Quỷ Cái Vận Đồ Prada (The Devil Wears Prada)

Chương 9




Mười hai tuần lễ trôi qua cho đến khi tôi bắt đầu tích trữ quần áo hàng hiệu mà Runway gần như ấn vào tay. Mười hai tuần dài đằng đẵng với ngày làm việc kéo dài mười bốn tiếng và đêm ngủ lâu nhất là năm tiếng. Mười hai tuần dài lê thê mà hằng ngày tôi bị xét nét từ đầu đến chân, không được nghe lấy một lời khen ngợi hay ít nhất cũng khích lệ đã làm được việc. Mười hai tuần dài kinh hãi với cảm giác là mình ngu dốt, bất tài và ngô nghê đủ mọi mặt. Bắt đầu vào tháng thứ tư ở Runway ( may quá, chỉ còn chín tháng nữa thôi! ) thì tôi quyết định trở thành một cô gái mới và ăn mặc đúng lệ bộ.

Cho đến nay thì tôi khốn khổ nhất khi chọn quần mỗi sáng. Ngay một người như tôi cũng phải ngộ ra là mặc đồ “ chính thống” đỡ phiền toái hơn nhiều. Sáng sớm nào cũng khó nhọc, nhưng khó nhọc nhất vẫn là chuyện quần áo. Đồng hồ báo thức réo chuông sớm đến mức tôi không dám kể chuyện ấy cho ai, tựa như nhắc đến thời điểm đó đã đủ đau hết mình mẩy. Sáng nào cũng đúng bảy giờ có mặt ở văn phòng đã là một thử thách lớn đến phát khóc. Tất nhiên là đã có lúc tôi trèo khỏi giường trước bảy giờ, ví dụ như để ra kịp chuyến máy bay nào đó hay cố ôn thi vào phút cuối cùng. Chứ ngoài ra tôi chỉ biết thời gian đó như điểm kết của một đêm dạ hội, không có gì đáng sợ khi người ta có cả một ngày hôm sau để được thoải mái ngủ bù. Nhưng bây giờ thì khác. Đây là một kiểu mất ngủ liên tục, đều đặn và vô nhân đạo mà tôi thì không sao lên giường được trước nửa đêm. Hai tuần vừa rồi mới thật là lắm stress, vì công việc chuẩn bị ra số báo mùa xuân đang đi vào giai đoạn quyết định và có hôm tôi ngồi đợi đến gần mười một giờ đêm ở ban biên tập để đợi lấy SÁCH. Về đến nhà thì thường là đã xong đâu, tôi còn phải ăn chút gì đó và cởi quần áo trước khi lăn ra ngủ như chết.

Đúng năm rưỡi, một tiếng chuông xé tai chấm dứt giấc ngủ - tiếng động duy nhất mà tôi không lờ đi nổi. Tôi cố thò một chân ra khỏi chăn và duỗi về hướng đồng hồ báo thức ( được bố trí một cách chiến lược để tôi phải chuyển động mới với tới). Tôi lọ mọ dùng ngón chân tìm nút tắt để sau vài lần ấn trượt thì rồi cũng ngắt được chuông. Cứ sau bảy phút nó lại kêu lần nữa, và đúng 6 giờ 04 tôi hoảng hốt vùng dậy để lao vào nhà tắm.

Tiếp theo là cuộc chiến với tủ quần áo, thông thường từ 6 giờ 30 đến 6 giờ 37. Lily vốn quen đồng phục thống nhất ở trường là quần Jeans, áo pull, dây chuyền sợi gai và dĩ nhiên không phải chuyên gia thời trang; cô luôn ngạc nhiên khi chúng tôi gặp nhau: “ Tớ vẫn không rõ cậu mặc đồ gì đến chỗ làm việc? Quần áo của cậu thì okay, nhưng làm sao mặc đến Runway được?”

Tôi không tiết lộ với cô rằng từ mấy tháng nay tôi chủ tâm dậy sớm và lì lợm quyết định sửa đổi phong thái thể thao của mình theo hướng Runway. Sáng nào tôi cũng đứng nửa tiếng trước tủ quần áo, tay cầm tách cà phê lấy trong lò vi sóng ra, lưỡng lự giữa đống bốt và thắt lưng, len và sợi micro. Sau khi thay tất năm lần để chọn được tông màu thích hợp thì mới nhớ ra là không được đi tất. Gót giầy của tôi luôn lùn quá, rộng quá, to quá. Tôi không có lấy một thứ đồ nào bằng len cashmere. Do chưa hề biết khái niệm xi líp dây nên tôi bận rộn rất lâu để chọn cái quần lót nào không hằn vết ra ngoài – một trong những chuyện được ưa đem ra đàm tiếu nhất trong giờ giải lao. Và cho dù đã ngập ngừng nhiều lần nhưng tôi vẫn chưa dám mặc áo không dây đến văn phòng.

Sau ba tháng thì tôi đầu hàng. Mệt mỏi quá. Việc chọn lựa trang phục hằng ngày đã làm tôi kiệt quệ về thể xác lẫn linh hồn. Sáng nào cũng thế, một tay tôi cầm tách cà phê đứng trước tủ, tay kia lục trong đống quần áo ưa thích ngày xưa. Sao phải khổ thế? Tôi tự hỏi. Đơn giản khoát hàng hiệu lên người không nhất thiết có nghĩa là tôi bán rẻ linh hồn mình. Sau khi bị nghe những câu góp ý ngày càng cay nghiệt hơn về vẻ bề ngoài của mình, tôi tự hỏi là liệu mình có vì vậy mà mất việc như chơi. Tôi ngắm mình trong tấm gương cao đến đầu và bật cười: cô gái trong chiếc áo nịt Maidenform ( tôi!) và xi líp vải bông Jockey kia ( cũng là tôi! ) định bước chân vào làng Runway hay sao? Cho vào thùng rác được rồi. Chả gì thì tôi cũng làm việc ở Runway, tạp chí thời trang có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Chỉ ăn mặc sạch sẽ và đứng đắn thôi chưa đủ. Tôi gạt mấy thứ đồ ngán ngẩm sang một bên, lấy ra chiếc váy đen tuýt Prada, áo cổ lọ đen Prada và đôi bốt thấp cổ Prada mà James đưa hôm buổi tối ngồi đợi lấy SÁCH.

“Gì thế?” Tôi hỏi khi mở bao đựng quần áo.

“Đồ để chị mặc. Andy ạ, nếu chị không muốn bị mất việc,” anh mỉm cười nhưng tránh nhìn thẳng vào mắt tôi.

“Sao cơ?”

“Thế này nhé. Tôi nghĩ là chị cũng biết rằng kiểu… kiểu ăn mặc của chị không hẳn giống mọi người ở đây. Tôi hiểu, chơi hàng hiệu là thú vui đắt đỏ, nhưng đã có cách. Tôi có rất lắm đồ trong kho quần áo, sẽ chẳng ai nhận ra là chị thỉnh thoảng … mượn vài thứ.” Anh lấy ngón tay ra hiệu cho chữ mượn vào ngoặc kép. “ Và đương nhiên là chị cũng nên gọi bên phòng quan hệ đại chúng để lấy thẻ giảm giá khi mua hàng hiệu. Tôi chỉ được giảm giá 30% thôi, nhưng chị làm việc cho Miranda nên tôi không tin là họ tính tiền với chị đâu. Chả có lý do gì để chị cố giữ phong cách… sinh viên của mình cả.”

Tôi không muốn phải giải thích là mang đồ Nine West thay cho Manolo hay quần bò trẻ con ở hiệu Macy’s chứ không mua ở tầng tám hiệu Barney sang trọng chính để chứng tỏ với mọi người xung quanh là tôi không bị lóa mắt bởi thế giới Runway. Ai xúi James làm việc này với tôi nhỉ? Emily? Hay chính Miranda? Nhưng ai giật dây cũng thế thôi. Nói cho cùng thì tôi đã sống sót qua ba tháng ở Runway, và nếu chiếc áo cổ lọ Prada chứ không phải đồ rẻ của Urban Outfitters giúp tôi vượt qua nốt chín tháng sắp tới thì cũng tốt thôi. Tôi quyết định kể từ hôm nay chỉ mang đồ mới tử tế hơn.

6 giờ 50 tôi ra khỏi nhà và cực kỳ hài lòng với bộ cánh của mình. Mấy gã ở quầy bán quà sáng cạnh nhà huýt sáo theo, và chưa đi tiếp lấy mười bước chân nữa thì một cô gái nói với tôi là cô vẫn băn khoăn từ ba tháng nay trước quyết định mua chính đôi bốt của tôi. Mi sẽ thích tình trạng này, tôi nghĩ bụng. Nói cho cùng thì chẳng ai trần truồng đi làm cả, cũng phải mặc thứ gì đó lên người, và mang đồ này tôi cảm thấy cao cấp hơn hẳn những quần áo ngày xưa của mình. Đến góc phố tôi lên taxi, lần này không phải vì trường hợp khẩn cấp nữa mà thành thói quen. Trong xe ấm áp dễ chịu nhưng tôi quá mệt mỏi để có sức mà vui mừng khi không phải chen chúc lên tàu điện ngầm với những người đi làm khác. Tôi nói khản đặc: “ 640 Madison, nhanh lên nhé.” Người lái xe nhìn tôi trong gương hậu – tôi thề là với ánh mắt đồng cảm – và hỏi: “Tòa nhà Elias Clark, đúng không?” Anh nhấn ga. Xe lao vun vút lên phố 97, rẽ qua Lex, bay xuyên qua hàng đèn của phố 59 về hướng Tây đến Madison. Sau đúng sáu phút – giờ này xe cộ thưa thớt – taxi phanh kít trước khối bê tông cao vút mảnh mai mà những người làm trong đó có vẻ muốn ganh đua thân hình với nó. Giá taxi hôm nào cũng 6,40 dollar, tôi đưa lái xe tờ 10 dollar và nói: “ Cứ giữ chỗ tiền thừa.” Và cũng như mọi hôm, tôi vui mừng nhìn bộ mặt ngạc nhiên và vui mừng của anh ta. “ Runway cám ơn.”

Cũng là chuyện thường. Sau tuần đầu tiên ở Runway tôi đã nhận ra thanh toán công tác phí không phải là mặt mạnh của Elias Clark. Ngày nào cũng 10 dollar tiền taxi? Không sao cả. Các công ty khác ắt sẽ kiểm tra xem tôi có được phép đi taxi đến chỗ làm không. Ở Elias Clark người ta chỉ ngạc nhiên tại sao tôi sử dụng mấy cái taxi vớ vẩn mà không gọi xe của công ty đến đón. Mỗi ngày xơi của Runway 10 dollar làm tôi cực kỳ khoái chí, cho dù công ty coi đó như muỗi đốt sắt. Người khác có thể cho là một dạng phản kháng ngầm, tôi gọi việc này là tái phân chia thu nhập.

Sung sướng vì ít nhất cũng làm cho một người vui vẻ bắt đầu ngày làm việc, tôi nhảy khỏi xe và đi về hướng 640 Madison. Tòa nhà tuy tên là Elias Clark Building nhưng phân nửa diện tích cho JS Bergmann, nhà băng danh tiếng nhất thành phố, thuê. Tuy hai bên không chung chạ gì, ngay cả thang máy cũng tách riêng, nhưng không tránh khỏi các nhân viên nhà băng phong lưu và người đẹp của làng thời trang cắt đường nhau ở tiền sảnh và để mắt nhòm ngó nhau.

