Kim Lăng Thập Tam Thoa

Chương 11




Cô Thư Quyên của tôi và các bạn chẳng hiểu bên ngoài đã xảy ra chuyện gì. Các cô chỉ nghe thấy tiếng quát của Engman: “Không được nói chuyện, không được ra ngoài.” Không một ai nói gì, cũng không chen nhau nhòm ra cửa sổ như mọi khi. Ánh sáng đèn pin lọt qua khe rèm, khua qua khua lại như những chiếc đèn chiếu nhỏ nhưng ai cũng nằm im phăng phắc trên giường.

Khi dưới sân rộ lên tiếng máy của chiếc xe Ford, một vài cô bé bạo dạn bò dậy nhìn qua khe rèm. Nhìn không rõ nhưng nghe tiếng reo hò, tiếng nói to bằng tiếng Nhật, họ đoán người Nhật đã vào và lái chiếc xe của linh mục Engman đi rồi.

Các cô bé ngồi trong chăn, bàn tán, lần sau họ đến sẽ lấy gì, sẽ làm gì. Thư Quyên nhớ lại những lời nghe được khi đứng bên lỗ thông hơi tầng hầm, cô nói: “Mấy mụ ấy bảo lính Nhật đến khu an toàn chỉ cốt lùng sục con gái.”

Các cô bé hiểu “mấy mụ ấy” là ai.

“Tại sao họ biết? Họ trốn ở đây kia mà.” Sô-phi nói.

Thư Quyên nói “Người Nhật tìm thấy đàn bà là bắt đem đi, bà già hay bé con bảy tám tuổi đều bắt hết!”

“Phịa!” Từ Tiểu Ngu nói.

“Hỏi linh mục Engman xem ai phịa!” Thư Quyên nói: “Mấy hôm trước ông ấy và Fabbi đến khu an toàn trông thấy mười mấy lính Nhật cưỡng hiếp một bé gái!”

“Đúng là phịa!” Tiểu Ngu nói to, có vẻ như quát lên thì điều cô không muốn tin sẽ bị phủ định.

Thư Quyên chẳng nói gì nữa. Cô biết cô và Tiểu Ngu chẳng còn gì nữa, đây là sự đổ vỡ cuối cùng. Nam Kinh đang thê thảm, kẻ sống người chết đều thê thảm nhưng giờ đây, đối với cô bé 13 tuổi, sự thê thảm vô biên ấy rất mơ hồ, còn mất đi tình bạn với Tiểu Ngu mới là thê thảm thực sự. Tiểu Ngu tàn nhẫn quá, những đứa con gái xinh đều tàn nhẫn. Như Triệu Ngọc Mặc dưới hầm kia, đa tình với ai thì kẻ đó khốn đốn, đa tình là cạn tình.

Sau khi quát lên “phịa!” với Thư Quyên, Tiểu Ngu dứt khoát dọn đi chỗ khác, cô chen vào nằm cạnh Lưu An Na. Thư Quyên nằm một lúc rồi ngồi dậy mặc quần áo. Khi cô mở nắp cửa lên xuống, Tiểu Ngu lại hỏi với ra: “Làm gì đấy Mạnh Thư Quyên?”

“Không việc gì đến mày.” Thư Quyên làm như vậy để lấy lại sĩ diện để cho các bạn coi, mày không muốn làm bạn với tao cũng được thôi, tao làm bạn với mày như thế là đủ rồi. Mày lấy câu chuyện khoác lác bố đến cứu để lấy lòng bao nhiêu đứa? Cái bóng ma quỷ của bố mày chẳng thấy đâu! Cứ cho là bố mày có cứu được, cám ơn, đây không thèm.

Mấy cô nói: “Thư Quyên, đừng xuống!…”

Tiểu Ngu cáu kỉnh ngăn các bạn: “Mặc kệ nó!”

Mấy cô bé kia ngoan ngoãn nghe lệnh, mặc kệ Thư Quyên.

