Máu Lạnh

Chương 17




Sau đó hắn gửi thật, và thư vĩnh biệt của Andrews hóa ra là đoạn thứ chín trong tập thơ “Khúc hát đau thương viết trong sân nhà thờ đồng quê” của Gray:

Niềm tự hào của các huy hiệu, ánh huy hoàng của quyền uy,

Tất cả sắc đẹp đó, tất cả giàu sang từng được cấp cho ta,

Đều như nhau, chờ giây phút không thể nào tránh khỏi:

Mọi con đường vinh quang dẫn đến nấm mồ.

“Tôi mến Andy thật. Nó là một thằng ngố - không phải một thằng ngố như họ vẫn la làng lên; nhưng, ông biết đấy, chỉ là ú ớ. Nó lúc nào cũng nói đến chuyện bùng ra khỏi đây và kiếm sống bằng nghề bắn mướn. Nó thích tưởng tượng ra mình lang thang khắp vùng Chicago hay Los Angeles với một khẩu súng máy đựng trong hộp đàn violon. Cho thiên hạ ngoẻo. Nó nói sẽ tính mỗi thây cứng quèo một nghìn đô.”

Hickock cười rộ, chắc là cười sự ngớ ngẩn trong các tham vọng của bạn hắn, thở dài rồi lắc đầu. “Nhưng so với bọn cùng lứa tuổi thì nó là đứa thông minh nhất tôi từng giáp mặt. Một thư viện mang hình người. Khi đọc sách là nó đọc hẳn hoi. Dĩ nhiên nó chẳng hiểu tí nếp tẻ nào về cuộc đời. Còn tôi ấy, tôi là một ngu sĩ trừ khi nào dính dáng tới những cái tôi biết về cuộc đời. Tôi đã đi bộ dọc một lô những đường phố hèn hạ. Tôi đã nhìn thấy một người da trắng bị vụt bằng roi. Tôi đã xem những đứa trẻ con lọt lòng. Tôi đã gặp một đứa con gái, nó chưa quá mười bốn, nhận cùng một lúc ba thằng và thằng nào cũng được hưởng đáng đồng tiền bát gạo. Có lần tôi rơi từ tàu thủy xuống cách bờ năm dặm. Bơi năm dặm, cứ mỗi sải tay là một lần cái mạng tôi có thể đi tong. Có lần tôi đã bắt tay Tổng thống Truman ở đại sảnh khách sạn Muehlebach. Harry S. Truman ấy. Khi còn làm lái xe cứu thương ở bệnh viện quân y, tôi đã thấy hết mọi mặt của cuộc đời rồi - những cái đến chó cũng phải lộn mửa. Nhưng Andy. Nó chẳng biết cái cóc khô nào hết ngoài những cái nó đọc trong sách vở.

Nó ngây thơ như đứa trẻ con, một thằng chíp hôi với hộp bích quy mở ra một phát là ăn. Nó chưa ở với đàn bà lấy một lần. Chỉ với đàn ông hay với bạn đồng tuổi thôi. Chính nó bảo thế mà. Có lẽ đó là điều tôi thích hơn cả ở nó. Thích cái chỗ nó chả bao giờ nói loanh quanh. Bọn còn lại chúng tôi trên Dãy này, chúng tôi là một lũ nghệ sĩ tầm bậy tầm bạ. Tôi là một trong những đứa tồi nhất. Phun ra đi, ông phải nói cái gì chứ. Phét lác vào. Không thì ông chẳng là thằng nào, chẳng là cái gì hết, một củ khoai tây vật vờ trong cái âm phủ hai trên ba mét này. Nhưng Andy không góp phần đâu. Nó bảo là nói cho lắm về những chuyện chẳng bao giờ xảy ra thì có ích gì.

Thằng cha Perry, chính hắn lại kiềng nhất hạng thằng Andy đấy. Andy là một cái thứ ở trên đời này mà Perry mong trở thành - có học. Perry không thể tha thứ cho Andy chính vì cái đó. Ông biết tại sao Perry lại hay dùng những chữ đao to búa lớn mà chính hắn chẳng hiểu nghĩa là gì không? Nghe cứ như một thằng mọi sinh viên ấy hả? Hì, cứ hễ Andy chóp đúng chỗ sai, sửa cho cậu một miếng là cậu cay lắm. Dĩ nhiên chỉ là Andy cố trao cho nó cái mà nó muốn thôi - sự học.

