Hư Ảo Một Cuộc Tình

Chương 5




Khởi Hiên cứ hình dung bi kịch như một đáy giếng. Điều đó thật lạ lùng.

Bởi vì những bi kịch xảy ra trong mấy đời qua ở giòng họ Kha hình như đều có liên quan đến đáy giếng. Và định mệnh đã nhấn chìm người họ Kha ở đấy khá nhiều.

Đó là miệng giếng nằm sâu trong rừng thông phía sau ngôi nhà cổ của giòng họ Kha có tên là Lạc Nguyệt Hiên.

Và nỗi bất hạnh bắt đầu, trước Khởi Hiên năm đời. Lúc đó còn nhiều Mãn Thanh. Nhà họ Kha bấy giờ làm nghề buôn bán nên rất giàu có. Ông tổ của Khởi Hiên, thê thiếp đầy đàn. Trong số những thê thiếp kia, có một người thiếp trẻ đẹp nhất được cố tổ của Khởi Hiên quý nhất lại tư thông với một tú tài ở Hàn Tùng Viên. Chuyện sau đó bại lộ. Người thiếp kia không còn cách nào khác hơn là nhảy giếng tự tử. Còn ông tú tài cũng ngay đêm đó đã treo cổ tự sát ở thư trai, từ đó... Hàn Tùng Viên ít được người lui tới vì tin đồn có bóng ma xuất hiện thường xuyên.

Rồi thế hệ tiếp của nhà họ Kha. Một bi kịch khác lại xảy ra. Vị chủ nhân của Kha phủ lần này cũng có một người thiếp xinh đẹp, nhưng cạnh đó lại có một bà vợ chánh khá hoạn thư... Thế là... với uy lực của bà vợ chánh... Người thiếp này mặc dù được ông yêu quý... Vẫn không chịu nổi sự khắc nghiệt của hoạn thư và một ngày kia... Vì không chịu nổi nữa, đã chọn miệng giếng kia làm chỗ giải thoát kiếp hồng trần.

Vậy là qua hai đời, đã có ba nỗi oan nghiệt. Hàn Tùng Viện càng bí ẩn âm u hơn với huyền thoại về các vong hồn. Nhưng bi kịch không dừng lại đấy. Đời kế tiếp, tức là khi Kha lão phu nhân thừa kế vai chủ mẫu của Kha phủ, thì một a đầu trong nhà có tên là Phường Cô, không hiểu vì một lý do gì lại định nhảy xuống giếng. May là người nhà hay và ngăn chặn lại kịp. Tai nạn đã không xảy ra.

Nhưng câu chuyện rõ là ly kỳ. Bởi vì trước đó ai cũng biết Phường Cô là một cô bé hiền lành, ngoan ngoãn lại xinh đẹp. Thế mà hôm định mệnh nhảy xuống giếng. Nó lại tóc tai rối bù, mắt đỏ ngầu hung dữ. Người ta nói Phường Cô bị quỷ ám, xúi dục phải thế thân... Sau cái sự việc trên xảy ra... Phường Cô cũng bỏ đi mất. Đi đâu thì chẳng ai rõ. Mãi đến bây giờ, nói vẫn còn là một cái dấu hỏi...

Lúc chuyện Phường Cô xảy ra. Cũng là lúc ông Kha Sĩ Bằng kết thúc chuyến buôn bán ở Bắc Kinh và trên đường trở về quê nhà. Trên đường đi lại xảy ra cái chuyện đáng tiếc liên hệ đến gia đình họ Viên. Và thế là bi kịch thứ tư xảy ra ở đời thứ bốn. Như vậy bi kịch phải chăng mãi đeo theo với giòng họ Kha?

Sự trùng hợp nhiều lúc khiến người không tin cũng phải nghi ngờ. Và để tin đồn xấu không còn. Gia đình họ Kha đã cho lấp chiếc giếng oan nghiệt kia lại. Họ cũng rời bỏ Hàn Tùng Viên sang xây nhà nơi khác. Họ mong mỏi mọi thứ rồi sẽ chấm dứt.

