Mạnh Hơn Sợ Hãi

Chương 8




Andrew ghé qua tòa soạn lấy thư. Freddy Olson đang bò lổm ngổm dưới gầm bàn, uốn éo cặp mông.

- Cậu nghĩ mình là chó bông chắc, Olson? Andrew hỏi trong lúc mở phong bì thư.

- Cậu không nhìn thấy thẻ phóng viên của tôi à, Stilman, thay vì nói những lời xuẩn ngốc đó?

- Tôi thậm chí còn không biết là cậu cũng có thẻ đấy. Cậu có muốn tôi đi mua hộ cho ột ít thức ăn cho chó không?

- Cậu đang làm tôi vướng chân đấy, Stilman. Tôi đi tìm nó khắp nơi suốt hai hôm nay rồi.

- Hai hôm rồi cậu toàn chui dưới gầm bàn á? Hãy mở rộng phạm vi tìm kiếm đi.

Andrew đọc nốt tệp thư – hai thư quảng cáo và thư của một kẻ cuồng tưởng có ý định cung cấp cho anh những chứng cứ chứng tỏ rằng ngày tận thế sẽ xảy ra nội trong tháng này – rồi nhét nó vào khe của máy hủy tài liệu.

- Tôi có một tin đặc biệt cho cậu, Olson, nếu cậu vui lòng đứng dậy.

Olson đứng dậy và bị cụng đầu.

- Tin đặc biệt gì?

- Một gã đần vừa bị cụng trán. Chúc một ngày vui vẻ nhé, Olson.

Andrew huýt sáo tiến về phía thang máy. Olivia bước vào buồng thang máy ngay sau anh.

- Điều gì khiến anh trông phấn khởi thế này, Stilman? Cô hỏi.

- Cô không thể hiểu được đâu.

- Anh đến phòng tư liệu à?

- Không. Tôi đang mong mỏi kiểm tra cho được số xê ri của cái nồi hơi[1], chính vì thế tôi mới xuống tầng hầm

[1] Trong hệ thống lò sưởi.

- Anh Stilman, suốt cuộc đời này tôi sẽ luôn cảm thấy có lỗi vì chuyện xảy đến với anh, nhưng dù gì anh cũng đừng có làm quá. Anh đang điều tra vụ gì đấy?

- Ai nói với cô là tôi đang làm việc vậy, Olivia?

- Trông anh có vẻ đang thiếu cồn, kẻ ra thì là dấu hiệu tốt. Nghe kỹ tôi nói đây, Andrew. Hoặc là hôm nay anh qua gặp tôi để nói cho tôi biết về cuộc điều tra của anh, hoặc là tôi sẽ mặc nhiên giao cho anh một vụ kèm thời hạn và có thưởng khi hoàn thành.

- Một nguồn đáng tin cậy có lẽ đang nắm giữ thông tin về ngày tận thế, Andrew nói với giọng rất nghiêm túc.

Cô tổng biên tập lườm anh chàng phóng viên đến cháy mắt, rồi các đường nét trên mặt cô giãn ra và cô phá lên cười.

- Anh…

- Không thể cứu vãn được nữa, tôi biết mà Olivia. Cho tôi tám ngày, tôi sẽ giải thích với cô sau, tôi hứa.

- Hẹn anh tám ngày nữa, Andrew.

Andrew để sếp ra trước và chờ cho cô đi xa hẳn mới chuồn lẹ tới phòng làm việc của Dolorès.

- Sao rồi? Anh hỏi khi khép cửa phòng lại.

- Có gì đó khiến tôi băn khoăn về cô gái được bảo hộ của anh, Stilman ạ. Tôi chẳng tìm được gì về cô ta. Cứ như thể ai đó đã cất công xóa sạch từng bước đi của cô ta. Người phụ nữ đó không có quá khứ.

- Tôi nghĩ là mình biết kẻ hẳn đã làm điều đó.

- Dù có là ai thì đó cũng là kẻ có tầm ảnh hưởng không hề nhỏ. Tôi chưa gặp chuyện nào tương tự trong suốt hai mươi năm làm nghề tìm kiếm. Thậm chí tôi còn gọi tới cả Fort Kent, trường đại học mà anh nói với tôi. Không thể nắm bắt được chút thông tin nào dù là nhỏ nhất về Suzie Baker.

- Thế còn về thượng nghị sĩ Walker?

- Tôi đã chuẩn bị sẵn tài liệu cho anh. Tôi không rành vụ này, nhưng khi cứ đọc trên báo chí thời kỳ ấy, có thể nhận thấy vụ này đã gây ồn ào không nhỏ. Tóm lại là, suốt vài ngày liền, và rồi thốt nhiên, không còn gì nữa, không một dòng tin. Im ắng hoàn toàn. Washington hẳn đã phải dốc sức để giữ được cái im ắng đó.

- Thời đó mọi chuyện rất khác, Internet chưa tồn tại. Cô giao cho tôi tài liệu này chứ, Dolorès?

- Nó ở trước mặt anh đấy thôi, anh chỉ việc cầm nó lên.

Andrew cầm tập tài liệu và bắt đầu đọc lướt qua.

- Cảm ơn, cún cưng, Dolorès thì thào.

- Nếu cô có gặp Olson, đừng dại mà nói với anh ta như vậy. Cảm ơn cô, Dolorès.

Andrew rời tòa soạn.

Khi về đến nhà, anh vào bếp và xê dịch tủ lạnh. Tự hỏi làm sao một mình Suzie có thể làm được chuyện đó. Khe hở vừa đủ rộng, anh liền luồn tay vào và thấy cái túi nhỏ.

Bên trong chứa một bức thư trong tình trạng khá cũ nát, anh cẩn trọng mở nó ra.

