Lốc Xoáy Thời Gian

Chương 3: Vũ Thiện Hùng




Một Khách Sạn Nào Đó, Thành Phố Huế.

Người phụ nữ trung niên trở về khách sạn, nơi vợ chồng và đứa con diệu của bà đang tạm thời cư ngụ. Mặc dù bọn họ đang ở khách sạn, nhưng bọn họ thực ra không phải là khách du lịch.

Vợ chồng bà là người miền Nam, đứa con của bà cũng giống như bao đứa học sinh đầy khát vọng khác, muốn đi theo phong trào, thi vô Học Viện Sử Học Quốc Gia. Cho nên, vợ chồng bà mới phải nhọc công, không ngại lặn lội đường xa, dắt con đi miền Trung, đến thành phố Huế để chuẩn bị tham dự kỳ thi năm nay. Con bà thực ra thì cũng không phải là ai xa lạ gì, mà chính là cậu học sinh Vũ Thiện Hùng, một trong ba em học sinh đặt biệt nổi bật đi dự thi năm nay, được mọi người chú ‎ý.

Bà đi đến trước một căn phòng trong khách sạn, một tay thì lỉnh kỉnh cầm những bao ni lông chứa đầy đồ ăn, con tay khác thì loay hoay tìm kiếm thẻ chìa khóa phòng trong túi xách của bà. Mò ra được cái thẻ, bà lại lạch ca lạch cạch, vụng về cà cà vào ổ khóa, cố gắng mở cửa phòng.

“Bíp…” Ổ khóa cửa điện tử khẽ kêu lên, ám hiệu nó đã được mở. Bà ta nghiên người, dùng lưng đẩy cánh cửa gỗ vào, trông thấy chồng con vẫn còn say sưa ngáy ngủ, bà chán nản, lắc đầu thở dài. Để cửa gỗ tự động đóng lại sau lưng, bà cẩn thận bỏ đồ ăn sáng trên một cái bàn gỗ đối diện chiếc giường ngủ, hai tay chống nạnh, kêu lên:

“Bây giờ là mấy giờ rồi mà hai cha con vẫn chưa chịu dậy? Nướng cháy khét lẹt luôn rồi! Dậy mau, dậy mau!”

Bà đi đến bên giường, hung hăng giựt cái mền Hùng đang đắp, quăng sang một bên thành đống bùi nhùi. Cậu Hùng, một cậu thiếu niên với vóc dáng nhỏ con nhưng lại có bắp thịt rắng chắc, đang khoe khoang lộ ra từ chiếo áo ba lỗ, vẫn triền miên chìm đắm trong giấc ngủ.

“Hùng, dậy mau!” Bà nũng nịu đánh lên má Hùng. Mặt mày nhăn nhó, cậu lăn qua lăn lại trên giường.

“Năm phút nữa...” Hùng lè nhè đáp lại, rồi ôm gối, say sưa nướng tiếp.

“Dậy, dậy.” Bà ta lớn tiếng kêu tiếp. “Hôm nay không đi thi à? Sắp trễ rồi đó, còn không mau dậy!”

Bà vừa nói, vừa bước tới bên cửa sổ phòng, kéo cái rèm cửa ra màu kem ra, ánh mặt trời chói chang từ bên ngoài sáng chiếu vào phòng, tô điểm cả phòng thành một màu vàng cam ấm áp.

Hùng làm sao có thể thoải mái ngủ sau khi bà mở cửa sổ, làm cho căn phòng trở nên quá sáng chói. Cậu lập tức lấy cái gối nằm để lên trên mặt, che khuất ánh sáng mặt trời rọi vào mắt, rồi trở mình, tiếp tục ngáy khò khò.

Bà ta lại chán nản lắc đầu nhìn đứa con. Bà đi vào nhà tắm, cầm một chiếc khăn rửa mặt cô tông màu trắng xuống khỏi móc cửa, ngâm nó vào nước ấm, khéo léo vắt khô, đi trở lại phòng ngủ.

Bà đến bên Hùng rồi dùng khăn nhẹ nhàng lau mặt cho con. Thằng con đã mười tám tuổi đầu mà bây giờ vẫn còn nhõng nhẽo như em bé ba tuổi, chờ mẹ lau mặt cho cậu mới chịu tỉnh dậy.

Ông chồng trông thấy bà vợ thiên vị, chỉ mang khăn cho con, ganh tị càm ràm với vợ: “Khăn của anh đâu?”

“Bộ ông bị cụt tay à?” Bà vợ cộc lốc trả lời, mang chiếc khăng con mới lau xong vào nhà tắm, giặt sạch, rồi treo lại trên móc cửa.

Ông chồng nghe vợ nói vậy, cụt hứng xuống giường, lê lết đi vào nhà tắm, tự mình giặt khăn, tự mình lau mặt, bất mãng, thầm mắng chửi con mình giành vợ với mình.

Sau một hồi loay hoa hoay hoay vệ sinh, gia đình Vũ Thiện Hùng cuối cùng cũng sẵn sàng sum họp quanh bàn ăn sáng.

“Hùng nè,” Mẹ Thiện Hùng cưng yêu gọi cậu. “Ăn nhiều thịt vô một chút mới có sức đi thi.” Mẹ Thiện Hùng lựa mấy miếng thịt nạc gắp vào phần ăn của Hùng.

Hùng đưa tô ra đón nhận, miệng đầy đồ ăn, tươi cười cám ơn mẹ. Cha Hùng thui thủi một mình, tự mình gắp, tự mình ăn. Mẹ Hùng thấy vậy, gắp một miếng thịt khác, bố thí cho ông chồng. Ông ta vui sướng khóc không ra nước mắt, gắp lên ăn, miệng cười toe toét, cứ như người mới trúng số.

Mẹ Hùng thấy vậy khẽ cong miệng cười, nhìn con ăn gần xong, mẹ Hùng vội đặt tô xuống, quay sang mở hộp đồ tráng miệng, lấy ra một ly chè đậu đỏ mát lạnh, bỏ nước cốt dừa vào rồi khuấy đều, để bên cạnh Hùng. Nhìn thấy ly chè đậu đỏ, Hùng nhăn nhó than vãn:

“Lại chè đậu đỏ nữa... Từ lúc mẹ biết con muốn thi vô đại học, ngày nào mẹ cũng bắt con ăn chè đậu đỏ! Con ngán quá à!”

“Ăn đi cho nó may mắn, mới thi đậu được.” Mẹ Hùng miệng thì nói, tay thì múc một muỗng chè, đút cho Hùng.

“Ứm ừm,” Hùng không bằng lòng, ngậm chặt miệng, lắc đầu.

“Ngoan, ăn đi con.” Mẹ Hùng thương yêu dụ dỗ. “Lần này là lần cuối, sau khi con thi đậu rồi thì không ăn nữa.”

“Mẹ hứa rồi đó nha!” Hùng cuối cùng cũng ngoan ngoãn ăn ly chè. Ba Hùng ngồi nhìn cảnh này, thấy buồn cười, nói với mẹ Hùng: “Thế kỷ hai mươi ba rồi mà em vẫn tin mấy cái trò dị đoan, nhảm nhí này sao?”

“Dạ, đúng rồi đó mẹ!” Hùng chen vô nói. “Con mẹ giỏi mà, dư sức thi đậu, không cần ăn đậu đỏ!” Hùng tự kiêu tự mãn, vỗ ngực thêm vô.

Mẹ Hùng không đáp lại, chỉ liếc mắt nhìn hai cha con, thầm nghĩ trong lòng... Nếu mà con mình giỏi thật thì mình cũng đâu cần phải đi tin dị đoan dị điếc. Bởi vì nó dở ẹc, học không bằng ai, nên mình mới phải khổ công tìm thầy khấn Phật, dị đoan gì cũng phải thử, kiếm chút vận may cho con mình. Nói toạc ra thì sợ con nó buồn, nhưng mà lần này, nếu nó thi đậu thì thực sự thì mặt trời mọc hướng Tây!

“Ăn lẹ đi rồi đi thay đồ.” Mẹ Hùng thúc giục. Hùng vội vàng ngốn vào muỗng chè cuối cùng rồi đi đến bên va li của cậu, cầm bộ đồ đã được mẹ xếp sẵn gọn gàng ở trên, cảm thấy không vừa ý, vứt nó sang một bên, rồi bơi móc ra dưới đáy va li một bộ khác hợp ý cậu hơn.

Mẹ Hùng nhìn thấy vậy, bất mãn trách móc Hùng: “Sao không mặc đồ mẹ chuẩn bị? Cái áo thun màu đỏ mẹ chọn cho con mặc đi thi cho hên.”

“Không!” Hùng từ chối. “Xấu quắc.”

Nhìn thấy Hùng mặc vô một cái áo thun xám xịt, mẹ Hùng mặt cũng xám xịt theo cái áo. “Sao lại mặc cái áo xui xẻo này! Cởi ra mau! Mau thay cái màu đỏ vô cho mẹ.”

“Không!” Hùng bất mãn nhảy cỡn lên.

Ba Hùng thấy vậy, vội vàng khuyên nhủ vợ trước khi hai mẹ con to tiếng với nhau. “Thôi em ơi, con nó muốn mặc gì thì kệ nó.” Ba Hùng nhẹ nhàng xoa xoa tay mẹ Hùng.

“Không được!” Mẹ Hùng rút tay lại, phản kháng nói: “Ông nhìn nó coi! Áo xám xịt, quần xanh lè, giày đen thui! Chẳng có cái gì đỏ cả! Toàn là mặc ba cái đồ xúi quẩy! Ngày bình thường nó muốn mặc gì cũng được, nhưng hôm nay phải mặc đồ đỏ!”

“Em này, sao cứng đầu thế!” Ba Hùng lắc đầu thở dài rồi thầm nghĩ... Mặc đồ đỏ cũng rớt, không mặc đồ đỏ cũng rớt. Bà với tôi đều biết, cần gì phải mệt xác làm lớn chuyện.

“Ít nhất thì cũng phải mặc quần sịp màu đỏ!” Mẹ Hùng nói, lục lọi trong va li, lấy ra một cái quần lót đỏ ngòm, đưa cho Hùng.

Hùng cau mày, bất mãn, nhưng cũng ngoan ngoãn nhượng bộ, mặc vào cái quần sịp đỏ cho mẹ vui lòng, bớt càm ràm với cậu. Thôi kệ, mặc ở trong cũng không ai thấy, không sợ quê.

Sau khi cả nhà chuẩn bị xong thì cũng đã bảy giờ kém. Cha mẹ Hùng tay trong tay, bắt đầu dắt Hùng rời khỏi khách sạn, đi bộ đến trạm xe buýt, nơi đã có một đám các bậc phụ huynh và các em học sinh đông đúc tụ tập, chờ đón xe buýt chở các em đến Học Viện Sử Học Quốc Gia để dự thi. Vì học viện nằm trong khu rừng Bạch Mã, cách trung tâm thành phố Huế tận một tiếng rưỡi lái xe, cho nên học viện đã an bài xe để đón các em.

Cha mẹ Hùng mướn khách sạn gần trạm xe, chỉ cần đi bộ vài phút là đến. Ông bà cố ý tìm chỗ gần như vậy cũng là để cho con có thêm chút thời gian ngủ nướng, không cần phải vội vàng ngày đi thi.

Nói thật ra thì lúc đầu, Hùng muốn tự mình đi bộ đến trạm xe, nhưng mẹ Hùng kiên quyết muốn đi theo, sợ rằng có chuyện gì, Hùng đi một mình thì không thể tự xoay sở được.

