Người Mẹ Trinh Trắng

Chương 11




Thấy thằng bé ngoan ngoãn ngồi trong lòng bác trai, tôi mới yên tâm đi tìm bác gái.

Tôi thấy bác gái đang hái rau ngoài vườn sau, bác ngồi xổm, mặc áo nâu và đội nón lá, bàn tay thoăn thoắt hái những lá ngải cứu. Từ ngày Trinh mất, bác gầy và già đi nhiều, nhìn cái dáng còm cõm làm việc mà tôi như đứt từng khúc ruột. Tôi cố gắng kéo ra một nụ cười tươi, chào bác một tiếng rồi cũng ngồi xuống giúp bác hái một ít.

Nghe tiếng tôi, bác gái ngẩng đầu, hơi đẩy cái nón lá lên cho tôi nhìn rõ làn da sạm màu của bác: “Ơ, Vân à con? Sang lúc nào?”

“Con mới sang thôi ạ! Cả cái Thúy bạn con nữa, nó mới về chơi nên con đưa nó sang đây chơi với nhà mình luôn.”

“À, Thúy, bác nhớ rồi. Nó sắp lấy chồng đấy phải không?” Bác dừng lại, nhìn tôi bằng đôi mắt ngời sáng.

“Vâng, sang tháng là nó ăn hỏi ạ!”

“Thế à? Tốt quá nhỉ, cứ phải có gia đình mới yên tâm được. Thế thằng Bo có sang không?”

“Có ạ, nó đang ngồi trên nhà với bác trai. Bác có làm gì nữa không để con giúp.”

Nghe tôi hỏi bác mới nhớ ra công việc mình đang làm, vội vàng xua tay, đẩy tôi đứng dậy: “Thôi, bác xong rồi. Đứng lên đi vào nhà không có nắng, để đầu trần thế này ra đây bao giờ. À, thế có ăn cà chua không? Bác lấy cho mang về mà ăn, mới chín, ngon lắm con ạ.”

“Thôi ạ! Bác trồng được mấy mà cứ cho con, nhà con vẫn còn.”

“Còn cũng lấy về mà ăn. Để bác ra lấy cho, cả Thúy nữa, cho nó mang lên Hà Nội biếu nhà chồng.” Bác cười vang.

“Vâng, thế cho con xin.”

Rồi bác đứng lên, cầm rổ đi nhanh ra vườn cà chua. Trước nay mẹ Trinh vẫn thế, rất tốt bụng và nhiệt tình. Vườn nhà bác trồng nhiều loại rau nên không cho tôi cái này thì lại cho cái khác, dần dần tôi cũng quen, coi gia đình Trinh như gia đình tôi, các em Trinh như các em tôi.

Cái ngày tôi ôm Đạt về làng, bị mọi người xì xào bàn tán là không chồng mà có con thì chỉ có mỗi mình mẹ Trinh là đến bên nắm tay tôi bảo: “Thôi con ạ, kệ người ta, cố gắng mà nuôi con cho tốt. Đều là con là cháu rứt ruột đẻ ra, bố mẹ con cũng chẳng nỡ đánh đuổi hay trách mắng gì đâu.” Chỉ vài câu thôi nhưng cũng đã đủ giúp tôi tiếp thêm nghị lực, vượt qua khó khăn.

Tôi giúp bác gái bê rổ cà chua lên nhà, Thúy vừa thấy thì đã reo lên như trẻ nhỏ: “Ôi! Nhiều cà chua thế ạ? Cho con một quả bác nhé, chắc ăn sống được nhỉ?”

Bác gái đặt rổ rau lên nắp bể, múc nước rửa tay rồi cười bảo: “Nhà bác trồng, sạch lắm, không phun thuốc gì đâu con, rửa cho hết bủi bẩn là ăn được. Mà bác cho hai đứa rổ cà chua ấy đấy!” 

“Thật ạ? Thế thì không còn gì bằng.” Mắt Thúy sáng rỡ, nhảy mấy bước ra bể nước rửa qua qua quả cà chua đỏ mọng rồi gặm ăn tại chỗ.