Mạnh Thư Quyên hoàn toàn bị cô lập. Cô được hưởng tự do của sự cô lập. Cô đi lung tung trong sân, đi đến nhà bếp, biết đâu tìm được cái gì ăn, biết đâu trong lò còn than hồng, mình làm cái lò con con sưởi đôi chân đang lạnh như băng. Bao nhiêu ngày không có nước nóng rửa chân, vùi trong chăn cả đêm mà chân vẫn lạnh ngắt. Cô đi đến góc bếp thì nghe tiếng đôi nam nữ đang nói chuyện. Người đàn ông là George Trần, cô nhận ra ngay.

“… Không được đâu, cho cô thì linh mục ném tôi ra ngoài.”

“Chỉ luộc mấy củ khoai tây thôi mà, ông ấy không biết đâu!” Người đàn bà nói.

“Linh mục đuổi đi thì tôi đi ăn mày!”

“Đuổi đi thì em nuôi anh.”

Thư Quyên nhận ta tiếng Hồng Lăng.

“Luộc năm củ được không?”

“Không được!”

“Ba củ.”

“… Ối, bẹo thủng cả má rồi đây này!”

“Bẹo à, em còn cắn cho ấy chứ!”

Thư Quyên nghe tiếng người nói biến thành tiếng mèo kêu, sợ quá cô lặng lẽ rút lui. Cái thây thối ở đây không bán lấy tiền được, đổi lấy khoai thì được. Thư Quyên lùi bảy tám bước đến quãng giữa hai lỗ thông hơi của hầm kho. Thư Quyên nghe thấy tiếng khóc dưới hầm. Cô ngồi xuống ngó vào.

Không phải chỉ có một người khóc. Nan Ni và hai người nữa. Người say thì khóc như thế, mặt ngây ngô, tiếng khóc cũng ngây ngô. Triệu Ngọc Mặc cũng say, tay cầm ba bát rượu dỗ dành ba cô gái. Ít rượu còn lại dưới hầm hành hạ các cô đến thế.

Nan Ni nói: “… Tôi vừa nhìn thấy bọn lính Nhật rồi, hung hãn quá! Chúng đụng vào thì chỉ có chết thôi…”

Ngọc Mặc dỗ: “Làm sao cô thấy được lính Nhật, thấy được giày của nó là cùng…”

“Thấy rồi!…”

“Thôi được, thấy rồi, thấy rồi…” Ngọc Mặc nói.

“Tôi phải đi khỏi đây, tôi không thể ở đây đợi chúng đến hãm hiếp tôi.” Nan Ni nói như người mất hồn.

Thư Quyên để ý, thiếu một người: Thiếu tá Đới Đào. Có thể như anh ta đã nói khi đến đây: anh ta không định ở lâu. Bây giờ khoảng mười giờ đêm rồi, anh ta đi đâu?

Lý Toàn Hữu nói: “Thuốc men làm đếch gì nữa! Vô ích thôi!”

Thư Quyên vội chuyển sang lỗ thông hơi khác, nhìn thấy Đậu Hoàn quỳ bên cạnh Vương Phố Sinh. Cậu lính nhỏ nửa thân để trần, bụng đắp cái tất bông của đàn bà, mắt mũi miệng tai đều như nhỏ lại trên bộ mặt sưng húp rất đáng ngại.

“Nó nói gì?” Lý Toàn Hữu hỏi Đậu Hoàn.

“Cậu ấy kêu đau.”

Lý Toàn Hữu nói: “Thối quá rồi, đổi thuốc làm gì nữa?! Thôi kệ cho nó đau!”

Đậu Hoàn đứng dậy cầm cái bát trong tay Lý Toàn Hữu ngậm một hớp rồi quỳ xuống mớm vào miệng Vương Phố Sinh.

“Có rượu vào sẽ đỡ đau.” Đậu Hoàn nói rồi mớm từng miếng một hết bát rượu. Mọi người im lặng như đang chịu đau hộ cậu bé.

Thư Quyên nhìn thấy phần trên thân Vương Phố Sinh giãy giụa nhẹ, không hiểu là tránh rượu hay tránh môi Đậu Hoàn. Vương Phố Sinh đang thoi thóp vẫn không quên xấu hổ.

Đậu Hoàn cho Vương Phố Sinh uống thuốc xong, cô ôm chiếc tì bà lên. Chỉ còn mỗi một dây, cái dây to nhất, trầm và đục. Đậu Hoàn vừa đàn vừa hát khe khẽ. Lát sau cô hỏi Vương Phố Sinh:

“Có hay không?”

