Mọi Điều Ta Chưa Nói

Chương 10




Mọi tính toán ban đầu của họ đều tỏ ra sai lệch. Chiều ngày 8 tháng Mười một hầu như sắp kết thúc, nhưng không ai trong số họ bận tâm đến những chậm trễ tích tụ dọc đường đi. Họ kiệt sức, mà không màng đến nỗi mệt nhọc của bản thân. Trong thành phố, bầu không khí đầy phấn khích hiển hiện rõ ràng, họ cảm nhận được điều gì đó sắp diễn ra. Antoine đã nói đúng; bốn ngày trước, từ bên kia tấm màn sắt, một triệu người Đông Đức đã biểu tình đòi tự do. Bức tường, với hàng nghìn lính canh và chó cảnh sát tuần tra cả ngày lẫn đêm, đã chia rẽ những người yêu nhau, những người từng sống chung và những người đang mong mỏi mà không còn dám thực lòng tin vào giây phút rốt cuộc họ sẽ được đoàn tụ. Các gia đình, bạn bè hay đơn giản là hàng xóm láng giềng, bị cách ly bởi bốn mươi ba kilomet bê tông, hàng rào dây thép gai, chòi canh được dựng lên một cách tàn nhẫn trong một mùa hè sầu thảm đánh dấu cho bước khởi đầu của cuộc chiến tranh lạnh.

Ngồi trong quán cà phê, ba người bạn nghe lỏm câu chuyện đang được bàn thảo xung quanh họ. Antoine tập trung hết sức, thử thách những kiến thức thu nhặt được ở những năm trung học để dịch song song cho Mathias và Julia nghe những lời bình luận của người dân Berlin. Một vài người thậm chí còn cho rằng những trạm lưu chuyển chắc chẳng mấy chốc sẽ được mở ra. Mọi sự đã thay đổi kể từ khi Gorbatchev sang thăm RDA hồi tháng Mười. Ghé qua uống vội một vại bia, một phóng viên của tờ nhật báo Tagesspiegel khẳng định rằng cả tòa báo của anh đang sục sôi.

Những tít bài thông thường được ra can vào giờ này vẫn chưa được ấn định. Điều gì đó hệ trọng sắp diễn ra, anh ta không thể nói gì thêm.

Khi đêm xuống, sự kiệt sức do chuyến đi mang lại đã thắng được họ. Julia không thể ngăn nổi những cái ngáp dài và một cơn nấc liên hồi xâm chiếm cô. Mathias cố làm tất cả những gì có thể, đầu tiên là dọa cho cô sợ, nhưng mưu đồ nào của anh cũng kết thúc bằng một tràng cười và cường độ những cú giật nảy lửa của Julia tăng gấp. Antoine cũng nhập cuộc. Phải bắt chước động tác của diễn viên nhào lộn, để uống một cốc nước trong tư thế trồng cây chuối và tay bắt chéo. Ngón khéo chắc chắn thành công, nhưng dẫu sao nó cũng vẫn không thành công và những cơn co thắt lại càng tiếp diễn nghiêm trọng hơn. Một vài khách hàng trong quán đề xuất những mẹo khác. Uống một hơi hết một lít nước sẽ giải quyết được cơn nấc, bịt mũi nhịn thở lâu nhất có thể, nằm dài ra đất và đầu gối áp chặt vào bụng. Mỗi người đưa ra ý kiến của riêng mình, cho tới khi một vị bác sĩ tử tế ngồi uống bia tại quầy khuyên Julia hãy nghỉ ngơi bằng thứ tiếng Anh gần như hoàn hảo. Quầng thâm hai bên mắt chứng tỏ cô đã mệt lử. Ngủ là liều thuốc công hiệu nhất. Ba người bạn bắt đầu kiếm một nhà trọ bình dân.

Antoine hỏi họ có thể trọ ở đâu. Cơn mệt mỏi cũng không chừa anh ta, người phục vụ quán không bao giờ hiểu được điều anh muốn hỏi. Họ kiếm được hai phòng liền kề trong một khách sạn nhỏ. Hai cậu trai chung nhau một căn, Julia độc chiếm căn còn lại. Họ uể oải leo lên tầng tư và ngay sau khi chia tay nhau, mỗi người đều ngã vật xuống giường của mình, trừ Antoine ngủ qua đêm trên một chăn lông trải ngay dưới đất. Vừa vào đến phòng, Mathias đã nằm vắt ngang nệm và thiếp đi ngay.

