Khom Lưng

Chương 42




Trung Sơn quốc cách Ngư Dương khoảng bốn, năm ngày đường.


Sáng sớm hôm sau, Tiểu Kiều ra khỏi phủ cùng Từ phu nhân.


Ngụy Nghiễm đã chờ ở cửa. Sau hắn là hai hàng hộ vệ, ước chừng một trăm người.


Ngụy Nghiễm phải ở lại canh giữ U Châu nên không đi cùng, thế nên những hộ vệ này sẽ bảo vệ cho hai người. Bọn họ đều là binh sĩ giỏi nhất của Ngụy gia, do một tay Ngụy Nghiễm tuyển chọn, không chỉ đáng tin mà ai nấy đều dũng mãnh thiện chiến.


Thấy Từ phu nhân và Tiểu Kiều đi ra, Ngụy Nghiễm liền bước lại, đỡ tay Từ phu nhân.


Ngoài cửa lớn có bốn chiếc xe bốn ngựa kéo. Chiếc đầu tiên có đỉnh trang sức bằng đồng thau, bạch ngọc khảm mui che, bên ngoài phủ lụa đỏ, bên trong phô gấm vóc, hai bên có bốn cửa sổ, hai cửa thông khí, hai cửa để ngắm cảnh bên ngoài, bốn góc điểm rèm châu, cực kỳ xa xỉ.


Ngụy Nghiễm đỡ Từ phu nhân xuống bậc thang, đi về phía xe ngựa. Từ phu nhân nhìn thấy, lắc đầu nói: "Bảo cháu chuẩn bị xe, sao cháu lại đưa chiếc xe như vậy tới? Xa xỉ quá."


Ngụy Nghiễm nói: "Bằng thân phận cao quý của tổ mẫu thì sao lại nói xa xỉ được ạ? Quan to quý nhân ở Lạc Dương cũng đều ngồi mấy xe ngựa như thế này, nên chẳng sao đâu. Vả lại phải đi mấy ngày trời, ngoại tổ mẫu tuổi đã cao, cháu sợ người ngồi xe mệt mỏi, nên cháu mới chọn chiếc xe tốt."


Từ phu nhân cười nói: "Cháu đúng là khéo miệng. Thôi, xe đã chuẩn bị rồi, ta không ngồi cũng không được. Vừa lúc có đệ muội cháu đi cùng, bà lão như ta chẳng sao, còn nó thân thể mảnh mai, xe ngựa phải thoải mái mới tốt. Cháu chu đáo như vậy cũng phải."


Ngụy Nghiễm cười, đỡ Từ phu nhân lên xe ngựa, sau đó lui hai bước nhường đường cho Tiểu Kiều, mỉm cười nói: "Đệ muội lên xe đi."


Bà vú già bên cạnh giơ tay đỡ một tay Tiểu Kiều, còn tay kia nàng kéo gấu váy, giẫm lên bệ đỡ. Nhưng mũi chân vừa bước lên sàn xe bỗng bị trượt, nàng hơi lảo đảo. Ngụy Nghiễm đứng gần đó nhanh tay bước qua, Tiểu Kiều còn chưa kịp phản ứng thì hắn đã giơ tay đỡ sau lưng nàng, nói: "Đệ muội cẩn thận.", rồi lập tức thả tay ra.


Chuyện này chỉ trong chớp mắt, thật ra Tiểu Kiều cũng tự đứng vững được, chỉ là không phản ứng nhanh bằng Ngụy Nghiễm thôi.


Với người này, ban đầu nàng không có thiện cảm với hắn, về sau biết thân phận của hắn thì cũng ít đụng chạm, cho dù đôi khi vô tình gặp trong Ngụy phủ thì hắn vẫn luôn biểu hiện nho nhã cẩn trọng, không có hành động thất lễ nào cả. Cảm giác khó chịu từ lần gặp đầu tiên đối với hắn cũng dần phai nhạt.


Mà nay bất ngờ được hắn đỡ như vậy, dù trong lòng hơi khó chịu nhưng nàng vẫn quay đầu lại mỉm cười cảm ơn, sau đó cúi người bước vào xe ngựa, ngồi cạnh Từ phu nhân.


