Khu vườn mùa hạ

Chương 13-2




Tôi túm lấy cánh tay Sugita đang định đập cái kính xuống sàn, đột ngột nhảy bổ lên người nó. Sugita buông cái kính ra, túm lấy tóc tôi. Tôi ra sức tát vào mặt nó. Sugita quẫy đạp hai chân, cố sống cố chết kéo vặn tóc tôi. Đầu tôi nóng rát.

Rồi sau đó, mọi chuyện lộn xộn hết cả lên. Vẫn túm chặt lấy nhau, chúng tôi lăn lộn, tát, cắn. Tất cả những kìm nén từ trước đến nay đột nhiên tan biến. Cơ thể tôi tập trung vào việc đánh bại đối thủ, bỗng đâu tôi mạnh bạo đến không ngờ. Nếu Sugita không dùng thủ đoạn nhằm vào kính của Wakabe, có lẽ tôi cũng không tức giận đến vậy. Nhưng đó là do sau này ngẫm lại mới thấy thế. Còn lúc ấy tôi chỉ cảm thấy như vừa gõ phải một cánh cửa xa lạ trong chính bản thân mình và mở nó ra. Một góc trong đầu tôi nhớ lại chuyện có lần đã ngăn Wakabe lao vào đánh Sugita. Đó là khi Sugita lăng mạ bố của Wakabe. Tôi tuyệt đối không muốn cảm thấy hối hận như lần đó nữa.

“Mấy đứa đang làm gì thế hả?” Dù nghe thấy tiếng hét giận dữ của huấn luyện viên, tôi và Sugita vẫn không dừng lại. Chát, tôi ăn một cú bạt tai của huấn luyện viên, tiếng vọng to đến kinh ngạc. Cuối cùng chúng tôi cũng bị tách ra, hành lang đã bật đèn sáng trưng từ lúc nào. Huấn luyện viên nghiêm khắc nhìn Yamashita và Matsushita vẫn còn đang thở hồng hộc nắm cổ áo của nhau, rồi nhặt kính cho Wakabe còn đang dò dẫm. Hai đứa lớp Năm vẫn đứng đờ ra như hai hồn ma.

Sugita bị chảy máu mũi. Nhìn bộ đồ ngủ nhàu nát của nó, tôi nghĩ thật đáng đời, dù áo của tôi cũng bị giật hết khuy.

Tưởng chừng có khói bốc lên từ đầu huấn luyện viên.

“Có biết bây giờ là mấy giờ không?”

Như để trả lời, đồng hồ treo tường điểm đánh boong. Âm thanh thong thả của quả lắc đồng hồ. Từ trong phòng, có mấy đứa ngốc thò mặt ra ngoài, cười rúc rích.

“Những đứa không liên quan đi ngủ ngay!”

Những cái cổ đang vươn ra liền thụt hết vào.

Môi tôi nóng râm ran. Tôi sờ thử, cứ như không phải môi của mình vậy.

“Kiyama!” Huấn luyện viên gườm gườm nhìn tôi. Bực tức, tôi cũng gườm gườm đáp trả lại. “Mặt ghê quá! Nhìn vào gương thử xem!”

Tôi chậm chạp đứng lên, ngó vào gương, đúng là ghê thật. Môi tôi sưng lên như miếng trứng cá.

Sau đó tại phòng huấn luyện viên, chúng tôi bị bôi đẫm ô xy già vào những vết xước trên người. Rất xót. Matsushita chỉ bôi có chút xíu vào cánh tay mà đã gào toáng lên, thế là nó ăn thêm một cú đấm nữa của huấn luyện viên. Tôi nghiến chặt răng, vừa hằm hè nhìn Sugita vừa chịu đựng. Sugita lỗ mũi nhét bông thấm đang gườm gườm nhìn tôi.

“Xem ra rèn luyện buổi trưa là chưa đủ với mấy đứa. Nếu còn hăng thế, bây giờ cả lũ đi dọn toa lét đi.”

“HẢ?” Yamashita, Wakabe và Matsushita kêu lên.

