Hướng Dẫn Xử Lý Rác Thải

Quyển 15 - Chương 1: Tre mập mọc măng còi




Trích lời Gia Mộc: Dùng tuổi trẻ đánh đổi tương lai thông thường ít khi có kết quả tốt đẹp.

Lâm Gia Mộc và Trịnh Đạc gần như phải bò từ Cáp Nhĩ Tân về. Trên thế gian này không có chuyện nào hành hạ con người hơn tổ chức hôn lễ. Chuyện đi nghỉ trăng mật bị ném sang một bên, hai người ngủ chay trên giường trọn hai ngày mới hồi phục được một chút sức lực.

Có điều cuối cùng thì cuộc sống cũng trở lại quỹ đạo của nó, cho dù chỉ có những vụ án vặt vãnh như lông gà vỏ tỏi, nhưng nhiều vụ dồn lại vẫn làm cho hai người cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh, chỉ chớp mắt đã sắp đến tết Âm lịch…

Trên thế giới này có một số người dù ngày nào bạn cũng nhìn thấy nhưng vẫn không nhớ tên họ. Yêu cầu duy nhất của bạn là họ làm tốt việc nên làm, giảm bớt số lần xuất hiện trước mặt bạn.

Trong khu nhà Lâm Gia Mộc ở cũng có một người như vậy, đó là người phụ trách công việc vệ sinh của cả đơn nguyên, một phụ nữ trung niên khoảng năm mươi tuổi, dáng người hơi mập mạp. Hình như người phụ nữ này đã làm việc ở đây từ trước khi Lâm Gia Mộc mua hai căn hộ tầng trên tầng dưới, nhưng Lâm Gia Mộc chỉ nhớ trên biển tên công tác của bà ta hình như viết là Hứa gì đó…

Một người như vậy vào một sáng sớm đã bấm chuông cửa nhà Lâm Gia Mộc…

Hôm đó hình như khoảng ba tuần sau tiết Đông Chí, vụ Tiêu Văn Linh còn chưa kết thúc. Lâm Gia Mộc đang xử lý một vụ ngoại tình rất bình thường, không khó khăn lắm, thù lao rất cao, tối qua theo dõi đến hơn mười giờ mới về nhà. Lúc chuông cửa vang lên, cô đang ngái ngủ nên tưởng là chuông điện thoại di động. Cô đưa tay tìm điện thoại, Trịnh Đạc đã xuống giường mặc áo ra mở cửa.

Cô cho rằng Trịnh Đạc có thể nhanh chóng mời người nọ đi, nhưng đợi một lát mà Trịnh Đạc vẫn không quay lại, trong phòng khách có tiếng nói chuyện khe khẽ. Lâm Gia Mộc dụi mắt, gãi đầu, bước xuống giường ra xem tình hình.

Trong phòng khách, Trịnh Đạc đang nói chuyện với một người phụ nữ rất quen mặt. Người phụ nữ này mặc áo lụa màu xanh ngọc đính pha lê lấp lánh, Lâm Gia Mộc từng mua một chiếc áo giống thế này tặng mẹ, nhưng bà Trương Nhã Lan lại chê ỏng chê eo. Tóc uốn xoăn, nhuộm màu nâu nhưng chỉ có ngọn tóc còn có màu nhuộm. Một chiếc áo phao màu xanh lục đặt bên kia sofa. Lúc nói chuyện, Trịnh Đạc gọi bà ta là cô Hứa, có vẻ như rất thân quen.

“Trịnh Đạc, có khách à?”.

“Là cô Hứa. Em đi đánh răng rửa mặt trước đi”.

