Hướng Lai Si

Chương 1-1: Mở đầu




Cảnh báo:



1.     Nữ chính là A Bích, A Bích nguyên bản chứ không phải xuyên hay trùng sinh, điểm đặc biệt nhất của A Bích là ôn nhu như nước, ngoan ngoãn nghe lời, trong lòng trước sau chỉ có một mình công tử gia, chỉ vì công tử gia mà lo nghĩ, nếu không như vậy thì không còn là A Bích của Kim Dung nữa,  thế nên nữ chính không phải nữ cường.

2.     Nam chính là Mộ Dung công tử, Mộ Dung công tử trùng sinh sau mười năm hóa điên, có người cho rằng nếu không ôm mộng khôi phục Đại Yến thì không còn là Mộ Dung Phục nữa, nhưng ở đây quả thực không phải là Mộ Dung nguyên bản. Nếu tác giả là một đại nam nhân, có lẽ tác giả sẽ viết một câu chuyện về Cô Tô Nam Mộ Dung sống lại trả thù những kẻ từng đả bại mình, sau đó dựa vào lợi thế biết trước tiên cơ mà chiếm lấy giang sơn, hoàn thành giấc mộng hoàng đế. Nhưng tác giả chỉ là một cô gái nhỏ ôm ấp tình cảm nhi nữ bình thường, nên trong đây không có một Mộ Dung điên cuồng với chấp niệm Yến quốc. Mộ Dung Phục đã dành cả một đời si dại cho đại nghiệp phục quốc của hậu nhân Mộ Dung thế gia rồi, nếu y còn có thể được một lần sống lại, tác giả chỉ hi vọng cho công tử gia một đời an nhiên, buông bỏ gánh nặng trên vai, trân trọng người trước mắt.  Nếu bạn đến đây vì mong muốn thấy một Mộ Dung chọc trời khuấy nước, đăng ngôi cửu ngũ, thì rất tiếc phải để bạn thất vọng rồi. Tất nhiên, Mộ Dung công tử dù không điên cuồng phục quốc thì cũng không hề hiền lành, càng không vô dụng. =)))

3.     Tác giả không thích “thần tiên tỉ tỉ” cùng với Đoàn lang của nàng, nên có thể sẽ có những chi tiết khiến fan couple này khó chịu, cẩn thận trước khi nhảy hố. 

Lời nói đầu

Khi đọc lại “Thiên Long Bát Bộ”, tôi không khóc khi A Châu chết, không nghẹn ngào khi A Tử ôm Tiêu Phong nhảy xuống vực, lại rơi nước mắt vì A Bích. 

Có người hỏi tôi, tại sao lại khóc cho A Bích? Nàng có chết đâu, nàng vẫn sống yên bình đấy thôi, nàng có gì đặc biệt đâu, từ đầu chí cuối nàng vẫn mờ nhạt như một chiếc bóng ấy mà. Còn có người, thậm chí chẳng nhớ rõ A Bích là ai.

Trong “Thiên Long Bát Bộ” có vô vàn nhân vật nữ, lại càng có không ít mỹ nhân, mỹ nhân bạc mệnh càng không thiếu, nhưng tại sao tôi lại nức nở vì A Bích như vậy? Xét về dung mạo, khi đặt cạnh “thần tiên tỷ tỷ” Vương Ngữ Yên, A Bích trở nên mờ nhạt, dù nàng không xấu. Xét về trí tuệ, khi đặt cạnh A Châu thông minh linh động, A Bích trở nên nhạt nhòa, dù nàng chẳng ngốc. A Bích tựa như cái tên của nàng vậy, hòa vào sông nước Giang Nam, giống như một chiếc lá xanh góp phần tôn lên vẻ rực rỡ của các cô nương khác, người ta dễ lãng quên nàng, chỉ có người thật tinh tế, thật tỉ mỉ, mới có thể trông thấy được vẻ đẹp của cô gái ấy - một vẻ đẹp mà kẻ vội vã, hời hợt sẽ dễ bỏ qua. Tỉ như Mộ Dung công tử, y quá bận rộn với giấc mộng phục quốc, thế nên y không có thời gian để phát hiện ra vẻ đẹp ấy, cuối cùng bỏ lỡ.

Kim Dung từng nói rằng, trong các nhân vật nữ của mình, ông quý nhất chính là Tiểu Chiêu  (trong “Ỷ Thiên”) và A Bích. Hai cô gái này giống nhau ở chỗ đều yêu trong thầm lặng, lặng lẽ hi sinh tất cả cho người mình yêu mà không cần hồi đáp. Quả thật, tôi cảm thấy hai cô gái ấy là mẫu người nên lấy làm vợ nhất. Nhưng mà, so ra thì Kim Dung có vẻ thiên vị A Bích hơn. A Bích xuất hiện rất ít, nhưng mỗi lần xuất hiện đều khiến tôi khó quên. Có người nói rằng trong cả bộ tiểu thuyết trường thiên này, A Bích có cách xuất hiện đẹp nhất. Lần đầu tiên nàng lên sàn diễn chính là giữa sông nước Giang Nam mờ ảo, chèo một chiếc thuyền nhỏ, ngâm nga xướng một bài từ. Chính Đoàn Dự còn vì nàng mà ngây ngẩn, nghĩ rằng tuy nàng không đẹp bằng Mộc Uyển Thanh nhưng dung mạo tám phần, khí chất ôn nhu lại đến mười hai phần, chính bởi khí chất ấy mà khiến nàng đẹp hơn tất thảy.