“Hay.”

“Hay thật không?”

“Ừ.”

“Từ nay ngày nào em cũng đàn cho anh nghe.”

“Cám ơn.”

Đậu Hoàn nói: “Đừng cám ơn em, lấy em đi.”

Lúc ấy chẳng ai cười, chẳng ai bảo cô ta là chị cả hâm.

“Em sẽ về làm ruộng với anh.” Đậu Hoàn nói như trẻ con diễn chuyện vợ chồng.

“Nhà tôi không có ruộng.” Vương Phố Sinh cười.

“Thế nhà anh có gì?”

“… Nhà tôi chẳng có gì.”

“… Thế thì ngày ngày em sẽ đàn cho anh nghe. Em đàn, anh múa gậy kiếm ăn nuôi mẹ.” Đậu Hoàn nói. Một cơn mơ ngọt ngào.

“Tôi không có mẹ.”

Đậu Hoàn sững người, hai tay ôm lấy Vương Phố Sinh, lát sau mọi người thấy đôi vai cô rung lên. Lần đầu tiên Đậu Hoàn khóc như một người con gái trưởng thành.

Nan Ni lúc đầu khóc như hóa dại, bây giờ cô lặng lẽ khóc theo Đậu Hoàn. Những người đàn bà xung quanh đều khóc.

Đậu Hoàn khóc một hồi rồi cầm cây đàn quẳng đi: “Cái của nợ này chẳng ra gì! Làm cho ai cũng phải khóc! Có mỗi một sợi, khó nghe hơn cả bật bông.”

Bây giờ Thư Quyên hiểu ra rằng, sự đột nhập của lính Nhật đã khiến đám đàn bà này thay đổi. Họ cảm thấy chẳng đâu an toàn cả, chẳng có nơi nào là vùng cấm đối với quân chiếm đóng. Lúc đầu họ biết nơi ẩn náu này là một cái lỗ hổng có may mắn được chiến tranh bỏ sót, tuy nhiên chẳng ai biết được “bỏ sót” đến bao giờ. Hôm nay sự đột nhập của quân Nhật khiến họ hiểu rằng cái lỗ hổng đó sẽ được lấp kín bất cứ lúc nào. Ba chục vạn quân Nhật tràn ngập Nam Kinh sẽ tràn vào mọi ngõ ngách, mọi căn nhà, mọi lỗ hổng.

Rời khỏi lỗ thông hơi, Thư Quyên phát hiện mắt mình đẫm nước. Cô đã bị đám đàn bà dưới hầm làm rơi nước mắt!

Có thể sự hấp hối của Vương Phố Sinh làm cho Thư Quyên đau lòng, có thể sự cầu hôn kiểu trẻ con của Đậu Hoàn khiến cô cảm động, cũng có thể vì giai điệu trầm đục tấu lên của chiếc tì bà một dây, đó là giai điệu bài “Hái chè” mà người Giang Nam ai cũng quen thuộc. Giờ đây Giang Nam không còn nữa, chỉ còn điệu “Hái chè” run rảy trên một sợi dây đàn.

Âm điệu bài “Hái chè” trên một sợi dây đàn vẫn ngân nga mãi trong lòng Thư Quyên, âm điệu này hoàn toàn không còn chút vui vẻ dí dỏm mà rầu rĩ như đưa tang. Cô đi vào sảnh lớn trong cái lạnh buốt ruột buốt gan, cô ngồi trong bóng tối. Giai điệu kỳ lạ như đưa tang của bài “Hái chè” khiến cô nghĩ đến Giang Nam đã từng có, giang nam có gia đình mình, có bố mẹ cãi nhau liên miên… Khoảnh khắc này cô thấy mình hoàn toàn hòa hợp được với những người đàn bà dưới tầng hầm, trong khi với bố mẹ đột nhiên cô có một nỗi nhớ nhung như xé lòng và cô sợ rằng mãi mãi không còn được gặp lại.

Lúc này cô nghe thấy có tiếng người nói ở tầng hai. Cô nhận ra giọng của Fabbi Atonado và viên sĩ quan họ Đới. Hai người đàn ông đang tranh cãi.

