Ma Thổi Đèn

Quyển 1 - Chương 16: Mật thất




Chúng tôi liền quay trở lại kho Gena ở tầng dưới, trước tiên tìm mấy bộ quân phục và áo khoác của quân Quan Đông mặc vào, lau qua loa vết máu và bùn nhớt trên mặt, mỗi người còn tìm một cái mũ thép đội lên đầu.

Anh Tử vốn xinh xắn, mặc quân phục lên người trông càng đẹp hơn, Tuyền béo đứng bên cạnh xuýt xoa: "Ấy chết, cô em mặc quân phục Nhật vào trông lại giống Yoshiko Kawashima mới chết chứ!"

Anh Tử không biết Yoshiko Kawashima là người thế nào, tưởng Tuyền béo đang khen mình, còn lấy làm đắc ý nữa, tôi nói với Anh Tử: "Cậu ta bảo em giống nữ gián điệp Nhật Bản đấy"

Anh Tử nghe xong, mày liễu dựng ngược, Tuyền béo vội vàng nói: "Ấy, nói nhầm, ý anh định nói là Anh Tử mặc quân trang, tay cầm súng, khiến anh liên tưởng đến một bài thơ của Mao chủ tịch: "Tha thướt dáng hoa, năm thước súng. Lơ thơ nắng mới chiếu thao trường. Nữ nhi Trung Quốc nhiều tài trí. Chỉ thích quân trang chẳng phấn hương."

Tôi đứng bên cười cười: "Tay béo này sắp thành nhà thơ đến nơi rồi, hơi một tí là lại ngâm ra được hai ba câu."

Trong lúc nói chuyện, tôi tìm được một chiếc cờ lê lục giác trên giá để thùng dầu: "Đủ cả rồi, thứ cần lấy đều đã lấy, tranh thủ thời gian hành động thôi!"

Ba người mặc quân phục của quân Quan Đông, khoác súng tiểu liên, quay lại chỗ cũ, tôi vẫn đi sau cùng. Lần này Tuyền béo và Anh Tử chẳng ai bảo nhìn thấy bóng đứa trẻ nào nữa, tôi không hỏi, nhưng trong lòng cũng nghĩ vu vơ, không khỏi có chút nghi thần nghi quỷ.

Tôi nghĩ bụng: "Tuyền béo bảo đứa trẻ đó chạy vào trong cửa sắt, thằng tiểu yêu ấy rổt cuộc muốn gì? Có phải định chỉ lối ra cho chúng tôi? Liệu có chuyện béo bở thế không? Hay nó có âm mưu gì khác? Con mẹ nó, ông đây vừa hay vẫn còn một ít gạo nếp, nghe bảo ma sợ gạo nếp, thằng tiểu yêu đấy mà dám gây phiền phức, nhất định sẽ chỉnh cho nó một trận tơi bời, không thế thì cũng không thể hiện được thủ đoạn của Hồ Bát Nhất này." Truyện "Ma Thổi Đèn "

Tôi vừa đi theo họ, và tự cổ vũ tinh thần, vết thương sau lưng gần như không còn đau nữa, chẳng mấy chốc, chúng tôi đã trở lại hang đá có cánh cửa sắt.

Để đề phòng bất trắc, chúng tôi đều đội mũ thép và đeo mặt nạ phòng độc, mở chốt súng, lên sẵn đạn. Trước khi mở cửa, tôi bảo Anh Tử vốc lấy một nắm gạo nếp chuẩn bị ném, đồng thời bảo Tuyền béo cầm súng ngắm sẵn, nếu bên trong cánh cửa có thứ gì, mặc kệ ba bảy hai mốt, cứ thịt nó trước rồi tính sau. Ngoài ra còn dặn Tuyền béo phải phối hợp với tôi, lần lượt nổ súng, không được để thời gian nạp đạn bị trống.

Sau khi sắp xếp ổn thỏa, tôi khoác súng lên vai, đặt cờ lê lục giác vào ốc vít trên cửa rồi gắng sức vặn, cánh cửa này đã không mở mấy chục năm rồi, ốc vít bị gỉ chặt lại.

