Nửa Đời Thanh Tình

Chương 55: Tuyết hóa trong lòng




Trích dẫn: Dù ngôn ngữ trên thế gian kì diệu đến cỡ nào, nhưng trên một mặt nào đó của tình cảm, là những thứ yếu ớt không sức mạnh nhất.

Dù hành động trên thế gian nhỏ bé đến cỡ nào, nhưng trên một mặt nào đó của tình cảm, là những hành động đáng tin cậy nhất.

Sau khi trở về từ Hoàng lăng, Thập Tam A Ca Dận Tường mời Vân Yên đưa Hoằng Huy đến phủ mình chơi, dưới sự nhõng nhẽo nũng nịu không ngừng của tiểu Hoằng Huy, Dận Chân đành phải đồng ý cho đi nửa ngày, sau khi Thập Tam xử lí xong công vụ.

Khuôn mặt nhỏ bé của Hoằng Huy đỏ bừng vì vui mừng, lay lay Thập Tam thúc không buông. Dận Tường cũng thân mật ôm Hoằng Huy không rời tay, chú cháu hai người này quả thật rất thân thiết.

Vân Yên đứng ở xa nhìn hai chú cháu họ, chân chính cảm nhận được niềm vui đơn thuần đẹp đẽ giữa máu mủ ruột già trong gia đình bình thường. Dận Tường và Hoằng Huy, đều vô cùng vô cùng đẹp. Nàng thật sự hi vọng sự tốt đẹp này kéo dài mãi mãi.

Dận Tường đưa Hoằng Huy đến hậu viện thư phòng chơi đu, Hoằng Huy cười đùa vui vẻ đến chảy nước mắt, hưng phấn kêu to không ngừng. Vân Yên và Hoan Sênh đứng bên cạnh hầu hạ mỉm cười.

Hoằng Huy trề môi hét:

- Vân Yên, Vân Yên tới đây

Dận Tường từ từ cho dây đu ngừng lại, cũng quay đầu nhìn Vân Yên mỉm cười.

Vân Yên bước lên phía trước:

- A ca làm sao vậy?

Hoằng Huy túm lấy vạt áo Vân Yên, cười:

- Vân Yên lên đây chơi cùng ta đi

Vân Yên sửng sốt, hồi bé nàng có chơi xích đu, nhưng cũng đã là chuyện của mười mấy năm trước rồi.

- Vân Yên, ngươi ngồi lên ôm Hoằng Huy đi, để ta đẩy cho hai người.

Dận Tường đứng bên cạnh nói thêm vào, cười thúc giục Vân Yên ngồi lên.

Vân Yên có phần sợ hãi, để cho Thập Tam A Ca đẩy dây đu cũng không hay lắm. Nhưng bất đắc dĩ bị một lớn một nhỏ kéo lên ghế đu, tiểu Hoằng Huy giống như con bạch tuộc bám chặt vào người Vân Yên, ôm chặt nàng. Dận Tường bảo Vân Yên nắm chắc dây thừng của bàn đu, bắt đầu chậm rãi đẩy dây đu lên.

Chiếc bàn đu càng lúc càng cao, mái tóc Vân Yên tung bay trong không trung, tiểu Hoằng Huy trong lồng ngực hưng phấn kêu lên vui vẻ. Hoan Sênh đứng bên dưới vỗ tay cổ vũ. Khuôn mặt tươi cười xán lạn của Dận Tường chợt gần gần xa, đôi mắt màu hổ phách sáng long lanh, khuôn mặt tuấn tú, một thiếu niên vừa tràn đầy sức sống vừa xinh đẹp.

Trước đây, lần duy nhất nàng ngồi xích đu là khi còn nhỏ, khi đó được ba đẩy dây đu, sau này khi ba qua đời, không còn ai đẩy xích đu cho nàng chơi nữa. Còn nhớ mang máng hồi ấy nàng cũng vui vẻ giống như Hoằng Huy bây giờ. Quay về thời gian ba trăm năm trước, lần thứ hai được chơi đu dây, nhưng lại là một cậu thiếu niên xinh đẹp, là một cậu nhóc trong sáng đang tươi cười vui vẻ trước mắt nàng

Dây đu dần dần ngừng lại, Vân Yên cúi đầu dùng khăn bông nhẹ nhàng lau mồ hôi trên trán cho tiểu Hoằng Huy, cậu nhóc hồn nhiên mỉm cười với Vân Yên, hai khuôn mặt nhỏ nhắn giống như trái táo đỏ.

- Còn ta nữa này.

Dận Tường học tư thế của tiểu Hoằng Huy, khom người xuống, chỉ vào cái trán của mình.

Vân Yên sững sờ, không nhịn được bật cười, cúi đầu đưa cái khăn cho tiểu Hoằng Huy.

- A ca lau cho thúc thúc a ca nào.

Hoằng Huy vô cùng đáng yêu dùng bàn tay nhỏ xíu mập mạp cầm chiếc khăn lên lau mồ hôi cho Dận Tường:

- Thập Tam thúc khổ cực, chờ Hoằng Huy lớn lên, Hoằng Huy cũng đẩy dây đu cho Thập Tam thúc chơi.