Tôi đang thầm chuẩn bị cuộc trạm trán hằng ngày với Eduardo thì một giọng mệt mỏi và chán nản từ sau lưng làm tôi bất ngờ: “ Ê, Andy! Khỏe không? Lâu ngày không gặp.” Tôi quay lại thấy Benjamin, một trong vô số bạn trai ngày xưa của Lily ở trường đại học. Anh ngả người đánh phịch bên cạnh cửa vào tòa nhà, thậm chí có vẻ không phiền lòng là mình đang ngồi bệt trên vỉa hè. Anh chỉ là một trong nhiều bạn trai của Lily, nhưng là người đầu tiên mà Lily mến thực sự và chân thành. Tôi không hề tiếp xúc với Benji ( anh rất ghét bị gọi như thế ) từ khi Lily bắt quả tang anh ta với hai cô gái đang nằm ườn trong phòng ký túc xá. Hai cô này cùng hát với Lily ở dàn đồng ca accapella, một giọng cao và một giọng trầm, sau đó không dám nhìn thẳng vào mắt Lily nữa. Tôi cố giải thích cho Lily là họ chỉ định đùa ác, nhưng cô không tin và khóc ti tỉ mấy ngày liền, sau đó bắt tôi hứa không được kể cho ai chuyện mà cô phát hiện ra. Tôi giữ lời, bù lại thì Benji rêu rao khắp nơi thành tích đã “ đóng đinh hai con bé xướng ca vô loài” trong khi “con bé thứ ba ngồi nhìn,” cứ như là Lily tự nguyện chiêm ngưỡng màn diễn của sư phụ. Sau vụ này Lily thề không bao giờ thèm yêu nữa, và cho đến nay có vẻ như cô vẫn trung thành với lời thề đó. Cô lôi nhiều chàng lên giường, nhưng cũng tống tiễn họ ra cửa sớm vì sợ nhỡ đâu lại sa vào mê lộ của tình yêu.

Tôi nhìn xuống anh, cố tìm lại Benji ngày xưa trên khuôn mặt này. Anh ấy là người thể thao và lanh lợi như trăm nghìn người khác. Nhưng công việc ở Bergmann đã vắt kiệt anh. Bộ com lê của anh nhàu nhĩ và rộng thùng thình, anh rít điếu Marlboro một cách thèm khát như bị ma túy vật. Mặc dù mới bảy giờ nhưng trông anh đã mệt rũ, vẻ ngoài tàn tạ ấy làm tôi thấy trong người phấn chấn hơn. Vì nó cũng là một dạng trả đũa cho sự điểu cáng của anh đối với Lily và tôi không phải là đứa ngu xuẩn duy nhất phải đi làm vào lúc nhọ mặt người này. Chắc anh ta được trả mỗi năm 150.000 dollar để xuống dốc thê thảm như vậy, nhưng kệ xác.

Benji vẫy tôi với điếu thuốc trong tay, ra hiệu gọi tôi lại, đầu thuốc vẽ một vòng sáng trong bóng tối nhập nhoạng của buổi sớm mùa đông. Tôi ngập ngừng vì không muốn đến muộn, nhưng Eduardo đã phát tín hiệu “ không lo, bà ấy chưa đi làm đâu, cứ bình tĩnh” và tôi đi ra chỗ Benji. Trông anh lờ đờ và tuyệt vọng. Rõ ràng anh cho là anh có một ông sếp hà khắc. Nếu như anh biết mọi chuyện! Tôi suýt phá ra cười.

“Này, tôi nhận thấy hằng ngày chị là người duy nhất đến làm việc sớm như vậy,” anh lầm bầm nói trong khi tôi lục lọi túi xách tìm thỏi son môi trước khi đi tới thang máy. “Tại sao thế?”

Trông anh mệt mỏi và kiệt quệ làm lòng tôi trào lên chút thương cảm. Nhưng tôi cũng mệt chết đi được, và tôi nhớ lại vẻ mặt của Lily khi được một người trong số bạn thể thao của Benji hỏi là lúc xem mấy người kia làm tình có thích không hay cũng muốn tham gia, và chút thương cảm ấy cũng biến mất luôn.

“Tại sao à? Vì tôi làm việc cho một bà sếp có đòi hỏi rất khắc nghiệt nên phải đến sớm hơn tất cả mọi người ở tòa báo những hai tiếng rưỡi để chuẩn bị mọi việc,” tôi đáp với giọng đầy cay nghiệt.

“Thôi, tôi chỉ hỏi thôi mà, xin lỗi chị. Nhưng nghe có vẻ tệ quá, chị làm cho báo nào vậy?”

“Tôi làm cho Miranda Priestly,” tôi nói và cầu mong đừng thấy phản ứng gì. Tôi luôn thích thú khi gặp một người tương đối có đầu óc mà chẳng hề biết Miranda là ai cả, thích lắm. Cực kì thích là đằng khác. Và quả thật, lần này Benji không làm tôi thất vọng. Anh nhún vai, hít một hơi thuốc và nhìn tôi dò hỏi.

“Bà ấy là tổng biên tập tờ Runway,” tôi hạ giọng và khoái trá kể tiếp, “ và là mụ già ghê gớm nhất mà tôi từng gặp. Trước đó tôi không tưởng tượng ra có loại người như thế, thậm chí không phải là người nữa.” Tôi chỉ muốn tuôn hết bài ca thán về bà ta cho Benji nghe, nhưng trước khi hăng hái vào cuộc thì cơ chế thụt vòi ở Runway đã lại thắng thế. Lập tức tôi luống cuống, thậm chí khiếp sợ rằng con người ngây ngô và lạnh nhạt kia biết đâu là tay sai của Miranda hay cây bút của một tờ lá cải kiểu Observer và Page Six đến săn tin. Tôi biết đó là chuyện ngớ ngẩn và vô lý, vì tôi quen Benji từ nhiều năm nay và tin chắc rằng anh ta không làm việc cho Miranda ở bất kỳ tư cách nào. Nhưng sao mà tuyệt đối yên tâm được? Có thể ai đó sau lưng trong mấy giây vừa rồi đã nghe thấy những lời độc địa của tôi thì sao? Phải bắt tay vào hạn chế thiệt hại ngay mới được.

“Tất nhiên, bà ấy LÀ người phụ nữ có quyền lực nhất trong giới thời trang và xuất bản, và không ai suốt ngày dịu dàng phân phát bánh kẹo mà leo lên được đỉnh cao của hai lĩnh vực chính yếu ấy của New York City. Vào địa vị bà ấy thì tôi cũng làm thế. Thôi nhé, tôi phải đi đây. Tạm biệt.” Thế là tôi biến luôn, hệt như khi nói chuyện với ai đó trong những tuần qua. Chỉ khi tán gẫu với Lily, Alex hay bố mẹ là tôi mới thoải mái chửi bới mụ phù thủy ấy.

“Đừng phiền muộn quá đáng như thế, Andy,” Benji gọi với theo khi tôi đi về phía thang máy. “Tôi ngồi từ sáng thứ Năm ở đây rồi cơ,” anh thả rơi mẫu thuốc xuống đất và hờ hững dí mũi giầy lên.

“Chào Eduardo,” tôi nói và nhìn ông với cặp mắt mệt mỏi cố toát ra cảm xúc. “Sao mà tôi ghét những ngày thứ Hai thế.”

“Kìa cục cưng, đừng bực bội thế. Ít nhất thì hôm nay chị cũng đến sớm hơn sếp,” ông mỉm cười. Ông ám chỉ những buổi sớm chết tiệt mà Miranda xuất hiện từ năm giờ sáng và đòi có bảo vệ đưa lên tầng vì bà không bao giờ chịu đem thẻ thông hành theo người. Rồi bà lồng lộn đi lại trong văn phòng và nhấc điện thoại, liên tục tấn công tôi và Emily cho đến khi một trong hai chúng tôi vùng dậy mặc quần áo và phi đến chỗ làm việc, cứ như là vừa ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc.

Tôi ấn vào cửa xoay, hy vọng vào ngày thứ Hai này được ông ta cho qua mà không cần rút thẻ. Nhầm to.

“Yo, tell me what you want, what you really, really want,” ông hát với nụ cười toe toét và pha khẩu ngữ Tây Ban Nha. Thế là tiêu tan mọi niềm vui của tôi từng làm người lái taxi sung sướng và đến văn phòng sớm hơn Miranda. Như mọi hôm, tôi điên tiết đứng trước cửa xoay và chỉ muốn vặn cổ Eduardo. Nhưng vì tôi là người dễ tính và Eduardo thuộc vào nhúm bạn bè ít ỏi trong tòa nhà này nên tôi cắn răng phục tùng số phận: “I’ll tell you what I want, what I really, really want, I wanna - I wanna - I wanna - I wanna – I really, really wanna zigga zig aaaaahhhh,” tôi ngoan ngoãn tỏ lòng kính trọng với ca khúc đỉnh của Spice Girls hồi thập kỷ 90. Và Eduardo ngoác miệng cười, ấn nút cho tôi qua.

“Nhớ ngày mười sáu tháng Bảy đấy,” ông gọi theo.

“Tôi biết rồi, mười sáu tháng Bảy...” tôi đáp lại, nhớ rằng đó là hôm chúng tôi cùng có sinh nhật. Không rõ bằng cách nào mà ông ta biết ngày sinh của tôi trùng với ông. Vì lý do nào đó, chuyện này trở thành một phần trong nghi lễ hàng ngày của riêng chúng tôi, thật ngớ ngẩn.

Tòa nhà phía công ty Elias Clark có tám thang máy, một nửa cho các tầng từ một đến mười bảy, nửa kia cho các tầng trên. Thật ra chỉ có bốn thang máy đầu tiên là quan trọng vì ban biên tập của các tạp chí danh tiếng nhất đều ở mười bảy tầng dưới. Trên các cửa thang máy có biển lớn sáng đèn, chỉ rõ địa chỉ từng văn phòng. Ở tầng hai là một phòng tập thể hình cực hiện đại cho nhân viên sử dụng miễn phí, trong đó có đủ kỹ thuật tối tân như máy luyện cơ chống đau lưng, tối thiểu một trăm máy tập leo thang, băng chạy và máy đạp xe. Chưa kể đến phòng tắm khô, bồn tắm kiểu Nhật, xông hơi, bên cạnh khu vực thay quần áo là phòng chăm sóc sắc đẹp, khi cần có thể chăm sóc móng tay móng chân hay đắp mặt nạ. Thậm chí người sử dụng không cần đem khăn riêng theo, nhưng đó là tôi nghe kể lại mà thôi – không chỉ vì tôi chẳng có thì giờ, mà còn vì từ sáu giờ sáng đến mười giờ tối ở đây chật cứng, không có chỗ đặt chân. Bất kể người viết bài, biên tập viên hay trợ lý kinh doanh đều phải gọi điện trước ba ngày để đặt chỗ ở lớp Yoga hay tập võ, nhưng vẫn có nguy cơ bị mất chỗ nếu không đến sớm mười lăm phút trước giờ vào lớp. Như hầu hết mọi lời mời nhằm cải thiện cuộc sống của nhân viên Elias Clark, tôi thấy tập luyện ở đây chỉ gây thêm stress.

Tôi cũng nghe phong phanh là ở tầng trệt có nhà gửi trẻ, nhưng tôi chẳng quen ai có con cả nên chưa biết thông tin đó có chính xác không. Tầng ba mới thực sự đáng chú ý với phòng căng tin. Miranda không đặt chân tới đó bao giờ, trừ những lần hẹn ăn trưa với Irv Ravitz, chủ tịch hội đồng quản trị của Elias Clark – ông thích ra vẻ thân mật dùng bữa cùng với nhân viên của mình.

Thang máy lên cao, cao nữa, lướt qua các danh vị khả kính. Hầu hết trong số họ dùng chung tầng, nhưng khu lễ tân thì tách riêng hẳn. Tôi ra khỏi thang máy trên tầng mười bảy, liếc nhìn bóng mình phản chiếu trong kính. Ở 640 Midison các kiến trúc sư nhạy cảm và thiên tài đã bỏ hẳn giương trong thang máy! Lại lần nữa tôi quên cái thẻ thông hành – vốn sinh ra để theo dõi mọi chuyển động, mua bán và hiện diện của chúng tôi trong tòa nhà – nên chỉ còn cách đột nhập vào văn phòng thôi. Sophy thì chín giờ mới đến, tôi phải tự lực vậy. Tôi luồn xuống dưới mặt quầy, ấn nút mở cửa và lấy đà lao qua khe cửa trước khi tấm kính tự đóng lại. Nhiều hôm tôi cần đến ba, bốn lần thử mới qua được cửa, hôm nay hai lần là đủ.