Tôi dốc hết sức bình sinh, cờ lê suýt nữa bị tôi vặn gãy, cuối cùng cũng nghe thấy tiếng "cạch cạch cạch", ba rãnh thông khí phía dưới kêu "phụt" một tiếng, không khí ùa vào bên trong, cửa sắt bắt đầu kêu "kẹt kẹt rình rình..."

Rãnh thông khí đã thông, cánh cửa sắt nặng nề uỳnh uỳnh mở ra, tôi vội lùi về sau hai bước, giơ súng và đèn pin lên ngắm vào cửa, nhưng bên trong lại yên lặng như tờ không chút động tĩnh.

Tình hình nằm ngoài dự tính, chỉ thấy trong cửa tối om om không trông rõ gì, ánh sáng đèn pin rọi vào, liền bị bóng tối bên trong nuốt trọn.

Tôi ra hiệu cho Anh Tử, Anh Tử hiểu ý, tựa như tiên nữ rải hoa, ném nắm gạo nếp vào trong, nhưng căn phòng kín vẫn không có động tĩnh gì hết, dường như tất cả mọi âm thanh trên thế giới này đều biến mất cả, chỉ nghe thấy tiếng thở gấp gáp của chính mình trong tấm mặt nạ phòng độc mà thôi.

Xem ra chúng tôi lo quá xa rồi, đúng là thần hồn nát thần tính chưa có gì mà đã tự dọa mình đến gần chết rồi.

Cuối cùng, Tuyền béo không nhẫn nại được hơn, một mình lên trước, bước vào căn phòng kín, tôi và Anh Tử theo sát phía sau, đi thành một hàng dọc.

Căn phòng kín này diện tích chừng bốn mươi mét vuông, chỉ mỗi một gian duy nhất, ngoài cánh cửa sắt kia, không còn lối ra nào khác nữa.

Trong căn buồng này không phải vũ khí vi khuẩn, cũng không phải vũ khí hóa học, trước khi tiến vào, tôi dường như đã tính tới mọi khả năng, duy nhất một điều không ngờ tới, trong phòng lại đặt mười mấy cỗ quan tài lớn. Quan tài để rải rác khắp nơi trong phòng, gỗ quan tài để nhiều năm, có cái đã mục nát, kiểu dáng, thủ công đều khác nhau, thậm chí còn có một cỗ quan tài đá cực lớn, trong đó xa hoa nhất là hai cỗ quan tài gỗ chò dát sợi vàng, dưới đất còn vô số mảnh vỡ gốm sứ rơi vãi.

Tôi quay đầu nhìn bọn Tuyền béo, Anh Tử, cả hai đều lắc đầu, tuy đeo mặt nạ phòng độc nhưng tôi vẫn cảm nhận được vẻ hoang mang trên mặt họ.

Tuyền béo hỏi tôi: "Nhất ơi, chuyện gì thế nhỉ? Con mẹ nó, trông cứ như viện bảo tàng ấy, đâu ra lắm quan tài thế?"

Tôi suy nghĩ một lúc, kỳ thực việc này cũng không khó đoán, chẳng qua chúng tôi có sẵn định kiến, không ngờ tới những thứ này mà thôi. Dã Nhân câu vốn là khu mộ cổ từ thời Kim Liêu, quân Quan Đông xây dựng căn cứ ngầm bí mật này, đặc biệt là ba đường hầm nối liền hai đầu căn cứ, cắt ngang khe núi Dã Nhân câu, khi thi công, nhất định đã quật lên không ít mộ cổ, đồ tùy táng và cả quan quách của quý tộc Kim Liêu ở trong các ngôi mộ này, đối với người Nhật đều là bảo bối, bọn chúng mang hết những thứ đào lên được trong mộ cổ, cất giấu trong căn phòng bán chân không này, quân Quan Đông rút đi vội quá, trước khi đi chỉ kịp mang đồ bồi táng theo, còn quan tài thì để cả lại đây.

Tuyền béo bảo: "Người Nhật cũng thật biết tiện tay vơ của, chẳng để lại cho mình thứ gì, xem xem trong quan tài liệu còn gì đáng tiền không, cũng đỡ uổng công từ nãy đến giờ". Nói đoạn liền vung chân đá vào nắp một cỗ quan tài lớn ra, nắp quan tài vốn đã bị người Nhật nạy ra sẵn, vẫn chưa đóng đinh lại, bị đá một cái, đã văng sang một bên.

