai người không khổ tâm và không biết phải làm gì hơn như ông Thiên. Vào lúc này, đối với họ quả là một tin vui.

Ông Thiên lạnh lùng gật đầu: “Ừ, hai người kết hôn cách đây vài hôm.”

Ông Công với vẻ thích thú: “Thế thì tốt rồi.”

Ông Tường bình tĩnh hơn: “Anh với cô ấy bàn chuyện này rồi à? Cô ấy đồng ý làm chứng cho chúng ta không?”

Ông Thiên nói: “Tôi nói với cô ấy hôm qua, hôm nay tôi không nói gì thêm. Tiếp theo, để Hiểu nói chuyện với vợ. Chờ xem Hiểu nói thế nào, tôi sẽ tìm cô ấy để nói chuyện một lần nữa. Thật ra, bảo cô ấy chứng minh cũng đơn giản. Hôm ấy rất muộn cô ấy đến ngồi chừng mười lăm phút, bảo cô ấy nói ngồi nửa tiếng là đủ. Chẳng phải là chuyện khó khăn gì cho cô ấy.”

Ông Công rất yên tâm: “Vậy, cô ấy đã là con dâu. Nếu không vì anh Thiên cũng vì cậu Hiểu, mà cũng vì chính cô ấy.”

Ông Tường không quen biết Lâm Tinh như ông Công, cho nên không yên tâm lắm: “Nghe nói cô ấy tốt nghiệp đại học, lại là một phóng viên, người làm công tác khoa học xã hội làm cái việc này... Nói thế nào nhỉ, làm cái việc ngụy chứng, liệu có trở ngại tâm lý không?”

Điều ông Tường lo lắng không phải không có cơ sở. Ông Thiên không thể không vì ông ta, cũng là vì mình, làm một cuộc phân tích, suy luận: “Tôi không nói cô ta làm chứng giả, nói như vậy sẽ tạo nên sức ép lớn về mặt luật pháp và lương tâm con người. Tôi chỉ nói lúc ấy tôi đang nghỉ ngơi, mọi người đã giải tán. Đấy là sự thật, nhưng trừ chúng ta ra, không còn ai làm chứng. Cô ấy đến vào lúc ấy, chỉ cần cô ấy nói đã ở đây trong bao lâu cũng đủ làm chứng rồi. Với lại, anh Tường, phương thức hành vi thực tế của người Trung Quốc chúng ta, anh đọc sách Tây nhiều nhưng không hiểu bằng anh Công. Người Trung Quốc đều lấy bản thân làm trung tâm. Quan hệ với người khác giống như nhảy xuống nước, mặt nước sẽ tạo nên những vòng sóng vây quanh bản thân. Vòng sóng từ xa đến gần để phân chia thân sơ, đấy chính là cái nhân luận đạo đức truyền thống của người Trung Quốc. Vòng sóng càng gần, càng có liên quan đến hơi thở của bản thân, càng xa càng không liên quan, điểm trung tâm tức là bản thân. Hôm ấy tôi cũng đã nói với ông Lương. Người Trung Quốc tự cổ chí kim vì mình bất chấp gia đình, vì gia đình bất chấp đoàn thể, vì đoàn thể bất chấp xã hội, bất chấp quốc gia, bất chấp thiên hạ, chỉ là chuyện bình thường.” Ông Tường và ông Công đều im lặng, không phải vì tâm phục khẩu phục, ít ra cũng không còn lời nào phản bác. Ông Thiên nói: “Thôi, các anh về sớm đi. Bắt đầu từ lúc này chúng ta nếu không có việc gì thì không nên tụ tập, phải tránh mọi sự nghi ngờ. Có việc gì cần gặp nhau thì gọi điện thoại di động gặp nhau ở đâu đó. Anh Công, điện thoại di động của anh phải mở thường xuyên đấy nhé.”

Ông Công vỗ vỗ vào cái cặp để điện thoại, nói: “Lúc nào em cũng mở máy.”

Chừng như vì tiếng vỗ bồm bộp của ông, cái điện thoại di động trong cặp bỗng đổ chuông. Ông Công cười cười: “Anh thấy đấy!” Ông ta lấy máy ra: “Ai đấy?”

Người gọi đến vừa nói được một câu, nụ cười trên khuôn mặt ông Công bỗng tắt lịm.