Nhưng tất cả đã chấm dứt chưa?

Mười mấy năm qua, tin đồn về những hồn ma bên chiếc giếng cổ nó theo năm tháng nhạt dần. Không ai đề cập đến. Người ta cũng không còn tò mò léo hánh đến Hàn Tùng Viên. Nơi đấy bây giờ đã trở thành một nơi hoang phế, tường long ngói đổ, cỏ mọc cao hơn đầu người. Nơi trú ngụ của thú hoang, rắn độc, hoa dại.

Mọi người cố ý muốn quên lãng nó.

Vậy mà chiều hôm ấy, khi từ làng của Lạc Mai trở về Vụ Sơn, lúc đi ngang qua Hàn Tùng Viên, Khởi Hiên bất chợt đụng phải một người con gái. Nói cho chính xác hơn là chàng đã va xe vào người cô ta.

Vâng. Khi Khởi Hiên đạp xe qua, với một tâm trạng bất an, trời vừa sụp tối, trăng tối trăng sáng. Khởi Hiên không rõ làm sao để đụng vào xe vào cô gái bên vệ đường, một cuộc đụng ngoài ý muốn.

Khi Khởi Hiên phát hiện mình đã đụng ngã người. Chàng hốt hoảng nhảy xuống xe, đỡ cô gái dậy.

- Xin lỗi! Xin lỗi! cô có bị thương ở nơi nào không? Cô gái như sợ bị Khởi Hiên chạm đến người né tránh. Cô ta ngồi bệt xuống đất lấy tay xoa xoa đầu gối. Mắt thì hướng về hướng về phía tòa nhà nhện giăng, cỏ mọc khuất cả lối đi. Cô ta không trả lời thẳng câu hỏi của Khởi Hiên. Chỉ nói như lẩm bẩm cho một mình nghe.

- Hàn Tùng Viên như thế này sao? Từ xa đến đây tìm nó. Lại thất vọng, sao lại hoang phế chẳng có ai ở thế này?

Khởi Hiên nghe giật mình, chàng nhìn xuống, dưới ánh trăng không sáng lắm. Khởi Hiên cũng nhận ra cái nét mệt mỏi, tiều tụy của cô ta, trên người còn quẩy một túi vải, chứng tỏ là người từ phương xa đến. Quần áo đang mặc là vải thô hơi lam lũ một chút, có lẽ là con nhà nghèo. Cô gái có đôi bím dài. Nhưng bụi đường không che khuất nét thanh tú, thông minh.

Khởi Hiên tò mò.

- Cô bảo là... Cô từ phương xa đến... Nhưng cô tìm đến Hàn Tùng Viên làm gì? Có quen biết gì với những người ở đây không?

Cô gái ngượng ngùng nhìn Khởi Hiên, rồi lắc đầu nói.

- Tôi không quen ai ở đây cả. Nhưng nghe người ta đồn là nhà họ Kha ở làng Vụ Sơn là một nhà buôn muối lớn, lại nghe nói họ có cả một tòa nhà thật to có tên gọi là Hàn Tùng Viên... Nên tôi đến đây... bởi vì...

Cô gái ngừng lại, cắn nhẹ môi, rồi tiếp tục.

- Bởi vì tôi... cũng muốn hỏi họ xem... Họ có cần mướn đầy tớ không?

Khởi Hiên chợt “À” một tiếng. Chàng nhìn cô gái đồng cảm.

- Nhưng... Cô đến đây chỉ có một mình ư?

Cô gái gật đầu. Nét mặt hơi nhăn lại. Có vẻ vết thương ban nãy ở chân làm cô ta đau. Khởi Hiên nhìn xuống, hỏi:

- Bị chấn thương nhiều không? Chắc là đau lắm?

- Không sao đâu! Cũng không đến nỗi nào.

