Mọi Việc Đều Hợp Chẳng Kiêng Kị Gì!

Chương 36




Tác giả: Mộc Mộc Tử

Dịch thô: strongerle | Nguồn: Tàng Thư Viện

Biên tập: Tĩnh Nhiên | Thần Niên |

Gió thu thổi qua sông Vị, lá vàng rụng đầy Trường An.

Khi mùa thu sắp đi qua, Thu Hân Nhiên dần dần cũng khoẻ lại. Nàng cưỡi một con ngựa nhỏ đi đến phường Đại Nghiệp ở phía Nam kinh thành. Ở đó có mấy Đạo quán nổi tiếng, hương khói hưng thịnh, khách hành hương khá đông. Nàng chen vào giữa đám người, tìm đến địa chỉ Nguyên Chu đã đưa cho. Nàng vừa đi vừa nghỉ, một lúc lâu sau mới tìm được mấy gian nhà dân.

Phần lớn người sống ở phường Đại Nghiệp chẳng giàu có gì, bọn họ sống chen chúc cùng một chỗ. Bên cạnh con mương ở trong phường có một vài người phụ nữ đang ngồi xổm rửa rau, trên vệ đường còn có mấy kẻ vô gia cư nằm co ro. Thu Hân Nhiên đi quanh một vòng vẫn không tìm thấy người muốn tìm, đến gần giữa trưa nàng đành dắt ngựa đến một quán ăn ở ngay trong phường.

Lúc này vẫn còn sớm nên trong quán chỉ có một vị khách là nàng. Bà chủ quán đang ngồi bên bệ cửa sổ nói chuyện phiếm với một người phụ nữ đang ngồi xổm bên mương giặt áo quần. Thu Hân Nhiên vốn chẳng cố tình lắng nghe chuyện buôn dưa lê của hai người, nhưng bỗng nàng nghe được bà chủ quán hỏi:

“Lão Sài Đại hình như có đứa con gái đang hầu ở trong cung, sao nó không giúp đỡ chút nào cho gia đình vậy?”

Một giọng nữ khác có vẻ khắc nghiệt đáp lời:

“Đứa con gái lớn là bị Sài Đại bán vào cung đấy, đổi lại bà thì bà có giúp đỡ gia đình không?”

“Ừm, ngẫm lại cũng đúng!”

Bà chủ quán phe phẩy cây quạt, nói:

“Xem ra con nhỏ đó cũng may phước đấy.”

Hai người tán gẫu với nhau thêm vài câu, người phụ nữ giặt đồ xong bưng đồ rời đi bà chủ quán mới đứng dậy chuẩn bị ra sau quầy. Thu Hân Nhiên vội lên tiếng gọi:

“Xin lỗi, tôi muốn hỏi thăm một chút.”

Bà chủ quán dừng chân, lặng lẽ quan sát nàng, thấy nàng lạ mặt thì hiếu kỳ hỏi:

“Ngài muốn hỏi thăm điều chi?”

“Xin hỏi bà vừa nhắc đến nhà họ Sài kia xảy ra chuyện…”

Nàng còn chưa dứt lời bỗng thấy sắc mặt của chủ quán biến đổi, có vẻ cảnh giác thì nhanh chóng sửa lời nói:

“Là gia đình ở phía sau cây hoè sao?”

“Ngài tìm nhà họ có việc gì sao?”

Người phụ nữ nhìn nàng, bộ dáng dè chừng hỏi lại.

Thu Hân Nhiên giả vờ không biết chuyện gì, nói:

“Tôi từ nơi khác đến đây, đang muốn thuê một phòng trọ nghỉ chân lại không biết nhà họ có cho thuê hay không.”

Nghe vậy bà chủ quán mới tin tưởng hơn một chút, phe phẩy cây quạt trên tay đáp:

“Đúng là nhà kia, chỉ là tôi khuyên ngài nên tìm chỗ khác mà thuê.”

