Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1575: Nước ấm nấu ếch




Bà cụ Tống Hiền hoàn toàn không muốn kéo dài như vậy.

Nhưng người lái xe không phải bà ấy, mà bà ấy không thể bác bỏ ý kiến của anh em Lưu Chí Quốc được.

Và quan trọng là lần này tôi và Quách Ngọc Khiết cũng không ủng hộ.

“Người ta sắp hết giờ làm việc rồi. Đưa mẹ đi một chuyến đã là quá đủ rồi.” Lưu Chí Quốc nói.

Từ đầu đến cuối, ông ta có phần khách sáo thái quá với chúng tôi, chứ không còn thái độ chống đối như lúc mới gặp lần đầu.

Tôi cũng biết được nguyên nhân đại khái.

Chủ nhiệm Mao cho cho chúng tôi biết, trong thôn Sáu Công Nông có một vài lời đồn. Một mặt là do một năm trở lại đây, thôn Sáu Công Nông liên tục xảy ra chuyện, còn là những chuyện cực kì quái dị, làm người ta sống dậy những kí ức về Diệp Thanh và cũng tạo ra áp lực tâm lý nhất định cho thế hệ trung niên và giới trẻ. Một mặt khác, là do lời đồn truyền tới lan lui, đã phát sinh dị bản. Trong những dị bản ấy, thì Phòng Di dời đã biến thành đạo sĩ biết phép thuật. Còn có thêm dị bản “khoa học” nữa, bảo rằng chính quyền mời thầy phong thủy đến làm pháp sự, đuổi hết người ở thôn Sáu Công Nông đi, nếu không chịu đi thì mấy gia đình nhà nát mạng vọng kia, chính là tấm gương trước mắt.

Cho dù người ta có tin hay không, nhưng chung quy thì họ đã thay đổi thái độ. Điều này là do tâm lý của họ đã bị ảnh hưởng. Không còn xem chúng tôi là những nhân viên công tác muốn đối đãi thế nào cũng được, không còn thấy có ưu thế tâm lý trước chúng tôi, cảm thấy có quyền thoải mái quát nạt chúng tôi, không vui một cái là tố cáo, để chúng tôi phải cong đuôi chạy vòng vòng.

Tình huống như thế đã mang đến rất nhiều thuận lợi cho công việc của chúng tôi.

Lưu Chí Quốc rất khách sáo với tôi và Quách Ngọc Khiết, còn với bà cụ Tống Hiền thì tuy có cằn nhằn quát tháo, nhưng vẫn không thể ép bà ấy ra về được. Ông ta bèn nhìn qua chúng tôi, hy vọng chúng tôi nói giúp cho vài câu.

Tôi cũng đồng ý với cách làm của Lưu Chí Quốc, không phải vì sắp hết giờ làm, mà là bên chỗ Ngô Linh cần thêm thời gian để điều tra.

Tôi và Quách Ngọc Khiết thay nhau thuyết phục, nhưng bà cụ vẫn nhất quyết không chịu, còn tỏ thái độ muốn vứt chúng tôi qua một bên, tự mình mình đi.

Bà ấy đứng giữa thôn Sáu Công Nông giận dỗi.

Chủ nhiệm Mao cũng vì nghe tiếng quát tháo của bà ấy mà chạy ra.

Trong khu dân cư bây giờ vẫn còn những nhân viên Cục nhà đất trước đây, đã có người từ trong những ngôi nhà thuộc diện có nguy cơ sụp đổ chạy ra hóng chuyện.

Người vừa đông thì thái độ của bà cụ Tống Hiền càng cứng rắn hơn.

Nhưng khi được nghe rõ ngọn ngành sự tình, thì những người vây quanh ai nấy cũng xúm lại khuyên can bà.

Cứ thế gần cả tiếng đồng hồ, bà cụ Tống Hiền xem ra đã mệt, nên mới chịu im.

Lôi kéo mấy trận, mà hai anh em Lưu Chí Quốc vẫn chưa thể mang bà cụ đi được, đành đưa bà cụ lên trên nhà cũ.

“Tối nay tôi sẽ ở lại đây, ngày mai mấy người không đến thì tôi tự đi. Tôi phải ở bên cạnh cha mẹ tôi.” Bà cụ Tống Hiền nói với dáng vẻ sắp khóc đến nơi, thực sự rất tội nghiệp.

Thấy bà cụ đã bỏ ý định tự mình đi xa như vậy, những người xung quanh cũng đổi sang giọng khác.

Hai anh em Lưu Chí Quốc và Lưu Chí Quân cũng đã bị hành đến mệt lả, sau khi bàn bạc thì quyết định tối nay sẽ ở lại đây cùng với bà cụ Tống Hiền.