“Vâng”. Lâm Gia Mộc không nhớ ra cô Hứa là ai nhưng vẫn gật đầu, nhanh chóng vào phòng tắm vừa rửa mặt vừa nhớ lại xem người đó là ai. Lúc đang đánh răng, đột nhiên cô nhớ ra… Là cô Hứa quét dọn vệ sinh… Trịnh Đạc quen biết cô Hứa từ bao giờ? Lúc này không phải thời gian làm việc của bà ấy sao? Đương nhiên cô biết không phải tự nhiên mà ngày nào hành lang cũng sạch sẽ, nhưng lần nào cô Hứa cũng khom lưng cúi đầu, mặc bộ đồng phục nhân viên vệ sinh vừa dài vừa rộng. Có điều cô vẫn không thể liên hệ được cô Hứa quét dọn đó với bác gái trung niên đang ngồi trên sofa nhà mình.

Rửa mặt xong, cô lại đi qua phòng khách về phòng ngủ thay bộ đồ mặc ở nhà có hình con khỉ miệng rộng rồi đi ra: “Cô Hứa, hôm nay sao lại có thời gian đến nhà cháu uống trà thế?”.

Cô Hứa cười hơi lúng túng: “Xin lỗi vì cô đến sớm như vậy”.

“Không sớm mà, nếu tối qua không phải làm khuya thì bọn cháu cũng đã dậy rồi”.

Cô Hứa lại mím môi cười. Lâm Gia Mộc nhận ra lời mình nói hơi thừa. Vốn thời gian này là lúc cô Hứa quét dọn hành lang, sợ rằng còn biết rõ cô dậy lúc nào hơn chính bản thân cô.

“Cô có chuyện muốn nhờ các cháu giúp”. “Chuyện gì ạ?”.

“Cô biết các cháu làm… thám tử tư như trên ti vi, các cháu có thể giúp cô tìm một người không?”.

“Ai ạ?”.

“Con gái cô”.

Cô Hứa kể một câu chuyện rất “thông thường”. Cô Hứa tên đầy đủ là Hứa Lệ, vốn cùng chồng là công nhân một xí nghiệp quốc doanh cỡ lớn rất nổi tiếng ở thành phố A. Hai người đều vào xí nghiệp từ khi mới mười mấy tuổi, từ lúc học việc cho đến khi gần bốn mươi tuổi, cho rằng sẽ ở xí nghiệp yên ổn đến lúc về hưu, không ngờ xí nghiệp bị bán đứt, hai vợ chồng đồng thời mất việc. Trên có ông bà nội ngoại trên bảy mươi tuổi, dưới có con gái mới mười một tuổi, hai vợ chồng còn chưa có thời gian đau khổ đã bắt đầu quá trình tìm việc dài đằng đẵng. Họ từng làm đủ loại việc vặt, cũng từng bán hàng quán ven đường, cuộc sống dần dần ổn định lại, cũng bắt đầu có hy vọng về tương lai. Nhưng lúc này chồng cô Hứa lại mắc bệnh ung thư gan, một chút tích cóp duy nhất của cả nhà đều đổ vào mà không có mảy may tác dụng. Chưa được một năm thì chồng cô Hứa mất, chỉ còn lại ông bà đã khóc khô nước mắt và hai mẹ con khóc không thành tiếng, di sản duy nhất là căn hộ và khoản nợ một trăm mấy chục ngàn.

Cô Hứa làm giúp việc theo giờ, làm công nhân vệ sinh, ky cóp từng chút một để trả nợ, phụng dưỡng bố mẹ chồng, nuôi dạy con gái. Lúc khó khăn nhất, ba năm liền cô Hứa không mua bộ quần áo nào, cả nhà ăn Tết chỉ có hai món ăn. Cũng trong năm đó, bố mẹ chồng cô Hứa lần lượt qua đời, chỉ còn lại hai mẹ con. May là con gái cô biết phấn đấu, thành tích học tập rất tốt, sau khi thi đỗ đại học cũng tìm được một công việc không tồi, tháng nào cũng gửi tiền về nhà. Hiện tại tiền lương giúp việc và công nhân vệ sinh tăng, nợ nần đã trả hết, cô Hứa cảm thấy mình kiếm tiền đã đủ tiêu, tất cả tiền con gái gửi về đều tích cóp làm của hồi môn sau này.

