Lửa Yêu

Chương 2




Cuối tuần hẹn Yaimai đến nhà ăn cơm nên Paremai dậy sớm hơn thường lệ để giúp bà Nupmai – mẹ cô làm cơm rồi lái xe đi đón em gái ở nhà ông Metee – bố cô, nơi mà đã ba năm nay, kể từ khi ông có con riêng với vợ mới cô chưa từng đặt chân đến.

Khi lái xe đến gần con đường dẫn vào khu đô thị mới, Paremai điện thoại bảo em gái chuẩn bị trước, nhưng Yaimai xin thêm mười phút để trang điểm. Do đó, cô đỗ xe lại đợi em gái ngoài cổng, cách bức tường nhà một đoạn khá xa. Cô tắt nhạc, tắt máy bởi không muốn đánh thức người trong nhà dậy để họ biết rằng cô đang ở bên ngoài. Paremai mở cửa xe cho gió lùa vào sau đó ngả người ra ghế nhắm mắt ngủ. Ngay lập tức hình ảnh ngôi nhà hai tầng dần hiện rõ trong tâm tưởng cô…

Hai mươi hai tuổi, bố mẹ chia tay nhau, Paremai biết bố có nhà riêng. Mẹ cô bắt quả tang ông cặp bồ với Jidapa và nuôi cô ta một cách công khai còn mua nhà, mua xe cho vợ bé. Khi đó, mẹ cô đã làm mọi thứ như dẫn cô đến đánh ghen, dọa tự tử để ông từ bỏ vợ bé. Nhưng ông vẫn không thèm bận tâm.

Đúng vậy! Bố cô là kiểu đàn ông không thèm đoái hoài gì tới vấn đề đạo đức, bởi ngày mẹ cô phải nhập viện sau khi cố tình uống thuốc quá liều, ông vẫn đem chuyện muốn ly dị ra nói với bà. Nghĩ tới đây, Paremai cắn chặt môi, mở mắt nhìn chằm chằm vào ngôi nhà trước mặt với ánh nhìn đầy căm phẫn. Cô thừa nhận mình căm ghét cả hai người đó, cho dù có phải xuống địa ngục vì đã căm ghét đấng sinh thành, cô cũng chấp nhận. Cô ước rằng ông ta sẽ phải trả giá vì những tội lỗi đã gây ra cho mẹ cô.

Kể từ ngày ly dị, bà Numpai sống vật vờ như cái xác không hồn, nghiện rượu nặng với những cơn tâm thần sau mỗi lần say rượu. Bà đập phá đồ đạc, lôi những chuyện cũ ra để chửi bới ông Metee. Paremai không thể cấm mẹ uống rượu. Nếu mẹ cô trong tình trạng bình thường, có lẽ cô đã kịch liệt phản đối khi bố cô đưa Yaimai về nuôi với lý do giảm bớt gánh nặng cho cô vì cô còn phải trông nom bà Numpai. Cũng vì tình trạng của bà Numpai ngày càng xấu đi nên cô đã chấp nhận để Yaimai sống với ông Metee. Không có em gái ở nhà, cô dồn hết tâm trí vào việc trông nom chăm sóc mẹ, vỗ về an ủi và đưa bà đi cai rượu ở Viện Phật giáo Thamkrabok cho đến khi bà cai nghiện thành công.

Tiếng gõ cửa xe kéo Paremai ra khỏi hồi ức. Cô quay lại, giật mình khi trông thấy dì Jidapa đang đứng bên cạnh xe. Có lẽ cô đã chìm vào giấc ngủ quá lâu nên không nghe thấy tiếng xe của dì ấy.

“Pare đến đón Mai à? Sao con không vào trong nhà mà đợi?”. Jidapa hỏi han với giọng nhẹ nhàng như một người lịch thiệp.

“Xe của tôi làm chắn lối vào à?” Paremai hỏi tránh đi rồi xuống xe. Sự trải nghiệm giúp Paremai giữ được bình tĩnh tốt hơn, không nóng nảy như trước kia. Bây giờ cô có thể “Ngoài thì thơn thớt nói cười, trong thì nham hiểm giết người không dao” một cách hoàn toàn tự nhiên. Những việc đã qua dạy cô phải biết cứng rắn, vượt lên tất cả trong mọi tình huống.