Tôi nhìn qua chỗ Bo, thấy nó đang ăn bánh ngon lành, không để ý đến ai. Tôi liền nhắc nhở: “Bo ơi, con chào bà chưa?”

Thằng bé ngẩng đầu khỏi cái bánh, cười tít mắt: “Con chào bà Tân.”

Bác gái lau lau đôi tay ướt vào áo rồi đi ra chỗ Đạt dang tay: “Cái thằng cún con của bà, ra đây bà xem nặng thêm được tí nào chưa?”

Bo tay cầm bánh, chạy đến ôm lấy cổ bác gái: “Bà ơi, mẹ bảo Bo là con heo béo, không phải cún đâu.”

Cả nhà bật cười, bác gái nhéo má nó bảo: “Chết rồi, heo béo là phải mang đi thịt đấy, Bo có sợ không?”

Thằng bé lắc đầu, chu cái miệng đỏ hồng giải thích: “Heo béo ở trong chuồng mới bị thịt, Bo không ở trong chuồng đâu.”

“Heo béo nào cũng bị thịt đấy Bo ạ!” Thúy trêu thằng bé.

Thằng bé nghĩ một lát, lại lắc đầu: “Bo không phải heo béo đâu.”

“Thế Bo là con gì?” Thúy lại hỏi.

Thằng bé quay sang nhìn tôi rồi đưa bàn tay lên chỉ: “Là con mẹ Vân.”

Tôi rất bất ngờ khi Bo nói ra câu ấy, còn hai bác thì lại được một trận cười. 

Thúy huých tôi: “Mày dạy nó đấy à?”

Tôi vênh mặt tự hào vì có đứa con thông minh tuyệt vời: “Tự nó nghĩ ra đấy chứ. Con trai tao thông minh thật, không biết giống ai mà lẻo mép thế cơ chứ?”

“Giống bố nó chứ ai.” 

Nghe câu trả lời của Thúy, tôi cứng người nhìn nó, hơi thở cũng khó nhọc, giống như tôi vừa bị một nhát dao đâm vào tim. Hình như Thúy cũng chỉ buột miệng, thấy tôi nhìn nó bằng ánh mắt kỳ lạ, nó mới ý thức được mình vừa nói gì, cúi đầu cắn môi. Không khí xung quanh cũng trở nên gượng gạo bất thường. May mà bác gái nhanh chóng phá tan không khí đó bằng một tiếng cười: “Giống ai cũng được, miễn cứ khỏe, ngoan là được rồi, Bo nhỉ?”

Tôi cũng cố làm ra vẻ tự nhiên, đến ngồi cạnh bác trai hỏi thăm: “Bác còn đau khớp chân nữa không ạ?”

“Cũng thỉnh thoảng, già rồi mà, đau xương khớp là bình thường.”

“Vâng, bố mẹ con cũng hay đau lúc trở trời.”

“À, thế thằng Tuyên nhà con thi trường gì?”

“Thi xây dựng ạ, cũng không biết thế nào. Cái Thủy nhà mình thi ngành ngoại giao đúng không ạ?”

Thằng Tuyên nhà tôi và Thủy – em Trinh học cùng lớp nên em trai tôi cũng hay nói chuyện về con bé. Con bé có vẻ cương quyết thi vào trường mà Trinh đã thi trượt. Dù không ai nói ra nhưng ai cũng nhận thấy Thủy đang muốn sống tiếp cuộc đời của Trinh, thực hiện những ước mơ mà Trinh còn đang dang dở. Ai cũng đau lòng nhưng không ai dám nói hay cấm cản vì đó là lựa chọn của con bé. Thủy rất giống Trinh nhưng mạnh mẽ hơn Trinh nhiều, mỗi khi nói chuyện với Thủy, tôi đều nhìn thấy hình ảnh của Trinh trong đó, cảm giác như Trinh đang nhìn tôi, nói chuyện với tôi thông qua Thủy vậy.

“Hai bác đang lo em Thủy thi trượt, trường đó cao điểm quá!” Bác trai đăm chiêu than thở.

“Không sao, cứ để em thử sức bác ạ! Nếu trượt thì còn nguyện vọng 2, còn năm sau. Hai bác đừng lo.”

