Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 56: Oakland (1)




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Còn chưa đặt chân vào con hẻm tiệm giặt A Phúc thì từ đằng xa, cô đã thấy một hàng các cô gái đứng khóc lóc trước cửa tiệm tạp hóa. Đa số bọn họ đều là người Latin hoặc Tây Ban Nha, có mái tóc dài đen nhánh xoăn tít và nước da bóng loáng khỏe khoắn, mặc áo ngắn lộ nửa bầu ngực, dưới chiếc quần đùi ôm mông là chiếc tất đen quá đầu gối, chân đi đôi giày cao gót nhỏ. Sáng sớm ngày xuân mưa phùn lất phất, San Francisco chỉ hơn mười độ khiến các cô gái Latin đứng ngoài cửa gỗ cóng đến mức môi tím tái, run lẩy bẩy.

Khương Tố đứng bên trong thở dài, nói bằng tiếng Quảng: “Hồng gia hổng quản, cô tìm tôi cũng hổng ăn thua.”

Các cô gái như phát hiện cơ hội sống duy nhất, dùng tiếng Anh khẩn cầu, “Xin dì cho chúng tôi vào sưởi ấm một chút thôi.”

Nghe thấy tiếng bước chân, qua khe hở cửa gỗ lộ ra một đôi mắt tam bạch đản*, nhìn Hoài Chân từ phố Grant Ave đi vào hẻm. Khương Tố lập tức nhấc tấm ván cửa ra hô lên, “Ôi chao Hoài Chân, dùng tiếng Anh nói phải trái với bọn nó đi: Hồng gia đang bệnh, không quản chuyện gì cả, nên về nhà hết cả đi.”

(*Tam bạch đản là đôi mắt có phần tròng trắng lộ ra giữa tròng đen và mí mắt, ảnh.)

c56

Có người trong số bọn họ ngẩng đầu nhìn Hoài Chân, phần lớn đều bị thương nhẹ, vết bầm xanh tím đầy mặt. Một cô gái trong đó có đôi mắt đen láy nhìn rất quen, Hoài Chân nhận ra cô ấy chính là Mary.

Cô dừng bước không lại gần, cửa tiệm giặt A Phúc *soạt* mở ra, La Văn đứng ở cửa lớn tiếng nói: “Hoài Chân, đi về.”

Hoài Chân đáp lại, xoay người đi về nhà.

La Văn đi theo cô nói, “Chuyện ở nhà thổ thì liên quan gì tới con?”

Khương Tố cao giọng nói: “Không phải con gái nhà mình, không ai thương cả ——”

La Văn cười hừ, “Bà thương thì tự đi mà cho vào, đừng để người ta bị đông cứng ở ngoài.”

Ông cụ gánh thùng sữa đậu nành đi qua rao hàng, vừa thấy bên này ồn ào thì không khỏi đi chậm lại. Trong số các cô gái Latin có người gạt nước mắt, đôi mắt xoay tròn, “Tiên sinh, mười đồng thôi, tôi về với ngài ——”

Ông lão gánh thúng khoát tay cười to, “Năm nay tôi bảy mươi tám rồi, làm không nổi nữa. Tôi bỏ mười đồng mua cô về giúp tôi xay đậu, còn không bằng mua một con lừa năm đồng.”

Cách cánh cửa gỗ, mọi người ở ngoài vẫn có thể nghe thấy tiếng cười khanh khách của các cô gái bên trong tiệm tạp hóa.

La Văn lập tức kéo Hoài Chân về nhà, “Về phòng học bài đi.”

Tiếng Anh của cô không tệ, lại không đành lòng, bèn xoay đầu nói vọng ra: “Hồng tiên sinh đổ bệnh rồi, không ai đòi công bằng cho tú bà của mấy người đâu. Ở đây cũng vô ích.”

La Văn ngoái đầu nói với Hoài Chân, “Một khi Hồng gia bị bệnh thì phố người Hoa sẽ rất lộn xộn. Người da Trắng mà đến thì thể nào cũng ra tay với nhà thổ và gái điếm đầu tiên, bây giờ còn không biết vì sao lại cho người bắt Dera Clark đi rồi. Con thì chưa có giấy chứng nhận di trú, thân phận lại nhạy cảm, lần sau đừng nhúng chân vào mấy chuyện bẩn thỉu đó nữa.”

