Nhật Ký Quan Sát Võ Tướng

Quyển 3 - Chương 30: Hắc điêu cừu Võ Thần săn hoang mạc…




(Giải thích tựa chương: Áo lông chồn, Võ Thần đi săn trên hoang mạc…)

Buổi tối hôm đó ngoài trời nổi gió, trời Tây Bắc bắt đầu lạnh dần. Võ tướng được Kỳ Lân phái ra ngoài làm nhiệm vụ đều đã trở về, trong Hầu phủ không khí rất phấn khởi.

Điêu Thiền đích thân đi trông coi hạ nhân làm nhiều món ngon bày đầy mâm, Lã Bố ngồi sau hai cái bàn thấp trong sảnh, Ôn Hầu và phu nhân ngồi cùng bàn.

Bàn đầu tiên bên trái là chỗ của Kỳ Lân, tiếp đó là Trần Cung, dưới Trần Cung còn một bàn trống dành riêng cho Giả Hủ.

Bên phải là bàn của ba vị võ tướng Cao Thuận, Trương Liêu, Cam Ninh.

Điêu Thiền mặc áo lụa đen thêu chỉ vàng đi vào, khiến cả căn phòng như tỏa sáng, mọi người cũng được dịp chiêm ngưỡng, Điêu Thiền ngồi vào chỗ, thấy vẻ mặt Lã Bố không vui nên cười nói: “Các vị tướng quân đều quay về cả rồi, mấy hôm nay các vị phải bôn ba vất vả.”

Mấy người ở đây đều bảo sao nghe vậy nhưng không ai động đũa.

Lã Bố gằn giọng: “Quân sư đâu? Cả Cam Hưng Bá nữa?”

Trần Cung cười đáp: “Đang ở trong phủ của ta, vừa rồi xưởng sắt giao bếp lò, Kỳ Lân bảo ta cứ đi trước, chắc là hắn quên rồi.”

Trương Liêu nói: “Vậy thì đi giục hắn sang đây.”

Lã Bố ‘ừ’, “Đi mời quân sư đi, còn Cam Ninh không đến thì kệ hắn.”

Trương Liêu đứng dậy đi ra ngoài, Trần Cung nghe Cao Thuận thuận miệng kể lại mấy chuyện vụn vặt trong chuyến đi vừa rồi, Điêu Thiền ngồi nghe cũng che miệng cười.

Lát sau, Trương Liêu quay lại: “Quân sư và Cam tướng quân đều đang ở bên đó, Cam tướng quân kéo ống bể, quân sư luyện quặng, nói không cần chờ hai người bọn họ đâu, mời chủ công cứ uống trước.”

Đôi mắt xinh đẹp của Điêu Thiền nhìn qua một vòng, hòa nhã nói: “Như thế cũng được, các vị tướng quân xin đường khách sáo.” Điêu Thiền nâng tay áo, gắp cho Lã Bố một đũa rau, lại nâng chung định kính rượu.

Lã Bố đang im lặng đột nhiên nổi nóng: “Muốn gì đây! Đi một lần nữa, bảo hắn lập tức lại đây!”

Điêu Thiền: “…”

Chúng tướng đều chẳng hiểu ra làm sao, không biết tại sao Lã Bố lại nổi giận đùng đùng như vậy, dưới quyền Lã Bố đều không nặng quy củ lễ tiết, đánh mắng riết quen, khi dùng cơm tối có người không đến cũng là chuyện bình thường.

Cao Thuận thấy tình huống không đúng, đành tự mình lên tiếng: “Mạt tướng đi.”

Mặt mày Lã Bố vẫn hầm hầm, lúc Cao Thuận quay về, Kỳ Lân và Cam Ninh cũng theo tới.

“Con bà nó—” Cam Ninh chưa thấy người đã nghe tiếng.

“Không có một chút quy củ!” Lã Bố cả giận.

Cam Ninh hoảng hồn, không dám nói lung tung nữa, vội ngồi vào chỗ mình, Kỳ Lân mặt mũi toàn lọ nghẹ, đen thui như vừa chui ra khỏi hầm than: “Đã nói là bận rồi, còn kêu nữa.”