“Không. Dì vừa đi chợ về, thấy con đỗ xe ở đây nên đến hỏi chuyện thôi. Con có vào trong nhà đợi em không? Mai cũng nói sáng nay có hẹn với con”. Jidapa mỉm cười lạnh nhạt.

“Vâng. Tôi đến đón Mai. Nhưng, tôi đợi ở trong xe cũng được”.

“Con vào trong nhà đợi đi. Nắng bắt đầu gắt rồi đấy”. Jidapa thuyết phục.

Từ chối không được, Paremai đành đi theo dì ta vào nhà.

“Nhà cửa hơi bừa bộn. Dạo này cu Jet nghịch ngợm quá. Cu cậu đang trong độ tuổi thích khám phá nên cái gì cũng lục lọi bầy bừa ra. Chạy theo quét dọn suốt ngày cũng không kịp”. Dì ta lên tiếng gợi chuyện, không cần để ý xem người đi cùng có quan tâm hay không.

“Sao không thuê người giữ trẻ?”. Paremai hỏi, giọng bình thản.

Jipada bật cười: “Dì không thích người ngoài đến ở nhà mình, nhất là thời buổi này khó mà tin nhau được”.

Paremai khẽ gật đầu, nét mặt vẫn vô cảm.

“Dạo này con vẫn khỏe chứ? Lâu quá chúng ta không gặp nhau nhỉ?”.

“Vâng. Tôi vẫn khỏe”.

Jidapa mỉm cười, biết rằng Paremai không muốn nói chuyện lắm.

“Vậy con cứ tự nhiên nhé. Để dì chuẩn bị cho con ít đồ ăn nhẹ”.

“Không cần đâu. Mai xuống là tôi sẽ về luôn”.

“Cứ để dì”. Jidapa không để ý đến lời cô nói, vẫn vào bếp và quay trở ra với khay đồ uống và bánh cho cô.

“Cảm ơn”. Paremai ngẩng đầu lên khỏi tờ tạp chí đang cầm trên tay khi dì ta đặt khay đồ uống lên bàn.

“Pare cứ tự nhiên. Dì xem em nó đã dậy chưa”.

“Vâng”.

Đợi dì ta đi khỏi. Paremai đứng dậy xem bức ảnh treo trên tường, trong ảnh ông Metee khoác vai Jidapa trong khi dì ta đang bế một đứa bé sơ sinh, Jidapa hơn Paremai bốn tuổi. Điều đó cũng có nghĩa là ông Metee lấy một cô vợ bé trạc tuổi con gái mình. Nghĩ đến đó, Paremai cảm thấy khinh bỉ, cô nở nụ cười mỉa mai.

Ông Metee bước vào phòng khách và nhìn thấy cảnh tượng đó. Đôi môi định nở một nụ cười chào con gái của ông liền mím lại. Paremai quay phắt lại khi nghe thấy tiếng bước chân, nụ cười mỉa vẫn còn đọng lại trên môi cô. Cô vội vàng thay đổi nét mặt trước khi khẽ mỉm cười như không hề biết đến ánh mắt lạnh lùng của người cha.

“Dì Pa nói con đến đón Mai?”.

“Vâng. Bố vẫn khỏe chứ ạ?”. Paremai hỏi với giọng bình thản, xa cách.

“Cũng thường thôi. Còn con?”. Ông Metee ngồi xuống phía đối diện ngắm nhìn con gái.

Paremai năm nay hai mươi sáu tuổi. Cô đang có những bước tiến thuận lợi trong sự nghiệp. Chỉ mới bốn, năm năm trong nghề phóng viên nhưng những bài viết của cô đã được các lãnh đạo để ý tới và cô đã nhận được rất nhiều giải thưởng của các tổ chức báo chí tư nhân như “Giải thưởng ảnh chụp xuất sắc nhất của Isara Amantakul(1)”. Đó là bức ảnh chụp một người đàn ông đang nhảy xuống đất từ một tòa nhà cao tầng để tránh ngọn lửa đang lan đến căn hộ nơi anh ta sinh sống. Năm ngoái cô còn giành “Giải thưởng tin bài xuất sắc nhất” của Tổ chức Isara Amantakul. Đó là tin bài điều tra về một vụ án giết người trong quá khứ. Giải thưởng gồm tiền mặt, kỷ niệm chương và một khóa học ngắn hạn về truyền thông đại chúng tại một trường đại học nổi tiếng của Mỹ trong thời gian sáu tháng(2). Cô vừa mới trở về từ khóa học đó cách đây hai tháng.