Rất lâu sau, ông kể cho Thư Quyên nghe, cuộc tranh cãi tối ngày 18 năm 1937 xung quanh chuyện Đới Đào muốn xin lại khẩu súng lục và quả lựu đạn.

Sau khi lính Nhật cướp chiếc xe Ford, viên thiếu tá quyết định rời khỏi nhà thờ. Anh ta đến buồng ngủ Fabbi gõ nhẹ cửa và nói: “Linh mục Atonado, tôi, Đới Đào đây.”

Fabbi uống rượu một mình trong bóng tối. Nghe tiếng gõ cửa, anh không muốn mở. Anh và linh mục Engman đã sống bên nhau hơn hai chục năm, người nào cũng phát minh ra vô số biện pháp để tránh sự quấy nhiễu của người kia. Vào lúc này không có sưởi, linh mục Engman nhất định sẽ không gõ cửa buồng anh.

Viên thiếu tá vẫn gõ cửa: “Linh mục đã ngủ chưa?”

“Ừ. Có chuyện gì mai nói.”

“Mai thì muộn quá.” Viên thiếu tá nói.

Fabbi đành phải cất chai rượu đi, anh đặt nó vào cái khe giữa giường và tủ con. Fabbi sở dĩ là Fabbi Dương Châu vì khi chỉ có một mình thì anh là một nông dân Trung Quốc từ đầu tới chân. Đi với linh mục Engman hơn hai chục năm vẫn không uống được rượu tây như Bordeau, Brandy, Wishky. Tối đến, đóng cửa lại là anh quay về với cuộc sống nhà quê: Vài hớp rượu mạnh, đồ nhắm là khẩu vị của tiểu thị dân Trung Quốc: mấy miếng đậu phụ, nửa quả trứng vịt muối hay vài cái cánh vịt quay, rất tiếc bây giờ ngay cả đồ nhắm xoàng xĩnh thế cũng không có, đành phải uống khan.

Vừa vào cửa, Đới Đào đã ngửi thấy mùi rượu quê. Anh ta nói: “Linh mục Atonado uống rượu một mình à?”

Fabbi ậm ừ, mời viên thiếu tá ngồi vào chiếc ghế tựa duy nhất. Thời buổi chiến tranh, người ta chẳng cần đến mắt vẫn hành động chính xác. Fabbi lấy chai rượu rót một ít vào chén đưa cho Đới Đào. Về mặt này Fabbi cũng là nông dân Trung Quốc: Có khó chịu đến thế nào với vị khách không mời mà đến thì khách đã vào nhà vẫn được mời ăn mời uống.

Hai người uống mò trong đêm. Rượu có thể làm người ta dễ thổ lộ những điều khó nói.

“Không biết linh mục có thể cho tôi xin lại vũ khí mà linh mục Engman đã tịch thu của tôi hay không. Tối nay tôi sẽ rời nhà thờ.”

“Tối nay? Đi đâu?”

“Vẫn chưa biết.”

“Bất kể anh đi đâu, không mang vũ khí vẫn an toàn hơn là có vũ khí.”

Đới Đào không tranh luận với Fabbi thế nào thì an toàn hơn, anh ta cứ nhằm vào mục tiêu của mình: “Ông có giúp được tôi không?”

“Giờ này linh mục Engman đi ngủ rồi.”

“Tôi biết, tôi nghĩ nhất định ông biết linh mục Engman cất súng lục và lựu đạn của tôi ở đâu…”

“Tôi không biết… Hơn nữa nếu biết cũng không thể đưa cho ông.”

“Tại sao?”

“Tôi làm sao có thể đưa cho ông được? Chính tay linh mục Engman nhận nộp, trả lại cho ông hay không, do ông ấy quyết định.”

“Được, thế thì tôi sẽ đi gặp linh mục Engman.” Đới Đào đặt chén xuống và đứng dậy.

“Hãy để cho ông già được ngủ yên lành!” Trong đêm tối giọng của Fabbi là giọng của một nông dân.

“Ông ấy có ngủ yên lành được không? Ông có ngủ yên lành được không?”

“Ông cũng biết ông ấy không được ngủ yên lành ư? Từ lúc để các ông vào đây, ông ấy không một ngày nào yên lành cả! Chúng tôi cũng không một ngày nào yên lành cả!”