Edward thân mến,

Việc cần làm cũng đã hoàn thành và tôi cảm thấy một nỗi buồn trĩu nặng với anh vì chuyện đó. Mọi nguy hiểm từ giờ đã được loại bỏ. Thứ đó giờ đang nằm ở một nơi không ai có thể tiếp cận. Trừ phi lời đã nói không giữ được. Tôi sẽ chuyển cho anh tọa độ chính xác của nơi đó trong hai bức thư riêng biệt sẽ được gửi cùng lúc.

Tôi có thể hình dung nỗi hoang mang sâu sắc mà kết cục bi đát này khiến anh cảm thấy, nhưng nếu điều này có thể xoa dịu tinh thần anh, thì anh cũng nên biết rằng trong cảnh ngộ tương tự, bản thân tôi có lẽ cũng không hành động khác hơn. Lợi ích quốc gia là trên hết và những người như chúng ta chẳng có lựa chọn nào khác là phụng sự Tổ quốc, dù có phải hy sinh cho Tổ quốc thứ quý giá nhất đối với chúng ta.

Chúng ta sẽ không gặp lại nhau nữa và tôi tiếc cho điều đó. Sẽ không bao giờ tôi quên được quãng thời gian chúng ta lẩn trốn tại Berlin từ năm 1956 đến năm 1959 và đặc biệt là cái ngày 29 tháng Bảy đó, khi anh cứu mạng tôi. Chúng ta xong nợ.

Trong trường hợp khẩn cấp, anh có thể gửi thư cho tôi tới địa chỉ số 79, Juli 37 Gate, phòng 71, Oslo. Thỉnh thoảng tôi vẫn lưu lại đó.

Hãy hủy bức thư này ngay sau khi đọc được, tôi tin tưởng tính cẩn trọng của anh để cho không gì còn sót lại từ sau cuộc trao đổi cuối cùng này.

Người bạn tận tâm của anh.

Ashton

Andrew trở ra phòng khách xem xét tập tài liệu mà Dolorès đã tập hợp lại giúp anh.

Trong đó góp nhặt những bài báo đã được cắt ra, tất cả đều là từ giữa tháng Giêng 1966.

“Vợ của thượng nghị sĩ Walker bị nghi ngờ phản bội Tổ Quốc”, tờ The Washington Post giật tít.

“Vụ bê bối dưới mái nhà Walker”, trang nhất tờ Los Angeles Times viết. “Người vợ phản trắc”, trang nhất tờ Daily News thông tin. “Kẻ phạm tội!” tờ Denver Post thảng thốt. “Nữ gián điệp lừa dối chồng và đất nước”, tờ New York Post nâng tầm sự việc.

Hơn ba mươi tờ nhật báo khắp cả nước với cùng một trang nhất, chỉ có vài khác biệt nho nhỏ. Trên các cột báo, tất cả đều phản ánh câu chuyện của Liliane Walker, vợ thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Edward Walker và mẹ của một cô gái mười chín tuổi, bị cáo buộc thực hiện hành vi do thám cho KGB. Theo Chicago Tribune, các nhân viên tới thực hiện vụ bắt giữ bà đã tìm thấy trong phòng ngủ nhà bà những bằng chứng bất ngờ, khả năng phạm tội của bà hầu như đã chắc chắn. Vợ của thượng nghị sĩ này thường ghi chép lại những cuộc trò chuyện mà bà nghe được từ phòng làm việc của chồng và đã lấy trộm chìa khóa két của chồng để sao chụp lại những tài liệu mà bà dự định sẽ bán cho phe cộng sản. Tờ Dallas Morning News khẳng định rằng nếu không có sự can thiệp của FBI, rất nhiều thiết bị quân sự cũng như các đơn vị lính tham chiến tại Việt Nam hẳn đã là nạn nhân trong vụ phản bội Tổ quốc của Liliane Walker. Được cảnh báo từ những kẻ đồng lõa, theo một số người, hay từ một nhân viên hai mang, theo một số người khác, bà đã bỏ trốn, vừa kịp thoát khỏi tay những kẻ tới bắt bà.

Ngày ngày, các nhật báo lại trục lợi từ vụ phản bội này, cũng như từ những hậu quả của nó. Ngày 18 tháng Giêng, thượng nghị sĩ Walker từ chức và thông báo rút lui vĩnh viễn khỏi đời sống chính trị. Ngày 19 tháng Giêng, báo chí cả nước đưa tin về vụ bắt giữ Liliane trong khi bà đang cố vượt biên ở miền Bắc Thụy Điển để tới Liên Xô qua đường Na Uy. Nhưng kể từ ngày 20 tháng Giêng, như Dolorès đã lưu ý, tất cả các nhật báo đều không còn một dòng tin nào về vụ Walker.

Trừ một lời dẫn từ một bài báo ra ngày 21 trong mục sổ tay chính trị của tờ The New York Times, ký tên Ben Morton, người này đã kết thúc bài bào của mình bằng câu hỏi “Ai được hưởng lợi từ cú ngã ngựa của thượng nghị sĩ Walker?”

Andrew vẫn lưu giữ ký ức về người đàn ông có tính các đã qua tôi luyện đó, một lão già lão luyện trong nghề mà thuở trước anh từng gặp trong hành lang tòa soạn khi anh mới khởi nghiệp ở mục cáo phó. Thời đó, Andrew chưa được xếp vào hàng phóng viên và anh không bao giờ có cơ hội trò chuyện với ông ấy.

Andrew gọi cho nhân viên đưa thư và hỏi ông địa chỉ nơi mà ông chuyển tiếp thư từ của Ben Morton. Figera báo cho anh biết là ông đã thôi làm việc đó từ lâu rồi, chỉ có thư quảng cáo gửi đến tòa soạn cho ông ấy và Ben Morton đã ra lệnh cho ông vứt bỏ chúng. Trước màn năn nỉ của Andrew, Figera rốt cuộc cũng thổ lộ với anh rằng nhà báo này đã lui về ở ẩn trong một ngôi làng nhỏ ở Turnbridge thuộc bang Vermont, ông không có địa chỉ chính xác, chỉ còn số hộp thư bưu điện.

