Khúc Ca Biệt Ly

Quyển 2 - Chương 1: “Tình yêu của chúng ta bị nhiễm lạnh”




Áo sơ mi trắng bị rớt mất một chiếc cúc màu xanh nước biển đậm, tôi đính mà mất gần hết nguyên cả một buổi chiều. Bài hát duy nhất MP3 chơi đi chơi lại là một bài hát cũ của Vương Phi, nghe đến nỗi tai tôi gần như chai đá. Trên bệ cửa sổ đang phơi chiếc cặp lớn màu đen của tôi, đã bị tôi giặt hết 3 lần rồi, nhưng vẫn cảm thấy quai đeo có những vệt dơ rất ngứa mắt. Kỳ nghỉ đông này, tôi có một khám phá mới, khi ta làm một việc gì đó cực kỳ chậm rãi hoặc làm đi làm lại, sẽ nảy sinh một ảo giác là thời gian bị đông cứng, gió không thổi mây không trôi, chiếc đồng hồ trên tường cũng tựa như bị chậm lại, hết thảy ở trước mắt ta đều hiển hiện một cách chậm chạp, thậm chí ngay cả tâm trạng.

Rất tốt, đấy chính là điều tôi cần.

Vào lúc hoàng hôn, bên ngoài phòng vang lên một tiếng gõ cửa khe khẽ, tôi đứng lên mở cửa, trông thấy A Nam. Tay của ông bưng một ly trà sữa, nói với tôi: “Ba về muộn, bà mới đi đánh mạt chược về, cơm chiều nay sẽ phải đợi thêm một chốc nữa, con uống chút này trước đã.”

“Không đói ạ.” Tôi cười với ông, nhưng vẫn nhận lấy chiếc ly.

“Mai dậy sớm một chút,” Ông nói, “Chúng ta lên thành phố, mua những vật cần thiết cho học kỳ mới, sắp vào học rồi, cũng phải mua cho con vài bộ quần áo mới. Hơn nữa, ba còn có một món quà bí mật muốn tặng cho con.”

“Gì thế ạ?” Tôi hỏi.

Ông không đáp, cố làm ra vẻ thần bí.

Thật ra tôi có thể đoán được, cái “món quà bí mật” của ông, chắc hết hơn nửa chính là ngôi chợ nhỏ trên thành phố của ông sắp sửa khai trương rồi, tuy trước giờ tôi chưa từng đả động dến, nhưng tôi biết những ngày qua ông luôn lo bận rộn vì việc này. Chẳng qua là tôi hoàn toàn không bóc trần sự việc ra, mà lại trả lời một cách rất phối hợp: “Được thôi ạ.”

“Con còn phải nên đi cắt tóc một chuyến.” Ông nhìn tôi bảo, “Tóc mái đã rũ xuống mắt rồi, sẽ ảnh hưởng đến thị lực.”

“Biết rồi ạ.” Tôi nói.

Ông cười cười, giơ chân ra để tôi nhìn, thế là tôi mới để ý thấy giày ở chân của ông, ECCO. Đây là đôi giày tôi mua làm quà sinh nhật cho ông năm ngoái, ông vẫn cứ không nỡ lấy mang, giờ đây được ông xỏ vào chân, đánh bóng lưỡng.

“Mang rồi à?” Tôi nói.

“Mang thử.” Ông sửa lời tôi, “Ngày mai chính thức.”

Bộ dạng đó, giống như ngày mai là ngày lớn gì của ông ấy không bằng. Nhưng tôi biết, bắt đầu từ ngày tôi nhận được giấy báo đậu vào Thiên Trung trở đi, mở một ngôi chợ trong thành phố liền trở thành lý tưởng của ông. Bà tôi tuổi đã lớn, ông hoàn toàn không có ai đỡ đần, việc lớn việc nhỏ đều tự tay mình lo làm. Nhưng có lẽ ứng với câu nói, “dẫu vào ngõ cụt, gặp đúng thời, vận sẽ chuyển,” từ lúc chúng tôi dọn từ Thành Đô về đây, ông liền lên như diều gặp gió. Nhưng tôi muốn tin rằng, hết thảy đều vì ông trời đã kiểm chứng sự lương thiện của ông, cho nên quyết định nửa đời sau sẽ không làm khó ông nữa.

