Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1583: Mã số 007 - Thiệp mừng năm mới (3)




Ngày 31 tháng 10 năm 2001, trao đổi với bưu điện Trường Hà. File ghi âm 00720011031.wav.

“Xin chào trưởng bưu cục Đàm.”

“Chào các cậu. Các cậu muốn điều tra về người gửi và địa chỉ gửi đi của tấm bưu thiếp này à?”

“Vâng.”

“Chuyện này… để tôi gọi người phụ trách bên đường Trường Hà nhé.”

Cộp cộp cộp…

“Đây là người phụ trách đưa thư ở khu dân cư bên đường Trường Hà.”

“Chào anh. Anh có ấn tượng nào về tấm bưu thiếp này không?”

“Ủa? Tôi chưa từng nhìn thấy tấm này bao giờ. Không có địa chỉ à… gần đây đâu có nhận tấm bưu thiếp nào chưa điền địa chỉ đâu. Hơn nữa cái này chẳng thấy đề gì hết…”

“Con dấu này là của bưu điện Trường Hà, tấm bưu thiếp này đúng ra đã qua tay các anh rồi chứ.”

“Trên lý thuyết là vậy. Nhưng những con dấu của bưu điện này… cũng chưa chắc đâu. Có thể có ai đó đã làm con dấu giả. Vừa rồi tôi đã nói với các cậu rồi, tấm bưu thiếp như vậy không thể gửi đi được đâu. Nếu người đó bỏ vào hòm thư, thì những bưu điện khác cũng sẽ đem bỏ nó vào kho, trở thành bưu kiện bất minh, không thể gửi đến chỗ chúng tôi được. Chắc chơi khăm rồi đây. Hoặc do người quen làm thôi. Chứ bưu điện của chúng tôi có yêu cầu hẳn hoi, không thể đóng dấu tùy tiện được.”

“Đúng vậy, không thể đóng dấu tùy tiện được.”

“Thế bưu thiếp có in hình ảnh như vậy, là của bưu điện nào, có thể điều tra được không?”

“Chuyện này chắc là không tra được đâu. Những thứ do chúng tôi phát hành thì còn tra ra được, nhưng cái này hình như là từ tỉnh khác, có lẽ còn là ở nước ngoài nữa, rất khó để tra ra. Căn bản không tra được đâu. Hình ảnh này, không nằm trong hệ thống bưu thiếp của thành phố chúng ta, còn loại phát hành toàn quốc cũng không có.”

“Vậy được rồi. Cảm ơn hai người đã giúp đỡ.”

Ngày 31 tháng 10 năm 2001, chưa tìm ra được bưu thiếp phát hành cùng đợt.

Ngày 1 tháng 11 năm 2001, trao đổi với cha mẹ của người ủy thác. File ghi âm 00720011101.wav.

“Chào ông Thân, chào bà Thân.”

“Ừ, chào mọi người.”

“Chắc hai ông bà đã biết công việc của chúng tôi rồi. Tiến độ điều tra tính đến thời điểm này của chúng tôi, đại khái là như vậy…”



“… Hôm nay mời ông bà đến, chủ yếu là có một số vấn để muốn được hỏi hai người.”

“Các cậu cứ hỏi đi.”

“Đầu tiên là về tấm bưu thiếp. Thưa bà Thân, lúc nhìn thấy tấm bưu thiếp, bà đã rất sợ đúng không ạ?”

“Đúng, sợ lắm. Người bị treo trên ấy… thực sự rất đáng sợ…”

“Bà vừa nhìn vào đã nhận ra trong tấm ảnh có ẩn chứa bóng người bị treo cổ đúng không?”

“Ơ? Đúng vậy, chuyện này…”

“Bà vui lòng xem lại tấm bưu thiếp ấy lần nữa được không ạ?”

“Hả, tôi… thôi cũng được.”

“Ông Thân vẫn chưa thấy tấm bưu thiếp đúng không?”

“Chưa.”

Sột soạt sột…

“Á…”

“À… được chưa? Có thể đem nó qua chỗ khác được chưa?”

“Vâng. Hai ông bà vừa nhìn vào đã thấy có bóng người?”

