Hội Chợ Phù Hoa

Chương 35




MẸ GÓA CON CÔI

Trong thời gian ấy, những tin tức về chiến dịch “Bốn cánh tay” và “Waterloo” cũng vang dội về tận nước Anh. Báo “Tin tức” là tờ báo đầu tiên công bố kết quả của hai trận đánh. Những tin tức vinh quang ấy khiến cho toàn thể nước Anh rung động lên vì kiêu hãnh cũng như vì sợ hãi. Tiếp theo là những chi tiết; sau tin chiến thắng là danh sách thương binh, tử sĩ. Nói sao cho xiết được nỗi khắc khoải của mọi người khi lần giở những trang báo.

Khắp ba nước (), trong từng làng, từng nhà, nghe công bố tin tức về những trận chiến đấu ở Bỉ (), ai ai cũng cảm thấy hào hứng sôi nổi; người ta vừa phấn khởi, vừa biết ơn lại vừa lo âu đau đớn vì tang tóc khi đọc bản thống kê những sự tổn thất của mình. Ngay bây giờ cũng vậy, giá có ai lật giở lại chồng báo cũ thời đó, hẳn cũng vẫn còn cảm thấy như phải nín thở vì lo lắng. Bản danh sách liệt sĩ cứ mỗi ngày lại đăng tiếp thêm, người đọc phải ngừng lại ở giữa chừng. Như xem nội dung một câu chuyện còn sẽ đăng tiếp trong các kỳ báo sau. Các bạn thử tưởng tượng xem, khi những trang báo còn tươi nét mực kia nối tiếp nhau đến tay người đọc thì họ cảm thấy gì?

Nếu một trận đánh chỉ có hai vạn người Anh tham gia đã khiến cho cả nước ta rúng động đến thế thì các bạn thử nghĩ xem suốt thời gian hai chục năm về trước nhân dân châu Âu ở trong một tình trạng ra sao khi quân số tham chiến không phải là hàng ngàn, mà hàng triệu. Mỗi người trong số đó, khi đánh gục một kẻ thù, đồng thời cũng tàn nhẫn đâm lưỡi dao sâu vào trái tim một con người vô tội ở hậu tuyến xa xôi.

Những tin đăng trên tờ báo “Tin tức” nổi tiếng kia gây ra một sự choáng váng khủng khiếp trong gia đình Osborne, nhất là những người đứng đầu gia đình này. Hai cô con gái tha hồ mà khóc. Ông bố già nua vốn âu sầu lại càng rầu rĩ hơn trước số mệnh tàn nhẫn.

Ông cố tin rằng đó là sự trừng phạt con ông vì đã nghiêm khắc đến nỗi ông phải run sợ vì những lời nguyền rủa của chính ông đã quá vội vàng trở thành sự thực. Đôi lúc ông run lẩy bẩy vì hốt hoảng, dường như chính ông là thủ phạm gây ra tai họa mà con ông đã phải chịu. Trước kia còn mong có dịp cha con hoà giải với nhau, thí dụ vợ George rất có thể bị chết hoặc con trai ông có thể quay về với gia đình và nói “Thưa cha, con đã có lỗi”. Nhưng bây giờ không còn hy vọng gì nữa rồi. Con trai ông đứng bên kia bờ vực thẳm không cách nào qua được và nhìn ông với đôi mắt âu sầu. Ông nhớ lại có lần con ông bị sốt, ai cũng tưởng không sao thoát chết; nó nằm liệt trên giường bệnh im lặng, đôi mắt cũng mở trừng trừng trông buồn thảm ghê sợ như thế. Trời ơi! Lạy Chúa, hồi ấy ông bố cứ bám chặt lấy ông bác sĩ, lẽo đẽo theo sau ông ta với một nỗi khắc khoải não nuột trong lòng. Tới khi cơn sốt đi qua, con trai ông bình phục lại nhìn ông với đôi mắt quen thuộc hằng ngày, ông mới như cất được một gánh nặng trong tâm hồn. Nhưng bây giờ còn săn sóc hoặc chữa chạy hoặc mong gì sự hoà giải được nữa, và nhất là còn đâu những lời lẽ phục tùng để xoa dịu lòng giận dữ vì quyền lực của ông bố bị tổn thương, khiến cho dòng máu bực bội sôi sục kia lại chảy tự nhiên như xưa. Cũng khó mà đoán biết được rằng trái tim của ông bố kiêu hãnh bị vò xé bởi điều gì nhiều nhất; bởi vì ông không còn có dịp tha thứ cho con trai ông, hay vì lời tha tội mà lòng kiêu hãnh của ông vẫn mong đợi có ngày nói ra sẽ không bao giờ còn được dùng đến nữa.