Thật sự là không ai chơi được với Perry. Nó không có người bạn đặc biệt nào trong đây cả. Tôi muốn nói nó nghĩ nó là cái quỷ quái gì chứ? Miệt thị khắp mọi người. Gọi thiên hạ là bọn suy đồi với lại xuống cấp. Cứ moi móc chuyện thiên hạ chỉ số IQ thấp thế nào. Tất cả chúng ta mà không có được một linh hồn đa cảm như Perry Bé Bỏng thì thật là tồi quá. Thánh cơ đấy. Xời, nhưng mà tôi biết một vài dân máu họ sẽ vui lòng khi đến Cái Xó nếu như họ có thể gặp được Perry một mình trong buồng tắm, chỉ cần có một phút cao điểm. Cái kiểu nó giở trò mũ áo nghiêm chỉnh ra với York và Latham kìa! Ronnie nói chắc chắn là nó ước gì có thể kiếm ra một cái roi chăn bò. Nó muốn quất Perry một trận. Tôi không trách nó. Dẫu gì thì chúng tôi cũng cùng nói với nhau cả, còn chúng nó đều là những thằng tử tế.”

Hickock buồn rầu cười khục khục rồi nhún vai nói, “Ông biết là tôi muốn nói gì rồi. Tốt. Mẹ Ronnie York đã đến đây thăm con nhiều lần. Một hôm, ngoài chỗ phòng chờ bà ấy gặp mẹ tôi, nay thì hai bà trở thành bạn bè số dách của nhau. Bà York muốn mẹ tôi đến thăm nhà bà ấy ở Florida, có khi còn sống ở đó nữa. Ôi lạy Chúa, tôi mong mẹ tôi sẽ làm thế. Rồi bà cụ sẽ không phải qua hết cái tội nợ này. Mỗi tháng một lần ngồi xe buýt đến đây thăm tôi. Cười, cố tìm ra một cái gì để nói, để làm cho tôi cảm thấy dễ chịu. Bà cụ tội nghiệp. Tôi không hiểu sao bà cụ lại chịu được. Tôi nghĩ bà cụ không điên đâu.”

Đôi mắt bên cao bên thấp của Hickock quay về phía cửa sổ phòng chờ; mặt hắn phị ra, tái nhợt như bông huệ lễ tang, mờ mờ sáng lên trong ánh nắng mùa đông yếu ớt lọt vào qua lần kính che chắn song cửa sổ.

“Bà cụ tội nghiệp. Bà viết thư cho quản ngục, hỏi liệu lần thăm tới bà có thể nói chuyện với Perry không. Bà cụ muốn tự tai nghe Perry nói đã giết những người kia như thế nào, làm sao mà tôi lại không bắn phát nào cả. Tất cả những điều tôi hy vọng là một hôm nào đó chúng tôi được xử lại, và Perry sẽ chứng nhận, sẽ nói ra sự thật. Có điều chuyện đó tôi ngờ lắm. Nó đã quyết định dứt khoát là nếu nó đi thì tôi cũng đi. Lưng liền lưng. Cái đó không đúng. Nhiều kẻ đã giết người mà có bao giờ trông thấy bên trong cái xà lim án tử nó ra sao đâu. Mà tôi thì chưa giết một ai bao giờ cả. Nếu ông có năm chục ngàn đô để tiêu cho bằng hết, ông có thể mua một nửa Kansas City mà chỉ cười ha ha thôi.” Một nụ cười thình lình xóa sạch đi hết nỗi bất bình đau khổ của hắn. “Ô ô. Tôi lại thế rồi. Khóc mếu như con nít. Ông nên nghĩ là tôi đã học được đó. Nhưng thật tình, thề có Chúa, tôi đã cố hết sức để được đi cùng với Perry. Có điều nó hay ỉ eo quá. Hai mặt. Quá đố kỵ về bất cứ chuyện lặt vặt nào. Mỗi bức thư tôi nhận được, mỗi người đến thăm. Chẳng có ai đến thăm nó, trừ ông,” Hickock nói, hất đầu về phía nhà báo, ông này quen với Smith cũng ngang với quen Hickock. “Hay luật sư của nó. Ông nhớ lúc nó nằm viện chứ? Cái đoạn nhịn ăn có bài bản nhưng toàn là nhịn giả cầy đó? Rồi bố nó gửi đến một tấm bưu ảnh ấy? À, quản ngục viết cho bố Perry báo là ông ta đến bất cứ lúc nào cũng được hoan nghênh hết. Nhưng chẳng bao giờ thấy ông ta ló mặt. Tôi không hiểu. Nhiều lúc ông cũng phải thấy tội cho Perry. Nó đúng là thằng cô độc chưa từng có. Nhưng. Ồ nhưng thôi, mặc xác nó. Phần lớn là do lỗi của nó thôi.”