Giọng nói bập bẹ vừa trẻ con lại vừa nghiêm túc, khiến cho mấy người Vân Yên và Dận Tường, Hoan Sênh phải ngửa đầu cười to.

Khi Dận Chân đến, Dận Tường nói lại những lời này cho chàng nghe. Mặc dù Dận Chân bình tĩnh hơn người, nhưng cũng nhếch khóe môi mỉm cười.

Một năm trôi qua cực kì nhanh, tuyết rơi xuống cũng sắp tới một năm nữa.

Vĩnh dạ lậu phương trung, quỳnh dao sái bán không.

Khí xâm thư hoảng lãnh, quang thiểm chúc hoa hồng.

Hưng hiệp trương cầm hảo, tâm thanh đắc cú công.

Cật triêu cung tỉnh hậu, phi phất ngọc giai phong. (1)

Dận Chân vẫn thích sao chép kinh văn và làm thơ trong đêm tuyết, cũng có khi, chỉ cầm Phật châu trong tay, tĩnh tọa.

Vân Yên lấy lò sưởi trong phòng đặt dưới chân chàng, pha một bình trà thơm nóng, yên tĩnh đứng bên

Có lúc, vào ban ngày, Vân Yên quét tuyết trong sân Tứ Nghi Đường, Dận Chân cũng sẽ đứng bên cạnh nhìn.

Có lúc, buổi tối Dận Chân đến hậu viện, một mình Vân Yên nằm trên chiếc giường nhỏ nghe âm thanh tuyết rơi, đọc một quyển kinh thư. Đời người thật ra rất đơn giản, cứ trôi qua như vậy cũng rất tốt.

Tuyết rơi xuống, hóa trong lòng.

Tháng giêng năm mới vừa qua, tháng hai năm Khang Hi thứ bốn mươi mốt, Khang Hi mang theo Thái Tử, Tứ gia, Thập Tam A Ca tới núi Ngũ Đài tuần du.

Núi Ngũ Đài nằm ở Sơn Tây, là nơi tu luyện (đạo tràng) của Văn Thù Bồ Tát, còn có tên là Kim Ngũ Đài, đứng đầu bốn thánh địa Phật Giáo. Cùng với núi Phổ Đà, núi Hoa Sơn, núi Nga Mi được xưng là Tứ đại Phật giáo danh sơn.

Khang Hi vô cùng thích núi Ngũ Đài, không chỉ hay đến núi Ngũ Đài, mà mỗi lần đến còn đề thơ trên bia, dường như là hoàng đế để lại nhiều thơ văn nhất trên bia đá.

Còn luận về trình độ Phật giáo, Dận Chân không nghi ngờ gì là người có hiểu biết sâu sắc nhất trong các con của Khang Hi. Lần du tuần đến núi Ngũ Đài này, đưa Dận Chân đi cùng quả là rất thích hợp

Quãng đường không gần, phải đi mất mấy ngày đường, có lẽ vì là đầu xuân, nên “Liễu dương lùa gió thổi hơi xuân (2)” (Gió đông thổi vào mặt nhưng không lạnh)

Thời tiết rất đẹp, hơi thở thanh thoát của ngày xuân lặng lẽ đi tới, càng đến gần núi rừng, hơi lạnh càng rõ ràng.

Vì sợ Dận Chân vào núi sẽ bị lạnh, Vân Yên lúc thu dọn hành trang đã mang theo rất nhiều quần áo dày. Khi Dận Chân ngồi trong xe ngựa đọc sách, Vân Yên sẽ phủ một tấm thảm mỏng lên đầu gối chàng.

Đoàn xe đi rất nhanh, càng đến gần vùng núi càng xóc nảy nên đi lại khá vất vả. Thỉnh thoảng, Vân Yên vô tình ngủ gật trong xe ngựa, Dận Chân sẽ nhẹ nhàng xoa lên đôi lông mày của nàng, đắp tấm thảm mỏng trên người mình lên cho nàng, lẳng lặng chăm chú nhìn nàng một hồi lâu.

Vân Yên khi tỉnh lại phát hiện ra tấm thảm trên người mình, lúng túng đắp lại cho Dận Chân, lên dây cót tinh thần không dám ngủ gật nữa.

Khi đến núi Ngũ Đài, nhận ra còn lạnh hơn so với tưởng tượng của mình. Mặc dù Vân Yên biết những người đến đây ai ai cũng nói núi Ngũ Đài đẹp, nhưng khi nhìn thấy tận mắt vẫn bị chấn động bởi khí thế hào hùng của nó. Trước đây mỗi ngày phải nuôi gia đình sống tạm qua ngày, muốn ra ngoài du lịch đâu đó là hi vọng xa vời, nàng không có thời gian cũng có tiền bạc. Bây giờ theo hầu Dận Chân được phải đi khắp nơi, ngược lại còn được mở rộng tầm mắt.

