Hội Chợ Phù Hoa

Chương 7




CRAWLEY Ở TRẠI CRAWLEY BÀ CHÚA

Trong số những cái tên đáng kính nhất bắt đầu bằng chữ C có ghi trong cuốn Niên giám của Triều đình vào năm 18…có tên Tôn ông Pitt Crawley, nam tước ở phố Great Gaunt, chủ trại Crawley bà chúa ở Hants. Cái tên đáng kính này còn được ghi suốt trong một thời gian hàng mấy chục năm liền trong cuốn danh bạ của Quốc hội, cạnh tên nhiều vị tai mắt khác thay phiên nhau ngồi đại diện cho nhân dân các đơn vị bầu cử.

Về lai lịch đơn vị bầu cử Crawley Bà chúa, thiên hạ đồn rằng Nữ hoàng Elizabeth có dừng lại dùng bữa sáng tại trại Crawley, nhân một buổi ngư chơi qua tỉnh. Ngài Crawley thời đó, một nhà quý tộc bảnh trai, có bộ râu rất đẹp và cặp giò khá xinh, có dâng Bà chúa một thứ rượu bia Hampshire rất ngon. Nữ hoàng rất hài lòng, lập tức nâng trại Crawley lên hàng một đơn vị bầu cử, được quyền có hai đại biểu thay mặt trong Quốc hội. Thế là từ buổi thăm viếng lịch sử đó, trại này mang cái tên Crawley Bà Chúa cho mãi đến ngày nay. Và thời gian trôi qua, đưa đến bao đổi thay cho những quốc gia, những thành thị, những tỉnh lỵ cho nên Crawley Bà chúa không còn đông đúc dân cư như hồi sinh thời bà chúa Bess () nữa…đơn vị bầu cử này đã lâm vào tình trạng người ta thường mệnh danh là điêu tàn…tuy vậy, tôn ông Pitt Crawley cũng vẫn nói một cách rất đúng lý, theo lối nói lịch sự của ông ta rằng: “Điêu tàn? Mẹ kiếp…nhờ nó, hàng năm tôi còn kiếm được một nghìn năm trăm đồng đấy ạ”.

Tôn ông Pitt Crawley (đặt theo tên vị đại biểu Quốc hội lừng danh) là con trai của nam tước Walpole Crawley. Hồi đang tòng sự tại văn phòng cơ mật dưới triều hoàng đế George đệ nhị, ngài bị truy tố về tội thụt két, cũng như một số lớn các vị tai mắt lương thiện thời ấy. Cũng không cần phải nói thêm rằng Walpole Crawley là con trai John Churchill Crawley đặt theo tên vị chỉ huy quân đội đanh tiếng lẫy lừng dưới triều nữ hoàng Anh. Trên cành cây gia phả treo ở trong phòng danh dự tại trại Crawley Bà chúa còn thấy tên Charles Stuart, sau lại có tên là Crawley Lẻo-khoẻo, con trai của cụ Crawley, sống vào thời Hoàng đế James đệ nhất; và cuối cùng là tôn ông Crawley thời nữ hoàng Elizabeth được nêu đứng hàng đầu, mặc đủ giáp trụ lại có cả bộ râu ba chòm. Như lệ thường, người ta vẽ một cái cây từ trong bộ áo chèn nhô ra; trên những cành lớn có ghi những tên quan trọng vừa kể trên. Sát kề tên tôn ông Pitt Crawley nam tước (tức là nhân vật trong tập ký ức này), có tên người em là Bute Crawley (hồi đức cha mới sinh, thì ngài nghị sĩ quốc hội đã bị thất sủng rồi) đức cha cai quản giáo đường Crawley Snailby, cùng nhiều tên đàn ông đàn bà khác trong họ Crawley. Mới đầu tôn ông Pitt lấy vợ là cô Grizzel, con gái thứ sáu của nhà quý tộc Mungo Binkie, em họ ngài Dundas. Người vợ này đẻ được hai đứa con trai, là Pitt (đặt tên theo ý đức cha con trời hơn là theo ý ông bố) và Rawdon Crawley, theo tên người bạn của hoàng tử xứ Wales mà hoàng đế George đệ tứ hoàn toàn quên bẵng mất. Vợ chết được một thời gian khá lâu, tôn ông Pitt mới dẫn cô Rosa đến bàn thờ Chúa làm lễ cưới. Cô là con gái ông Dawson ở Mudbury; cô ăn ở với chồng, sinh được hai người con gái, tức là hai cô học trò cô Rebecca lĩnh trách nhiệm dạy bảo bây giờ; ta coi đó đủ biết cô thiếu nữ này đang bước vào một gia đình danh giá, và sắp sửa tiếp xúc với một xã hội còn có tính chất thượng lưu hơn nhiều, so với cái gia đình tầm thường ở Công viên Russell mà cô vừa từ giã. Rebecca tiếp được giấy mời đến nhận việc, viết trên một mảnh phong bì cũ, gồm mấy dòng chữ như sau:

Tôn ông Pitt Crawley yêu cầu cô Sharp phải đem hành lý có mặt tại đây hôm thứ ba, hôm đó tôi về trại Crawley Bà chúa sớm.

Phố Great Gaunt

Chưa bao giờ Rebecca được gặp một vị nam tước. Sau lúc từ biệt Amelia, khi đã đếm cẩn thận số ghi-nê ông Sedley bỏ trong cái túi biếu mình, cô lấy một cái khăn tay chấm khô nước mắt (cô chờ khi chiếc xe ngựa đã đi khuất ở góc phố mới thôi lau nước mắt). Theo sự hiểu biết của mình, Rebecca bắt đầu phác ra trong trí tưởng tượng hình ảnh một vị nam tước. Cô nghĩ thầm: “Không biết ông ta có đeo một ngôi sao không nhỉ” Hay là chỉ có các bá tước mới được đeo sao? Nhưng chắc ông ta phải mặc một bộ áo chầu thật đẹp, có tua hoa, hơi rắc phấn trên tóc, giống như ông Wroughton ở công viên Covent. Có thể ông ta rất kiêu kỳ; mình sẽ bị đối xử một cách miệt thị. Thôi thì cũng đành nhẫn nhục mà chịu đựng số phận hẩm hiu vậy...ít nhất, mình cũng sẽ được sống cùng những người danh giá, không phải là cái bọn thị dân tầm thường. Cô bỗng nhớ lại những người bạn của mình ở công viên Rusell với ý nghĩ triết lý chua cay kia, giống như con chó sói nghĩ về giàn nho trong một câu chuyện ngụ ngôn cũ vậy.

Chiếc xe đã đi qua công viên Gaunt, và bắt đầu đi vào phố Great Gaunt; cuối cùng xe dừng lại trước một căn nhà đồ sộ âm u, đứng giữa hai căn nhà cũng đồ sộ và âm u; trước mỗi căn nhà này đều có treo một bộ huy hiệu quý tộc mé trên cửa sổ phòng khách.

Nhà cửa ở phố Great Gaunt bao giờ cũng âm u như vậy.

Cửa sổ tầng dưới tòa nhà của tôn ông Pitt đều đóng kín mít; chỉ có mé cửa phòng ăn là hơi hé mở; rèm che được bọc bằng giấy báo cũ rất cẩn thận. Thằng hầu John một mình đánh xe cho Rebecca, không thèm bước xuống giật chuông.

Hắn nhờ một thằng bé bán sữa đi qua làm hộ mình công việc ấy. Tiếng chuông réo lên, có một cái đầu từ trong khe cửa sổ phòng ăn thò ra. Một người ra mở cửa; người này mặc quần áo màu nâu nhạt, khoác một tấm áo ngoài cũ bẩn, một chiếc khăn cũ rích, bẩn thỉu quấn xung quanh cái cổ lông lá của hắn; trán hói bóng; mặt đỏ; đôi mắt sáng nhấp nháy; cái mồm lúc nào cũng hơi nhe răng ra như đang cười.

John cứ ngồi yên trên xe, hỏi sõng:

- Đây là nhà tôn ông Pitt Crawley, hả?