(1)Giải thưởng Isara Amantakul là giải thưởng cao nhất dành cho phóng viên và nhiếp ảnh được tổ chức bởi Hội báo chí Thái Lan do tổ chức Isara Amantakul tài trợ, được công nhận là giải thưởng Pulitzer Thái Lan.

(2) Người giành giải thưởng Pulitzer Thái Lan sẽ nhậ được một khóa học ngắn hạn trong thời gian từ bốn đến sáu tháng. Giải thưởng này được tổ chức bắt đầu từ năm 2010.

Paremai là một người giỏi việc, nhanh nhẹn, thông minh sắc sảo nên chỉ trong thời gian vài năm cô đã được chuyển đến thường trú tại Tổng cục Cảnh sát quốc gia. Cô được lãnh đạo và đồng nghiệp công nhận là một người phụ nữ cứng rắn, mang trong mình dòng máu chiến sĩ. Nếu so sánh Paremai và Yaimai với hoa, ông Metee cho rằng cô con gái lớn giống như bông hoa thép, có thể chống chọi lại mưa nắng, trong khi Yaimai là một bong hoa lụa mỏng manh, cần đươc nâng niu. Bởi thế nên ông chọn cô con gái út để đưa về sống với mình chứ không chọn cô con gái lớn quá cứng nhắc, khó bảo.

Paremai biết ánh mắt của người cha đang soi xét mình. Cô trả lời: “Con cũng bình thường như bố thôi”.

Ông Metee gợi chuyện: “Mai nói rằng con vừa từ Mỹ về được hai tháng à? Tình hình thế nào?”.

“Cũng tốt ạ”. Cô trả lời ngắn gọn.

Người bố tiếp tục gợi chuyện: “Hôm trước thấy con đưa tin về cuộc họp báo bắt giữ băng đĩa lậu trên tivi”.

“Vâng ạ”. Cô nhìn xuống đồng hồ đeo tay như muốn tìm cớ chấm dứt cuộc nói chuyện.

Ông Metee không quan tâm tới hành động đó. Ông vẫn tiếp tục: “Ống kính dừng lại ở hình ảnh của con người tương đối lâu nhỉ. Có lẽ anh chàng quay phim đó thích con rồi”.

Paremai không trả lời vào vấn đề mà ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào mắt bố: “Con ra ngoài đợi em đây ạ. Nếu Mai xuống thì bố bảo với nó là con đang đợi ngoài cổng nhé”.

“Từ từ đã con”. Ông Metee vội gọi trước khi con gái bước ra khỏi phòng.

“Có gì không ạ?”. Paremai quay lại hỏi.

“Chúng ta không thể nói chuyện tử tế với nhau một lần được hay sao? Bao giờ con mới hết giận bố?”.

“Hết giận chuyện gì ạ?”. Paremai bình thản hỏi, ánh mắt vô cảm.

“Con cũng biết là bố muốn nói đến chuyện gì mà”.

Paremai thở dài: “Chuyện đã lâu rồi. Bố đừng để bụng suy nghĩ nữa”.

“Người để bụng suy nghĩ là con chứ không phải bố, bởi nếu không con sẽ không tỏ ra xa lạ với bố thế này”.

Paremai thở dài:

“Sự xa cách không xuất phát từ sự không hòa thuận đâu ạ. Trường hợp của chúng ta là ở vấn đề khoảng cách. Bố đừng có hy vọng gì vào lúc này, vì ngay cả trong thời gian chúng ta còn chung sống với nhau, bố cũng đâu có quan tâm gì tới bọn con mà chỉ lo cho hạnh phúc riêng của bố”.