Dẫu sao đi nữa, ông già nghiêm khắc ấy cũng không chịu thổ lộ tâm tình với ai. Ông không bao giờ nhắc đến tên George khi nói chuyện với hai con gái. Nhưng ông ra lệnh cho mọi người trong gia đình để tang và bắt cả bọn gia nhân phải mặc đồ đen mọi cuộc tiếp tân và mọi trò giải trí đều đình chỉ. Ngày cưới con gái đã ấn định nay tạm hoãn; tuy ông không báo gì cho anh con rể tương lai, nhưng cứ nhìn dáng điệu bề ngoài của ông Osborne, anh chàng Bullock cũng chẳng dám hé răng nhắc đến chuyện cưới xin vội. Thỉnh thoảng anh ta và hai cô con gái Osborne lại thì thầm với nhau trong phòng khách, nơi ông bố không bao giờ còn bước chân đến; ông ta ở lỳ trong căn phòng làm việc của mình. Toàn bộ mặt trước của toà nhà cửa đóng kín mít trong suốt thời gian để tang.

Khoảng ba tuần lễ say ngày mười tám tháng sáu (), ông bố William Dobbin đến thăm ông Osborne. Tại khu phố Russell mặt ông tái mét, phờ phạc; ông khăng khăng đòi gặp mặt, ông Osborne. Người nhà dẫn ông vào phòng ông chủ; sau vài câu trao đổi mà cả người nói lẫn người nghe không ai hiểu gì, ông uỷ viên hội đồng thành phố lấy trong ví ra một lá thư, có đóng một con dấu đỏ lớn, ngập ngừng nói: “Con trai tôi là thiếu tá Dobbin có nhờ một sĩ quan trong trung đoàn thứ... mới về tỉnh hôm nay chuyển cho tôi một lá thư, trong có kèm một phong bì gửi cho ngài.”

Đoạn ông uỷ viên hội đồng thành phố đặt phong bì xuống mặt bàn; ông Osborne nhìn trừng trừng vào mặt khách một lúc lâu, tia mắt làm cho ông lão đưa tin phải hoảng. Ông ta lấm lét nhìn người bố đau khổ một lát rồi vội vàng lủi ra. không nói thêm lời nào.

Cũng vẫn nét chữ khoẻ mạnh, cứng cáp quen thuộc của George. Thư viết vào hồi rạng sáng ngày 16 tháng sáu, ngay trước khi anh ta từ biệt Amelia để ra trận. Con dấu lớn màu đỏ mang hình huy hiệu của gia tộc, có câu cách ngôn Pax in bello. Đó tức là huy hiệu của dòng họ. Bàn tay đã ký dưới lá thư này thôi không bao giờ cầm được bút hay nắm được cán gươm nữa. Sớm hôm sau, khi George đã gục trên chiến trường, bạn anh đã lần túi áo lấy lại con dấu ông Osborne không hề biết việc ấy; ông ngồi lặng lẽ, giương cặp mắt đờ đẫn nhìn phong thư. Lúc sắp sửa bóc thư, ông suýt ngất đi.

Bạn đọc đã bao giờ có chuyện xích mích với một người bạn thân chưa? Những lá thư hồi hai người còn thân thiết với nhau bây giờ đọc lại sao khiến bạn bực mình đến thế! Còn có gì đáng chán cho bằng phải đọc lại những lời lẽ bộc lộ một nỗi cảm tình đã chết lụi đi rồi. Đó là những tấm mộ chí giả dối dựng trên thi thể của Tình yêu! Đó cũng là những lời phẩm bình tàn ác và đáng buồn đối với Hội chợ phù hoa vậy. Hầu hết chúng ta đều có dịp hoặc viết, hoặc nhận được đầy ngăn kéo toàn những lá thư như thế. Ấy là những căn hầm đựng xương khô mà chúng ta vừa trân trọng lại vừa xa lánh. Ông già Osborne còn bồi hồi run rẩy mãi mới dám mở bức thư của đứa con trai đã chết ra đọc.

Nội dung lá thư rất sơ sài, con trai tội nghiệp của ông cũng quá kiêu ngạo không chịu bộc lộ những tình cảm đằm thắm ủ kín trong thâm tâm. Anh ta chỉ nói rằng, đêm trước khi dự một trận đánh lớn, anh ta muốn gửi lời từ biệt đến cha, và trịnh trọng ngỏ ý mong ông chăm sóc đến người vợ và rất có thể cả đứa con nhỏ mình để lại. Anh ta buồn rầu thú nhận rằng đã tiêu xài gần hết cả gia tài nhỏ mọn của mẹ để lại, và cám ơn cha trước kia đã đối xử rộng lượng với mình; cuối cùng, anh ta hứa với cha rằng dù phải gục ngã trên chiến trường, hay được thoát chết, bao giờ anh ta cũng hành động cho xứng đáng với cái tên George Osborne.

