Họ Đã Tu Tiên Như Thế Đó

Chương 121: Thuyết Bất Đắc




Ngỡ ngàng qua đi, mặt nạ gỗ mặc kệ lời mời của vị thiền sư mà vội tra hỏi:

- Đại sư là ai? Vì sao lại có mảnh thần hồn của tại hạ?

Đôi mắt của vị thiền sư thoáng qua một chút tiếc thương, đạm bạc trả lời:

- Bần tăng chỉ là một người qua đường, vô tình nhặt được vật nên hoàn nguyên chủ mà thôi.

Biết mình không có duyên độ A Nhất, thân ảnh của lão dần trở nên mờ ảo. Việc cần làm đã làm xong, lão muốn rời đi, chỉ để lại lời khuyên:

- Tất cả hữu vi là vô thường, đừng chấp mê bất ngộ nữa.

Bao nhiêu năm lăn lộn trong điển tịch, A Nhất chán ghét nhất là những dòng mông lung không rõ nghĩa.

Hắn vươn tay nắm lấy vai của vị thiền sư.

Hình bóng tựa sương khói vậy mà lại rõ ràng hơn.

Vị thiền sư ngẩn đầu nhìn A Nhất, vẻ đạm bạc trong đôi mắt đã được thay thế bằng vẻ ngạc nhiên bàng hoàng.

Người này có thể giữ được lão.

Nhân Hoàng ghì chặt tay, lên tiếng hỏi:

- Đại sư nói vậy có ý gì?

Vị thiền sư nhíu mày nhìn mặt nạ gỗ, từng đường vân đang tỏa ra ánh sáng bàng bạc của niệm lực.

Lão nhắm mắt, thở dài.

- Những thứ vô thường hãy để cho nó được vô thường. Đừng say đắm trong đó, cũng đừng cố chối bỏ nó.

A Nhất vẫn không hiểu, càng nghe thì càng như chìm vào mây mù. Hắn càng siết chặt vai áo của lão hoà thượng, để sát chiếc mặt bạ vào gương mặt lão, giọng nói âm trầm được tạo thành từ niệm lực phát ra từ mặt nạ gỗ:

- Lão đầu! Nếu còn không biết điều, đừng trách ta ra tay độc ác.

Đương nhiên đó chỉ là những lời đe dọa hắn học được từ bọn buôn nô lệ mà thôi. A Nhất không hề có ý hại người.

- Lúc này mình đang đứng ở thế cao, hẳn sẽ có hiệu quả…

Vị thiền sư mặt mày sa sầm lại:

- Xong rồi! Nhân quả cứ như vậy mà kết.

Vài người trong đại sảnh thấy chuyện bất bình muốn ra tay tương trợ nhưng không khí bên trong sảnh tựa như khuôn sắt, đóng kín, giam giữ thân thể của họ.

Nhân quả đã kết, có muốn gỡ bỏ cũng khó. Giờ lão chỉ có thể hi vọng Nhân hoàng đừng cuốn lão vào những chuyện điên rồ.

Cổ ngữ vang vọng bên tai A Nhất:

- Vũ trụ vô thường, có sinh có diệt. Đừng cố ngăn cản Kiếp Hoại. Chúng sanh vô thường, có sinh có diệt. Đừng cố ngăn cản tử vong.

A Nhất tuy không truy cầu trường tồn nhưng vẫn không cảm thấy việc đó có gì là xấu.

- Cố bấu víu lấy thứ mình thích có gì sai cơ chứ?

Tay hắn vẫn nắm chặt lấy vai của thiền sư, muốn thể hiện cố chấp của hắn.

Bởi lời nói của A Nhất có mầm mống của ma đạo thế nên lão thiền sư lựa chọn lời nói thật kỹ lưỡng:

- Chúng sanh bị dục vọng che mắt đều nghĩ vậy. Thế nhưng tất cả mọi thứ đều phải kết thúc để những thứ mới được sinh ra. Kiếp này không bị diệt kiếp sau làm sao có thể thành hình? Thí chủ không cảm thấy việc này rất ích kỷ hay sao?

Hai chữ ích kỷ làm A Nhất nghẹt thở. Hắn tranh đấu bao lâu nay để sinh tồn là ích kỷ sao? Hắn luôn mong điều tốt đẹp hơn cho những người xung quanh là ích kỷ sao?