Chung bà bà, Xuân Nương cùng đám người hầu đi theo lần lượt lên mấy chiếc xe ngựa phía sau. Xong xuôi rồi đám vệ binh hộ tống đoàn xe đi ra khỏi thành. Ngụy Nghiễm vẫn đi theo đến mấy chục dặm ngoài thành, Từ phu nhân bảo hắn quay về đi, lúc này Ngụy Nghiễm mới dừng lại.


Hắn đứng yên nhìn theo đoàn người dần khuất xa, không nhịn được nắm bàn tay vừa nãy chạm qua vòng eo nhỏ của nàng.


Thắt lưng nàng rất nhỏ, chỉ một bàn tay của hắn cũng có thể ôm trọn, mặc dù chỉ đụng chạm ngắn ngủi thôi, lại cách một tầng y phục, nhưng cảm giác mềm mại kia vẫn lưu lại trên bàn tay hắn, không sao quên được.


...


Đi rồi Tiểu Kiều mới biết lí do Từ phu nhân đã lớn tuổi còn không ngại vất vả đến Trung Sơn quốc.


Mẫu phi của Trung Sơn vương hiện nay - Nguyên thị là bằng hữu tâm giao của Từ phu nhân, tình như tỷ muội. Mấy năm nay vì tuổi đã cao, đường xá lại xa xôi nên ít đến thăm, nhưng tình xưa nghĩa cũ vẫn còn nguyên vẹn.


Năm ngoái Nguyên thị bị bệnh nặng, vẫn kéo dài đến giờ, hôm qua Từ phu nhân nhận được tin từ Trung Sơn quốc nói là Nguyên thị sắp không qua khỏi. Cố nhân gặp chuyện không may như vậy, Từ phu nhân thức trắng một đêm, sáng nay quyết định đến thăm bà ấy lần cuối.


"Y chi bằng tân, người chi bằng cố."


Từ phu nhân nhìn cảnh vật hoang tàn ngoài cửa xe, im lặng hồi lâu, cuối cùng thở dài một tiếng.


(Y chi bằng tân, người chi bằng cố: Đại ý là quần áo càng mới thì càng được quý; còn người càng quen biết lâu năm (cố nhân) thì càng được trân trọng.)


...


Mấy ngày sau, Từ phu nhân dẫn theo Tiểu Kiều đến Lư Nô.


Trung Sơn quốc được thành lập năm Kiến Vũ, quốc vương đầu tiên là một hoàng tử của Hán Vũ đế, ban đầu phong Thanh Hà Công, tước là vương, cải đất phong châu, đặt đô ở Lư Nô. Đến Trung Sơn vương Lưu Đoan ngày nay đã truyền mười mấy đời, được hơn hai trăm năm.


Những quốc gia cùng thời như Lang Gia quốc, Tế Âm quốc cũng đều nhận đặc ân của hoàng gia mà được phong quốc, bây giờ đất đai vẫn còn, phong hào vẹn nguyên, nhưng địa vị đã xuống dốc từ lâu.


Chỉ còn Trung Sơn quốc vẫn ổn định. Định Châu mặc dù trên thực tế quy về Ngụy Thiệu, nhưng vương thất vẫn được đãi ngộ như trước. Chứ không giống một số phong quốc còn lại, bị quan lại địa phương chèn ép, thậm chí đất đai cũng bị cướp sạch.


(Phong quốc: ngày xưa khi các hoàng tử đến tuổi trưởng thành thì nhà vua thường cấp đất đai rồi phong vương cho họ, mỗi người cai quản một vùng. Cứ hay kêu "Vương gia" là vậy á. Phong quốc là chỉ vùng đất được các vị hoàng tử đó cai quản - Nó không phải là một quốc gia lớn, hùng mạnh đâu nha.)


Nhưng mặc dù vậy, khi xe ngựa chạy vào thành Lư Nô, Tiểu Kiều nhìn qua cửa xe thấy hai bên đường vẫn mang theo nét ảm đạm đổ nát, giống như một nhà đã từng là dòng dõi phú quý thư hương, nay lầu son hoang phế, hào quang tắt lịm, chỉ còn chút tàn dư loang lổ chứa đựng hồi ức vinh hoa ngày xưa.


Trung Sơn vương Lưu Đoan hôm qua biết tin Từ phu nhân đến nên hôm nay tự mình ra ngoài thành nghênh đón, đưa Từ phu nhân và Tiểu Kiều vào Vương cung.


