Phía Đông Mặt Trời

Chương 23




Ngày 2 tháng Mười một năm 1928. YWCA, Bombay. Trích nhật ký của Viva Holloway.

Mình phải viết vào đây trước khi mọi chuyện rơi vào quên lãng. Guy Glover quả là một thằng nhóc đê tiện, nó đã giăng bẫy mình. Nó đã van nài mình ở lại bên cạnh để cùng gặp gỡ bố mẹ nó, ông bà ấy đã phải ngồi trên tàu hỏa suốt bốn ngày trời để đi từ Assam, nơi bố Guy đang quản lý một đồn điền trồng chè, đến đây đón nó. Tâm trạng Guy không được bình thường trước khi cuộc hội ngộ diễn ra (thay đổi thất thường đến kinh hoàng trong những ngày cuối cùng trước khi gặp mặt: nó bảo lại tiếp tục nghe thấy những giọng nói ra lệnh từ chiếc đài phát thanh, toàn những lời xúi dại hành động xuẩn ngốc; nó không ngủ, bốc mùi, không thèm tắm rửa...)., mình đã nghĩ đấy là việc nên làm, vả lại mình cũng muốn nhận nốt số tiền công mà bọn họ đã đồng ý trả cho mình trước chuyến đi.

Mười phút trước khi họ đến nơi, nó bắt đầu rít thuốc như điên, rồi lại đứng dậy, bước ra ngoài, đập đầu vào tường. Khi mình đến để chăm sóc, nó đã khiến mình ngạc nhiên đến suýt ngã ngửa khi nói: "Tôi đã cố để thích cô, nhưng cô lại khiến cho mọi việc trở nên khó khăn đối với tôi thêm bội phần". Những gì mình định nói với nó là thế này: "Guy, sao cậu không ngồi xuống và uống một tách trà nhỉ?". Thật lố bịch làm sao, ôi dân Anh!

Cuối cùng thì, ơn Chúa, bọn họ cũng xuất hiện. Bà mẹ, Gwen Glover, một phụ nữ nhếch nhác, cục mịch như một con gà gô mái xệ, đẫm nước mắt; ông bố, quý ngài G, một kẻ khoác lác lúc nào cũng chực nổi cơn ầm ĩ, mặt mũi đỏ gay đỏ gắt đã lập tức bóp chặt tay Guy và vỗ mạnh vào vai nó khi vừa mới gặp mặt.

"Ổn rồi, cậu bé, cuối cùng thì con cũng có mặt ở đây", vân vân và vân vân. "Cũng dễ thương và hơi nóng nhỉ?". dành cho mình, và "Hai cô cháu vui vẻ cả chứ?". Vui vẻ! Từ ấy không phải của mình khi nói về chuyến đi.

Chừng dăm, mười phút đầu tiên của cuộc hạnh ngộ, Guy diễn khá tốt vai của một thằng con trai ngang tàng, nhưng khi mọi người bắt đầu thu dọn hành lý cho nó thì thằng nhóc đột ngột rời khỏi căn buồng, không quên đóng sầm cánh cửa sau lưng. 

Trong lúc Guy biến ra khỏi buồng, mình đã chuyển cho bố mẹ nó hai bức thư của nhà trường nhờ gửi. Ông Glover lập tức đút tọt hai bức thư vào túi áo. Ông ta chỉ đơn giản giải thích với mình, rằng không có thời gian để đọc chúng ngay bây giờ. Mình tự hỏi liệu ông ta có biết về câu chuyện ăn cắp vặt của cậu quý tử hay không, cả những kết quả của các kỳ thi nữa, thôi thì đủ thứ tồi tệ hầm bà lằng liên quan đến nó.

Mình đã cố giải thích (rất nhanh chóng, và có lẽ, với tất cả nỗi lo âu về những hệ lụy không được tốt đẹp cho lắm) về tình trạng căng thẳng thần kinh của Guy diễn ra trong suốt chuyến đi, cả những yêu cầu nghiêm túc của bác sĩ đối với trường hợp của nó, và sau đấy - có vẻ rất công bằng khi kể với họ - chuyện nó đã dập đầu ầm ầm vào lan can trên boong tàu.

"Toàn những chuyện ngược đời", ông Glover cáu kỉnh, mặt mũi ông ta càng đỏ hơn trước. "Phải cô đang ám chỉ tinh thần của con trai tôi không được bình thường?". 

"Đúng thế", mình đã trả lời như vậy. Có lẽ lúc ấy mình không nên dứt khoát, mình nên lập lờ nước đôi với ông ta thì hơn.