Andrew nghiên cứu bản đồ, không có phương tiện giao thông nào ngoài xe riêng để đi đế Turnbridge. Anh không còn dung đến chiếc Datsun kể từ ngày một độc giả bất mãn đập hỏng nó bằng những cú gậy bóng chày trong một bãi đỗ ngầm. Kỷ niệm buồn. Chiếc Datsun đã được phục hồi nguyên trạng trong xưởng của Simon và giờ vẫn đang ở đó. Anh không mảy may nghi ngờ rằng nó sẽ lại khởi động rất bốc, phải thừa nhận là tính gàn dở ở người bạn thân nhất của anh cũng có vài ích lợi, vào những dịp hiếm hoi.

Anh mang theo tập hồ sơ, quần áo ấm, pha sẵn cà phê để trong bình giữ nhiệt và đi bộ đến ga ra.

*

- Tất nhiên là nó ở tình trạng vẫn chạy tốt, Simon thở dài, chúng ta đi đâu?

- Lần này tớ đi hóng gió một mình thôi.

- Điều đó không nói lên được là cậu đi đâu, Simon đáp, trưng ra bộ mặt hờn dỗi.

- Đến Vermont. Tớ lấy chìa khóa được chưa?

- Cậu sẽ gặp tuyết và, với chiết Datsun, cậu có thể bị chết gí ở đó ngay khúc ngoặt đầu tiên, còn tệ hơn nếu chạy xe đêm, Simon vừa nói vừa mở ngăn kéo bàn làm việc. Tớ sẽ giao cho cậu một chiếc Chevy station wagon 1954, một trăm mười mã lực được tạo ra từ động cơ sáu xi lanh dưới nắp mui. Tớ khuyên cậu nên trả lại nguyên trạng cho tớ, nó đã được chính tay bọn tớ đại tu tổng tể toàn phụ tùng chính hãng.

- Chắc là tớ không hình dung nổi điều ngược lại.

- Như thế là mỉa mai à?

- Simon, tớ phải tới đó.

- Khi nào cậu về?

- Bất cứ lúc nào, tớ đang tự hỏi không biết cậu có phải là hóa kiếp của mẹ tớ hay không.

- Khiếu hài hước của cậu chẳng làm tớ thấy buồn cười gì hết. Hãy gọi cho tớ khi nào cậu đến nơi nhé.

Andrew hứa với bạn điều đó rồi lên xe. Ghế ngồi xông mùi vải giả da cũ kỹ, nhưng vô lăng và bảng điều khiến bằng nhựa tổng hợp thì trông rất mượt mà.

- Tớ sẽ chăm lo cho nó như là xe của mình, Andrew thề thốt.

- Đúng hơn là hãy chăm lo cho nó như thể nó là xe của tớ. Simon vặn lại.

Andrew rời New York theo hướng Bắc. Vùng ngoại ô nhanh chóng mờ dần, với cảnh hỗn độn của các tòa chung cư, các khu công nghiệp, nhà kho và trạm xăng dầu. Kế tiếp là những thị trấn nhỏ hóa thành các ngôi làng khi ngày tàn.

Nhịp độ của con người cứ chậm dần. Những ngôi nhà nhường chỗ cho các cánh đồng, và chỉ những đốm sáng từ ô cửa sổ của vài trang trại rải rác mới gợi nhắc rằng ở đây có người sống.

Turnbridge chẳng là gì khác ngoài một đoạn phố được năm cột đèn đường chiếu sáng, cách nhau mười mét một. Năm cột đèn han gỉ chiếu ánh sáng tù mù cho một tiệm tạp hóa, một tiệm ngũ kim và một cây xăng, nơi duy nhất còn mở cửa. Andrew đỗ xe dọc trụ xăng duy nhất; bánh của chiếc Chevy, khi lăn qua một đoạn thừng, kéo cái chuông kêu leng keng. Một người đàn ông cũng già cả như trạm xăng bước ra. Andrew xuống xe.

- Ông bơm đầy bình cho tôi được không? Anh nói với chủ tiệm.

- Những chiếc kiểu này đã lâu rồi tôi chưa được thấy, ông già phều phào qua những chân răng hiếm hoi còn trụ lại được trên hai hàm. Chế hòa khí được thay rồi chứ? Ở đây chỉ có xăng không chì thôi.

- Tôi đoán thế, Andrew đáp. Nếu không thì đáng ngại à?

- Đáng ngại thì không, nhưng nếu cậu muốn đi tiếp, thì tốt hơn hết cậu nên biết điều đó. Mở nắp mui ra cho tôi xem nào, tôi sẽ kiểm tra mức xăng còn lại.

- Ông không phải mất công như vậy đâu, con xe này vừa mới được đại tu.

- Đã chạy được bao nhiêu dặm kể từ lúc đó?

- Khoảng ba trăm.

- Vậy thì cậu mở nắp mui cho tôi xem, những quý bà cổ xưa này là ngốn xăng lắm, với lại, tôi cũng đâu có bận rộn gì. Khách hàng mới nhất được tôi phục vụ ghé đây từ sáng qua cơ.

- Sao ông đóng cửa muộn vậy? Andrew vừa hỏi vừa nắn bóp hai vai trong khi người chủ tiệm bơm đầy bình xăng cho chiếc Chevy.

- Ghế đằng kia kìa, sau vách kính, đã năm mươi năm nay tôi ngồi trên đây, đó là chỗ duy nhất mà tôi thích đặt mông lên. Trạm xăng này, tôi tiếp quản nó từ khi bố tôi mất, năm 1960. Chính bố tôi là người xây dựng nó. Hồi tôi còn nhỏ, chúng tôi dung xăng Gulf, nhưng thương hiệu này đã biến mất trước cả chúng tôi. Phòng ngủ của tôi ở trên tầng. Tôi bị mất ngủ kinh niên, thế nên tôi cứ mở cửa cho đến khi nào mắt díp lại mới thôi. Cậu muốn tôi làm gì khác nữa không? Với lại, biết đâu được đấy, nhỡ đâu lại có một tay kiểu như cậu lạc đường tới đây, thật tiếc nếu để lỡ mất một khách hàng. Cậu định đi tới tận đâu?