Như mọi hôm, tôi đi qua hành lang giờ này còn tối om đến phòng mình. Bên trái là ban quảng cáo, nơi các nữ nhân viên ưa diện T-shirt hiệu Chloé và bốt cao gót chạy đi chạy lại phân phát danh thiếp in chữ “Runway” to tướng. Họ sống và làm việc trong một thế giới riêng, chẳng dính dáng gì đến nửa bên kia hành lang dành cho bộ phận biên tập. Ban biên tập lựa ra mẫu quần áo cho các trang mốt, tìm cách lôi kéo các cây bút giỏi, thống nhất phụ kiện với trang phục, sửa bài, trang trí đồ họa và mời thợ nhiếp ảnh. Biên tập viên đến mọi ngóc ngách đẹp nhất thế giới để bố trí chụp hình, được các nhà tạo mốt dúi cho đủ quà tặng và phiếu giảm giá, bám sát các xu hướng thời trang cũng như mọi sự kiện quan trọng, vì họ “phải điều tra xem ai mặc gì”.

Bộ phận kinh doanh quảng cáo có nhiệm vụ bán diện tích đăng quảng cáo. Đôi khi họ tổ chức lễ hội, nhưng do chưa có nhân vật danh tiếng nào xuất hiện ở đó nên chẳng dân New York có máu mặt nào (như Emily cay độc tiết lộ cho tôi biết) thèm đến. Tôi chỉ biết đến các buổi tiệc ấy khi người ngoài kể lại, khi điện thoại réo chuông suốt ngày vì những nhân vật tầm tầm hy vọng tôi kiếm hộ giấy mời. “Nghe nói Runway tổ chức tiệc, sao tôi không có giấy mời nhỉ?” Các biên tập viên không khi nào có giấy mời, vì đằng nào thì chúng tôi cũng không đến. Lũ đàn bà ở Runway chuyên khinh miệt, khủng bố và kỳ thị người ngoài, nhưng vẫn chưa đủ, họ còn tự dựng những rào cản giữa các thứ bậc nội bộ.

Sau bộ phận kinh doanh quảng cáo là một hành lang hẹp, dài hun hút, dẫn đến một phòng bếp nhỏ xíu. Ở đây có đủ loại trà, cà phê, thậm chí cả một tủ lạnh cho những người đem bữa trưa từ nhà đến. Dịch vụ này lẽ ra là thừa, từ khi Starbucks độc quyền cung cấp cà phê hằng ngày, các bữa ăn được cẩn thận lấy từ căng tin hay từ hàng nghìn dịch vụ cơm hộp trong thành phố. Nhưng căn bếp có gì đó dễ thương, dường như Elias Clark muốn nói: “ Xem này, chúng tôi lo mọi bề cho nhân viên! Ở đây có trà Lipton, đường ăn kiêng, cả lò vi sóng để hâm món để lại từ đêm qua! Chúng ta là người nhà cả mà!”

Đúng 7 giờ 05 thì tôi cũng vào đến ốc đảo của Miranda, mệt không lê nổi bước nữa. Công việc đầu tiên hằng ngày là mở khóa phòng Miranda. Tôi nhìn ra ngoài trời còn tối, ngắm ánh điện của New York City và thấy mình như đang trong một cuốn phim (có các cặp tình nhân ôm nhau trên sân thượng bao la của căn hộ sáu triệu dollar với tầm nhìn ra sông), trên đỉnh cao thế giới, để khi ấn nút bật hết đèn lên thì giấc mơ ngày của tôi cũng chấm dứt cùng với cảm giác thăng hoa trong thành phố New York của mọi khả năng vô tận, thay vào đó là ảnh khuôn mặt cười giống nhau như đúc của cặp song sinh Caroline và Cassidy.

Tiếp theo là mở khóa tủ tường ngoài sảnh, nơi tôi treo chiếc măng tô thú của Miranda (hoặc măng tô của tôi, nếu hôm đó bà không tình cờ mặc lông thú. Miranda không ưa để áo của bà treo bên cạnh áo len mạt hạng của Emily hay của tôi) và cất giữ vô số các đồ khác: măng tô và quần áo bị loại bỏ có giá trị hàng chục nghìn dollar, đồ giặt là để đưa đến nhà Miranda, tối thiểu 300 chiếc khăn trắng Hermès khét tiếng. Emily cho biết là cô đã quyết định mua hết loại khăn này mà hồi đó có thể tìm được. Cô giải thích rằng nhờ vậy Miranda không bao giờ thiếu khăn và chúng tôi sẽ tránh được tình cảnh hốt hoảng đi mua sắm khi cần. Với cách suy luận đơn giản đó, cô mua hết 500 chiếc khăn tại toàn bộ thị trường Mỹ và Pháp. Tôi còn chưa kể với ai là đã mở một bức thư của ban lãnh đạo công ty Hermès từ Paris gửi đến cho “Madame Priestly,” họ lải nhải dài dòng về niềm hân hạnh được Miranda chọn dùng khăn quàng của mình, rằng bà đã tôn vinh mác Hermès nhiều hơn bà tưởng, và họ vô cùng áy náy khi không còn sự lựa chọn nào khác là phải dùng mẫu hàng hơi khác mẫu mà bà vẫn ưa dùng. Trong phong bì có nửa tá mẫu lụa trắng kèm với mẫu Miranda vẫn thích xưa nay – một nghĩa cử xoa dịu nỗi bực dọc của Miranda trong giai đoạn khó khăn này. Tôi săm soi đến hai mươi phút mà không nhận ra sự khác biệt nào giữa các mẫu vải, nhưng tôi biết, Miranda liếc qua là nhận ra ngay. Đương nhiên là bức thư và mẫu vải vẫn nằm dưới đống giấy tờ vô thưởng vô phạt trong ngăn bàn tôi, thực sự tôi không biết làm gì khi chỗ khăn dự trữ bị dùng hết.

Miranda vứt khăn khắp nơi: ở nhà hàng, rạp phim, nơi trình diễn thời trang, phòng họp hay trên taxi. Bà bỏ quên chúng trên máy bay, ở trường của lũ trẻ hay sân tennis. Tất nhiên không bao giờ bà ra khỏi nhà mà lại thiếu chiếc khăn Hermès sang trọng, điều đó không có nghĩa là bà biết chúng biến đâu mất. Hay là bà sử dụng chúng như khăn giấy? Nhất định bà cho rằng đây là sản phẩm dùng một lần rồi vứt đi, và không ai dám cải chính! Elias Clark trả hàng trăm dollar cho mỗi chiếc khăn, còn Miranda tiêu thụ chúng nhanh như khăn giấy. Nếu bà còn tiếp tục như thế thì hai năm nữa là chẳng còn lấy một chiếc mà dùng.

Trong tủ tường vẫn còn nhiều hộp bìa cứng màu da cam. Cứ ba, bốn hôm một lần, khi đi ăn là Miranda lại gọi: “Aaa-dree-aa, tôi cần khăn mới.” Niềm an ủi lớn của tôi là khi chỗ khăn này đã hết sạch thì tôi cũng đã biến khỏi đây từ lâu rồi. Người kế nhiệm mà tôi chưa biết sẽ là kẻ bất hạnh phải thông báo cho Miranda biết rằng không còn khăn quàng Hermès trắng nữa. Chỉ nghĩ đến đã thấy khiếp.

Tôi chuẩn bị xong mọi thứ thì Yuri gọi điện.

“Andrea? A lô, a lô. Yuri đây. Chị xuống tầng trệt được không? Tôi đang ở phố 58 gần Park Avenue, trước New York Sports Club.”

Cho dù không chắc chắn tuyệt đối, cuộc gọi là một thông báo hữu hiệu rằng Miranda sắp đến nơi rồi. Có thể thế. Phần nhiều bà cho Yuri đến trước để đưa đồ giặt, báo, các bài viết bà đã biên tập ở nhà, giày và túi đem đi sửa, và cuốn SÁCH. Tôi khuân đống đồ ấy lên gác và làm mọi việc cần thiết để bà không bị quấy rầy bởi mấy chuyện vặt vãnh. Bình thường thì bà đến sau đó khoảng nửa giờ. Yuri giao đồ cho tôi rồi quay lại ngay để đón bà.

Không rõ Yuri đón bà ở đâu, vì như Emily kể thì bà không ngủ bao giờ. Thoạt tiên tôi không tin, cho đến một hôm tôi đi làm trước Emily và phải nghe các tin nhắn trong hộp thoại. Mỗi đêm, không hề có ngoại lệ, từ một đến sáu giờ sáng Miranda gửi cho chúng tôi tám đến mười tin nhắn khá mập mờ, đại loại như: “Cassidy thích một cái túi nylon như bọn con gái bây giờ hay dùng. Chị đặt mua một cái cỡ trung bình, màu mà nó vẫn thích,” hay: “Tôi cần số điện và địa chỉ của cửa hàng đồ cổ ở giữa phố 70 và phố 80 có cái tủ cánh cong mà tôi đã thấy.” Cứ làm như chúng tôi đương nhiên phải biết trẻ con mười tuổi dạo này thích mốt túi nylon nào, hoặc cửa hàng nào trong số hàng trăm cửa hàng đồ cổ có thứ hàng nào đó mà bà đã nhìn thấy. Tuy nhiên sáng nào tôi cũng ngoan ngoãn chép lại các tin nhắn từ băng ghi âm – một việc không đơn giản, vì tôi phải tua đi tua lại đoạn băng hàng chục lần mới hiểu được giọng Anh của bà cũng như tinh thần của các mệnh lệnh mà không phải trực tiếp hỏi lại cho rõ.

Có lần tôi đã phạm sai lầm khi đề nghị Emily gọi Miranda hỏi lại, và hình phạt là tia nhìn giết người của cô. Trực tiếp hỏi Miranda cho rõ chuyện là một việc không tưởng. Tốt nhất là cứ lọ mọ làm tiếp và sau đó nghe chửi vì lại hiểu sai lệnh. Tôi mất hai ngày rưỡi đi tìm cái tủ đồ cổ cánh cong mà Miranda thích, bắt xe chở đi vòng quanh Manhattan và chạy dọc hai chiều công viên. Bỏ qua đại lộ York (toàn nhà ở) lên phố 1, xuống phố 2, lên phố 3, xuống Lex. Bỏ qua Park (cũng toàn nhà ở) nhưng vẫn lên Madison rồi lặp lại từ đầu bên West Side. Trong tay bút giấy lăm lăm, mắt như cú vọ, sổ điện thoại mở sẵn trên đùi và sẵn sàng lao ra khi thấy một cửa hàng bán đồ cổ. Tôi đích thân vào từng cửa hàng kể cả nhiều hiệu bán đồ mới. Tới hiệu thứ tư thì tôi đã tìm ra kỹ thuật hỏi.

“Xin chào, ở đây có tủ cánh cong cổ không ạ?” Vừa qua cửa là tôi đã réo lên. Tới cửa hàng thứ sáu, tôi dừng chân ngoài cửa. Một con bé bán hàng nhìn tôi từ đầu xuống chân – chuyện dễ hiểu! – ước lượng xem có bõ công trả lời tôi không. Sau đó thì đa số cũng nhìn thấy chiếc Limousine đợi tôi ngoài đường và miễn cưỡng đáp “có” hay “không”. Vài người khác còn bắt tôi miêu tả chi tiết loại tủ muốn tìm.

Nếu họ có đồ gỗ đúng như tôi hỏi bằng hai từ (tủ + cổ) tôi tiếp ngay: “Miranda Priestly hôm nọ mới vào đây phải không ạ?” Ai trước đó chưa đoán là tôi dở hơi thì bây giờ cũng chuẩn bị gọi cảnh sát. Nhiều người chưa nghe tên ấy bao giờ, tôi càng vui vì hai lẽ: thứ nhất là tôi được gặp những người bình thường, cuộc đời họ không bị Miranda chế ngự, sau nữa là tôi có thể đi ngay mà không phải tranh luận dài dòng. Những người ngô nghê có biết tên Miranda thì dỏng ngay tai lên. Nhiều khi họ muốn biết tôi là phóng viên cho tờ lá cải nào. Dù cho tôi bịa ra chuyện gì thì cũng chẳng ai thấy mặt bà ở cửa hàng của họ (trừ ba cửa hàng đã không thấy mặt bà từ vài tháng rồi, ôi, sao lâu quá chưa thấy đến lại! Xin chuyển lời chào nồng nhiệt của Franck/Charlotte/Sarabeth nhé!)

