Hương Hoa Nhài

Chương 1




Vốn dĩ muôn hồng nghìn tía khoe sắc diễm, giờ nay đình viện bóng hoang tàn. Ngày lành cảnh đẹp đã làm sao, chuyện vui chẳng biết tới nơi nào. Triều phi mộ cuốn,[1] mây ráng hiên xanh, mưa bụi theo gió, khói sông họa thuyền. Nàng chốn khuê phòng đâu biết quý trọng cảnh xuân.

Thang Hiển Tổ |“Mẫu đơn đình[2] màn thứ mười – Kinh Mộng”

Nhạc đã ngừng, phấn còn vương.

Tiếng sáo diết da đọng lại dư âm, len lỏi vào căn nhà nhỏ nồng mùi son phấn rẻ tiền. Trong một căn phòng, hơn mười cô gái trẻ đứng ngồi chen chúc. Mười một mười hai tuổi là học trò theo học diễn, đang vội vàng thu dọn mấy đồ lặt vặt vương vãi; lớn hơn một chút thì có ghế để ngồi, nhìn vào gương cởi trang sức, gỡ từng chiếc nữ trang cài trên tóc xuống, đằng sau lớp phấn trắng son đỏ là nếp nhăn ẩn hiện bên khóe môi chót mắt, có chùi cũng không hết, đều là dấu vết của năm tháng.

Gần cửa, chính đán[3] Vương Phượng Bình đã tẩy trang xong, tay nhấc tấm khăn vải lau mồ hôi thấm trên chân tóc, nhìn tiểu sinh[4] Bạch Mạt Lị bên cạnh cầm một cây lược chải đầu, gỡ búi tóc, mái tóc tỏa ra mùi sáp thơm hoa quế. Trên đài có tiêu sái lỗi lạc thế nào, dẫu anh tuấn phong lưu, rốt cuộc cũng là một đào kép nữ.

Cây lược này thật sự rất đẹp, ngà voi trắng nõn nhẵn nhụn, răng lược mài kỹ, Vương Phượng Bình nhìn thấy, ánh mắt hâm mộ cười hỏi: “Đây là quà cậu ba nhà họ Trần tặng hả? Anh ta cũng thật lòng với cô, ngày ngày tán tụng, gửi tặng hoa, cô bỏ được à?”

Bạch Mạt Lị nhìn thoáng qua chiếc lược trong tay, ánh mắt đen thẫm, tựa như một cánh buồm đen dong rộng, cười đáp: “Có cái gì mà bỏ được hay không chứ, chung quy không phải người đó… nếu cô thích, tặng cô cái lược này cũng được.”

Lúc này một cô gái khác cũng tới đây hóng chuyện, chua ngoa mở lời: “Ôi chà, chị Mạt Lị là người sắp gả cho nhà quyền thế, cần gì để ý cậu ba họ Trần.”

Bạch Mạt Lị liếc nhìn cô ta, sau đó tìm một cây trâm trong hộp nữ trang ra búi tóc dài, thong thả ung dung, mỗi động tác đều mang phong thái hờ hững. Cây trâm tịnh đầu song điệp[5] này được mua ở hàng rong ở chợ phía Bắc, chủ hàng giới thiệu là đổ cổ… ai mà biết được? Cây trâm này nằm cùng khay với rất nhiều nữ trang khác, nào ai rõ lai lịch? Có điều nó may mắn được cô lựa chọn, trở thành của cô, từ đó về sau được trân trọng… là vận mệnh mà thôi.

Trong trăm ngàn cơ hội lại chọn trúng cô, đây là vận mệnh của anh ta, những giọng điệu mỉa mai này, chẳng qua cũng chỉ là sự ghen tị thất bại. Một khi phụ nữ đã thua, sự ghen ghét càng nhiều, nếu giữ trong lòng thì bản thân không thoải mái. Sự yêu thích tặng bó hoa trao cái lược của cậu ấm công tử, rốt lại vẫn chẳng đáng tin bằng một viên “đá dầu hỏa”.[6]

Nhóm Ngọc Hòa Xuân liên tục diễn mười sáu ngày tại rạp hát Khai Minh, hát toàn bản “Minh phượng ký”, “Trường sinh điện”, cùng với hơn mười màn nổi danh “Du viên”, “Kinh mộng”, “Đoạn kiều”, “Cầm khiêu”. Bởi vì hiếm thấy đoàn hát nữ, các cậu ấm công tử thấy mới mẻ, tranh nhau cổ vũ, các lẵng hoa hàng ngày gửi tặng cho cô nương trong đoàn có thể xếp từ cửa tới sân khấu. Trưởng đoàn tươi cười rạng rỡ, thương lượng với rạp hát tăng thêm hai ngày diễn, còn thu được một món quà lớn – năm trăm đồng bạc cộng thêm mười người trong đoàn ai cũng có một bộ trang sức mới – đây là một phần sính lễ, tặng cho quan sinh đứng đầu đoàn là Bạch Mạt Lị.