Người đứng ở cửa sổ gật đầu đáp:

- Phải.

John bảo:

- Thế thì bỏ mấy cái va-ly xuống.

Người gác cửa đáp:

- Anh bỏ xuống lấy chứ.

- Anh không thấy tôi bận giữ ngựa à? Này, anh bạn, lại đây giúp một tay, rồi cô đây sẽ cho tiền uống bia.

John vừa nói vừa cười như ngựa hý; bây giờ quan hệ giữa Rebecca và gia đình Sedley đã hết, hắn không coi trọng cô ta nữa, và cũng vì lúc ra đi, cô ta không cho bọn đầy tớ đồng xu nào.

Người hói trán bỏ hai tay đút trong túi quần ra, bước xuống đường, xốc cái va-ly của cô Sharp lên vai, vác vào trong nhà. Cô Sharp nói:

- Cầm hộ cái làn và cái khăn san, rồi mở cửa xe ra.

Cô ta xuống xe, có vẻ tức giận, bảo thằng hầu:

- Tôi sẽ viết thư kể cho cụ Sedley biết anh hỗn vời tôi thế nao.

Tên hầu đáp:

- Ấy chớ. Tôi mong rằng cô không bỏ quên cái gì chứ? Mấy cái áo của cô Amelia, cô đã đem theo đủ chưa?...Chị hầu của cụ bà suýt nữa thì được hưởng. Chúc cô mặc vừa xinh. Này Jim, đóng cửa xe lại, bác đừng có tưởng bở - vừa nói John vừa chìa ngón tay cái về phía cô Sharp - cô ta đá lắm, đá lắm. Đoạn thằng hầu của ông Sedley đánh xe đi. Sự thực hắn là nhân tình của chị hầu gái vừa nói trên; thấy người yêu bị nẫng tay trên mất món đồ, hắn lấy làm uất lắm.

Người đi ghệt bảo Rebecca vào trong phòng ăn; cô thấy căn phòng này trang hoàng không được vui mắt như những căn phòng ăn của các gia đình sang trọng ở thôn quê. Hình như những căn phòng này cũng biết trung thành với chủ, thấy chủ vắng nhà cũng biết ủ dột, âu sầu. Tấm thảm Thổ-nhĩ-kỳ được cuốn gọn, nằm rầu rĩ bên cạnh chiếc tủ chè; những bức tranh trên tường cũng giấu mặt sau những tờ giấy cũ màu nâu bọc ngoài; ngọn đèn treo trên trần cũng được bưng kín trong một cái túi vải Hà-lan màu nâu, trông đến sợ. Riềm cửa sổ thì ẩn mình dưới đủ mọi thứ giấy bọc tồi tàn. Chiếc tượng bán thân bằng đá cẩm thạch tạc hình ngài Walpole Crawley từ trong một góc tối đang chăm chú ngó xuống sàn nhà trơ trọi và đôi que cời than lau dầu cẩn thận; trong chiếc khay đựng danh thiếp nằm trên mặt lò sưởi cũng chẳng có gì. Chiếc tủ chè đứng trốn đằng sau cuộn thảm; dọc theo mặt tường, một hàng ghế nằm úp vào nhau chổng vó lên trần nhà. Đối diện với pho tượng, trong một xó tối, có một chiếc tủ đựng thìa đĩa trông cổ lỗ, tồi tàn, khoá chặt, kê trên một cái bàn nước.

Tuy nhiên, cạnh chiếc lò sưởi cũng có một cái bàn tròn, hai chiếc ghế làm bếp; một bộ que cời than cũ kỹ, và trên ngọn lửa cháy lom đom có đặt một cái chảo. Trên bàn bày một miếng bánh phết bơ, đặt cạnh một cây đèn bằng sắt tây; một chai rượu bia đen nhỏ nằm trong cái thùng đựng rượu bên cạnh.

- Cô ăn cơm rồi chứ? Đối với cô món ăn thế này chắc nguội quá. Cô có muốn uống một chút bia không?