Sau khi hoài công đi tìm, trưa ngày thứ ba Emily bật đèn xanh cho phép tôi đến văn phòng hỏi Miranda lần nữa. Xe đỗ trước tòa nhà là tôi đã túa mồ hôi, và khi Eduardo không mở ngay cửa xoay thì tôi dọa sẽ trèo qua. Tôi lên tầng, áo ướt đẫm, tay run rẩy khi vào đến văn phòng, lúng túng quên tiệt những câu đã sắp sẵn trong óc để trình bày (Chào Miranda, tôi khỏe, xin cám ơn. Bà có khỏe không? Vâng, tôi muốn trình bày là tôi đã vất vả đi tìm cửa hàng đồ cổ như bà nói nhưng không gặp may. Bà có thể cho biết là nó bên Tây hay Đông Manhattan được không ạ? Hay bà nói lại lần nữa tên cửa hàng là gì ạ?). Thay vì viết ra giấy các câu hỏi và đem nộp như thường lệ, tôi xin gặp bà trực tiếp ở bàn giấy, và – có lẽ bị bất ngờ vì tôi không được hỏi mà vẫn lên tiếng – bà đồng ý cho gặp. Phần cuối tôi tóm gọn lại như sau: Miranda thở dài và chặc lưỡi và chán nản một cách lịch thiệp rất riêng của bà, rốt cuộc bà mở cuốn sổ da Hermès màu đen ghi kế hoạch (buộc bằng chiếc khăn Hermès trắng một cách bất tiện nhưng rất đẹp) và lấy ra… tấm danh thiếp của cửa hàng.

“Aan-dree-aa, tôi đã đọc địa chỉ cửa hàng cho chị vào băng rồi mà. Tôi nghĩ là khó khăn gì mà chị không chép lại chứ?” Tôi ước gì được vớ lấy tấm thiếp và quật lên mặt bà ta, song chỉ lẳng lặng gật đầu nghe lời trách cứ. Khi nhìn thấy địa chỉ trên thiếp, thiếu chút nữa thì tôi phát điên: 244 phố 68! Thảo nào tôi không tìm ra. Tôi mất toi ba mươi ba tiếng đồng hồ đi tìm cửa hàng ở một khu phố khác hẳn!

Tôi cứ nghĩ đến chuyện này trong khi chép lại những tin nhắn đêm qua của bà. Sau đó tôi vội xuống tầng trệt để nhận đồ ở chỗ hẹn với Yuri. Mỗi sáng ông báo chính xác địa điểm đỗ xe, nhưng tôi có nhanh chân đến mấy thì khi xuống đến nơi Yuri cũng đã lấy hết đồ khỏi xe và khuân vào nhà để tôi đỡ mất công tìm ông lâu. Hôm nay cũng thế. Ông đã đứng đợi tôi như một người ông hiền từ ở tiền sảnh trước cửa xoay, tay ôm đầy túi nylon, quần áo và sách báo.

“Đừng chạy nhanh thế, nghe chưa,” ông nói đặc giọng Nga. “Suốt ngày tôi thấy chị chạy và chạy và chạy, chị vất vả quá đấy. Vì vậy tôi đem đồ tận tay cho chị,” ông giúp tôi chất hết các túi và hộp lên tay. “Chị là một cô bé ngoan, nghe chưa. Chúc chị một ngày tốt lành.”

Tôi nhìn ông đầy hàm ơn, ngó qua Eduardo với tia mắt nửa đùa nửa thật báo hiệu tôi sẽ bóp cổ ông nếu ông lại định bắt tôi diễn trò như mọi hôm, và bằng lòng thấy Eduardo nhấn nút cho tôi qua cửa xoay mà không nói một lời nào. Lạ lùng là tôi nhớ đảo qua quầy Ahmed để nhận báo. Mặc dù phòng báo chí cứ chín giờ sáng là chuyển báo cho Miranda, tôi vẫn phải lấy thêm một tập để bảo đảm cho bà không phải ngồi ở bàn lấy một giây thiếu báo đọc. Các tuần san cũng thế. Dường như không ai ngạc nhiên khi chúng tôi mua mỗi ngày chín tờ nhật báo và mỗi tuần bảy tạp chí cho bà sếp vốn chỉ quan tâm tới cột buôn chuyện và thời trang.

Trước hết tôi đẩy tất cả xuống gầm bàn, vì đã đến giờ đặt hàng rồi. Tôi quay số đã thuộc lòng của cửa hàng điểm tâm cao cấp Mangia ở trung tâm. Như mọi khi, Jorge nhấc máy.

“ Chào ông anh, em đây,” tôi kẹp ống nghe dưới cằm để rảnh tay kiểm tra e-mail. “ Ta bắt đầu nào.” Jorge và tôi rất thân nhau. Sáng nào cũng gọi điện cho nhau bốn, năm lần thì người ta dễ thành bạn.

“ Chào bé con. Anh cho một cậu đến ngay chỗ cô đây. Bà ấy đến chưa?” Anh hỏi. Dù biết “ bà ấy” là bà sếp điên dở của tôi và làm ở Runway, nhưng chắc anh không rõ người sắp dùng đồ ăn sáng mà tôi vừa đặt là người như thế nào. Jorge là một trong những người mà tôi ưa gọi điện buổi sáng. Eduardo, Juri, Jorge và Ahmed đảm bảo cho ngày làm việc khởi đầu tử tế. Điểm hay nhất ở họ là thật ra họ chẳng liên quan gì tới Runway, dù là sự tồn tại của họ có vẻ như chỉ xoay quanh việc kiến tạo cuộc sống hoàn hảo cho bà sếp của tôi. Không ai trong họ mảy may biết gì về quyền lực và danh tiếng của Miranda.

Gói quà sáng đầu tiên chỉ mấy giây sau là lên đường tới 640 Madison, song chắc cũng bị ném vào thùng rác ngay. Mỗi sáng Miranda dùng bốn lát ba chỉ dày mỡ, hai xúc xích nhỏ, pho mát, và cho tất cả xuống dạ dày theo một cốc cà phê sữa to đùng của Starbucks ( nhớ thêm hai viên đường mía!) Ở văn phòng, mọi người tranh cãi nhau về chuyện này. Người thì bảo Miranda luôn theo chế độ ăn kiêng kiểu Atkins, người khác cho rằng bà là người hạnh phúc vì bộ gene trao đổi chất siêu việt. Dù thế nào thì bà cũng không tăng lấy một gam trong khi ăn những đồ nhiều mỡ nhất, nhiều đường nhất, bổ béo nhất thế giới – một tội lỗi mà không người bình thường nào dám phạm. Vì quà sáng chỉ giữ nóng tối đa được mười phút, tôi liên tục đặt mới cho đến khi bà có mặt, đồ cũ cho vào thùng rác. Đã có lần tôi làm nóng lại trong lò vi sóng, chỉ mất có năm phút thôi ( nhưng đã bị gọi: Aan-dree-aa, tởm quá. Chị lấy cho tôi đồ tươi đi.”) Cứ khoảng hai mươi phút là tôi lại đặt đồ mới, cho đến khi bà gọi từ điện thoại di động sai tôi đặt đồ ăn sáng (Aan-dree-aa, tôi sắp đến văn phòng. Gọi quà sáng đi.”)

Điện thoại đổ chuông. Giờ này chỉ có thể của Miranda.

“ Văn phòng Miranda Priestly đây”, tôi ríu rít, không mong đợi gì tốt lành.

“ Emily, mười phút nữa tôi đến nơi, chị nhớ làm quà sáng sẵn sàng.”

Bà đã quen gọi cả hai chúng tôi cùng là Emily, qua đó cho thấy – hoàn toàn có lý – hai người chẳng khác nhau điểm nào và hoàn toàn có thể tráo cho nhau được. Tôi thấy khá bị xúc phạm, tuy đến hôm nay cũng đã quen dần. Thêm nữa là cũng quá mệt mỏi để thực sự bực mình vì mấy trò vặt vãnh như bị gọi sai tên.

“ Vâng, Miranda, xong ngay.” Nhưng bà đã chấm dứt. Emily chính cống bước vào văn phòng.

“Ê, Miranda đến chưa?” Cô thì thào.Như mọi khi, cô len lén ngó về phía cửa phòng Miranda và không thèm phí một câu chào, giống hệt sếp.

“ Không, nhưng vừa gọi điện báo là mười phút nữa đến nơi. Tôi quay về ngay.”

Tôi đút điện thoại và bao thuốc vào túi áo khoác và lao ra ngoài. Mười phút, không hơn không kém, tôi có đúng chừng ấy thời gian để xuống tầng dưới, chạy qua quảng trường Madison đi mua cà phê rồi quay lại bàn giấy – dọc đường còn kịp rít điếu thuốc ngon lành đầu tiên trong ngày. Di tắt mẩu thuốc, tôi luôn vào hiệu Starbucks góc phố 57 vá Lex. Tôi ngắm hàng người mua: nếu không nhiều hơn tám người thì tôi xếp hàng như một khách hàng bình thường. Nhưng hầu như hôm nào cũng như hôm nay, có đến hai chục người lao động tội nghiệp hoặc nhiều hơn đang xếp hàng đợi liều cafein đẳt đỏ, và tôi phải chen hàng. Chẳng hay ho gì trò này, nhưng hình như Miranda không chịu hiểu là người ta không chỉ từ chối đưa cà phê sữa của bà đến tận nơi mà lúc đông người tôi mất đến nửa tiếng mới đến lượt. Mấy tuần liền tôi bị bà hành hạ qua điện thoại di động ( Aan-dree-aa, tôi không thể hiểu được. Tôi gọi chị trước hai mươi lăm phút là tôi sắp đến, thế mà quà sáng vẫn chưa xong. Không thể chấp nhận được.”) Tôi xin gặp cô chủ cửa hàng.

“ Chào bà, cám ơn chị có vài phút tiếp chuyện,” tôi nói với người phụ nữ da đen nhỏ nhắn. “ Tôi biết là chuyện này nghe hơi kỳ quái, tôi chỉ muốn hỏi chị, liệu có cách nào đó để tôi được phục vụ nhanh hơn một chút không?” Tôi lấy hơi để giải thích rằng tôi làm việc cho một bà sếp quan trọng và cứng đầu, không chấp nhận phải đợi cốc cà phê sáng. May quá. Cô chủ hiệu Marion đang học thêm buổi tối ở lớp tạo mốt.

“ Trời ạ, tôi không nghe nhầm chứ? Chị làm việc cho Miranda Priestly? Và bà ấy dùng cà phê sữa của hiệu tôi? Cốc lớn? Sáng nào cũng thế? Thế mà tôi không biết. Vâng, vâng, tất nhiên rồi. Được ngay thôi. Tôi sẽ nói với nhân viên là chị luôn luôn được phục vụ đầu tiên. Chị không phải bận tâm gì cả. Bà ấy là nhân vật số một trong giới thời trang đấy,” Marion hăng hái nói, và tôi cũng cảm ơn nồng nhiệt.

Và thế là tôi được thản nhiên lướt qua mặt những người New York mệt mỏi, cáu kỉnh và tự mãn đang rồng rắn xếp hàng từ lâu. Tôi chẳng vui thú hay kiêu hãnh gì, thậm chí còn ghét mỗi khi phải làm trò này, nhất là những hôm hàng dài đằng đặc như hôm nay. Để chuộc lỗi, tôi không đặt một cốc mà mua cả khay bưng ra. Mạch đập thình thịch, mắt cay; tôi cố quên đây là cuộc đời mình sau mấy năm trời học văn thơ và tốt nghiệp điểm cao. Thay vào đó là đi đặt cốc cà phê sữa lớn cho Miranda cộng thêm vài cốc cho mình. Tôi đặt một cốc Grande Amaretto Cappuccino, một Mocha Frappuccino và một Caramel Macchiato lên khay, lấy thêm nửa tá bánh flan và bánh sừng bò, tổng cộng tốn hết 28,83 dollar. Tôi cho hóc đơn vào ngăn riêng trong cái ví chật cứng để thanh toán với Elias Clark mà chưa bao giờ bị hỏi han lâu la.