- Tôi đã tới nơi rồi. Ông có biết ai là Ben Morton không?

- Tôi những muốn nói với cậu điều ngược lại, nhưng mà có, tôi có quen lão ta.

- Ông có biết ông ấy sống ở đâu không?

- Cậu đã có một ngày tốt lành chứ?

- Phải, thế thì sao?

- Ờ thì, hãy quay về đi, nếu không cậu sẽ mất toi cả ngày tốt lành này đấy.

- Tôi đã chạy xe từ New York tới đây là để gặp ông ấy.

- Cậu có đi từ Miami tới đây thì tôi cũng vẫn sẽ nói với cậu như vậy. Morton là một lão già ngu ngốc không nên dây vào.

- Tôi quá quen với thành phần đó, tôi trơ mặt rồi.

- Không phải với những kẻ như lão đâu! Ông chủ trạm xăng thốt lên trong lúc cắm bơm xăng vào chỗ cũ. Được rồi đấy, tám mươi đô la, làm tròn, mấy xăng tim coi như tiền chỗ.

Andrew đưa năm tờ hai mươi đô la cho ông già. Ông chủ trạm xăng đếm lại tiền và mỉm cười.

- Tiền típ thông thường là hai đô. Thêm mười tám đô để có địa chỉ của lão già gàn dở đó, cứ như trò bịp ấy nhỉ; hai tay tôi đã vấy đủ dầu mỡ rồi, không cần phải trát thêm nữa. Tôi sẽ lấy tiền lẻ trả lại. Cậu chỉ cần đi theo tôi, trong nhà có cà phê nóng.

Andrew bước vào trong trạm xăng.

- Cậu muốn gì ở lão ra, để ông phải để cao ông ấy vậy?

- Cho tôi biết tên một người nào đó từng hòa hợp được với con gấu già đó, tôi sẽ tặng cậu cả một bình đầy xăng.

- Đến mức ấy ư?

- Lão ta sống ẩn dật trong căn nhà tồi tàn của mình. Quý Ngài ấy chỉ giao hàng tiếp tế đến đầu lối vào, cấm tiệt đi tới tận nhà. Thậm chí trạm xăng nhà tôi cũng đã là quá xa xôi với Thái ấp của Qúy Ngài.

Cà phê của ông chủ trạm xăng có màu và vị đắng của cam thảo, nhưng Andrew đang lạnh và anh đã uống một cách ngon lành.

- Cậu tính tới quấy rầy lão ta đêm nay sao? Lão mà ra mở cửa cho cậu thì tôi sẽ được mẻ cười vỡ bụng.

- Quán trọ gần đây nhất cách đây bao xa?

- Khoảng hơn năm mươi dặm nhưng vào mùa này thì quán đó đã đóng cửa rồi. Lẽ ra tôi cũng có thể mời cậu ngủ lại đây, nhưng nhà để xe không có hệ thống lò sưởi. Nhà của Morton ở phía Nam, cậu đi quá rồi. Cứ đi ngược lại hết đường Russel, cậu sẽ thấy một con đường mòn đắp đất ở phía bên phải, lão ta sống ở cuối con đường đó, cậu không đi nhầm được đâu.

Andrew cảm ơn ông chủ trạm xăng và tiến ra phía cửa.

- Còn động cơ xe cậu, cứ đi nhẹ nhàng thôi. Nếu máy lại nóng qua do loại xăng tôi bơm cho cậu, có nguy cơ sẽ hỏng xu páp đấy.

Chiếc Chevy lại lên đường, đèn pha bật sáng hết cỡ soi vào màn đêm đen đặc trước khi tiến vào con đường gập ghềnh sỏi đá.

Ô cửa sổ nằm hai bên cửa chính của căn nhà ghép bằng gỗ linh sam vẫn còn sáng đèn. Andrew tắt máy và bước đến gõ cửa.

Andrew khó lòng nhận ra nổi người phóng viên năm xưa anh vẫn tôn thờ trong những đường nét của ông già vừa ra mở cửa và đang điềm tĩnh nhìn anh.

- Xéo đi cho tôi nhờ, ông già cất tiếng qua bộ râu rậm dày.

- Ông Morton, tôi đã đi cả chặng đường dài để tới đây gặp ông.

- Thế thì cứ việc đi ngược lại con đường ấy, giờ chắc nó sẽ ngắn hơn khi anh đã quen đường.

- Tôi cần nói chuyện với ông.

- Tôi thì không, cút ngay, tôi không cần gì hết.

- Bài báo của ông về vụ Walker.

- Vụ Walker nào?

- Năm 1966, vợ của một thượng nghị sĩ bị cáo buộc phản bội.

- Anh này, anh thích những tin nóng hổi nhỉ. Bài báo của tôi làm sao?

- Tôi là phóng viên của tờ The New York Times, cũng như ông. Chúng ta đã nhiều lần chạm mặt nhau, cách đây đã lâu, nhưng tôi chưa bao giờ có dịp được trò chuyện cùng ông.

- Tôi đã nghỉ hưu lâu rồi, người ta không báo với anh chuyện đó à? Như tôi thấy thì anh thuộc típ thích bới lông tìm vết đấy nhỉ.

- Tôi đã tìm thấy ông, không phải sao? Thật ra thì tên ông không có trên danh bạ.

Ben Morton quan sát Andrew một lúc lâu trước khi ra hiệu mời anh vào nhà.

- Lại gần lò sưởi đi, môi anh thâm tím rồi. Ở đây lại cách xa thành phố.

Andrew xoa xoa hai bàn tay vào nhau trước lò sưởi. Morton mở một chai vang merlot và rót ra hai cốc.

- Này, ông ta nói với Andrew, cái này hiệu quả hơn lửa lò đấy. Cho tôi xem thẻ phóng viên của anh.

