Ngục Thánh

Quyển 1 - Chương 2: Phong




Năm năm sau…

Ánh mặt trời dát vàng biển mây trắng. Phía trên biển mây chợt xuất hiện ba chiếc phi thuyền vận tải màu trắng. Nom qua những phi thuyền đó giống đầu đại bàng: phần đầu thuôn nhỏ và càng to dần về phía đuôi. Còn nếu nhìn từ trên cao, chúng như một khối kim loại hình tam giác. Dưới bụng ba phi thuyền nhấp nháy hàng chữ điện tử “Hãng hàng không Đại Bàng”, sau ít phút, dòng chữ lại chuyển thành “Điếm đến – Phi Thiên thành”. Phải, chúng đang bay về Phi Thiên thành – thủ đô Phi Thiên quốc.
Phía sau hàng cửa kính trải dọc hai bên thân tàu là hành lang dài. Hàng trăm du khách đi lại trên hành lang, ai nấy đều chồn chân sốt ruột. Họ muốn hòa mình vào không khí náo nhiệt của thành phố được mệnh danh là đẹp nhất lục địa Hoa Thổ. Phi Thiên thành lúc nào cũng náo nhiệt nhưng hôm nay lại đặc biệt hơn cả. Bởi hôm nay là ngày quốc khánh Phi Thiên quốc. Sẽ có ăn uống, vui chơi, ca hát, nhảy múa… diễn ra thâu đêm suốt sáng. Những ngày này, vé bay của hãng Đại Bàng luôn trong tình trạng cháy hàng. Ba chiếc phi thuyền đang bay đây là chuyến cuối cùng, vì chỉ hai tiếng nữa thôi, lễ quốc khánh sẽ chính thức bắt đầu.
Chen giữa rừng người lớn là một đứa bé trai. Nó kiễng chân ngó qua ô cửa kính, đôi mắt lang thang khắp vùng không gian vàng nắng. Nhìn chán, đứa bé hỏi người đang dắt tay mình:
-Tới chưa hả cha?
Người cha gật đầu cười:
-Chắc sắp rồi, cố đợi chút nữa!
Vừa lúc đó, ba chiếc phi thuyền lặn xuống biển mây. Động cơ phản lực thổi ù ù, mây cuộn thành những trảng khói trắng . Và khi vượt qua tầng đáy, một thành phố ở bên dưới hiện ra trước mắt đứa bé. Thành phố tròn vành vạnh, phần lớn nằm trong một cái vịnh được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp cao ngất, phần còn lại lấn ra ngoài biển. Giọng nói của viên trưởng đoàn chuyến bay vang lên:
-Chào mừng quý khách đến Phi Thiên thành! Phi thuyền sẽ hạ cánh tại cảng hàng không của quận Mắt Trắng!
Cảng hàng không gồm một tòa tháp điều hành không lưu, dưới chân là những đường rãnh khổng lồ nhô ra mặt biển. Mỗi đường rãnh chứa được khoảng hai mươi phi thuyền vận tải cỡ lớn nhưng tất cả đều gần như kín chỗ. Đoàn phi thuyền nọ nối đuôi nhau hạ cánh xuống đường rãnh còn trống duy nhất, vừa khít ba chiếc. Du khách lục tục đi xuống, men theo đường bộ bên cạnh rãnh rồi tiến hành nhập cảnh. Phía sau cửa nhập cảnh, một nữ hướng dẫn viên du lịch phất cờ ra hiệu cho đoàn khách rồi nói:
-Chúng ta sẽ thăm quan quận Mắt Trắng trước! Mọi người hãy kiểm tra đồ đạc cá nhân… rồi! Chúng ta sẽ đi tàu điện, xin hãy theo tôi!
Hai cha con nọ lọt thỏm trong dòng người. Đứa bé lắc tay cha, miệng phụng phịu:
-Con muốn tới quảng trường cơ!