Bối phận của Lưu Đoan thấp hơn Từ phu nhân, mà nay còn phải dựa vào Ngụy Thiệu để tồn tại, nên đối đãi với Từ phu nhân và Tiểu Kiều rất cung kính, đưa hai người vào Vương cung rồi cử hành một loạt lễ nghi phiền phức, chiêu đãi cẩn thận. Từ phu nhân nói cứ làm đơn giản là được, xong thay y phục sạch sẽ, dẫn Tiểu Kiều đi thăm Nguyên thị đang bệnh liệt giường.


Nguyên thị trạc tuổi Từ phu nhân, bây giờ cũng đã ở tuổi xế chiều, bà nằm trên giường bệnh, tinh thần không còn minh mẫn. Từ phu nhân nắm chặt tay bà ấy, gọi khuê danh của bà nhưng Nguyên thị chẳng còn nhận ra ai nữa, ánh mắt dại ra, yên lặng.


Lưu Đoan nói, từ năm ngoái mẫu thân đã như vậy, ban đầu còn nhận ra ông, mà nay ngay cả ông gọi thì bà cũng không phản ứng. Có tâm chữa trị, nhưng không đủ sức xoay chuyển đất trời. Nghĩ đến mẫu thân và Từ phu nhân là bạn cũ, sợ bà trách mình không nói với bà một tiếng, nên mới biên thư qua.


Từ phu nhân chỉ để mình Tiểu Kiều ở lại, sau đó nắm tay Nguyên thị ngồi bên giường hồi lâu, tâm sự rất nhiều. Tiểu Kiều lắng nghe, đại thể là Từ phu nhân kể lại chuyện hồi trẻ.


Giọng Từ phu nhân ôn hòa, ngữ điệu nhẹ nhàng, không mang nửa phần đau thương, khi nhắc đến ngày xưa cùng Nguyên thị nói dối người nhà chạy ra ngoài ngắm hoa đăng tết Nguyên tiêu, rồi gặp thiếu niên khiến tim cả hai loạn nhịp, trong giọng nói của bà còn mang theo vui vẻ. Nhưng không biết tại sao khi Tiểu Kiều nghe những chuyện này trong lòng lại đau xót, như có gì đó chặn ngang.


Từ phu nhân cứ ngồi kể mãi kể mãi như thế, đến khi mặt trời lặn về phía Tây mới dẫn Tiểu Kiều đi ra.


Lúc ra khỏi phòng, đôi mắt bà ửng đỏ.


Lưu Đoan dẫn theo đoàn người trong vương thất vẫn đứng ngoài cửa. Thấy Từ phu nhân đi ra vội bước lên mời bà dự tiệc. Từ phu nhân không từ chối, dẫn Tiểu Kiều đi theo. Trong bữa tiệc, từ Lưu Đoan tới khách khứa trong vương tộc hùa nhau nịnh nọt Từ phu nhân, cũng luôn khen tặng Tiểu Kiều, Từ phu nhân vui vẻ cười đáp, không tỏ vẻ khó chịu gì hết. Đến khi tan tiệc đi ra mới thở dài với Tiểu Kiều: "Hoàng thất họ Lưu tồn tại hơn bốn trăm năm, nay suy bại tới nhường này, đúng là thiên ý!"


Quay về phòng ngủ, Từ phu nhân có vẻ như vẫn suy nghĩ đến chuyện Nguyên thị, ngồi im trước đèn, bóng người tĩnh lặng. Tiểu Kiều vẫn ngồi cạnh bà hồi lâu.


Chung bà bà đi vào, nói Từ phu nhân thay y phục nghỉ ngơi, nhưng Từ phu nhân vẫn không nhúc nhích.


Tiểu Kiều nghĩ mấy ngày trước bà ngồi xe ngựa cũng mệt mỏi, mà hôm nay lại phải xã giao chào hỏi mọi người, đang định mở miệng khuyên bảo thì thấy Từ phu nhân nhìn mình, nói: "Ban ngày ta nói mấy chuyện linh tinh với Nguyên thị, làm cháu chê cười rồi. Giờ lớn tuổi lại nhớ về hồi trẻ. Chớp mắt mà tóc đã bạc, chuyện xưa cứ như giấc mộng."