A Bích được Kim lão gia thiên vị không chỉ là ở cái khí chất ôn nhu vô cùng đó, mà ông còn cho nàng rất nhiều tài hoa, nàng nấu ăn giỏi, khéo may vá, lại thông thạo âm luật. Trên người nàng như tập trung hết thảy phong nhã của thế gian. Nàng nấu ra chính là những món ăn tao nhã vô cùng, nàng xướng ngâm chính là Tống từ, nàng ở chính là Cầm Vận tiểu trúc. Vũ khí giết người trong tay nàng lại trở thành nhạc khí, kẻ thù của nhà Mộ Dung gặp nàng cũng nghĩ thầm rằng dù có giết sạch họ Mộ Dung thì cũng sẽ tha cho nha đầu này. Một cô gái ôn nhu ngây thơ đáng yêu đến mức nào mới có thể khiến người ta không nỡ tổn thương nàng mảy may như vậy?

Tình yêu của A Bích là thầm lặng, thầm lặng đến nỗi người ta vẫn tranh luận với nhau xem A Bích rốt cục có yêu Mộ Dung công tử hay chỉ là sự trung thành với ân nhân. Tôi cho là có, không chỉ có, mà còn là rất sâu đậm. Chỉ là, nếu tình yêu của Vương Ngữ Yên đối với Mộ Dung công tử được thể hiện ra bên ngoài, ai ai đều biết, thì tình yêu của A Bích chỉ thể hiện khi chỉ có một mình nàng, vào những đêm trường một mình ngồi may áo cho người ấy, một mình lẩm bẩm gọi “công tử gia”, “công tử gia”. Người ta hiểu nhầm nàng đang may áo cho Đoàn Dự, nhưng Đoàn Dự biết, chúng ta cũng biết, nàng đang may áo cho công tử nhà nàng đấy thôi. Nếu không yêu, tại sao lại quan tâm tỉ mỉ từng li từng tí, tại sao lại phải mong ngóng người ta khi nào trở về, sao phải giúp Vương Ngữ Yên trốn ra ngoài tìm biểu ca? Nhưng vấn đề đặt ra chính là, nếu là yêu, tại sao lại yên lặng giấu đi như vậy?

Lúc A Bích quan tâm đến Đoàn Dự, A Châu đã trêu: Muội cẩn thận chu đáo như thế, cẩn thận công tử ghen đấy. A Bích liền đáp lại, đại khái là: Công tử làm sao lại để tâm đến nha hoàn như chúng ta chứ? Từ câu nói này, có thể thấy trong lòng A Bích luôn cảm thấy mình không xứng với công tử, dù trên thực tế, tôi cho rằng ngược lại là Mộ Dung không xứng với nàng mới phải. A Bích quá hiểu chuyện, đó là bi kịch của nàng. Nàng có thể đi theo Mộ Dung Phục, nhưng nàng không làm vậy, trong suốt chiều dài tiểu thuyết, ta chỉ thấy A Bích ở Yến Tử ổ chờ đợi, sau khi đưa Vương Ngữ Yên tìm gặp Mộ Dung, nàng lại trở về gia trang, từ đó không hề xuất hiện nữa, mãi cho đến khi Mộ Dung hóa điên, ta mới thấy nàng lại hiện diện bên cạnh y. Có lẽ bởi vì nàng biết rằng mình không thể giúp gì cho công tử, thế nên liền ngoan ngoãn quay về để không làm vướng chân y (như Ngữ Yên), hoặc là bởi lúc ấy đã có Vương tiểu thư chăm sóc cho y, y không cần nàng, nàng liền quay về, tiếp tục một mình chờ đợi. Suốt quãng đường giang hồ phong vân ấy, là Vương Ngữ Yên cùng Mộ Dung Phục đi. Còn những tháng ngày điên điên dại dại cơ khổ sau này, người đi bên y là A Bích. Tôi từng đọc ở đâu đó, có ai đó viết rằng, Mộ Dung Phục có thể không có Vương Ngữ Yên, không có các gia thần khác, nhưng không thể không có A Bích. Đến cuối cùng, y vẫn chẳng thể rời xa cô gái tưởng chừng chỉ là nhân vật có cũng được mà không có cũng không sao ấy. 

Chợt nhớ đến một đoạn trong bài hát nọ: "Khi các con sông đều chảy ngược dòng, vẫn còn ta ở bên cạnh chàng, bầu bạn cùng chàng cho đến tận cùng của thời gian. Cho dù có một ngày, trời và đất đều phải phân ly, ta cũng vĩnh viễn không rời bỏ, phải cùng chàng bên nhau... Cho dù tất cả thế gian đều trở thành kẻ địch của chàng, ta vẫn sẽ ôm chặt lấy chàng, không để rơi dù chỉ một giọt lệ..." Đối với tôi, đó là loại tình yêu cảm động lòng người nhất.