Tôi cố gắng động viên hai bác, cố gắng không nhắc đến Trinh, cố gắng giữ mọi thứ thật tự nhiên, dù cho những cố gắng ấy đang khiến tôi kiệt sức dần. 

Hai bác nhiệt tình giữ chúng tôi lại ăn cơm trưa nhưng lại lỡ hẹn với bố mẹ tôi nên đành từ chối hẹn khi khác.

Thế là cả ba chúng tôi, hai lớn một nhỏ ôm hai túi cà chua, men theo con đường làng quanh co trở về nhà bố mẹ tôi. Trên đường, từng tốp học sinh mặc áo trắng đèo nhau trên xe đạp đùa nghịch, bây giờ là đúng giờ tan học buổi sáng, nhìn mấy đứa vui vẻ cười nói khiến tôi cũng vui lây. Tôi nhìn sang Thúy, nó cũng giống tôi, bị thu hút bởi đám học sinh ấy. Đôi mắt Thúy sáng ngời, có lẽ nó cùng suy nghĩ với tôi, muốn trở lại lúc còn đi học, được mặc bộ quần áo học sinh trắng tinh như thế. 

Thời còn đi học, hình như ai cũng ghét, ghét sáng nào cũng phải dậy sớm, ghét bộ quần áo đồng phục nhàm chán, ghét ngày nào cũng phải làm một núi bài tập mà chẳng được đi chơi, ghét kiểm tra, ghét bị điểm kém. Nhưng khi thời ấy qua đi rồi thì ai cũng ước được một lần quay trở lại. Ước có một ngày thức dậy mọi thứ lại trở về như cũ, lại được mặc chiếc áo đồng phục trắng tinh và cắp sách đến trường, được hòa vào những trò đùa rất học sinh hay những mối tình ngây thơ ngốc nghếch. Một khi đã trưởng thành rồi, người ta mới biết cái thời học sinh ấy đáng quý đến mức nào, có thể chúng ta bị bố mẹ mắng mỏ vì việc này việc khác, bị thầy cô trách phạt vì lười học, có thể bị điểm kém, nhưng tất cả những điều ấy chẳng là gì khi phải đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt ngoài kia, sẽ không đơn giản là mắng mỏ hay trách phạt. Để một ngày khi ngẫm nghĩ lại sẽ thấy tất cả những gì chúng ta ghét thời đi học sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp đẽ nhất, giống như tôi, ước lại được ngồi trong lớp nghe tiếng thầy cô, ước lại được chụm đầu so đáp án bài kiểm tra với bạn bè, ước lại được nghe tiếng trống trường rộn vang.

“Vân ơi, tao muốn học lại cấp 3 quá!” Thúy lay lay tay tôi nói.

“Ừ, tao cũng thế, vui nhỉ? Hồi đấy mỗi lần tan học là tao với Trinh lại phải tránh mấy cái đuôi của nó đấy, bám chặt khiếp lên được.”

Thúy bật cười: “Thế à? Ai bảo nó xinh quá làm gì, mày còn bị mệt lây nữa chứ.”

Tôi cũng cười: “Hồi đấy tao cũng nói nó thế. Tao còn bảo nó là đi học thì chát bùn lên mặt cho bớt xinh đi.”

“Haha. Nó mà ở đây thì thế nào cũng bảo bọn mình ghen tỵ với nhan sắc của nó cho mà xem.”

“Ừ, chắc chắn thế.”

Tôi không cảm thấy mất tự nhiên vì Thúy vẫn thường nhắc đến Trinh khi chỉ có hai chúng tôi. Thúy khiến tôi có cảm giác rằng Trinh chưa bao giờ đi xa khỏi chúng tôi, nó vẫn ở đây, ngay bên cạnh. Ngay cả lúc này, tôi cũng có cảm giác Trinh đang thật gần, có thể đang khoác tay tôi và Thúy, nghiêng đầu mỉm cười thật tươi như nó vẫn thường làm khi chúng tôi đùa nhau. Gọi đó là ảo giác cũng được, tưởng tượng cũng được, dối lòng cũng được, Trinh vẫn sống trong tôi.