Hickock rút thêm một điếu Pall Mall nữa, cau mũi lại nói. “Tôi đã cố bỏ thuốc. Nhưng lại nghĩ tình cảnh này thì hay không cũng có khác được cái gì. May mắn đôi chút thì tôi sẽ bị ung thư và thắng được ông nhà nước ngay trên sân nhà ổng. Ở đây tôi cũng được hút xì gà một dạo. Của Andy. Buổi sáng sau cái hôm người ta treo cổ nó, tôi thức dậy gọi ‘Andy’ - kiểu như thường ngày vẫn gọi. Rồi tôi nhớ ra nó đang trên đường đi Missouri. Với bà cô và ông chú. Tôi nhìn ra ngoài hành lang. Xà lim đang được dọn sạch, tất cả đồ giẻ rách của nó được xếp ở ngoài. Đệm, đôi giày bệt của nó và quyển sổ có dán tất tật tranh ảnh đồ ăn này nọ - nó gọi là ‘tủ lạnh’ của nó. Và cái hộp xì gà ‘Macbeth’. Tôi bảo người gác là Andy muốn tôi lấy chỗ đó, nó để lại cho tôi theo ý nó. Thực tình thì tôi có khi nào hút đâu. Có thể đấy là ý của Andy, nhưng không biết sao chúng làm cho tôi khó tiêu.

À được, có gì để nói về án tử hình không hả? Tôi không phản đối. Nó là trả thù, chỉ có thế, mà trả thù thì sai ở chỗ nào? Trả thù rất quan trọng. Nếu tôi là họ hàng thân thích của nhà Clutter hay một trong những người bị Latham và York thủ tiêu thì tôi cũng không thể chịu yên chừng nào những đứa chịu trách nhiệm về chuyện đó chưa lên Cái Lủng Lẳng Bự. Những người viết thư cho báo chí kia. Hôm nọ có hai bức thư trên một tờ báo Topeka - một bức là của một ông linh mục. Nói là cái trò hề pháp lý này là cái gì, tại sao những thằng chó đẻ Smith và Hickock lại chưa chìa gáy chúng nó ra, làm sao mà những thằng chó đẻ giết người ấy vẫn cứ đang ăn nhờ tiền thuế của dân? Tốt, tôi có thể nhìn thấy cái mặt đó. Họ phát điên lên vì họ chưa có được cái họ muốn - trả thù. Và chừng nào tôi còn chưa giúp một tay thì họ còn chưa có được cái đó. Tôi tin ở án treo cổ. Vẫn tin chừng nào tôi không phải là đứa sắp bị treo cổ.”

Nhưng rồi hắn đã bị. Ba năm nữa trôi qua, hai luật sư đặc biệt giỏi của Kansas City, Joseph P. Jenkins và Robert Bingham, thay cho ông Shultz sau cùng cũng đã rút ra khỏi vụ án này. Được một thẩm phán liên bang chỉ định và làm không có thù lao (nhưng được thúc đẩy bằng một lập trường kiên định rằng các bị cáo đã là nạn nhân của một “cuộc xét xử bất công đến mức ác mộng”), Jenkins và Bingham đã gửi nhiều đơn chống án đi khắp mạng hệ thống tòa án liên bang, do đó né được ba thời hạn hành quyết; 25 tháng Mười năm 1962, mồng 8 tháng Tám năm 1963, 18 tháng Hai năm 1965. Các luật sư tranh biện rằng thân chủ của họ đã bị buộc tội không công bằng bởi vì chỉ sau khi bị cáo đã thú tội và từ chối điều tra sơ bộ thì mới được luật sư bào chữa cho; vì bị cáo không có luật sư giỏi đại diện ở trước tòa, họ đã bị xét xử với những tang chứng bị tịch thu mà không có giấy khám xét (khẩu súng và con dao lấy đi ở nhà Hickock), và không được phép thay tòa xử cũng như nơi xử mặc dù các vùng lân cận nơi diễn ra phiên tòa đã “bị bão hòa” bởi sự tuyên truyền cổ động đầy thành kiến đối với bị cáo.