Dera Clark là tú bà người Tây Ban Nha ở nhà thổ da trắng trên phố người Hoa, tính khí cay nghiệt, ngày xưa cũng đăng ký dưới danh nghĩa là vợ của Hồng gia nên nay mới có được thân phận công dân. Về sau khi hôn nhân khác chủng tộc không còn hợp pháp, quan hệ hôn nhân giữa bà ta và Hồng gia tự động mất hiệu lực ở California.

Không kịp đợi Hoài Chân trả lời, bên ngoài lại nhao nhao cả lên.

Có cô gái dùng tiếng Anh ỏn ẻn hô: “Tiểu Hồng tiên sinh ——”

Cô mơ hồ nghe thấy Hồng Lương Sinh hỏi: “Mới sáng sớm mà ra đây đứng làm gì cho bị lạnh?”

Các cô gái ồn ào mở miệng, nhao nhao tranh nhau nói.

“Được rồi được rồi, từng người một, Mary, đã xảy ra chuyện gì?”

Mary thút thít, “Nửa đêm hôm qua tú bà cùng khách đến rạp hát nghe kịch, đúng lúc bắt gặp cảnh sát liên bang Robertson dẫn theo vợ và con gái đến. Ông ta nhận ra tú bà nên bảo chủ rạp hát đuổi bà ấy ra ngoài, nói không thể để vợ và con gái ngồi chung với loại người hạ đẳng đó được. Ông chủ rạp hát từ chối, ngay trong tối đó bọn họ liền dẫn người xông vào nhà đánh người, đánh chúng tôi, đánh cả tú bà và khách, còn muốn bắt bà ấy về đồn cảnh sát.”

Hồng Lương Sinh không lên tiếng, để mặc đám phụ nữ tôi một câu cô một câu.

Chốc lát sau, cô nghe thấy hắn nói, “Tôi biết rồi, là Robertson có đúng không?”

Rồi lại nói tiếp, “Lát nữa tôi sẽ cho người đập vỡ khóa cửa, mời mấy tay anh chị đứng chặn ở cửa, cảnh sát liên bang ư? Tên nào đến thì đánh chết tên đó. Đừng sợ gì hết, về nhà ngủ đi.”

Các cô gái cười vui vẻ. Không biết là ai mở đầu, đưa miệng hôn chụt lên  mặt hắn.

“Ấy đừng.” Chỉ nghe thấy Hồng Lương Sinh né tránh nhưng không thoát được, bị đám con gái bao vây vừa kéo vừa hôn, cách nửa con phố vẫn có thể nghe thấy tiếng ồn.

La Văn nghe cả vào tai, thở dài, “Đúng là làm bậy.”

Chỉ chốc lát sau Quý Phúc đi xuống lầu, La Văn trừng mắt với ông, “Lần trước cảnh sát liên bang đến California, không biết đã bắt mấy người đi rồi. Sắp có đề nghị hủy bỏ đạo luật Cable là đám cảnh sát liên bang lại đến làm loạn lên… Đạo luật Cable còn hiệu lực thì ông cứ mơ đưa con gái ông về nước xem mặt đi. Kết hôn rồi, sợ là cả đời đừng hòng về lại Mỹ.”*

(*Như đã giải thích thì đạo luật Cable vào thời điểm hiện tại trong truyện quy định, phụ nữ sẽ mất quyền công dân Mỹ khi kết hôn với người nước ngoài không có tư cách công dân (cụ thể ở đây là người châu Á). Luật này không áp dụng với đàn ông mang quốc tịch Mỹ kết hôn với phụ nữ nước ngoài.)

Quý Phúc cười khà khà, “Thế thì đừng lấy chồng nữa, ở bên cha mẹ cả đời.”

La Văn nhìn Hoài Chân, “Mấy ngày trước mới nghe nói, con cả nhà họ Hoàng gây chuyện với con gái nhà họ Trần. Tôi nghe ngóng được, thì ra gã bạn trai kia đồng thời qua lại với hai cô gái… Người da trắng cũng không nhờ vả được gì, chịu từ bỏ toàn bộ tài sản mà kết hôn với con mình chỉ có trong truyện cổ tích thôi. Không phải lần trước Lục thiếu nãi có nhắc đến cậu cháu ở trong Lục quân à? Quân nhân nhập tịch cũng tốt đấy, không bị tước đoạt tư cách công dân. Kỳ nghỉ xuân này có về không? Nếu lần này không về chắc tháng bảy về đúng không?”