“Đúng, cả máu nữa. Không đúng sao?”

“Hai ông bà có bị các bệnh như mù màu, hay phân biệt màu sắc kém không?”

“Không có.”

“Chuyện này có vấn đề gì sao?”

“Bức tranh này phần lớn vẫn dùng các màu sắc đậm nhạt khác nhau để vẽ ra, bóng người ở trong tranh thực ra rất khó phát hiện. Trước đây chúng tôi đã trao đổi với người trong bưu điện, họ đều không hề phát hiện ra điểm dị thường trong bức tranh này. Mà chúng tôi giống ba người, chỉ vừa nhìn vào đã nhận ra điểm quái lạ. Điều này là do chúng tôi sở hữu năng lực cảm nhận đặc biệt nhạy bén về phương diện này.”

“Nghĩa là… kiểu như mắt âm dương ấy à?”

“Có thể tạm hiểu như vậy.”

“Thế… cái người Tiêu Doanh ấy, chết rồi à? Chết rồi, sau đó gửi những thứ này cho chúng tôi?”

“Không đúng. Đâu có lý nào lại làm thế. Con người ông ta rất tốt, Tết nào cũng gửi thiệp, viết lời chúc mừng, nhớ đến chúng ta. Có vấn đề thì chỉ là tấm phiếu gửi tiền kia thôi. Nếu ông ta gửi nhầm, thì có thể hỏi chúng ta để lấy lại mà, gửi tấm bưu thiếp này để làm gì?”

“Cha à, người ta đã biến thành ma rồi, mà cha còn nói lý lẽ với người ta nữa.”

“Biến thành ma cũng phải nói chuyện đúng sai chứ. Con người ông ta thực sự rất tốt.”

“Gửi vài tấm thiệp chúc Tết đã là người tốt rồi sao? Chẳng phải cha đã bảo gia đình ông ta rất phức tạp à?”

“Lúc đó ông ta là một đứa trẻ thì có thể làm được gì? Mỗi năm ông ta đều đặn gửi thiệp như vậy đã là tốt lắm rồi. Hơn nữa ông ta với nhà mình đâu có xích mích gì…”

“Cha à, người ta là ma rồi, mà cha còn nói mấy chuyện này nữa.”

“Nếu thực sự biến thành ma, muốn kiếm người tính sổ, thì cũng không thể nào tìm đến nhà mình được.”

“Hai vị.”

“À à, xin lỗi nhé. Thực ra gia đình chúng tôi… chắc các cô cậu có thể nhận ra, không được thống nhất ý kiến về chuyện này lắm. Tiêu Doanh… thực lòng tôi cũng chẳng mấy khi được gặp mặt, vóc dáng như thế nào tôi cũng chẳng nhớ. Nhưng chuyện của nhà ông ta, thì các cụ hay nhắc đến lắm, họ hàng thường kể, gia đình họ như này như kia.”

“Thế cũng chỉ là nghe kể lại. Rốt cuộc ông ta có phải là người tốt hay không cha cũng đâu có biết.”

“Họ đã kể như vậy mà, có gì mà không tốt hả?”

“Theo chúng tôi được biết, những người còn duy trì liên lạc với Tiêu Doanh đều đã qua đời rồi đúng không ạ?”

“Đúng vậy. Tôi lúc còn nhỏ, tầm mười mấy tuổi nghe nhắc đến chuyện của ông ta, sau đó thì các cụ ngồi ôn lại chuyện xưa… Nhận được bưu thiếp thì nhớ lại, rồi kể chuyện, toàn những chuyện đã kể đi kể lại nhiều lần lắm rồi. Ấn tượng của họ hàng chúng tôi đối với ông ta cực kỳ tốt, thấy rất tội nghiệp, trong nhà thì do người lớn định đoạt, nhận thừa tự tới, nhận thừa tự lui, toàn những chuyện lằng nhằng rắc rối. Tôi còn nhớ ông ta là sinh viên cơ đấy. Sinh viên đại học trong thời đại ấy… Haizz, cũng chẳng nhớ đó là những năm nào… chỉ biết rất danh giá, rất hiếm có. Ông ta chắc làm công việc gì đó tốt lắm. Chưa nghe ai nói đã lấy vợ, nhưng những địa chỉ trên thiệp mừng Tết, tôi thấy đều là ở nước ngoài. Có thể đi được nhiều nơi như thế, thì không phải vừa đâu. Cả phiếu gửi tiền nữa… lúc nhìn thấy, chúng tôi chẳng biết làm sao đổi ra được, chưa bao giờ nghe qua cái ngân hàng ấy.”