Với những luận cứ này, Jenkins và Bingham đã đưa được vụ án lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ - Chàng Trai Bự, như nhiều tù nhân kiện kháng án gọi - được những ba lần nhưng lần nào Tòa cũng phủ nhận đơn chống án mà không bình luận tại sao lại quyết định như vậy, phủ nhận bằng cách từ chối không cho trát xử lại, mà phải có trát này thì người chống án mới có điều kiện hưởng một phiên xử lại đầy đủ trước tòa. Tháng Ba năm 1965, sau khi Smith và Hickock bị giữ ở Dãy Chết gần hai nghìn ngày, Tòa án Tối cao Bang Kansas ban lệnh hành quyết hai người vào khoảng từ nửa đêm đến 2 giờ sáng thứ Tư, 14 tháng Tư 1965. Sau đó, một đơn xin khoan hồng đã được trình lên vị Thống đốc mới trúng cử của bang Kansas, William Avery, nhưng Avery, một chủ trại giàu có nhạy bén với công luận, từ chối can thiệp - một quyết định ông cảm thấy là vì “lợi ích tốt nhất của nhân dân Kansas”. (Hai tháng sau, Avery cũng bác bỏ đơn xin khoan hồng của York và Latham, hai người bị treo cổ vào ngày 22 tháng Sáu năm 1965).

Và thế là, vào lúc sớm mai của buổi sáng thứ Tư đó, trong khi ăn sáng ở một tiệm cà phê của khách sạn Topeka, Alvin Dewey đọc thấy trên trang nhất tờ Ngôi sao của Kansas City một đầu đề ông hằng mong đợi: CHẾT TREO VÌ TỘI ÁC ĐẪM MÁU. Bài báo do một phóng viên của hãng thông tấn Associated Press viết, mở đầu: “Richard Eugene Hickock và Perry Edward Smith, hai đồng phạm gây án, đã chết trên giá treo cổ ở nhà tù bang sớm hôm nay vì một trong những tội ác đẫm máu nhất trong biên niên sử tội phạm học Kansas. Hickock, 33 tuổi, chết trước; Smith, 36 tuổi, chết vào”

Dewey đã chứng kiến hai người đó chết, vì ông là một trong trên dưới hai chục người làm chứng được mời đến buổi thi hành án. Ông chưa bao giờ dự một cuộc hành quyết, và khi quá nửa đêm ông bước vào trong nhà kho lạnh lẽo, cảnh tượng làm cho ông ngạc nhiên: ông đã tưởng tượng ra trước một khung cảnh được bố trí trọng thể đúng kiểu, chứ không phải cái động ảm đạm ngổn ngang những gỗ xẻ và đồ rác vụn này. Nhưng bản thân cái giá treo, với hai nút thòng lọng nhạt màu buộc vào một xà ngang, thì khá là đầy uy lực; và, cũng đầy uy lực như thế, với một cung cách không ngờ tới, là người treo cổ tù đứng nghễu nghện trên cái bục, hắt một bóng đen dài lên suốt mười ba bậc thang của cái công cụ bằng gỗ này. Người treo cổ, một người lịch sự vô danh nom cứng queo mà lại mềm như da thuộc, được nhập từ Missouri đến vì việc này với món thù lao sáu trăm đô la, ông này mặc bộ đồ cổ lỗ có hai hàng lon và cúc chạy trước ngực, quá thùng thình so với cái hình người hẹp khổ ở bên trong - cái áo dài gần tới đầu gối ông ta; đầu ông ta đội cái mũ cao bồi mà lúc mới mua có lẽ là màu xanh lá cây sáng, song bây giờ thì lại là một thứ màu quái lạ, cũ kỹ, ố mồ hôi.

Dewey cũng thấy lạ về chuyện các nhân chứng cố ý làm ra vẻ tự nhiên trong khi đứng chờ thời khắc cái “hội lễ đình đám”, theo lời một trong số họ, mở màn.