Anh Tử không dám lại gần nhìn: "Em đứng ở cửa đợi hai anh nhé, tiện thể trông chừng luôn, kẻo có người nhốt mình vào đây thì chết". Anh Tử dứt lời liền đi ra cửa, một chân bên ngoài, một chân đặt trong, canh gác của ra vào.

Tôi ngoảnh ra nói với Anh Tử đang đứng canh cửa: "Vẫn là cô em cảnh giác, anh quên khuấy mất việc này, đi lính bao năm nghĩ cũng uổng thật, cửa này chỉ có thể mở từ bên ngoài, chúng ta mà bị nhốt trong này, e chỉ có khóc cũng không tìm đâu ra lỗ thoát nước mắt nữa."

Tuyền béo chỉ phăm phăm lục lọi trong quan tài: "Mả mẹ, toàn xương với xẩu, bọn Nhật này đúng thất đức bỏ mẹ, đi đến đâu cũng giở chính sách ba sạch (giết sạch, đốt sạch, phá sạch) ra hả, đến cả một cái vại còn nguyên lành tử tế cũng không để lại nữa."

Lục lọi ba bốn cỗ quan tài tiếp theo cũng vẫn y như vậy, Tuyền béo tức tối chửi rủa luôn mồm, đi tới đẩy nắp cỗ quan tài gỗ chò dát vàng sơn đỏ kia.

Tôi không chú ý lắm đến mấy cỗ quan tài thường đó, mắt tôi cứ bị cỗ quan tài đá đồ sộ kia hút lấy, trực giác mách bảo tôi, bên trong đó có đồ...

Cũng không hiểu sao tôi lại có suy nghĩ đó, bỗng nhiên thấy bị kích động, thấy buộc phải mở cỗ quan tài đá này ra xem sao. Tôi gọi Tuyền béo lại giúp một tay, hai người hợp sức đẩy phiến đá bên trên, phiến đá vừa dày vừa nặng dị thường, gắng sức đẩy mãi cũng chỉ hở ra một kẽ nhỏ.

Tuyền béo thở hổn hển, xua tay: "Thôi mệt quá... nghỉ tí đi, nặng thế hả giời... bụng rỗng tuếch đẩy chẳng nổi rồi."

Tôi cũng đói cồn cào, bụng kêu lục bục, vừa dùng sức một cái, mắt đã hoa lên, đành phải ngồi xuống nghỉ ngơi, chúng tôi bỏ mặt nạ phòng độc xuống, mỗi người châm một điếu thuốc.

Tuyền béo nhả ra một khuyên khói: "Nhất này, cậu bảo xem, người ngày xưa dở hơi hay sao mà đi làm quan tài đá thế, lần đầu tiên tớ thấy người ta dùng đá làm quan tài đấy."

Tôi sờ lên phiến đá bảo: "Đây không phải quan tài, mà gọi là quách đá, quan quách, quan quách, quan tài gỗ đặt bên trong cái quách đá này. Có thể hưởng đãi ngộ như vậy, chắc hẳn phải là một tay to đấy, nói không chừng là vương gia cũng nên."

Tuyền béo gãi gãi đầu: "À, thì ra là vậy, mẹ, phức tạp thế, đều chôn ở Dã Nhân câu, thế tướng quân trong ngôi mộ mình đào được với chủ nhân cỗ quan tài đá này, đem so ra thì quan tước ai to hơn?"

Tôi lắc đầu: "Không biết được, chuyện này thì cũng khó nói lắm, anh em mình đều không am hiểu lịch sử mấy, có điều trong mấy trăm năm thời Kim-Liêu-Nguyên, dân du mục phương Bắc lớn mạnh chưa từng thấy, bọn họ đoạt thiên hạ đều trên lưng ngựa cả, tớ đoán là trọng võ khinh văn, cho nên quý tộc có công lao trên chiến trường nhất, mới được chôn ngôi mộ chính giữa khu đất phong thủy rất đẹp này, những mộ quý tộc chôn xung quanh gần đó, có lẽ còn nhiều đồ tùy táng hơn mộ tướng quân ấy chứ. Sở thích của chủ nhân lúc sinh thời khác nhau, đồ tùy táng chắc chắn cũng không giống nhau. Cứ lấy ngôi mộ cổ mình đào được kia làm ví dụ, chủ nhân là một tay vũ phu, không có thú vui gì cao nhã, thế nên vật phẩm trong mộ toàn ngựa với binh khí."