Ông Thiên và ông Tường cùng chú ý vẻ mặt ông Công. Ông ta đưa tay lên che điện thoại, ánh mắt sợ hãi, nói với hai người:

“Vẫn là hắn, hắn lại đến!”

Cả ba người cùng hiểu, người lại đến này là kẻ tống tiền mà họ cho rằng sẽ không đến quấy rầy nữa.

Lần này thì ông Thiên trực tiếp nghe máy, đối phưong vẫn cười cười khách khí: “Thưa ông Chủ tịch, lần trước tôi chưa gặp ông để cảm ơn, lần này tôi xin bổ sung.”

Ông Thiên nói: “Tôi đã thỏa mãn yêu cầu của anh rồi cơ mà. Anh cũng nên giữ chữ tín, tại sao còn gọi điện đến?”

Đối phương nói: “Tiền lần trước tôi chữa bệnh cho cô Hân đã hết. Tôi xin nói với ông, cô Hân thật bất hạnh, cô ấy chết rồi. Ông nên bỏ ra một khoản lo tang lễ cho cô ta.”

Ông Thiên không còn biết nói thế nào. Ông biết nói lý với bọn người này cũng hoài công vô ích. Ông ngồi lặng đi, hồi lâu sau mới nói: “Anh đòi bao nhiêu nữa?”

Đối phương cười: “Chúng ta không thể theo tiêu chuẩn tang lễ của Nhà nước quy định. Thế này nhé, ông chuẩn bị cho tôi năm triệu, trọn gói, từ nay về sau coi như thôi.”

Ông Thiên biết mình đã rơi vào trận giác đấu với bọn vô lại trong xã hội, buộc phải mặc cả, ông đành buông lời đe dọa:

“Này ông anh, ông anh có hiểu cái lý biết dừng lại đúng lúc không. Hãy cẩn thận, nếu lòng dạ tham lam đen tối quá mức, sẽ phải trả giá đấy.”

Ông biết lòng dạ đối phương vô cùng đen tối. Chúng không phải là trẻ con hễ nghe dọa là nhũn như con chi chi. “Ốm có tiền ốm, chết có giá của chết, tôi công bằng lắm. Tôi chỉ có thể ngồi tù có thời hạn, nhưng làm chết người có tội chết, bỏ ra năm triệu đổi lấy mạng sống, ông sợ bị thiệt à?”

Sắc mặt ông Thiên tái nhợt, nói: “Ba triệu không bịt nổi cái miệng anh, chúng tôi không thể tin nổi. Anh muốn thế nào thì cứ làm.”

Đối phương giảm cơn tức giận, nói: “Tôi bảo đảm đây là lần cuối. Chả phải cô Hân chết rồi hay sao, chết là hết chuyện.”

Ông Thiên nói: “Này, chúng ta gặp nhau nói chuyện có được không. Gặp nhau bàn bạc, thương lượng gì cũng được.”

Đối phương cười như hiểu lòng nhau: “Chuẩn bị sẵn tiền, ngày mai tôi sẽ gọi điện lại.”

Trong máy không còn tiếng nói, chờ hồi lâu ông Thiên mới biết đối phương đã cúp máy. Ông từ từ đóng máy, nhìn ông Tường, lại nhìn ông Công, ba người không biết nói gì.

Trầm mặc hồi lâu, nhưng rồi ông Tường lên tiếng trước: “Cái thằng này, không còn cách nào nói chuyện với hắn, không thể tin nổi. Hôm qua cho ba triệu, hôm nay đòi thêm năm triệu. Cho năm triệu, ngày kia sẽ đòi mười triệu.”

Ông Công phụ họa: “Anh Tường nói đúng lắm.”

Ông Thiên chậm rãi ngồi xuống, miệng ngậm điếu thuốc quên châm lửa. Ông Công bật lửa, nhưng ông lấy điếu thuốc xuống, nói: “Anh Công, ngày mai anh lấy nốt năm triệu ra cho tôi.”

Ông Tường tỏ ra lo lắng sợ hãi: “Anh Thiên, không thể làm thế.”