-Phải theo đoàn chứ! – Ông bố mỉm cười – Mà còn hai tiếng nữa mới đến lễ hội, lo gì chứ? Đi nào, nhóc! Quận Mắt Trắng có nhiều thứ hay lắm!
Mọi người nối nhau bước lên những chiếc tàu điện đã chờ sẵn ở ngoài cảng. Hai cha con ban nãy ngồi hàng cuối, đứa nhỏ xoay người ngắm nhìn quận Mắt Trắng qua ô cửa kính. Đôi mắt nó bị hút vào hàng trăm tòa tháp cao tầng chóp nhọn màu xanh dương – nơi ở của dân chúng thành phố. Thấp hơn các tháp dân cư là hàng ngàn tòa tháp nhấp nhô đủ hình dáng, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hoặc giải trí. Ánh mắt thằng bé chuyển sang dòng người trên hệ thống đường trên không trung đan xen tầng lớp, nối liền các tòa tháp. Cảnh tượng hút hồn thằng bé, nó chẳng còn để ý cô nàng hướng dẫn viên đang thao thao bất tuyệt về lịch sử Phi Thiên quốc. Có vẻ cô nàng đang làm việc hơi thừa thãi. Ai ở đây mà chẳng từng tìm hiểu qua lịch sử đất nước hùng mạnh nhất thế giới cơ chứ?
Phi Thiên có hai ngàn năm lịch sử trải qua nhiều thăng trầm cùng sự hưng vong của các vương triều. Nhưng hiện tại, Phi Thiên Đế Quốc là một trong những quốc gia đứng đầu Tâm Mộng thế giới. “Có được thành quả lớn lao ấy là nhờ vào chính sách đối nội, đối ngoại hợp lý của Hoàng đế cùng hội đồng pháp quan.” – Vài tờ báo thân hoàng gia nhận định như vậy.
Năm trăm năm trước, vương triều Thần Đế một thời thống trị Phi Thiên sụp đổ, các thế lực quân phiệt nổi dậy tranh giành quyền lực. Đâu đâu cũng dày đặc khí tài quân sự, chiến trường nhiều hơn đất ở, người chết nhiều hơn người sống. Nội chiến cứ tiếp diễn cho tới khi một vị thủ lĩnh tài năng dòng họ Bạch Dương xuất hiện. Ông ta đã đánh bại các tập đoàn quân phiệt và thống nhất đất nước. Vị thủ lĩnh dựng nên triều đại mới, lên ngôi hoàng đế tự xưng là Bạch Dương đệ nhất. Từ đó trở đi vị thế của Phi Thiên trên thế giới Tâm Mộng ngày một lớn mạnh, dần dần trở thành quốc gia cực kỳ hùng mạnh về quân sự và kinh tế. Ngày khai sáng vương triều Bạch Dương cũng là ngày quốc khánh của nước Phi Thiên. Đến nay dòng họ Bạch Dương đã trải qua mười đời, hoàng đế đương nhiệm là Bạch Dương đệ thập.
Mười phút sau, con tàu điện dừng lại trên đường ray bao quanh một ngọn tháp chuyên phục vụ ẩm thực. Cô gái hướng dẫn viên dẫn mọi người xuống rồi nói:
-Ẩm thực Phi Thiên thành rất tuyệt vời, nhất là các món ăn nhẹ! Mọi người nghĩ sao nếu chúng ta lót dạ chút đỉnh trước khi tham gia lễ hội?
Đám đông nhiệt tình hưởng ứng rồi lục tục bước theo cô nàng hướng dẫn viên. Bên trong tháp, hàng trăm hàng quán xếp nhau san sát, những chiếc bánh ngon ngọt dàn trải trong tủ kính, chúng mang đầy đủ màu sắc khiêu khích cảm giác thèm muốn của con người. Hai cha con nọ đang lững thững bước giữa mê hồn trận của bánh ngọt, bỗng dưng thằng bé để ý một điều lạ. Phía cuối đường có một quán ăn nhỏ, tấm biển trước quán đề duy nhất một chữ: “Lập”. Vì bị che khuất nên quán ăn chẳng được ai ngó ngàng, mặc dù nó được khoác một mớ đèn chằng chịt nhấp nháy muốn nổ con ngươi. Chút hiếu kỳ nổi lên, thằng bé chỉ tay vào quán rồi nói:
-Chúng ta vào đây được không ạ?