Tòa lầu có nhà của họ không rơi vào diện nguy cơ, có điều các hộ dân trong ấy đều đã dọn đi hết. Dẫu đồ đạc chưa được dọn đi, thì cũng không chịu ở đó nữa.

Nguyên một tòa lâu mà chỉ hiu hắt ba mẹ con, cảnh tượng nhìn cũng hơi thảm.

Họ dọn dẹp lại nhà cửa, chỉ ở tạm đó được một buổi tối thôi, vì chăn đệm cũng không đủ dùng.

Hai bên đã thống nhất được ý kiến và cũng chỉ thống nhất đến mức độ này, chứ mẹ con không thể nhượng bộ thêm bước nào nữa.

Cứ thể, việc này có thể miễn cưỡng xem như đã tạm yên.

Tôi không theo họ lên nhà cũ, mà cùng Quách Ngọc Khiết quay lại ủy ban khu dân cư.

Bên Ngô Linh đã gửi tin nhắn trả lời, họ đã điều tra rõ ràng, khu công xưởng đó chưa bao giờ được dùng làm nghĩa trang. Ở Dân Khánh cũng không có nghĩa trang nào tên Vạn Thọ. Trong toàn quốc, nghĩa trang có tên như thế thì lại khó có thể có liên quan đến bà cụ Tống Hiền và cha mẹ của bà ấy.

Còn đảo Cụt Đầu thì hiện tại đã không còn được đánh dấu trên bản đồ.

Nhưng theo một vài tư liệu lịch sử thì đích xác là có một hòn đảo như thế. Khoảng những năm trong thập niên 70, hòn đảo ấy đã bị nước biển nhấn chìm và cũng biến mất trên bản đồ từ đó.

Tôi nhớ đến đảo của Thần Tam Tổ thì thấy hơi nghi ngờ, gửi tin nhờ Ngô Linh xác nhận lại lần nữa. Mà họ cũng chẳng tìm được thêm tư liệu nào, nên vẫn không thể nào xác định được, hòn đảo ấy bị nước biển nhấn chìm bình thường hay là đã từng xuất hiện hiện tượng quái dị.

Điều có thể chắc chắn là diện tích đảo không lớn, thông tin lịch sử sớm nhất cũng đến thế kỉ XIX mới có, không phải có lịch sử lâu đời.

Tư liệu mà Nam Cung Diệu tra cứu được còn có hồ sơ thông tin về bà cụ Tống Hiền. Xét nội dung hồ sơ thì những gì bà ấy kể có lẽ là sự thật. Hồ sơ lý lịch của bà ấy được làm lại sau khi chiến tranh kết thúc. Tầm mười bảy tuổi thì bà ấy đến đại lục, có lẽ đã làm nhân khẩu lưu trú bất hợp pháp vài năm, đi làm thuê khắp nơi, sau đó mới có hộ khẩu và chứng minh thư. Vì lý do này mà cương vị công tác của bà ấy không được tốt lắm và Xưởng Gang Thép số 3 cũng đánh giá bà ấy khá thấp.

Người chú mà Tống Hiền nhắc đến, chắc là đã mất tích trước hoặc sau khi bà ấy đủ tuổi thành niên, rất có khả năng là bỏ bà ấy lại, tự mình trốn đi nơi khác. Bà cụ Tống Hiền từng đi tìm nhưng sau đó đã bỏ cuộc.

Có một điểm kì lạ là “Công ty sản phẩm Cơ giới Thường Đức Dân Khánh” kia đã đóng cửa hoàn toàn trong một năm trở lại đây. Chủ của họ đã đình chỉ sản xuất, tất cả công nhân viên đều bị sa thải. Quanh khu công xưởng vắng vẻ như thế, hẳn cũng có duyên cớ. Nhưng tung tích cá nhân của ông chủ Lư Dương ấy đã hoàn toàn biến mất, không có tin tức sử dụng bất kì cái gì từ chứng minh thư, bằng lái hay thẻ ngân hàng. Cả chiếc xe đang đứng tên cũng chưa từng bị camera an ninh phát hiện. Vợ và con gái của Lư Dương đã xuất ngoại hai năm trước, con gái du học còn vợ thì chăm con.

Nếu chỉ xem những thông tin riêng lẻ này thì chẳng thấy có gì lạ, cùng lắm nghi ngờ Lư Dương này đang chuẩn bị di cư, hoặc trốn đi với vợ bé. Nhưng nếu tổng hợp tất cả lại, sẽ khiến người ta nghi ngờ phải chăng công xưởng ấy từng có ma.

Ý của Ngô Linh là sự kiện này nên để Trần Hiểu Khâu đến xem thử.