“Nhưng mà Kiyama đánh em trước!”

“Mày chơi bẩn quá đấy! Sugita! Mày có lỗi trước!” Tôi và Sugita đồng thanh gào lên.

“Ồn ào!” Trận sấm sét lớn nhất giáng xuống. Cả hai giật thót mình. “Tiện thể hãy cọ luôn cả nhà tắm! Không được ngủ cho đến khi nào cọ sáng bóng lên. Hiểu chưa? Phải sáng bóng đấy!”

Tôi im lặng đứng dậy. Lúc thế này thì tránh voi chả xấu mặt nào. Ai mà biết được.

14" align="justify">

“Nhìn này, chỗ này!” Yamashita đang ngồi xổm, bật kêu lên vui mừng. Là nụ hoa. Chỉ có bốn ngày không nhìn mà đám cúc cánh bướm đã lớn lên trông thấy.

“A! Chỗ này cũng thế!”

Những cơn gió mát chốc chốc lại lướt qua, như đang ngóng đợi mùa thu từ bầu trời lặng lẽ buông xuống, hiển hiện trên mặt đất. Chỉ cần thêm một thời gian nữa, hoa sẽ nở khắp vườn.

“Mình sẽ làm ông cụ bất ngờ!” Wakabe lôi từ trong cặp học thêm ra một con ếch nhồi bông. Chúng tôi đã mua cho ông cụ con ếch này ở cửa hàng lưu niệm trên hòn đảo. Con ếch này có hai mắt xa nhau, giống hệt Wakabe lúc bỏ kính ra, nhưng Wakabe không nhận thấy điều đó. “Mặt nó kỳ cục nhưng chẳng hiểu sao tao lại thấy thích!” Lúc quay về trên tàu điện siêu tốc, nó cứ nhìn con ếch mãi và nói vậy, tôi và Yamashita đều bật cười.

“Này, gọi nhé!” Wakabe nói. “Ông ơi, ông đang làm gì thế?”

“Ngủ trưa!” Yamashita nói.

“Dọn nhà tắm!” Wakabe nói.

Chẳng hiểu sao tôi chẳng nghĩ ra gì cả. “Tao chẳng nghĩ ra gì hết!”

“Đồ không có trí tưởng tượng! Cứ nói đại gì đi!”

“Vậy, cắt móng tay!”

Chúng tôi bước lại gần hành lang. Cửa sổ mở he hé. Tôi nhìn vào trong tấm cửa lưới, ông cụ đang nằm trên đệm, trên bụng phủ tấm chăn mùa hè, hai bàn tay ông cụ đan hờ vào

“Tao thắng...” Yamashita thì thầm, đoạn thong thả mở cửa lưới. Nhưng trong giây phút tiếp theo, cả ba đều nhận ra. Chúng tôi cảm thấy bằng điều gì đó tận sâu thẳm trong cơ thể, rõ ràng đến kỳ lạ. Ông cụ không ngủ.

* * *

Mùi thơm tràn ngập căn phòng, đó là mùi nho. Trên đĩa, bốn chùm nho có màu như bầu trời đêm được chiếu sáng bởi ngọn lửa lớn ở đằng xa. Chắc chắn ông cụ mất sau khi đã rửa nho để chuẩn bị ăn cùng với chúng tôi.

“Cứ như đứa trẻ chuẩn bị đi chơi vậy.” Yamashita lau cặp mắt sưng mọng vào tay áo phông. Wakabe quay lưng ngồi trong góc phòng. Chốc chốc lại nghe thấy tiếng thổn thức. Tôi ngắt lấy một quả nho, bóc vỏ. Quả nho căng mọng nước run rẩy lăn trên bàn tay tôi.

“Ông ăn đi!”

Tôi chìa quả nho cho ông cụ. “Này, xin ông hãy ăn đi!”

