Nghiễn Áp Quần Phương

Quyển 1 - Chương 2: Ta tự “cầm” bản thân mình rồi!




Trong một gian phòng tráng lệ tại lầu hai của hiệu cầm đồ, ta gặp vị phu nhân nổi tiếng này. Bà tuy đã quá 50 nhưng vẫn rất xinh đẹp, tao nhã. Bà rất hòa nhã hỏi ta:

- Rốt cuộc là làm mất gì mà khiến ngươi khóc đau lòng như vậy?

Ta chỉnh đốn trang phục rồi hành lễ:

- Đa tạ phu nhân hỏi thăm, tiểu nữ làm mất chiếc nghiên mực mà sinh tiền phụ thân thích nhất. Chiếc nghiên mực này là nghiên mực trái đào, dùng hàn ngọc ngàn năm dưới đầm nước lạnh trên núi Linh Bích mà làm thành, mùa đông khi nước đóng thành băng thì mực trong nghiên mực này cũng không bị đóng băng

Nhớ đến chiếc nghiên mực mà phụ thân vô cùng yêu thích, hình bóng phụ thân ngồi vuốt ve chiếc nghiên mực lại hiện lên trong đầu. Lòng ta vô cùng đau đớn: ta là đứa con gái bất hiếu, đến thứ đồ phụ thân dùng cả tính mạng để bảo vệ mà cũng làm mất.

Vệ phu nhân hỏi:

- Sinh tiền? Phụ thân ngươi đã qua đời?

Ta trả lời:

- Đúng vậy, là vì cái nghiên mực này mà chết. Lúc ấy có một gã cường hào ra giá cao muốn mua lại chiếc nghiên mực này nhưng phụ thân tiểu nữ không bán. Tên cường hào kia cấu kết với quan phủ, vu vạ cho nhà tiểu nữ thông đồng với giặc khiến quan phủ đến tra xét nhà. Nghiên mực không sao nhưng phụ thân thì giận đến độ ngã bệnh rồi cứ thế mà đi…

Vệ phu nhân thở dài nói:

- Vì một chiếc nghiên mực mà chết, phụ thân ngươi cũng là kẻ si mê.

Đương nhiên rồi, ta chưa từng thấy ai cuồng si sách vở như ông. Người khác đọc sách là để cầu quan tước, giàu có nhưng ông thì lại coi đọc sách là chuyện thần thánh. Trong nhà chẳng còn gạo nhưng nếu ông mài mực viết chữ thì đều sẽ vẩy nước quét nhà, dâng hương thành kính. Mẫu thân ta luôn lầu bầu: “Có tiền mua hương mà không có tiền mua gạo, đúng là đồ ngốc”. Nghĩ đến đây ta rơi lệ nói:

- Gia phụ tuy chẳng phải là thư pháp danh gia (nhà thư pháp nổi tiếng) nhưng ông thực sự rất yêu thư pháp, cả ngày luyện chữ, coi đó là niềm vui lớn nhất đời.

Vệ phu nhân khó hiểu hỏi:

- Nếu đã quý nghiên mực này như vậy thì sao ngươi lại đem cầm?

Ta đành phải kể lại tình cảnh trong nhà ra cho bà. Sau khi phụ thân qua đời, mẫu thân thấy phương Bắc loạn lạc, thường có chuyện binh lính cưỡng hiếp thiếu nữ. Nhà ta không có nam nhân, ta thì mỗi ngày một lớn. Mẫu thân sợ ta gặp chuyện không may nên bán nhà cửa mang ta xuống phía Nam. Vốn định xuống đó tìm công việc mà sống cho qua ngày. Ai ngờ đi đường mới phát hiện bà đã mang thai đứa con mồ côi cha từ trong bụng mẹ, không thể làm công làm mướn. Nửa năm qua, hai mẹ con miệng ăn núi lở, đến hôm qua nhà đã trống rỗng chẳng còn gì, bất đắc dĩ mới phải đi cầm nghiên mực.

Vệ phu nhân nghe xong thì trầm ngâm một hồi, cuối cùng nói:

- Ngươi làm mất thứ đồ quý như vậy, về chắc cũng không dễ ăn nói với mẹ ngươi. Giờ ta có một chủ ý, không biết ngươi có đồng ý không?

Ta vội gật đầu:

- Đồng ý! Đồng ý! Chủ ý gì tiểu nữ cũng đồng ý

Giờ chỉ cần thoát khỏi khốn cảnh thì cỏ cứu sinh gì ta cũng nắm.

Vệ phu nhân mỉm cười:

- Là thế này, ta mở một trường tư thục, có một vài đồ đệ, muốn tìm một người làm những việc vặt trong trường. Người này tốt nhất là hiểu biết một chút về thư pháp, còn phải biết cả kỹ thuật dán giấy linh tinh nữa

Ta vội nói:

- Tiểu nữ đã từng học dán giấy cho phụ thân. Sau khi tròn 10 tuổi, những bức vẽ của phụ thân tiểu nữ đều là do một tay tiểu nữ dán giấy.

Điều này ta không bốc phét, quả thực ta biết dán giấy

Vệ phu nhân nghe xong, cao hứng nói:

- Thật sao? Thế thì tốt lắm

Lại hỏi ta:

- Nghiên mực kia của ngươi định cầm bao nhiêu tiền?

Đương nhiên là càng nhiều càng tốt. Chỉ là không thể nói như vậy được, ta chỉ đành cố gắng nói mình đáng thương một chút:

- Tiểu nữ cũng không biết có thể cầm được bao nhiêu nhưng nhà tiểu nữ bây giờ quả thực rất khó khăn. Mẫu thân giờ cũng sắp sinh, nhà chẳng còn một hạt gạo. Quần áo trẻ con cũng chưa chuẩn bị, sinh ra cũng chẳng biết cho nó mặc gì nữa. Đồ cũ của tiểu nữ đều để ở nhà cũ, lúc chạy nạn không mang đi được.

Tình hình thực tế trong nhà ta vốn đủ đáng thương, căn bản cũng không cần nói dối.

Bà nghĩ nghĩ rồi nói:

- Thế thì như này đi, giờ ta ứng trước cho ngươi 500 tiền, xem như là tiền công sau này, ngươi về cứ nói với mẹ ngươi rằng đó là tiền cầm nghiên mực.

Ta cảm động nói:

- Phu nhân, sao thế được?

Bà chịu chi 500 tiền thì quả thực là ta không thể ngờ tới. Mua một nha đầu cũng chẳng cần đến 500 tiền, huống chi chỉ là thuê một người quét dọn.

Vệ phu nhân nói:

- Ta thấy ngươi là người yêu thư pháp, đứng ở cửa viết theo chữ “Đáng” kia đến độ đồ trên lưng mất cũng không biết. Hơn nữa phụ thân ngươi cũng là vì nghiên mực mà chết, cũng là người yêu thư pháp. Nhất thời cảm động nên ta mới giúp ngươi. Ngươi đừng nghĩ ta là người hào phóng như thế nhé. Ta nổi tiếng là keo kiệt đó. Không keo kiệt sao mở được hiệu cầm đồ, người mở hiệu cầm đồ, đứng mũi chịu sào thì phải đen tối

Ta mỉm cười:

- Phu nhân nói trên lập trường của thương nhân, đây cũng là điều cốt lõi

Vệ phu nhân càng nhìn ta bằng ánh mắt thưởng thức:

- Không tệ, không tệ, giỏi ăn nói, biết ứng đối, biết dán giấy. Trong trường học của ta đúng là thiếu người như ngươi

- Đa tạ phu nhân đã cho Đào Diệp bát cơm.

Ta lại vái một vái thật sâu.

- Ngươi tên Đào Diệp? Ừm, tên hay lắm

Ta nói cho bà:

- Bởi vì nghiên mực kia giống hình trái đào, màu sắc ôn nhuận, xanh biếc nên cố phụ đặt tên tiểu nữ là Đào Diệp.

Bà gật gật đầu, lại nhìn ngoài cửa sổ nói:

- Trời sắp tối rồi, mẹ ngươi hẳn là đang chờ đó. Ngươi ở đâu? Ta sai tiểu nhị đưa ngươi về, một tiểu cô nương cầm tiền đi đêm không an toàn

Nói xong quay đầu sai chưởng quầy họ Diêu chuẩn bị tiền cho ta.

Lúc đi, bà lại hỏi:

- Năm nay ngươi bao nhiêu tuổi?

Ta trả lời:

- 15 tuổi thưa phu nhân.

Bà cười hỏi:

- Đã hứa gả cho ai chưa?

Ta mặt đỏ, nhỏ giọng nói:

- Còn chưa ạ

Bà gọi tiểu nhị khi nãy tới, dặn dò vài câu rồi nói với ta:

- Ngươi đi đi, sáng mai ta ở nhà chờ ngươi. Nhà ta ở ngay đầu Ô Y Hạng, rất dễ tìm. Ngươi cứ hỏi thăm, ai cũng biết

Ta đáp lời rồi theo tiểu nhị đi xuống lầu

Ra khỏi cửa ta mới phát hiện ô của ta vẫn để quên trong hiệu cầm đồ. Ai dà, mẹ ta thật lạ, rõ ràng trời đẹp mà còn bắt ta mang theo ô. Ta đành để tiểu nhị đứng chờ rồi quay về lấy.

Vừa vào tới cửa đã nghe thấy bên trong như là Diêu chưởng quầy đang nói:

- Phu nhân, mấy tiểu ma vương trong nhà người ngày ngày chỉ biết trêu cợt người khác, tiểu cô nương kia có chống đỡ được chăng?

Vệ phu nhân vui tươi đáp:

- Không chống đỡ được thì mới vui. Trước kia mấy tiểu cô nương mời về đều không xinh đẹp, không hấp dẫn nổi hứng thú trêu đùa của mấy tên kia, làm hại ta sống trong nhàm chán.

Diêu chưởng quầy kinh ngạc nói:

- Thế kia mà còn không xinh đẹp sao?

Vệ phu nhân than thở:

- Nếu xuất thân bình thường thì sẽ cảm thấy mấy tiểu cô nương đó rất xinh nhưng đồ đệ của ta đâu phải ông không biết, trong nhà bọn chúng toàn là đại mỹ nhân, sao để ý mấy người dung chi tục phấn đó

Diêu chưởng quầy nói:

- So với Đào Diệp này quả đúng là mấy tiểu cô nương kia có hơi kém một chút

Vệ phu nhân nói:

- Đúng vậy, phụ thân của Đào Diệp chẳng hiểu đặt tên kiểu gì nữa, rõ ràng là đóa hoa đào chói mắt mà lại gọi là Đào Diệp. Thực ra, ta cho tiểu nhị đưa nàng về nhà đâu phải sợ mất tiền, ta sợ là sợ tiểu mỹ nhân này nửa đường bị người cướp mất, còn gì là trò hay để xem nữa.

Có lẽ Diêu chưởng quầy không nghe nổi nữa, định khuyên:

- Phu nhân…

Nhưng dù sao cũng là hạ nhân, nào dám lỗ mãng nói gì

Cảm xúc của Vệ phu nhân vẫn đang tăng cao:

- Ta phải mau chóng về nói tin tức tốt này cho bọn chúng mới được, cũng để bọn chúng chuẩn bị chút quà gặp mặt cho tiểu mỹ nhân.

Diêu chưởng quầy kinh ngạc hỏi:

- Phu nhân, mấy vị thiếu gia tối không về nhà sao?

Vệ phu nhân nói:

- Về chứ, ta sai người đến từng nhà báo tin là được, nói là ngày mai trong trường chúng ta sẽ có đại mỹ nữ đến, bảo bọn chúng đêm nay chuẩn bị lễ gặp mặt. Ha ha.

Diêu chưởng quầy vô cùng tốt bụng cầu khấn thay ta:

- A di đà Phật, xin phù hộ vị cô nương đó đi. Ai da, nơi đó nào phải trường học, rõ là lang oa hổ huyệt (hang hùm ổ sói) ấy chứ, bên trong là cả một bầy ma vương nghịch ngợm.

Vệ phu nhân không vui:

- Ông nói cái gì? Trường của ta là hang hùm ổ sói? Diêu chưởng quầy ơi, có phải ông đang tính mạo phạm không?

Diêu chưởng quầy vội cười nói:

- Không phải, không phải, người nghe nhầm rồi, tiểu nhân vừa mới nói là trường của phu nhân chính là lang uyển phúc địa (vườn rộng, đất lành)

Lúc này Vệ phu nhân mới chuyển giận thành vui:

- Thế còn tạm được

Ta dựa vào vách tường, tự hỏi bản thân một lượt: giờ ta trả lại bà ấy 500

tiền kia rồi chạy trối chết chẳng biết có còn kịp không?

Nhưng vừa nghĩ đến người mẹ bụng lớn khệ nệ đang chờ ta mua gạo về thì lại đành bỏ qua suy nghĩ này

Ổ sói hang hùm thì ổ sói hang hùm, kiểu gì mà chả chết? Dù sao về thì cũng là chết đói mà thôi.