Do thói quen của người Anh, do tính kiêu hãnh hoặc cũng có thể là do vụng về, George không viết thêm gì nữa. Ông bố không thể nhìn thấy cái hôn người con trai đã áp vào địa chỉ đề trên lá thư. Ông già Osborne buông rơi lá thư xuống đất, tâm hồn bị giằng xé giữa những nối tiếc hận vì sự giận giữ. Ông cảm thấy mình vẫn yêu thương con trai, nhưng chưa thể tha thứ cho nó được.

Tuy nhiên, khoảng hai tháng sau, khi hai cô con gái cùng đi lễ nhà thờ với bố, họ nhận thấy ông già không ngồi vào chỗ mọi khi; ông hướng mắt qua đầu hai con gái nhìn chăm chăm vào bức tường trước mặt. Thấy thế hai cô thiếu nữ cùng đưa mắt nhìn theo: họ thấy trên mặt tường có một bức phù điêu đắp hình Britannia () ngồi khóc trên một chiếc bình đựng tro hài cốt, bên cạnh có một lưỡi gươm gãy và một con sư tử nằm phủ phục; họ hiểu rằng bức tượng được dựng lên để kỷ niệm một chiến sĩ nào đó đã tử trận. Các nhà điêu khắc đương thời có sẵn trong đầu hàng mớ những mẫu biểu tượng buồn thảm tương tự; bây giờ các bạn có thể gặp trên tường nhà thờ St. Paul la liệt hàng trăm những bức tượng ngụ ngôn huênh hoang ngoại đạo như vậy. Trong khoảng mười lăm năm đầu thế kỷ hiện tại, tranh và tượng loại này rất được ưa thích.

Mé dưới bức tượng có vẽ hình huy hiệu của gia đình Osborne, kèm theo một dòng chữ ghi rõ bức phù điêu được dựng lên để kỷ niệm đại uý George Osborne thuộc trung đoàn bộ binh thứ... của hoàng gia tử trận ngày 18 tháng sáu năm 1815, thọ 28 tuổi, khi chiến đấu cho Hoàng đế và Tổ quốc trong trận chiến thắng Waterloo vinh quang. Dulce et decorum est pro patria mori ().

Nhìn bức tượng hai chị em bị xúc động dữ dội đến nỗi cô Maria phải rời nhà thờ ra về ngay. Mọi người kính cẩn dẹp ra nhường lối cho hai cô thiếu nữ mặc áo tang đen vừa đi vừa nức nở khóc và cảm thương ông bố già nua khắc khổ ngồi đối diện bức tượng kỷ niệm người liệt sĩ. Cơn xúc động ban đầu đã qua, hai chị em hỏi nhau: “Liệu ba có tha thứ cho vợ anh George không nhỉ?”.

Những người quen thuộc gia đình Osborne bàn tán nhiều về sự xích mích giữa hai cha con do việc anh con cưới vợ gây nên bây giờ cũng tỏ ý hy vọng ông bố chồng sẽ tha thứ cho người con dâu đã trở thành goá bụa. Ở khu City cũng như ở khu phố Russell, nhiều người đã bỏ tiền ra đánh cuộc với nhau về việc này.

Ví thử hai cô con gái có lo ngại gì về việc Amelia có thể được công nhận là dâu con trong gia đình hay không thì bây giờ họ càng lo lắng hơn, vì đến cuối mùa thu, ông Osborne báo cho họ biết rằng ông sẽ đi ra nước ngoài ít lâu. Ông không nói rõ là đi đâu, nhưng họ thừa biết là thế nào ông cũng sang Bỉ; họ lại biết rõ rằng người vợ goá của George vẫn còn ở Brussels. Dobbin phu nhân và mấy cô con gái vẫn cung cấp cho họ những tin tức khá chích xác về Amelia.

Anh chàng đại uý thực thà của chúng ta đã được thăng cấp nhân dịp viên thiếu tá chỉ huy phó trung đoàn bị tử trận. Còn ông O’Dowd, con người dũng cảm đã chiến đấu anh dũng trong trận này cũng như đã chứng tỏ đức tính bình tĩnh và can đảm của mình tại bất cứ nơi nào, thì được thăng chức trung tá, lại được ban tước Tuỳ giá Hiệp sĩ.