* * *

Nữ họa sĩ khó khăn lắm mới hoàn thành được bức ký họa. Cô đã ba lần phải nhắc nhở vị khách hàng của mình giữ nguyên tư thế, nhưng Anthony Walsh nghe cô với vẻ cực kỳ lơ đễnh. Trong khi người phụ nữ trẻ cố gắng nắm bắt vẻ mặt ông thì ông lại liên tục quay đầu ra sau để quan sát cô con gái. Phía xa, Julia chăm chú ngắm nhìn giá bày tranh của nữ họa sĩ. Cái nhìn lơ đễnh, cô dường như đã lạc vào một thế giới khác. Từ khi ông ngồi làm mẫu, cô không rời mắt khỏi bức tranh lấy một lần. Ông gọi cô nhưng cô không trả lời.

* * *

Khi cả ba người họ gặp lại nhau trong đại sảnh của khách sạn nhỏ đã là gần mười hai giờ trưa ngày 9 tháng Mười một. Buổi chiều, họ khám phá thành phố. Vài giờ đồng hồ, Tomas ạ, chỉ vài giờ đồng hồ nữa thôi và em sẽ được gặp anh.

Điểm đến đầu tiên là cột Chiến thắng. Mathias thấy nó hoành tráng hơn cột Chiến thắng ở quảng trường Vendôme, nhưng Antoine nhắc anh nhớ rằng sự so sánh kiểu này chẳng dẫn đến đâu cả. Julia hỏi hai người rằng có phải họ lúc nào cũng cãi cọ ầm ĩ như thế không và hai cậu trai nhìn cô vẻ rất ngạc nhiên, không hiểu ý cô muốn nói gì. Con phố buôn bán sầm uất của Ku’Damm là chặng tham quan thứ hai của nhóm bạn, họ cuốc bộ khắp cả trăm đường phố, thỉnh thoảng lại ngồi lên xe điện những khi Julia thực sự không thể đi thêm bước nào nữa. Giữa buổi chiều, họ đứng tĩnh tâm trước nhà thờ Souvenir vốn được dân Berlin đặt cho cái tên “răng sâu ruỗng” bởi một phần của tòa kiến trúc đã bị sập dưới làn bom đạn của cuộc chiến mới đây nhất, để lại cho chốn này một hình dáng đặc biệt rất xứng với biệt danh ấy. Người ta đã bảo tồn nó nguyên trạng, coi như đài tưởng niệm.

Lúc sáu giờ rưỡi chiều, Julia và hai cậu bạn gặp nhau ở gần một công viên mà họ quyết định sẽ đi bộ xuyên qua.

Một lát sau, người phát ngôn của chính phủ Đông Đức ra một tuyên bố sẽ biến đổi bộ mặt thế giới hay ít ra là đoạn cuối của thế kỷ XX. Người dân Đông Đức được phép ra ngoài, được tự do sang Tây Đức mà không một người lính nào ở các chốn kiểm soát suỵt chó cắn họ hay bắn vào người họ. Biết bao người đàn ông, đàn bà và trẻ em đã chết trong những năm chiến tranh lạnh sầu thảm này, khi cố vượt qua bức tường nhơ nhuốc ấy? Hàng trăm người đã bỏ mạng tại đó, bị hạ gục bởi những viên đạn của những kẻ nhiệt tình canh giữ họ.

Người dân Berlin được tự do đi lại, đơn giản là như vậy. Lúc bấy giờ, một phóng viên hỏi người phát ngôn này khi nào biện pháp ấy có hiệu lực. Hiểu sai câu hỏi được đặt ra cho mình, người này đáp: Ngay bây giờ!

Tám giờ tối, thông tin được phát đi trên tất cả các sóng truyền thanh và truyền hình của hai miền nước Đức lặp đi lặp lại không ngừng cái tin tức không thể nào tin được này.