Người coi trọng Bạch Mạt Lị là Vinh tiên sinh ở hiệu buôn Vĩnh Lợi, về nhà đó sẽ làm bà tư. Hiệu buôn Vĩnh Lợi là một công ty bách hóa của Vinh Tiên sinh, hắn còn có một hiệu buôn Tây khác, hơn mười cửa hàng, nhà máy đất đai, ngay cả rạp hát Khai Minh cũng là của hắn. Đừng bảo muốn một mình Bạch Mạt Lị, cho dù muốn mười người, cũng phải đóng gói đưa tặng.

Huống hồ làm vợ bé của kẻ có tiền, chí ít cũng hơn làm đào kép phải miễn cưỡng nói cười, xuất đầu lộ diện kiếm kế sinh nhai.

Ngày mười ba tháng tám, một chiếc ô tô chở Bạch Mạt Lị ăn mặc lộng lẫy đi vào biệt thự trên đường Vĩnh Phúc. Tối hôm đó khi cô cởi bộ sườn xám nhung đỏ khảm kim cương ra, thong thả ngồi trong bồn tắm lớn, hương thơm nồng nàn quấn chặt lấy cô như một con rắn. Tất cả những cay đắng, đau khổ, phiêu bạt trước đây, cùng với mọi phú quý, cô quạnh, thấp hèn của tương lai đều bị chiếc gương thủy tinh hoen đầy khói nước phân cách thành hai thế giới.

Từ nay về sau, Bạch Mạt Lị thay da đổi thịt, trong mộng không biết mình là khách, chuyện cũ tuyệt đối không nhắc lại.

Nhưng cô không đề cập tới, không có nghĩa là người khác không nhớ.

Vợ cả của Vinh tiên sinh đã hơn năm mươi tuổi, có hai con trai, vì thân thể không khỏe nên từ bỏ việc quản lý từ lâu, chỉ tâm niệm thắp hương bái Phật. Nay tất cả công việc ở biệt thự trên đường Đông Dương đều do bà hai quản. Dòng dõi của bà hai vốn là quan lớn thời Mãn Thanh, có thể coi là quý tộc suy vong, mặc dù con gái gả cho nhà giàu nhưng không được làm vợ cả, vì thế bà hai cũng bực bội trong lòng, thời gian dài trôi qua, ánh mắt nhìn người không khỏi hàm oán tức giận.

Về phần bà ba – thật ra chính là người hầu của bà hai. Vinh Tiên sinh giàu sang thành đạt, bên ngoài có phụ nữ cũng là chuyện thường. Bà hai xuất thân nhà giàu, biết đạo lý phòng ngừa chu đáo, ngay từ đầu đã tính toán tốt, nếu sau này muốn tranh giành sự sủng ái, trong nhà cũng có người giúp đỡ.

Bạch Mạt Lị thường ngày ở biệt thự nhỏ, cũng không gặp người trong biệt thự lớn, ỷ mình được sủng ái nên lần lữa nhiều ngày. Nhưng rốt cuộc cũng phải tới biệt thự lớn kia, hôm Trung Thu, lái xe nghe lời bà hai tới đón cô. Cô không muốn quá thể hiện, chỉ mặc một bộ sườn xám màu xanh biển cổ bẻ đến dự tiệc. Vừa bước vào phòng khách đã biết là một Hồng Môn yến.[7] Bà cả ngồi trên cao, bà hai bà ba tiếp khách, Vinh tiên sinh còn chưa về, một nhóm các cô các bà đang ngồi xem kịch. Mời đoàn hát đến nhà diễn, đang là nhịp điệu của khúc “Thược dược đỏ”, diễn vở “Mai ngọc”.

Nữ tử có sóng mắt dao động kia chẳng phải chính là Vương Phượng Bình? Đoàn hát phô trương kia, chẳng phải là Ngọc Hòa Xuân? Đám người đó tới đây là để cười nhạo cô!