*

Khá nhiều chiến sĩ trong trung đoàn thứ... bị thương nặng qua hai trận đánh vẫn còn lưu lại Brussels suốt mùa thu để an dưỡng, hàng bao nhiêu tháng sau trận đánh vĩ đại kia, thành phố Brussels vẫn còn là một quân y viện khổng lồ; binh lính cũng như sĩ quan đã bắt đầu chữa lành thương tật, cho nên các công viên và những nơi công cộng trong thành phố chật ních toàn những quân nhân què chân, cụt tay, già có, trẻ có. Cũng như tất cả mọi người trong Hội chợ phù hoa, vừa thoát khỏi bàn tay của tử thần, họ đã lăn xả vào mà đánh bạc mà vui đùa, mà yêu thương. Trong số này, ông Osborne tìm thấy rất dễ dàng vài người trong trung đoàn... ông vẫn nhớ rõ quân phục của họ, lại vẫn thường theo dõi những sự thăng thưởng và thuyên chuyển trong trung đoàn; ông thường ưa nói chuyện về trung đoàn và về các sĩ quan, y như mình cũng là một thành viên của quân đội. Sau hôm tới Brussels một ngày, ông vừa bước ra khỏi khách sạn đối diện với công viên, thì nhìn thấy ngay một người lính bận bộ quân phục quen thuộc ngồi nghỉ trên một tấm ghế đá. Ông bước lại gần, run run ngồi xuống bên người thương binh.

- Có phải ông thuộc đại đội của đại uý Osborne không? - Ngừng lại một chút, ông tiếp - nó là con trai tôi đấy ông ạ.

Người này không thuộc đại đội Osborne, nhưng cũng đưa bàn tay không bị thương lên vành mũ chào ông già đờ đẫn và sầu não với một điệu bộ vừa buồn bã vừa kính cẩn. Anh ta đáp:

- Cả binh đoàn không có một sĩ quan nào đẹp trai và can đảm hơn. Một viên trung sĩ thuộc đại đội của đại uý Osborne (bây giờ thuộc quyền chỉ huy của đại uý Raymond) hiện có mặt trong thành phố, anh ta đang chữa vết thương ở vai, bị một viên đạn xuyên thủng. Nếu muốn, ngài có thể tìm gặp; anh ta sẽ kể cho ngài rõ việc trung đoàn thứ...tham chiến như thế nào. Nhưng chắc ngài đã gặp thiếu tá Dobbin, bạn thân của đại uý dũng cảm ấy rồi chứ? Cả bà Osborne cũng còn ở đây; nghe nói bà ấy mệt lắm. Họ còn bảo rằng đến sáu tuần nay bà ấy như người mất trí. Nhưng xin lỗi ngài chuyện ấy chắc ngài đã biết rõ.

Ông Osborne đặt vào tay người lính một đồng ghi nê và hứa sẽ đãi thêm một đồng nữa, nếu anh ta dẫn được viên trung sĩ nói trên tới khách sạn Công Viên. Lời hứa quả có hiệu lực; viên hạ sĩ quan nọ chẳng bao lâu được đưa đến gặp ông Osborne. Anh lính mách tin ra về kháo ầm lên với một hai người bạn rằng cụ thân sinh ra đại uý Osborne đã tới; thật là một người hào phóng, rồi họ đưa nhau đi chè chén thoả thích chừng nào tiêu hết sạch hai đồng tiền vàng lấy được từ ví kiêu hãnh của ông già đau khổ kia mới thôi.

Đi cùng viên trung sĩ cũng vừa chữa lành vết thương, ông Osborne thăm lại chiến trường Waterloo và chiến trường Bốn cánh tay; hồi ấy hàng ngàn đồng bào của ông cũng tổ chức những chuyến đi thăm viếng như vậy. Ông cùng viên trung sĩ đi xe ngựa thăm lại cả hai khu vực xảy ra chiến sự dưới sự hướng dẫn của người này. Ông được thấy lại chỗ ngã tư, nơi trung đoàn bắt đầu tác chiến ngày mười sáu và cả cái sườn đồi thoai thoải, nơi quân Anh đánh bật đoàn kỵ binh Pháp truy kích đội quân Bỉ đang rút lui. Ông đến cả chỗ viên đại uý anh hùng đã chém chết tươi tên sĩ quan Pháp đang vật lộn với người sĩ quan cầm cờ trẻ tuổi để giành lấy lá quân kỳ, vì lúc này mấy viên trung sĩ bảo vệ cờ đã bị bắn chết cả. Ngày hôm sau đoàn quân rút lui cũng theo con đường này; và đây là khoảng đất trên đó, đêm hôm mười bảy, trung đoàn trú quân dưới trời mưa tầm tã. Quá bên kia một chút là vị trí quân Anh đã chiếm được và giữ vững suốt ngày hôm ấy, lúc thì tập hợp lại để nghênh chiến với bọn kỵ binh Pháp tấn công, lúc thì nằm bẹp trong hầm trú ẩn để tránh đạn trọng pháo của địch bắn dữ dội xuống đầu. Và đây là cái dốc, nơi buổi tối hôm ấy, toàn bộ trận tuyến quân Anh được lệnh phản kích khi quân địch tiến công lần cuối cùng bị đánh bật trở lại, và chính là chỗ viên đại uý khoa lưỡi kiếm vừa hò reo vừa lao xuống sườn đồi, rồi trúng đạn gục chết. Viên trung sĩ hạ thấp giọng tiếp:

- Chính thiếu tá Dobbin đã mang thi hài của đại uý về Brussels và cho người chôn cất như ngài đã rõ.