Hàng nghìn người Tây Đức đổ về các chốt chặn. Hàng nghìn người Đông Đức cũng hành động tương tự. Và, giữa đám đông ồ ạt đổ dồn về phía tự do, hai cậu trai người Pháp cùng một thiếu nữ người Mỹ để mình cuốn theo những đợt sóng ấy.

Lúc mười rưỡi tối, ở miền Tây cũng như miền Đông, mọi người đều đi tới những trạm kiểm soát. Những người lính, bị những sự biến làm cho choáng ngợp, bị dồn đẩy bởi hàng nghìn con người đang khao khát tự do, đến lượt mình cũng đứng dưới chân bức tường. Trên Bornheimer Strasse những rào chắn đường bị dỡ bỏ, và nước Đức bước đi trên con đường dẫn tới sự thống nhất.

Anh chạy khắp thành phố, ngang dọc khắp các con phố để tìm về phía tự do của mình, còn em, em đang đi về phía anh, không biết mà cũng chẳng hiểu sức mạnh nào đã thúc đẩy em tiến về phía trước. Chiến thắng này không phải của em, tổ quốc này không thuộc về em, những đại lộ này đối với em hoàn toàn xa lạ, thế nhưng, em mới chính là người lạ ở đây. Đến lượt em cũng chạy, chạy để thoát khỏi đám đông ngột ngạt này. Antoine và Mathias bảo vệ em; bọn em đã đi dọc theo cái tường rào bằng bê tông dài bất tận này, trên đó các họa sĩ của niềm hy vọng đã miệt mài tô màu vẽ sắc. Đã có vài đồng bào của anh cảm thấy không thể chịu thêm được những giờ đồng hồ chờ đợi cuối cùng này tại các chốt an ninh nên đã bắt đầu trèo qua nó. Từ bên này thế giới, bọn em rình đợi các anh. Phía bên phải em, vài người đã dang rộng vòng tay để đỡ khi các anh rơi xuống, bên trái em, những người khác leo lên những bờ vai vững chãi nhất để nhìn các anh chạy ào đến, vẫn còn bị cầm tù trong cái gọng kìm bằng sắt, tiến gần thêm vài mét nữa. Và tiếng hô của bọn em hòa lẫn với tiếng hô của các anh, để khích lệ các anh, để xóa đi nỗi sợ, để nói với các anh rằng còn có bọn em ở đây. Rồi bỗng nhiên, chính em, một cô gái Mỹ đã chạy trốn khỏi New York, một người con của xứ sở đã từng chiến đấu với tổ quốc của anh, giữa ngần ấy tình người được tìm lại, em trở thành người Đức; và trong sự ngây ngô của tuổi niên thiếu, đến lượt em cũng thì thầm Ich Bin ein Berliner, và em bật khóc. Em đã khóc hồi lâu, Tomas ạ...

* * *

Tối nay, lẫn vào giữa một đám đông khác, giữa những du khách đang dạo bộ trên bến tàu của Montréal, Julia lại khóc. Những giọt nước mắt lăn dài trên má cô, trong khi cô ngắm nhìn gương mặt hiện lên qua nét chì.

Anthony Walsh vẫn nhìn cô không rời mắt. Ông gọi cô lần nữa.

- Julia? Con ổn chứ?

Nhưng con gái ông đang ở quá xa để nghe thấy tiếng ông, như thể hai mươi năm trời đã chia cách họ.