Trong khi Điêu Thiền hai tay trắng như ngọc, cười nói khéo léo: “Quân sư không đến, Hầu gia ăn không ngon.”

Kỳ Lân lọ lem lọ lĩnh, cảm thấy có hơi xấu hổ, kéo tay áo lau mặt, nói: “Vậy mọi người ăn đi.”

Thế này Lã Bố mới hài lòng hừ mũi, nâng chén: “Đây là rượu Hầu gia và quân sư nấu ra, mọi người nếm thử đi.”

Chúng tướng không khỏi âm thầm lấy làm buồn cười, nâng chén uống thử, nháy mắt ai nấy đều tỏ vẻ ngạc nhiên.

Cam Ninh lên tiếng trước tiên: “Ngươi bỏ thêm cái gì vào thế, rượu lâu năm của đất Thục cũng không thơm thế này đâu.’

Cao Thuận hỏi: “Đây là rượu gì?! Đây là rượu ta ngửi ở trước hầm rượu đấy à?!”

Kỳ Lân ung dung cười nói: “Chủ công nói, thay vì chưng cách thủy đổi sang lọc bằng nhiệt, rồi lại lọc thêm lần nữa, rượu sẽ tinh khiết hơn cũng mạnh hơn, mọi người kiềm chế, đừng uống nhiều quá, nhất là chủ công, tiểu tâm can(1).”

Lã Bố: “Gọi ai tiểu tâm can?”

Người nói vô tình người nghe hữu ý, Kỳ Lân khoát tay áo, tức đen mặt.

Dư âm của ba chữ thân mật ‘Tiểu tâm can’ tồn tại thật lâu trong lòng Lã Bố, hắn cảm thấy vui vẻ trở lại, nói: “Không sai, ba mươi vạc rượu, nấu ra được mười hai vò, lát nữa mỗi người lấy một vò đem về uống.”

Kỳ Lân tiếp lời: “Vẫn còn thiếu một lần lọc nữa, lần sau lại làm, các vị vất vả, chúc mừng các vị ca ca đã về.”

Mọi người vội vàng đáp lễ, luôn miệng nói không dám không dám, tận trung vì chủ là việc nên làm, không khí tiệc rượu càng thân mật hơn.

Qua ba tuần rượu, Kỳ Lân chỉ uống nửa chén không rót thêm, Lã Bố cũng không ép, cảm thấy cả người cũng lâng lâng, nhìn ra ngoài sân nói: “Mùa Đông sắp đến rồi, mấy ngày nữa lên thảo nguyên săn mồi, trong các ngươi ai đi với ta?”

Trần Cung suy nghĩ đáp: “Ta không đi được, trong thành phải phái binh sĩ đi chuẩn bị củi lửa cho mùa Đông, kiểm tra nhà ở của dân chúng một lần, coi có chỗ nào dột hay hở cần tu sửa, việc này không thể chần chờ được.”

Cao Thuận và Trương Liêu, Cam Ninh cũng có công tác, lát sau Kỳ lân nói: “Đợi ta xác định vị trí của quặng mỏ xong rồi ta đi với Phụng Tiên.”

Cao Thuận cười: “Mỗi ngày ngươi đều ở trong thành nhưng lại nhiều việc nhất, cũng nên đi ra ngoài giải sầu một chút.”

Trong phòng đặt một chậu than cháy rực, rất ấm áp, đột nhiên Lã Bố hỏi: “Hai con gà ngươi còn nuôi không?”

Kỳ Lân đang nhai, chợt ngẩng đầu.

Kỳ Lân: “…”

Lã Bố: “?”

Kỳ Lân la làng la xóm: “Toi rồi! Ta quên rồi!” Dứt lời ngậm đũa chạy ra ngoài sân, Lã Bố quát: “Mơ màng cái gì? Quay lại đây!”

Kỳ Lân mặc kệ Lã Bố, ra chuồng ngựa kiếm cả buổi mới hỏi: “Gà của ta đâu–?!”

Lã Bố: “Vào đây vào đây!” Dứt lời, giơ chân kéo ra cái thùng gỗ dưới bàn dài, bên trong có tiếng kêu chíp chíp, gà con ló đầu ra nhìn, Lã Bố xé một miếng bánh nhỏ thả vào trong thùng, hai con gà rụt đầu vào tranh nhau mổ.

Kỳ Lân thở phào nhưng vẫn không yên tâm, đến gần xem thử: “Mười ngày chưa ăn gì, may mà không chết đói.”

Lã Bố dở cười dở khóc: “Ngươi cho rằng mấy con gà này lằm bằng sắt à! Ta giúp ngươi cho ăn mỗi ngày đấy, vốn muốn hỏi ngươi còn nuôi hay không, không thì đem vứt.”

Kỳ Lân ngại ngùng le lưỡi cười cười, về chỗ ăn cơm, mọi người cũng cười đến sặc rượu.

Kỳ Lân nói: “Nuôi chứ, một con của Văn Viễn, một con của ta.”

Lã Bố trêu: “Con của Văn Viễn để lại, con của ngươi đem vặt lông hầm canh đi.”

“Không được! Ngươi động vào nó thử xem!” Kỳ Lân thoáng cái nổi xung, chúng tướng càng cười đến đau bụng.

Đêm đó, mọi người đều uống say đến không biết gì, mạnh ai nấy về nhà, sau khi tan tiệc, Lã Bố khoác áo ngoài đứng trong sân sau một lúc lâu nhưng không thấy Kỳ Lân, liền đi đến phủ của Trần Cung.

Trong sân nhà Trần Cung, hai tên tiểu binh đang kéo ống bể, Kỳ Lân nương theo ánh đèn cẩn thận quan sát chất lỏng trong chén gốm, trên mặt thép lỏng nổi lên một lớp tro đen, giống như nham thạch nóng chảy.

“Đem đèn lại đây.” Kỳ Lân phân phó: “Các ngươi kéo bể chưa đủ mạnh, kéo mạnh lên một chút, ăn tối cả chưa?”

Thấy tiểu binh ướt mồ hôi, Kỳ Lân nói: “Thôi, đi gọi một người biết võ đến đây, xem xem Trương Liêu ngủ hay còn thức.”

“Ta làm cho.” Lã Bố tỉnh rượu gần nửa, đuổi hai tiểu binh ra, đến ngồi xuống.

Kỳ Lân bảo: “Ngươi kiềm chế chút, đừng có đem ống bể đẩy luôn vào trong lò đấy…”

Lã Bố cởi áo khoác, cười nói: “Yên tâm đi, lúc còn ở Cửu Nguyên, ta thường giúp cậu ta kéo cái này.”

Kỳ Lân dùng đồ gắp than gắp một miếng kim loại đặt vào trong lò: “Đốt mấy khối này đi, rồi, cố lên.”

Lã Bố cuồn cuộn cơ bắp, gân xanh trên bàn tay gồ lên, trầm giọng lấy sức, bất ngờ đẩy ống bể một cái, lại dồn lực kéo về sau, lửa xanh cao ba thước bùng lên trong lò, ồ ồ thổi ra.

“Chủ công uy vũ!” Kỳ Lân cười cổ vũ.

Lã Bố dường như có sức dùng không hết, Kỳ Lân ngồi ngoài cửa phòng nghiêm túc nhìn hắn.

Trước bếp lửa, Lã Bố như Chúc Dung(2) từ viễn cổ tái sinh.

Trán mướt mồ hôi, dọc theo gò má góc cạnh khí khái nhỏ giọt xuống cổ, lướt qua lồng ngực tinh tráng, cơ bắp toàn thân tràn ngập cảm giác mạnh mẽ và mỹ cảm.

Bờ vai dày rộng, tấm lưng cường tráng như dãy núi hùng vĩ, sâu trong ánh mắt là ngọn lửa đang hừng hực thiêu đốt.

Ngoài sân vắng lặng chất từng đống từng đống khoáng thạch giống như phế tích dưới ánh trăng, chỉ có Lã Bố đang ra sức làm việc và Kỳ Lân nhìn hắn xuất thần.