“Tôi nghe nói là người ta sẽ cho chúng xin rút thăm để xem đứa nào tụt hầm trước. Hoặc là tung đồng xu. Nhưng Smith nói sao lại không theo thứ tự chữ cái chứ. Là vì H đi trước S. Ha!”

“Đọc báo chưa, số buổi chiều ấy, biết chúng nó đặc thực đơn bữa ăn cuối cùng thế nào không? Đặt thực đơn giống nhau. Tôm. Thịt rán kiểu Pháp. Bánh tỏi. Kem dâu và kem đánh. Biết là Smith chẳng đụng đến phần của hắn mấy.”

“Thằng Hickock này có đầu óc khôi hài. Họ bảo tôi là khoảng một giờ trước đó, một người gác nói với hắn, ‘Đây chắc là đêm dài nhất của đời anh,’ thì Hickock cười to nói, ‘Không, ngắn nhất mới đúng chứ’.”

“Ông có nghe nói đến mắt Hickock không? Hắn để mắt mình cho một bác sĩ. Ngay khi người ta hạ xác hắn xuống là ông bác sĩ ấy liền moi ngay mắt hắn ra để đính vào đầu một người khác. Tôi là tôi không muốn mình là người đó đâu nhá. Mang mắt của hắn ở trên đầu thì kinh quá.”

“Lạy Chúa! Mưa à? Hạ hết cửa xe xuống đi. Chúa ơi, chiếc Chevy mới của tôi đấy!”

Cơn mưa đột ngột gõ nhẹ lên mái các nhà kho. m thanh này, không giống tiếng tùng tà rà rùng của trống diễu hành, báo tin Hickock đến. Có sáu quản giáo đi kèm cùng một cha cố lầm rầm đọc kinh, Hickock bước vào nơi chết, tay bị còng, mặc một bộ khung xấu xí bằng dây da cột chặt hai tay hắn vào người hắn. Ở dưới chân giá treo cổ, quản ngục đọc cho hắn nghe lệnh chính thức hành quyết, gồm hai trang; trong khi nghe đọc, mắt Hickock yếu đi vì gần nửa thập niên trong bóng tối xà lim, lướt trên đám người ít ỏi có mặt, cho đến khi, không tìm thấy cái hắn tìm, hắn bèn thì thầm hỏi người quản giáo gần hắn nhất xem có ai là nguời nhà Clutter ở đây không. Khi nghe bảo là không, hắn có vẻ thất vọng, tựa như hắn nghĩ người ta đã không tôn trọng đúng đắn cái thủ tục đi liền với nghi thức trả thù.

Như thông lệ, viên quản ngục, sau khi đọc xong, hỏi người bị kết án có cần tuyên bố gì lần cuối cùng không. Hickock gật đầu. “Tôi chỉ muốn nói là tôi không giữ cảm xúc hờn oán nào hết. Các người đang phái tôi đến một thế giới tốt đẹp hơn cái thế giới này nhiều”; rồi, như để nhấn mạnh ý này, hắn bắt tay bốn người đã chịu trách nhiệm bắt và cầm tù hắn, tất cả đều đã xin phép dự cuộc hành quyết: các đặc vụ K.B.I. Roy Church, Clarence Duntz, Harold Nye và chính cả Dewey. “Rất vui được gặp ông,” Hickock nói với nụ cười quyến rũ nhất của mình, cứ như hắn đang chào đám quan khách trong tang lễ của chính hắn vậy.

Nguời treo cổ ho khẽ - sốt ruột đẩy chiếc mũ cao bồi lên rồi lại chụp xuổng, một cử chỉ phần nào gợi đến một con kền kền cáu kỉnh xù lông cổ lên rồi lại vuốt phẳng đi - và Hickock, được một trợ lý huých khuỷu tay một cái, liền leo các bậc thang lên giá treo cổ. “Chúa cho, chúa lấy. Cầu cho Chúa mãi sáng danh,” ông cha cố đọc trong khi tiếng mưa rơi nhặt dần, trong khi thòng lọng được tra vào khít cổ, và một chiếc mặt nạ nhỏ màu đen được buộc lên quanh mặt người tù. “Cầu xin Chúa cứu rỗi linh hồn con.” Cửa hầm mở ra, và Hickock treo lủng lẳng đó cho tất cả nhìn vừa vặn hai mươi phút trước khi bác sĩ nhà tù cuối cùng cũng nói, “Tôi tuyên bố người này đã chết.” Một chiếc xe tang, đèn pha lấm tấm nước mưa, đi vào trong nhà kho và cái xác, đặt trên cáng, phủ chăn, được khiêng ra xe tang rồi mất hút vào trong đêm tối.