* * *

... Đám đông càng trở nên náo động. Tất cả đều rảo bước về phía bức tường. Một vài người bắt đầu đào bới nó với những dụng cụ tạm bợ, tuốc nơ vít, đá, gậy cuốc, dao nhíp, phương tiện không đáng kể, nhưng phải làm cho chướng ngại vật sập đổ. Thế rồi, cách em chỉ vài mét, điều khó tin đã xảy ra; một trong số những nghệ sĩ vi ô lông xen vĩ đại nhất thế giới có mặt tại Berlin. Được báo về sự biến đang diễn ra, ông ta đến nhập hội với bọn em, với các anh. Ông ấy mang đàn ra và bắt đầu chơi. Vẫn là đêm hôm ấy hay là sáng hôm sau nhỉ? Chẳng hề chi, những nốt nhạc của ông cũng đã chọc thủng bức tường. Những nốt fa, nốt la, nốt si, một giai điệu du dương bay tìm về phía các anh, chừng ấy sải trên đó phảng phất bầu không khí tự do. Em không còn là người duy nhất òa khóc nữa, anh biết đấy. Đêm đó em đã nhìn thấy rất nhiều nước mắt. Nước mắt của người mẹ và đứa con gái đang ôm nhau thật chặt, quá xúc động vì cuộc hội ngộ sau hai mươi tám năm ròng bặt vô âm tín, không được chạm vào nhau, không được cảm nhận làn hơi của nhau. Em đã chứng kiến những ông bố tóc bạc trắng ngỡ như nhận ra con trai họ giữa hàng nghìn người khác. Em đã chứng kiến những người dân Berlin ấy, chỉ những giọt nước mắt mới có thể giải thoát họ khỏi nỗi đau chồng chất. Thế rồi bỗng nhiên, giữa tất cả mọi thứ, em nhìn thấy khuôn mặt anh hiện ra, phía cao trên bức tường, gương mặt anh xám xịt vì bụi, và đôi mắt anh. Vậy nên anh là người đầu tiên mà em nhìn thấy, anh một chàng trai Đông Đức, và em là cô gái miền Tây đầu tiên anh gặp.

* * *

- Julia! Anthony Walsh hét lên.

Cô chậm rãi quay về phía ông, không thốt lên nổi một lời, rồi lại quay sang nhìn bức tranh.

* * *

Anh giữ nguyên tư thế cheo leo ấy hàng phút dài, ánh mắt ta ngây dại không thể rời nhau. Anh có thế giới mới này đang dâng tặng cho anh mọi thứ, và anh nhìn em chăm chú, như thể ánh mắt của chúng ta được nối với nhau bằng một sợi dây néo căng và vô hình. Em khóc như một cô ngốc còn anh thì mỉm cười với em. Anh trèo qua tường và nhảy xuống, em làm như những người khác và em dang rộng vòng tay ra với anh. Anh ngã lên em, cả hai ta đã ngã lăn ra mặt đất mà anh chưa bao giờ đặt chân đến. Anh xin em thứ lỗi bằng tiếng Đức còn em đáp trả anh bằng câu chào tiếng Anh. Anh đứng thẳng dậy rồi phủi bụi trên vai em, như thể trước giờ anh vẫn luôn làm thế. Anh nói với em vài từ mà em chẳng hiểu được chút nào. Thế nên thỉnh thoảng anh lại lắc lắc đầu. Em bật cười, vì trông anh rất ngộ mà em thì còn ngộ hơn cả anh. Anh giơ tay ra và anh phát âm rõ ràng cái tên mà rồi đây em sẽ gọi biết bao lần, cái tên mà bấy lâu nay em không còn gọi nữa. Tomas.

* * *

Trên bờ kè, một người phụ nữ xô vào cô, không buồn dừng lại. Julia không mảy may để ý đến bà ta. Một người bán đồ trang sức vội phe phẩy trước mặt cô một chuỗi hạt bằng gỗ sáng màu, cô chậm rãi lắc đầu, không để lọt vào tai bất cứ lời chào mời nào đang tuôn ra từ miệng ông ta như người ta nguyện kinh. Anthony đưa mười đô la cho nữ họa sĩ rồi đứng dậy. Cô đưa ông xem tác phẩm vừa hoàn thành, nét mặt diễn tả chính xác, bức tranh giống nguyên mẫu như lột. Hài lòng, ông lại thò tay vào túi và trả gấp đôi giá ban đầu. Ông tiến vài bước về phía Julia.

- Từ mười phút nay con ngắm cái gì mà chăm chú vậy?

* * *

Tomas, Tomas, Tomas, em đã quên cái cảm giác dễ chịu khi gọi tên anh. Em đã quên giọng nói của anh, hai lúm đồng tiền của anh, nụ cười của anh, cho đến khi nhìn thấy bức tranh này, nó giống anh và nhắc em nhớ đến anh. Em những mong anh không bao giờ đi đưa tin về cuộc chiến tranh này. Giá như em biết được, cái ngày anh nói với em rằng anh muốn trở thành phóng viên, giá như em biết được mọi chuyện sẽ kết thúc ra sao, em hẳn đã nói với anh rằng đó là một ý tưởng tồi.