Tuyền béo nói: "Thực ra số ngựa kia khẳng định là thiên lý mã, nếu còn sống thể nào cũng đáng tiền lắm, có điều giờ chỉ còn lại mỗi đống xương, đem bán đồng nát cũng chẳng đứa nào thèm. Cũng may hắn còn hai miếng ngọc bích, nếu không mình công toi rồi, hai miếng ngọc này mang về bảo Răng Vàng kiếm người mua, thế nào cũng được tám nghìn một vạn."

Trong lúc nói chuyện, điếu thuốc cũng đã hút hết, hai chúng tôi đeo lại mặt nạ phòng độc, vận hết sức đẩy phiến đá lần nữa, Anh Tử cũng chạy lại giúp, cuối cùng cũng đẩy được phiến đá sang một bên. Trong quách đá lộ ra một cỗ quan tài gỗ đen tuyền, cỗ quan tài này phải to gần gấp đôi quan tài bình thường, hơn nữa độ cao cũng cao ngang nửa người rồi.

Thủ công mỹ nghệ của cỗ quan tài rất tinh tế, quyết không phải vật tầm thường, hai đầu, bốn bên, cho tới nắp quan tài đều có tranh ngũ sắc mạ vàng, vẽ đủ những loài thú thần may mắn như tiên hạc, kỳ lân, rùa đầu rắn, để phù hộ chủ nhân sau khi chết xác hóa thành tiên. Trên nắp quan tài còn vẽ nhị thập bát tú tinh đồ, bốn phía dưới chân quan tài được chạm trổ vân mây màu vàng, chẳng rõ là dùng cách bí mật gì, trăm ngàn năm sau sắc màu vẫn tươi như mới, thật khiến người ta phải thán phục.

Chúng tôi đều lần đầu thấy cỗ quan tài rực rỡ sành điệu thế này, nếu chẳng phải tận mắt trông thấy, làm sao ngờ được trên đời lại có cỗ quan tài đồ sộ đẹp như một tác phẩm nghệ thuật thế này.

Tuyền béo hí hửng: "Dù bên trong không có gì, ta khuân quan tài về bán, thế nào cũng kiếm được một món lớn đấy!" Nói đoạn liền xắn tay áo đẩy nắp quan tài ra.

Cả Anh Tử cũng không nén nổi ý định xem trong cỗ quan tài lớn này có gì, ba người chụm đầu vào nhau, soi đèn pin vào trong, mảnh gấm trải lót phía dưới đã mục nát từ lâu, chỉ e chạm phải là sẽ mủn ra thành bụi, trên lớp gấm đã mục là một bộ hài cốt, trải qua ngàn năm, quần áo, da thịt sớm đã tiêu tan, chỉ còn đầu lâu là giữ tương đối hoàn chỉnh, miệng mở to, lộ ra hai hàm răng mủn đen sì, nếu không thấy đầu lâu, chắc chẳng thể nhận ra được đây là một bộ xương người.

Anh Tử quét ánh đèn vào góc chiếc quan tài khổng lồ, bỗng kinh hãi hét lớn: "Ối mẹ ơi, chính là đứa bé này!"

Chỉ thấy hai đầu quan tài, mỗi đầu có một đứa bé hở mông, một trai một gái, xem chừng khoảng năm, sáu tuổi, mặt mũi sống động, tóc bé trai tết bím xung thiên, tóc bé gái vấn thành hai bím, tuyệt đối không phải kiểu tóc của thời cận đại, mà lại giống như người thời cổ trong bích họa, lẽ nào là đồng nam đồng nữ bị tuẫn táng? Xác chủ nhân quan tài đã sắp tiêu hế rồi, sao đôi đồng nam, đồng nữ này vẫn được gìn giữ hoàn hảo như thế? Truyện "Ma Thổi Đèn "

"Hai đứa trẻ ranh này, chín phần là người giả, làm y như thật vậy." Tuyền béo vừa nói vừa thò tay định bấu đứa trẻ trong quan tài, "Ông béo mày hôm nay lại muốn xem xem, đã thành tinh con mẹ gì chưa?"