Quay về với trước đây, gió đại mạc thổi ngược về quá khứ, đang cháy hừng hực trong lò luyện chính là ngọn lửa khai thiên lập địa, Lã Bố chính là Hỏa thần sáng thế nung nấu hết thảy, xuất chúng, tự tin, bá đạo, ngang tàng, tuấn mỹ khôn cùng. Bất giác khiến người ta phải nín lặng.

“Được chưa?” Lã Bố hỏi.

Một khắc đó, trong lòng Kỳ Lân cuộn trào một thứ tình cảm không giải thích được, tim như bị xiết chặt đau đớn.

“Tại sao việc đầu tiên của thượng cổ thần thú và thần khí sau khi có tu vi là phải hóa thân thành người?”

“Bởi vì loài người có tình cảm phong phú, làm người rồi trải qua một chuyến lữ trình muôn màu muôn vẻ ở nhân gian, cảm giác rất khó tả.”

“Tình yêu sinh ra trong suy nghĩ của con, nhưng mà, khi con nhung nhớ một người, nó sẽ trực tiếp níu chặt lấy tim con, làm nó đau ê ẩm, cảm giác kỳ diệu không nói nên lời, đồ tôn ngoan, khi con hóa thân làm người, con sẽ dễ dàng quên con vốn là ai. Dùng đôi mắt của loài người để quan sát, kiềm chế hết thảy tiên thuật, giống như ngàn vạn người trên thế gian dùng đôi tay này lần mò, đụng chạm đến mọi thứ.”

“Tiểu Hắc?” Lã Bố nghi hoặc gọi lần nữa.

Kỳ Lân lấy lại tinh thần, cười nói: “Sao tự nhiên gọi ta Tiểu Hắc vậy… Không sao, ta chỉ vừa nghĩ đến lời nói của Thái sư phụ nên bất chợt ngẩn người, để ta xem xem được chưa?”

Kỳ Lân lấy cái chén rỗng, rót thép lỏng trong lò ra, đặt dưới ngọn đèn quan sát.

“Bỏng, coi chừng cái tay.” Lã Bố nói.

Kỳ Lân gật gật đầu, lại nghe Lã Bố lên tiếng: “Ngươi muốn làm gì, để ta làm cho.”

Thép lỏng trong chén bắn tung tóe, dần dần mới lặng xuống, Lã Bố dùng cái khoan sắt đẩy mặt trên ra, lấy ra một ít lớp mỏng vừa đông trên mặt.

Kỳ Lân đem cân tiểu ly tự chế đến, một bên dùng hai lượng bạc nhỏ làm quả cân, đầu tiên cân lớp thép vừa đông, rồi cân tiếp chén thép lỏng.

Lã Bố hỏi: “Trong sư môn gọi ngươi là Tiểu Hắc phải không, mọi thứ đều do Thái sư phụ của ngươi dạy à?”

Kỳ Lân cười: “Sư phụ dạy võ, mấy thứ còn lại là Thái sư phụ dạy, cái gì hắn cũng biết, tinh thông mọi thứ luôn.”

Lã Bố nói chơi: “Tám phần là trước đây ngươi chưa từng làm việc nặng.”

Kỳ Lân thản nhiên đáp: “Chưa, việc nặng nhất là giúp Thái sư phụ nấu cơm…”

Lã Bố: “Trông ngươi da mỏng thịt mềm thế kia, chắc là được cưng chiều lắm đây.”

Kỳ Lâm ghi lại hàm lượng thép lỏng, lại so với tỉ lệ khoáng thạch, thờ ơ nói: “Ừ, trong sư môn, ta là nhỏ nhất, mọi người đều thương, đến đây rồi ngày nào cũng bị ngươi đem ra trút giận, ngươi đối xử tốt với ta một chút đi.”