Trong lúc viên hạ sĩ quan kể chuyện, một đám đông nông dân và những người bán hàng rong vây quanh hai người, tranh nhau mời ông già mua đủ mọi thứ kỷ vật của trận đánh, nào là báng súng, lon vai, những mảnh áo giáp vỡ nát, cả những hình chim diều hâu bằng sắt gẫy.

Thăm viếng xong quang cảnh những nơi ghi lại dấu vết chiến thắng cuối cùng của con trai, ông già chia tay cùng viên trung sĩ và đãi anh ta một món tiền thật hậu. Ông cũng đã thăm nơi an nghỉ cuối cùng của con. Thật ra, ngay sau khi đến Brussels, ông đã lập tức đi viếng mộ George. Thi hài con ông được chôn cất tại nghĩa trang Laeken, một nghĩa trang rất đẹp gần thành phố.

Ngày trước, một lần đến thăm chốn này, ông đã vui miệng ngỏ ý muốn sau này khi mình chết sẽ được chôn cất tại đây. Người bạn thân đã mang thi thể của viên đại uý về chôn tại một khu đặc biệt trong nghĩa trang; một hàng rào nhỏ ngăn khu vực này với khu vực các giáo đường, các toà dinh thự và những vườn cây là nơi những người theo đạo cơ đốc của nhà thờ La Mã được chôn cất. Hình như ông già Osborne lấy làm tủi nhục vì con trai ông, một người thượng lưu nước Anh, một đại uý trong quân đội Anh quốc lừng danh tiếng, lại không xứng đáng được chôn cùng một chỗ với mọi người dân ngoại quốc tầm thường khác. Chúng ta ai có thể biết được trong cái nhìn đầy thông cảm nhiệt tình của ta đối với người khác có mấy phần phù phiếm và trong tình cảm của ta có bao nhiêu phần ích kỷ. Ông già Osborne cũng không để tâm phân tích tâm trạng phức tạp của mình để thấy sự xung đột giữa tình phụ tử và tính ích kỷ đã diễn ra như thế nào. Ông tin chắc rằng mọi việc mình làm đều phải, và trong bất cứ trường hợp nào, mình cũng nên hành động theo ý riêng... Và y như cái nọc của con ong vò vẽ hay con rắn, sự giận dữ của ông trào lên đầy chất độc sẵn sàng làm tê liệt kẻ nào dám chống lại. Ông kiêu hãnh cả về lòng căm thù của mình cũng như về mọi việc mình làm. Bao giờ cũng có lý, bao giờ cũng phải dẫm đạp mà tiến lên và không khi nào hoài nghi, phải chăng sự ngu độn đã thống trị thế giới với những đức tính lớn lao ấy?

Sau buổi đi thăm chiến trường Waterloo, xe ngựa của ông Osborne về đến gần cổng thành phố vào lúc hoàng hôn thì gặp một chiếc xe ngựa mui trần khác, trên có hai người đàn bà và một người đàn ông ngồi, lại có một sĩ quan cưỡi ngựa đi kèm bên cạnh. Ông Osborne hốt hoảng quay người lại; viên trung sĩ ngồi cạnh đặt tay lên vành mũ chào người sĩ quan và quay sang nhìn người bạn đồng hành tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Viên sĩ quan cũng chào lại, nhưng không chú ý lắm. Thì ra đấy là Amelia ngồi cạnh chàng sĩ quan cầm cờ trẻ tuổi bị què, đối diện với bà O’Dowd, người bạn trung thành của cô. Đúng là Amelia, nhưng trông khác hẳn hình ảnh người con gái tươi tắn, xinh đẹp còn lưu trong ký ức ông Osborne.