- Niềm tin vẫn tồn tại, Andrew vừa nói vừa mở ví ra.

- Chỉ có những kẻ ngốc mới hay tin người. Mà trong nghề của anh, nếu anh cả tin, tức là anh dở tệ. Anh cứ sưởi cho ấm trong vòng năm phút rồi về đi, nói thế là rõ chứ?

- Tôi vừa đọc hơn trăm bài báo về vụ Walker, ông là người duy nhất để ngỏ khả năng phạm tội của Liliane Walker. Tuy được để ở dạng câu hỏi, nhưng dẫu sao vẫn là một khả năng để ngỏ.

- Thế thì sao? Tất cả những chuyện đó đều là quá khứ rồi.

- Giới truyền thông đã hoàn toàn thờ ơ với chủ đề này từ ngày 20 tháng Giêng, trừ ông, ông đã đăng bài viết của mình vào ngày 21.

- Hồi đó tôi còn trẻ và lì lợm, Morton mỉm cười uống liền một hơi hết cốc rượu vang.

- Vậy là ông còn nhớ chuyện đó.

- Tôi già thôi, chứ không lão suy! Câu chuyện xưa cũ này thu hút anh ở điểm gì?

- Tôi luôn dè chừng tiếng tù và gọi bầy chó tới chia phần.

- Tôi cũng thế, Morton đáp, chính vì lý do đó mà tôi đã viết bài báo anh nói. À mà, từ viết nghe hơi to tát. Chúng tôi đã nhận lệnh không được đăng thêm bất cứ một dòng nào về thượng nghị sĩ Walker và vợ ông ta. Cần phải cho anh biết bối cảnh thời đó. Tự do báo chí dừng lại tại nơi mà quyền lực chính trị vạch một đường ranh giới cấm vượt qua. Tôi đã thu xếp để vượt qua ranh giới đó.

- Bằng cách nào?

- Một mẹo cũ mà ai trong chúng ta cũng biết. Chúng tôi đưa bài biết của mình cho ban biên tập duyệt, và để nó được xuất bản như ý muốn, chỉ cần nán lại tòa soạn muộn một chút. Đến lúc mấy tay chế bản lên trang cho báo, ta tới gặp họ với vài dòng phải sửa gấp. Đến giờ đấy thì chẳng còn ai ở đó giám sát việc của chúng ta. Đa số trường hợp, chuyện đó sẽ trót lọt, đôi khi thì không. Nhưng những người nắm quyền không thể thừa nhận là anh đã lừa dối họ. Nó phỉnh nịnh cái tôi của họ. Tôi đã bị bắt vì vụ đó, nhưng hôm sau trên tòa báo không có ai động thái gì. Những tháng tiếp sau, ban giám đốc đã bắt tôi phải trả giá vì thói bất phục tùng.

- Ông không tin khả năng phạm tội của bà vợ Walker sao?

- Điều tôi tin hay không chẳng có gì quan trọng. Điều tôi biết, ấy là cả tôi lẫn đồng nghiệp của tôi, không một ai tiếp cận được những bằng chứng xác đáng mà người ta rêu rao với chúng tôi. Và điều khiến tôi thấy bực, là không ai thấy băn khoăn vì điều đó. Thời của tư tưởng chống Cộng triệt để đã qua đường mười hai năm, thế nhưng vụ này vẫn có hơi hướng mang tư tưởng đó. Năm phút của anh hết rồi, tôi không cần phải chỉ cho anh biết cửa ở đâu chứ?

- Thể trạng tôi lúc này không thể tiếp tục lái xe được, chẳng lẽ ông không có phòng ngủ dành cho bạn bè sao?

- Tôi không có bạn bè. Phía Bắc làng này có một quán trọ.

- Ông chủ trạm xăng bảo tôi rằng quán trọ gần nhất cũng cách đây năm mươi dặm và mùa đông thì quán đó đóng cửa.

- Lão già đó dối trá không khác gì nha sĩ nhổ răng, chính lão chỉ đường cho anh tới nhà tôi à?

- Tôi thường không tiết lộ nguồn tin.

Morton rót thêm một cốc vang cho Andrew.

- Tôi cho anh dùng nhờ xô pha, nhưng tôi muốn thấy anh ra khỏi đây trước khi tôi thức dậy vào sáng mai.

- Tôi có một số điều nữa muốn hỏi ông về Liliane Walker.

- Còn tôi, tôi chẳng còn gì để nói thêm với anh hết vì tôi định đi ngủ.

Ben Morton mở tủ tường và quẳng một chiếc chăn cho Andrew.

- Tôi sẽ không hẹn gặp lại anh ngày mai vì anh sẽ không còn ở đây khi tôi thức dậy.

Ông ta tắt điện và leo cầu thang dẫn lên căn gác lửng. Cánh cửa phòng ngủ của ông ta khép lại.

Căn phòng duy nhất dưới tầng trệt ngôi nhà nhỏ chỉ còn được chiếc sáng lờ mờ từ ngọn lửa trong lò sưới. Andrew chờ cho Morton đi ngủ rồi mới tiến lại chiếc bàn làm việc nhỏ kê gần cửa sổ.

Anh khẽ kéo chiếc ghế tựa ra và ngồi xuống. Anh ngắm nhìn một bức ảnh của Ben Morton, được chụp từ khi ông ta đương tuổi đôi mươi, bên cạnh một người đàn ông hẳn là cha ông ta.

- Đừng có lục lọi đồ đạc nhà tôi, bằng không tôi sẽ đá anh ra khỏi cửa! Ông già hét lên từ tầng trên.

Andrew mỉm cười quay lại ghế ngủ. Anh giở chăn ra đắp và để tiếng củi cháy lách tách ru mình vào giấc ngủ.

*

Ai đó lay vay anh, Andrew mở mắt và thấy khuôn mặt của Morton đang cúi nhìn anh.

- Ở tuổi anh mà cũng gặp ác mộng về chuyện đó sao! Mà anh quá trẻ nên khó mà biết Việt Nam như thế nào.

