Phi Hổ Thương

Chương 3: Le lói thông tin (tiếp theo)






Phần về đám người Triệu Vân, thấy bên vệ đường có một bãi cỏ xanh tươi mơn mởn, một trong hai tên lính vừa thoát chết khẽ nở một nụ cười hoàn hồn rồi lẳng lặng dắt sáu con tuấn mã đi vòng ra đám cỏ. Cả sáu con tuấn mã phải chạy miết một quảng đường dài, giờ đây được trông thấy cỏ mà lại là thứ cỏ non mướt nên lập tức gục đầu xuống gặm lấy gặm để. Tên quân còn lại vội đi kiếm nước uống.



Triệu Vân nói:



- Hứa Hùng, để lính trông ngựa, mặc cho chúng ăn cỏ, ngươi cũng phải nghỉ ngơi một lúc đi. Vĩnh Thượng xem thương thế của Hứa Hùng và Giản tướng quân xem thế nào.



Hứa Hùng nghe chủ tướng gọi liền nói vọng tới:



- Vĩnh ca ca hãy coi xem thương thế của Giản tướng quân đi, khỏi phải lo lắng cho đệ.



Triệu Vân mỉm cười, rũ ống tay áo cho những giọt mưa rơi xuống, lặng lẻ quay sang xem xét thương thế Giản Ung. Triệu thừa biết tính thuộc hạ, Hứa Hùng thì vẫn vậy, mỗi khi mà đoàn binh dừng chân nghỉ ngơi, Hứa Hùng đều tranh phần canh gác bên ngoài trướng và săn sóc cho năm con ngựa, đợi cho chúng ăn no xong rồi mới chịu đi nghỉ.




Tám năm rồi kể từ ngày Hứa Hùng theo hầu Triệu Vân, tám năm như một ngày không khi nào người tráng sỹ thuộc hạ để gián đoạn hay quên công việc. Dù đã có lính dẫn ngựa đi ăn, nhưng Hứa Hùng vẫn đi theo để trông coi, vì mấy con ngựa này đã vào sinh ra tử với bọn họ không biết bao nhiêu trận, thân thiết như bạn thâm giao.



Bốn người ngồi vây quanh trong bãi cỏ. Vĩnh Thượng cởi cái đẫy đeo ở lưng xuống lấy ra một con gà quay và mấy phong lương khô rồi nói:



- Giản tướng quân, ăn một chút cho đỡ đói đi, chúng tôi sẽ xem xét vết thương cho ông.



Nói đến đây, Vĩnh Thượng nhẹ nhàng để lương thực xuống đất rồi lấy ra một cái bình ngọc trắng, mở nút đưa mắt nhìn xung quanh, gượng cười:



- Tiểu đệ vừa kiếm được một bình ngự hàn, mọi người dùng chung vậy.



Nói đến đây, Vĩnh Thượng lại quay sang nói với Giản Ung:



- Tướng quân, để thuộc hạ xem xét vết thương trên bả vai trái của ngài xem sao nào.



Giản Ung nói:



- Thương thế của ta không nặng, Vĩnh tướng hãy coi thương thế của Hứa Kỳ Lang trước đi.



Hứa Hùng vừa tiến đến, nghe vậy, gượng cười:



- Tiểu tướng sức thanh niên còn trẻ, vết thương ở tay này dẫu cho không săn sóc tới thì bất quá nó cũng chỉ để lại một vết sẹo nhỏ mà thôi, trong khi vết thương của ngài ở vai khá nguy hiểm, nếu như bị hỏng một cánh tay thì là điều ân hận suốt đời.



Vĩnh Thượng nói:



- Thuốc của ta đủ dùng cho cả hai.




Nói rồi Không Không Đạo Vương nhanh nhẹn cởi vuông lụa trắng bó lấy vết thương của Hứa Hùng, chỉ thấy một đường đao dài rạch vòng đến nửa cổ tay và sâu đến hơn một tấc, miệng vết thương máu vẫn ri rỉ chảy ra.



Thấy vậy, Vĩnh Thượng hoảng hồn nghĩ bụng:



- Nhát đao lợi hại quá, nhưng chưa chạm tới gân cốt kể ra cũng là một điều đại hạnh trong cái bất hạnh đây.



Nghĩ rồi hết sức cẩn thận, Vĩnh Thượng nhẹ nhàng lấy trong bọc đồ ra một nhúm bột trắng, đổ trong bình ra một ít rượu hoà tan nhúm thuốc rồi bôi lên chỗ vết thương của Hứa Hùng, xong đâu đó Vĩnh Thượng lại nhẹ nhàng băng lại rồi nói:



- Giản tướng quân, giờ tới tướng quân nhé.