Ông Metee choáng váng như bị tát vào mặt.

“Con biết rằng con là đứa đanh đá. Vì thế bố đừng cố bới lại chuyện cũ làm gì, điều đó chỉ khiến cho bản thân bố đau lòng mà thôi”.

Ông Metee định nói gì đó nhưng không kịp vì có tiếng của Yaimai vang lên: “Em xong rồi. Chị đợi lâu chưa?”.

Yaimai đứng sững lại khi bước vào phòng khách, cô cảm nhận được không khí căng thẳng giữa chị gái và bố. Cô nhìn hết người này tới người kia: “Có chuyện gì vậy ạ?”.

“Không có gì đâu. Đi thôi”.

Yaimai hơi nhíu mày, định hỏi nhưng Paremai đã chặn lại: “Không có gì thật mà. Đi thôi. Muộn lắm rồi đấy”. Paremai nói rồi bước ra trước.

Yaimai liền e ngại quay lại chào ông Metee.

Ông gật đầu: “Đi đi con. Con đi chơi cho vui vẻ nhé!”.

“Chị Pare nói chuyện gì với bố thế? Sao không khí lại căng thẳng vậy ạ?” Yaimai hỏi khi xe ra đến đường lớn.

Paremai trả lời em gái: “Không có gì đâu. Em đừng quan tâm. Nhưng sao em thay quần áo chậm thế?”.

Yaimai cười gượng: “Tại em dậy muộn. Em xin lỗi vì để chị phải chờ lâu”.

“Sao em không đặt đồng hồ báo thức?”.

“Em đặt rồi nhưng… ngủ say quá nên không nghe thấy tiếng chuông”.

Paremai lắc đầu, mềm lòng: “Đêm qua em ngủ muộn à?”.

“Vâng ạ”. Cô trả lời với giọng càng nhỏ hơn.

“Làm gì mà phải ngủ muộn?”.

“Thì…” Yaimai ấp úng.

Paremai quay nhìn em gái: “Sao? Tại sao lại ngủ muộn?”.

“Em làm bài tập ấy mà”. Cô giải thích nhưng không được tự nhiên cho lắm.

“Thế thôi mà cứ phải ấp a ấp úng”.

Yaimai cười gượng rồi vội đổi chủ đề: “Thế hôm nào chị đi leo núi Phu Kradung ạ?”.

“Ngày mai, chị chuẩn bị hết đồ đạc rồi”.

“Mai chưa bao giờ được leo núi Phu Kradung cả. Chắc sẽ vui lắm nhỉ. Nghe các bạn em kể thì có vẻ đó là nơi để chứng tỏ tình yêu được đấy. Nhiều đôi yêu nhau sau khi xuống núi thì yêu nhau nhiều hơn nhưng cũng có nhiều đôi lại bỏ nhau luôn”.

“Ơ, sao lại thế?”. Paremai quay sang hỏi.

“Tại đường lên núi khó đi, trong lúc leo sẽ biết tính cách của nhau, biết là người tốt bụng hay ích kỷ”.

Paremai gật đầu tán đồng, hai chị em nói chuyện linh tinh cho tới khi xe dừng ở trước cổng. Paremai đánh xe vào gara rồi đi đến chỗ Yaimai đứng đợi để cùng vào nhà. Cô em gái lao vào ôm lấy mẹ rồi hỏi han hết chuyện này đến chuyện khác.

“Mẹ vẫn khỏe chứ ạ?”.

“Mẹ khỏe con ạ. Con thì sao? Mẹ thấy con gầy đi nhưng ánh mắt thì lấp lánh tươi vui quá nhỉ. Có người yêu rồi đúng không?”. Bà Nupmai hỏi dò trong khi hai tay đang xoa má con gái.

Yaimai đỏ bừng mặt trong khi Paremai sững lại khi nghe mẹ hỏi vậy. Cô vừa ngồi xuống ghế, cầm miếng bánh định ăn, vừa vội ngẩng mặt lên xem xét em gái.

Vừa lúc đó cô em quay mặt lại phía chị. Đúng rồi! Yaimai đúng là như mẹ nói thật. Quầng mắt thâm lại nhưng ánh mắt lấp la lấp lánh! Paremai nghĩ chưa từng yêu ai nên không có kinh nghiệm nhưng cô vẫn tin vào lời nhận xét của mẹ.

Paremai cầm bánh lên ăn trong khi đôi mắt sắc bén vẫn dò xét em gái.

Yaimai mặc bộ váy liền kín đáo, trông rất nữ tính, khác hẳn kiểu quần bò vẫn mặc mọi khi. Cô đã từng nghe mọi người xung quanh so sánh cô và Yaimai như những loài hoa, cô là loài hoa mọc trên vùng đất cằn cỗi, chịu được mưa nắng, còn em cô là loài hoa xứ lạnh mỏng manh cần được nâng niu, chăm sóc trong nhà kính.

Đúng! Yaimai đẹp một cách hiền dịu. Từ bé khi được mẹ dẫn đi chơi, Yaimai thường được mọi người khen là xinh đẹp đáng yêu. Cô cũng chưa bao giờ ghen tỵ với em, ngược lại còn rất tự hào và muốn chăm sóc, che chở cho em nhiều hơn. Nhưng từ trước tới nay, Yaimai chưa bao giờ có biểu hiện là đang yêu hoặc có người đàn ông nào trong lòng vì cô chỉ chăm chú vào việc học.

Ai có thể làm cho em gái cô rung động tới mức thay đổi thế này?

Cô bị cắt ngang suy nghĩ bởi tiếng chuông điện thoại của Yaimai. Yaimai cầm túi xách luống cuống lục tìm điện thoại làm ví rơi xuống đất.

Paremai cúi xuống nhặt ví trong khi Yaimai vội ra ngoài nghe điện thoại. Paremai nhíu mày khi nhìn thấy hai má của Yaimai đỏ ửng trong lúc ấn phím trả lời điện thoại. Cô đưa mắt liếc chiếc ví trong tay, chau mày khi thấy một tấm ảnh lạ rơi xuống nền nhà.

Hai mươi hai giờ ba mươi phút chủ nhật, tại điểm hẹn trước lúc khởi hành lên đường tới núi Phu Kradung.

Đội trưởng Tula là người chủ trì, chủ chi trong chuyến du lịch lên núi Phu Kradung lần này. Sau khi mọi người tự giới thiệu làm quen với nhau xong, Paremai mới tiến đến chào hỏi các bạn của Tula trong đó có Prim-pau Supapat, là bạn của em họ Tula vừa mới tới. Primpau là cô gái có khuôn mặt đáng yêu và ít tuổi nhất trong đoàn, cô vừa tốt nghiệp đại học nên gần như trở thành tâm điểm chú ý của các chàng trai. Paremai không trò chuyện nhiều với cô vì khi Mankeo, thành viên cuối cùng trong đoàn tới cũng là lúc Tula bảo mọi người lên xe và cuộc hành trình lên núi Phu Kradung chính thức khởi hành.

Tula dành chỗ ngồi ghế trước gần Paremai và độc quyền trò chuyện với cô trong suốt chặng đường đi khiến tất cả mọi người trong đoàn đều nửa đùa nửa thật rằng anh tán cô từ lúc còn chưa xuất phát. Paremai lúng túng trong khi Tula làm như không biết, vẫn tiếp tục quan tâm đến cô.

“Điều hòa có lạnh quá không? Tăng nhiệt độ lên một chút nhé!”. Tula hỏi rồi nhổm dậy chỉnh hướng gió.

Paremai lí nhí cảm ơn rồi hỏi về tin trang nhất của tất cả các tờ báo:

“Đội trưởng Tul này, trong hội nghị Ủy ban viên chức cảnh sát cao cấp vào thứ tư tới, liệu thủ tướng có đề cập tới chuyện thuyên chuyển quan chức cảnh sát hay không ạ?”.

Tula cười rồi nói đùa: “Đã có lần nào chúng ta nói chuyện mà chưa lôi công việc vào chưa nhỉ? Anh đã từng nghĩ rằng Pare quen với anh là để moi tin mật đấy”.

Paremai sững lại, trong giây lát cô cảm thấy có lỗi vì bị anh nói trúng. Cô chịu đi đâu với anh cũng chỉ bởi vì muốn lấy tin mật mà thôi. Đã nhiều lần cô có được tin độc(3) là từ cuộc nói chuyện với anh mà ra. May mà ánh đèn đường không sáng rõ nên anh không nhìn thấy khuôn mặt đỏ bừng của cô lúc này. Cô khỏa lấp sự xấu hổ bằng giọng nói nhỏ nhẹ: “Tại bây giờ chuyện thuyên chuyển quan chức cảnh sát đang hot nhất mà. Gặp cảnh sát mà không hỏi chuyện này thì hỏi chuyện gì ạ?”.

(3) Tin độc được dịch nghĩa từ exclusive news, là tin tức mà chỉ duy nhất một tờ báo có được, phần lớn là tin điều tra sâu.

“Thì nói chuyện trăng, trời, mây, gió ấy. Ví dụ hỏi xem dạo này công việc của anh có nhiều không? Anh ăn cơm chưa? Có bao nhiêu chuyện có thể nói với anh mà”. Tula dịu dàng.

Paremai nóng mặt bởi lời trêu đùa pha chút tán tỉnh ngọt ngào đó. Cô giấu sự xấu hổ trước khi hỏi với sắc mặt bình thản: “Những chuyện đó thì thấy cả rồi, đâu cần phải hỏi ạ. Nhưng anh nhất quyết không chịu nói chuyện thủ tướng liệu có đề cập đến chuyện thuyên chuyển quan chức cảnh sát vào thứ tư tới này thật đấy ạ?”.

Tula bật cười trước tính cách không dễ dàng bỏ cuộc của cô gái mà mình thích. Anh trêu tiếp: “Có nghĩa là em nhất định phải có câu trả lời cho bằng được chứ gì?”.

Paremai khẽ cười: “Nếu đúng thì sao ạ?”.

“Thế thì câu trả lời sẽ là… có tin báo lại hoãn cuộc họp lần nữa đấy”.

Paremai nhích người quay sang nhìn thẳng vào anh với ánh mắt tò mò. Cô nhìn anh chằm chằm rồi hỏi: “Tại sao ạ? Tại sao thuyên chuyển mãi chưa được?”.

“Thì cũng như các phóng viên biết cả rồi đấy. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quốc gia chưa làm xong danh sách bởi hiện chỉ trống có sáu mươi vị trí trong khi thực tế phải thuyên chuyển tới cả trăm người nên xin với thủ tướng cho hoãn hội nghị Ủy ban viên chức cảnh sát cao cấp lại. Khi danh sách của thủ tướng và phó thủ tướng an ninh không thống nhất với nhau thì ông tổng cục trưởng phải xin thêm một thời gian nữa để sắp xếp nhân sự”.

“Sắp xếp các tướng còn không xong như vậy, thì việc sắp xếp các tá lại càng mất thời gian nhỉ”.

“Ừ. Phải hoãn theo thôi”.

“Bị vướng mắc chỗ nào ạ? Tại sao danh sách thủ tướng và phó thủ tướng lại chênh lệch nhau?”.

“Cái này anh thực sự không rõ. Sâu hơn nữa anh không thể trả lời được. Mà nói thật nhé, điều anh biết thì em cũng biết cả rồi”.

“Em nghĩ có lẽ do việc bổ nhiệm thuyên chuyển các tỉnh trưởng của Bộ Nội vụ nhiệm kỳ trước Đảng…”. Paremai nói tên một đảng liên hiệp trong chính phủ trước khi nói tiếp: “Đã cử người xuống địa phương để đảm bảo việc bầu cử, trong khi đảng của mình là đảng nòng cốt trong việc thành lập chính phủ lại được ít phần trăm số phiếu nhất. Vì vậy thủ tướng sợ rằng nếu để cho phó thủ tướng sắp xếp thuyên chuyển quan chức cảnh sát thì cũng đồng nghĩa với việc chiều theo đảng liên hiệp nên thủ tướng mới phải sửa lại luật chơi nhằm cử cảnh sát xuống các địa phương vì lợi ích cao nhất trong cuộc bầu cử”.

“Pare phân tích sâu sắc quá. Anh cho rằng em biết nhiều thứ còn sâu hơn cả anh nữa đấy”.

“Anh khen thật hay đang nói kháy em đấy?”. Paremai tự véo vào mặt.

“Khen thật. Ối! Lại gây sự nữa rồi”. Tula kêu lên như bị kiến cắn trước khi bật cười.

Paremai vẫn tiếp tục véo vào mặt. Nhưng chưa kịp đáp lại thì tiếng của người ngồi phía sau đã vang lên: “Này, đôi phía trên tình cảm quá. Gần nửa đêm rồi mà còn thủ thỉ tán tỉnh nhau. Hai người không thấy buồn ngủ à?”. Mankeo, bạn đồng nghiệp của Paremai, người được cho là thân thiết với cả hai nhất lên tiếng trêu.

“Vừa vừa thôi Man. Ai tán ai hả? Cậu không thấy tớ đang làm việc à?”. Paremai quay xuống cãi.

Tula bật cười, đưa mắt sang trêu cô: “Thấy chưa? Em đã thừa nhận là đang làm việc đấy nhé. Đúng là làm việc hai tư trên hai từ giờ thật. Em không thấy mệt à?”.

“Ok. Vậy thì nghỉ thôi. Chúc đội trưởng ngủ ngon nhé! Mai gặp lại”. Paremai nói xong liền kéo tấm chăn lụa lên đắp tới cổ, dựa đầu vào cửa kính ô tô, chấm dứt cuộc nói chuyện tại đó.

Tula khẽ lắc đầu mỉm cười trìu mến. Anh gặp Paremai bốn năm về trước khi cô còn là một phóng viên chuyên biệt mới vào nghề phải lưu động ở các đồn cảnh sát. Lần đầu tiên gặp Paremai, anh đã cảm mến cô, anh đã bị tiếng sét ái tình của cô gái trẻ kém anh một giáp đánh trúng. Paremai đẹp sắc sảo và có điều gì đó rất thu hút người khác giới. Anh không thể nói rõ đó là cái gì, có thể là tính cách cứng rắn, không sợ ai, dám hỏi dám nói dù lúc đó cô chỉ là một phóng viên mới vào nghề, còn đang trong giai đoạn thử việc.

Tiếng nói chuyện thì thầm trong xe chấm dứt. Mọi người đều nhắm mắt cố để giấc ngủ đến. Sáng sớm hôm sau khi xe đến chân núi Phu Kradung, tiếng nói chuyện ồn ào như ong vỡ tổ lại vang lên.

Trong lúc chờ đợi vườn quốc gia Phu Kradung mở cửa, mọi người lần lượt vệ sinh cá nhân, sắp xếp đồ đạc, phân chia hành lý, cân trọng lượng và dán nhãn để thuê người gánh lên đỉnh núi.

Đúng lúc này, Paremai nhận được cuộc điện thoại của ông Metee.

“Con nghe đây ạ”. Paremai trả lời, giọng bình thản.

“Pare! Xảy ra chuyện lớn rồi. Em con mất tích rồi”.

“Gì cơ ạ? Sao lại mất tích ạ?”. Paremai hỏi giật giọng khiến Tula và những người khác đều giật mình nhìn sang.

Ông Metee tiếp lời: “Hôm qua Mai nói với bố là đi dự tiệc sinh nhật bạn. Bố nghĩ nó sẽ về khuya và kiểu gì tiệc sinh nhật cũng kết thúc muộn. Bởi thế bố không ở lại chờ. Sáng nay không thấy nó xuống ăn sáng mới phát hiện nó đã mất tích. Bình thường nó đâu có thế”.

“Khoan đã ạ. Sao bố lại chắc chắn là em mất tích? Có thể Mai ngủ lại nhà bạn thì sao ạ?”.

“Mai chưa bao giờ ngủ ở ngoài trừ bên chỗ mẹ con. Bố đã điện thoại hỏi đám bạn thân của nó rồi, mọi người đều trả lời là Mai không có ở đấy. Hơn nữa các bạn trong nhóm đều khẳng định là tối qua không có ai tổ chức sinh nhật cả”.