Anh sẽ đáp rằng cái nghề mang lại sự thật về thế giới không thể là một nghề tồi, ngay cả khi nội dung bức ảnh là sự bạo tàn, nhất là khi nó gây xúc cảm. Bằng một giọng lúc này đã trở nên trịnh trọng, anh hẳn sẽ thốt lên rằng nếu như giới báo chí biết được sự thật ở bên kia bức tường, các nhà cầm quyền ở nước chúng em sẽ đến để phá bỏ nó từ lâu rồi. Nhưng họ biết chứ, Tomas, họ biết số phận của từng người trong các anh, họ lấy việc dò xét chúng làm thú tiêu khiển; các nhà cầm quyền ở nước bọn em không có được cái dũng khí đó, và em nghe thấy anh nói với em rằng cần phải được lớn lên như em đã lớn lên, trong những thành phố nơi người ta có thể nghĩ mọi chuyện, nói mọi chuyện mà không phải e sợ gì thì mới không chấp nhận mạo hiểm. Chúng ta đã tranh luận cả đêm cho đến sáng, và cả ngày tiếp theo. Giá như anh biết em nhớ những cuộc tranh luận của chúng ta đến thế nào, Tomas.

Vì không đủ lý lẽ nên em đã phải đầu hàng, như em đã đầu hàng vào cái ngày em ra đi. Làm sao ngăn được anh, người thiếu thốn tự do đến thế? Anh nói đúng, Tomas ạ, anh đã theo đuổi một trong những nghề đẹp nhất đời. Anh đã gặp Massoud[6] chưa nhỉ? Bây giờ khi cả hai đều đã ở trên trời; ông ta rốt cuộc đã đồng ý cho phỏng vấn chưa, cuộc phỏng vấn có bõ công sức không anh? Ông ta qua đời sau anh chỉ vài năm. Có đến hàng nghìn người viếng ông ấy trong thung lũng Panchir[7], trong khi không ai có thể tập hợp những mảnh còn sót lại của thi hài anh. Cuộc đời em sẽ ra sao nếu quả mìn đó không hất tung đoàn xe chở anh, nếu em không sợ hãi, nếu em không bỏ mặc anh trước đó một thời gian?

[6] Ahmed Chah Massoud (1953-2001): chỉ huy Liên minh miền Bắc Afghanistan và thủ lĩnh Quân đội Hồi giáo, đội quân đã chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của Quân đội Xô Viết và sau đó là chế độ Taliban từ năm 1996 đến 2001.

[7] Một địa danh nằm ở Đông Bắc Afghanistan.

* * *

Anthony đặt tay mình lên vai Julia.

- Con đang nói chuyện với ai vậy?

- Không ạ, cô giật nảy mình và đáp.

- Con giống như bị ám ảnh bởi bức tranh này và môi con đang run lên.

- Cứ mặc con, cô thì thầm.