Bất kể là như thế nào, ông ấy vui là tôi vui.

Hôm sau, lúc tôi tươm tất ra tới cửa, ông đã ngồi ngay ngắn trên ghế lái của chiếc xe chở hàng màu xanh lam. Gió cuối đông đầu xuân còn hơi rét, tôi quấn chiếc khăn quàng cổ màu đỏ của tôi nhảy lên xe, ông cầm một xấp CD đưa cho tôi chọn, hỏi tôi: “Chúng ta nghe đĩa nào trên đường đi thì hay?”

Tôi chọn Đặng Lệ Quân, đó là ca sĩ ông ấy yêu thích nhất.

“Liệu con có cảm thấy nhàm chán không?” Ông ấy hỏi như đang tham khảo cố vấn, “Ở đây ba còn có các đĩa sưu tập, đều là những ca khúc thịnh hành nhất hiện giờ, người trẻ tuổi đều ưa chuộng nghe đấy.”

“Mấy cái này toàn là đĩa lậu.” Tôi nói, “Chất lượng không tốt, hơn nữa nội dung còn làm hỏng máy.”

“À.” Ông cất hết đám đó đi, ngại ngùng nói với tôi, “Đều là bạn bè tặng, ba cũng không biết cái gì là đĩa lậu đĩa gốc.”

“Thật ngọt ngào, em cười đến thật ngọt ngào, tựa như hoa hé nở trong gió xuân, ôi hé nở trong gió xuân…..” Giọng hát của Đặng Lệ Quân êm dịu bay vào tai, đĩa nhạc này tôi biết là đĩa gốc, hồi năm cuối của cấp 2, ông đi với tôi tới tiệm sách Tân Hoa mua tài liệu ôn thi, sẵn tiện mua luôn nó. Có đôi khi ông cũng sẽ mang nó vào nhà để nghe, vừa nghe vừa tính sổ sách. Chân gõ nhịp, miệng còn ngân nga hát theo, theo tôi thấy, đấy là lúc một mình ông thoải mái nhất.

“Không biết tại sao, cứ nghe cô này hát ba liền nghĩ ngay đến mẹ con.” A Nam nói, “Nghỉ hè năm nay, ba đưa con về Tứ Xuyên nhé? Cũng nên quét dọn mộ cho mẹ con rồi.”

“Tiền lộ phí rất mắc đấy,” Tôi nói, “Bằng không đợi đến khi con thi đại học xong đã.”

“Việc tiền nong con không cần bận lòng.” A Nam bảo, “Con học giỏi như vậy, lại hiểu chuyện, thế là đủ rồi.”

Chắc là ông đã quên mất, học kỳ trước, tôi chỉ đậu được vị trí thứ năm cuối học kỳ. Tuy nhiên tôi biết, ông sẽ không để ý hạng hoặc danh hiệu, nhưng mà tôi để ý. Tôi hận bản thân mình, đã lãng phí quá nhiều tâm sức với những thứ vốn không nên lãng phí tâm sức, lại còn cảm thấy nó vô cùng tuyệt đỉnh lãng mạn, rốt cuộc là ngu ngốc tự rước lấy nhục, chuyện đó cứ như là một vết lở loét, không được rớ vào, vừa nghĩ tới một cái, bụng dạ toàn thân đều cay xót như điên.