Bà Glover bắt đầu rấm rứt khóc, vừa nỉ non bà vừa léo nhéo điều gì đó kiểu như "em biết mà, sớm muộn gì cũng xảy ra chuyện này", và, "vấn đề chỉ là thời gian".

Ông Glover lập tức lớn tiếng nạt nộ: "Im miệng đi, Gwen", rồi quay sang mình, "Cô quả là can đảm". Rồi ông ta bỏ ra ngoài tìm Guy.

"Ngồi xuống giường đi Guy", ông nói. Bắt đầu thể hiện vai trò của một người đàn ông là chủ một gia đình chưa bao giờ gặp phải tình trạng lộn xộn ngớ ngẩn kiểu như thế này trong đời.

"Cô Holloway phàn nàn con đã gây ra một cuộc ẩu đả trên tàu. Thụi cho thằng cha nào đấy hay bị đấm cho rách mặt hay đại loại như thế".

Có vẻ Guy đã quên phắt lời tuyên bố đầy tình cảm với mình vài phút trước đấy. Nó nhìn xoáy vào mình, lạnh lẽo và lắc đầu. "Cô ta nói dối", nó nói. "Cô ta còn nốc rượu như hũ chìm, lại còn bảo bồi bàn tính vào hóa đơn của con để bố trả".

Chính tại thời khắc ghê tởm ấy, viên quản lý của Guy xuất hiện với một xấp giấy biên nhận tiền nợ nhà hàng trong tay. Ông G. run rẩy như thể một quý cô đang được ai đấy dúi vào tay một con chuột chết dơ dáy, đón xấp giấy nợ từ tay viên quản lý rồi trải tất cả lên giường. (Bà G. lúc này đang vặn vẹo vạt váy, thút thít như một đứa trẻ).

Ông G. lôi một xấp giấy trắng cùng một mẩu bút chì màu bạc trong người ra, bắt đầu lẩm nhẩm tính toán: "Một chai Pouilly-Fuissé, một chai Beaumes de Venise...", khi ông ta dừng lại, hóa đơn lên đến gần mười bảng - thằng ranh đã rất tinh quái khi dừng lại ở đấy. 

Cả khuôn mặt của quý ông G. sưng phồng chực vỡ tung bởi cơn thịnh nộ chất chứa bên trong. Mình bị nó tố cáo là một kẻ say xỉn, là một kẻ dối trá vô trách nhiệm. Nếu mình mà là một đệ tử của lưu linh, mình sẽ có những đánh giá cảm nhận tốt đẹp hơn về nó, sẽ chỉ nói những điều mà nó không bao giờ có được; bởi mình thương hại cho hoàn cảnh của nó, mười năm xa cách bố mẹ, hẳn cũng sẽ dễ dàng thông cảm cho trạng thái kích động khi sắp được gặp lại người thân. Kết luận, ông ta không hề có ý định thanh toán nốt chi phí tiền công cho mình, như thế mình cũng lấy làm hoan hỉ lắm rồi vì đã may mắn không bị ông ta dắt đến trao cho cảnh sát.

Có lẽ ẩn bên trong vẻ bề ngoài nóng nảy, lúc nào cũng ầm ĩ quát nạt ấy của ông ta, vẫn có những điều khiến quý ông G. phải sợ hãi: Khi mình mời ông ta đến gặp bác sĩ trên con tàu để xác minh những gì mình nói, ông ta đã không dám trả lời, thay vì tỏ ra cao thượng thanh toán hết chi phí cho những hóa đơn của quầy bar, ông ta lại ra điều kiện sẽ chỉ thanh toán nếu mình ký vào bản giao kèo đồng ý trả góp lại cho ông ta khoản chi phí đã bỏ ra cho mình. Trong lúc câu chuyện đang ở hồi cao trào đầy ắp kịch tính, thì Guy, một thằng khờ hoặc giả là một kẻ ranh mãnh, thản nhiên đứng nhìn chằm chằm vào vách tường như thể nó vô can trong chuyện này.

Cả gia đình bọn họ đã đi chuyến tàu đêm quay về Assam. Hành động thể hiện thiện chí cuối cùng của mình dành cho Guy là nhét gói thuốc an thần vào túi áo nó. Nó bước đi giữa ông bà G., rồi đột nhiên quay đầu chạy ào trở lại ôm chặt lấy mình, thì thầm: "Non illegitimi te carborundum - đừng để những thằng con hoang đánh gục cô". Nó mới trơ trẽn làm sao!