Bây giờ phải rảo cẳng lên, vì từ lúc Miranda gọi điện đến giờ đã hai mươi phút trôi qua. Chắc chắn Miranda đã ngồi đó và bực dọc tự hỏi, sáng nào tôi cũng biến đi đâu lâu thế ( logo của Starbucks trên cốc lẽ ra đã đưa lại cho bà câu trả lời). Nhưng trước khi tôi kịp bưng các thứ lên thì đã có chuông điện thoại. Tim tôi đập rộn, lần nào cũng thế. Tôi biết nhất định đó là Miranda. Rõ quá, nhưng tôi vẫn hoảng. Số máy hiện ra khắng định phỏng đoán của tôi, nhưng tôi ngạc nhiên nghe giọng Emily – cô gọi từ máy của Miranda.

“ Sếp đến rồi, đang điên tiết,” cô thì thầm. “ Chị chạy đi đâu thế?”

“ Tôi không nhanh hơn được,” tôi càu nhàu, cố bưng khay cho cân, một tay giữ túi bánh, tay kia cầm điện thoại.

Tôi và Emily giờ đây được nối bằng sự phản cảm mãnh liệt. Từ khi cô lên chức trợ lý trưởng thì chủ yếu tôi làm trợ lý riêng cho Miranda. Tôi gọi đồ ăn thức uống, giúp hai cô bé làm bài về nhà , sục sạo khắp thành phố để kiếm loại bát đĩa thích hợp cho bà tổ chức mời khách ăn tiệc. Emily lo tính toán chi tiêu, đặt vé máy bay, vài tháng một lần đặt mua áo quần mới cho Miranda – nhiệm vụ lớn nhất. Buổi sáng, khi tôi ra ngoài chạy việc thì một mình Emily phải canh văn phòng, bắt điện thoại và sẵn sàng phục vụ Miranda mọi bề. Tôi ghen ghét với Emily được mặc áo không tay trong văn phòng, vì chị không phải rời phòng ấm áp mỗi ngày sáu lần để chạy khắp New York lạnh như cắt ruột. Chị ghen ghét với tôi được rời khỏi văn phòng và luôn lợi dụng được vài phút để gọi điện nói chuyện riêng hay hút thuốc.

Thông thường thì đường về văn phòng lâu hơn đường đến Starbucks, vì tôi còn phải đi phân phát cà phê và bánh. Tôi đem cho một nhóm người vô gia cư, mấy người mà tôi đã quen mặt ở phố 57. Họ ngồi vất vưởng trên các bậc thang, ngủ trong lối đi vào nhà và trốn tránh nỗ lực của thành phố muốn dọn họ đi. Cảnh sát hay đi lùng vào sáng sớm, khi chưa có nhiều người ngoài phố, nhưng lúc tôi đi mua cà phê lần đầu thì họ vẫn còn đấy. Thật phấn chấn và thích thú khi thấy món cà phê đắt lòi mắt do Elias Clark tài trợ được đem đến cho những người bị thành phố hắt hủi nhất.

Người đàn ông hôi mùi nước tiểu ngủ trước nhà băng Chase ngày nào cũng được uống Mocha Frappuccino. Ông không bao giờ thức giấc khi tôi đặt cốc xuống cùi tay ông ( có ống thuốc! tất nhiên!) nhưng mấy tiếng sau, khi tôi đi mua cà phê lần nữa thì cà phê biến mất – cùng với ông già.

Cốc Caramel Macchiato dành cho bà già có xe mua hàng và tấm biển KHÔNG NHÀ/ TÌM VIỆC/ ĐÓI. Sau này tôi biết tên bà là Theresa, mới đầu tôi hay bưng cho bà một cốc lớn cà phê sữa như của Miranda. Bà luôn cảm ơn, nhưng không bao giờ uống một ngụm khi cà phê còn nóng. Một hôm tôi hỏi, liệu có phải bà không thích cà phê. Bà lắc đầu quầy quậy và móm mém nói là bà đâu có tính kén chọn, nhưng cà phê đặc quá và bà ưa uống ngọt hơn. Hôm sau tôi đem cho bà có vị vani và kem béo. Như thế đúng hơn? Vâng, ngon hơn nhiều, nhưng lần này có lẽ hơi bị ngọt quá. Hôm sau nữa thì tôi gãi đúng chỗ ngứa: không pha thêm vị gì, chỉ thêm một chút kem béo và si rô mạch nha. Theresa cười, miệng gần rụng hết răng, từ hôm đó uống hết ngay khi tôi đem cà phê đến.

Cốc thứ ba cho Rio, người Nigeria, anh ngồi trên tấm chăn và bán CD. Có vẻ như anh không phải vô gia cư, nhưng một lần tôi đem khẩu phần hằng ngày cho Theresa thì anh đi tới và hỏi, hay đúng hơn là hát: “ Chị là cô tiên của Starbucks à? Phần tôi đâu?” Hôm sau tôi biếu anh một cốc Caramel Macchiato và từ đó chúng tôi thành bạn.

Mỗi ngày tôi chi lạm 24 dollar tiền cà phê ( cà phê sữa cho Miranda chỉ có giá hơn bốn dollar), thêm một cú đá ngầm của riêng tôi vào công ty, vì tôi đem đồ ăn thức uống cho những kẻ bẩn thỉu, hôi hám và điên dở - chứ không phải vứt tiền của Miranda đi theo nghĩa đen.

Tôi vào đến tiền sảnh khi Pedro, người Mexico giao hàng của Mangia, đang tán gẫu với Eduardo trước dãy thang máy.

“ Xin chào, cô bé yêu của chúng ta đến kìa,” anh nói, mấy con bé tọc mạch ngoái cổ lại nhìn. “ Mọi thứ đây, như mọi khi, ba chỉ, xúc xích và món pho mát kinh dị. Hôm nay chị chỉ gọi có một lần. Đồ ăn chị cho đi đâu hết, trông chị gầy thế kia,” anh cười. Gầy! Tôi mà gầy? Anh chàng này chẳng biết gì. Pedro biết rõ là đồ ăn không phải mua cho tôi. Nhưng cũng giống như mọi người tôi gặp trước tám giờ, anh không biết các chi tiết. Tôi ấn vào tay anh tờ 10 dollar cho gói quà sáng giá 3.99 và đi lên tầng.

Miranda đang gọi điện khi tôi vào phòng. Chiếc áo khoác Gucci bằng da rắn của bà nằm vắt ngang bàn tôi. Máu tôi dồn lên mặt. Mất gì mà bà không đi thêm hai bước, mở tủ tường và treo áo mình vào đó, thay vì quẳng nó lên bàn tôi? Tôi đặt cốc cà phê xuống, ngó qua Emily đang đồng thời bận bịu với ba máy điện thoại rồi đem chiếc áo da rắn đi treo. Chiếc măng tô của tôi thì đút xuống gầm bàn, vì tôi không muốn nó treo trong tủ làm nhiễm trùng áo sếp.

Tôi lấy hai viên đường mía, thìa và khăn ăn từ ngăn kéo ra và phải rất cố kiềm chế mình để khỏi nhổ một bãi vào cốc cà phê. Sau khi để mấy lát mỡ béo, xúc xích căn tròn và miếng “ pho mát kinh dị” lên một đĩa sứ nhỏ, tôi chùi tay vào mấy đồ giặt còn giấu dưới bàn ( để Miranda không biết là chúng chưa được lấy đi). Về lý thuyết thì lẽ ra ngày nào tôi cũng phải rửa đĩa bằng nước nóng trong bếp, nhưng đơn giản là tôi không sao làm nổi. Đóng vai ô sin riêng của Miranda trước mặt bàn dân thiên hạ thì nhục quá. Do đó tôi lấy khăn giấy chùi đĩa, lấy móng tay cào chỗ pho mát dính trên đĩa. Nếu đĩa dính bẩn quá thì tôi lấy một ít San Pellegrino rỏ vào cho mềm. May cho Miranda là tôi không sử dụng cồn lau màn hình máy tính! Những suy nghĩ kiểu ấy chứng tỏ đạo đức của tôi đã đạt mức suy đồi tệ hại. Tôi chỉ thấy khiếp sợ, tại sao quá trình này diễn ra nhanh thế.

“ Nhớ là tôi muốn các người mẫu cười,” tiếng bà vang lên trong phòng. Nghe giọng thì biết là Miranda đang gọi điện cho Lucia, phụ trách thời trang trong buổi chụp ảnh sắp tới ở Brazil. “ Tôi muốn thấy các cô gái hạnh phúc, cười rạng rỡ, khỏe mạnh. Không được mặt mũi đăm chiêu, cau có, nhăn nhó, không đánh phấn màu tối. Tôi muốn họ tỏa sáng. Nhớ chưa Lucia: chớ làm sai một li!”

Tôi vào phòng, đặt đĩa đồ ăn và cà phê lên bàn, khăn ăn, đường và thìa bên cạnh. Bà không thèm nhìn tôi. Tôi đợi một lát xem bà có đưa tài liệu nào để gửi fax hay lưu trữ, nhưng bà lờ đi và tôi lại ra khỏi phòng.

Tám rưỡi. Tôi ra khỏi giường cách đây ba giờ và mệt rũ như đã làm việc suốt mười hai tiếng; vừa định kiểm tra hộp thư điện tử lần nữa thì Miranda đi ra. Chiếc áo khoác buộc thắt lưng làm nổi rõ đáy lưng ong và làm chiếc váy bó sát của bà càng đẹp lý tưởng. Bà lên cơn thịnh nộ.

“Aan-dree-aa! Cà phê nguội ngắt. Tôi không hiểu tại sao. Chắc chắn chị đi lâu quá. Lấy cho tôi cốc khác.”

Tôi hít hơi thật sâu và cắn răng không để lộ nét căm ghét ra mặt. Miranda đặt cốc cà phê bị chê lên bàn tôi và mở cuốn tạp chí Vanity Fair số mới nhất do một nhân viên gửi lại cho bà trên bàn tôi. Tôi cảm nhận được tia mắt của Emily có lẽ pha trộn giữa thông cảm và tức giận. Một mặt, cô thương tôi phải chạy ra ngoài lần nữa mua cà phê, nhưng mặt khác cô bực mình vì tôi không chịu tươi cười chấp nhận một điều bất khả kháng. Chả gì thì hàng triệu cô gái khác sẵn sàng xin chết để được làm công việc của tôi.

Với một tiếng thở dài không thể không nghe thấy, nhưng cũng không bị hiểu là công khai phản kháng, tôi chui vào chiếc măng tô và đi ra thang máy. Chuyện đã rõ ràng: hôm nay sẽ lại là một ngày rất, rất dài.

Chuyến đi mua cà phê lần thứ hai trôi chảy hơn lần đầu nhiều. Ở Starbucks không còn đông người nữa, và Marion bắt đầu rót ngay cốc cà phê sữa khi cô thấy tôi đi vào. Lần này tôi không mua nhiều thứ, tôi muốn hoàn thành công việc thật nhanh và quay về bàn của mình, chỉ lấy thêm cho Emily và tôi mỗi người một cốc Cappuccino. Tôi vừa định trả tiền thì có chuông điện thoại. Con mụ chết tiệt này. Không biết cách cư xử, kiên nhẫn và tôn trọng ai cả. Tôi ra ngoài chưa đầy bốn phút, cớ gì mà bà ta phải làm ầm lên? Tôi giữ khay cà phê bằng một tay, tay kia thọc vào túi áo măng tô tìm điện thoại. Tôi quyết định châm một điếu thuốc để phản kháng trò đàn áp nô lệ này thì thấy số máy gọi đến là số ở nhà Lily.

“ Tớ có quấy cậu không?” Cô hỏi. Giọng cô nóng vội. Tôi nhìn đồng hồ. Tại sao giờ này cô lại ở nhà mà không đến trường?

“ Không sao, tớ đang đi mua cà phê lần thứ hai. Có chuyện gì thế? Giờ này cậu đang ở trường mới đúng chứ?”

“ Ừ, chính ra là thế. Nhưng tối qua tớ đi chơi với T-shirt-hồng và rất tiếc đã uống vài ly Margarita quá mức bình thường. Nói chính xác hơn là tám ly. Hắn còn ngủ, và tớ không muốn tự dưng bỏ đi. Nhưng tớ gọi cậu vì một chuyện khác.”

“ Sao nữa?” Tôi không tập trung nghe lắm. Một chiếc cốc giấy đựng Cappuccino đã bắt đầu ngấm ra ngoài, và với chiếc điện thoại kẹp dưới cằm thì phải thật khéo léo mới dùng một tay moi được điếu thuốc và châm lửa.

“ Ông chủ nhà của tớ tám giờ sáng nay đến gõ cửa và nói rằng tớ phải ra khỏi nhà,” cô nói giọng vui vẻ.

“Ra khỏi nhà à? Nhưng tại sao, Lily? Bây giờ cậu định làm gì?”

“ Chắc là họ biết tớ không phải Sandra Gers, và cô ta không sống ở đây từ sáu tháng nay. Tớ không có họ với cô ấy, vì vậy không được thuê tiếp căn hộ được xã hội trợ giá. Chuyện ấy tớ biết ngay từ đầu, do đó tớ vẫn mang tên cô ta. Chẳng hiểu tại sao họ lại phát hiện ra. Nhưng chuyện cũng đã xảy ra rồi. Bây giờ tớ có một ý rất hay. Tại sao bọn mình không đến ở cùng nhau nhỉ? Phòng của cậu ở chỗ Shanti và Kendra thuê từng tháng một, đúng không? Và cậu dọn đến đó vì không có chỗ nào khác, đúng không?”

“ Đúng.”

“ Okay. Vậy thì bọn mình cùng tìm một chỗ hợp lý!”

“Tuyệt” Tôi nói hơi to quá, mặc dù đúng là cũng thích kế hoạch của cô.

“Vậy là cậu đồng ý rồi nhé?” Cô nói, nghe chừng đã bớt phấn khởi một chút.

“Nhất định rồi, Lily. Sáng kiến của cậu rất hay. Tiếc là tớ không nhảy lên vì sung sướng được, vì tớ đang đứng ngoài mưa và cà phê nóng bỏng đang chảy dọc cánh tay trái…” Píp píp. Có một cuộc gọi khác đang chờ. Suýt nữa tôi phải bỏng vì điếu thuốc trong khi cầm điện thoại lên xem số điện gọi đến. Đó là Emily.

“Chết tiệt, Lily, Miranda gọi. Tớ phải chấm dứt đây, chúc mừng cậu bị đuổi khỏi nhà! Tớ rất mừng cho hai chúng mình. Lát nữa tớ gọi lại, okay?”

“Okay, thế thì…”

Tôi đã chuyển kênh và chuẩn bị tinh thần nghe chửi.

“Lại tôi đây,” Emily cay nghiệt. “Chị biến đi đâu vậy? Việc của chị chỉ là mua cà phê, có gì ghê gớm đâu. Chị quên là ngày xưa tôi làm việc này của chị, và tôi biết là không thể lâu đến mức ấy…”

“Gì cơ?” Tôi lớn tiếng hỏi và che ngón tay lên máy. “Có chuyện gì thế? Tôi không nghe thấy gì cả. Chị có nghe thấy tôi nói không? Một phút nữa tôi về!” Tôi gập máy lại và dúi thật sâu vào túi áo. Sau đó tôi vứt điếu thuốc Marlboro vừa châm xuống vỉa hè, chạy vội về văn phòng.

Miranda lần này rộng lòng chấp nhận cốc cà phê sữa hơi nóng hơn một chút. Từ mười đến mười một giờ, bà không gọi Emily và tôi lần nào, vì còn mải tán chuyện điện thoại với Mr. Mờ-Cờ-Đờ. Về danh chính ngôn thuận thì tôi mới làm quen chồng bà tuần trước, vào tối thứ Tư khi đến nộp SÁCH. Tôi vào đến sảnh khi ông đang lấy măng tô khỏi tủ. Mười phút liền ông lảm nhảm kể cho tôi về “Mr. Tomlinson”. Sau lần gặp gỡ ấy ông luôn đối xử đặc biệt ân cần với tôi, hỏi thăm sức khỏe và khen tôi làm việc tốt. Đương nhiên là sự thân mật đó không hề lây sang vợ ông.

Tôi toan gọi sang bên quan hệ đại chúng để kiếm vài đồ tử tế mặc trong văn phòng thì giọng Miranda lanh lảnh dứt tôi khỏi dòng suy nghĩ: “Emily, ăn trưa”. Emily thứ thiệt gật đầu ra hiệu: việc của tôi. Tôi bấm số điện đã lưu của Smith and Wollensky, ở đầu dây bên kia là cô nhân viên mới.

“Chào Kim. Đây là Andrea, văn phòng Miranda Priestly. Sebastian có đấy không?”

“Xin chào. Xin cho biết tên một lần nữa.” Mỗi tuần hai lần, tôi gọi điện đúng vào giờ này, vậy mà lần nào cô ta cũng như không biết tôi là ai.

“Văn phòng Miranda Priestly. Runway. Tôi không muốn tỏ ra khiếm nhã” – đúng thế - “nhưng tôi khá vội. Chị nối máy cho tôi với Sebastian được không?” Gặp một nhân viên khác thì nhất định tôi sẽ nhờ chuyển tiếp các món Miranda vẫn đặt, nhưng cô Kim này quá tối dạ, vì vậy tôi có thói quen nói trực tiếp với chủ nhà hàng.

“Xin đợi một chút. Tôi xem ông ấy có thì giờ nói chuyện không.” Tất nhiên là có, cứ tin tôi đi cô Kim. Ông ấy sống nhờ vào Miranda Priestly đấy.

“Andy thân mến. Cô có khỏe không?” Giọng Sebastian như gió thoảng. “Tôi hi vọng được chị gọi vì bà tổng biên tập thời trang yêu mến của chúng ta muốn ăn trưa, đúng không?”

Không hiểu ông ta phản ứng ra sao, nếu tôi cho phép đùa ông là bữa trưa này không phải cho Miranda mà là cho tôi? Smith and Wollensky đâu phải là một hiệu cung cấp pizza, mà là nhà hàng năm sao, và chỉ cho phép nữ hoàng hưởng một ngoại lệ.

“Vâng, đúng thế. Miranda vừa nói là bà muốn thử đặc sản của nhà hàng ông, và gửi ông lời chào thân ái.” Có lẽ cả đời Miranda không thốt ra mấy lời sến như thế, nhưng Sebastian là một fan lớn của bà nên tôi muốn dành cho ông niềm vui nho nhỏ này. Ông khúc khích cười rất xúc động.

“Tuyệt vời! Cực kỳ tuyệt vời! Chúng tôi bắt đầu ngay đây. Chị đến lấy thức ăn lúc nào cũng được,” giọng ông vui vẻ tươi tắn. “Và tất nhiên hãy cho tôi gửi đến bà lời chào thân ái!”

“Nhất định rồi, tôi sẽ chuyển ngay, xin chào ông.”

Nịnh ông một chút cũng bõ công, vì ông giúp tôi rất nhiều và đỡ việc cho tôi. Hôm nào Miranda không đi ăn, tôi dọn bữa cho bà trong văn phòng, và cất giữ trong tủ lạnh mấy thứ bát đĩa sứ cho mục đích này. Chủ yếu đó là hàng mẫu của các bộ đồ ăn mới do các nhà tạo mốt gửi đến, phần còn lại lấy từ căng tin. Kiếm khay, dao cắt bít tết và khăn ăn vải lanh thì quá phiền phức, tôi bảo Sebastian cung cấp luôn. Lại một lần nữa trong ngày tháng Hai lạnh lẽo và xám xịt này, tôi khoác lên người chiếc măng tô len đen, đút điện thoại và thuốc lá vào túi rồi đi ra ngoài. Mặc dù đi bộ đến nhà hàng chỉ mất mười lăm phút, tôi vẫn suy nghĩ có nên gọi ôtô không. Nhưng khi hít vào phổi không khí trong lành thì tôi thay đổi ý định, châm một điếu thuốc và lên đường. Không rõ vì khói hay vì gió lạnh nhưng tôi thấy phấn chấn hẳn.

Vào mùa này ít khi gặp nhiều khách du lịch lang thang đi lại. Ngày xưa tôi hay bực mình về những người vừa đi vừa gọi điện thoại, nhưng bây giờ chính tôi cũng có thói quen xấu đó. Tôi rút điện thoại và gọi đến trường của Alex, nếu trí nhớ kém cỏi của tôi không nhầm thì giờ này có thể anh đang nghỉ trưa ở phòng giáo viên.

Sau hai hồi chuông, thì tôi nghe một giọng phụ nữa rất chua trả lời.

“Alô, trường phổ thông số 277, tôi là Mrs. Whitmore. Quý vị cần gì?”

“Tôi muốn gặp Alex Feinman.”

“Cho phép tôi hỏi chị là ai?”

“Tôi là Andrea Sachs, bạn gái của Alex. ”

“A, Andrea đấy à. Chúng tôi đã nghe kể nhiều về chị. ” Giọng bà không có vẻ vui, thậm chí ngược lại.

“Ồ, thế ạ? Xin cám ơn. Tôi cũng được nghe kể nhiều về bà Miranda Priestly. Vâng, Alex rất mến các đồng nghiệp ở trường.”

“Cám ơn chị. Andrea, tôi muốn nói là, hình như chị có công việc rất thú vị, khi được làm cho một phụ nữ tài năng như vậy. Chị là người rất may mắn đấy.”

Vâng, Mrs. Whitmore, tôi là người nhiều may mắn. Bà không biết tôi may mắn đến mức nào đâu. Nếu bà biết là mới ngày hôm qua tôi được phép đi mua tampon cho bà sếp của tôi và sau đó được biết là mua nhầm loại và tôi chẳng biết làm gì cho tử tế cả. May mắn là chữ duy nhất khả dĩ đúng với cảm nhận của tôi vào mỗi buổi sáng khi tôi phân loại đống quần áo dính đầy mồ hôi và thức ăn của bà sếp để đem đi giặt. À, còn nữa! Tôi không biết có gì làm tôi sung sướng hơn là ba tuần liền chạy đến những người nuôi chó tốt nhất thành phố để tìm mua hai con chó giống Bulldog của Pháp cho hai con bé được chiều chuộng và láo toét nhất. Vâng, may mắn là thế đấy!

“Vâng, đúng thế, đúng là một cơ hội tốt,” tôi nói như con vẹt. “Hàng triệu cô gái xin chết để làm việc này đấy.”

“Chị nói đúng quá. Ai thế nhỉ? À, Alex vừa đến. Chị nói chuyện với anh ấy nhé.”

“Chào Andy, em có khỏe không? Ngày hôm nay ra sao?”

“Đừng hỏi thì hơn. Em đang đi mua đồ ăn cho BÀ ẤY. Còn anh thì sao?”

“Cho đến giờ thì ổn. Lớp của anh sau giờ ăn trưa sẽ học nhạc, nghĩa là anh sẽ rảnh một tiếng rưỡi, may quá. Sau đó còn phải tập phát âm!” Anh nói hơi chán nản. “Anh cũng không rõ bọn trẻ rồi sẽ học đọc cho tử tế sao nữa.”

“Được, hôm nay có xảy ra chuyện đâm chém gì không?”

“Không.”

“Thấy chưa, anh còn đòi gì nữa? Hôm nay anh có một ngày ít đau đớn nhé và không có máu chảy. Hãy vui đi chứ. Mai vẫn còn thì giờ tập đọc cơ mà. Anh đã nghe tin mới nhất chưa? Sáng nay Lily gọi điện, cô ấy bị tống ra khỏi nhà ở Harlem, bọn em sẽ đến ở cùng nhau. Hay đấy chứ?”

“Xin chúc mừng! Thời điểm rất thuận lợi, ở chỗ hai người sẽ rất vui đấy. Nhưng suốt ngày có Lily bên cạnh cũng mệt…và các bạn trai của Lily nữa… Em hãy hứa là thường xuyên đến chỗ anh hơn!”

“Tất nhiên. Nhưng anh cũng sẽ thích ở chỗ bọn em. Giống như ngày xưa ở ký túc xá sinh viên ấy mà.”

“Thật rủi cho cô ấy phải bỏ căn hộ rẻ. Đối với em tất nhiên lại là may mắn.”