Linh hồn của Trần Hiểu Khâu là Quỷ Sai của Địa Phủ, có thể nhìn ra một số thứ.

Tôi cảm thấy hơi ngạc nhiên, nên hỏi Ngô Linh: “Cô cảm thấy cha mẹ của bà cụ Tống Hiền không phải loại ma lâu nay đang vất vưởng ở nhân gian?”

“Nếu là loại ma ấy, thì không có lý do nào lại ở trong chỗ đó đúng không?” Ngô Linh hỏi ngược lại.

Dù họ đi theo bà cụ Tống Hiền hay ở lại đảo Cụt Đầu, thì đều hợp lý hơn là ở trong cái công xưởng ấy.

“Cậu đừng quên, Diệp Thanh bảo Địa Phủ đã mất rồi.” Ngô Linh nói thêm: “Chúng ta vẫn chưa nắm rõ quy cách vận hành của Địa Phủ. Từ sự tưởng tượng của con người, nói cách khác là từ phỏng đoán, thì đầu thai cần có một quá trình. Có một số linh hồn sau khi chết đi sẽ được đầu thai, nhưng cũng có một số phải nán lại Địa Phủ. Nếu Địa Phủ đã không còn, thì những linh hồn chưa kịp đi đầu thai ấy phải làm sao đây?”

Tôi nhớ lại một khu nghĩa trang mà tôi đã thấy trong cảnh mộng. Lần đó là do một hồn ma tên là Tháng Mười đưa tôi đi xem. Trên mỗi tấm bia mộ trong nghĩa trang ấy đều có một hồn ma nương náu.

Kể ra thì chuyện ấy cũng được xem là bình thường sao?

Tôi đột nhiên cảm thấy lo sợ, buột miệng hỏi Ngô Linh vấn đề này.

Ngô Linh rất bất ngờ, sau khi phát ra vài âm thanh kinh ngạc vô nghĩa thì rơi vào im lặng.

Lòng tôi thì không ngừng chùng xuống.

“Nếu cậu hỏi như vậy thì… đây đúng là điều chúng tôi trước giờ chưa từng suy nghĩ đến. Tình huống mà cậu nói, tôi thấy chưa từng được ghi chép lại trong lịch sử. Chúng tôi nhận biết về sự vật quái dị cũng như các nhà khoa học phát hiện ra sinh vật mới vậy, thường thì gặp phải thứ gì đó rồi sẽ bắt tay vào nghiên cứu, nhưng không hề có hệ thống hoàn chỉnh.” Giọng điệu Ngô Linh trở nên bế tắc: “Người bình thường nhìn thấy sinh vật lạ sẽ tò mò muốn biết, nhưng nhìn thấy những sinh vật nửa lạ nửa quen, ví dụ như một con hổ trên người có chòm lông màu trắng, thì đều không nghĩ ngợi nhiều. Còn nếu muốn phân tích đến căn nguyên thì…”

Tôi đã hiểu ý của Ngô Linh.

Thứ cô ấy muốn đưa ra ví dụ, chính là trau dồi khoa học và ý thức khoa học. Loại năng lực quan sát nhạy bén ấy, một phần là thiên phú, phần còn lại là sự rèn giũa sau này. Người đầu tiên đưa đáp án trái đất xoay quanh mặt trời khi nhận thấy mặt trời mọc đằng Đông lặn đằng Tây, không phải chỉ dựa vào năng lực quan sát nhạy bén, mà còn phải sở hữu một nền tảng tri thức nhất định về thiên văn học nữa. Không phải bất kì người nào cũng có thể đưa ra kết luận như thế.

Nhóm Ngô Linh tuy đáng được xem là chuyên gia, nhưng cũng khó tránh khỏi có những điểm mù trong tư duy.

Nói ra như vậy cũng đồng nghĩa Ngô Linh đã khẳng định giùm suy đoán của tôi.

Thế giới đang ác hóa, Quỷ Sai đang giảm thiểu, thậm chí còn có Quỷ Sai đi vào vòng luân hồi, đây là chuyện rất dễ dàng quan sát thấy. Nhưng nếu là sự biến mất của Địa Phủ, thì trước khi chuyện này xảy ra, e là không ai có thể phát giác được, càng không rảnh để ngồi suy nghĩ những linh hồn trong Địa Phủ sẽ về đâu khi Địa Phủ biến mất.

Đây là một quá trình rất chậm chạp.

Có lẽ, chỉ có Ông Trời mới phát giác được điểm này.

Nghĩ đến đây, đầu óc tôi lại rơi vào trạng thái rối mù.

“Tối này đến hiện trường xem thế nào trước đã.” Ngô Linh nói rồi kết thúc cuộc gọi.