Cô gái vội nói, ngưng lại một chút, hướng mắt về phía tấm biển phía trên đôi cánh cửa có gài then ngang, thắc mắc. Cô gái nói với một chút hoang mang:

- Anh làm ơn cho biết. Đây có đúng là Hàn Tùng Viên không? Tôi thấy tấm biển trên cổng có đề chữ, nhưng vì tôi học ít quá, nên chỉ nhận ra được chủ “Tùng “ ở chính giữa, còn hai cái chữ kia thì không biết. Hay là tôi đã nhầm? có thể đây chưa phải làng Vụ Sơn...

Khởi Hiên vội xác nhận

- Cô đến đúng chỗ không nhầm đâu... Ngôi nhà này đúng là Hàn Tùng Viên, có điều người nhà họ Kha không còn ở đây nữa. Họ dọn khỏi đây từ mười năm trước.

Cô gái tròn mắt. Có vẻ thất vọng.

- Họ đã không còn ở đây à? mười năm rồi?

Khởi Hiên nói:

- Sao cô lại căng thẳng như vậy? Họ dọn đi, nhưng ở cách đây không xa lắm. Này nhé! Ở đây là đầu thôn... Cô đi thêm đến cuối thôn sẽ gặp nhà họ.

Cô gái ngước lên nhìn Khởi Hiên, rồi hỏi.

- Hình như anh cũng bị thương phải không?

Khởi Hiên ngơ ngác:

- Đâu có?

Cô gái chỉ cái vết bầm trên má phải của Khởi Hiên, bấy giờ Khởi Hiên mới hiểu vội đính chính.

- Không phải, không phải... Cái vết này là do ngày qua lúc sơ ý tôi bị chấn thương.

Cô gái gật đầu.

- Nếu không phải vì tôi mà anh bị thương là được rồi.

Sự thật thà, chân chất của cô gái làm Khởi Hiên cảm động. Chàng sốt sắng hỏi.

- Cô ở đâu đến đây vậy?

- Dạ làng Nam Bình.

Khởi Hiên suy nghĩ, rồi như phát hiện ra.

- Ồ... ở đấy cách hơn ba mươi cây số lận mà? xa lắm!

- Tôi cũng không biết là bao nhiêu cây. Chỉ biết là đi từ trời vừa tờ mờ sáng và mãi ban nãy mới đến đây.

Cô gái nói và lại nhìn lên tấm biển, trên cổng cười nhẹ:

- Tìm được đúng chỗ không lạc đường là hay lắm rồi, mặc dù chỉ là ngôi nhà hoang...

Khởi Hiên thắc mắc:

- Làm sao cha mẹ cô lại yên tâm để cô một mình đi xa như vậy? Con gái lớn, lạ đất lạ người... Cô khôang sợ thấy thế này là mạo hiểm ư? Mà cô có thân nhân ở đây không? Tối nay cô ngủ ở đâu chứ?

Cô gái nhìn xuống:

- Tôi chỉ có một mình, chẳng có thân nhân nào hết, cha thì chết sớm, còn mẹ...

Cô gái ngưng lại, hình như cô ta thút thít:

- Mẹ tôi thì cũng qua đời mấy tháng trước, may là có bà thiếm bên cạnh nhà tốt bụng để tôi giúp việc nhà, cho tôi ăn cơm, nhưng mà không lẽ tôi lại cứ làm phiền người ta mãi? Nên sau đó nghe nói nhà họ Kha ở Vụ Sơn này cần người, nên tôi đến thử thời vận xem.

Khởi Hiên nhìn cô gái với nụ cười cởi mở:

- Vậy thì thời vận cô cũng chưa đến đỗi nào. Khi cô đã gặp tôi!

Rồi Khởi Hiên dựng chiếc xe đạp lên, bảo cô gái:

- Nào lên yên sau đi, tôi sẽ đưa cô về nhà tôi!

Cô gái giật mình:

- Tới... Tới nhà của anh làm gì?

- Làm gì ư? Sao ban nãy cô bảo cô là muốn đến nhà họ Kha? Tôi đây này? Tôi chính là người nhà họ Kha. Cô biết tôi là ai không? Nhị thiếu gia đấy nhé! Còn cô? cô tên là họ là gì?