“Vâng, em cũng chưa tin nổi. Em không có chuyện gì với Shanti và Kendra, nhưng có lẽ em đã quá tuổi ở nhờ ở đậu nơi người lạ.” Cũng phải nói thêm là tôi rất thích đồ ăn Ấn Độ, nhưng không nhất thiết quần áo luôn luôn phải có mùi cà ri. “Em định đề nghị với Lily tối nay liên hoan mừng một khởi đầu mới. Anh có đi cùng không? Bọn mình sẽ đến East Village, anh đỡ phải đi xa.”

“Rất hay. Chiều nay anh ở nhà với Joey, nhưng khoảng tám giờ tối anh phải vào thành phố. Lúc đấy em cũng chưa xong việc. Max sẽ đi cùng, mình sẽ gặp nhau sau. Này, dạo này Lily có bạn trai không? Max đang độc thân mà, nếu…”

“Sao cơ?” Tôi cười. “Anh định nói bạn gái của em là một đứa lăng nhăng hay sao? Cô ấy là người có tư tưởng tự do. Còn chuyện bạn trai thì nói thế nào nhỉ? Tối qua có một gã ngủ ở chỗ cô ấy tên là Mr. T-shirt-hồng, em cũng không biết tên thật là gì.”

“Không quan trọng. Vừa có chuông báo giờ nghỉ. Gọi điện cho anh khi em đã nộp SÁCH xong nhé.”

“Okay.”

Tôi chưa kịp đút điện thoại vào túi thì lại có chuông. Số lạ, nghĩa là không phải Miranda hay Emily. Tôi thở phào.

“Văn ph…a lô?” Bất kể ở chỗ làm, ở nhà hay dọc đường, tôi luôn bắt điện thoại với câu “Văn phòng Miranda Priestly,” nhiều khi phát ngượng, nếu người khác gọi điện (ngoài bố mẹ tôi hay Lily). Tôi phải khẩn trương bỏ thói xấu này đi mới được.

“Có phải đó là cô bé Andrea xinh đẹp mà tôi vô tình gây khiếp sợ ở buổi dạ hội của Marshall không đấy?” Một giọng khàn khàn và rất sexy hỏi. Christian! Tôi có cảm giác nhẹ người khi anh ta biến mất tăm sau vụ hôn tay. Song sau khi nghe tiếng anh trong điện thoại thì tôi lại cảm thấy một mong muốn khó tả - giống như hôm dạ hội – được quyến rũ anh bằng sự duyên dáng của mình, và tôi vội vàng hứa với mình sẽ thật tự chủ.

“Đúng thế. Cho phép tôi hỏi ai đấy ạ? Tối hôm đó có nhiều đàn ông làm tôi khiếp sợ lắm.” Okay, bắt đầu thế là ổn. Lấy hơi thật sâu và bình tĩnh nào.

“Thế mà tôi không biết là hôm ấy lực lượng cạnh tranh hùng mạnh đến thế,” anh nói trơn tru. “Có lẽ đúng thế thật. Chị có khỏe không, Andrea?”

“Rất khỏe, cực khỏe, siêu khỏe,” tôi nói dối như chớp. Tôi vừa nhớ lại mấy chỉ dẫn tán tỉnh trong tờ Cosmopolitan, trong đó họ nói là khi mới quen ai thì luôn phải “nhẹ nhàng, tung tẩy và vui vẻ,” bởi vì đa số đàn ông bình thường không ưa phụ nữ cay nghiệt. “Công việc của tôi rất thú vị, tôi không ước gì hơn! Càng ngày càng hấp dẫn, có nhiều chuyện để học và làm. Anh có khỏe không?” Bạn đừng nói nhiều quá về mình, hãy tạo điều kiện để anh ấy nói về đề tài mà anh ấy thạo nhất và cũng thích nói nhất: về chính bản thân mình.

“Chị là một người nói dối tuyệt với, Andrea. Người nào không sành sẽ tin những lời ca ngợi của chị lắm đấy. Nhưng chắc chị biết câu tục ngữ cổ: rất khó nói dối một người chuyên nói dối. Không sao, lần này tôi thứ lỗi cho chị.” Thật ra thì tôi định căm phẫn bác bỏ lời buộc tội này, nhưng khó quá. Thay vào đó, tôi phá ra cười. Quả là không nói dối được anh ta. “Cho phép tôi vào chuyện luôn nhé, chả là tôi sắp bay đi Washington, và nhân viên an ninh ở đây sẽ không cho tôi vượt qua máy dò kim loại nếu điện thoại còn bật. Tối thứ Bảy này chị có kế hoạch gì chưa?”

Tôi ghét những người hỏi tôi có kế hoạch gì chưa mà không tiết lộ trước chủ ý của mình. Biết trả lời thế nào nhỉ? Người ta không thể biết sẽ có chuyện gì xảy ra. Có thể anh ta tìm cho bạn gái của mình một đứa ngốc nghếch giàu lòng tương ái và tôi là ứng cử viên lý tưởng cho trò này? Hoặc cần một người dắt chó đi ********* trong khi anh ta lại phải đi trả lời phỏng vấn cho tờ New York Times? Trong khi tôi cố nghĩ ra một câu trả lời lập lờ, anh đã nói tiếp: “Tôi đặt trước một bàn ở Babbo lúc chín giờ. Sẽ có một vài bạn bè thân quen, ngày báo chí, tương đối thú vị. Một biên tập viên của The Buzz và vài phóng viên của The New Yorker. Rất dễ thương. Chị đến nhé?”

Một cuộc hẹn phải không nhỉ? Đúng thế, đúng là một cuộc hẹn. Anh ta hẹn tôi đi chơi! Anh ta hẹn tôi đi chơi ! Christian Collinsworth mời tôi đi chơi vào tối thứ Bảy. Không chỉ có vậy: anh mời tôi đến Babbo và tình cờ đặt bàn cho mình và cho tôi và một nhóm người thông minh và hấp dẫn, những người giống anh. Chưa kể đến mấy cây bút của The New Yorker! Hình như ở buổi dạ hội tôi tình cờ nhắc đến Babbo là nhà hàng New York trong mộng của tôi và tôi yêu bếp Ý và tôi biết Miranda thích nhà hàng này và tôi muốn chi cả núi tiền để đi ăn ở đó? Thậm chí đã có lần tôi định đặt bàn đi ăn cùng Alex nhưng trong năm tháng tới không còn bàn trống. Từ ba năm nay chưa ai hẹn hò với tôi nữa cả, trừ Alex.

“Hừm, Christian, vâng, tuyệt quá,” tôi trả lời, cố quên ngay là tôi vừa nói “rất thích.” Tuyệt quá! Ai lại nói thế? “Nghe rất hấp dẫn,” – đồ ngu, mi đã nói câu ấy thì tự lo dẫn tiếp câu chuyện đi – “nhưng tôi không đến được. Tôi, à, tôi đã có kế hoạch khác cho thứ Bảy.” Trả lời thế được đấy, tôi nghĩ bụng. Tôi phải hét lên để át tiếng còi xe cảnh sát, nhưng trả lời thế khá ổn. Vừa không thú nhận là không có kế hoạch thứ Bảy vừa không nói là mình có bạn trai. Đời tư của tôi thì liên quan gì tới anh ta?

“Thật là chị đã có kế hoạch khác, Andrea, hay chị sợ bạn trai chị không thích đi gặp một người đàn ông khác?” Anh ta đoán mò, tôi nghĩ thế.

“Không phải việc của anh,” tôi giở giọng bà cô, tự ngạc nhiên về chính mình. Mải nói chuyện, tôi qua phố 3 lúc đèn chuyển tín hiệu và suýt bị một chiếc xe tải đâm phải.

“Vâng, tôi nghe chị lần này. Nhưng đây không phải lời mời cuối cùng, tôi tin bận sau chị sẽ đồng ý.”

“Thật à? Ai nói với anh thế?” Sự tự tin của anh ta ngày càng mang vẻ kiêu căng. Tiếc rằng không vì thế mà anh bớt sexy.

“Tôi linh cảm thế thôi, Andrea ạ, vì linh cảm thôi. Chị đừng làm nhăn nếp trán xinh đẹp của mình vì điều đó nhé – hoặc của bạn trai chị. Tôi chỉ định thân mật mời chị đi ăn một bữa vui vẻ với một nhóm bạn vui vẻ. Có thể bạn chị cũng muốn đi cùng chăng, Andrea? Chắc chắn anh ta là người dễ mến, tôi thực sự thích làm quen.”

“Không!” Tôi suýt hét lên, Christian và Alex ngồi đối diện cùng bàn, hai con người tuyệt vời nhưng không có chút gì trùng hợp. Tôi có thể hình dung rõ Christian sẽ phản ứng ra sao với Alex, người thiện tâm nhất thế giới này. Bên cạnh Christian thì Alex chỉ là một anh nhà quê ngô nghê và ngoan ngoãn. Nhận định của Alex chắc cũng chẳng hay ho gì về những mặt xấu của Christian mà tôi vô cùng cảm kích: thanh lịch, bặm trợn, bạo miệng và lòng tự tin bất khả suy suyển.

“Không,” tôi cười gượng gạo, cố ra vẻ bình thản. “Tôi cho là ý định ấy không hay lắm. Mặc dù anh ấy chắc cũng vui được làm quen anh.”

Christian cũng cười, nhưng có ý giễu cợt kẻ cả. “Đùa thôi, Andrea. Tôi tin anh ấy là người dễ mến, nhưng không phải cố làm quen bằng được.”

“Vâng, tất nhiên. Tôi hiểu anh chỉ định…”

“Xin lỗi chị, tôi đang vội. Chị cứ gọi điện cho tôi nếu thay đổi ý định… hoặc thay đổi kế hoạch, okay? Tôi vẫn giữ lời mời. Vâng, chúc chị một ngày tốt lành.” Trước khi tôi kịp trả lời, anh đã ngắt điện.

Tôi sửng sốt. Rồi điểm lại cuộc nói chuyện: nhà văn cực thời thượng kiếm ra từ đâu đó số điện thoại của tôi, gọi điện và mời ăn tối thứ Bẩy ở một nhà hàng loại cực thời thượng. Không rõ là trước đấy anh có biết tôi đã có bạn trai, song dù thế nào thì anh ta cũng không mảy may bận tâm vì lẽ đó. Điểm mấu chốt mà tôi nhận ra khi liếc xuống đồng hồ là: tôi đã nói chuyện điện thoại quá lâu. Tôi đã ra khỏi văn phòng trước đó ba mươi hai phút, lâu hơn quãng thời gian bình thường đi lấy thức ăn và quay về.

Tôi cất điện thoại và nhận ra đã tới trước nhà hàng. Tôi kéo cánh cửa gỗ nặng nề và bước vào phòng ăn lặng lẽ và ít ánh sáng. Tất cả các bàn đều có người, các nhân viên nhà băng và luật sư đang cưa cắt bít tết, song không gian im lặng như tờ, tựa như lớp thảm và màu sắc đàn ông nuốt chửng mọi tiếng động.

“Andrea!” Tôi nghe Sebastian gọi to từ phía quầy phục vụ. Ông vội lao về phía tôi, tựa như đến nhận liều thuốc cứu mạng do xe cấp cứu đem đến. “Rất vui mừng được tiếp chị!” Hai cô gái trẻ váy xám đứng sau ông nghiêm trang gật đầu khẳng định.

“Thật ạ? Nhưng vì sao cơ chứ?” Như mọi khi, nhìn thấy Sebastian tôi không cưỡng nổi ý định chọc ghẹo kẻ nịnh đầm này một chút.

Ông khom lưng, ghé về phía tôi với vẻ đồng lõa, giọng đầy xúc động: “Chị biết là toàn bộ nhân viên của Smith and Wollensky kính trọng bà Miranda Priestly như thế nào, đúng không ạ? Runway là một tạp chí danh giá, ảnh chụp tuyệt hảo, trình bày hoành tráng, và tất nhiên cả những bài viết quyến rũ! Cái gì cũng mê!”

“Những bài viết nữa à?” Tôi cố nhịn cười. Ông gật đầu tự hào, một người phục vụ khẽ đập vai ông và trao gói đồ ăn.