“Vì sao vậy?”

Người phụ nữ liếc nàng, đáp:

“Cái này còn hỏi sao? Trong phường này nhiều phòng trống như thế, sao ngài cứ phải thuê phòng của nhà họ?”

Thu Hân Nhiên cười lên nói:

“Thật chẳng dám giấu, sáng nay tôi đi quanh trong phường này một vòng thấy nhà của họ có phong thuỷ tốt nhất. Tôi đoán mình mà thuê được nhà họ nói không chừng số phận của tôi lên như diều gặp gió đấy.”

Bà chủ quán kinh ngạc hỏi:

“Ngài còn biết xem phong thuỷ à?”

Thấy Thu Hân Nhiên gật đầu, bà chủ quán chế giễu:

“Vậy ngài hẳn nhìn không chuẩn rồi, nếu nhà kia có phong thuỷ tốt sao đến mức nhà nát cửa tan như thế.

“Sao như thế được?”

Thu Hân Nhiên kinh hoảng hỏi:

“Tôi nhìn phong thuỷ nhà họ rồi, dù không thể đại phú đại quý thì cũng gia đạo bình an cả đời.”

Thấy nàng có vẻ không tin, bà chủ quán buông cây quạt đang cầm trên tay rồi ngồi xuống đối diện với nàng, nói:

“Ngài đi hỏi thăm người ở trong cái phường này một chút sẽ biết chuyện của Sài Đại liền. Tổ tiên nhà hắn vốn cũng có chút của cải, nhưng hắn là kẻ cờ bạc nên đã thua sạch toàn bộ gia sản. Như vậy cũng thôi, hắn may mắn cưới được chị vợ tốt, ấy vậy cứ hai ba hôm lại lôi chị ta ra trút giận. Đúng là cái đồ khốn nạn không ra gì!”

“Vợ của hắn sinh cả thảy ba đứa con, hai đứa lớn là con gái, đứa thứ ba là thằng con trai. Sài Đại có con trai cũng vui đấy nhưng nhà hắn nghèo rớt mồng tơi, nuôi sao nổi. Năm đó vừa khéo trong cung có tin tuyển cung nữ vậy là hắn bán con gái vào cung làm người hầu. Vì việc này mà vợ của hắn làm lớn một trận, còn đòi dắt hai đứa bé đi. Đương nhiên Sài Đại không chịu, hắn tuyên bố chị ta đi cũng được nhưng phải để hai đứa bé lại cho hắn. Người làm mẹ nào nỡ bỏ con cái mà đi được nên chị ta cũng đành ở lại chịu đựng sống tiếp với hắn.”

“Nào ngờ đứa con trai lên sáu tuổi thì mắc bệnh nặng, hằng ngày phải dùng nhân sâm giữ mạng. Sài Đại vô nhân tính kia lại nghĩ bán đứa con gái thứ hai, thừa dịp vợ của hắn đi tìm đại phu thì gọi mấy tên buôn người bán con bé đi. Lúc vợ của hắn quay về thì gào khóc cả con đường đều nghe được…”

Kể đến đây bà chủ quán thở dài, giọng đầy chua xót nói tiếp:

“Nhưng mà con trai nhỏ của hắn cũng không sống được. Vợ của hắn đi tìm bọn buôn người hòng chuộc con gái về nhưng nào dễ dàng tìm được người chứ. Thế là ban đêm chị ta thừa lúc Sài Đại say rượu thì xách dao chém chết hắn còn mình thì treo cổ tự sát.”

Nói đoạn, bà liếc nhìn cô gái đang trầm mặc không nói gì ở đối diện, nhướng mày hỏi lại:

“Thế nào, ngài có muốn thuê phòng ở đấy nữa không?”

“Xem ra là tôi học nghệ còn chưa tinh thông.”

Thu Hân Nhiên thở dài, lại hỏi:

“Có điều người vợ kia chết thật đáng tiếc. Nếu sau này cô con gái thứ hai của nhà đó trở về thấy trên đời này cả một người thân cũng không còn, thật đáng thương.”

“Trên đời này có một số người thân thà không có còn tốt hơn.”

Bà chủ quán thở dài nói tiếp:

“Huống chi đã bị bán cho bọn buôn người, mấy ai có thể trở về chứ?”

Lời này vừa nói xong, cả Thu Hân Nhiên và bà chủ quán đều ngẩn người nhìn mương nước ở bên ngoài. Cuối thu, lá vàng rụng đầy đường bị gió thổi phiêu đãng rơi xuống mặt nước rồi lại bị dòng nước cuốn trôi, cũng chẳng biết nó sẽ đến nơi nào.

Sau hôm đến phường Đại Nghiệp, Thu Hân Nhiên trở lại làm việc ở Tư thiên Giám. Thấy nàng cứ trầm lặng chẳng nói gì, Bạch Cảnh Minh quan sát nàng một lúc mới nói:

“Dường như con gầy đi một chút.”

Thu Hân Nhiên cảm thấy ấm áp, giả bộ vui cười đáp:

“Con ăn uống vài ngày sẽ mập lên thôi.”

Thầy Bạch cũng cười nói:

“Con vừa khỏi bệnh nặng, thời gian này chỉ nên ở đây làm chút việc nhẹ nhàng, đừng chạy quanh khắp nơi.”

Thu Hân Nhiên được thầy Bạch cho phép nên chỉ ở Tư Thiên Giám làm việc vặt, cả ngày ngồi bên lò sưởi, quấn một cái chăn nhỏ quanh người và chăm chú ghi chép. Sau một thời gian như thế, sức khoẻ của nàng tốt hơn rất nhiều nhưng tinh thần vẫn sa sút như cũ.

Nguyên Chu không quen nhìn bộ dáng của nàng như vậy. Một hôm nọ, cậu hưng phấn chạy vào chỗ của nàng, nói:

“Chuyện cô nhờ tôi hỏi thăm đã có tin tức rồi!”

“Cậu nói chuyện nào?”

“Chính là chuyện mà cô nhờ tôi điều tra nhà của cung nữ cô đã cho mượn bạc đấy, đã có tin tức về em gái của nàng ta rồi.”

Thu Hân Nhiên hạ bút xuống, hai mắt toả sáng nói:

“Cậu đã tra ra được chỗ cô em gái bị bán rồi à?”

“Cũng nhờ cô tính toán chuẩn xác.”

Nguyên Chu ngồi xuống chỗ đối diện với nàng, mặt của cậu vẫn còn đỏ ửng vì gió lạnh bên ngoài, giọng vui mừng kể tiếp:

“Cô tính ra người ở hướng Đông nên tôi đã đến thành Đông tìm hiểu một lượt. Hôm qua nghe nói có kẻ buôn người đem một nhóm người đến, trong đó có một cô bé độ tám chín tuổi ở phường Đại Nghiệp, cha mẹ đều đã chết hết, lại có chị gái đang làm người hầu ở trong cung.”

Thu Hân Nhiên bất giác nghiêng người về phía trước, hỏi:

“Vậy… chúng ta phải làm gì?”

“Làm cái gì là sao?”

Nguyên Chu khó hiểu hỏi:

“Tôi tưởng cô muốn tìm cô bé kia là để đòi lại số tiền mà chị của cô bé đã mượn. Bây giờ ngay cả bản thân của mình cô bé kia cũng không lo nổi thì làm sao trả nợ cho cô được.”

Thu Hân Nhiên nhíu mày, nói:

“Vậy cũng không được!”

Nguyên Chu sửng sốt trợn tròn mắt, nghĩ bụng không biết số tiền kia bao nhiêu mà khiến cho sư tỷ của cậu mất hết nhân tính như thế. Thu Hân Nhiên lại lên tiếng:

“Kẻ buôn người kia đâu rồi?”

“Hắn ở thành Đông, gần Khúc Giang.”

Nguyên Chu nói tiếp:

“Nghe nói lầu Tuý Xuân muốn mua người nên bảo hắn đem một đám đến. Nếu trong đó có người thích hợp làm con hát thì giữ lại.”

“Lúc nào diễn ra?”

“Ngay đêm nay.”

Thu Hân Nhiên không chút do dự, vỗ tay lên bàn nói:

“Vậy chúng ta cũng đi!”

Nguyên Chu khó hiểu hỏi:

“Chúng ta đi làm gì?”

“Đi xem cho vui!”

Thu Hân Nhiên suy nghĩ một chút lại bổ sung một câu:

“Đêm nay sư tỷ mời cậu ăn một bữa ngon!”

Gần đến cuối năm tuyết rơi dày, ngoài đường rất vắng vẻ nhưng trong lầu Tuý Xuân lại vô cùng đông đúc. Lúc Thu Hân Nhiên và Nguyên Chu đến nơi thì tầng một đã đầy khách, gã hầu bàn ngượng ngùng đứng ở cửa ra vào khom người nói:

“Xin lỗi hai vị, hôm nay chúng tôi đã hết chỗ, kính mong hai vị ngày sau lại đến ủng hộ.”

Nguyên Chu kỳ quái hỏi:

“Sao hôm nay chỗ các anh đông khách vậy?”

“Thưa hôm nay có một vị khách quý đã bao toàn bộ lầu hai, chỉ còn một số bàn trống ở đại sảnh nhưng cũng đã có các vị khách khác đến trước rồi ạ. Thật sự rất xin lỗi hai vị.”

“Bao hết cả lầu hai hả?”

Nguyên Chu kinh ngạc nói:

“Lầu Tuý Xuân này là nơi có vị trí đẹp nhất ở bên bờ sông Khúc Giang. Đứng trên lầu hai có thể ngắm cảnh sông Khúc Giang từ xa, rất nhiều văn nhân nhã sĩ đều từng đề thơ văn ở vách tường ở đó, cũng vì thế lầu Tuý Xuân mới nổi danh là chốn thanh nhã ở thành Trường An này. Vậy mà có người vung tay bao cả lầu Tuý Xuân, đúng là xa xỉ hào phóng quá.”

Thu Hân Nhiên nhất quyết đêm nay phải ở lại lầu Tuý Xuân dùng cơm, nàng nhìn quanh bốn phía một vòng rồi chú ý đến một người mặc trang phục kiểu nho sinh ngồi gần cửa sổ. Nàng đi đến gần chắp tay hỏi:

“Thưa ngài, xin hỏi ngài đến đây một mình phải không? Ngài có thể cho phép tôi được ngồi cùng không?”

Người mặc trang phục nho sinh thoạt nhìn chừng bốn mươi tuổi, trên cằm có một chòm râu dê kinh ngạc nhìn thiếu niên vừa đến bắt chuyện với mình, nhưng cuối cùng vẫn gật đầu đồng ý.

Ba người ngồi cùng một bàn chẳng nói lời nào, không khí giữa bọn họ bỗng dưng trở nên khá gượng gạo. Nguyên Chu chủ động bắt chuyện với người trung niên kia, biết được người đó tên gọi là Dư Âm, là một nhạc công chơi đàn. Dư Âm chỉ có một mình, chưa có vợ con gì nên thường đến dùng cơm ở đây, cũng tạm coi là khách quen. Chẳng qua phường nhạc của ông ta sắp rời khỏi Trường An nên hôm nay có lẽ là lần cuối ông ta đến lầu Tuý Xuân.

Thu Hân Nhiên gọi hầu bàn một bình rượu đến rồi quay đầu nói với người đàn ông trung niên ngồi đối diện:

“Đây là lần cuối ngài đến nơi này lại gặp được chúng tôi, có lẽ là duyên phận cũng nên. Tôi xin phép mời ngài một bầu rượu, trước là chúc ngài lên đường bình an, sau là cảm tạ ngài đã đồng ý cho tôi và sư đệ ngồi cùng.”

Dư Âm nghe vậy cười nói:

“Cô nương tuy tuổi còn nhỏ nhưng đối nhân xử thế rất khéo léo, nếu không phải mấy ngày nữa tôi phải rời Trường An, nhất định muốn kết bạn với cô nương đấy.”

Mặc dù hôm nay Thu Hân Niên ăn vận trang phục của nam nhưng càng trưởng thành vẻ nữ tính trên khuôn mặt và dáng người của nàng lại càng mà khó che giấu được. Nghe Dư Âm nói như vậy, Thu Hân Nhiên cười nói:

“Hôm nay tôi có thể dùng cơm với ngài cũng coi như có duyên rồi, cần gì lo nghĩ chuyện sau này làm gì.”

Dư Âm vỗ tay cười nói:

“Cô nói rất đúng, tôi lại không phóng khoáng bằng.”

Ba người ngồi ở đại sảnh vừa ăn vừa nói chuyện, Thu Hân Nhiên vẫn luôn lưu ý đến chỗ quầy tính tiền. Lúc thức ăn được dọn lên gần hết, nàng liếc thấy một người đàn ông thấp bé mặc trang phục màu xanh lam đi đến chỗ quầy tính tiền nói gì đó với chủ quán. Chủ quán gật đầu gọi hầu bàn đến thì thầm sai bảo. Hầu bàn nhanh nhẹn chạy đi sắp xếp một cây đàn ở trên đài diễn chính giữa đại sảnh. Một nhạc công mặc áo xám ngồi ở sau cây đàn chỉnh dây. Thu Hân Nhiên hơi xúc động, thầm nghĩ hẳn vụ việc kia sắp bắt đầu rồi.

Quả nhiên chủ quán đi lên đài, nở nụ cười thân thiện và ôm quyền nói:

“Kính chào chư vị khách quý, trong lầu chúng tôi dự định chiêu mộ một vài cô đào mới, hôm nay nhân dịp có chư vị tề tựu ở đây, kính mong chư vị nghe một chút. Nếu các nàng hát hay, xin chư vị thưởng một tiếng khen ngợi, nếu không hay xin mọi người thông cảm bỏ quá cho.”

Trên đài diễn ở chính giữa đại sảnh của lầu Tuý Xuân thường có mấy tiết mục kể chuyện đánh đàn, dù nghe không hay thì chẳng ai chê trách gì, thực khách ở trong lầu hiếu kỳ quay ra nhìn xem. Một lát sau, mười mấy cô bé nhỏ tuổi áo quần tả tơi bị dẫn lên đài, trong đó lớn nhất cũng chỉ mười ba mười bốn tuổi, nhỏ nhất mới bảy tám tuổi. Vì lần đầu đứng trước nhiều người như vậy nên ai nấy đều sợ hãi run rẩy.

“Chính là cô bé đó.”

Nguyên chu chỉ một cô bé có dáng người khá thấp, thoạt nhìn có gầy yếu nhất trong nhóm. Từ đầu đến cuối cô bé chỉ cúi đầu, tay túm chặt góc áo. tựa như muốn trốn đi. Thu Hân Nhiên bỗng thấy xót xa, chợt nhớ đến câu hỏi hôm đó đã hỏi bà chủ quán trước khi rời khỏi phường Đại Nghiệp:

“Em gái của nàng ấy tên là gì?”

Bà chủ quán phe phẩy cây quạt, thờ ơ trả lời:

“Là Tiểu Mai. Cô chị gọi là Tùng, cô em kêu là Mai.”

– Hết chương 36-