Lúc này bắt đầu có người nửa đêm gọi điện thoại đến nhà cô Hứa mà không nói gì, còn có người gọi điện thoại mắng cô Hứa và con gái. Vốn cô Hứa cho rằng đó là một trò đùa quái đản, đến tận lúc một người phụ nữ điểm mặt chỉ tên mắng con gái cô Hứa là gái điếm, đê tiện, cướp chồng…

Cô Hứa gọi điện thoại bảo con gái về nhà, chất vấn con gái như thể đã biết tất cả, mới biết cái gọi là công việc tốt của con gái sau khi tốt nghiệp đại học là làm nhân viên ở một hộp đêm rất nổi tiếng ở Bắc Kinh, chưa được nửa năm đã được một người đàn ông hơn bốn mươi tuổi bao nuôi. Người đàn ông đó rất si mê cô ta, tặng cô ta biệt thự, xe hơi, còn muốn cô ta sinh con cho mình.

“Mẹ không hiểu à? Con chỉ muốn mẹ được sống sung sướng. Thế giới này vốn chỉ chê cười người nghèo không chê cười gái điếm, lúc học đại học bạn bè con đều khinh con nghèo, không biết trang điểm, còn có đồng hương thành phố A nói con ăn mặc quê mùa làm mất mặt người thành phố A. Trong phòng ký túc có ai mất tiền đều nghi ngờ con. Nhưng sau khi con có tiền, tất cả bọn nó đều quay sang nịnh bợ con… Anh ấy thật lòng với con, làm bồ nhí thì đã sao? Chỉ cần con và anh ấy lấy nhau thì có ai để ý anh ấy đã từng có vợ? Anh ấy đã nói sẽ mua cho con một ngôi nhà lớn ở Bắc Kinh, thuê người giúp việc hầu hạ con. Nếu con không muốn thì cũng có thể mua cho con một căn biệt thự ở thành phố A…”.

Câu trả lời của cô Hứa là cho con gái một cái bạt tai, đuổi con gái ra khỏi nhà, từ đó không nhắc tới con gái nữa, cô Hứa nói: “Cô và bố nó đều là người đàng hoàng, lúc nghèo túng nhất cũng không bao giờ lấy cái kim sợi chỉ của ai, không ngờ nó lại thành một người như thế…”.

Dù việc này đã xảy ra khá lâu trước đây, nhưng lúc cô Hứa nói tới đây vẫn chảy nước mắt: “Sau đó nó lại gọi điện thoại cho cô mấy lần, cũng về nhà tìm cô, nhưng cô đều không thèm nói chuyện với nó… Sau đó nó lại thường xuyên nhắn tin, gửi ảnh cho cô… còn gửi tiền vào thẻ của cô. Nó nói đã chia tay người kia, lại có bạn trai mới, nhưng cô xem ảnh thì cũng là một ông già có tiền. Sau đó cô không buồn quan tâm những người đó là ai nữa. Năm ngoái nó nói nó đã tìm được một người đàn ông đáng tin cậy, hai người đã kết hôn. Hình như nó sinh con trai, còn nói tết năm nay sẽ dẫn chồng con về thăm cô. Nhưng từ đó trở đi lại dần dần không còn tin tức gì nữa…”.

Kể chuyện của con gái mình với hai người xa lạ quả thực là một việc cực kỳ nặng nề và khó khăn đối với một người cả đời an phận thủ thường như cô Hứa: “Một tháng trước cô cũng đã bắt đầu nghi ngờ, nhưng gọi điện thoại không được, gửi thư đến địa chỉ nó cho cũng không có một chút hồi âm nào. Cô xin nghỉ mấy ngày đến Bắc Kinh, bắt xe đến địa chỉ đó nhưng không có ai, hỏi hàng xóm cũng không ai biết nó ở đâu. Cô đến đồn cảnh sát báo con gái mất tích, cảnh sát biết con gái cô hai mươi tám tuổi, đã nhiều năm không liên lạc với cô nên hoàn toàn không coi trọng vụ án này, chỉ đồng ý tìm con rể hỏi thăm giúp cô. Sau đó có một người tự xưng là con rể cô gọi điện thoại cho cô, nói hai người đã ly hôn, con gái cô về thành phố A, bảo cô không được làm phiền nó nữa. Nhưng nếu nó về thì tại sao lại không nói với cô? Trước đây mỗi lần thay số điện thoại nó đều nhắn tin cho cô, vì sao lần này lại không liên lạc được? Cô hỏi người đó cháu ngoại cô đâu, người đó nói không biết. Cô thật sự không biết làm thế nào nữa nên lại về thành phố A. Nhưng bạn bè của con gái cô cũng không biết tin nó về. Nếu không phải đã đến bước đường cùng thì cô cũng không đến nhờ các cháu…”.