* * *

Đã có một thời điểm bối rối, một khoảnh khắc khó xử. Em đã giới thiệu anh làm quen với Antoine và Mathias và nhấn mạnh quá đáng vào chữ “bạn”, đến mức em đã nhắc đi nhắc lại nó tới sáu lần để anh nghe thấy. Làm thế thật ngu ngốc, lúc bấy giờ tiếng Anh không phải sở trường của anh. Có thể anh đã hiểu, anh mỉm cười và ôm hôn họ. Mathias ôm anh trong vòng tay và chúc mừng anh. Antoine bằng lòng với một cái bắt tay, nhưng cậu ấy cũng cảm động không kém bạn mình. Bốn người chúng ta cùng đi trong thành phố. Anh tìm kiếm ai đó, em cứ ngỡ đó là một phụ nữ, hóa ra đó là cậu bạn ngày bé của anh. Bởi vì người bạn ấy đã cùng gia đình vượt qua bức tường từ mười năm trước, kể từ đó anh không gặp lại cậu ta. Nhưng làm sao tìm lại được một người bạn trong số hàng nghìn người đang ôm hôn nhau, đang hát, đang uống và nhảy múa giữa các đường phố này? Anh đã nói, thế giới này rộng lớn, tình bạn thì bao la. Em không rõ liệu là do âm điệu của anh hay sự ngây ngô trong câu nói của anh, nhưng Antoine coi thường anh; còn em thì thấy câu châm ngôn của anh rất thú vị. Phải chăng cuộc đời vốn luôn đầy đọa anh đã giữ lại ở anh những giấc mơ thơ ấu mà ở bọn em sự tự do đã dập tắt chúng? Bọn em đã quyết định giúp đỡ anh và đã cùng nhau chạy đôn chạy đáo khắp các đường phố Tây Berlin. Anh bước đi quả quyết như thể lâu nay hai người bọn anh đã hẹn gặp nhau ở đâu đó rồi. Dọc đường, anh để ý nhìn từng gương mặt, xô đẩy những khách qua đường, quay lại nhìn liên tục. Mặt trời còn chưa mọc khi Antoine dừng lại giữa một quảng trường và kêu lên “Nhưng ít ra chúng tôi cũng có thể biết tên của cái gã mình đã tìm kiếm hàng giờ qua như những gã đần chứ?” Anh không hiểu câu hỏi của cậu ấy, Antoine còn kêu to hơn “tên, Name, Vorname!” Anh nổi khùng, và anh đáp trả bằng cách gào lên “Knapp!”. Đó là tên người bạn anh đang tìm kiếm. Thế là Antoine, đã giúp anh hiểu rằng anh ấy không phải bực với anh, đến lượt mình cũng gào toáng lên “Knapp! Knapp!”.

Phá lên cười ngặt nghẽo, Mathias cũng nhập hội với cậu ấy và em cũng hét lên “Knapp, Knapp”. Anh ngó bọn em, như thể bọn em đã phát điên rồi đến lượt anh cũng cười phá lên, đến lượt anh cũng nhắc lại “Knapp, Knapp”. Bọn mình gần như nhảy nhót, miệng hát đến váng óc tên của người bạn mà anh tìm kiếm từ mười năm nay.

Giữa đám đông khổng lồ này, một gương mặt quay lại nhìn. Em đã thấy ánh mắt các anh giao nhau, một người đàn ông trạc tuổi anh đang nhìn anh chăm chú. Em gần như ghen tị vì điều đó.

Như hai con sói bị sẻ bầy rồi gặp lại nhau ở khúc quanh của một khu rừng, các anh cứ đứng sững ra như như vậy mà nhìn nhau. Thế rồi Knapp gọi tên anh. “Tomas phải không?” Bóng của hai người đổ xuống đường phố Tây Berlin trông thật đẹp. Anh ghì siết người bạn trong vòng tay. Niềm vui hiện lên trên gương mặt các anh thật tuyệt vời. Antoine bật khóc, Mathias dỗ dành cậu ấy. Nếu như họ đã chia cắt lâu đến thế, niềm hạnh phúc được đoàn tụ ở nơi họ cũng sẽ giống như vậy, Mathias cam đoan với Antoine thế. Antoine càng khóc nức lên rồi nói với Mathias rằng không thể có chuyện đó được, bởi lẽ họ chưa quen nhau được lâu đến thế. Anh gục đầu lên vai bạn thân nhất của mình. Anh thấy em đang nhìn đăm đắm, lập tức anh đứng thẳng dậy và nhắc lại với em “Thế giới rộng lớn, nhưng tình bạn thì bao la”, và Antoine không thể nín khóc được.

Chúng ta đã ngồi ở sân hiên của một quán bar. Cái lạnh cào cấu trên má nhưng chúng ta không đếm xỉa gì đến nó. Knapp và anh ngồi hơi tách ra một chút. Mười năm trong đời phải bắt kịp, điều này đòi hỏi nhiều từ ngữ, đôi khi là những khoảng lặng. Cả đêm chúng ta không rời nhau, ngày hôm sau cũng vậy. Sáng hôm sau, anh đã giải thích với Knapp là anh cần phải lên đường. Anh không thể nán lại lâu hơn nữa. Bà anh vẫn đang sống ở bên kia. Anh không thể bỏ bà lại một mình, anh là chỗ dựa duy nhất của bà. Mùa đông năm ấy bà đã tròn trăm tuổi, em hy vọng bà cũng đã gặp lại anh trên đó, nơi lúc này anh đang sống. Em yêu quý bà anh vô cùng! Bà quá đẹp khi tết mái tóc dài bạc trắng của bà trước khi đến gõ cửa phòng chúng ta. Anh đã hứa với bạn là sẽ sớm quay lại, nếu mọi việc không trở lại như trước kia. Knapp trấn an anh rằng những cánh cổng sẽ không bao giờ đóng lại nữa và anh đã đáp “Có lẽ vậy, nhưng nếu bọn mình phải đợi mười năm có lẻ mới gặp lại nhau lần nữa thì tớ sẽ vẫn nghĩ đến cậu mỗi ngày”.