Tiểu Kiều nói: "Cháu nào dám chê cười. Nhưng mà dù cho chu nhan trong gương[1] có hao mòn, tuổi tác càng không lưu lại được, thế mới có câu tổ thành chim non lớn, làm bạn cùng năm sang. Tổ mẫu nhớ tới thời xưa cũ, nên mới bùi ngùi vậy thôi".


[1] Chu nhan trong gương: Cụm từ trích dẫn từ Điệp yêu hoa của Phùng Duyên Dĩ, một trong năm nhà thơ Nam Đường lớn. Ngày ngày trước hoa thường sầu rượu, không nề hà chu nhan gầy trong gương. Bài thơ viết cho nỗi buồn xuân của người trẻ tuổi. Buồn vì xuân sang, ngắm hoa cũng buồn, nâng chén cũng buồn, soi gương cũng buồn. Thà rằng gầy cũng phải uống rượu để bớt phiền ưu. Chu nhan: chỉ sắc mặt, khuôn mặt các loại, thường xuất hiện trong thơ cổ.


[2] Trích trong bài Nghênh yến - Cát Thiên Dân: Dịch nghĩa cả bài: mùa xuân tháng ba đến gia đình trăm họ. Để đón chim én vào mà họ không thả rèm cửa xuống. Dù cánh chim én bị mưa làm ướt, trong miệng vẫn ngậm bùn đất có mùi hoa vào xây tổ. Tổ chim én đã xây xong từ lâu, chim én nhỏ cũng lớn rồi, chim én và gia đình cùng làm bạn qua thời gian tốt đẹp. Câu cuối trích trong câu là Tổ thành chim non lớn, làm bạn cùng năm sang.


(Chú thích của Tặc Gia)


Từ phu nhân lặp lại một lần "Tổ thành chim non lớn ", nở nụ cười, giơ tay nhẹ nhàng vỗ lên mu bàn tay Tiểu Kiều, quay đầu nói với Chung bà bà: "Đứa nhỏ này nói hợp lòng ta."


Chung bà bà cười nói: "Nữ quân sợ lão phu nhân quá đau lòng làm hại đến thân thể nên mới dỗ lão phu nhân hai câu, thế mà lão phu nhân đã vui như vậy rồi."


Từ phu nhân nói: "Thôi, hôm nay mệt rồi, mọi người nghỉ ngơi sớm đi."


Chung bà bà dạ vâng, cùng Tiểu Kiều đỡ Từ phu nhân đứng dậy.


Hôm sau Từ phu nhân hỏi thái y, biết Nguyên thị không còn nhiều thời gian nữa, bèn quyết định ở thêm mấy ngày. Hôm đó có nhiều người trong gia tộc của Từ phu nhân đến thăm, mở miệng là bao nhiêu lời xu nịnh. Lại quay qua Tiểu Kiều, thấy dung mạo nàng như tiên nhân, cử chỉ trang nhã, ai nấy đều ái mộ.


Ngụy gia bây giờ lên như diều gặp gió, nàng mặc dù trẻ tuổi nhưng cũng là chủ mẫu tương lai của Ngụy gia, lại có vẻ được Từ phu nhân yêu quý, đi đâu cũng dẫn nàng theo bên người, thế nên bọn họ càng nể trọng nàng hơn, lén giấu Từ phu nhân tặng nàng vô số lễ vật lấy lòng. Tiểu Kiều đương nhiên không nhận, trả lại hết cho họ, cũng không nhận gặp mặt riêng ai hết. Cứ vậy qua hai ngày, chiều tối hôm đó, Tiểu Kiều theo Từ phu nhân đi thăm Nguyên thị về.


Nguyên thị hôm nay hô hấp đã khó khăn, theo lời thái y thì cũng chỉ cầm cự được một hai ngày nữa thôi.


Từ phu nhân trở về, lòng buồn bã. Tiểu Kiều ngồi bên khuyên nhủ, bỗng nhiên có bà vú già gõ cửa: "Lão phu nhân, trưởng nữ Tô gia - phu nhân Tả Phùng Dực Công biết lão phu nhân đến Trung Sơn nên đến đây bái kiến."


Tiểu Kiều khẽ nheo mắt, nhưng nhanh chóng che giấu đi.