Cô gái ngập ngừng một chút, rồi đáp.

- Tôi họ Phương tên là Tử Yên. Tử là màu tím, Yên là khói.

Khởi Hiên cười ý nhị:

- Được rồi, Này cô Tử Yên... Chuyện cô muốn được làm ở nhà tôi thì... Còn phải hỏi ý kiến nội tôi, nhưng điều đó cô cũng đừng ngại... Tôi sẽ nói giúp cho cô...

Cô gái xúc động nói:

- Cám ơn nhị thiếu gia! Thiếu gia đúng là biết thương người.

Và cô gái rất tự nhiên lên yên sau xe đạp, để Khởi Hiên chở về nhà. Lúc Khởi Hiên động xe. Khởi Hiên chợt có một cảm giác lạ... Cô gái như chẳng hề xa lạ lắm với Hàn Tùng Viên. Bởi vì ánh mắt của cô ta... Khởi Hiên đã nhìn thấy trong ấy một chút gì lưu luyến... Nhưng Khởi Hiên cũng không bận tâm lâu về chuyện đó lâu. Bởi vì... sau những rối lọan bất ngờ. Khởi Hiên đã trở lại chuyện Lạc Mai. Và tình cảm chàng lại chùng xuống, như rơi vào đáy giếng. Khởi Hiên đang ở trạng thái tuyệt vọng vì mọi thứ coi như hết phương cứu chữa.

o0o

Kha lão phu nhân từ ngày nắm chức trưởng tộc luôn muốn mọi người giữ đúng nề nếp gia đình. Nhưng rồi với tháng năm, tuổi trời càng ngày càng cao. Con cái, dâu con đầy đàn. Sự nghiệp có người lo lắng, không cần bận tâm lắm. Nên con người bà cũng trở nên dễ dãi hơn.

Khi Khởi Hiên về, và kể lại hoàn cảnh đáng thương của Tử Yên bà thấy cũng tội nghiệp. Rồi nhìn qua dung mạo của nó, lại hài lòng. Nhà thật ra thì chẳng thiếu người nhưng cưu mang thêm một con bé không nơi nương tựa, cũng chẳng thiệt bao nhiêu. Nên bà chấp nhận Tử Yên. Và từ dó Tử Yên trở thành a đầu trong nhà. Có điều hay là Tử Yên không những lanh lợi mà còn thông minh, siêng năng. Tử Yên còn biết cách lấy lòng người. Biết Kha lão phu nhân có chứng bệnh ho lúc về đêm, Tử Yên ngày nào cũng chuẩn bị sẵn một thau nước lạnh, một chiếc khăn ướt trong phòng, để lão phu nhân khi cần có dùng ngay. Người lớn tuổi cũng hay bị tê thấp, nhức xương. Tử Yên để sẵn một chai rượu xoa bóp nơi đầu giường. Những hành động đó, tuy nhỏ nhặt, nhưng cho thấy Tử Yên là đứa ý tứ. Vì vậy chẳng mấy chốc. Tử Yên đã được Kha lão phu nhân yêu quí.

Tử Yên không chỉ dừng lại ở điểm phục vụ mà còn ân cần cả đến bữa ăn của Kha lão phu nhân. Biết lão phu nhân lớn tuổi không dùng thức ăn cứng được, lại thích ngọt. Thế là, Tử Yên đích thân làm bếp, bữa thì chè bắp, canh hạnh nhân, bữa cháo đậu... Món ăn thay đổi mỗi ngày đỡ ngán, Tử Yên tranh thủ từng chút tình thương của lão bà. Nên chẳng bao lâu, nó được cư xử không giống một a đầu bình thường nữa. Mà hình như một thành viên trong gia đình họ Kha. Và Kha lão phu nhân có lẽ đã hoàn toàn hạnh phúc lúc tuổi già, nếu không có chuyện của Khởi Hiên.