Giờ chỉ còn lại một mình mình trơ trọi trên cảng Apollo, với vài chục phu khuân vác bu quanh. Mình bắt một chiếc xe ngựa hai bánh bảo chở đến YWCA, một khu nhà trọ rẻ tiền, sạch sẽ và khá an toàn để ở theo như những gì Snow đã quảng cáo khi còn ở trên tàu.

Mình phải trả hai rupi mỗi đêm cho một phòng đơn. Nếu ở phòng đôi thì hai người sẽ chỉ phải trả ba rupi nhưng thực lòng mình không muốn chung chạ với bất kỳ ai, không phải bởi sau tất cả những gì đã xảy ra. Phòng của mình, dẫu hơi chật chội ( chỉ nhỉnh hơn mười mét vuông một chút, nhưng có cửa sổ trổ ra phía một cây cổ thụ cực đẹp (phải mua sách chăm cây). Quản lý nhà trọ có vẻ khá thân thiện, tuy đôi khi hơi độc đoán. RẤT NHIỀU NỘI QUY, QUY ĐỊNH.

Mình chỉ có khả năng trả tiền thuê theo ngày, nhưng chút tiền cỏn con mỗi ngày phải thanh toán ấy cũng đủ gieo rắc nỗi kinh hoàng trong mình. MÌNH KHÔNG MỘT XU DÍNH TÚI, chính xác là gần như thế, và nếu tấm séc tiền nhuận bút cho bài báo đầu tiên của mình không đến được tận tay, mình sẽ phải ngay lập tức bắt đầu một cuộc tìm kiếm bất cứ chút công việc nào được trả công dù nhỏ nhặt nhất ở đây.

Sau đó.

Chuông báo tắt đèn bắt đầu từ 10 giờ 30 tối; cửa lối đi chung đóng vào lúc 11 giờ.

Lần theo bóng tối chạng vạng, mình bước ra phố, không khí có vẻ ấm áp và dễ chịu. Ở một góc đường, một ông già đang ngồi trên hai đầu gót chân, chế biến món bhel puris trong một cái chảo chiên khổng lồ. Mùi thơm của món ăn đã đánh gục mình. Chào mừng trở về nhà, mình đã nghĩ thế. Ông già bán hàng có vẻ rất khoái chí với cô nàng thực khách là mình, cả tiếng xuýt xoa khi mình xì xụp món puri của ông ta. Sau khi mình xơi xong đĩa puri, ông già đã kính cẩn mang thau nước nhỏ đặt cạnh chiếc chảo ra rửa tay cho mình. Sau đấy ông lấy ra một trái dưa, thành thục gọt vỏ và xắt ra thành từng miếng nhỏ mang ra cho mình. Tuyệt vời, vừa ăn mình vừa lo lắng về khoản tiền mình phải trả thêm cho ông già. Mình thực sự rất lo lắng về chuyện tiền nong.

Sáng hôm sau.

Bị đánh thức bởi đủ âm thanh từ dưới phố, tiếng đàn ông gào, tiếng bò rống, tiếng động cơ xe, cả tiếng cười của ai đấy ở phòng bên cạnh trộn lẫn vào nhau xoáy vào tai mình, buốt nhói. 

Sau bữa sáng - một chiếc bánh mì dẹt không có men và một đĩa đậu lăng. Ngon tuyệt - mình bước khỏi phòng tiến về phía bảng thông báo lướt mắt qua mẩu yết thị đăng quảng cáo mấy công việc dành cho "các cô gái Anh đáng kính". 

Giáo viên tại một trường dòng địa phương. Yêu cầu: Phải là người cực kỳ mộ đạo (mà mình chỉ là một kẻ đạo đức giả trước tôn giáo) để có thể giảng dạy trong những ngôi trường kiểu như thế.

Bạn đồng hành cùng quý bà Van de Velde, đang sống gần đền Jain trên đồi Malabar. Phải là người đáng tin cậy phù hợp với các công việc tổ chức sự kiện, biết chơi bài brit cùng bà. Trừ phi phải rơi xuống tận cùng của thất vọng, mình nghĩ, mình sẽ tránh không bao giờ trở thành một người đồng hành tỉ tê giám sát bất kỳ ai nữa, dẫu chỉ trong chốc lát. G.G đã đủ để khiến mình khiếp đảm đến tận cuối đời.

Công ty quảng cáo: Ngài J. Walter Thompson đang cần một thư ký người Anh, kỹ năng đánh máy tốt, có khả năng ghi tốc ký. Địa chỉ: tòa nhà Laxmi, tên của vị thần nữ thịnh vượng. Lỗi hẹn. Đáng tiếc mình không có khả năng ghi tốc ký. Mình chỉ có thể viết thôi.

Việc làm sẽ - phải - đến với mình.