Nghe đến đó, ánh mắt Lâm Gia Mộc trở nên nặng nề. Gái bao cũng như nhân viên tiếp khách ở hộp đêm, đều là nhóm người có tỉ lệ rủi ro cao. Con gái cô Hứa là một người trưởng thành, đột nhiên thay đổi thói quen sống, không nghe điện thoại của mẹ mặc dù trước đó vẫn cố gắng liên lạc, tám chín phần mười là dữ nhiều lành ít: “Cô Hứa, cô có thể cho cháu xem những tin nhắn con gái cô gửi cho cô không?”.

“Ờ… cô chỉ có tin nhắn một năm gần đây. Hộp thư cứ báo đầy suốt, cô nhờ người xóa bớt tin rác, còn đổi điện thoại nữa, nhưng cũng không lưu được bao nhiêu”.

“Vâng”. Lúc hỏi như vậy thực ra Lâm Gia Mộc cũng không trông chờ nhận được bao nhiêu thù lao, cô đã chuẩn bị tinh thần cho một vụ “hỗ trợ pháp luật” miễn phí.

Cô Hứa lại lấy một cọc tiền mười ngàn từ trong túi áo phao ra: “Đây là tiền cô dành dụm mấy năm nay… khu nhà cô được xây lại… Lúc tìm được nó, cháu nhất định phải nói với nó là giờ cô có tiền, họ đền bù hai căn hộ một lớn một nhỏ. Căn lớn cô giữ lại cho nó, căn nhỏ thì cô ở. Số tiền nó gửi cô vẫn dành dụm cho nó, đã có mấy trăm ngàn rồi. Vốn cô không muốn giữ, nhưng báo chí vẫn nói những người làm nghề đó tiền đến nhanh mà đi cũng nhanh… Cô giữ lại cho nó, nhỡ đâu sau này nó hoàn lương thì cũng có tiền làm lại cuộc đời”.

“Vâng”. Bất kể con cái có tồi tệ thế nào thì bố mẹ vẫn cứ thương con… Không chỉ có tre còi sinh măng mập mà cũng có tre mập mọc măng còi, hy vọng con gái cô Hứa có thể sống sót để báo đáp tấm lòng người mẹ này.

Tiễn cô Hứa về, Lâm Gia Mộc vào bếp nổi lửa chuẩn bị nấu mì. Trịnh Đạc vào nhặt rau giúp cô: “Lúc đầu em không nhận ra cô Hứa đúng không?”.

“Vâng”.

“Thực ra cô ấy vất vả lắm”. “Anh biết cô ấy từ lâu rồi à?”.

“Là Tư Điềm biết cô ấy từ lâu rồi. Tư Điềm kể chuyện của cô ấy với anh, cho nên lúc cô ấy bấm chuông thì anh đã đoán được là chuyện gì rồi”.

“Lạ thật, vì sao chuyện ngày nào chúng ta cũng nhìn thấy lại cũng là chuyện chúng ta không hiểu nhất?”. Chẳng hạn như đương nhiên cho rằng người vệ sinh quét dọn hành lang là nghèo khó đáng thương, cho rằng sự tồn tại của họ không quan trọng, lại thường xuyên động lòng trắc ẩn. Lâm Gia Mộc nghĩ mình là một người hiểu được mọi chuyện, vậy mà lại không biết chuyện của cô Hứa, vì thế cô cảm thấy hơi… khó xử.