Andrew đứng dậy. Mặc dù nhiệt độ trong phòng đã sụt giảm đáng kể, người anh vẫn nhễ nhại mồ hôi.

- Sẽ chẳng được yên thân nếu để mình bị bịp, phải không. Morton nói tiếp. Anh nghĩ tôi không biết anh là ai sao, rằng Figera không báo tôi biết chuyến viếng thăm của anh sao? Nếu anh muốn một ngày nào đó trở thành nhà báo giỏi, có lẽ tôi phải dạy dỗ cho anh đôi ba mánh khóe trong nghề mới được. Tôi sẽ cho thêm một khúc củi vào lò và anh hãy cố ngủ cho hết đêm mà không đánh thức tôi bằng tiếng rên rỉ của mình

- Tôi sẽ không ngủ lại đâu. Tôi sẽ lên đường luôn.

- Nhưng ai đã phái một kẻ vụng về đến thế này tới cho tôi? Morton nổi khùng. Anh từ New York đến đây để hỏi tôi vài câu và giờ đã muốn về sao? Khi đã vượt qua cánh cửa tòa soạn, anh sẽ không bao giờ nhìn được dòng “The New York Times” trên mặt tiền tòa nhà nữa, điều đó không khiến anh thấy rùng mình chút nào sao?

- Có chứ, ngày nào cũng vậy.

- Vậy thì hãy cố sao cho xứng đáng vào, mẹ kiếp! Anh sẽ cuốn xéo khỏi đây chừng nào tôi đã khiến anh phát ngấy vì mấy chuyện của tôi đến độ anh có thể ngủ mà không nói mớ lung tung nữa, hoặc là vì tôi sẽ đá bay anh ra ngoài, chứ không phải như một kẻ bất tài vô dụng không hoàn thành nổi một phần tư nhiệm vụ cần làm. Giờ thì hãy hỏi tôi điều mà anh muốn biết về vợ của thượng nghị sĩ Walker.

- Điều khiến ông nghi ngờ khả năng phạm tội của bà ấy?

- Bà ấy phạm hơi quá nhiều tội, theo tôi cảm nhận. Nhưng đó chỉ là cảm giác mà thôi.

- Sao ông không viết điều đó trong bài báo của mình?

- Khi ban giám đốc nhã nhặn yêu cầu chúng tôi từ bỏ một đề tài, điều nên làm là đừng có dại mà ngoan cố. Hồi những năm 1960, bàn phím máy chữ của bọn tôi không được kết nối với phần còn lại của thế giới. Còn về vụ Walker, chúng tôi nhận lệnh không nói về chuyện đó nữa. Khi ấy tôi chưa có gì cụ thể để công bố điều mà tôi nghĩ, làm vậy là khá mạo hiểm. Ngay khi trời sáng, chúng ta sẽ làm một vòng trong ga ra nhà tôi. Tôi sẽ xem có thể tìm thấy gì trong đống tài liệu lưu trữ của mình. Không phải tôi mất trí đâu, nhưng dù sao chuyện cũng đã bắt đầu.

- Theo ông, Liliane sở hữu trong tay loại tài liệu gì?

- Đó chính là khoảng tối của vụ này. Chưa có ai từng biết gì về chuyện đó. Chính phủ nói với chúng tôi rằng đó là những thông tin chiến lược liên quan đến vị trí đóng quân của chúng ta tại Việt Nam. Và đó chính là điều khiến tôi băn khoăn. Người phụ nữ này là một người mẹ. Vì suy nghĩ nào mà vợ của một thượng nghị sĩ lại muốn đẩy những chàng lính trẻ trung của chúng ta tới chỗ chết chứ? Tôi đã thường tự hỏi không phải ông ấy mới là người bị nhắm tới sao. Walker là người hữu khuynh đối với một đảng viên Dân chủ, đôi khi ông ấy chấp nhận lập trường xa rời đường lối của đảng mình và tình bạn mà ông ấy có được với Johnson cũng làm dấy lên bao ghen tức.

- Ông nghĩ rằng đó có thể là một vụ dàn dựng?

- Tôi không nói là tôi nghĩ như vậy, mà tôi nói điều đó không phải là không thể xảy ra. Ai sẽ tin vào vụ Watergate? Giờ thì đến lượt tôi hỏi anh. Điều gì khiến anh để tâm đến vụ việc cũ kỹ cách đây đã hàng thập kỷ và nó khiến anh quan tâm ở khía cạnh nào?

- Cháu gái của Liliane Walker là một người quen của tôi, cô ấy luôn đau đáu muốn chứng minh sự vô tội của bà cô ấy và điều khiến tôi băn khoăn, ấy là dường như vụ việc đó vẫn còn khiến nhiều người khó chịu.

Andrew cho Morton xem một bản sao của lá thư tìm thấy trong máy bay và kể cho ông nghe về hai vụ đột nhập.

- Bức thư cũ nát lắm rồi, tôi đã sao chép lại những gì tôi đọc được, Andrew nói.

- Mẩu giấy này không nói lên nhiều điều, ông nhà báo già đáp lại khi đọc lướt bức thư. Anh bảo tôi rằng anh đã đọc hơn một trăm bài báo về vụ này, phải không?

- Tất cả những bài viết về Walker.

- Có gì liên quan đến một vụ điều chuyển ra nước ngoài không?

- Không, chẳng có gì như thế, nhưng tại sao?

- Mặc áo khoác vào. Tôi muốn đi kiểm tra vài thứ trong kho.

Morton lấy một chiếc đèn pin cất trên giá trong góc phòng bé xíu mà ông dùng làm bếp và ra hiệu cho Andrew đi theo.

Họ băng ngang một khoảnh vườn phủ kín sương giá và tiến vào trong một nhà kho mà theo Andrew thấy có vẻ còn rộng rãi hơn căn nhà lụp xụp nơi ông phóng viên già đang sống. Phía sau một chiếc Jeep và một chồng củi đã được bổ sẵn là khoảng một chục thùng kim loại xếp thành hàng ngay ngắn.