Cô Sharp đường hoàng hỏi:

- Tôn ông Pitt Crawley đâu?

- Hi hi! Chính tôi là tôn ông Pitt Crawley đây. Nhớ rằng cô còn nợ tôi một cốc rượu, công vác cái va-ly hộ cô đấy. Hi hi! Hỏi Tinker xem có đúng không nào. Xin giới thiệu: Bà Tinker; đây: cô Sharp. Cô đây là cô giáo dạy trẻ; bà đây là người làm công nhật.

- Hô hô!

Người đàn bà được giới thiệu là bà Tinker lúc này mới bước ra, tay cầm một chiếc tẩu và một tập giấy thuốc lá: cụ Pitt sai bà ta đi lấy những thứ ấy một phút trước khi Sharp bước vào. Bà này đưa cho cụ Pitt, cụ đã ngồi xuống chiếc ghế cạnh lò sưởi, nói:

- Còn tiền lẻ đâu? Tôi đưa cho mụ ba xu rưỡi cơ mà? Còn tiền lẻ đâu,mụ Tinker?

Mụ Tinker ném đồng trinh xuống bàn:

- Đây! Chỉ có các vị nam tước mới chi ly từng trinh như thế thôi chứ.

Ông đại biểu của dân đáp:

- Mỗi ngày một đồng kẽm, một năm thành bảy si-linh. Bảy si-linh một năm tức là bằng tiền lời của bảy ghi-nê. Này, mụ Tinker, hãy để dành cẩn thận những đồng kẽm của mụ, thế nào cũng sinh sôi nảy nở thành vô khối ghi-nê cho coi.

Mụ Tikơ càu nhàu nói:

- Này cô ơi, cô có thể yên trí rằng đây chính thực là tôn ông Pitt Crawley đấy, bởi vì cụ ấy so kè từng đồng kẽm một. Rồi cô sẽ hiểu rõ cụ ấy ngay thôi, không lâu dài.

Lão già quý tộc nói gần như với một vẻ lễ độ:

- Cô Sharp ơi, mà đừng có ghét tôi vì thế nhé. Tôi cần phải công bằng, trước khi có thể hào phóng.

Mụ Tinker vẫn làu nhàu: .

- Suốt đời cụ ấy có bao giờ chịu rời đồng kẽm nào ra đâu.

- Không bao giờ, không bao giờ; thế thì trái với nguyên tắc xử thế của tôi mất. Tinker, nếu mụ cũng muốn thì đi lấy thêm một cái ghế trong bếp ra đây, ta đi ăn thôi.

Đoạn ngài nam tước thò một cái nĩa vào trong chảo, xiên một miếng dạ dày bò và một củ hành lôi ra; lão cắt làm hai phần thật đều; lão với mụ Tinker, mỗi người một phần.

- Cô Sharp có hiểu không, khi nào tôi đi vắng, thì mụ Tinker lấy tiền công; khi nào tôi về tỉnh thì mụ ăn với tôi. Hô, hô, may quá; cô Sharp lại không đói; phải không Tinker?

Đoạn cả hai cúi xuống dùng nốt bữa ăn thanh đạm. Ăn xong, tôn ông Pitt Crawley bắt đầu hút tẩu thuốc; khi trời đã tối mịt, lão mới thắp cây nến cắm trên cái chân đèn bằng sắt tây lên, rồi móc trong cái túi kếch xù ra một nắm giấy má to tướng bắt đầu đọc, đoạn xếp thứ tự lại.

- Cô em ạ. Tôi về đây có việc pháp luật. Vì vậy ngày mai ngẫu nhiên mới may mắn được có một người bạn đồng hành xinh đẹp thế này chứ.

- Cụ ấy lúc nào mà chẳng bận việc pháp luật.

Mụ Tikơn vừa nói vừa nhấc cái thùng đựng chai rượu bia lên.

Lão nam tước bảo:

- Uống đi, cứ uống đi. Phải, cô em ạ, mụ Tinker nói đúng lắm. Tôi đã bại mà cũng đã thắng trong nhiều vụ tranh chấp về pháp luật, nhiều vô kể. Rồi cô xem vụ Crawley nam tước kiện Snaffle kết cục ra sao. Tôi sẽ cho hắn chết mất ngáp, nếu không tôi không phải là thằng Pitt Crawley.