Trịnh Đạc đặt mớ rau đã nhặt xong xuống, hôn Lâm Gia Mộc một cái: “Anh đi gọi điện cho cảnh sát Lưu”.

Trịnh Đạc cũng có thái độ bi quan với tình hình của con gái cô Hứa.

Cảnh sát Lưu xem lịch trực. Nghề cảnh sát là vậy, người khác càng nhàn thì họ càng bận, bắt đầu trực từ trung tuần tháng Mười Hai, bảo vệ an ninh dịp Giáng sinh và tết Dương lịch, mục tiêu duy nhất là giữ trật tự.

Vấn đề là các phần tử phạm tội trộm cắp, lừa đảo, cướp giật cũng phải ăn tết. Bực mình nhất là thời điểm này còn có những người “không chuyên nghiệp” cũng làm ăn thời vụ. Những người này quanh năm suốt tháng làm thuê ở thành phố A không kiếm được tiền hoặc kiếm được tiền nhưng đã tiêu hết, để lúc về nhà có thể oai một chút, đầu óc nóng lên cũng gia nhập hàng ngũ tội phạm.

Vì sao lại bực mình vì những người này nhất? Không chuyên nghiệp cũng có nghĩa dễ gây ra tổn thương ngoài ý muốn. Đa số trộm cướp chuyên nghiệp đều biết mình nên làm đến mức nào, có bị bắt cũng chỉ tuyên án đến mười năm là kịch kim, còn đặt cả mạng sống của mình vào vì những đồng tiền đó thì không đáng chút nào. Tuy nhiên những kẻ không chuyên nghiệp thì sao? Không nói những chuyện khác, ngay giờ này năm ngoái, một gia đình ba người từ nơi khác đến mở quán ăn và cả em vợ đến tá túc cùng bị chém chết trong quán. Quần chúng xung quanh bàn luận um xùm, đưa ra vô số giả thiết, đủ để viết mười quyển tiểu thuyết hình sự. Kết quả là một người đồng hương làm thuê ở công trường gần đó thường xuyên qua lại với gia đình này bài bạc thua hết tiền, sợ về nhà ăn tết khó ăn nói với người nhà, nghĩ bụng nhà này một năm kiếm được không ít tiền nên nửa đêm mò vào ăn trộm, không ngờ bị đứa bé dậy đi vệ sinh bắt gặp, vì thế giết người diệt khẩu… Thủ phạm bị bắt trong vòng chưa đến một tuần, nhưng bốn mạng người và hạnh phúc của hai gia đình cũng bị hủy hoại.

Làm cảnh sát có điều này không tốt, xem lịch cũng có thể nhớ đến rất nhiều chuyện không muốn nhớ lại. Do cuối năm căng thẳng như vậy, áp lực của việc duy trì trật tự xã hội là rất lớn, vụ mất tích mà Trịnh Đạc gọi điện thoại nói với anh ta không được cảnh sát coi trọng cũng là đương nhiên.

Anh ta xem tư liệu về người tên là Giả Dương Dương này. Qua hồ sơ có thể thấy là một người trong sạch, không có tiền án tiền sự gì, có hai căn hộ ở Bắc Kinh, tài khoản điện thoại di động từ đầu tháng Mười Hai năm ngoái đã không có bất cứ động tĩnh nào, không có điện thoại, tin nhắn và lịch sử lên mạng, bây giờ đã tự động bị thu hồi số. Điều này là hết sức khả nghi đối với một phụ nữ hiện đại. Qua tư liệu của bên đường sắt, quả thật đầu tháng Mười Hai cô ta có mua vé tàu từ Bắc Kinh chạy suốt đến thành phố A, nhưng cô ta có lên tàu hay không thì không xác định được.