Mặt cô gầy và tái nhợt, mớ tóc đẹp màu nâu ẩn dưới một chiếc mũ tang. Cô thiếu nữ đáng thương quá! Mắt cô mở trừng trừng, nhưng nào cô có nom thấy gì đâu! Lúc hai chiếc xe gặp nhau, cô nhìn thẳng vào mặt ông Osborne, nhưng không nhận ra ông; nếu không trông thấy Dobbin cưỡi ngựa đi bên xe, ông già cũng không nhận ra cô là ai. Ông thù ghét Amelia quá rồi. Trước khi gặp Amelia, ông không hề ngờ rằng mình ghét cô thiếu nữ đến thế. Xe Amelia qua rồi, ông quay lại ngó viên trung sĩ, mắt long lên sòng sọc, mồm lẩm bẩm chửi rủa, như muốn nói: “Sao mày lại dám nhìn tao? Đồ khốn nạn! Tao ghét cay ghét đắng nó. Chính vì nó mà bao nhiêu hy vọng của tao sụp đổ, bao nhiêu niềm kiêu hãnh của tao tan vỡ”. Ông thét thằng hầu ngồi phía trước: “Bảo nó đánh xe nhanh lên”.

Một lát sau, nghe có tiếng vó ngựa phi nhanh sau xe, chính là ngựa của Dobbin. Lúc hai chiếc xe gặp nhau, Dobbin đang mải nghĩ đến chuyện khác; đi được một quãng, anh ta mới nhớ ra rằng vừa gặp ông Osborne. Anh ta bèn quay sang nhìn xem Amelia gặp mặt bố chồng có xúc động không, nhưng cô thiếu nữ không hay biết điều gì hết. Hằng ngày Dobbin vẫn thường cưỡi ngựa đi theo xe của Amelia; anh ta vội rút đồng hồ xem rồi xin lỗi bạn, lấy cớ vừa chợt nhớ ra có hẹn với một người và phi ngựa quay trở lại. Amelia cũng không biết đến việc Dobbin ra về, cô vẫn ngồi rầu rĩ nhìn phong cảnh phía trước mặt; xa xa là cánh rừng, nơi George đã lên đường ra trận.

Dobbin phi ngựa lên, chìa bàn tay ra gọi:

- Cụ Osborne! Cụ Osborne!

Ông Osborne không chìa tay ra bắt, trái lại ông văng tục một câu, quát xà ích giong xe nhanh hơn. Dobbin đặt bàn tay lên thành xe nói:

- Tôi muốn gặp cụ, tôi có một chuyện muốn thưa cùng cụ.

Ông Osborne giận giữ đáp:

- Chuyện về mụ đàn bà kia à?

- Không, chuyện về con trai cụ.

Ông Osborne ngồi phịch xuống, tựa vào góc xe. Dobbin chờ cho phút xúc động qua đi, anh ta cho ngựa theo sát sau xe, không nói thêm gì, cứ thế qua thành phố về đến khách sạn của ông Osborne. Rồi anh ta theo ông già lên phòng trọ. Trước kia, nhiều lần George đã đến phòng này, đây là chỗ ở của vợ chồng Crawley hồi còn ở Brussels.

- Vậy ông có việc gì chỉ thị cho tôi nào, ông đại uý? - Xin lỗi, tôi phải nói là thiếu tá Dobbin; bởi vì những kẻ tài ba hơn ông chết đi rồi, tất nhiên các ông thay thế họ.

Ông Osborne nói với cái giọng châm biếm, mà thỉnh thoảng ông rất ưa dùng. Dobbin đáp:

- Những kẻ ưu tú hơn đã chết thật rồi. Tôi cũng muốn thưa với cụ về một người trong số đó.

Ông già cau mặt nhìn khách, văng tục rồi nói:

- Xin ông nói gọn cho.

Viên thiếu tá đáp:

- Tôi đến đây với tư cách là bạn thân nhất, đồng thời là người thực hiện di chúc của người đã mất. Di chúc được thảo ra trước khi xuất trận. Cụ có rõ anh ấy túng thiếu thế nào và người vợ goá bây giờ quẫn bách ra sao không?

Ông Osborne đáp:

- Tôi không biết đến người vợ goá nào hết. Mặc xác con bé ấy cho nó trở về với bố nó.

Nhưng người khách cứ tươi tỉnh như thường, không để ý đến câu cắt ngang của ông già. Anh ta tiếp:

- Thưa cụ, cụ có rõ hoàn cảnh hiện nay của chị Osborne ra sao không? Tai hoạ vừa giáng xuống gần như làm rung chuyển cả cuộc đời của chị ấy và làm chị ấy như mất trí. Tôi thấy chị ấy rất khó lòng mà bình phục lại được. Tuy vậy cũng còn một chút hy vọng, và tôi đến để thưa cùng cụ về điều này. Chị ấy cũng sắp đến kỳ sinh nở. Không lẽ cụ lại muốn trút lên đầu đứa bé sự giận dữ đối với cha nó? Hay là vì thương anh George, cụ sẽ tha thứ cho đứa con anh ấy?