Nhưng chuyện đã xảy ra rồi, biết làm sao? Chẳng có cách nào khác hơn để chuyển hóa. Một hôm trong buổi uống trà ngoài vườn, có mặt con, dâu, cháu đầy đủ. Kha lão bà phủ dụ:

- Khởi Hiên này, bà nói cho con biết. Mấy hôm nay bà thấy con như kẻ mất hồn, cứ ngơ ngẩn. Làm gì con phải khổ thân như vậy? Chuyện với Lạc Mai không thành thì đâu có gì quan trọng? Trên đời này, đâu phải không còn con gái khác đâu? Bà đã nói rồi, chán vạn con ạ. Vì vậy, ban nãy bà cũng đã bàn tín với cha mẹ con. Bà thấy là Đường lão gia... Hẳn con cũng biết ông ấy chứ? Ông ta cũng có cô con gái rất đẹp... nên bà đã ngỏ ý mời ông ấy đưa tiểu thư nhà ông ta ngày mai sang đây chơi, để con có cơ hội chạm mặt. Con cứ ngắm kỹ xem, con gái người ta không những nhan sắc, mà còn được giáo dục kỹ càng. Công dung ngôn hạnh đủ cả.

Khởi Hiên từ sau lần gặp Lạc Mai ở phía sau Phổ Ninh Tự, trái tim đã tan nát. Bây giờ nghe bà đề cặp đến chuyện hôn nhân nữa, chàng đâu còn lòng dạ nào, nên lắc đầu nói:

- Con bây giờ không muốn gì hết... Nội đừng có đề cặp chuyện đó với con, con chỉ muốn bỏ đi thiệt xa thôi!

Kha lão phu nhân nghe lộ vẻ kém vui, bà Diên Phương vội giải hòa, bà trách con:

- Sao con lại ăn nói hồ đồ vậy? Nội làm thế là gì con... Nội không muốn thấy con suốt ngày con cứ như người mất hồn. Mời Đường tiểu thơ đến đây, bước đầu chỉ là để con tìm hiểu, khuây khỏa, chứ nào có nghĩa là bắt con phải cưới liền đâu?

Nhưng Khởi Hiên vẫn ngoan cố:

- Nhưng con không thích! Những gì mà con đã chọn thì khó mà lay chuyển. Bà có ý thế nào cũng vô ích thôi.

Khã lão bà không vui, nói:

- Con chưa gặp cô ấy làm sao biết là vô ích? Đường tiểu thơ vừa đẹp vừa sang, con có thể động lòng vì Lạc Mai thì cũng có thể động lòng vì Đường tiểu thơ như thường.

Khởi Hiên kêu lên:

- Ồ! Bà ơi! Bà nghĩ con là người thế nào? Làm sao con có thể đổi dạ thay lòng nhanh như vậy? Con người là động vật tình cảm, biết thủy chung chứ? Chẳng hạn như bà, như cha mẹ con đây, đã từng trải qua thời tuổi trẻ. Biết thế nào là tình yêu... Bà hẳn hiểu tình cảm con cháu hiện nay mà... Con thú thật với bà... Ngoài Lạc Mai ra, chẳng ai có ý nghĩa với con cả. Không có Lạc Mai, mọi thứ vô nghĩa... Một trăm Đường tiểu thơ đứng trước mặt con cũng chỉ là con số không...

Lời của Khởi Hiên làm Kha lão phu nhân khó chịu. Ông Sĩ Bằng quay qua trừng mắt nhìn con.

- Không có Lạc Mai thì mọi thứ đều vô nghĩa? Vậy thì... Trong cái tình huống này... Mi muốn ta phải làm sao chứ? Ta cũng bất lực thôi.

Bà Diên Phương nhìn chồng, rồi nhìn con:

- Khởi Hiên này... Con không nên như vậy nữa... Con phải hiểu người, hiểu mình. Phải tự kiềm chế... Bằng không mọi thứ sẽ chỉ đưa đến bế tắc...