Ngay cả mấy đào kép nhỏ mặt thoa phấn cũng đang châm biếm cô. Không lâu trước cô vẫn là một trong số họ, nay đã bay lên thành phượng hoàng? Chẳng phải vẫn là trời sinh thấp hèn sao!

Cô thật hận không mặc chiếc váy lụa màu tím lấp lánh đến. Muốn nhìn cô, cô sẽ khoe bộ dáng xinh đẹp để bọn họ nhìn thỏa mắt.

Bà hai đang nói chuyện với bà cả, sau đó che miệng cười ha ha: “Nghe nói em tư hóa trang xong rất anh tuấn, hôm nay thấy chị cả cao hứng, chị muốn nhờ em hát một bài.”

Bà cả cầm cốc trà, ngước mắt liếc nhìn Bạch Mạt Lị một cái, cười lãnh đạm, nhẹ nhàng gật đầu: “Cũng được, hay là hát bài “Tư phàm” đi, cho vui vẻ.”

Bạch Mạt Lị bực dọc, “Tư phàm” là vai “đào”,[8] cô vốn diễn “sinh”… Nhưng thế thì đã sao? Căn bản bà cả chẳng quan tâm cô hát cái gì, bọn họ chỉ muốn nhắc nhở cô, bất luận bây giờ cô có thân phận gì, chung quy cũng chỉ là một con hát.

Sao có thể để họ thành công?

Cô âm thầm nghiến răng, bước từng bước một, lúc qua bàn bát tiên,[9] không biết vấp phải cái gì, tay quệt vào ấm trà bằng đồng trên bàn, nước nóng đổ lên tay, cô hét một tiếng, rút tay về đã đỏ ửng.

Xung quanh yên tĩnh, đang lúc đợi lên diễn kịch, thế mà ngay cả tiếng nhạc cũng không có.

Bạch Mạt Lị ôm chân khóc òa lên, người hầu đều nhìn nhau bối rối. Cuối cùng bà cả nói một câu, mới có mấy người chậm chạp đi lên đỡ, Bạch Mạt Lị khóc càng nức nở, nhất quyết không cần người giúp, tự run rẩy đứng dậy, ôm tay mình, khăng khăng đòi về nhà.

Ô tô đi đón Vinh tiên sinh, cô cũng mặc kệ, buồn bã đi giầy cao gót ra ngoài cửa gọi xe kéo. Không biết ngoài trời đã buông mưa từ lúc nào, mưa bụi lất phất khắp trời.

Ngồi trong xe kéo, sự uất ức, yếu đuối, thậm chí là nước mắt của Bạch Mạt Lị đều bay biến trong nháy mắt. Nếu bàn về diễn kịch, ai có thể sánh với cô?

Cô đi rồi, chỉ sợ bà hai trở tay không kịp, một thân võ nghệ chẳng có đất dùng. Cô không sợ đắc tội bà ta, mặt mũi ai cũng muốn giữ – cô cũng không phải quả hồng mềm. Vào cửa Vinh gia, mọi người đều là chủ. Cô không muốn hát, ai có thể ép cô?




[1] Triều phi mộ cuốn: Miêu tả lầu các cao đẹp tráng lệ.

[2] Mẫu đơn đình:  là một trong những vở kịch nổi tiếng trong lịch sử sân khấu Trung Quốc, do nhà soạn kịch nổi tiếng thời kỳ nhà Minh là Thang Hiển Tổ viết năm 1598 mà đến nay vẫn được người Trung Hoa nghiên cứu dựng lại và diễn xướng.

[3] Chính đán: Tên gọi cũ của vai thanh y trong hí kịch Trung Quốc

[4] Sinh: Vai nam trong hí khúc.

[5] Trâm có hai que cài.

[6] Đá dầu hỏa: Cách người Thượng Hải cũ gọi kim cương hoàn mỹ – loại kim cương quý hiếm có màu xanh, được gọi là “đá dầu hỏa” vì màu sắc của nó như lửa đốt từ dầu hỏa. Viên kim cương “Heart of the Ocean” trong Titanic cũng thuộc loại này.

[7] Hồng Môn yến: Ám chỉ bữa tiệc có âm mưu, không tốt đẹp gì.

[8] Đào: Vai nữ trong hí kịch.

[9] Bàn bát tiên: Bàn vuông lớn.