Lại còn vụ Podder cùng một người khác kiện Crawley nam tước, rồi vụ Kiểm soát viện ở Snaily cũng kiện Crawley nam tước. Chúng không thể chứng minh đấy là đất công. Tôi thách bọn chúng đấy; đất này là của tôi. Nó không còn thuộc quyền sở hữu của thị trấn này y như nó không phải là của cô hay của mụ Tinker vậy. Dầu có tốn đến hàng nghìn ghi-nê, tôi cũng phải đánh bại chúng kỳ được. Coi giấy má đây này, cô em; cô muốn xem không? Cứ xem đi. Cô viết chữ có đẹp không? Bao giờ về Crawley Bà chúa, cô sẽ giúp tôi được nhiều việc đấy; cứ yên trí, cô Sharp ạ. Bây giờ mụ góa ấy chết rồi, tôi cần một người giúp việc.

Tinker chêm vào:

- Mụ ấy tồi chẳng kém gì ông chủ. Mụ bóp hầu bóp cổ bọn cung cấp hàng. Trong có bốn năm, thay tới bốn mươi tám lần người làm.

Lão nam tước chỉ đáp:

- Bà ấy rất tần tiện, tần tiện lắm. Nhưng bà ấy đối với tôi cũng quý báu lắm, đỡ được cho tôi một người quản gia nữa.

Và cô gái mới đến rất thú vị thấy câu chuyện cứ cái đà thân mật như vậy mà tiếp tục một hồi lâu. Không biết tính tình cụ Pitt Crawley tốt hay xấu. Nhưng có điều lão tỏ ra không hề muốn giấu giếm điều gì. Lão luôn luôn nói chuyện về mình, khi thì dùng cả cái giọng thô bỉ tục tằn nhất của vùng Hampshire, có lúc lại dùng lối ăn nói lịch sự của người quen xã giao. Lão dặn cô Sharp năm giờ sáng hôm sau phải chuẩn bị sẵn sàng, rồi chúc cô ta ngon giấc.

Lão bảo:

- Đêm nay, cô ngủ với mụ Tinker. Giường rộng lắm, hai người nằm cũng vừa. Crawley phu nhân đã chết trên giường ấy đấy Chúc cô yên giấc.

Nói xong, lão Pitt đi ngủ. Mụ Tinker trịnh trọng cầm cây nến, dẫn Rebecca trèo lên những bậc thang gác lạnh lẽo, xây bằng đá, đi qua những khung cửa lớn của một căn phòng khách lạnh lẽo; những tay nắm trên những cánh cửa trong gian phòng này cũng đều bọc giấy kín; cuối cùng hai người đi đến phòng ngủ, nơi Crawley phu nhân trước kia đã ngủ giấc ngủ cuối cùng của đời bà. Các bạn có thể tưởng tượng được căn phòng trông tối tăm và tang tóc thế nào, không những vì Crawley phu nhân đã chết ở đó mà còn vì hồn ma của bà ta hình như vẫn còn quanh quất đâu đây. Thế mà Rebecca cứ chạy đây chạy đó trong phòng, tự nhiên thoải mái như không; cô ta ngó vào trong những chiếc tủ áo đồ sộ, những chiếc tủ chè, rồi lại kéo thử những ngăn kéo đã khóa chặt. Trong khi mụ làm công cầu kinh, cô ta lại quay ra ngắm nghía những bức tranh rầu rĩ và những đồ trang điểm.

Mụ gái già nói:

- Tôi chẳng thể nào nằm ngủ trên cái giường kia nếu chưa cầu kinh cho linh hồn thật nhẹ nhàng.

Rebecca đáp:

Giường rộng lắm, đủ chỗ cho cả bà và tôi cùng nửa tá ma quỷ nữa đấy. Bà Tinker thân mến ơi, bà kể cho tôi nghe về Crawley phu nhân, về tôn ông Crawley, và tất cả mọi người trong gia đình đi.