Chúng tôi xuất phát sớm, xe chạy tới khu vực thành phố thì mới chỉ là 9 giờ sáng. Lúc chạy ngang qua Thiên Trung, tôi bất giác ngó về phía cổng trường theo phản xạ, trông thấy cổng chính treo một dải băng rôn màu đỏ, trên đó viết một hàng chữ màu vàng rực rỡ: “Chúc Học Sinh Thiên Trung Đón Xuân Vui Vẻ,” gió lạnh thổi sợi dây dùng để cột tấm băng rôn đó bay cao phất phới, tựa như một cánh tay đang vẫy múa lên xuống giữa bầu trời. Nhớ lại lúc mới tới đây, treo trên cánh cổng là “Chào Mừng Các Bạn Mới,” —- Cũng loại chữ y vậy, gọi mời trái tim phấn khởi của tôi. Qua hai ngày nữa, tôi sẽ quay về lại nơi này rồi, bắt đầu những nỗ lực mới. Năng lượng tích tụ trong lòng tôi suốt một kỳ nghỉ đông đang bồn chồn nóng nảy, lần này, Mã Trác sẽ không thua bất cứ ai nữa. Tuyệt đối không.

“Chúng ta đang đi đâu đây ạ?” Tôi nghiêng đầu hỏi A Nam.

“Tới nơi rồi.” A Nam nói xong, xe quẹo một cái, dừng lại trước cổng một tiểu khu rất gần Thiên Trung. Tôi thấy cánh cổng lớn của tiểu Khu có gắn một tấm biển lớn đề chữ “Tiểu Khu Hoa Hướng Dương.” Xe của ông tiếp tục lăn bánh vào trong, quãng chừng 2,3 phút sau ngừng bánh, nói với tôi: “Chúng ta tới rồi.”

Tôi vừa nhảy xuống xe, liền trông thấy trước mắt có một ngôi chợ không tính là lớn, còn chưa có bảng tên, nhưng trước cổng có hai chiếc xe vận tải đang đứng đó, nhân công đang tới lui khuân vác những thùng đồ vào bên trong. Có một người nhìn giống tài xế trông thấy A Nam, gật đầu với ông, chào ông: “Ông chủ Trương.”

“Là của ba à?” Tôi hỏi một cách vui mừng kinh ngạc.

“Của nhà chúng ta.” Ông chỉnh tôi, “Bảng hiệu cũng đã làm rồi, chiều nay có thể treo lên!”

Tôi hỏi: “Vẫn là Siêu Thị Quả Quả?”

Ông cười hê hê, sau đó gật đầu.

Ôi, Lâm Quả Quả thật hạnh phúc. Tôi mà là bà ấy, chết rồi cũng mỉm cười tỉnh dậy.

Ông dắt tôi vào trong tham quan, trong chợ sáng sủa, đang có vài công nhân bận rộn lau sàn. Tôi phát hiện ra, phía trong ngôi chợ lớn hơn tôi tưởng rất nhiều. Tôi vui mừng hỏi ông khi nào có thể mở cửa, ông nói: “Thì ngay cái hôm con khai giảng, ba cũng sẽ mượn chút không khí vui mừng của con.”

Tôi buồn bực: “Con lấy không khí vui mừng đâu ra chứ?”

“Nữ trạng nguyên.” Ông cười hì hì bảo, “Cái này không tầm thường đâu.” Ông nói oang oang, giống như muốn để cho hết thảy mọi người công nhân đều nghe thấy.

“Ba đừng tạo nên áp lực cho con.” Tôi cố ý nhăn nhó cho ông coi.

Ông nghiêm mặt nói: “Chính là muốn tạo áp lực cho con, có áp lực mới có tiến bộ, đợi con thi đậu vào Thanh Hoa Bắc Đại, ba sẽ mở siêu thị lên tới Bắc Kinh, con nói xem được không?”

“Không được.” Tôi nói.

Ông lấy làm khó hiểu.

“Đợi con thi đậu, ba về hưu.” Tôi nói, “Con có thể nuôi ba.”

Ông bật cười ha hả, cười xong chỉ nói một chữ: “Được!”

Nói thật, siêu thị của ông được thu xếp tốt đẹp hơn tôi tưởng tượng rất nhiều. So với ngôi chợ ở dưới huyện, đẳng cấp cao hơn cả một bậc. Huống chi tôi còn không ngờ là chỗ này lại gần Thiên Trung đến vậy. Nếu cuốc bộ, đại khái không hơn 15 phút. Chốc sau, đợi lúc chúng tôi bước ra khỏi siêu thị, ông lại kéo tôi vào một cánh cửa trong tiểu khu, sau khi thang máy chạy qua lầu 12, tôi mới hiểu ra cái mà chân chính gọi là “món quà bí mật” ông nhắc tới hôm qua là gì.