Quý Phúc nhìn Hoài Chân, nói, “Liệu có thích hợp không?”

“Có gì mà không thích hợp? Người da trắng muốn đến cửa tìm chuyện, cứ hỏi thẳng nó có chịu cưới không. Không lập gia đình thì đừng có làm chậm trễ con gái nhà người ta cưới gả.”

Hoài Chân: “…”

Quý Phúc nói, “Ngày mai gặp, tôi sẽ hỏi Lục Thiếu nãi xem sao.”

Quả thật Hoài Chân không biết phải nói gì cho phải nữa. Cô ngẩng đầu lên, Vân Hà đứng sau cửa nháy mắt với cô, dùng khẩu hình nói: nhanh lại đây.

Cô như gặp được cứu tinh, lòng bàn chân bôi dầu, lặng lẽ chuồn đi từ sau lưng La Văn.

Hai người về phòng đóng cửa lại, Vân Hà ôm một chồng báo ra, “Nghỉ xuân được hai tuần, chị có tìm vài việc làm thêm trên báo… Rửa bát ở nhà hàng Tây Ban Nha, công xưởng dệt vải…”

Hoài Chân nói, “Chủ người da trắng chỉ biết bóc lột, tiền lương lại rất thấp.”

Vân Hà đổi sang cái khác: “Gia đình giáo sư người Hoa ở thành phố Berkeley, trông trẻ và dạy tiếng Trung trong kỳ nghỉ, từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều…”

“Bên đó xa quá, đi sớm về trễ cũng không an toàn.”

“… Nhưng được bao ăn đó. Tiền lương hai tuần là 35 đô.”

Hoài Chân cười khổ, “Chị nói chú Quý đồng ý đi đã.”

“Học phí của đại học công lập đều trên 250 đô la, đừng nói gì tới trường tư lập. Bây giờ vẫn chưa trang trải được chi phí học tập.” Cô nằm ngửa trên giường, “Không học đại học thì chỉ có thể cố thủ ở phố người Hoa. Chị không ra được, Hayakawa cũng không vào được.”

“Vậy chị nhớ chú ý an toàn đấy.”

“Trước đây ông nội nhà này từng học cấp tốc về quân chính Nhật Bản, nên khá thân với nhà Hayakawa. Cậu ấy đề cử chị đi đấy.” Vân Hà chớp mắt.

Hoài Chân đưa tay cù lét cô ấy, “Thế mà chị không nói sớm.”

Hai người ồn ào một hồi cho đến tận lúc ăn trưa, sau đó nghỉ ngơi rồi mới ngồi vào bàn cùng học bài.

Hoài Chân nhớ lại  từ “nổ giấy” mà Trần Mạn Lệ nói. Cô thường hay thấy con trai khu Ý chế giễu cậu bé người Hoa: “Hay lắm tên nhóc! Trả lời sai rồi, nổ giấy!” Cô biết đây là tiếng lóng ở hội quán nào đó tại phố người Hoa, nhưng chưa bao giờ hỏi kỹ ý nghĩa thật sự của từ này.

Khi hỏi Vân Hà câu này, cô ấy nằm ngửa trầm tư một lúc rồi nói, “Không phải ngày trước phố người Hoa có hỏa hoạn bốn ngày bốn đêm sao, rất nhiều nhà bị cháy, rất nhiều tài liệu khai sinh đều bị đốt sạch. Nhiều người nhân cơ hội đó ngụy tạo suất trống, gọi là ‘người con giấy tờ’. Lúc đó chị vẫn chưa chào đời, chỉ nghe bạn học kể lại thôi. Nhà chị cũng có rất nhiều người điền ‘người con giấy tờ’, cũng là sau khi em đến chị mới biết. ‘Người con giấy tờ’ có thể bị đem đi bán cho hội quán, rồi do hội quán liên lạc với người mua giấy ở Quảng Đông. Nhưng không biết kết quả có thể bán bao nhiêu tiền.”

Hoài Chân gật đầu, lại hỏi: “Nếu đạo luật Cable tiếp tục có hiệu lực thì có bao nhiêu bất lợi?”

Share this: