Mr Đà Điểu Của Tôi

Chương 84: Từ biệt khu tập thể




Tết âm lịch năm 2005, trong khi tất cả mọi người đang đắm chìm trong không khí náo nức đón chào năm mới thì khu tập thể kim khí đã xảy ra một sự việc không lớn mà cũng không nhỏ.

Ông lão họ Tăng gần tám mươi tuổi tuy mái tóc đã bạc phơ, răng đã rụng nhưng lúc nào cũng rất mạnh khỏe dẻo dai. Trong suốt hơn hai chục năm qua, những người sống trong khu tập thể cứ liên tục thay đổi nhưng ông lúc nào cũng có mặt trong phòng thường trực của khu nhà, một thân một mình. Vậy mà khi chỉ còn mấy ngày nữa là sang năm mới, ông Tăng lại ra đi.

Khi xe cấp cứu tới nơi, ông đã không còn thở nữa. Ông Tăng là người già neo đơn, cả đời chỉ sống dựa vào công ty kim khí. Thế nhưng công ty bây giờ hầu như toàn người trẻ, những người công tác lâu năm chẳng còn là bao, Bàng Thủy Sinh liền nhiệt tình đứng lên tổ chức tang lễ cho ông Tăng.

Buổi lễ tang xua đi không khí náo nức của mùa xuân năm mới. Khi bước vào cổng khu nhà, nhìn vào căn phòng thường trực đã bị khóa kín, cảm giác đau buồn cứ man mác trong lòng Bàng Sảnh.

Mọi người đều nói ông Tăng – người trấn giữ khu tập thể này suốt hai mươi năm qua đã qua đời, cũng có nghĩa là số phận của khu nhà cũng đã đến hồi kết. Nhiều khi mọi việc mơ hồ như thế đấy. Vừa hết Tết, thông tin di dời liền truyền tới tai những người sống ở đây. Bàng Thủy Sinh nói với Bàng Sảnh là bên nhà thầu đầu tư và công ty kim khí đã đưa ra ý kiến đồng thuận cuối cùng. Mảnh đất này sẽ được xây dựng thành trung tâm thương mại, còn họ, chẳng bao lâu nữa sẽ bị yêu cầu di dời để phá bỏ nhà cửa.

Bàng Sảnh vốn không quan tâm đến chuyện phải chuyển đi nơi khác nhưng Bàng Thủy Sinh nói cô học kinh tế, lại đã trưởng thành, nên phải tham gia bàn luận trước những công việc trọng đại của gia đình.

Đa số dân cư ở đều chọn phương án nhận tái định cư, họ yêu cầu phía nhà thầu phải xây dựng một khu chung cư mới và chi trả thêm khoản phí trang trí nhà cửa. Bàng Sảnh nghiên cứu thật kỹ văn bản giải thích về việc phá dỡ và thấy mặc dù nhà ở khu tái định cư rộng hơn nhà cũ bảy, tám mét vuông nhưng lại nằm ở khu nhà cao hai mươi tầng, giá nhà sẽ giảm đi nhanh chóng. Thế là cô mạnh dạn đề nghị với bố mẹ không lấy nhà mà nhận tiền.

Kim Ái Hoa phản đối đề nghị của con gái nhưng Bàng Thủy Sinh lại đồng tình với cô. Phòng cũ rộng bảy mươi mét, không nhỏ không lớn nhưng nếu có cơ hội đổi nhà, anh thực sự muốn có một căn nhà rộng hơn hẳn.

Bàng Thủy Sinh được nhận một tỷ sáu trăm năm mươi triệu đồng tiền bồi thường. Bị nhiều người chê là không biết tính toán nhưng Bàng Thủy Sinh không giải thích mà nghiến răng đến khu chung cư mới xây ở trung tâm có tên là Thịnh Thế Bắc Thành mua một căn nhà có diện thích 109 mét vuông với giá là hai tỷ hai trăm tám mươi triệu, anh đóng trước ba mươi triệu tiền mặt.

Nhà mới vẫn chưa được giao nên Bàng Thủy Sinh tạm thời thuê một căn nhà. Dân sống ở khu tập thể cũ lục tục dọn đi. Sắp đến lúc phải xa nhau nên đến cả những người hàng xóm lâu năm có khúc mắc với nhau cũng dần hòa hoãn hơn trước.

Chung Tiểu Liên chủ động tới gặp Kim Ái Hoa nói chuyện. Chung Tiểu Liên giờ đã về hưu, còn Kim Ái Hoa cũng chỉ còn công tác ba năm nữa. Hai người phụ nữ đứng trong mái hiên, nói về khu tập thể trong suốt hai mươi năm qua, cuối cùng không thể không nhắc tới Lý Hàm.

“A Hàm rất tốt bụng.” Chung Tiểu Liên nói, “Cố Minh Tịch nữa, cũng là một đứa trẻ ngoan ngoãn, tiếc là tôi lại sinh con trai, nếu có con gái tôi chắc chắn sẽ gả nó cho Minh Tịch.”

Kim Ái Hoa: “…”

Bàng Sảnh tự tay dọn dẹp đồ đạc của mình trước khi chuyển đi. Cô sinh ra ở khu tập thể này và cũng trưởng thành tại chính nơi đây, vì vậy căn phòng nhỏ này đã là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của cô trong suốt hai mươi năm qua.

Không thu dọn thì không biết, đến lúc dọn dẹp Bàng Sảnh mới nhận ra cô đã nhận của Cố Minh Tịch nhiều đến thế. Có những món đắt tiền và có cả những món bình dân, to có nhỏ có, gần như mỗi ngăn kéo mở ra đều khiến cô nhớ tới cậu.

Cô tìm một thùng giấy thật to rồi đặt truyện tranh Cố Minh Tịch tặng xuống dưới cùng, sau đó cẩn thận bỏ từng thứ khác lên trên, cô đã làm mất tương đối nhiều đồ đạc của mình nhưng mỗi món quà được Cố Minh Tịch tặng, cho dù chỉ là tấm thiệp đơn sơ do chính cậu cắt bằng chân hồi tiểu học cũng được cô trân trọng cất kỹ vào thùng.

Bàng Sảnh nói với Bàng Thủy Sinh: “Bố có thể giữ lại số điện thoại cũ để chuyển sang nhà mới được không? Con sợ một ngày nào đó Cố Minh Tịch trở về không tìm được con.”

Bàng Thủy Sinh xoa đầu con gái, đáp: “Ừ, bố sẽ giữ nguyên số điện thoại.”

Tháng tư năm 2005, Bàng Thủy Sinh và vợ con chuyển ra khỏi khu tập thể kim khí. Khác với những người dân khác ở đây còn có thể trở về, gia đình anh sẽ không bao giờ có cơ hội quay lại nữa.

Lúc xuống cầu thang, Bàng Sảnh nán lại ở cửa bần thần nhìn căn nhà số 502. Sau khi Lý Hàm và Cố Minh Tịch dọn đi, có lẽ nhờ có Cố Quốc Tường mà căn nhà này vẫn luôn để trống. Mặc dù Bàng Thủy Sinh có chìa khóa dự phòng của nhà đối diện nhưng Bàng Sảnh vẫn chưa bao giờ bước vào căn nhà đó lần nữa.

Có một cậu nhóc đã từng dựa vào khung cửa này mỉm cười với cô. Cảnh tượng đó sẽ không bao giờ lặp lại nữa.

***

Trong lúc Bàng Thủy Sinh mua được nhà mới thì Cố Minh Tịch lại đang lo lắng về một chuyện khác.

Sau khi bệnh ung thư gan của Lý Hàm tái phát, chị lại phải tiến hành một chu trình điều trị hóa chất và xạ trị mới để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u lần thứ hai ngay sau tết.

Sự đau đớn khi phải điều trị hóa chất và sự thật nghiệt ngã là chứng ung thư tái phát đã phá tan tinh thần lạc quan của Lý Hàm, tình hình sức khỏe của chị cũng ngày một sa sút. Tóc chị rụng nhiều vô kể, sắc mặt khô cằn, vàng úa, hai mắt đục ngầu, bụng trướng to, chị mất ngủ suốt đêm vì những cơn đau hành hạ cơ thể, thậm chí đến mức chị không nhịn được mà phải kêu rên thành tiếng. Những lúc ấy Cố Minh Tịch sẽ quỳ bên cạnh mẹ, nhẹ nhàng trấn an và nói chuyện với mẹ, trải qua từng đêm dài đằng đẵng.

Tiền nhanh chóng cạn dần theo sự tăng lên của phí tổn điều trị, mỗi tháng phải tự túc đến chín mươi, một trăm triệu. Cố Minh Tịch vô cùng áp lực, cậu không nghe theo ý kiến của Lý Thuần và Lý Mục – hai người luôn nghe theo sự mách bảo của người ngoài – hễ nghe thấy có thuốc gì tốt là muốn mua về cho Lý Hàm uống, hễ nghe thấy bác sĩ nào cao tay là muốn Lý Hàm tới khám. Cố Minh Tịch nhận ra số tiền còn lại thực sự không thể chống chọi được với cách điều trị mù quáng như vậy nên cậu nhất quyết phải nắm quyền chi tiêu trong nhà.

Tết âm lịch năm đó Cố Minh Tịch và Lý Hàm trở về tỉnh Z, ăn bữa cơm đoàn viên trong nhà mới của Lý Mục. Ngay trước mặt hai cụ, Lý Thuần và Lý Mục phê phán hành vi của Cố Minh Tịch. Họ nói mát Cố Minh Tịch, cho rằng cậu không sẵn lòng bỏ tiền điều trị cho mẹ mà cứ khư khư giữa tiền trong tay, chắc sợ khám chữa sẽ dùng hết tiền của mình.

Lý Thuần nói: “Minh Tịch, người đó là mẹ cháu. Cháu chỉ có một người mẹ thôi, vậy nên dù có đập nồi bán sắt thì cũng phải chữa bệnh cho mẹ. Cháu sợ gì chứ, mẹ cháu còn có căn nhà cơ mà, thế nào chẳng được 900 triệu!”

Lý Mục nói: “Không chỉ có vậy. Nếu không còn tiền cháu có thể tìm đến bố cháu, xin ông ấy 600 triệu chắc là không khó khăn gì. Tầng lớp lãnh đạo như ông ấy, người nào đến nhà nhờ vả mà chẳng biếu cho mấy trăm triệu.”

Cố Minh Tịch chưa kịp lên tiếng Lý Hàm đã nói: “Tôi sẽ không bán nhà, căn nhà đó tôi để lại cho Minh Tịch. Nếu có một ngày không đủ tiền chữa bệnh đến mức phải bán nhà, tôi sẽ nhảy lầu tự tử!”

Cố Minh Tịch thất sắc: “Mẹ!”

Lý Hàm thở dài, nhìn Cố Minh Tịch bằng ánh mắt đau xót: “Mẹ vô dụng không để lại được gì cho con, chỉ còn duy nhất căn nhà đó thôi. Nếu một ngày mẹ không còn nữa mà con đến nhà cũng chẳng có thì biết phải làm sao đây…”