Hàng trăm ánh mắt của khách du lịch nhìn theo hướng chỉ tay của thằng bé. Phía trong, ông chủ quán nhìn lại với vẻ mặt đầy hớn hở. Nhưng cô nàng hướng dẫn viên du lịch lại nói:
-Tôi biết một chỗ tốt hơn nhiều, và rộng nữa! Xin theo tôi!
Đoàn người vui vẻ rời đi, bỏ lại ánh mắt thẫn thờ cùng bộ mặt ngẩn tò te của ông chủ quán Lập. Tốt hơn? Mẹ kiếp! – Ông chủ chửi đổng. Đứa nào dám tự xưng làm đồ ăn ngon hơn lão Lập này chứ? Rộng hơn? Mẹ kiếp, hai người ngồi chung một ghế cũng được mà, có sao đâu? Ông chủ quán đập bàn thùm thụp, hận không thể chạy ra tát vỡ mặt con ranh hướng dẫn viên kia.
Quán vắng teo. Ông chủ Lập tay chống cằm, tay kia gõ gõ nhịp điệu ủ rũ, mắt thẫn thờ nhìn đường qua ô cửa kính, dáng điệu giống một tiểu thư đang mơ mộng một chàng hoàng tử bạch mã. Mỗi lần như thế, lão lại nghĩ đến quyết định sai lầm vài chục năm trước. Do tiếc tiền nên thay vì gian hàng đầu hành lang, lão mua gian phía cuối. Ngày thường không sao nhưng hễ có lễ hội là quán của lão như bốc hơi. “Tuổi trẻ sai lầm, về già nuối tiếc!” – Ông chủ Lập thở dài. Nhưng nghĩ thì nghĩ vậy chứ cái tính tham rẻ của lão bao năm vẫn y nguyên, chiếc bảng hiệu ngoài kia là minh chứng. Nguyên văn tấm biển là “Quán của ông Lập vui tính”. Một ngày đẹp trời nọ, đám hư hỏng từ khu “chợ rác” thấy ngứa mắt với tấm biển và chọi đá thật lực khiến nó vỡ tan tành. Ông chủ Lập không sửa biển mà gỡ hết mảnh vỡ chừa lại mỗi chữ “Lập”. Một cái tên độc, lạ, tính tiếp thị cao và cũng hợp phong cách sợ tốn tiền của vị chủ nhân.
Đang ngán ngẩm, chợt một tiếng động vang lên khiến ông chủ Lập giật mình. Lão ngó xuống, một cái đĩa còn thoảng mùi thơm của món mì trộn. Đĩa trống không, đến nước sốt cũng bị vét sạch bách. “Liếm sạch cỡ này chắc chỉ có chó!” – Ông chủ Lập nghĩ ngợi rồi ngẩng đầu. Trước mắt lão là một gã gầy gò mặc bộ quần áo màu tro lôi thôi lếch thếch, thứ nổi bật nhất trên người gã là mái tóc màu đỏ rực. Gã xỉa răng chép chép miệng:
-Ngon quá! Công nhận tay nghề của ông rất tuyệt vời!
Nói xong gã tót chân định phóng ra ngoài thì ông chủ Lập ấn nút khóa trái cửa. Gã lừ mắt nhìn, ông chủ Lập tỉnh bơ:
-Nịnh bợ một câu mà tưởng xong chuyện á? Đi rửa bát, nhanh!
Hắn thở phì phì vẻ phẫn nộ:
-Đã nói là cuối tuần trả!
Ông chủ quán khinh khỉnh đáp:
-Tiền? Một thằng như chú mày mà cũng có tiền?
-Chính ông đồng ý đấy nhé, chớ nuốt lời! Bây giờ mới...
Lão Lập chen vào:
-Mai là cuối tuần rồi!
-Tôi chưa bao giờ trễ hẹn, lão già! – Hắn cười phớ lớ.
Lão Lập nhăn mặt, tỏ vẻ không tin tưởng.
Hai tháng trước, hắn xuất hiện tại quán với dáng vẻ của một vị quý tộc trẻ tuổi tên là Vô Phong. Vinh dự làm sao khi được quý tộc ghé thăm! Khi đó lão Lập hoa mắt bởi bộ quần áo đính đầy trang sức đắt tiền trên người hắn. Lão bắt đầu mơ tới ngày món mì trộn nổi tiếng khắp thủ đô và trở thành quốc thực. Nhưng Vô Phong không trả tiền, lấy lý do “cuối tháng trả một thể”. Ban đầu ông chủ Lập không phản ứng, sau cảm thấy nghi ngờ, bèn đợi hắn đi khỏi rồi bám theo. Tới khi hắn đi tới một con phố hoang, trút bỏ bộ quần áo đắt tiền và hiện nguyên hình là một tên chuyên móc túi, lão suýt lên cơn đau tim cấp tính. Nghĩ rằng lừa người thành công, hôm sau Vô Phong quay lại tính lừa cú chót. Xui xẻo thay, lần này lão Lập cùng mấy người giúp việc hè nhau túm cổ gã. Tiền không có, gã phải rửa bát không công suốt một tuần liền.
Từ đó Vô Phong bắt đầu định cư tại quán này. Gã có thể ăn nhưng bù lại phải rửa bát không công. Vô Phong tức lắm song đành chịu vì chẳng có quán ăn nào ở Phi Thiên thành chịu chứa chấp hắn, lão Lập đối xử với hắn như thế là quá nhân đạo. Mọi chuyện vẫn bình thường cho tới vài ngày trước, Vô Phong tuyên bố không rửa bát nữa mà sẽ trả tiền. Đang vui vì đứa con trai độc nhất vừa đỗ trường sĩ quan, ông chủ Lập đồng ý. Niềm vui qua đi, lão mới nhận ra là mình vừa phạm sai lầm nghiêm trọng.
Ông chủ Lập đành mở cửa. Vô Phong đội một cái mũ lụp xụp đoạn nhăn răng cười:
-Hôm nay không có khách đâu. Người ta đi chơi hết rồi! Về mà ôm ấp quý tử đi, lão già!
Nói xong, hắn chuồn lẹ rồi cười như điên mặc lão già xổ một tràng chửi bới.

Vô Phong vỗ vỗ túi quần. Túi rỗng không tiền, không có cả mẩu vụn thức ăn. Tên tóc đỏ tự cười tình cảnh khốn khổ của mình:
-Khỉ thật! Làm việc thôi!
Hắn rời quán ăn, ra khỏi tháp ẩm thực rồi hòa vào dòng người trên cây cầu lớn hướng về trung tâm thành phố. Gã trai trẻ ấy bước vào cuộc đời mà không có gì ngoài hai bàn tay trắng và một mái tóc đỏ. Không ai để ý tới hắn. Hắn tồn tại mà như vô hình…
…như một cơn gió bay giữa thế giới rộng lớn.
Vô Phong móc vài xu lẻ leo lên tàu điện hướng về trung tâm thành phố. Hắn ngó qua ô cửa rồi thả hồn theo dòng nước biển phía dưới đường ray. Dòng nước ấy cắt ngang Phi Thiên thành theo hình cánh cung, người ta quen gọi nó là “sông” Vành Đai Xanh. Vành Đai Xanh phân chia thành phố ra hai phần. Một phần giống vành trăng gọi là quận Trăng Khuyết, phần còn lại là quận Mắt Trắng. Kỳ thực Vô Phong chưa từng tới quận Trăng Khuyết bao giờ. Hắn chỉ thấy nơi đó có những tòa kiến trúc kỳ lạ với phần thân hình vòm như mai rùa, phía trên là khoảng hai hoặc ba tòa nhà hình cầu cùng vài ngọn tháp nhỏ. Mỗi tòa kiến trúc nằm riêng biệt, bao quanh là những đại lộ thênh thang thẳng thớm; dọc theo đại lộ lớn nhất về nơi sâu nhất quận Trăng Khuyết là hoàng cung. Hoàng cung, ôi, hoàng cung! – Tên tóc đỏ than thở. Nơi ấy xa vời diệu vợi, như thiên đường vậy.
Ít phút sau, tàu điện ngừng chạy. Vô Phong đi xuống rồi hòa vào dòng người đang hướng về quảng trường thủ đô nằm cạnh sông Vành Đai Xanh. Biểu ngữ mừng ngày đại lễ tràn ngập, những dải cờ lụa muôn màu phấp phới, tiếng cười tiếng nói huyên náo khắp thành phố. Người người vui chơi tưng bừng, số khác hào hứng chụp ảnh lưu giữ từng khoảnh khắc đáng nhớ. Không khí rộn rã khuấy động cõi lòng gạt đi bao ưu phiền thường nhật.
Chính giữa quảng trường dựng hai tấm bia đá xám khổng lồ tưởng niệm binh sĩ tử trận. Dưới chân hai tấm bia có rất nhiều hoa trắng tưởng niệm của dân chúng Phi Thiên thành. Nơi đây vốn rất rộng lớn, nhưng giờ chật kín và đầy ắp tiếng ầm ào từ hơn năm vạn khán giả. Con đường lát cẩm thạch cắt dọc quảng trường là nơi đội diễu hành sẽ đi qua. Quốc vương cùng hoàng gia dự lễ tại khán đài phía tây. Bên dưới khán đài, đội ngự lâm hàng ngũ chỉnh tề, vai khoác súng, hông đeo trường kiếm. Các đội phi thuyền chốc chốc đảo qua in bóng lên mặt đất nghẹt bước chân người.
Như bao kẻ ăn cắp vặt khác, Vô Phong rất thích lễ hội. Hắn chen lấn trong đám đông, mắt liên láo tìm những túi tiền hớ hênh. Chợt hắn thấy vài người đang chỉ trỏ về khán đài và nghe họ nói chuyện thế này:
-Có nhìn thấy công chúa không?
-Ta không thấy! – Một người khác đáp.
-Bên phải quốc vương ấy! Nhìn kỹ đi!
-À… à! Thấy rồi! Chà, đẹp thật! Ước gì…
-Ước gì công chúa là vợ ngươi hả? Cẩn thận bị bệnh hoang tưởng! – Đám người cười rộ. nguồn .
Nghe hai chữ “công chúa”, Vô Phong nảy sinh tò mò, hỏi:
-Công chúa à? Ở đâu thế?
Người nọ vui vẻ đưa ống nhòm cho hắn:
-Đây! Nhìn cho đã mắt nhé, anh bạn!
Vô Phong chỉnh tiêu cự của ống nhòm, soi thẳng tới khán đài. Ngồi ở vị trí cao nhất là Bạch Dương đệ thập. Hoàng đế đội chiếc vương miện lấp lánh, khuôn mặt đầy nếp nhăn tuổi già song đôi mắt vẫn tinh anh chưa có dấu hiệu lu mờ. Hắn chuyển ống nhòm sang phải và nhận ra người được gọi là “công chúa”. Nàng vận bộ váy trắng như tuyết, mái tóc nâu bám lưng yêu kiều, gương mặt xinh đẹp mà đầy ưu tư. Vừa nhìn nàng, trong lòng tên tóc đỏ nảy sinh tư tưởng cóc ghẻ ăn thịt thiên nga, hắn buột miệng:
-Ước gì…
Đám người cười ngặt nghẽo. Nhận ra mình vừa nói hớ, Vô Phong đánh trống lảng:
-Ai biết công chúa tên gì không?