Anh đứng dậy và anh cảm ơn bọn em vì món quà bọn em đã tặng cho anh. Bọn em có làm được gì đâu, nhưng Mathias bảo anh rằng có gì đâu, rằng cậu ấy rất vui vì đã tỏ ra có ích; Antoine đề nghị bọn em sẽ đi cùng anh đến chốt thông hành giữa Tây và Đông.

Chúng ta lại lên đường; chúng ta đi theo tất cả những người, giống như anh, đang quay trở về nhà, bởi lẽ, dù có cách mạng hay không, gia đình họ và căn nhà của họ vẫn đang ở nửa kia của thành phố.

Dọc đường đi anh đã nắm tay em trong tay anh, em để anh làm thế và chúng ta tay trong tay đi như thế hàng cây số.

* * *

- Julia, con đang rùng mình và con đến nhiễm lạnh mất. Giờ thì chúng ta về đi thôi. Ta có thể mua bức tranh ấy nếu con muốn, rồi con ngồi ngắm nó bao lâu tùy thích, nhưng chọn chỗ nào ấm áp ấy.

- Không, nó là vô giá, phải để nó lại đây. Vài phút nữa thôi, bố làm ơn, rồi chúng ta sẽ đi.

* * *

Từ bên này và bên kia chốt kiểm soát, một vài người vẫn miệt mài đào bới bức tường bê tông. Đến đây thì phải chào tạm biệt nhau. Anh tạm biệt Knapp trước tiên. “Hãy gọi cho tớ nhanh nhé, ngay khi có thể”, anh ấy nói thêm và đưa cho anh tấm danh thiếp. Phải chăng vì anh ấy là nhà báo nên anh cũng muốn làm nghề ấy? Phải chăng đó là lời hứa giữa hai người ngày còn thơ ấu? Em đã hỏi anh câu ấy đến trăm lần, và lần nào anh cũng lẩn tránh không trả lời, gửi đến em một trong những cái cười nửa miệng anh vẫn dành cho em mỗi khi em làm anh phát bực. Anh bắt tay Antoine và Mathias rồi anh quay sang em.

Tomas ạ, giá như anh biết rằng ngày hôm ấy em đã lo sợ thé nào, sợ không bao giờ biết được làn môi anh. Anh đã bước vào đời em như hè sang, không báo trước, với những tia sáng người ta thường gặp vào mỗi buổi bình minh. Anh đã áp tay lên má em, những ngón tay anh vuốt dọc theo khuôn mặt em và anh đặt trên mỗi mi mắt em một nụ hôn. “Cảm ơn.” Đó là từ duy nhât anh nói trong khi anh đã đi xa mất rồi. Knapp nhìn chúng ta, em đã bắt gặp ánh mắt của anh ấy. Như thể anh ấy ngóng đợi một lời từ em, vài từ lẽ ra anh ấy đã có thể tìm ra để vĩnh viễn xóa đi những năm tháng đã ngăn cách hai người. Những năm tháng ấy đã sắp đặt cuộc sống của các anh theo hai cách hoàn toàn khác biệt; anh ấy quay về với tờ báo của mình còn anh quay lại miền Đông.

Em đã hét lên “Dẫn em theo với! Em muốn biết người bà khiến anh lại ra đi”, và em không đợi anh trả lời; em lại nắm tay anh và cam đoan rằng phải hợp toàn bộ sức mạnh trên thế gian này thì ai đó mới có thể gỡ tay em ra được. Knapp nhún vai và trước vẻ sửng sốt của anh, anh ấy nói: “Giờ thì đường thông rồi, hãy trở lại lúc nào tùy thích!”.