Trong sách thường viết rằng khuôn mặt của người chết trông giống như đang ngủ, nhưng nhìn thế nào tôi cũng không sao nghĩ được rằng ông cụ đang ngủ. Không phải là mặt ông cụ không bình yên. Ông thậm chí còn hơi cười một chút, trông hết sức mãn nguyện. Nhưng, hoàn toàn khác với lúc ngủ. Ông chết rồi. Thứ đang ở đây chỉ là cái vỏ của ông, nhưng ông cụ không phải là thứ đó. Ông cụ không còn có thể dùng cơ thể này để nói chuyện với chúng tôi, cùng ăn với chúng tôi được nữa.

Khuôn mặt ông cụ hơi hóp lại một chút, chỗ hói bóng loáng trên đầu ông cụ như một khoảng đất khô cằn chỉ có cỏ héo ngã xuống.

Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người chết, nhưng tôi không cảm thấy chút đáng sợ nào. Ma quỷ và yêu quái, những thứ chúng tôi vừa sợ hãi lại vừa thích thú, lúc đó đều đã trôi xa khỏi tâm trí tôi. Thân thể của ông cụ giống như một cái áo cũ đã mặc lâu ngày, hiền lành và thân thiết trải dài ra đó.

Tôi có rất nhiều chuyện muốn kể cho ông cụ: chuyện về trận thi đấu, chuyện ngủ trọ trong kho nước tương, chuyện bà cụ hay kể chuyện ma, chuyện về trận đánh nhau to đầu tiên trong đời, chuyện dọn toa lét cho đến tận sáng, chuyện nhìn thấy nghĩa địa trên đảo, chuyện biển phát sáng như lưng cá, chuyện nếu lao xuống biển thì có thể nghe thấy âm thanh trong chính cơ thể mình.

Ông cụ sẽ phản ứng thế nào khi nghe những câu chuyện và câu hỏi của tôi, những hình ảnh đó cứ lần lượt hiện lên trước mắt tôi không ngừng. Thế mà mới không lâu trước đây, tôi còn chẳng thể nhớ nổi khuôn mặt ông cụ. Hồi đi cắm trại, trước khi ngủ, tôi thường nói với ông cụ trong tưởng tượng về những việc mình đã làm được ngày hôm đó. Kiểu như luyện tập sẵn cho cuộc nói chuyện khi quay về. Việc đó quả thật, quả thật rất vui. Tôi trùm chăn để những đứa khác khỏi chú ý, hết khúc khích cười, rồi cáu gắt, cảm thấy tự hào, lúc sau chực khóc rồi cứ thế chìm vào giấc ngủ.

Tôi nhẹ nhàng đặt quả nho lên môi ông cụ. Tôi mong nước của quả nho sẽ tách được đôi môi đã cứng lại của ông. Ông hãy nói gì đi. Ông nói gì cũng được mà, chỉ cần ông nói một lời thôi, cháu sẽ cả đời làm người hầu cho ông. Cháu sẽ nhổ cỏ, sẽ đấm bóp. Hằng ngày sẽ đổ rác, giặt quần áo. Hằng ngày sẽ cho ông ăn gỏi cá. Thế nên, ông chưa được đi...

Nhưng, ông chẳng nghe thấy gì hết. Lúc đó, tôi bắt đầu khóc.

* * *

Sau khi người của phòng phúc lợi xã hội đưa bác sĩ khám nghiệm tới, tất các thủ tục nhanh chóng được tiến hành. Đột nhiên, nhà ông cụ bị người lớn chiếm lĩnh. Những việc mà chúng tôi có thể làm được chỉ là trả lời chút ít những câu hỏi của cảnh sát. Đến đây lúc mấy giờ? Đến nhà này làm gì? Có quan hệ thế nào với ông cụ này? Tại sao lại đến nhà này?

“Muốn đến thì đến chứ sao?” Wakabe bực tức hét lên, những câu hỏi liền dừng lại ở đó.

Chúng tôi bị săm soi bởi ánh mắt của những bà hàng xóm, nhưng chúng tôi vẫn trông chừng ông cụ. Buổi tối, mẹ tôi và mẹ Yamashita đến đón ba đứa về. Chúng tôi không muốn về. Nhưng, chúng tôi đã kiệt sức đến mức không thể nói nổi câu “Con không muốn về”.