Lã Bố lại nghiêm túc nghe, rồi nói: “Hầu gia có số vất vả, trong nhà không có em út, có khi hơi dữ dằn, ngươi nói cũng phải, ta tự biết mình sai rồi, ngươi tuyệt đối đừng… đừng để trong lòng…”

Chẳng qua Kỳ Lân chỉ thuận miệng trêu, Lã Bố trả lời như vậy, khiến Kỳ Lân không khỏi đỏ mặt, hai người nhìn nhau không nói gì, lát sau Lã Bố đột nhiên thấy xấu hổ, nói lảng sang chuyện khác: “Giờ thế nào?”

Kỳ Lân đáp: “Đủ rồi, không cần nấu nữa, nhờ ngươi đấy.”

“Quặng ở những nơi này.” Kỳ Lân lấy bút chỉ vào mấy chỗ trên bản đồ, rồi lại vẽ một đường cong ngay giữa bản đồ: “Vài ngày tới để Cao đại ca phái người đi khai thác, sau này cứ như thế, nếu ta tính không sai, trước mùa Xuân sang năm có thể chở về ít nhất cũng mười vạn cân khoáng thạch…”

Lã Bố choáng.

Kỳ Lân cười nói: “Thế nào? Bản đồ này ngươi cầm về cất kỹ, đây là cơ mật, về ngủ thôi.”

Lã Bố hơi hoảng, nhận bản đồ, Kỳ Lân nhảy lên bám trên lưng Lã Bố, dặn dò thân binh: “Nhớ tắt bếp lò, chúng ta đi thôi!

Thế là lớn cõng nhỏ, lắc lư lắc lư dọc theo phố về ngủ, Kỳ Lân tính nhẩm: “Ít nhất tám mươi vạn cân sắt, nếu một cân thép luyện bán được hai lượng tám bạc trắng… Sau khi Trung Nguyên khai chiến có khi giá lại tăng lên nữa, khấu trừ hao tổn… Bán sắt, bán rượu nho, bán cả rượu cao lương… A! Linh Bảo Thiên Tôn chứng giám! Chúng ta sắp giàu rồi!”

Dọc đường đi, Lã Bố không nói đến nửa câu, cảm thấy trên mặt nóng hổi, không biết do rượu chưa tan hết hay do bị Kỳ Lân ôm cổ.

“Ngươi không vui à?” Đột nhiên Kỳ Lân hỏi.

Lã Bố nói: “Vui chứ, tại không biết nói gì thôi, khó trách Tào Mạnh Đức tìm mọi cách để mời ngươi về, cả Tôn Bá Phù, haizz…”

Kỳ Lân lại cười, nằm trên lưng Lã Bố, mặc hắn cõng mình về nhà.

Lã Bố: “Về nhà chuẩn bị đi, sáng sớm mai khởi hành, đem ngươi đi săn thú.”

Đôi mắt Kỳ Lân xẹt qua ánh sáng vàng óng ánh, không để ý Lã Bố nói gì, về phủ cũng chỉ lo tính xem sắp tới có thể kiếm được bao nhiêu vàng. Bỗng nhiên phát hiện trên bàn có tờ giấy.

Đồ đệ à:

Bí tịch khuê phòng của Thái sư phụ con, quyển ‘Long Dương Thật bát thức’ do Long Dương quân tổng kết ra đấy, hình như bị lẫn trong đống sách nghiên cứu kỹ thuật rồi quăng cả vào trong đường hầm thời không, Thái sư phụ con đang kiếm kia kìa, may là hắn còn chưa hỏi đến vi sư.

Nếu có thấy sách, nhanh chóng đốt về, không thể chờ lâu.

—–tai vạ sắp đổ lên đầu: Sư phụ

Kỳ Lân: “…”

‘Long Dương thập bát thức’ đã tặng cho Cam Ninh rồi, không lấy lại được, làm sao bây giờ?

Kỳ Lân mấp máy khóe môi, lát sau đặt bút viết hồi âm:

Sư phụ thân ái:

Con vô cùng đồng cảm với cảnh ngộ của người, nhưng mà hiện giờ không có thấy quyển đó, con hy vọng mấy cái hình trên đó người đã thuộc hết rồi.