Antoine những muốn ngăn em, theo cậu ấy thì đây là một hành động điên rồ. Có thể lắm, nhưng em chưa từng cảm nhận một cơn cuồng dại nào như vậy. Mathias huých khuỷu tay cậu ấy, cậu ấy đang xen vào chuyện gì cơ chứ? Cậu ấy chạy về phía em và ôm lấy em. “Khi nào quay về Paris nhớ gọi cho bọn tớ nhé,” cậu ấy vừa nói vừa viết vội cho em số điện thoại của mình vào một mẩu giấy. Đến lượt mình, em cũng ôm cả hai người bọn họ, rồi chúng ta đi. Từ đó đến giờ em chưa từng trở lại Paris, Tomas ạ.

Em đã theo anh; buổi sáng sớm ngày 11 tháng Mười một ấy, tranh thủ sự hỗn loạn đang ngự trị, chúng ta đã qua biên giới lần nữa và buổi sáng hôm đó em có lẽ là nữ sinh viên Mỹ đầu tiên bước sang lãnh thổ Đông Đức, và nếu không phải thế đi nữa thì em vẫn là người hạnh phúc nhất.

Anh biết đấy, em vẫn giữ lời hứa. Anh còn nhớ quán cà phê tồi tàn đó, nơi anh đã cam đoan với em rằng, nếu một ngày nào đó số phận lại chia cắt chúng ta, em phải sống hạnh phúc bằng bất cứ giá nào không? Em biết rõ là anh nói điều này bởi đôi khi cái cách em yêu anh khiến anh nghẹt thở, bởi anh đã phải chịu cảnh thiếu thốn tự do quá lâu để chấp nhận cho em gắn kết đời em với đời anh. Và ngay cả khi em ghét anh vì đã làm hoen ố hạnh phúc của em bằng điều tồi tệ nhất thì em vẫn giữ lời đã hứa.

Cuối cùng thì em cũng sắp kết hôn, Tomas ạ, em lẽ ra đã kết hôn vào thứ Bảy tuần rồi, đám cưới đã bị hoãn lại. Đó là một câu chuyện dài, nhưng chính nó đã dẫn em tới đây. Có lẽ là bởi em cần phải thấy lại gương mặt anh lần cuối. Ở nơi xa ấy anh hãy ôm hôn bà giúp em.

* * *

- Tình huống này thật nực cười, Julia ạ. Nếu con tự thấy được bộ dạng mình, trông hệt như bố con lúc bị đơ pin ấy! Con đứng bất động ở đó từ hơn mười lăm phút rồi, và con nói lầm rầm...

Thay cho câu trả lời, Julia lánh ra chỗ khác. Anthony Walsh rảo bước để bắt kịp cô.

- Sau cùng bố có thể biết đã xảy ra chuyện gì được chứ? Ông cố nài khi đã sóng bước bên cô.

Nhưng Julia vẫn chìm đắm trong im lặng.

- Xem này, ông nói tiếp và chìa bức chân dung ra cho con gái, giống kinh khủng. Cầm đi, cho con đấy, ông vui vẻ nói thêm.

Julia phớt lờ ông và tiếp tục đi về phía khách sạn.

- Được, bố sẽ tặng nó cho con sau vậy! Có vẻ như bây giờ không phải lúc thích hợp.

Và vì Julia vẫn không nói gì, Anthony Walsh thêm luôn:

- Tại sao bức tranh con ngắm hết sức chăm chú ấy lại gợi cho bố nhớ lại điều gì đó nhỉ? Bố cho là điều này không phải là không liên quan đến thái độ khác lạ của con, khi ở dưới đê chắn sóng đằng kia. Bố không biết nữa, nhưng trên gương mặt ấy có nét gì đó rất quen.

- Bởi vì nắm đấm của bố đã giáng xuống khuôn mặt đang được nhắc đến, cái ngày bố đến Berlin tìm con ấy. Bởi đó là khuôn mặt của người đàn ông con yêu khi mới mười tám tuổi và bố đã tách con khỏi anh ấy khi bố ép con phải về New York cùng bố!