Đêm đó, tôi không ngủ nổi. Tôi lần lượt nhớ lại rất nhiều chuyện, rồi cứ chăm chăm nhìn ra ngoài cửa sổ phòng mình. Nhà ông cụ bị nhà cao tầng và chung cư che khuất hết. Bây giờ ngôi nhà ấy có đang thắp đèn không? Có ai ở đó không? Trong căn phòng tối, chỉ có ti vi đang bật. Tôi như thấy được dáng lưng của ông cụ lúc rửa nho. Tôi khẽ lẩm bẩm. “Cháu ở đây này!” Thế rồi, lỗ hổng trong ngực tôi như được thứ gì đó mềm mại lấp đi chút ít. Tôi lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại. Cháu ở đây này...

Xa xa như có tiếng pháo hoa. Trên bầu trời đèm, văng vẳng đâu đó âm thanh đì đùng của những bông pháo hoa vô hình, và rồi, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

* * *

Ngày hôm sau. Cánh cửa lưới ở nhà ông cụ đã được gỡ ra, cửa lớn cũng được mở tung. Bên trong phòng có bàn thờ nhỏ, vòng hoa cúc trắng, quan tài đặt trong căn phòng trông to khác thường. Con trai của anh ông cụ từ quê lên, ngồi ngẩn ra ở hành lang với mấy người trong hội dân cư khu phố. Các bà hàng xóm tụ tập thành từng nhóm ba bốn người, thì thầm trò chuyện. Họ cầm quạt và khăn tay phe phẩy ra điều mặc áo đen nóng lắm, cứ mỗi lần đổi chân đuổi muỗi, họ lại đạp vào đám hoa cúc cánh bướm, nhưng nào có ai thèm để ý đến. Nhà sư đến muộn mất ba mươi phút, nhanh chóng đọc kinh, vội vã thổi tắt hương, sau đó nắp quan tài được mở ra. Ông cụ teo nhỏ lại đến không thể tin được. “Mình không muốn nhìn. Đây không phải là ông cụ!” Tôi nghĩ. Wakabe và Yamashita bật khóc. Tôi cũng khóc, nhưng trong lòng như bị bao phủ bởi một tấm màn vô cảm. Ngoài tôi đang khóc ra, còn có một tôi khác đang ngủ yên.

Xe chở ông cụ không quen biết đó tiến đến nhà hỏa táng, cánh cửa sắt to tướng đã mở ra như chờ sẵn, nuốt chửng lấy ông cụ. Quan tài được đặt lên đường chuyền nhanh và êm ru.

“May mà mình đã mua con ếch.” Wakabe bỏ con ếch làm quà lưu niệm trại hè vào trong quan tài.

“Đúng là chỉ ra có ít khói nhỉ?”

“Ừ.”

Ngồi xuống ghế, ngước lên nhìn làn khói, tôi chợt nhận ra ngày hôm nay rất nóng. Quả thực rất nóng. Cứ như thể nó đã gọi mùa hè năm nay quay lại lần nữa.

“Này, các cháu!”

Cháu trai ông cụ tay nới lỏng chiếc cà vạt đen, bước lại gần chúng tôi. “Tôi có chuyện muốn hỏi.” Bác ta ngồi xuống ghế. “Đó là về ông chú của tôi.”

Phải mất mấy giây tôi mới hiểu được đó là chuyện về ông cụ. Người này mặc dù là cháu của ông, nhưng hoàn toàn không giống, ông cụ chết rồi nhưng người này có vẻ chẳng vui cũng chẳng buồn.

“Chú tôi có để dành tiền cho một người phụ nữ.”

Ba đứa nhìn nhau. Chắc chắn là bà Koko Yayoi.

“Thật sự, tôi rất ngạc nhiên là ông ấy lại tích lũy được kha khá.” Cháu ông cụ vừa chùi mồ hôi trên đầu mũi vừa nói. Khăn tay bác ta dùng là kiểu hoa văn sọc xấu xí. Vào những ngày thế này mang khăn tay trắng là được rồi.