-Lục Châu. – Người ban nãy tiếp lời – Nàng tên là Lục Châu.
Vô Phong gật gù. Ngắm công chúa chán, hắn bắt đầu để ý đôi hoa tai của nàng. Hoa tai làm bằng mã não đính vài sợi lông vũ màu đỏ. Theo kinh nghiệm của Vô Phong, thứ trang sức này chỉ có thể tìm thấy trong hoàng cung. Nếu “vặt” được một cái chắc tiền bạc dư dả mấy năm liền! – Hắn nghĩ. Và vẻ đẹp của công chúa sẽ trở nên hoàn hảo nếu trên cổ nàng không có một chiếc dây bạc. Dây khá thô, mấu nối to nhỏ không đồng đều, thậm chí tệ hơn cả những chiếc dây bạc rẻ tiền nhất. Khó mà tin một vật như thế lại ở trên người công chúa.
Bạch Dương đệ thập đứng dậy giơ cao hai tay đề nghị dân chúng im lặng. Lát sau tiếng ồn ào chấm dứt, sự tĩnh lặng bao phủ quảng trường. Hoàng đế lên tiếng, giọng khàn khàn của ông qua loa phóng thanh vang khắp nơi:
-Hôm nay là ngày quốc khánh của đất nước, ngày Phi Thiên chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng! Chúng ta tưởng nhớ tới những người lính đã ngã xuống để chấm dứt cuộc nội chiến, đưa đất nước sang một trang sử mới! Chúng ta đặt niềm kính trọng cho những người lính đã hy sinh vì nền độc lập quốc gia trong suốt hai trăm năm qua! Chúng ta vĩnh viễn không bao giờ được quên sự hiến thân cao cả của họ. Ta, Bạch Dương đệ thập – hoàng đế Phi Thiên, với tất cả lòng danh dự, lòng kiêu hãnh, lòng can đảm, xin thề rằng đất nước sẽ ngày càng lớn hơn, mạnh hơn nữa!
Một tràng pháo tay nổ ra như sấm rền. Vô Phong chẳng hơi đâu mà tán thưởng. Thứ nhất, bài diễn văn của hoàng đế năm nào cũng giống hệt nhau; thứ hai, hắn đang mải ngắm công chúa. Một điều quái lạ là suốt từ đầu đến giờ, công chúa không hề cười. Chán mớ đời những cô nàng suốt ngày làm mặt ngầu! – Vô Phong thầm nghĩ.
Lễ diễu hành bắt đầu bằng hàng trăm xe thiết giáp chậm rãi lăn bánh di chuyển trên con đường cẩm thạch. Binh lính tuốt trường kiếm bước đều theo hàng thẳng tắp. Những chiếc phi thuyền lừ lừ di chuyển như một đàn cá mập khổng lồ bơi trong không trung. Trước lực lượng biểu trưng này, tiếng reo hò vỗ tay cứ liên miên không dứt. Nửa tiếng sau, lễ diễu hành kết thúc, mọi người tràn ra khắp quảng trường để tham dự lễ hội. Từ trên cao, hàng triệu bông hoa giấy đủ màu sắc rơi xuống, lấp lóe trong nắng như ngàn vạn ngôi sao. Tiếng kèn túi xướng lên, đám đông bất kể trai gái già trẻ nắm tay nhau nhảy múa theo tiếng nhạc rộn rã. Người người tươi vui, riêng Vô Phong tập trung móc túi. Gã mon men đến gần một cô gái tóc vàng, miệng lẩm bẩm:
-Cô bé cứ hò hét to lên, to nữa vào!