Nhìn theo, Roy Church lắc lắc đầu: “Tôi không bao giờ tin hắn gan như thế. Nhận cái chết như hắn. Thế mà tôi đã đánh giá hắn là một anh hèn.”

Người ông đang trò chuyện cùng, một thám tử khác, liền nói. “Chậc, Roy. Thằng cha kia là một đứa lưu manh. Một thằng chó chết đê tiện. Đáng đời.”

Mắt đăm chiêu, Church tiếp tục lắc lắc đầu.

Trong khi chờ cuộc hành quyết thứ hai, một phóng viên và một người gác nói chuyện. Phóng viên nói, “Đây là lần treo cổ đầu tiên của ông?”

“Tôi đã xem Lee Andrews.”

“Đây là lần đầu tiên của tôi.”

“Ồ. Sao ông lại thích xem?”

Phóng viên chúm môi lại. “Không ai ở cơ quan tôi muốn cái nhiệm vụ này. Tôi cũng thế. Nhưng nó không đến nỗi ghê như tôi nghĩ. Chỉ như người ta nhảy cầu thôi. Chỉ khác là có sợi dây thừng ở cổ.”

“Họ không cảm thấy gì đâu. Rơi, sập, thế là hết, không cảm thấy gì hết.”

“Ông có chắc không? Tôi đứng ngay ở sát cạnh. Tôi nghe được hắn thở dốc.”

“Chậc, hắn không cảm thấy gì đâu mà. Nếu cảm thấy thì đã không phải là người.”

“Hừm, tôi cho rằng người ta đã cho họ uống một lô rồi. Thuốc an thần ấy.”

“Chết thật, không mà. Trái với quy định. Kìa Smith đến kìa.”

“Chà, tôi không biết là hắn lại giống con tôm thế đâu đấy.”

“Ờ, hắn nhỏ con. Nhưng con nhện độc thì cũng bé đấy thôi.”

Và khi được đưa vào nhà kho, Smith nhận ra kẻ địch cũ của mình, Dewey; hắn ngừng nhai một tệp to kẹo cao su Doublemint trong miệng, mỉm cười nháy mắt với Dewey, thung dung, láu lỉnh. Nhưng khi người quản giáo hỏi hắn cần nói gì không thì vẻ mặt hắn trở nên đúng mực hơn. Đôi mắt đa cảm của hắn nhìn trang trọng vào những bộ mặt vây quanh, hất ngược lên phía người treo cổ hắt bóng lù lù xuống, rồi lại nhìn xuống hai bàn tay bị còng của mình. Hắn nhìn các ngón tay lấm đầy sơn và mực, vì suốt ba năm cuối cùng ở Dãy Chết hắn suốt ngày tự vẽ chân dung mình và vẽ trẻ con, thường là con cái các bạn tù, họ cấp cho hắn ảnh mấy đứa con mà họ chẳng mấy khi nhìn đến. “Tôi nghĩ,” hắn nói, “rằng lấy đi một mạng sống kiểu này chẳng ra cái quái gì cả. Tôi không tin ở án tử hình, cả về mặt luân thường lẫn về mặt pháp luật. Tôi lẽ ra đã có thể đóng góp một cái gì - một cái gì...” Hắn mất bình tĩnh; xấu hổ làm giọng hắn nhòa đi, hạ thấp xuống chỉ còn vừa đủ nghe thấy. “Xin lỗi về những gì tôi đã làm thì thật vô nghĩa. Thậm chí vô duyên. Nhưng tôi xin lỗi. Tôi xin lỗi.”