Ông Osborne vừa thao thao bất tuyệt biện hộ cho hành động của mình, vừa luôn mồm thề độc; ông tự biện hộ cốt để cho lương tâm khỏi cắn rứt và ông thề độc để làm tăng thêm tội bất hiếu của George. Thử hỏi khắp nước Anh, có người bố nào lại rộng lượng được như ông đã đối xử với con trai ông? Vậy mà hắn dám chống lại ông một cách tai quái đến thế. Hắn đã chết, nhưng cũng chưa hề muốn hối hận về tội lỗi đã phạm. Hãy để cho hắn chịu những hậu quả tai hại do chính sự rồ dại và sự bất hiếu của hắn gây ra. Về phần ông, ông bao giờ cũng giữ lời hứa. Ông đã thề không bao giờ thèm nói chuyện với người con gái kia, cũng không chịu nhận người ấy là con dâu. Ông thề độc một câu và tiếp:

- Ông có thể bảo với cô ta thế, tôi đã quyết định giữ đúng thái độ như vậy từ nay cho tới lúc chết.

Thế là tuyệt mọi hy vọng. Người đàn bà goá đành phải sống trong cảnh túng thiếu hoặc nhờ Joe trợ cấp cho đồng nào hay đồng ấy; ta có thể bảo với nàng như thế, nhưng nàng cũng chẳng quan tâm đến chuyện ấy lắm đâu. Dobbin buồn rầu nghĩ thầm. Quả thật, từ sau khi chồng chết, người thiếu phụ đáng thương kia không hề bao giờ nghĩ đến chuyện này; mang nặng nỗi đau thương trên vì đối với Amelia bây giờ hạnh phúc hay tai họa nào có khác gì nhau. Mà quả vậy tình bạn và lòng thương mến đối với cô cũng chẳng có nghĩa lý gì nữa, cô lặng thinh tiếp nhận tất cả, rồi lập tức lại vùi mình vào trong cõi sầu muộn.

*

Sau cuộc nói chuyện vừa kể trên, mười hai tháng trời đã trôi qua trong cuộc đời của Amelia tội nghiệp. Thời gian đầu, cô đã sống trong một tâm trạng bi thương sầu não, khiến cho những kẻ chứng kiến và miêu tả nỗi đau đớn đang làm cho trái tim cô rỉ máu phải lùi lại không dám nhìn. Bên giường nằm của tấm linh hồn đau khổ và bất hạnh kia, xin các bạn hãy nhẹ bước. Hãy bắt chước những người chăm sóc cô, nhẹ nhàng khép kín cánh cửa của căn phòng âm u nơi cô sống với sầu não và đau thương và không rời cô nửa bước cho tới khi thượng đế ban cho cô một niềm an ủi. Một ngày kia, trong tâm trạng vừa bàng hoàng vừa sung sướng, người con gái sớm goá chồng đã được một đứa bé vào ngực... một đứa trẻ có đôi mắt y hệt như đôi mắt của George đã khuất...một đứa con trai đẹp như một thiên thần. Tiếng đứa trẻ khóc chào đời đối với cô có tác dụng như một phép mầu. Cô ôm đứa bé, vừa cười lại vừa khóc... áp đứa con vào trái tim, cô thấy như tình yêu, hy vọng cùng những lời cầu nguyện sống lại với mình. Bây giờ cô được cứu sống rồi. Những ông thầy thuốc săn sóc cô trước đó đã tỏ ý quan ngại rằng hoặc tính mạng hoặc là lý trí của cô bị đe doạ. Họ đã khắc khoải chờ đợi giờ phút hiểm nghèo ấy trước khi có thể tuyên bố rằng mọi sự đều ổn. Những người đã lo lắng, sợ hãi sống bên cạnh cô hàng tháng ròng thấy thật bõ công vất vả của mình bấy lâu khi thấy đôi mắt cô lại lóng lánh nhìn họ đầy trìu mến.

Trong số này có anh bạn Dobbin của chúng ta. Chính anh ta đã đưa cô về căn nhà của mẹ cô ở nước Anh, khi bà O’Dowd nhận được lệnh của ông trung tá đành phải từ biệt cô... Cứ nhìn Dobbin ôm đứa bé và Amelia vừa ngắm nó vừa cười sung sướng, ai cũng phải vui lây. William là cha đỡ đầu của đứa bé. Anh ta bóp óc để chọn đủ các thứ đồ chơi cho nó, nào là cốc, thìa, nào là tàu bằng giấy và cả những cành san hô nữa.