Nàng biết, trong cuộc đời Đại Kiều ở kiếp trước vẫn luôn tồn tại một người như thế.


Có điều người đó chỉ tồn tại mơ hồ trong trí nhớ của mình, ngay cả tên cũng không nhớ. Nhưng bây giờ người đó đột nhiên sống sờ sờ ngay đó, chỉ chốc lát nữa thôi sẽ xuất hiện trước mặt mình.


Từ phu nhân hơi ngẩn người, lẩm bẩm: "Năm ngoái phu quân nó mới mất, không phải đang ở Lạc Dương ư? Sao lại chạy tới đây?" Suy nghĩ một lát, bèn sai người mời vào trong.


Tiểu Kiều vội vàng đứng dậy xin cáo lui, Từ phu nhân nói: "Cháu cứ ở lại đây, không sao. Luận về bối phận thì ta là cô cô của mẫu thân nó, nó phải gọi ta là ngoại cô tổ mẫu, cũng coi như họ hàng thân thích."


Tiểu Kiều rũ mắt xuống, "vâng" một tiếng, rồi ngồi lại bên cạnh Từ phu nhân.


Một lát sau nàng nghe ngoài cửa có tiếng ngọc bội leng keng, ban đầu còn nghe loáng thoáng, dần dần nghe rõ hơn, tựa như điệu nhạc tuyệt mỹ, có thể tưởng tượng được tư thái bước đi của nữ nhân này, như liễu rủ trong gió, yểu điệu duyên dáng.


Ngoài cửa xuất hiện một thiếu phụ mặc đồ trắng toát.


Tiểu Kiều nhìn lại.


Thiếu phụ này có vẻ lớn tuổi hơn Ngụy Thiệu một chút, chừng hai bốn hai lăm, tóc đen chải kiểu đọa mã, dung mạo mỹ lệ, đặc biệt là đôi mắt hút hồn như đoạt tình người khác. Dáng vẻ bất phàm, y phục trắng toát cũng không giấu được vẻ phong tình, càng khiến nàng ta trở nên đặc biệt.

Thiếu phụ đến trước ngưỡng cửa, hơi nhấc gấu váy lên, theo hướng bà vú già đi đến trước mặt Từ phu nhân, cung kính bái lạy. Hành lễ xong, nói: "Chất nữ Nga Hoàng hai ngày trước nghe tin ngoại cô tổ mẫu đến. Đã nhiều năm không được gặp người, cháu nghe vậy mừng lắm, muốn đến đây từ sớm. Có điều cháu nghĩ người nhất định rất bận, Nga Hoàng sợ quấy rầy người nên mới kìm lại. Hôm nay thực sự nóng lòng mong nhớ, không để ý trời đã tối muộn mà tự ý đến đây, mong là không quấy rầy ngoại cô tổ mẫu."


Dứt lời dập đầu thêm lần nữa.


Nàng ta vừa mở miệng, Tiểu Kiều chợt thấy bất ngờ. Giọng nàng ta hơi khàn, giống như cổ họng bị tổn thương vậy.


Có điều lời nói của nàng ta có nhịp điệu, nên nghe vào tai không hề thấy khó chịu, so với nữ tử bình thường càng thêm mấy phần ý nhị.


Từ phu nhân có vẻ cũng bất ngờ, con mắt duy nhất nhìn nàng ta: "Nhiều năm không gặp. Ta nhớ trước đây giọng ngươi rất tốt, sao lại trở nên như vậy?"


Tô Nga Hoàng rũ mắt, khuôn mặt lộ vẻ sầu bi: "Thưa ngoại cô tổ mẫu, đợt trước cháu bị bệnh nặng, cơ thể đã khỏe nhưng giọng lại bị mất đi."


Từ phu nhân gật đầu: "Đáng tiếc." Lại nói: "Tả Phùng Dực Công năm ngoái bất hạnh tạ thế, ta cũng nghe nói. Ngươi cần nén bi thương, đừng đau lòng quá mức hại tổn hại đến thân thể."