Tôi tóm tay Tuyền béo lại: "Không đeo găng tay tuyệt đối không được đụng vào! Đây không phải người giả đâu, khả năng có độc đấy, mọi người nhìn kỹ trên mình hai đứa trẻ này xem, toàn là đốm màu tím xanh, chính là đốm thủy ngân đấy."

Hồi những năm năm mươi, ông nội Hồ Quốc Hoa của tôi từng ở trong một bệnh viên lớn ở Bắc Kinh để khám bệnh. Trong thời gian ấy, vừa hay gần bệnh viện có một công trình xây dựng lớn, ở công trường người ta đào được một ngôi mộ cổ, ông nội cũng đã trốn viện xem náo nhiệt, chui cả vào hầm mộ coi một lượt.

Ngôi mộ ấy nghe nói là của một vương gia đời Minh, xung quanh mộ là một vòng nước đen ngòm, hầm mộ ngầm dưới đất chia làm ba bộ phận trước, giữa, sau, cửa có treo thiên cân hạp (1), đi qua cửa này, đầu tiên là gian "Minh điện", bố trí như trong nhà chủ mộ lúc còn sống, có bày biện đủ các đồ gia dụng, những thứ ấy gọi là "Minh khí" (2). Đi sâu vào trong, gian mộ giữa gọi là "Tẩm điện", là nơi đặt quan quách. Ngôi mộ này là mộ hợp táng, hơn nữa điều đặc biệt là, quan tài của vợ chồng chủ mộ, cũng chính là vương gia và vương phi, đều dùng xích sắt, khuyên đồng, và khóa đồng móc vào, treo lơ lửng giữa tẩm điện. Sau cùng là "Phối điện", là nơi đặt các đồ tùy táng.

Chưa được mấy hôm, ở khu Hải Điện cũng đào được một ngôi mộ cổ thời Nguyên, cả hai ngôi mộ này đều có đồng nam đồng nữ tuẫn táng, lúc xuất thổ vẫn giống y như người sống, chỉ có điều đồng nam đồng nữ trong ngôi mộ thời Nguyên, vừa chạm một cái quần áo trên người đã tan ra thành bụi.

Về sau ông nội đem hai việc này coi thành chuyện kể mà kể tôi nghe, ông bảo những đứa đồng nam đồng nữ ấy khi còn sống, ngoài bị bắt uống thủy ngân ra, còn bị khoét lỗ trên đỉnh đầu, sau lưng, lòng bàn chân, đổ đầy thủy ngân vào, sau khi chết lại lấy bột thủy ngân bóp đều khắp người, giống như làm tiêu bản vậy, sau hàng vạn năm, da thịt cũng không rữa nát được. Kỹ thuật này còn tiên tiến hơn nhiều so với thuật ướp xác của Ai Cập cổ đại, nhưng bối cảnh của hai nền văn minh khác nhau, định hướng giá trị cũng có nhiều khác biệt, hơn nữa phép đổ thủy ngân giữ bề ngoài thi thể, cần phải dùng người sống, người chết máu huyết không còn lưu thông, chẳng thể đổ vào trong được, cho nên kỹ thuật này xưa nay đều không dùng trên thi thể của bất kỳ chủ mộ nào.

Chuyện tàn nhẫn nhất trên đời e rằng chính là dùng người sống tuẫn táng, Tuyền béo đeo găng tay ẵm xác một đứa bé ra, kiểm tra kỹ lưỡng, quả nhiên trên các chỗ như đỉnh đầu, sau lưng, lòng bàn chân đều phát hiện có lỗ khoét. Các lỗ hổng trên thi thể này, đều đã được người thợ khéo tay dùng xi gắn chặt, trên xác có không ít chỗ xuất hiện những vết đốm màu tím đen, trên người và đồ vàng bạc châu báu tùy táng thường được phết một lớp bột thủy ngân, trải qua thời gian dài sẽ xảy ra các phản ứng hóa học, niên đại gần sẽ thành màu đỏ nâu, niên đại xa hơn thì chuyển thành màu tím đen, những vết lốm đốm ấy thường gọi là "đốm thủy ngân" hay "tẩm thủy ngân", cũng có một số nơi gọi đốm trên xác chết là "lạn âm tử" hoặc "thủy ngân xanh".