“Lạy Phật!”. Paremai thốt lên, mặt tái nhợt.

“Lẽ ra đêm qua bố nên ở lại đợi mới phải”.

Đầu dây bên kia vẫn tiếp tục than vãn. Paremai giơ tay lên vuốt trán để tỉnh táo hơn. Cô hỏi lại: “Bố đã báo cảnh sát chưa ạ?”.

“Cảnh sát nói rằng có thể Mai đến ngủ ở nhà bạn, vì vậy phải đợi qua hai mươi tư tiếng đồng hồ mới bị coi là mất tích”.

“Vâng. Có thể là Mai đi dự tiệc sinh nhật của một người bạn không thân lắm nên các bạn trong nhóm mới không biết ạ”.

“Cũng có thể là như thế, nhưng bây giờ bố rối quá Pare, bố phải làm sao đây?”.

“Bố cứ bình tĩnh. Bây giờ thế này nhé, bố điện thoại tới tất cả các bệnh viện xem có nơi nào tiếp nhận bệnh nhân nữ còn trẻ hay không. Còn con sẽ điện thoại kiểm tra các đồn công an và gọi cho các bạn phóng viên lưu động xem có ai nhận được thông tin hay đầu mối gì về các vụ tai nạn không. Hôm qua em ra khỏi nhà lúc mấy giờ ạ?”.

“Sáu giờ con ạ”.

“Có ai đến đón hay em đi một mình ạ?”.

Paremai lục túi lấy cuốn sổ ra rồi thoăn thoắt ghi lại các chi tiết trước khi hỏi thêm: “Bố đã thử gọi vào di động của em chưa ạ?”.

“Gọi rồi, nhưng không có tín hiệu”.

“Bố đã gọi điện báo chuyện này cho mẹ chưa ạ?”.

“Chưa. Bố gọi điện cho con đầu tiên”.

“Được rồi ạ. Bố đừng vội gọi cho mẹ nhé. Có thể không xảy ra chuyện gì đâu. Vậy đã nhé. Để con gọi điện cho các bạn phóng viên lưu động trước đã”. Paremai cúp máy. Tất cả mọi người đều hồi hộp theo dõi cuộc nói chuyện của cô. Ngay khi cô vừa cúp máy, mọi người đồng thanh hỏi xem có chuyện gì xảy ra. Cô cất cuốn sổ tay vào túi, kể vắn tắt lại tình hình rồi xin phép về trước.

“Vậy chúng ta cũng hủy chuyến đi này thôi vì có đi tiếp cũng chẳng vui vẻ gì”. Mankeo nói.

“Đừng mà Man. Tớ thấy không thoải mái nếu trở thành nguyên nhân khiến mọi người phải hủy chuyến đi này, chúng ta đã chuẩn bị cả tuần nay rồi. Mọi người cứ đi tiếp đi, đừng lo cho tôi nhé!”. Nói rồi Paremai đưa ánh mắt cầu khẩn nhìn mọi người một lượt như muốn xin lỗi vì đã làm không khí mất vui.

“Vậy thì thế này, mọi người đi tiếp, còn tôi sẽ quay về Bangkok cùng Pare”. Tula kết luận.

“Tôi nữa”. Mankeo đề nghị.

“Vậy đội trưởng Tul lấy xe về trước đi. Còn chúng em sẽ về sau bằng xe bus hoặc tàu cũng được”. Primpau gợi ý.

“Được đấy. Tul lấy xe về trước đi”. Mọi người đồng tình.

“Đừng. Mọi người đâu cần vất vả chỉ vì một người. Để tôi tìm cách về một mình thì tốt hơn”. Pare phản đối lại bằng giọng nhẹ nhàng đồng thời nhìn vào mắt tất cả mọi người trong đoàn.

“Sao có thể thế được. Không phải chị Pare phải vội quay về Bangkok để đi tìm em gái sao? Vì vậy về được càng nhanh càng tốt”. Primpau nói.

Paremai không thể lấy lý do nào khác để từ chối. Cô cảm ơn Primpau và tất cả mọi người rồi mau chóng quay về Bangkok. Tất cả mọi người đều chúc cho cô nhanh chóng tìm được Yaimai.