- Toàn bộ sự nghiệp của tôi nằm trong những thùng này, nhìn những thứ này mới thấy một đời người cũng không có gì to tát. Khi nghĩ tới biết bao đêm thức trắng để viết những bài báo ấy, mà giờ thì chẳng còn chút giá trị, Ben Morton thở dài.

Ông mở nhiều ngăn kéo, yêu cầu Andrew cầm đèn soi giúp và cuối cùng cũng lấy ra một tập tài liệu rồi mang theo lên nhà.

Hai người ngồi xuống quanh chiếc bàn nước. Morton đã khơi cho lửa cháy đượm thêm và đọc lướt nhũng ghi chép của mình.

- Hãy trở nên có ích một chút và tìm cho tôi tiểu sử của thượng nghị sĩ Walker, tôi vẫn chưa thể tìm lại được.

Andrew bắt tay vào nhiệm vụ, nhưng nét chữ của Morton không dễ mà luận ra. Anh tìm được tài liệu và chìa ra cho Morton.

- Tôi chưa đến nỗi vô tích sự như vậy đâu, ông phóng viên già vui vẻ thốt lên.

- Ông nói gì vậy?

- Một điểm không khớp trong bức thư mà anh đã cho tôi xem. Năm 1956, Walker là nghị sĩ, và một nghị sĩ sẽ không đến Berlin giữa lúc đang chiến tranh lạnh, trừ phi ông ấy tới đó vì nhiệm vụ ngoại giao, chuyện này sẽ không được cho qua đâu. Nhưng nếu anh đã làm xong việc của mình và nghiên cứu tiểu sử Walker như tôi vừa làm, anh hẳn sẽ nhận ra rằng ông ấy chưa bao giờ học tiếng Đức. vậy thì tại sao ông ấy lại nhiều lần đi trốn cùng bạn mình trong khoảng những năm 1956 – 1959?

Andrew cảm thấy phật ý vì suy nghĩ này chưa từng lướt qua đầu anh.

Morton đứng dậy và đi ra ngắm nhìn cảnh ngày rạng bên cửa sổ.

- Sẽ có tuyết đây, ông vừa quan sát bầu trời vừa nói. Nếu anh muốn về New York, tốt hơn là không nên rề rà nữa. Ở vùng này, khi tuyết đã rơi thì không đùa được đâu, và có thể anh sẽ mắc kẹt suốt nhiều ngày liền. Cứ mang theo tập tài liệu của tôi, nó cũng chẳng có gì to tát, nhưng biết đâu nó giúp được gì cho anh. Với tôi, nó chẳng còn ích lợi gì nữa.

Morton chìa cho anh một chiếc sandwich và bảo anh rót đầy bình cả phê nóng.

- Ông không giống kẻ mà ông chủ trạm xăng đã mô tả với tôi.

- Nếu như đấy là cách anh cảm ơn lại tấm thịnh tình của tôi, thì cách này hơi nực cười đấy, chàng trai. Tôi sinh ra ở chốn khỉ ho cò gáy này. Tôi đã lớn lên tại đây và tôi trở lại để sống nốt những ngày còn lại trên cõi đời. Khi người ta đã đi khắp nơi và chứng kiến nhiều hơn hết moi điều mà anh có thể hình dung, người ta thường khao khát trở về với nguồn cội. Hồi chúng tôi mười bảy tuổi, gã chủ trạm xăng xuẩn ngốc ấy cứ nghĩ rằng tôi đã ngủ vơi em gái gã. Tôi không cố thuyết phục gã điều ngược lại, vì tự ái. Cô ả hồi ấy rất bạo dạn, em gái của gã ấy, hầu như thằng con trai nào trong vùng cũng lợi dụng cô ả, nhưng tôi thì không. Gã căm hận tất cả đàn ông trong làng và cả những làng bên.

Morton tiễn Andrew ra tận xe.

- Hãy giữ cẩn thận những giấy tờ tôi trao cho anh, cứ nghiên cứu chúng và tôi tin là anh sẽ hoàn trả chúng cho tôi khi không còn cần đến chúng nữa.

Andrew hứa sẽ làm vậy rồi lên ngồi sau vô lăng.

- Bảo trọng nhé, Stilman. Nếu có người đột nhập nhà anh, chứng tỏ vụ này chưa chìm hẳn đâu. Có thể là nhiều người không mong sẽ có ai đó quan tâm đến quá khứ của Liliane Walker.

- Nhưng tại sao chứ? Chính ông cũng đã nói đấy thôi, mọi chuyện đã quá xưa cũ rồi.

- Tôi biết nhiều bộ trưởng Tư pháp thừa hiểu rằng nhiều kẻ đang đợi đến lượt mình bị xử tử không hề phạm những trọng tội mà vì chúng họ sắp bị hành quyết. Nhưng những vị ấy thà phản đối việc mở lại các cuộc điều tra qua quýt và thấy những kẻ đó phải chết trên ghế điện còn hơn là thừa nhận sự bất tài và hủy hoại thanh danh của bản thân. Vợ một thượng nghị sĩ bị giết hại một cách bất công, thậm chí sau bốn mươi năm, chuyện đó có thể vẫn quấy quả nhiều người.

- Làm sao ông biết? Báo chí chưa từng nhắc đến kết cuộc dành cho bà ấy.

- Một sự im lặng như thế khiến người ta khó có thể tiên liệu khác đi về số phận của bà ấy, Morton đáp. Dù sao, nếu cần trợ giúp, lúc nào anh cũng có thể gọi cho tôi, tôi đã viết số điện thoại của tôi lên bao bì gói đồ ăn nhanh cho của anh. Hãy gọi vào buổi tối, không mấy khi tôi ở nhà vào ban ngày.

- Một điều cuối cùng nữa rồi tôi sẽ thực sự để ông yên, Andrew nói, chính tôi đã đề nghị Figera báo trước với ông là tôi sẽ tới nhà. Tôi cũng không phải là nhà báo tồi như ông nghĩ đâu.