Chồng của Giả Dương Dương thì không sạch sẽ lắm, hai mươi ba năm trước tham ô công quỹ bị bắt bỏ tù, sau khi ra tù kết phường làm ăn với người khác, nhưng theo tư liệu từ Bắc Kinh gửi tới thì có mấy phụ nữ từng tố cáo hắn lừa đảo…

Trong lúc anh ta đang suy nghĩ miên man thì điện thoại đổ chuông, anh ta nhìn số, là 110.

“A lô!”.

“Chào anh, anh có phải anh Lưu không?”.

Cảnh sát Lưu cười, dựa vào lưng ghế nghịch chiếc bút, nhân tiện sờ sờ bụng mình. Anh ta đã ăn kiêng cả mùa đông, bây giờ cũng có chút hiệu quả, bụng đã nhỏ hơn một chút: “Vâng”.

“Một gói hàng được anh gửi qua công ty chuyển phát nhanh Viên Thông bị phát hiện có ma tuý”.

Cảnh sát Lưu gãi đầu: “Sao? Thế có phải báo cảnh sát không?”. “Tôi chính là cảnh sát”.

“Anh là cảnh sát ở đâu? Gần đây tôi chỉ mua đồ ở Chiết Giang”. “Chúng tôi chính là cảnh sát Chiết Giang”.

“Lần sau lúc giả mạo người Chiết Giang thì nhớ bắt chước giọng cho giống, ông tướng Phúc Kiến ạ”.

Anh ta ngắt điện thoại. Những cuộc điện thoại như thế này chỉ có tác dụng giải trí đối với anh ta, nhưng lại có người mắc lừa…

Anh ta tiếp tục lật xem hồ sơ. Vụ án này quả thật có điểm đáng ngờ. Vấn đề là nơi xảy ra vụ án ở đâu? Nếu là ở Bắc Kinh thì không thuộc phạm vi quản lý của anh ta, nếu là thành phố A thì tại sao sống không thấy người, chết không thấy xác?

Tòa nhà mới xây trên khu đất cũ của nhà cô Hứa còn chưa hoàn thiện, cô Hứa đang thuê căn hộ của một người quen hiện sống cùng con trai ở nơi khác, hằng ngày chăm sóc mười mấy chậu hoa cỏ mang từ nhà cũ đến, lại chăm sóc bể cá vàng của người quen để lại. Sáng sớm đi quét dọn hành lang và cầu thang, xong việc đi xe đạp điện về nhà, buổi tối lại đến quét lần nữa, thời gian làm việc mỗi ngày khoảng bảy tiếng. Cô Hứa là người quen lao động nên không cảm thấy mệt, thời gian còn lại thì chăm sóc hoa cỏ và bể cá, xem ti vi, chờ tin tức của con gái. Đây gần như là toàn bộ cuộc sống của cô Hứa.

Điện thoại của cô Hứa mỗi ngày hai mươi tư tiếng trong tình trạng chờ, mới hết nửa pin đã sạc, chỉ sợ con gái gọi về lại không nhận được, dù là số điện thoại lạ cũng nghe hết,

mỗi tin nhắn đều đọc rất kỹ…

“A lô!”.

“Có phải bà có một đứa con gái tên là Giả Dương Dương không?”. “Đúng vậy”.

“Cô ta đánh bạc ở sòng bạc của tôi thua tiền, bị tôi bắt lại rồi. Trong vòng hai ngày cầm tiền đến chuộc người, nếu không tôi sẽ giết con gái bà…”.

Cô Hứa tối tăm đầu óc: “Vâng, vâng, tôi lập tức đi gửi tiền… các ông đừng làm hại nó! Đừng làm hại nó!”.

“Bây giờ bà đến ngân hàng, sau đó chúng tôi sẽ liên lạc với bà”. “Vâng, vâng…”.

“Không được báo cảnh sát. Chúng tôi có người theo dõi bà. Nếu bà báo cảnh sát, chúng tôi sẽ lập tức giết con gái bà”.

“Vâng, vâng, tôi không báo cảnh sát…”.