Hiểu thế nào? Kiềm chế thế nào? tình cảm nào phải chỉ là đám bụi, giũ một cái là biến mất tiêu. Khởi Hiên đưa hai tay lên đầu, đau khổ.

- Con đã xuống tận đáy giếng rồi... Không làm sao ngoi lên được nữa!

Nói xong, Khởi Hiên bỏ ra ngoài, để mặc người lớn ở lại đằng sau.

o0o

Sau buổi uống trà, lão phu nhân quay về phòng, chuyện thằng cháu khiến bà bực chưa nguôi.

- Hừ. Chắc cái nhà họ Kha này mắc nợ gia đình họ Viên mà... Bằng không thằng Khởi Hiên đâu có khổ như vậy?

Tử Yên mang thau lửa than đỏ đến bên lão phu nhân.

- Thưa phu nhân... Ban nãy ở trong vườn gió lộng quá! Phu nhân nên sưỡi một chút cho ấm.

Kha lão phu nhân đặt hai tay lên trên thau than, miệng không ngớt than vãn.

- Không biết nhà họ Kha chúng ta trước kia đã làm điều gì không phải mà cứ gặp chuyện buồn... Đấy, đấy... Cái ngôi nhà ở Hàn Tùng Viên mà hôm đầu tiên cháu đến đấy... Cũng vì không hợp phong thổ, nên từ khi ông con qua đời... ta bỏ phế cho dọn về đây... Mười năm qua rồi tưởng mọi chuyện đã yên ổn... Không ngờ quỷ thần không buông tha, oan gia lại đến. Làm cho thằng Khởi Hiên của ta chạm mặt con Lạc Mai...

Rồi bà như sực nhớ ra, quay sang Tử Yên.

- Ta nói gì... Con nghe rõ chứ?

Tử Yên đang múc cháo vào chén, quay qua với nụ cười.

- Chuyện đó không quan trọng... Bà thích gì cứ nói, con sẵn sàng nghe nhưng con chẳng để tâm đâu, bà yên tâm. Miễn bà cảm thấy nhẹ người là con vui rồi.

Lão phu nhân nghe Tử Yên nói, phì cười:

- Mi thật là khôn khéo, nhưng mà con thấy đấy, sống từng tuổi này như ta, lại có thằng cháu không vâng lời làm sao ta buồn vô cùng.

Tử Yên dâng tô cháo cho Kha lão phu nhân, không quên lấy quạt quạt nhẹ cho bớt nóng, rồi tiếp:

- Thưa lão phu nhân, ở trong nhà này, lão phu nhân là người cao tuổi nhất, có vị trí quan trọng nhất. Ai cũng kính nể, lo lắng vì vậy con nghĩ... Có gì lão phu nhân cũng cần phải bảo trọng, sức khỏe là trên hết... Lão phu nhân mà có khỏe mạnh thì mới bảo hộ được con cháu. Nhà mới có phúc... Chuyện nhà nên giao cho người khác... Lo lắng nhiều làm gì cho nhọc tâm?

Lời của Tử Yên ngọt như đường, Kha lão phu nhân lắc đầu nói:

- Miệng lưỡi mi thế này ai lại không yêu cho được? Lời nói lại trét đầy mật ong?

Tử Yên cười:

- Nhưng có mật thì cũng không ngọt bằng tô cháo đậu này đâu, bà dùng thử xem, con mới nấu đấy!

Kha lão phu nhân húp thử một miếng, gật gù, Tử Yên lại tiếp:

- Cháo đậu phọng này vừa bùi vừa dễ tiêu, lại mát phổi... Nếu bà thấy thích từ đây về sau cháu sẽ nấu thường xuyên hầu bà.

Kha lão phu nhân gật đầu:

- Ờ! Loại cháo này vừa bổ vừa rẻ. Con thật là thông minh, lại nấu ăn ngon đấy!

Tử Yên nghe khen, cười:

- Dạ thật ra cũng không khó nấu lắm đâu, nếu muốn bùi bỏ thêm vào nồi cháo một ít tiêu. Vừa nấu nhanh mà cháo cũng mau nhừ nữa.