Viên thiếu tá lạnh lùng: “Vì thế tôi phải đi.”

“Ông đi một mình, không đem cả hai người hạ cấp của ông, chúng tôi càng không yên lành! Ông muốn họ liên lụy chúng tôi? Liên lụy mười mấy học sinh của tôi?”

Fabbi nói gay gắt, tư duy theo ngôn ngữ vùng Dương Châu lại có sự sắc sảo chặt chẽ của luật gia phương Tây.

“Vương Phố Sinh không qua nổi hai ngày nữa, Lý Toàn Hữu chân bị nặng như thế đi sao được?” Đới Đào nói nghe đã đuối lý.

“Đi không được thì anh vứt lại, mặc xác? Y như các anh đối với dân Nam Kinh, nói vứt đi là vứt phải không?” Fabbi hoa chân múa tay, từng chữ từng chữ thấm đẫm mùi rượu nặng bắn vào không trung. “Chưa thấy quân đội một quốc gia nào như các ông, địch chưa đến tự mình đã là kẻ thù của dân nước mình, phóng lửa đốt sạch làng mạc trong phạm vi một dặm xung thành, nói là để cho địch không còn chỗ nấp, để các anh dễ đánh hơn. Cuối cùng thì các anh đã đánh chưa? Các anh vứt bỏ dân mà chạy, sau khi đã đốt nhà người ta!”

Suốt ba mươi năm nay chưa lúc nào như lúc này FabbiAtonado cảm thấy mình là một người Mỹ thuần túy như thế, cảm thấy mình tách khỏi người Trung Quốc rõ ràng đến như thế.

“Bây giờ giống như chỉ huy của mình, ông cũng vứt lại thương phế binh của mình mà chạy!”

Đới Đào đã nắm lấy cái chén trà bằng sứ, ngón tay biến thành những cái vuốt sắt. Không có lựu đạn thì sẽ dùng nó để giết chết con quỷ Tây dương miệng lưỡi độc địa này. Anh ta đứng chỉ cách Fabbi hơn một mét, xông lên, đập vỡ cái trán hói, để cho cái óc phía sau bộ mặt mũi lõ mắt sâu tự nhận là cao hơn người Trung Quốc một đầu kia bao nhiêu trắng đỏ chảy tất cả ra. Sự nhục nhã hơn trăm năm của Trung Quốc có liên quan chặt chẽ đến lũ quỷ Tây dương này, cũng như bọn Nhật, chúng không coi người Trung Quốc là con người. Chúng nó chưa làm điều gì tốt lành ở Trung Quốc cả. Anh ta nghe thấy âm thanh đặc biệt của chén sứ đập vỡ hộp sọ và cái giọng đặc biệt của một sinh mạng sắp lìa đời, cái giọng xóa nhòa ranh giới ngôn ngữ, ranh giới con người và con vật, cái giọng khiến anh ta chuyển từ phẫn nộ sang khoái lạc, đến say sưa, cuối cùng đạt đến thang bậc xuất thần nhập hóa…

Đới Đào từ từ buông chén trà, lần ra phía cửa. Rượu vừa bốc lên đầu, bàn tay nắm chén trà đến tê dại đang hồi phục tri giác.

“Xin lỗi.” Fabbi nói phía sau anh ta.

Đới Đào đi men theo hành lang, đi qua thư viện, phòng đọc sách. Vừa rồi sức lực bỏ ra để chế ngự hành động giết người đã vượt xa sức lực dùng để giết người. Anh ta kiệt quệ không còn chút sức lực nào để về cái hang cua ẩn thân nữa.

Cả đêm đó Đới Đào ngủ ở chiếc ghế dài trong gian cầu nguyện. Bụng rỗng uống mấy hớp rượu khiến giấc ngủ của anh ta như chết đi mấy tiếng đồng hồ. Giêsu tuẫn nạn trên cây thánh giá, ánh mắt hấp hối lộ ra dưới mi mắt thạch cao chiếu vào anh ta.

Đới Đào tỉnh dậy thì trời đã gần sáng. Toàn thân anh ta lạnh ngắt, như đã đông cứng và dính vào chiếc ghế. Anh ta đi ra sân. Mấy ngày rồi mới lại nghe tiếng chim hót. Đây là thời kỳ không bình thường, con người sống hay chết chẳng có gì chắc chắn hơn chúng. Không biết chúng có hiểu điều đó hay không.