Nhưng cô ả tò mò cũng không nịnh khéo được mụ Tinker.

Mụ bảo cô ta rằng giường là nơi để ngủ, không phải là chỗ nói chuyện, rồi nằm xuống ngáy như kéo gỗ, chỉ có những người vô tội mới ngáy to được đến thế. Rebecca thì cứ trằn trọc mãi, không sao ngủ được; cô nghĩ đến ngày hôm sau, cô nghĩ đến cuộc đời mới sắp bước chân vào, và những sự may mắn có thể gặp được trong cuộc đời ấy. Trên cây đèn, ngọn nến cháy vật vờ. Bóng đen của chiếc lò sưởi phủ kín một nửa chiếc khung thêu cũ kỹ mủn nát mà Crawley phu nhân trước kia vẫn dùng, chắc hẳn thế, và che lấp cả bức tranh gia đình nhỏ vẽ mấy đứa trẻ, một đứa mặc quần áo học sinh, đứa kia mặc một tấm áo chèn đỏ theo kiểu nhà binh. Lúc sắp ngủ, Rebecca quyết định đến đêm sẽ nằm mơ thấy thằng bé con ấy.

Bốn giờ sáng hôm sau, một buổi sáng mùa hạ rực hồng khiến cho cái bộ mặt vốn rầu rĩ của phố Great Gaunt cũng phải trở thành tươi tắn, mụ Tinker trung thành đánh thức người bạn cùng giường dậy, bảo cô ta sửa soạn đi là vừa.

Mụ tháo then, mở khóa cửa lớn ngoài căn phòng chính (tiếng lách cách, xủng xoảng làm cho những tiếng động còn ngái ngủ của dẫy phố phải choàng giật mình); đoạn mụ bước ra phố, đi về phía Đại lộ Oxford gọi một cái xe ngựa. Chẳng cần phải chú ý lắm đến số xe cũng không cần biết rằng bác xà-ích từ sớm tinh mơ đã giong xe đi loanh quanh phố Swallow, hy vọng một cậu công tử nào từ tiệm rượu lảo đảo về nhà, hẳn phải nhờ đến tay bác và đang lúc say sưa, chắc thế nào cũng trả công hậu hĩnh.

Và cũng chẳng cần nói thêm rằng, nếu thật bác xà ích đang nuôi hy vọng nói trên, thì bác đã thất vọng một cách thảm hại; vì ngài nam tước đáng kính của chúng ta thuê bác giong xe cho mình về khu City đã nhất định không chịu trả đắt hơn một xu.

Bác Jehu tha hồ van xin rồi gắt gỏng, vô ích; bác ta bèn quẳng mấy cái hộp của cô Sharp xuống cạnh cổng, tuyên bố rằng bác sẽ kiện tại tòa để đòi thêm tiền. Một bác xà ích khác xen vào:

- Thôi, tốt hơn là cứ đi đi. Cụ Pitt Crawley đấy.

Lão nam tước kêu lên tán thành:

- Đúng thế, bác Joe ạ. Tôi muốn xem đứa nào làm gì tôi tốt nào.

- Tôi cũng thế.

Joe nhăn nhó đáp, đoạn mang hành lý của lão nam tước chất lên nóc xe.

Lão nghị sĩ quốc hội bảo người xà ích:

- Dành cho tôi chỗ ngồi đằng trước đấy, nhà lãnh đạo ạ.

- Bẩm cụ, vâng.

Bác xà ích vừa đáp vừa giơ tay lên vành mũ, tuy trong thâm tâm tưởng phát điên lên được (bác đã nhận lời dành chỗ ngồi ấy cho một cậu công tử trẻ tuổi sinh viên trường đại học Cambridge, đang hy vọng thế nào cũng được một đồng cơrao); bác xếp cho cô Sharp một chỗ mé sau trong chiếc xe có thể nói sẽ đưa cô ta đi vào một cuộc đời mới rộng lớn.