- JJ

Andrew lên đường trở lại thì những bông tuyết đầu tiên bắt đầu rơi xuống.

Ngay khi chiếc xe khuất khỏi con đường, Morton trở vào trong nhà và nhấc điện thoại lên.

- Anh ta vừa đi rồi, gã nói với người ở đầu dây bên kia.

- Anh ta biết chuyện gì thế?

- Vẫn chưa nhiều lắm, nhưng đó là một nhà báo cừ đấy, dù anh ta đã biết chuyện, cũng không dễ để anh ta nói ra.

- Anh tìm hiểu được về lá thư chứ?

- Có, anh ta có cho tôi xem.

- Anh có chép lại nội dung thư chứ?

- Chính ông mới là người sẽ hép lại bức thư, cũng không khó nhớ lắm đâu.

Và gã đọc chầm chậm đoạn thư sau:

Edward thân mến,

Tôi có thể hình dung nỗi thất vọng sâu sắc mà kết cục bi đát này khiến anh cảm thấy, nhưng nếu điều này có thể xoa dịu tinh thần anh, thì anh cũng nên biết rằng trong cảnh ngộ tương tự, bản thân tôi có lẽ cũng không hành động khác hơn. Lợi ích quốc gia là trên hết và những người như chúng ta chẳng có lựa chọn nào khác là phụng sự Tổ quốc, họ sẽ phải hy sinh cho Tổ quốc thứ quý giá nhất đối với họ.

Chúng ta sẽ không gặp lại nhau nữa và tôi tiếc cho điều đó. Sẽ không bao giờ tôi quên được lần trốn chạy của chúng ta từ năm 1956 đến năm 1959 ở Berlin và đặc biệt là cái ngày 29 tháng Bảy đó, khi anh cứu mạng tôi. Chúng ta xong nợ.

- Thư không được ký tên à?

- Không có trên bản chép lại mà anh ta cho tôi xem. Có lẽ bản gốc đã cực kỳ cũ nát. Sau khi đã trải quan gần năm mươi năm dưới đáy một khe núi, như thế cũng là hợp lý.

- Anh đã giao lại tập tài liệu cho anh ta chứ?

- Anh ta mang nó đi rồi. Tôi không nghĩ nên định hướng thêm cho anh ta. Tay Stilman này là kẻ thích bới chuyện, anh ta phải tự tìm ra mới được. Tôi đã làm theo chỉ dẫn của ông nhưng tôi không hiểu dụng ý của ông. Chúng ta đã làm tất cả để thủ tiêu những tài liệu này và giờ thì ông lại bắt đầu làm nó xuất hiện trở lại.

- Không một ai, sau cái chết của bà ấy, biết nơi bà ấy đã giấu chúng.

- Bởi lẽ như bản báo cáo đã chứng nhận, chúng ta đã bị tiêu hủy. Đó là điều tổ chức muốn, không phải sao? Rằng chúng ta sẽ biến mất cùng bà ấy.

- Tôi chưa bao giờ tin vào những kết luận của bản báo cáo đó. Liliane rất thông minh nên không đời nào lại đi đốt chúng trước khi bị bắt. Nếu bà ấy muốn công khai chúng, bà ấy sẽ không bao giờ làm thế.

- Đấy là suy luận của ông về mọi chuyện. mà cho dù những kế luận trong bản báo cáo đó có sai đi chăng nữa, sau chừng ấy năm, chính chúng ta cũng chẳng biết chúng ở đâu, vậy thì có nguy cơ gì chứ?

- Danh dự của một gia đình luôn được bảo vệ từ thế hệ này đến thế hệ khác, cũng như cuộc chiến giữa các phe phái sẽ kéo dài bất tận. chúng ta đã được một thời gian nghỉ ngơi. Con gái của Liliane Walker không có khả năng làm bất cứ việc gì, nhưng cháu gái của bà ấy thì lại thuộc kiểu khác. Mà nếu cô ta chưa đòi lại được họ cho gia đình, thì con cái của cô ta sẽ kế tục sự nghiệp và cứ như thế tiếp diễn. Chính chúng ta là những người có nhiệm vụ bảo vệ danh dự quốc gia mà chúng ta thì không thể sống mãi được. Với sự trợ giúp của tay nhà báo này, Suzie rốt cuộc có thể đạt được mục đích của mình. Bởi vậy, chúng ta sẽ can thiệp và giải quyết dứt điểm vụ này.

- Bằng cách dành cho cô ta số phận giống như bà cô ta?

- Thực lòng tôi hy vọng điều ngược lại. Mọi chuyện còn tùy thuộc vào tình hình, chúng ta sẽ xem xét vào thời điểm thích hợp. Nhân tiện, anh đã làm gì với gã Morton thật?

- Ông bảo tôi là ông ta đã chọn đến chôn thân ở chốn hẻo lánh này, tôi đã làm đúng theo những ước nguyện cuối cùng của ông ta. Ông ta đang yên giấc nghìn thu dưới bụi hoa hồng rồi. Giờ thì ông muốn tôi làm gì nữa?

- Cứ ở yên trong nhà Morton cho đến khi có chỉ thị mới.

- Hy vọng là không quá lâu, nơi này chẳng có mấy thứ để vui thú.

- Tôi sẽ gọi lại cho anh trong vài ngày tới, trong lúc chờ đợi, nhớ là đừng để người quanh vùng nhìn thấy.

- Không có nguy cơ ấy đâu, ngôi nhà tồi tàn này đích thực là chốn tận cùng thế giới rồi, gã đàn ông thở dài.

Nhưng Arnold Knopf đã gác máy.

Người đàn ông trở lên trên gác lửng. Gã bước vào trong phòng tắm, ngắm nghía hình ảnh phản chiếu trong gương rồi khẽ khàng kéo quanh viền bộ râu. Khi bộ râu giả được bóc ra, gã trẻ thêm đến hai chục tuổi.