Hắn cố tình đổ người vào cô gái khiến nàng loạng choạng suýt ngã. Vô Phong đỡ cô gái, cánh tay nhanh chóng lần túi áo ngực của nàng cuỗm ví tiền. Gã giấu cái ví rồi hỏi han vẻ sốt sắng:
-Xin lỗi! Cô không sao chứ? Đằng sau đẩy dữ quá!
-Không... không sao đâu... – Cô gái đáp.
-Vậy thì tốt!
Vô Phong cười toe toét. Nói xong hắn rời khỏi đám đông ngay lập tức, tránh chuyện lôi thôi phiền phức. Nhưng mới đi được chục bước chân thì đằng sau đã có tiếng la thất thanh:
-Cướp! Đứng lại, quân ăn cướp!
Vô Phong giật mình. Hắn quay lại thì thấy cô gái nọ xồng xộc chạy đến, mặt mày giận dữ tựa hung thần ác sát. Đến giờ này hắn mới để ý y phục của cô ta: áo dài tay màu trắng bạc, viền xanh dương, trên ngực đeo huy hiệu đôi cánh. Chết mẹ tôi! Là hộ vệ thánh sứ! Đụng vào chúng nó là mục xương trong tù! – Vô Phong chửi thầm đoạn vắt giò mà chạy. Mấy gã đàn ông khác thấy thế liền đuổi theo tên trộm để chứng tỏ bản lĩnh trước người đẹp. Quảng trường bỗng chốc hỗn loạn, đám nọ xô đám kia khiến một số người ngã nhào xuống đất. Vô Phong chạy qua quảng trường, lao người lên cầu vượt, hét thật to:
-Tất cả tránh ra! Mấy người tránh ra cho ta nhờ!
-Bắt lấy nó, quân ăn cướp!
Vô Phong chạy lên cầu bắt qua sông Vành Đai Xanh, theo sau là hàng chục người không ngừng gào thét. Cảnh tượng như thể một minh tinh màn bạc đang chạy trốn khỏi những người hâm mộ cuồng nhiệt. Dân chúng hiểu ra sự việc liền vây bắt Vô Phong. Hai đầu cầu lập tức bị chặn kín, hắn dừng chân đảo mắt tìm đường thoát, tình cảnh như cá nằm trên thớt. Cô gái nọ chạy tới nơi, thở hồng hộc lấy hơi rồi hét lớn:
-Trả tiền đây!
Vô Phong nhăn mặt, trả hay không cũng bị ăn đòn, sau đó là vài tháng du lịch trong tù. Hắn có thể chịu đòn nhưng không thể mất tự do. Mới nghĩ đến nhà tù, bóng dáng cảnh binh đã xuất hiện. Đám đông hai bên dồn lại quyết không để thứ ung nhọt xã hội chạy thoát. Lâm bước đường cùng, Vô Phong nhảy lên lan can. Tưởng hắn quẫn trí muốn tự tử, cô gái nọ hét toáng lên:
-Này, chớ làm bậy! Ngươi đứng yên đó cho ta!
Vô Phong cười lớn:
-Đợi lễ quốc khánh năm sau đi, cô bé à!
Vô Phong nhảy xuống. Cô gái nọ chỉ kịp quờ tay kéo rách áo của hắn. Gã rơi tùm xuống sông. Đám người trên cầu nhào ra nhưng chỉ thấy mặt nước sủi bọt. Cô gái hộ vệ thánh sứ nọ hò hét kêu mọi người tóm tên trộm nhưng vô ích. Vô Phong đã bơi ra xa, trèo lên bờ và lẩn vào dòng người tấp nập. Gã chạy ào ào với bộ dạng ướt lướt thớt và cười như điên. Vì quá vui, hắn không để ý áo bị rách vai lộ ra một chiếc quân hàm in mấy hàng chữ nhỏ:
Vô Phong
Đội phó Thổ Hành