Vĩnh Thượng gỡ lần lớp giáp và vải áo đang bó chặt miệng vết thương của Giản Ung. Vết thương của Giản Ung có lẽ do một loại vũ khí có tẩm độc đâm phải, đã mấy tiếng đồng hồ không được bôi thuốc chữa chạy lại thêm bị mưa gió xâm nhập vào cho nên nó đã sưng vù lên, miệng tím bầm, ri rỉ nước đen.



Vĩnh Thượng cau mày thở dài nói:



- Giản tướng quân, ông bị trúng độc rồi, may mà vũ khí đối phương gặp mưa nên độc chất bị trôi đi ít nhiều, nhưng nếu mà để chậm hai thời thần nữa, vết thương vỡ ra thì cánh tay trái của ngài không khỏi tàn phế. Thuốc của thuộc hạ không chữa được độc dược, chỉ kìm hãm tốc độ phát triển của nó mà thôi, ngài phải ngay lập tức tìm về với chúa tướng, trước khi đi, Khổng Quân Sư có gửi lại cho chúa tướng một chút thuốc khử độc Vạn Hoàn Đan, chỉ có thuốc đó mới cứu tướng quân được thôi.



Nói rồi Vĩnh Thượng bùi ngùi, rầu rầu nét mặt đổ dốc thuốc bột trắng hoà với rượu bôi lên miệng vết thương của Giản Ung. Xong đâu đấy Vĩnh Thượng xé áo băng bó lại cho Giản Ung, công việc vừa xong thì cũng là lúc Lôi Đao Lê Trung bằng một chiêu đao thần kỳ chém bay đầu tướng giặc Thương Hồng, cướp được thêm một con ngựa đem đến.



Sáu con chiến mã cũng đã gặm cỏ no nê và được uống nước đầy đủ, sẵn sàng lên ngựa. Triệu Vân xem xét tình hình rồi nói:



- Giản tướng quân, giờ ta phải tìm chủ mẫu và A Đẩu, không thể đưa tướng quân về được, vậy hai tên lính này sẽ đưa tướng quân về vậy, nhờ tướng quân nhắn với chủ tướng rằng “Vân này dù lên trời xuống đất cũng phải tìm được hai chủ mẫu và A Đẩu, bằng không thì Vân này xin chết trên bãi chiến trường để đền ơn tri ngộ”.



Nói đoạn, Vân đích thân đỡ Giản Ung lên con ngựa mới bắt được, sau đó sai hai tên quân hộ tống Giản Ung về với Huyền Đức, mình và bốn cận vệ tiếp tục cuộc hành trình xông pha tìm kiếm chủ mẫu.




Đoàn người đi chưa được lâu thì lại thấy một tên binh trúng tên vào đùi, nằm lăn bên đường đang vẫy tay gọi to:



- Có phải Triệu tướng quân đó không?



Triệu Vân nghe vậy vội tiến đến hỏi:



- Ngươi là ai?



Người ấy đáp:



- Tôi là lính hầu của Lưu Hoàng Thúc, được sai đi hầu hạ xa trượng hai phu nhân, rủi bị trúng tên nên lăn xuống đây. Mới rồi thuộc hạ thấy Cam phu nhân xoã tóc đi chân không chạy theo đám đàn bà con gái thường dân chạy về phía nam.



Triệu Vân nghe vậy không nói gì thêm, hấp tấp thúc ngựa xông về phía nam. Tứ cận vệ không nói gì, cũng vội tế ngựa đuổi theo, Vĩnh Thượng trước khi đi còn cầm một gói bột thuốc ném lại cho tên quân rồi hấp tấp đuổi theo đoàn người. Ngựa phi được một đoạn, năm người thấy trước mặt có một đám đông dân chúng chừng vài trăm người, vừa đàn ông, vừa đàn bà đương chạy tất tả.



Triệu Vân vội vận công, dùng công phu Sư Tử Hống gọi to rằng:



- Trong đám có Cam phu nhân đó không?



Công phu Sư Tử Hống là công phu Phật môn Thiếu Lâm Tự, Vân cũng không biết vì sao sư phụ mình lại biết công phu này, nhưng với nội lực hùng mạnh và sự dìu dắt của sư phụ mười năm, Vân thừa sức vận dụng thành thục công phu này. Tiếng Vân xuyên qua màn mưa, vang vọng tới khắp mọi người, không ai bị điếc tai, nhưng ai cũng nghe như Vân đang nói sát bên tai.