Rõ ràng Tuyền béo hơi căng thẳng, cậu ta cố ra vẻ bình tĩnh, thở hắt một hơi nói: "Trước kia đọc tiểu thuyết Lỗ Tấn, có đoạn tả cảnh 'tẩm thủy ngân' lên đồ cổ, xem ra ông anh này cũng không phải viết bậy đâu, đúng là có việc đó thực."

Anh Tử hỏi: "Vậy cũng đáng thương quá, anh Nhất, anh bảo hai đứa đồng nam đồng nữ này, sao không cho chúng mặc quần áo nhỉ? Em nhớ lúc trước thấy đứa bé chạy vụt qua có mặc quần áo cơ mà, lẽ nào là hồn ma sao?"

Tôi trả lời: "Có phải là hồn ma hay không chỉ có bản thân chúng mới rõ thôi, chỉ có điều không phải hai đứa bé này không mặc quần áo, đồng nam đồng nữ tuẫn táng, chắc chắn đều được khoác quần áo rực rỡ, trải qua gần một ngàn năm, đến giờ thì quần áo ấy cũng mục cả rồi. Quan tài này e là từ thời Nguyên, từ khi quân Quan Đông đào quan tài này lên, quần áo gặp phải không khí đã mủn thành tro bụi rồi."

Anh Tử nói tiếp: "Chẳng phải vẫn nói nhân nhập thổ vi an đấy sao? Hay là mình giúp chúng đi, thật đáng thương quá đi mất!" Truyện "Ma Thổi Đèn "

Tuyền béo gật đầu đồng ý: "Tớ chỉ muốn phát tài chứ chẳng muốn nhúng tay đến mấy thứ việc ba lăng nhăng làm gì, nhưng lần này tình huống đặc biệt, mình làm việc thiện, đem chúng ra ngoài đào lấy cái huyệt mà an táng tử tế, đừng để chúng trần truồng hớ hênh ở đây nữa, chúng đã canh gác cho chủ mộ cả ngàn năm nay rồi, cũng đến lúc nghỉ ngơi rồi."

Trong xác chết toàn là thủy ngân, có đốt cũng không tan được, chỉ còn cách đào hố chôn đi, những gì chúng tôi làm được cũng chỉ vẻn vẹn có vậy, mong rằng trên đời bớt đi những thảm kịch như vậy.

Không chần chừ thêm nữa, tôi và Tuyền béo cởi áo khoác của quân Quan Đông trên người xuống, lần lượt bọc hai đứa trẻ vào trong, buộc chặt cõng trên lưng. Thi thể bị đổ đầy thủy ngân nặng trình trịch, cũng may là trẻ con, nếu là người lớn, một người cõng chắc là sụm lưng mất.

Tuyền béo thấy chưa lấy được món nào đáng tiền, trong lòng ít nhiều cũng ấm ức, chỉ muốn làm một mồi lửa thiêu sạch chỗ quan tài này, tôi và Anh Tử vội vã can ngăn, cậu ta mới chịu thôi.

Chúng tôi trở lại hang đá bàn xem thoát ra bằng cách nào, lúc này ai nấy đều đã đói khát khó chịu, chỉ hận rằng trong căn cứ ngầm này không có thức ăn nước uống, cũng không có thuốc nổ bom mìn, muốn trở lên mặt đất, chỉ còn cách đi qua ngôi mộ tướng quân, nhưng nghĩ đến sức mạnh của con quái vật lông đỏ, thực khiến người ta đau đầu, ăn no uống đủ cũng chắc đã là đối thủ của nó, huống hồ giờ đã đói đến nỗi bủn rủn chân tay.

Ba người nhìn nhau, trong đầu gần như chung một suy nghĩ, dưới đất có mười mấy con dơi chết, việc đến nước này, cũng chỉ có thể đem mấy anh chàng ra cúng cụ dạ dày thôi.