Năm phút sau, anh ta thấy mình đang lang thang ở khu mộ. Cả nhà thờ đây là chỗ anh ta quen thuộc địa hình nhất. Khi chạy vào nhà thờ, anh ta đã hạ cánh ở đây. Anh ta lấy cành cây quét trên cái mộ xi măng xây kiểu châu Âu. Đới Đào không hiểu tại sao mình lang thang đến đây, mấy ngày nay toàn đi đây đi đó không mục đích, làm những việc vô nghĩa. Chơi bài, đánh mạt chược với mấy cô gái làng chơi mãi cũng chán. Lúc nào cũng có đàn bà bên cạnh vẫn là một việc chán đến phát điên phát rồ, một chuyện lông gà lá tỏi cũng cãi nhau đến nửa ngày. Sau cái chết của Đậu Hoàn, đám đàn bà như mắc chứng bệnh thần kinh, buồn cũng như vui, đều là hysteric(22) cả. Lúc đầu anh ta khuyên các cô vài câu, về sau thấy khuyên cũng chẳng để làm gì, chính mình cũng chán đời đến cùng cực. Con đường phía trước phía sau đều mờ mịt, đường đường là một người lính mà chui rúc giữa đám đàn bà son phấn, phải như mấy hôm trước chết quách lại sướng. Sự buồn chán của anh ta chỉ lọt vào mắt một người đàn bà, đó Triệu Ngọc Mặc.

Đới Đào chắc có mục đích đến khu mộ để tìm vũ khí đã bị linh mục Engman tước mất. Để làm gì? Để báo thù người Nhật chăng? Làm một hiệp sĩ độc hành, giết thằng nào được thằng đó, nếu bắt được sĩ quan cho nó mang bức thư về. Thư viết: “Chúng mày đã lừa hơn mười vạn lính Trung Quốc, bắn chết họ, chôn sống họ, từ nay trở đi chúng mày nên mọc thêm mắt đằng sau lưng…”

Trẻ con quá.

Nhưng phải tìm ra vũ khí.

Khi đó anh ta nghe thấy tiếng nói sau lưng: “Xin chào.”

Quay đầu lại, Đới Đào trông thấy linh mục Engman đang đứng dưới gốc cây như một pho tượng người đá coi mộ. Linh mục mỉm cười đi tới.

“Ở đây không đào được thứ ông cần đâu.”

Đới Đào ném cái cành cây đi: “Tôi chẳng đào gì ở đây cả.”

“Tôi thấy ông đang đào cái gì.” Linh mục cười như trêu chọc. “Ông nên biết rằng, những người sống chúng ta không nên lợi dụng những người chết đáng tôn kính, đem những thứ đã từng quấy rối sự yên nghỉ của họ chôn ngay bên cạnh họ.”

Hay thật, tiếng Trung Quốc của ông phải nói là gần đến mức hoàn mỹ nhưng vẫn nghe ra tiếng nước ngoài. Hệ thống tư duy của một dân tộc khác được ông diễn đạt bằng âm điệu của chữ Trung Quốc.

Đới Đào đứng thẳng người, vết thương trên cánh tay trái khiến mặt anh ta giật một cái. Linh mục Engman lo lắng nhìn anh ta.

“Vết thương đau lắm không?”

“ Không sao.” Anh ta trả lời.

Linh mục Engman nhìn lướt qua khu mộ với ánh mắt tự hào của ông chủ rồi ông giới thiệu với Đới Đào bảy vị linh mục nằm dưới mộ. Ông dùng giọng điệu mang chút trang trọng của một buổi chiêu đãi khách quí. Vì đề nghị sắp đưa ra của mình, Đới Đào phải làm ra vẻ hứng thú và kiên nhẫn nghe ông già say sưa thuyết trình.

“Ông có cảm thấy mấy người phương Tây này lẩn thẩn không, đi nửa vòng trái đất cuối cùng được chôn ở đây?” Linh mục Engman hỏi.

Đới Đào đâu có rỗi hơi mà nghĩ những chuyện đó.