Tôi thích nhất ở A Bích, có lẽ cũng vì cái “toàn tâm toàn ý, cả đời không thay đổi” ấy. Nàng là một trong số ít các cô gái dù gặp Đoàn Dự nhưng không hề lung lay trước hắn. Ngay cả trong bản mới nhất của Kim gia chỉnh sửa, Đoàn Dự gọi A Bích là “tiểu muội tử”, muốn nhận nàng là em gái, vì khi hắn ở Yến Tử ổ chỉ có một mình A Bích quan tâm tới hắn, A Bích liền nghiêm mặt nói hắn đừng trêu chọc mình. A Bích không tạo cho người ta cảm giác lạnh lùng xa cách, ai cũng có thể trò chuyện luận đàm thi ca với nàng, lại duy chỉ có nói chuyện tình yêu phong nguyệt thì không được, bởi họ đâu phải là Mộ Dung công tử. 

Có lẽ có rất nhiều cô gái sẽ rung động trước Mộ Dung Phục, đừng thấy trên phim truyền hình Mộ Dung hoàn toàn bị nhan sắc họ Đoàn lấn át, thực tế trong truyện thì khi Đoàn Dự gặp Mộ Dung còn cảm thấy tự ti. Mộ Dung rất hoàn mỹ, tài mạo, gia thế, võ công, danh tiếng, có cái nào không xuất sắc đâu, thế nên không khó hiểu khi Vương Ngữ Yên đã từng lạnh lùng với Đoàn Dự mà bám theo biểu ca mình. Nhưng tình cảm ấy của nàng ta, dường như chỉ là sự ngưỡng mộ, rung động nhất thời của tuổi trẻ, nàng ta chưa bao giờ yêu Mộ Dung Phục chân chính, mà chỉ yêu Mộ Dung Phục do chính nàng ta vẽ ra, khi phát hiện y không như mình tưởng tượng, liền vỡ mộng rồi nương tựa vào Đoàn lang. Vương Ngữ Yên chưa bao giờ hiểu biểu ca của mình, chưa bao giờ hiểu giấc mộng của y. Nhưng A Bích hiểu. Bởi vì hiểu, thế nên không hề đòi hỏi, không hề oán hận. Rất nhiều người, bao gồm cả Vương Ngữ Yên, có thể yêu một Mộ Dung Phục hoàn mỹ vô khuyết bên ngoài kia, chỉ có A Bích mới yêu một Mộ Dung Phục chân chính thật sự, kể cả xấu hay tốt, bất luận y biến thành dáng vẻ nào, trở nên ra sao, không cần biết y xấu xa ích kỷ đến mức nào, chẳng cần quan tâm y từng làm những việc ác độc tàn nhẫn gì. Trong mắt A Bích, không có chính tà, không có thiện ác, chỉ có Mộ Dung công tử, mà công tử của nàng, luôn luôn đúng, luôn luôn là nam nhân tốt nhất trên thiên hạ. Lúc nàng phát kẹo cho đám trẻ, dặn chúng ngày mai lại đến tung hô Mộ Dung Phục đang đội mão giấy kia là hoàng đế, giúp y dệt nên giấc mơ ngai vàng hư ảo ấy, tôi biết, nàng là người duy nhất hiểu được bi kịch của y.

“Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung”, một người là anh hùng, một kẻ là gian hùng, nhưng tựu chung lại vẫn là bi kịch. Khác nhau là, bi kịch của Kiều Phong là do sự tình cờ sắp đặt, sự ngẫu nhiên run rủi của vận mệnh đã đẩy hắn đến tuyệt lộ, còn với Mộ Dung, bi kịch của y ngay từ lúc sinh ra đã bắt đầu, bản thân cái tên y cũng đã là khởi đầu của bi kịch. May mắn lớn nhất trong cuộc đời y, có lẽ là cuối cùng vẫn còn có A Bích. Một con người, chưa đến lúc lạc lõng một mình trên nhân thế này, bên cạnh vẫn còn một ai đó thật lòng với mình, thì vẫn chưa gọi là cùng đường.

Ngẫm lại thì, A Châu và A Bích cùng nhau lớn lên, sau đó một nàng yêu Bắc Kiều Phong, một nàng yêu Nam Mộ Dung, một nàng oanh oanh liệt liệt vì yêu mà chết, một nàng âm thầm lặng lẽ vì yêu mà sống, đến cuối cùng là ai bi kịch hơn ai?

Dù thế nào đi nữa, với tôi, cô gái A Bích ấy vẫn rất đẹp, vô cùng đẹp đẽ, thậm chí còn hơn xa vẻ đẹp của vị “thần tiên tỉ tỉ” nhạt nhẽo như bức tượng kia.

Có những người như thế, thầm lặng tựa không khí, luôn luôn hiện diện bên ta, ta chẳng hay chẳng biết, nhưng lại không thể thiếu, dù chỉ một giây một khắc.