Tô Nga Hoàng cúi người thật thấp, nói: "Nga Hoàng tạ ơn ngoại cô tổ mẫu yêu thương. Nga Hoàng vốn theo tiên phu (chồng đã mất) định cư ở Lạc Dương, nhưng từ khi tiên phu mất, cháu sợ thấy vật nhớ người, nên đầu năm nay quay về Trung Sơn quốc ẩn cư. Lần trước đại thọ người Nga Hoàng vẫn chưa hết hạn để tang nên không thể qua chúc, chỉ có thể bái lạy từ xa mong ngoại cô tổ mẫu an khang mạnh khỏe. Ngoại cô tổ mẫu vẫn luôn lo lắng yêu thương Nga Hoàng, ân nghĩa đó cháu không thể quên được, vẫn mong có cơ hội chăm lo hầu hạ người để có thể báo đáp ân tình."


Từ phu nhân cười nhạt: "Hiếu tâm của ngươi, ngoại cô tổ mẫu ghi nhớ. Nhưng bây giờ ta có cháu dâu hầu hạ chu đáo, ngươi không cần lo lắng."


Tô Nga Hoàng cuối cùng cũng nhìn Tiểu Kiều ngồi cạnh Từ phu nhân, hai mắt dừng lại trên mặt nàng liền mỉm cười thân thiết: "Vậy đây chắc là tân phu nhân của Trọng Lân đệ phải không ạ? Hai ngày trước cháu nghe mọi người nói, Yên Hầu phu nhân dung mạo dụ nhật si hoa, nay vừa thấy đã làm cháu ái mộ. Ban nãy chỉ lo nói chuyện với ngoại cô tổ mẫu, là cháu không phải. Tỷ đây xin nhận lỗi với muội muội." Nói xong chào Tiểu Kiều theo lễ tiết như phụ nhân lần đầu gặp mặt.


Tiểu Kiều khẽ khom người đáp lễ.


Theo lý thì lúc này Từ phu nhân phải giới thiệu Tiểu Kiều với nàng ta, nhưng Từ phu nhân lại không nói gì, trên mặt chỉ mang theo nụ cười nhàn nhạt, nhìn Tô Nga Hoàng và Tiểu Kiều chào hỏi nhau.


Tô Nga Hoàng nói: "Hôm nay may mắn thấy muội muội như tiên tử đây, tỷ thật vui mừng. Sau này nếu có cơ hội mong có thể qua lại với muội nhiều hơn, như vậy mới không phụ lòng vừa gặp đã thương của tỷ."


Nếu Từ phu nhân không giới thiệu mình với nàng ta thì Tiểu Kiều cũng không cũng không gọi "tỷ tỷ" như nàng ta muốn, chỉ mỉm cười đáp: "Phu nhân quá khen, ta cũng mong vậy."


Tô Nga Hoàng vẫn mỉm cười như cũ, ánh mắt dời khỏi người Tiểu Kiều, nhìn Từ phu nhân nói: "Cuối cùng đã được gặp người, Nga Hoàng mãn nguyện rồi, chắc hôm nay ngoại cô tổ mẫu đã mệt mỏi, Nga Hoàng không dám quấy rầy nữa, xin được cáo lui trước, lần sau lại tới hầu hạ."


Từ phu nhân nói: "Ngươi có tâm." Dứt lời nhìn về phía Chung bà bà, bảo đưa nàng ta đi.


Tô Nga Hoàng dập đầu bái lạy Từ phu nhân, sau đó đứng dậy rời đi.


Tiếng ngọc bội dần biến mất, Từ phu nhân ngẩn ngơ một lát, mỉm cười nói với Tiểu Kiều: "Hôm nay cháu cũng mệt rồi, đi nghỉ sớm đi."


...


Tiểu Kiều quay về phòng mình, ngồi trong thùng nước tắm rửa.


Xuân Nương đứng sau lưng nhẹ nhàng gội đầu cho nàng, xoa tóc tạo thành từng đóa bọt trắng xóa. Dội nước lên, bọt trắng bồng bềnh trên mặt nước, tựa như từng đóa sen trắng tinh khiết đang dần dần thu nhỏ lại.


Tiểu Kiều thoáng ngẩn ngơ, bỗng xoay người lại, hai cánh tay trắng nõn như ngó sen choàng lên thùng tắm, cằm tựa vào mu bàn tay, nhìn Xuân Nương hỏi: "Xuân Nương, chúng ta đến đây đã nhiều ngày rồi, bà có nghe ai nhắc đến tên Nga Hoàng không?"