“Lần trước ông có nói với tôi, tổng cố vấn của các ông là người Đức, tên là Falkenhausen? Tôi có ấn tượng với ông ta.” Ông bật cười vì một ý nghĩ kỳ lạ vừa nảy ra trong đầu. “Âm nhạc là sản phẩm của cảm tính, nhưng triết học và khoa học lại xây dựng trên cơ sở lý tính, nước Đức sinh ra cả ba: nhà soạn nhạc, nhà triết học và nhà khoa học. Họ lại có thể lý tính hóa cả kinh tế và quân sự đến mức độ triết học. Cho nên tôi nghĩ tướng Falkenhausen không phải là nhà quân sự giỏi mà là nhà triết học quân sự giỏi. Cũng có thể tôi võ đoán,…”

“Thưa linh mục,” Đới Đào nói.

Linh mục Engman tưởng anh ta muốn phát biểu nhưng lập tức ông phát hiện vừa rồi anh ta không hề nghe diễn giải có tính tổng kết của ông; coi như ông đã độc thoại. Ông im lặng chờ đợi cho dù ông đã biết anh ta định nói gì.

“Tôi phải đi khỏi đây rồi.”

“Đi đâu?”

“Xin ông trả lại vũ khí cho tôi.”

“Ông không đi xa được đâu. Khắp nơi đều có lính Nhật. Bây giờ Nam Kinh là doanh trại của 30 vạn lính Nhật. Nếu ông đem theo vũ khí thì càng khó đi xa.”

“Tôi không thể tiếp tục ở đây được.” Đới Đào không nói ra điều muốn nói: Anh ta cảm thấy ở dưới hầm, người chưa chết nhưng đã bắt đầu mốc và thối rữa rồi. Tinh thần thối rữa trước tiên.

“Ông quê đâu?” Engman hỏi.

Đới Đào ngạc nhiên nhìn ông.

“Hà Bắc.”

Bố anh ta là một người lính cục mịch đi ra từ lò chiến tranh, trên người mười mấy vết thương, biết được vài con chữ, muốn lên quan chỉ có một con đường: Dám chết. Người anh cả và anh ta đều tốt nghiệp trường quân sự, hai cô em cũng gả cho quân nhân…

Nhưng anh ta chỉ muốn trả lời linh mục ngắn gọn vậy thôi.

Linh mục Engman như nhìn thấy dòng dõi hiển hách của viên thiếu tá vì ông nói tiếp: “Tôi thấy ông không giống với những quân nhân khác. Nhiều quân nhân khác khiến tôi coi thường, tòng quân để thăng quan phát tài, chiếm đoạt đàn bà.”

“Ông có thể trả lại vũ khí cho tôi không?”

“Ta sẽ nói chuyện đó sau, được không? Ông lập gia đình chưa?”

“Ừ.” Câu trả lời càng ngắn.

“Có con chứ?”

“Có một con trai.”

Nói đến con, tim anh ta nhói lên. Đứa con năm tuổi, con đường trưởng thành còn dài quá, có sự chăm sóc của người bố như mình không?

“Khi mẹ tôi chết, tôi mới mười tuổi,” Engman nói. Giọng ông đầy ắp tình cảm khiến viên thiếu tá chú ý.

Engman bỗng phát hiện mép Đới Đào có vết trắng. Nhất định bị viêm lợi. Người Trung Quốc cho rằng đó là do tâm hỏa nặng quá. Người Mỹ thì cho rằng đó là do thiếu vitamin dẫn đến suy giảm miễn dịch và bị nhiễm trùng. Xem ra lúc này chẩn đoán của Mỹ và của Trung Quốc đều đúng với viên thiếu tá này. Hai bên mép không nằm ngang nhau nữa, miệng hơi lệch, nếu không khuôn mặt ngăm đen góc cạnh sắc nét này sẽ càng giàu nam tính. Đàn ông có khuôn mặt này thì văn có thể viết binh thư, võ có thể lãnh binh tác chiến, nhưng Engman không hình dung được khi loài người có được hòa bình lâu dài thì đường nét như thế này vẽ ra bộ mặt của vai trò gì.

“Cha tôi qua đời lúc tôi mười sáu tuổi.”

“Sau khi cha ông qua đời thì ông theo đạo Thiên Chúa phải không?”