“Ba chưa có thương lượng với bà của con đã mua một căn hộ nhỏ.” Ông mở cửa ra, gọi tôi vào, “Sau này con không cần phải chạy tới chạy lui giữa thành phố và huyện nữa. Cuối tuần ba sẽ đều tới đây ở, như vầy con học hành mệt rồi thì có một mái nhà để quay về, về nhà có canh nóng cho con húp, ba sẽ yên tâm hơn.”

Ông nói thật nhẹ nhàng vô tư, tựa mua nhà đơn giản giống như mua rau vậy.

Tôi biết ông vì mở ngôi chợ này đã phải vay tiền, không biết ông lấy đâu ra món tiền này để mua căn hộ, mà lý do để mua nó rất đơn giản, chỉ vì muốn tôi “học hành mệt rồi thì có một mái nhà để quay về, về đến nhà có canh nóng để húp.”

Tôi đứng giữa khu phòng khách lát đá cẩm thạch trắng, cúi đầu, không cho phép bản thân rơi lệ.

“Nào, tới xem phòng của con.” Ông kéo tôi một cái, “Ba sơn tường phòng con thành màu hồng nhạt, cũng không biết con có thích hay không. Nhưng bản thân ba cảm thấy rất tốt, ấm áp dễ chịu.”

Tôi bất động.

Ông không nhận ra sự khác thường của tôi: “Tới coi này, nếu mà không thích, ba kêu người ta đổi màu khác.”

“Ba có mệt không hả!” Tôi hất tay ông ra.

“Sao vậy?” Ông hỏi một cách thăm dò, “Là không thích à?”

Không thích? Thích? Lúc ấy tôi không biết phải nói sao cho đúng. Nói thật ra, cái “món quà bí mật” này thực sự quá lớn lao, lớn lao đến độ tôi không sao gánh vác nổi.

“Con không cần phải lo cho ba.” Ông rờ rờ đầu nói, “Bao năm nay làm ăn, vẫn có chút đỉnh dành dụm mà.”

Tôi ngước mắt nhìn ông. Con người quá mức tốt lành này, ông đã già, nếp nhăn trên mặt đã thấy rõ nét. Ông phấn đấu hơn nửa đời người, chỉ vì một kẻ không bà con họ hàng gì với ông mà bỏ ra nhiều công sức như vậy, tôi phải làm thế nào mới đền đáp lại tấm tình sâu nặng này?

“Làm gì nhìn ba ghê vậy?” Ông nói, “Coi bộ dạng của con ngốc chưa kìa.”

Lời của ông vừa buông, tôi đã bổ nhào vào lòng ông, khóc oà lên.

Ông sững sờ, rồi ôm chặt lấy tôi, nhẹ nhàng vỗ vỗ lên lưng tôi hai cái, nhẹ đến tựa như nếu không cẩn thận cảm thụ, sẽ không cảm giác được. Nói chính xác ra, đây là cái ôm đầu tiên giữa tôi và ông. Làm tôi chợt nhớ đến thuở bé, ông đã đưa tay để trên đỉnh đầu tôi, động tác chưa được làm xong ấy. Rất nhiều năm sau tôi mới hiểu ra, ý nghĩa chân chính của cái cụm từ gọi là “cảm giác an toàn” —- mãi mãi không phải lo sợ bị tổn thương, có lẽ từ thuở nhỏ, loại cảm giác an toàn thần bí này đã bắt đầu len lỏi giữa tôi và ông, khiến cho chúng tôi tuy không cùng máu mủ, mà quan hệ còn thân thiết hơn bất cứ ai khác. Vì thế tôi ôm ông càng lúc càng chặt, tiếng khóc dần dần nhỏ lại.

“Khờ chưa.” Ông tiếp tục mắng tôi.

A Nam, con sẽ không để cho ba thất vọng, con xin thề.

Nếu không, cứ để cho tôi bị y như Lâm Quả Quả, chết không lành xác.

__________________