“Ông chú tôi viết rằng hãy hỏi các cháu địa chỉ của người phụ nữ kia.”

“Có thư ạ?” Wakabe dồn dập hỏi.

“Ừ.” Bác ta ngao ngán trả lời. “Trong đó có viết nếu chú tôi chết thì nhất định phải liên lạc với một trong số các cháu.”

Chúng tôi giật thót mình như bị ai đánh.

“Đó là lỗi của tao! Chỉ vì tao muốn xem người chết...” Wakabe nghẹn ngào.

“Đừng khóc!” Tôi ngước lên nhìn ống khói. Có lẽ ông cụ cũng sẽ nói vậy. Đừng khóc! Nhưng Wakabe càng khóc dữ hơn.

“Trong đó có ghi tên ba người, nhưng lúc đầu tôi không nghĩ đó lại là các cháu. Tại vì lẽ nào…”

“Bác không nghĩ lại là mấy đứa trẻ thế này.” Nghe tôi nói, bác ta liền ngoái lại.

“Đúng vậy đấy!” Bác ta đứng dậy, vẻ hơi căng thẳng, buông ra một câu rồi bỏ đi. “Chẳng có ai đâu nhỉ? Ông ta chi toàn làm theo ý mình thôi!”

Khói trắng tuôn ra từ đầu ống khói, biến mất như tan vào sắc xanh của bầu trời. Tôi mở căng mắt, nhìn chằm chằm vào làn khói lững lờ ấy. Đột nhiên, bị gió trời thổi, nó khẽ khàng lay động. Tôi phải nhìn theo làn khói ấy thật kỹ, nhất quyết phải mở t nhìn đến tận phút cuối.

* * *

Những mẩu xương của ông cụ trắng tinh, có cái phẳng, có cái cong, có cái như hóa thạch của loài sò. Một nhóm hai người dùng đũa gắp chúng vào một cái tiểu. Tôi và Wakabe nhẹ nhàng, run rẩy nhặt lên một miếng có hình như lõi của vòng hoa. “Đó là xương ở phần cổ. Xương còn sót lại mà có hình dáng đẹp thế này là tốt lắm đấy” Người ở khu tang lễ chỉ cho chúng tôi như vậy. Ông cụ giờ đã tới một nơi mà chúng tôi không thể với tới. Lúc mới thấy xương của ông cụ, đâu đó trong lòng tôi đã nghĩ biết đâu ông sẽ sống lại. Thế nhưng, bây giờ khi đã hiểu rằng điều đó là không có, tim tôi lại tràn ngập cảm xúc tĩnh lặng, bình yên đến lạ kỳ.

Nếu như, nếu như ông sống lại, cháu sẽ kể cho ông nghe rất nhiều chuyện, chắc chắn ông cũng sẽ đáp lại lời cháu. Chuyện nỗi lo về kỳ thi chuyển cấp, chuyện hoàn toàn không biết tương lai mình muốn làm gì, cháu mong ông lắng nghe những nỗi niềm đó. Đến mùa hè, mình lại cùng nhau ăn dưa hấu, có lẽ cả bắn pháo hoa nữa. Khi nào cháu thành người lớn, một lúc nào đó ta có thể cùng nhau uống bia ở cửa hàng bánh xèo. Không thể làm được những điều đó, cháu thấy rất buồn, rất cô độc. Nhưng, rốt cuộc, đó vẫn là khó khăn của cháu. Ông đã sống thật trọn vẹn, thật tuyệt vời. Những mảnh xương trắng của ông đã chỉ cho cháu thấy điều đó. Chúng nói rằng ông đã sống hết mình. Cháu cũng sẽ cố gắng. Trong trái tim mình, tôi nói như vậy với ông cụ.

Nắp của cái tiểu đựng xương bằng gốm được đóng lại, tạo một âm thanh khô gọn, mùa hè của chúng tôi đã kết thúc.