“Cha mẹ tôi đều là tín đồ đạo Thiên Chúa.” Engman nói.

Nhìn Engman lúc này ai cũng phải ngạc nhiên, con người đến chừng ấy tuổi vẫn còn nghĩ về cha mẹ.

“Hai mươi tuổi tôi bắt đầu học Thần học. Khi đó tôi bị chứng bệnh ẩn ức tinh thần(23) rất nặng.”

“Tại sao vậy?”

“Ai biết được? Cứ thế bị bệnh thôi.”

Thực ra Engman chưa nói thật. Nguyên nhân của bệnh đó là một lần ông thất bại trong tình yêu. Lúc đầu ông nghĩ rằng hai người đều kín đáo chia sẻ, cuối cùng ông phát hiện chỉ có mình ông giữ mối tình đơn phương.

“Khi bệnh của tôi trở nên nghiêm trọng, tôi gặp một ông già lang thang đang nhiễm bệnh bạch hầu sắp chết. Khi đó tôi ở chung gia đình người anh. Tôi bí mật dìu ông ta đến chuồng gia súc ở trang trại, lấy rơm rạ che đi. Bởi vì tôi thay anh nuôi đàn gia súc cho nên ngoài tôi ra không ai vào đó cả. Tôi mua thuốc cho ông ta, ngày ngày đưa thuốc đưa cơm. Một sinh mạng sống lay lắt cứ thế dần dần hồi phục. Ông già sống lại từng ngày cho tôi một cảm giác mạnh mẽ, hình như chẳng có cái gì có thể khiến tôi cảm thấy mạnh mẽ như thế. Hết một mùa đông ông mới khỏi hẳn.

Ông già cám ơn tôi mãi vì được tôi cứu sống. Thực ra ông cứu sống tôi. Qua việc cứu ông tôi đã cứu chính tôi. Mùa đông năm ấy chứng bệnh ẩn ức tinh thần của tôi không chữa mà khỏi. Cứu giúp người cần cứu giúp có thể khiến mình sung sướng.”

Đới Đào nghe linh mục Engman kể chuyện đã qua bằng tư duy Mỹ, văn phạm Anh, không hiểu tại sao bỗng dưng ông lại nói về một đề tài quá ư riêng tư như thế. Phải chăng ông muốn nói Trung Quốc có quá nhiều cuộc đời bi thảm cần ông cứu giúp cho nên ba mươi năm trước ông đã đến Trung Quốc? Hay là cũng như bảy vị linh mục nằm trong mộ kia, ông đến đây vì nơi đây là nguồn bất tận cung cấp những người Trung Quốc đáng thương để ông cứu giúp mà bản thân việc cứu giúp khiến các ông có cảm giác an lành.

Hoặc giả ông đang muốn nói, anh ta Đới Đào nên học tập ông, hãy giúp hai đồng đội thương phế binh dưới hầm để cũng có được cảm giác an lành?

“Tôi muốn nói với ông rằng, ông già lang thang đó là do Thượng đế sai đến.” Ông nhìn thấy giữa hai đầu lông mày của Đới Đào xuất hiện một nét chống lại nhưng ông vẫn nói tiếp: “Thượng đế dùng ông già nhắc nhở tôi, nên cứu người khác để cứu mình. Thượng đế muốn chúng ta cứu giúp lẫn nhau, nhất là trong thời khắc ai cũng có những hoạn nạn, ốm đau, bệnh tật. Tôi mong ông tin vào Thượng đế. Trong thời khắc con người không còn sức lực và không còn nắm chắc vận mệnh của mình – như lúc này, ông nên tin vào Thượng đế chứ không phải tin vào vũ khí.”

Đây nhất là buổi truyền giáo ít người nghe nhất trong đời vị linh mục già. Đới Đào lắng nghe và nghĩ vậy.

“Ông còn tiếp tục tìm vũ khí không?”

Đới Đào lắc đầu. Tất nhiên anh ta tiếp tục tìm và tìm gấp.

Chú thích:

(22) Ixteerri, chứng phát cuồng, rồ dại – ND.

(23) Còn gọi là trầm cảm, mang nỗi bực dọc không nói ra được và trở nên buồn phiền – ND.