Loài người vốn là động vật ăn tạp, một khi đói hoa cả mắt, thì không gì không thể ăn được. Anh Tử kể hồi cô còn nhỏ, từng cùng với ông nội ăn thịt dơi trong một hang động tận sâu trong rừng, năm ấy cháy rừng, lại gặp phải nạn đói, động vật lớn trong núi đều chạy mất tăm mất tích, người ta phải ăn thịt chuột đất, thịt dơi, ăn cào cào, châu chấu, gân và sụn dơi ăn rất ngon, nhai sướng mồm.

Lũ dơi mặt lợn trong hang xương nhỏ lởm chởm, trông lại hung ác dữ tợn, giống y như những cái xác khô của bọn ma cà rồng, đối với câu nói thịt chúng ngon, tôi và Tuyền béo giữ thái độ "bảo lưu ý kiến chờ xem xét".

Nhưng để sinh tồn, cũng chẳng thể nghĩ ngợi nhiều như thế được, muốn đốt lửa nướng thì phải về kho Gena, ở đó nhiều hòm gỗ có thể làm củi, đương nhiên ván quan tài cũng có thể đốt, nhưng ăn thịt nướng bằng gỗ quan tài, chuyện này ít nhiều cũng khiến người ta khó thể chấp nhận. Vậy là Tuyền béo dùng dây thừng trên người, lựa năm sáu con dơi béo mẫm buộc chân lại thành một chuỗi, kéo lệt xệt đi, trong đó có cả con dơi chúa to nhất.

Về kho Gena, đặt hai chiếc áo bọc đứa đồng nam đồng nữ sang một bên, Anh Tử lấy dao găm chặt cái đầu xấu xí của con dơi và móng vuốt không có thịt đi, rồi mổ bụng bỏ nội tạng, sau cùng lột da qua quýt cho xong.

Tôi tìm một đống hòm gỗ, lấy chân đạp bung ra thành từng tấm, lại rút dao cạo lấy một ít mạt gỗ, đánh diêm đốt mạt gỗ để làm mồi, Tuyền béo bên cạnh trợ giúp, ngồi chồm hỗm, tay đưa ngang miệng thổi hơi cho lửa bùng lên.

Bọn tôi lại tìm mấy lưỡi lê gắn trên súng trường, xuyên qua con dơi rồi bắc lên nướng, Tuyền béo cau cau đôi mày, ra vẻ rất không muốn ăn cái món này.

Anh Tử khuyên bảo: "Không khó ăn đâu, anh đừng nghĩ đây là thịt dơi, nhai thêm mấy cái, mùi vị y như thịt dê ấy."

Tôi lại không để ý lắm, dơi chẳng phải cũng giống chuột hay sao, hồi làm bộ đội tham gia diễn tập ở Thiểm Tây, tôi đã ăn thịt chuột không biết bao nhiêu lần rồi, đủ các loại từ chuột đất, chuột bay, chuột chũi, chuột đồng đến chuột hoa ly, mùi vị cũng tàm tạm, nạc nạc mỡ mỡ từng lớp từng lớp một, quả thực cũng không khác gì thịt dê, có điều thịt dơi thì đúng là chưa ăn bao giờ.

Dơi mặt lợn là động vật máu nóng, không có nhiều mỡ, không nên nướng lâu, thấy màu thịt đã có vẻ chín, tôi thử một miếng trước, thịt bả vai rất giòn, bên trong có khá nhiều gân với sụn, quyết không thể nào ngon như thịt dê, song quả thật nhai cũng rất sướng miệng.

Tuyền béo thấy tôi ăn rồi, cũng bịt mũi ăn một miếng, thấy cũng đường được, liền lập tức ăn như gió cuốn mây bay vèo hết một con, vẫn còn thòm thèm, lại xọc lưỡi lê vào con dơi chúa bắc lên nướng tiếp.

Lúc chúng tôi ăn được khoảng nửa con, trần nhà trên đầu Tuyền béo rớt xuống một chuỗi chất lỏng dinh dính, óng ánh, vừa hay rơi đúng vào mặt cậu ta. Tuyền béo đang hăm hở ăn, thấy trên mặt ướt nhơm nhớp, lập tức đưa tay quẹt một cái, ngạc nhiên thốt: "Mẹ kiếp nước rãi thằng nào rớt ra nhiều thế? Chảy bố nó xuống mặt ông mày rồi". Lời vừa ra khỏi miệng, bản thân cậu ta cũng thấy câu này hỏi có vẻ không đúng lắm