Anh chàng trẻ tuổi ở Cambridge vắt năm cái áo của mình lên thành xe phía trước; anh ta cáu quá, nhưng thấy Rebecca chui ra khỏi xe, trèo lên ngồi cạnh thì cơn bực mình của anh ta biến đi ngay…Anh ta lấy một tấm áo choàng kiểu Benjamin của mình phủ lên vai cô thiếu nữ, và từ lúc đó anh trở nên rất vui tính…một ông sang trọng bị bệnh suyễn, và một bà vẻ mặt khó đăm đăm cứ lấy danh dự thiêng liêng của bà ra mà thề mãi rằng xưa nay chưa hề đi đâu bằng xe thuê bao giờ (bao giờ đi xe ngựa thuê mà chả gặp một bà như thế, than ôi, bây giờ xe ngựa đâu cả rồi?). Lại có một bà goá béo ụt ịt tay cầm một chai rượu mạnh cùng hai người kia trèo lên xe ngồi vào ghế…Anh coi cửa đòi tiền; ông sang trọng cho sáu xu, bà goá cho năm đồng trinh nhờn nhờn như dính mỡ...cuối cùng, chiếc xe ngựa chuyển bánh...lúc thì chạy dọc theo những con đường tối tăm của khu Aldersgate, lúc thì đi ngang qua nhà thờ St. Paul có cái vòm mái màu xanh, rồi nhanh nhẹn chui qua cổng Fleet Market; chiếc cổng này cùng khu Hội chợ bây giờ đã lui vào bóng tối của dĩ vãng rồi. Một lúc sau xe chạy qua hiệu “Con gấu trắng” ở Piccadilly; sương sớm từ những khu vườn chợ ở Knightsbridge tỏa lên mờ mịt, rồi lại đi qua Turnhamgreen, Brentwood, Bagshot...ta chẳng cần nhắc lại làm gì. Nhưng ngày xưa, kẻ viết những dòng này cũng đã có dịp qua cùng một con đường, trong cùng một thời tiết sáng sủa như trong chuyện, không thể nào nghĩ lại mà không cảm thấy đôi chút ngậm ngùi nhớ tiếc một cách êm đềm. Con đường và những chuyện vặt xảy ra hàng ngày của nó còn đâu nữa. Còn đâu nữa những Chelsea hay Greenwich và những bác xà ích thực thà mũi đỏ như cà chua? Không biết những anh chàng tốt bụng ấy bây giờ đâu cả rồi? Anh chàng Wenller còn sống hay đã chết rồi? Và cả những quán rượu, cả những người hầu bàn dọn ăn trong đó, những khoanh thịt bò nguội cả cái anh bồi ngựa lùn tè có cái mũi tái xanh, xách cái thùng nước kêu lanh canh, bây giờ anh ta ở đâu, hoặc con cháu anh ta ở đâu? Đối với những thiên tài lớn hiện nay đang còn quấn tã- những người sẽ viết truyện cho con cháu yêu quý của các vị độc giả coi thì những nhân vật và sự việc trên đây sẽ có tính chất truyền kỳ chẳng khác gì chuyện Nineveh, hoặc Sư tử tâm () hoặc Jack Sheppard. Đối với họ, chuyến xe ngựa sẽ thành tiểu thuyết…chuyện một bày bốn con ngựa lồng cũng ly kỳ như chuyện Bucephalus hay chuyện Bess Hắc-y.

Gớm, lông ngựa bóng nhẫy; mấy anh bồi ngựa cất áo ngắn đi; thế là ngựa đi, thế ngựa phi nước đại; chao ôi, đuôi chúng cứ vẫy tít lên, lúc đến trạm nghỉ; mấy con ngựa yên lặng đi vào trong sân quán rượu, lưng bốc hơi. Than ôi? Còn bao giờ chúng ta được nghe tiếng xà ích rúc còi lúc nửa đêm, và được trông thấy cánh cổng ghép bằng gỗ vát nhọn mở tung ra nữa? Thôi, chúng ta cũng chẳng nên nghĩ ngợi lan man nữa, hãy đến Crawley Bà chúa xem cô Rebecca làm ăn ra sao?