Các bậc thang thòng lọng, mặt nạ; nhưng trước khi quàng xong mặt nạ, người tù nhổ miếng kẹo cao su vào lòng bàn tay dang rộng của vị giáo sĩ. Dewey nhắm mắt lại; ông cứ nhắm mắt cho tới khi thấy tiếng cửa hầm mở đánh xình báo cho hay một cái cổ đã bị dây thừng giật gãy. Giống như đa số viên chức làm việc trong ngành thực thi pháp luật của Hoa Kỳ, Dewey tin rằng án tử hình là sự răn đe đối với tội ác hung bạo, và ông cảm thấy nếu như có khi nào án đó đáng thi hành thì chính là trường hợp này đây. Lần hành quyết trước không làm ông xao động, ông không gần gũi gì nhiều với Hickock, ông thấy hắn có vẻ như “một thằng lừa bịp cò con mò được ra khỏi cái vũng của hắn, rỗng tuếch và vô tích sự”. Nhưng Smith, tuy là một tên giết người thực sự, lại khơi ra một phản ứng khác, vì Perry có một phẩm tính, cái hào quang của một con vật bị lưu đày, một sinh vật bộ hành đầy thương tích mà ông không thể làm ngơ. Ông nhớ lại lần đầu tiên gặp Perry trong phòng lấy cung ở sở Chỉ huy Cảnh sát Las Vegas, một cậu nhóc-đàn ông thấp bé ngồi trên chiếc ghế kim loại, đôi cẳng nhỏ nhắn đi ủng không chấm tới mặt sàn. Và bây giờ thì Dewey mở mắt ra, ông lại nhìn thấy cái đó: đôi chân như trẻ con, vẹo vệch, đung đưa.

Dewey đã tưởng tượng rằng với cái chết của Smith và Hickock, ông sẽ được trải qua một cảm giác cao trào, thư giãn, cảm giác mình đã thực hiện được đúng một đồ án. Thay vì vậy, ông lại thấy mình đang nhớ lại một sự cố gần một năm trước đây, một cuộc gặp ngẫu nhiên tại nghĩa trang Garden City, điều mà, nhìn lại, ông thấy ít nhiều nó đã kết thúc vụ án Clutter.

Những người tiên phong tìm ra Garden City chắc chắn phải là những con người khắc khổ, nhưng đến lúc cần lập ra một nghĩa trang chính thức thì họ đã bất chấp đất đá cằn cỗi và những khó khăn trong việc lấy nước về, quyết tâm tạo ra một cảnh trái nghịch phong phú với các đường phố lầm bụi, những bình nguyên mộc mạc. Kết quả này, được họ đặt tên là Cảnh Lũng, nằm trên một quả đồi không cao ở phía trên thị trấn. Ngày nay, đó là một hòn đảo mờ tối được những đợt sóng nhấp nhô của các cánh đồng lúa mì bao quanh vỗ đập vào - một nơi trú ẩn tốt khi trời nóng bức, vì ở đó có nhiều lối đi mát rượi rợp miên man bóng cây trồng hàng nhiều thế hệ trước đây.

Một chiều tháng Năm năm ngoái, một tháng khi các cánh đồng rực cháy ngọn lửa màu vàng xanh của lúa mì đã mọc được lưng chừng, Dewey đã bỏ nhiều giờ đến Cảnh Lũng rẫy cỏ cho ngôi mộ bố ông, một bổn phận ông đã lơ là quá lâu. Dewey đã năm mươi mốt tuổi, già hơn bốn tuổi so với hồi ông giám sát cuộc điều tra vụ Clutter; nhưng ông vẫn gầy gò và nhanh nhẹn, vẫn là nhân viên chủ chốt của K.B.I ở miền Tây bang Kansas; mới chỉ cách đây một tuần ông đã tóm được hai anh trộm ngựa. Giấc mơ an cư lạc nghiệp trên trang trại của mình đã không thành hiện thực, vì vợ ông vẫn chưa vợi được nỗi sợ sống ở một nơi hẻo lánh như thế. Thay vì vậy, gia đình Dewey đã xây một ngôi nhà trong thị trấn; họ tự hào về ngôi nhà, và tự hào về cả hai đứa con trai nữa, hai đứa này đã vỡ giọng và đã cao bằng bố. Mùa thu này thằng lớn sẽ vào đại học.