Với sự quyết đoán không thể nghi ngờ và quyền uy không thể phủ nhận, ông Thiên nói: “Hắn hết lần này đến lần khác đòi tiền là bởi chúng ta chưa gặp mặt hắn, hắn chưa lộ mặt nên dám tố chúng ta. Lúc này chúng ta phải nắm lấy cơ hội, phải gặp mặt hắn, phải biết hắn là ai. Nếu không, chúng ta mãi mãi bị hắn khống chế, sau này sẽ đòi cả Tập đoàn Trường Thiên, chúng ta cũng phải cho.”

Ông Tường không nói gì, ông Thiên quay sang nhìn ông Công, nói: “Anh Công, anh làm việc với tôi hơn hai chục năm nay rồi nhỉ? Hai chục năm anh lập rất nhiều công trạng. Bây giờ tôi là người già nhất trong ba chúng ta, số phận buộc chặt vào cậu con trai. Vừa rồi tôi nói, văn hóa truyền thống của Trung Quốc là nhân luận. Về cơ bản có năm điều. ngoài quân thần, phụ tử, phu thê, huynh đệ, còn một nữa là bạn bè. Người Trung Quốc chúng ta có nhiều việc trên không nói với cha mẹ, dưới không nói với vợ con, chỉ nói với bạn bè, cho nên mình chỉ nên biết mình. Anh Công, tôi với anh cùng anh Tường, chúng ta hai chục năm nay là bạn hiểu lòng nhau. Tôi rất khâm phục nghĩa khí của anh, vì bạn mà hai bên mang sườn hai con dao. Tôi, Ngô Trường Thiên có ý chí, anh Tường có mưu, mọi chuyện xông pha trận mạc có anh Công.”

Vành mắt ông Công đỏ hoe, giọng nói khàn khàn: “Anh Thiên, em chỉ là nhân vật nhỏ không đủ tư cách làm bạn với anh. Em với anh không phải là bạn, mà là quân thần, vua tôi. Có thể em không hiểu những chuyện khác, nhưng cái đạo vua tôi ở Trung Quốc là, vua bắt tôi chết, tôi phải chết!”

Ông Thiên vô cùng cảm động. Ông nghĩ, anh này ở Trường Thiên hai mươi năm, những chuyện khác không nói làm gì, tình cảm với cấp dưới, uy tín với cấp dưới cũng có thể nói rất tốt. Ông biết, từ lâu rồi ông Công nói với mọi người: đời tôi gắn kết với ông Thiên, ông ấy bảo tôi phạm sai lầm, tôi cũng sẵn sàng. Ông Thiên nghe chỉ cười, nói, tôi làm sao bảo anh phạm sai lầm được. Có nhiều chuyện, có nhiều lời nói, tất cả hiện lên, giống như lời dự báo cho hiện tại và tương lai. Tháng Bảy năm 1999, đang giữa ngày hè nóng bức, bao trùm biết bao nhiêu dự báo xấu.

So với ông Công, ông Tường suy tính công chuyện thực tế hơn, cụ thể hơn. Ông phá vỡ cuộc đối thoại tình cảm dai dẳng giữa ông Thiên và ông Công: “Anh Thiên, không còn nhiều thời gian, cuối cùng làm thế nào để lôi cái thằng kia ra, làm thế nào để hắn lộ mặt, phải có biện pháp cụ thể.”

Ông Thiên mặt không biểu cảm, nhìn ông Tường, nói: “Lưỡi câu năm triệu, sợ không câu nổi con cá ươn à?”

Ông Thiên nói rất kiên quyết, thậm chí câu nói có phần hung dữ ít thấy ở ông. Câu nói cũng trở thành lời than thở kinh ngạc cuối cùng của buổi bàn mưu tính kế tối nay.

Đã muộn lắm rồi, họ kết thúc buổi mật đàm. Không để người giúp việc trông thấy, ông Tường và ông Công lặng lẽ rút khỏi biệt thự Kinh Tây bằng lối cửa sau. Ông Thiên cũng không xuống tiễn. Lúc họ đi thì trời mưa, con phố nhỏ ở cổng sau vắng vẻ. Ông Thiên tắt đèn trong phòng ngủ, một mình lặng lẽ ngồi ở sofa. Tòa biệt thự chìm trong yên tĩnh, giống như một ngôi nhà hoang. Chỉ có tiếng mưa lúc mờ lúc tỏ bên cửa sổ. Sau đấy ông cũng nghe thấy tiếng sấm từng làm cho Ngô Hiểu và Lâm Tinh giật mình.