Vị thiền sư tiếp tục lên tiếng, giảng giải:

- Vì không thấy rõ sợi dây nhân quả, những người cố gắng chống lại diệt vong nhiều lúc lại càng khiến nó đến nhanh hơn. Những người cố thúc đẩy diệt vong đôi khi lại làm trễ nãi nó.

A Nhất nhìn lớp lớp oán hồn hiện hữu bên mình, hai chữ nhân quả khiến hắn bật cười ha hả, tự nhạo cũng có, nhạo người cũng có. Hắn đã không còn vô tri như xưa nữa.

Bao năm học tập cổ ngữ, hắn hiểu ý tứ của lão thiền sư, muốn hắn không luyến tiếc quá khứ, không vọng tưởng tương lai, không bất mãn hiện tại. Nhìn tất cả bằng ánh mắt hồn nhiên.

Mặt nạ gỗ nói năng tựa tâm ma:

- Vậy đại sư mãi lần tràng hạt là đang truy cầu điều gì?

Vị thiền sư không đôi co với A Nhất nữa. Ngôn ngữ khó giãi bày chân lý, chỉ có chân lý tự thuyết minh cho chính mình mà thôi. Đã vô duyên dù có nhiều lời nữa thì cũng chỉ là nước đổ lá khoai.

Lão than vãn cho một Nhân Hoàng chấp mê bất ngộ:

- Còn mê muội thì đâu cũng là khổ, ngộ rồi thì đâu cũng là an lạc. Núi vẫn là núi, biển vẫn là biển.

Lời cần nói đều đã nói, niệm lực của hắn không thể giữ lão lại được nữa. Vị thiền sư biến mất, chỉ để lại mấy lời sau cùng quanh quẩn bên tai A Nhất.

- Núi vẫn là núi, biển vẫn là biển.

...

Phàm nhân xung quanh tuy không hiểu cổ ngữ, những lời đó cũng không trực tiếp nói cho họ nhưng thần hồn của cả đám người vẫn bị những ý tứ ẩn trong đó làm cho choáng váng.

Giữa dòng thời gian tưởng chừng như đã dừng lại trong đại sảnh, A Nhất lững thững rời đi, trở lại về giang phòng riêng của mình. Tuy lấy lại được một mảnh thần hồn thế nhưng hắn lại không có chút nào vui vẻ.

A Nhất sờ cỗ quan tài nằm giữa phòng, lặp lại câu hỏi của hắn với vị thiền sư:

- Sư tôn! Người truy cầu điều gì?

Rồi lại hỏi đám oán hồn đang làm trò ở xung quanh.

- Còn các người, các người truy cầu điều gì?

Quan tài không thể thay Tịch Diệt đạo tổ trả lời, đám oan hồn chỉ là mộng mị cũng không thể trả lời.

Thấy dáng vẻ như kẻ say của A Nhất, Kim Mạc vội hỏi:

- Sư thúc! Người làm sao vậy?

Vừa rồi thần thức của hắn cũng có dõi theo cuộc trò chuyện kia, cũng bị niệm lực của hai người làm cho choáng ngợp.

A Nhất hỏi:

- Kim Mạc! Sư điệt truy cầu điều gì?

Kim Mạc đến dìu A Nhất ngồi xuống giường. Mái tóc che kín mặt nhưng đôi mắt sắc bén như mũi thương kia chưa bao giờ lạc lối.

- Đệ tử truy cầu vĩnh sinh bất diệt.

Yên lặng ngập tràn căn phòng nhỏ. Kim Mạc nhìn vị sư thúc luôn bình dị lúc này lại như một mớ chỉ rối hỗn độn.

Hắn bèn thử cố gỡ một sợi:

- Vậy sư thúc, người truy cầu điều gì?

Bất ngờ, A Nhất liền chụp lấy vai của hắn.

- Ta không dám truy cầu! Ta thật sự không dám!

Mặt nạ gỗ cười khằng khặc như kẻ điên, rồi ngã nằm xuống đất.

Ý thức của A Nhất đã quá mệt mỏi rồi, không muốn điều khiển thân thể nữa, chỉ lơ lửng bên trên biển máu đầy xác chết.

Là ai bắt hắn cứ phải đau đớn cầu sinh?