Rẫy cỏ xong, Dewey đi quanh quẩn dọc các lối mòn vắng lặng. Ông dừng lại ở một tấm bia với một cái tên mới được khắc: Tate. Thẩm phán Tate đã qua đời vì viêm phổi tháng Mười một vừa qua; những vòng hoa tang, những bông hồng màu nâu và những dải lụa ố mưa vẫn nằm trên đất mộc. Cạnh đó, những cánh hoa tươi tràn qua một nấm đất mới hơn - mộ của Bonnie Jean Ashida, người con gái của nhà Ashida, chết trong một vụ đâm xe khi đến thăm Garden City. Chết chóc, sinh nở, cưới xin - à, đúng hôm nọ ông vừa nghe nói bạn trai của Nancy Clutter, cậu thanh niên Bobby Rupp, đã rời đi và cưới vợ.

Những nấm mộ của nhà Clutter, bốn nấm cùng tập hợp lại bên dưới một tảng đá màu xám, nằm ở một góc nghĩa trang, bên kia các cây cối, ngoài nắng mặt trời, gần như ở vào rìa sáng của cánh đồng lúa mì. Khi Dewey lại gần đó, ông thấy một người khách viếng đã ở đó rồi: một cô gái mảnh thanh như liễu với hai bàn tay găng trắng, mái tóc mềm màu mật sẫm và đôi chân dài, tao nhã. Cô gái mỉm cười với ông và ông nghĩ thầm ai đó nhỉ.

“Ông quên cháu rồi à, ông Dewey? Susan Kidwell đây mà.”

Ông cười phá; cô gái đến với ông. “Sue Kidwell. Tôi thật đáng bị quyền rủa.” Từ dạo tòa xử ông chưa gặp cô gái; lúc đó cô còn là một đứa trẻ. “Cô sao rồi? Mẹ cô khỏe không?”

“Dạ khỏe, cảm ơn ông. Mẹ cháu vẫn dạy nhạc ở trường Holcomb.”

“Không còn như kiểu ngày xưa chứ? Thay đổi gì không?”

“Ôi, có bàn một ít đến việc lát đường phố. Nhưng ông biết Holcomb còn gì. Thật ra, cháu cũng không ở đó nhiều. Năm nay là năm thứ nhất của cháu ở K.U.,” cô nói, ý chỉ Đại học Kansas. “Cháu mới về nhà mấy hôm nay.”

“Thế thì tuyệt, Sue à. Cô học gì?”

“Mọi thứ. Phần lớn là nghệ thuật. Cháu yêu nghệ thuật. Cháu vui lắm.” Cô gái liếc qua đồng cỏ. “Nancy và cháu định vào cùng đại học với nhau. Chúng cháu sẽ là bạn cùng phòng. Đôi khi cháu lại nghĩ đến chuyện đó. Thình lình, đang vui cháu lại nghĩ đến tất cả những dự định chúng cháu đã bàn với nhau.”

Dewey nhìn tảng đá xám có ghi tên bốn người cùng ngày chết của họ: 15 tháng Mười một, 1959. “Cô có hay đến đây không?”

“Thỉnh thoảng. Chà, nắng quá.” Cô đeo kính màu vào che mắt. “Nhớ Bobby Rupp không bác? Anh ấy lấy cô vợ đẹp lắm.”

“Tôi có nghe.”

“Colleen Whitehurst. Cô ấy đẹp thật đấy. Và rất ngoan nữa.”

“Mừng cho Bobby.” Và để trêu cô gái, Dewey hỏi thêm, “Còn cô thế nào, chắc phải có đến một lô những chàng đẹp trai đấy nhỉ.”

“Không. Không có gì nghiêm túc hết đâu bác ạ. Nhưng bác làm cho cháu nhớ ra. Bác có đồng hồ không? Ôi,” cô gái kêu lên khi ông bảo đã bốn giờ rồi. “Cháu phải chạy mất thôi! Nhưng gặp bác vui lắm bác ạ, bác Dewey.”

“Tôi cũng thế, gặp cô vui lắm, Sue. May mắn nhé,” ông gọi với theo cô gái đang mất hút sau lối đi, một cô gái xinh đẹp đang vội, mái tóc mềm mại lóa sáng, đung đưa - một cô gái trẻ mà nếu còn sống Nancy cũng sẽ như thế. Rồi ông bắt đầu về nhà, đi vào giữa các hàng cây, và bên dưới chúng, ông để lại đằng sau mình vòm trời lớn rộng, tiếng nói rì rầm của gió trên những thân lúa mì gió uốn cong rạp xuống.

HẾT