Hoặc là đợi sau khi bình định Tam quốc xong, con sẽ bảo Cam Ninh vẽ rồi đốt cho hai người, sẵn yêu cầu hắn vẽ một ít động tác có độ khó cao chút, con tin tưởng kỹ thuật của hắn không thua kém Long Dương quân lắm đâu.

Tin cả vào sách không bằng không có sách, xin sư phụ cứ can đảm bỏ qua hết mấy thứ đã học trong sách đi, sáng tạo tư thế mới làm tăng vốn riêng!

Chúc hai người trong thực hành luôn… không ngừng tiến bộ!

Vĩnh viễn yêu người: Đồ đệ tiểu Hắc.

Sáng sớm hôm sau, canh năm, trời còn chưa tỏ.

“Đi gọi quân sư dậy!” Lã Bố đã bắt đầu ồn ào ở ngoài.

Vài thân binh đi vào, Kỳ Lân còn trùm chăn, quấn thành một cục, ngủ không biết trời đất, bị đám thân binh ba chân bốn cẳng đỡ dậy, đội cho cái mũ da dày, mặc áo khoác, bên ngoài lại trùm thêm áo choàng lông cừu.

Kỳ Lân: “?”

“Nhanh lên nhanh lên!” Tiếng của Lã Bố vang vọng, bên ngoài rối loạn, gấp rút như đang chạy nạn.

Kỳ Lân hé mắt nhìn xung quanh, bị Lã Bố đặt ngồi lên Xích Thố, nhưng vừa buông tay Kỳ Lân liền nghiêng qua một bên, từ từ ngã xuống, Lã Bố vội giữ hắn ngồi ngay ngắn lại, xoay người lên ngựa, ngồi phía sau Kỳ Lân.

“Đi!” Lã Bố lệnh.

Kỳ Lân vẫn không biết chuyện gì đang xảy ra, Lã Bố đã run cương đưa hắn ra khỏi phủ, Kỳ Lân hắt hơi một cái: “Trời còn chưa sáng nữa, khởi hành sớm vậy làm gì?!”

Lã Bố vừa lòng thỏa ý, tinh thần phấn chấn quát: “Giá! Các huynh đệ! Dậy cả đi! Theo Hầu gia đi săn thú!”

Lã Bố đội mũ lông chồn, mặc đồ đi săn, bên ngoài mặc thêm áo lông chồn đen không tay, lộ ra cánh tay mạnh mẽ, đúng là chả sợ lạnh gì cả. Lưng mang cự cung, hông đeo trường đao. Sáng sớm tiết trời hơi lạnh, mỗi lần thở ra hơi thở đều kết thành sương trắng.

Lã Bố giục ngựa đi ba vòng quanh quân doanh, trong doanh ầm ầm như sấm, mọi người thức dậy thay quần áo lên ngựa, như đi trẩy hội.

“Ngươi…” Kỳ Lân dở khóc dở cười, Lã Bố còn giục ngựa phi nước đại, xốc quá trời xốc.

Kỳ Lân coi như chân chính hiểu rồi: “Ngươi chưa tuyển người đi săn luôn hả?”

Lã Bố cười sang sảng: “Ai muốn đi! Thì mau đi theo! Mang đồ gọn nhẹ! Ngựa khỏe! Trường cung! Phàm là con cháu quân Tịnh Châu ta đều phải đuổi kịp! Hầu gia và quân sư đi trước!”

“Giá–!” Lã Bố quay đầu ngựa, hai người một ngựa cứ thế băng băng ra khỏi thành trong nắng sớm.

Sau lưng, gần ba bốn ngàn người đuổi theo, binh sĩ lớn tiếng ồn ào nhưng lại ngay ngắn có thứ tự, trong phút chốc chúng mã lao nhanh, tiếng vó như nhịp trống, theo sau Lã Bố rời thành, nhìn vạt nắng ban mai đi về phía Đông, xông thẳng đến đại thảo nguyên thuộc Tây Bắc của Tịnh Châu.

——————————-

Chú thích:
  1. Tiểu tâm can vừa có nghĩa cục cưng vừa có nghĩa coi chừng hại gan.
  2. Hỏa thần Chúc Dung