Người mẹ tự tay mình chăm sóc đứa con, may quần áo cho nó, sống vì nó. Amelia không muốn mượn người giữ trẻ, cũng ít khi để cho bàn tay người khác đụng đến con mình. Riêng thiếu tá Dobbin là cha đỡ đầu của đứa bé thỉnh thoảng được nâng niu nó một chút. Amelia coi đó là một ân huệ lớn đối với anh ta. Đứa con là tất cả cuộc đời của cô. Hạnh phúc của cô là được vuốt ve, được bao bọc đứa bé yếu ớt vô tri kia trong một bầu không khí yêu thương và phụng thờ; dòng sữa đứa con bú chính là cuộc sống của cô. Đêm đêm nằm một mình, cô cảm thấy có những phút bản năng làm mẹ thức dậy kín đáo và say sưa mãnh liệt. Thượng đế tối linh đã ban riêng cho người làm mẹ những phút giây như vậy; những mềm vui ấy vừa cao thượng quá lại vừa tầm thường quá đối với lý trí... sự phụng thờ mù quáng và đẹp đẽ ấy, chỉ có tâm hồn người đàn bà mới hiểu nổi.

William vẫn để tâm những hành động ấy của Amelia và theo dõi mọi nhịp đập của trái tim cô. Tình yêu đã khiến anh ta sáng suốt đoán được mọi cảm xúc của trái tim ấy. Chính vì thế mà, hỡi ơi, anh ta cũng đành phải nhận rằng trong trái tim của Amelia không hề có chỗ nào dành cho mình. Dobbin như cam chịu số phận hẩm hiu một cách hiền lành và gần như bằng lòng với điều đó.

Có lẽ bố và mẹ Amelia hiểu rõ tình cảm của viên thiếu tá họ cũng có ý khuyến khích anh chàng. Ngày nào Dobbin cũng đến thăm, ngồi nói chuyện hàng giờ với Amelia hoặc với gia đình ông Clapp chủ nhà. Hầu như ngày nào anh ta cũng kiếm cớ mang lại biếu người này hoặc người khác một món quà và trở thành bạn thân của con gái ông Clapp. Cô thường gọi anh ta là “Thiếu tá kẹo bánh”. Amelia rất mến cô bé. Chính cô bé này thường đóng vai trò tiếp tân, thường dẫn anh ta vào thăm Amelia. Một hôm cô bé cười ầm lên vì thấy “Thiếu tá kẹo bánh” bước xuống xe, ôm theo đủ thứ, một con ngựa gỗ, một cái kèn, một cái trống và nhiều thứ đồ chơi kiểu nhà binh khác để tặng chú bé Georgy; chú mới được gần sáu tháng, đã chơi làm sao được những thứ ấy.

Đứa nhỏ đang ngủ; hình như Amelia hơi bực mình vì đôi ủng của Dobbin cứ kêu cọt kẹt. Cô nói “suỵt” và chìa bàn tay ra. Thấy Dobbin lúng túng đặt hết đồ chơi xuống đất rồi mới bắt tay được, cô mỉm cười. Anh ta bảo cô bé:

- Em Mary ơi, xuống nhà chơi nhé. Anh có chuyện muốn nói với bà Osborne.

Amelia nhìn lên hơi ngạc nhiên, rồi đặt con xuống giường.

Dobbin nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay trắng muốt mảnh dẻ của cô nói:

- Tôi đến để từ biệt Amelia.

Cô mỉm cười hỏi:

- Từ biệt ư? Anh phải đi đâu thế?

- Chị cứ gửi thư cho luật sư của tôi, họ sẽ chuyển đi. Chị sẽ viết thư cho tôi chứ? Tôi đi vắng lâu đấy.

Amelia đáp:

- Tôi sẽ biên thư cho anh về Georgy. Anh William thân mến ạ, anh đối với mẹ con tôi tốt quá! Anh nhìn nó xem, có phải nó đẹp như thiên thần không?

Vô tình, bàn tay hồng hào xinh xinh của đứa trẻ nắm lấy ngón tay của anh chàng sĩ quan trung thực. Amelia ngước nhìn anh tràn trề niềm vui sướng của người mẹ. Cái nhìn tàn ác nhất đời cũng không thể khiến anh chàng đau khổ bằng tia mắt đầy trìu mến nhưng vô tình đó. Anh ta cúi xuống nhìn hai mẹ con, trong một lúc lâu, nghẹn lời không nói được gì. Gắng thu hết sức lực trong người anh mới nói được một câu: “Cầu Chúa ban phước lành cho chị”. Amelia cũng đáp lại như thế và ngẩng đầu lên hôn anh.

Thấy William Dobbin đi ra cửa, bước chân nặng nề. Amelia lại nói “Suỵt! Khéo Georgy thức dậy đấy!”.

Cô không nghe thấy tiếng ngựa chuyển bánh, cô còn bận ngắm đứa con đang mỉm cười trong giấc ngủ.