“Vâng, ông vui lòng chia sẻ những gì ông biết về người này được không ạ?”

“Được được. Trước đây tôi cũng đã từng kể cho con tôi nghe, nên đã nhớ lại kha khá. Lúc nó kể lại với các cô cậu, chắc không rõ ràng lắm. Muốn truy ra quan hệ giữa gia đình tôi với gia đình của ông ta, thì phải trở ngược về tới thời ông nội của ông nội tôi. Ông nội của ông nội tôi tên là Thân Minh Tu, em trai ông ấy tên là Thân Minh Nghĩa. Không phải dân khoa cử, mà kiểu như địa chủ lớn đấy, nhà có rất nhiều ruộng đất, chiếm hết một khu ở bên ngoài ngoại ô Dân Khánh. Lúc tôi còn nhỏ, cha tôi hay kể những chuyện này cho tôi nghe, rồi đi xe đạp đưa tôi ra ngoại ô xem, kể lại chuyện của ông nội, ông cố của tôi.”

“Như vậy thì lạc đề quá xa rồi cha à.”

“Ấy, đừng có ồn, để cha kể cho người ta rõ ràng.”

“Mời ông tiếp tục ạ.”

“Được được… Ông cố của ông nội tôi có hai người con trai, ông nội ruột của ông nội là con trai trưởng Thân Minh Tu, còn Thân Minh Nghĩa là con út. Còn có mấy đứa con gái nữa. Con gái thì hầu như không tính đến, sau khi xuất giá theo chồng chẳng còn liên quan gì đến gia đình. Trước đó tình cảm của hai anh em họ rất tốt, cụ Thân Minh Tu rất hay kể chuyện về Thân Minh Nghĩa cho trong nhà nghe, kiểu như rất thương nhớ. Lúc ông nội tôi còn nhỏ thì hai nhà đã tách ra, nhưng vẫn thương xuyên tụ tập lại với nhau. Cái cụ Thân Minh Nghĩa này, đoản mệnh, con trai còn chưa kịp chào đời thì ông ấy đã chết. Sau khi đứa con ấy ra đời, thì ông cố của ông nội tôi vẫn còn sống, hai nhà chưa tách ra, cụ Thân Minh Tu cũng thường xuyên chăm sóc đứa cháu này. Người cháu ấy tên là Thân Trường Thọ, cũng vì hy vọng người này sống thọ một chút. Tên ấy là do ông cố của ông nội tôi đặt cho. Còn chuyện nhận cha nuôi, là do bên phía cậu của Thân Trường Thọ đề nghị. Vào lúc Thân Trường Thọ được mười mấy tuổi, thì lâm một trận bệnh rất nặng, sinh bệnh trước khi kết hôn. Lúc đó đều nói với nhà gái là muốn xung hỉ. Họ đã tìm người xem số mệnh, bảo xung hỉ không ổn, cô dâu khắc với Thân Trương Thọ. Thế nhưng dặm hỏi, sính lễ đều xong cả rồi, mà cả hai nhà đều không đồng ý hủy hôn. Ông cụ xem số mệnh mới bảo, phải nhận một người cha nuôi để gánh vía. Bói tới bói lui, thì chọn ngay ông cậu khác chi của Thân Trường Thọ làm cha nuôi. Sự tình rất là buồn cười. Người mà ông ấy nhận làm cha nuôi nhỏ hơn ông ấy tận mười mấy tuổi, vừa mới được sinh ra, ngay trước sự việc này mấy chục hôm. Đứa bé vừa mới sinh ra, rượu mừng đầy tháng chưa kịp uống, đã làm tiệc rượu nhận cha nuôi trước rồi.”