Dận Chân nói với Vân Yên:

- Văn Thù Bồ Tát núi Ngũ Đài có năm trí tuệ: Đại Viên Kính Trí, Diệu Quan Sát Trí, Bình Đẳng Tính Trí, Thành Sở Tác Trí, Pháp Giới Thể Tính Trí; đây cũng do năm đỉnh núi Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung của núi Ngũ Đài đại diện. Năm ngọn núi này cũng đại diện cho năm vị phật năm phương: Đông Phương A Súc Phật, Tây Phương A Di Đà Phật, Nam Phương Bảo Sanh Phật, Bắc Phương Thành Tựu Phật, Trung Ương Tỳ Lô Phật.

Vân Yên đứng bên cạnh Dận Chân yên lặng lắng nghe, yên lặng gật đầu. Dận Tường xốc rèm lên mỉm cười, đi đến nói, Phá Trần Cư Sĩ cũng nói cho đệ đệ nghe chút đi.

Phá Trần Cư Sĩ là biệt danh của Dận Chân, Dận Chân là đệ tử nhập thế Phật gia, đến núi Ngũ Đài có thể nói như chim về rừng.

Mấy người Thái Tử, Dận Chân và Dận Tường đã nhiều ngày lên núi tuần du với Khang Hi, du ngoạn lần lượt ngọn Hải Phong Đông Đài, ngọn Quải Nguyệt Tây Đài, ngọn Cẩm Tú Nam Đài, ngọn Diệp Đấu Bắc Đài, ngọn Thúy Nham Trung Đài.

Trên mỗi đỉnh của năm ngọn núi đều có một ngôi chùa thờ Văn Thù Bồ Tát. Đỉnh Đông Đài thờ Thông Minh Văn Thù, đỉnh Tây Đài thờ Sư Tử hống Văn Thù, đỉnh Nam Đài thờ Trí Tuệ Văn Thù, đỉnh Bắc Đài thờ Vô Cấu Văn Thù, đỉnh Trung Đài thờ Nho Đồng Văn Thù.

Có thể ngắm mặt trời mọc ở đỉnh Đông Đài, thưởng trăng sáng ở đỉnh Tây Đài, ngắm hoa trên núi ở đỉnh Nam Đài, và thưởng tuyết ở đỉnh Bắc Đài. Thật sự rất tao nhã, thể hiện rõ khí chất phong độ của nhà đế vương.

Khang Hi múa bút vẩy mực, hào hứng đề bút viết một bài thơ. Ông ta vốn dĩ cũng là một bậc đế vương rất giỏi văn thơ, lại trong khung cảnh này, phong thái không thể xem thường được. Mà sự hiểu biết của Dận Chân đối với Phật học cùng với khí chất ngày càng trầm ổn của chàng được Khang Hi khen ngợi.

Vân Yên cùng với đám hạ nhân cẩn thận tỉ mỉ đi theo hầu hạ, chỉ là thời tiết trong núi còn lạnh hơn so với tưởng tượng, mặc dù đã mặc quần áo dày, nhưng vết thương cũ của Vân Yên vẫn đau lâm râm, chẳng qua là không biết phải làm sao với nó, chỉ có thể cắn răng chịu đựng.

Khi Dận Chân trở lại chái nhà, Vân Yên dùng nước nóng đã đun sôi cẩn thận ủ khuỷu tay và đầu gối, làm ấm các khớp xương của chàng.

Dận Chân đè tay nàng lại, hỏi tay trái và xương sườn của nàng có lạnh hay không. Vân Yên rút tay về cúi đầu, nhẹ nhàng lắc đầu.

Đôi mày Dận Chân càng cau chặt hơn, kiên quyết bảo nàng đeo bao tay của mình vào mới chịu thôi.

Trên đường đi, Dận Tường luôn vào phòng Dận Chân, đến gần trước mặt Dận Chân, cũng đến gần trước mặt Vân Yên. Vân Yên chuẩn bị cho Dận Chân cái gì, cậu ta lại dùng ánh mắt mong chờ nhìn Vân Yên, Vân Yên đành phải chuẩn bị thêm một phần cho cậu ta. Cậu chàng cười tít mắt vui vẻ hơn cả lúc lấy được bảo bối.

Khi trở lại kinh thành, thì đã vào mùa xuân.

– HẾT CHƯƠNG 55 –

(1) Là bài thơ “Tuyết dạ tức sự” (Tức cảnh làm thơ trong đêm tuyết) được lấy trong tập thơ “Ung Để Tập” của Ung Chính. Tạm dịch nghĩa:

Trong đêm tuyết rơi không dứt, tuyết như ngọc đẹp tung bay khắp không trung.

Không khí xâm nhập vào trang sách phủ một lớp hơi lạnh, hoa nến đỏ sáng chập chờn.

Cây đàn vang lên hòa hợp, tâm thanh tĩnh được câu công.

Hỏi hướng cung tỉnh hậu, ngọc phất phơ trong gió.

(2) Được trích từ bài thơ “Tuyệt cú” – Chí An.