- Con ngoan lắm, con học ở đâu cái bí quyết này vậy?

Kha lão phu nhân hỏi. Tử Yên đang cười chợt yên bặt, một lúc sau mới đáp.

- Dạ tất cả do mẹ dạy lại cho con.

Thấy thái độ của Tử Yên, Kha lão phu nhân quan tâm:

- À... Con vào nhà này đã được mười hôm, vậy mà ta quên hỏi, ta chưa biết gia thế con thế nào, bây giờ nói xem, chuyện nhà con ra sao?

Tử Yên chợt đỏ hoe mắt:

- Số của Tử Yên này rất bạc... gặp toàn chuyện không may, sợ nói ra khiến lão phu nhân buồn.

Kha lão phu nhân lắc đầu:

- Chẳng sao đâu, mi cứ nói. Ta đang muốn nghe đây.

- Dạ nếu lão phu nhân muốn nghe thì con xin nói.

Và Tử Yên bắt đầu kể.

- Nhà con ở làng Nam Bình. Lúc mẹ con có mang con thì cha con đi buôn ở phương xa và không ngờ lần đi đó... Người mãi mãi không quay trở lại... vì vậy mãi bây giờ con vẫn chưa biết mặt mũi cha con như thế nào... Và mẹ con đã sống như vậy, cực khổ tần tiện nuôn con khôn lớn.

Lão phu nhân không dằn được hỏi:

- Thế cha ngươi lý do gì không về? Người không về thì ít ra cũng phải có một lá thư thăm hỏi chứ?

Tử Yên lắc đầu:

- Dạ không, người như cánh diều đứt dây, nên thất tung luôn.

- Vậy rồi mẹ con ở vậy chờ à?

- Vâng, không cần biết cha con thế nào, mẹ con vẫn chờ. Người đã làm mọi thứ, giặt giũ mướn, nấu cơm, ở đợ... Cái gì người cũng làm, miễn sao có tiền để nuôi con. Và nhờ sự hy sinh của mẹ mà con khôn lớn... Cuối cùng người kiệt sức và...

Tử Yên nghẹn giọng, thật lâu mới tiếp.

- Sau đó mẹ con phát điên...

- Ồ!

Lão bà lặng người, cô gái nhỏ trước mặt. Vừa tội nghiệp vừa đáng thương. Một đứa con gái vừa thông minh, tháo vác lại dễ thương như vậy. Sao lại gặp cảnh bi đát thế? Cha biệt tăm, còn mẹ điên loạn... Cuộc tình tối tăm...

- Nhưng mà... mẹ con cũng không phải sống khổ như vậy lâu. Điên rồi bệnh... chỉ kéo dài một năm. Sau đó mẹ con qua đời.

Tử Yên nói xong kết luận:

- Con cũng không biết... Nhưng có lẽ ông trời thương hại. Không muốn mẹ con phải sống khổ lâu quá, nên giải thoát cho người.

Kha lão phu nhân đặt chén cháo trên bàn, rồi quay qua nắm lấy tay Tử Yên, cảm động nói:

- Đúng là trời xanh có mắt đã giải thoát cho mẹ con. Riêng về phần con. Con đã đến nhà họ Kha này thì yên tâm. Con rồi sẽ được ăn no mặc ấm không còn phải chạy ăn từng bữa. Miễn con ngoan, con biết vâng lời... Điều đó với con không khó. Con đã chiếm được cảm tình của ta, thì bảo đảm với con. Nhà họ Kha này, sẽ là một mái ấm để con dung thân suốt đời.

Tử Yên nhìn Kha lão phu nhân nói:

- Dạ... Dạ con xin cảm ơn lão phu nhân.

Nhưng trong cái ánh mắt con bé, chẳng có vẻ gì là xúc động. Kha lão phu nhân chỉ nghĩ là vì đời nó quá khổ nên nó không còn biết diễn đạt niềm vui ra sao. Có lẽ...

Nhưng đó cũng có thể chứa đựng một bí ẩn khác.