Luận Anh Hùng

Chương 437: Quê Nhà Non Nước Trong Mơ




Hoàng đế đã trở về.

Hắn không kìm được mất hết hứng thú, chẳng những hoảng hốt bất an, cũng mang theo một chút thương cảm.

(Hai người ở bắc quốc mùa đông lạnh lẽo, buồn bực không vui, râu ria đầy mặt, sầu não ưu tư kia, sao lại quen thuộc như thế?)

(Một người giống như trẫm.)

(Một người giống như Hoàn nhi.)

(Đây là chuyện gì?)

(Đường xa muốn về gian khó, quê nhà non nước trong mơ. Giang sơn xinh đẹp như vậy, sao bỗng chốc lại xuất hiện tình cảnh đìu hiu vắng vẻ, khiến người ta thương cảm.)

(Ai, chỉ mong là mộng là ảo.)

(Ai, đó không phải là thật.)

Tống Huy Tông thấp thỏm bất an, vì vậy mất hứng, bãi giá về cung.

Hắn lại không biết, trong một đêm này, dưới ánh trăng cổ xưa, trên nóc nhà già cỗi, trong một thời khắc thần kỳ thăm thẳm, đã xảy ra rất nhiều chuyện khác thường.

Thích Thiếu Thương nhìn bầu trời kinh thành, trong lúc ưu tư rối ren, lại nhìn thấy tiền thân hậu thế của mình, cùng với tương lai và mai sau của thành đô này.

Sau đó y quyết đấu với Tôn Thanh Hà, giống như tử chiến với chính mình.

Vì đôi mắt tỏa sáng của hoàng đế từ trong bóng tối nhìn ra ngoài cửa sổ, Lý Sư Sư không tiếc chết vì hắn. Nhưng vì hắn vội vã rời đi, chỉ để lại một bộ áo rồng màu vàng trong bóng tối trên giường, nàng lại quyết định không vào cung làm phi tần.

Hoàng đế thì sao?

Triệu Cát lại nhìn thấy sự bất hạnh của hắn, cùng với sự hi sinh của thái tử Triệu Hoàn mà hắn cưng chiều, còn có kết cục của hai cha con bọn họ.

Đêm tối kinh hoa.

Ánh trăng cố đô.

Có lẽ, trong cuộc đời luôn có thời khắc ra vào thời không, chu du trời đất, trên dưới thông suốt, tiến lùi tự nhiên.

Nhưng trận kịch chiến giữa Thích Thiếu Thương và Tôn Thanh Hà vẫn không dừng lại.

Bọn họ xuất thủ một chiêu, vẫn chưa phân thắng bại.

Cho nên bọn họ công ra chiêu thứ hai, kiếm thứ hai.

Tôn Thanh Hà đứng lên, như một con hạc trắng ngước chiếc mào đỏ trên đầu, giống như lá trúc trở lại trên cành.

Hắn chém xuống một kiếm.

Chém thẳng.

Chỉ chém vào Thích Thiếu Thương.

Thích Thiếu Thương cúi thấp người xuống, rồng có thể bay cao, cũng có thể ẩn mình.

Y là một người giỏi ẩn mình, càng giỏi bay cao. Y cong là để duỗi, lùi là để tiến, cúi thấp là để có ngày cao cao tại thượng.

Kiếm của y nghiêng nghiêng phất lên, ngăn cản kiếm của Tôn Thanh Hà.

Một kiếm từ dưới lên, một kiếm từ trên xuống.

Một vầng trăng, thiên hạ sáng.

Áo trắng như trăng, người trắng như áo.

Kiếm trắng như tuyết, dường như còn hơn cả tuyết.

Nhưng máu thì sao?

Nếu như trong đêm trăng này bắn ra máu anh hùng, có phải còn huyết hơn cả huyết, tuyết hơn cả tuyết, đỏ hơn cả máu?

Thế nhưng, không chỉ một mình Triệu Cát nhìn thấy hai người bọn họ quyết chiến.

Triệu Cát là một người trong đó.

Tại buổi tối kinh hoa này, có ba người đồng thời thấy được trận quyết đấu này.

Đạo quân hoàng đế là người thứ nhất, hắn cũng từ trong đó giác ngộ. Nhưng hắn không phải là người duy nhất, cũng chắc chắn không chỉ có hắn giác ngộ.

Còn có hai người khác phát hiện ra trận kịch chiến này.

Nhưng không phải Lý Sư Sư.

Nàng không có lòng xem trận chiến.

Nàng là nữ nhân, nàng cũng tập võ, nhưng không thích võ.

Nữ nhân trọng tình.

Nàng chỉ quan tâm làm sao đi yêu, nhưng yêu một người thật sự rất vất vả; các nàng chỉ đành đi hận, có điều hận một người cũng quá khó khăn.

Tình là thứ thương người thương mình nhất.

Thứ mà nam nhân trung thành là nghĩa khí, không phải yêu. Nghĩa chính là tình hoài của hắn.

Nữ nhân là loại người sống trong khí sắc, cho nên nữ nhân chung tình với yêu thương.

Anh hùng là một loại khí sắc của truyền thuyết, làm người ta ảo giác mình mới là mỹ nhân khiến hào kiệt chung tình.

Cho nên nữ nhân thích anh hùng.

Thực ra các nàng không thích bọn họ quyết đấu, máu thịt tung tóe, như vậy rất khó coi. Các nàng chỉ thích cảm giác khi bọn họ quyết đấu vì mình.

Các nàng hi vọng người quyết chiến vì mình, mà mình lại ái mộ, có thể bình an vô sự và chiến thắng trở về.

Trở lại trong lòng các nàng, sau đó nghe theo răm rắp những gì các nàng nói, giống như đứa trẻ do các nàng một tay sinh ra và nuôi dưỡng thành người vậy.

Đây mới là nam tử trong suy nghĩ của các nàng.

Tình nhân vĩnh viễn chịu chết vì các nàng nhưng không phải thật sự mất mạng, vẫn luôn yêu quý nhưng lại chịu tha thứ cho các nàng, hiểu được suy nghĩ trong lòng các nàng.

Cho nên nữ nhân bình thường gả cho trượng phu.

Trượng phu không có loại tố chất này.

Mà những người tốt hơn, các nàng luôn cho rằng nếu không phải chết sạch thì cũng không để cho mình gặp được.

Đúng vậy, Lý Sư Sư mặc dù nhìn thấy một trận đại quyết chiến, nàng cũng quan tâm đến hai người này, hai vị bằng hữu, nhưng lại không có lòng thưởng thức hay hòa giải.

Nếu người vô tâm ta sẽ dừng.

Nếu ta hữu ý thì thế nào?

Hoa vàng ngày mai bướm cũng sầu.

Trong lòng Lý Sư Sư có một loại cảm giác thê lương cô tịch.

Nàng chỉ hi vọng Triệu Cát, Thích Thiếu Thương, Tôn Thanh Hà đều không phải chết.

Nếu không thì đều chết hết cho rồi.

Nếu nhất định không chiếm được, nàng cũng chẳng cần thứ gì, dứt khoát hủy hết cho xong.

Trận quyết chiến này không phá hủy đấu chí của Lý Sư Sư. Thông thường thứ mà nữ nhân có không phải là đấu chí, mà là cố chấp.

Nhưng nó gần như đã phá hủy đấu chí và lòng tin của một người.

Hắn đương nhiên chính là người được xưng là quốc sư chân tiên trong cung đình, Hắc Quang Thượng Nhân.