Hùng thì lại cảm thấy thật mắc cỡ khi cha mẹ đi cùng cậu, vì mẹ cậu có thói quen nắm tay cậu, lại còn thích hôn cậu ngay chỗ đông người để tạm biệt, làm Hùng xấu hổ đến mức chỉ muốn chui xuống một cái hố nào đó. Lần này trước khi đi, Hùng đã ra điều kiện với mẹ, bắt mẹ hứa không được hôn cậu mới cho phép mẹ đi chung.

“Ừ, thì không hôn...” Mẹ Hùng cam đoan, nhưng không giữ lời, lúc đến nơi, lại hôn hai cái lên má Hùng...

“Mẹ!” Hùng nổi giận, nhanh chóng đẩy mẹ ra, lấy tay chùi má. “Mẹ đã hứa không hôn rồi mà!”

“Ừ, thì mẹ đâu có hôn đâu, chỉ thơm thôi!” Mẹ Hùng lật lọng biện hộ.

Đúng bảy giờ, hàng hàng chiếc xe buýt bắt đầu nối đuôi nhau dừng lại ngay trạm xe. Ước chừng có tới cả chục xe, khéo léo được lái vào trạm, tránh không đụng vào nhau hay làm tắt nghẽn giao thông. Một người đàn ông trung niên, đầu ấn tượng mang khăn vấn xanh như kiểu các cụ thời xưa, nhảy xuống từ một chiếc xe buýt, giơ tay chỉ chỉ quắc quắc, ra dấu điều khiển đám đông.

Ông ta nói lớn tiếng gì đó, nhưng vì Hùng đứng quá xa ở gần cuối hàng, thêm vào tiếng ồn ào từ động cơ xe, nên đã át đi tiếng ông ta, làm Hùng không thể nghe ra ông ta nói gì. Nhưng quan sát thấy sau khi ông ta dứt lời, các học sinh ở phía trước bắt đầu chen nhau xếp hàng lên xe, Hùng cũng đoán được, bắt chước các bạn phía trước chen chút vào hàng.

Cha mẹ Hùng ráng dắt Hùng đi đến cửa xe, cho đến khi Hùng vẫy tay chào tạm biệt, mới ngậm ngùi nhìn bóng dáng Hùng biến mất vào trong. Cha Hùng siết nhẹ bàn tay mẹ Hùng, tỏ ý trấn an và khuyên nhủ: “Bây giờ em có lo thì cũng không giúp được gì cho con. Lúc này, mọi sự dựa vào nó.”

Mẹ Hùng nhìn thật lâu vào ánh mắt đen sâu thẳm của cha Hùng, cố ý tìm xem ông ta có bao nhiêu lòng tin cậy vào khả năng của con họ.

“Ông nghĩ nó đậu nổi không?” Mẹ Hùng hỏi một cách chân thật.

“...” Cha Hùng im lặng, không lên tiếng, sợ rằng nếu như ông mở miệng ra, ông sẽ làm mất niềm hi vọng nhỏ nhoi cuối cùng của hai vợ chồng.

“Nó thi đậu thì tôi tình nguyện ăn chay trường cảm tả Trời Phật.” Bà mẹ đùa thề hứa.

Ba Hùng nghe thế, lắc đầu chọc vợ: “Bà này! Sau khi nó đậu, cho bà ăn chay méo miệng luôn!”

“Hừ! Bộ tôi ăn chay thì ông không ăn theo à?” Bà vợ cau mày hỏi lại. “Đừng quên nhà này ai phụ trách nấu ăn nhé!”

“Ôi, bà xã yêu dấu, em nỡ lòng nào? Em muốn ăn khổ, thì khổ một mình thôi, còn kéo anh theo làm gì. Sao em ác quá vậy!” Giọng ông chồng kéo dài nũng nịu, làm cho bà vợ phì cười một tiếng.

Hai vợ chồng đứng đợi ở trạm xe, cho đến khi chiếc xe buýt chở Hùng lăn bánh đi khuất, rồi họ mới trở về phòng khách sạn và bắt đầu sự sốt ruột, mòn mỏi đợi chờ trong lúc Hùng đi dự thi.