“Vâng, bữa ăn tuyệt đỉnh cho bà chủ tuyệt đỉnh – và cô trợ lý tuyệt đỉnh,” ông vừa nói thêm vừa nháy mắt với tôi.

“Cám ơn, Sebastian, thay mặt cả Miranda.” Tôi mở túi vải bông trông như mốt siêu sành điệu hiện nay của sinh viên các trường đại học New York đeo vai, tuy không in logo, và kiểm tra bên trong. Một suất sườn nửa ký, tươi gần như để sống nguyên, okay. Hai củ khoai tây nướng, to như con mèo con, còn bốc hơi, okay. Bát khoai tây nghiền trộn nhiều kem béo và bơ, okay. Đúng tám thanh măng tây trắng tinh, đầu mọng nước, okay. Thêm chén bạc đựng nước xốt, hộp nhỏ chứa muối tinh hạt to, dao ăn bít tết cán gỗ và khăn lanh trắng hồ cứng, hôm nay gấp thành hình chiếc váy.

“Rất tốt, Sebastian,” tôi nói, giọng như khen con cún con đã biết chạy ra khỏi nhà đi ị. “Hôm nay ông đã vượt lên chính mình.”

Ông rạng rỡ mặt mày, rồi khiêm tốn nhìn xuống. “Vân, xin cám ơn. Chị hiểu lòng kính trọng của tôi đối với bà Priestly, và, rất hân hạnh được...”

“... làm thức ăn mời bà?” Tôi nói đỡ ông.

“Vâng, đúng thế ạ. Niềm hân hạnh lớn, chị biết đấy.”

“Dĩ nhiên, Sebastian. Tôi cam đoan là bà Priestly sẽ rất vừa lòng.” Tôi không đủ tàn nhẫn để nói cho ông biết là về đến văn phòng, việc đầu tiên là phá ngay tác phẩm nghệ thuật khăn ăn, vì bà Priestly mà ông ngưỡng mộ sẽ nổi cơn tam bành khi thấy một chiếc khăn ăn không giống như một chiếc khăn ăn. Tôi cầm túi quay đi, đúng lúc có chuông điện thoại.

Sebastian hồi hộp nhìn tôi, tha thiết hy vọng giọng nói bên kia đầu dây là của người ông ngưỡng mộ và ý nghĩa cuộc đời ông. Và ông đã không thất vọng.

“Emily? Emily phải không? Nghe khó quá!” Giọng Miranda the thé chối tai, như súng máy.

“A lô, Miranda. Vâng, Andrea đây.” Sebastian gần ngất đi khi nghe tên bà.

“Chị tự nấu bữa ăn cho tôi hay sao, Andrea? Theo đồng hồ của tôi thì chị ra khỏi đây đúng ba mươi lăm phút trước. Tôi chưa rõ vì bất cứ lý do nào mà đồ ăn chưa ở trên bàn tôi – nếu chị làm việc tử tế – chị nghĩ sao?”

Bà gọi đúng tên tôi! Quả là một thắng lợi nhỏ, nhưng bây giờ không phải lúc vui mừng.

“Vâng ạ, vâng, tôi xin bà thứ lỗi sự chậm trễ, có mấy vấn đề...”

“Chị chưa biết là tôi không quan tâm đến chi tiết cụ thể hay sao?”

“Vâng, tất nhiên, tôi hiểu rồi ạ. Xong ngay đây ạ...”

“Tôi gọi điện để báo cho chị là muốn ăn, ngay tắp lự, có gì để diễn giải lòng vòng cơ chứ, Emily. Tôi. Muốn. Ăn. Ngay!” Bà đặt máy, và tay tôi run bắn, thả rơi cả điện thoại xuống sàn, cứ như nó là cục than hồng. Sebastian như tỉnh khỏi cơn sốc, cúi xuống nhặt điện thoại đưa lại cho tôi.

“Bà ấy bực mình với chúng mình sao? Andrea? Tôi mong bà ấy đừng nghĩ là mình làm bà ấy giận! Phải thế không? Bà ấy có nghĩ thế không?” Ông há hốc mồm, một mạch máu hằn lên trán, lúc này tôi còn ghét ông không kém Miranda, nhưng kỳ thực tôi thấy thương hại ông. Cớ gì mà người đàn ông bạc nhược này phải phụ thuộc vào một Miranda Priestly đến nỗi ấy? Cớ gì mà ông phải tất bật xun xoe phục vụ và tỏ lòng trung thành với bà ta? Có lẽ ông là người lý tưởng cho vị trí của tôi. Ông có thể viết đơn xin việc được rồi, vì tôi sẽ tung hê tất cả. Tôi quyết định quay về văn phòng ngay lập tức và xin thôi việc. Vứt hết. Cái gì cho bà ta quyền ăn nói với tôi như vậy? Vị thế? Quyền lực? Danh tiếng? Nhãn hiệu Prada trời đánh? Ở đâu trong thế giới công bằng này chấp nhận lối đối xử đó?

Biên lai cho Elias Clark, 95 dollar như thường lệ cho bữa trưa, nằm trên mặt quầy. Tôi nguệch ngoạc một vệt xuống dưới, không thèm quan tâm đó là chữ ký của tôi, của Miranda, Emily hay Mahatma Gandhi. Tôi vớ túi đồ ăn và thình thịch đi ra khỏi nhà hàng, bỏ mặc Sebastian run rẩy đứng đó. Tôi vội nhảy lên chiếc taxi gần nhất, suýt xô ngã một ông già đi ngang. Không có thì giờ bận tâm, tôi sắp bỏ việc. Tuy xe cộ giữa trưa đang đông nhưng sau mười phút tôi đã về đến nơi. Tôi ấn tờ 20 dollar vào tay lái xe. Trong ví không có, chứ tôi cũng định đưa cho anh ta tờ năm chục và nghĩ cách lấy lại của Elias. Trong khi anh ta đếm tiền trả lại thì tôi đóng dập cửa xe và chạy mất. Cứ giữ lấy tờ hai chục, mua quà cho con gái hay sửa máy đun nước nóng cũng được, hoặc nốc vài vại bia với đồng nghiệp của mình ở bến đỗ taxi – tiền ấy dùng làm gì cũng có ý nghĩa hơn đi mua cà phê Starbucks.

Trong đầu sục sôi căm giận, tôi xông vào nhà, tảng lờ ánh mắt ngạc nhiên của bọn con gái tọc mạch đứng ở góc nhà. Benji vừa ra khỏi thang máy Bergmann, nhưng tôi xoay lưng thật nhanh về phía anh ta. Không để mất thì giờ, tôi quẹt thẻ và đẩy cửa xoay. Chết tiệt! Tôi va mạnh xương hông phải thanh kim loại, chắc chắn sẽ bị một vết bầm tím. Tôi ngẩng lên và thấy hàm răng lấp loáng cùng khuôn mặt tròn trịa rớm mồ hôi. Eduardo. Ông phải đùa bằng được. Đúng lúc này phải đùa.

Tôi quắc mắt nhìn ông. Mọi hôm thì hay có kết quả, nhưng hôm nay chẳng có tác dụng gì. Không rời mắt nhìn ông, tôi chạy vòng qua cửa xoay bên cạnh, quẹt thẻ và ấn vào thanh sắt. Quá muộn, Eduardo vẫn nhanh hơn. Trong lúc tôi đứng trơ ra trước hàng rào, Eduardo lần lượt cho từng người đi qua cửa xoay đầu tiên. Sáu người liền. Và tôi vẫn đứng đó, tức phát khóc lên. Eduardo không khoan nhượng.

“Kìa cô bé, đừng nhăn nhó thế. Đây không phải trò tra tấn, mà là trò vui. Nào, xin mời. Chú ý nhé, vì... I think we’re alone now. There doesn’t seem to be anyone a-rou-ound. I think we’re alone now. The beatin’ of our hearts is the only sou-ound.”

“Eduardo, tôi không có thì giờ làm cái trò khỉ này!”

“Okay, okay, lần này tha diễn, chỉ hát thôi nhé. Tôi đoạn đầu, chị đoạn kết. Children, behave! That’s what they say when we’re together. And watch how you play! They don’t understand, and so we’re...”

Có lẽ tôi không cần phải cắt hợp đồng làm việc nữa, kể cả khi hôm nay còn kịp lên tầng. Vì đến lúc đó thì Miranda đã sa thải tôi từ lâu. Vậy thì đằng nào cũng thế, còn gì để mất nữa đâu. Hãy cho người khác một niềm vui nào. “Running just as fast as we can.” Tôi tiếp lời, không để lỡ nhịp. “Holdin’ on to one another’s hand. Tryin’ to get away into the night and then you put your arms around me and we tumble to the ground and then you say...”

Tôi vươn người về phía Eduardo khi thấy Mikey, gã đồng nghiệp khả ố mà tôi làm quen hôm đầu đang dỏng tai lên nghe. Eduardo hát nốt đoạn cuối: “I think we’re alone now. There doesn’t seem to be anyone a-rou-ound. I think we’re alone now. The beatin’ of our hearts is the only sou-ound.” Ông cười vang, vung tay lên không. Tôi vỗ tay. Thanh sắt được mở thông.

“Ăn ngon miệng nhé, Andy!” Ông vui vẻ nói.

“Ông cũng thế, Eduardo, ông cũng thế.”

Trong thang máy tôi dần dần hồi lại, nhưng đứng trước cửa văn phòng tôi mới thực sự suy nghĩ nghiêm chỉnh và quyết định không bỏ việc nữa. Ngoài lý do dễ hiểu nhất là tôi sợ chưa hề chuẩn bị gì mà đã ra trước mặt bà. Chắc chắn bà sẽ chỉ lạnh nhạt nhìn tôi và nói “Không, tôi cấm chị bỏ việc.” Lúc ấy tôi sẽ nói gì? Tôi phải nhớ rằng, đây chỉ là một năm trong đời. Một năm có tác dụng mở mọi cánh cửa. Một năm, mười hai tháng, năm mươi hai tuần, ba trăm sáu mươi lăm ngày, rời khỏi xó này thì tôi muốn làm gì cũng được. Không sẵn lời mời. Thêm vào đó là tôi rất mệt mỏi khi nghĩ đến lúc đi tìm việc khác. Quá mệt mỏi.

Emily ngước mắt khỏi bàn khi tôi vào phòng. “Sếp sẽ về ngay. Chỉ ghé qua chỗ ông Ravitz một lát. Andrea, chị chạy đâu lâu thế? Chị biết là khi bị chị bắt đợi lâu là bà ấy đổ hết giận dữ lên đầu tôi. Lúc ấy tôi biết nói gì? Nói là chị thích hút thuốc hơn đi mua cà phê, thích buôn chuyện với bồ hơn là đi kiếm đồ ăn hay sao? Không công băng, thế là không công bằng.” Cô chán nản quay sang computer.

Cô có lý, dĩ nhiên. Không công bằng đối với tôi, đối với cô, đối với bất cứ người nào có chút văn minh. Tôi cắn rứt quá, vì kéo dài giờ nghỉ mà bắt cô chịu khổ lây. Tôi hứa sẽ tử tế hơn.

“Emily, chị hoàn toàn có lý. Tôi xin lỗi. Và sẽ không để xảy ra lần nữa.”

Nét mặt cô hơi ngạc nhiên và thỏa mãn. “Tôi rất hiểu, Andrea. Tôi muốn nói là tôi đã làm công việc của chị từ rất lâu. Tôi biết chị phải chịu gánh nặng nào. Có những hôm tôi phải chạy đi mua cà phê năm, sáu, bảy lần, bất kể có mưa bão hay tuyết rơi. Và tôi mệt không nhấc nổi chân lên nữa. Tôi biết hết. Có bữa tôi xuống đến tầng dưới thì sếp đã gọi điện theo để hỏi đã mua cà phê chưa, hay đồ ăn trưa, hay thuốc đánh răng đặc biệt cho răng nhạy cảm – kể ra cũng là một niềm an ủi lớn khi biết là bà ấy còn có chút nhạy cảm, ít nhất là trong hàm răng. Nhưng sếp mình là thế, phải sống chung với lũ thôi. Bà ấy không phải người độc ác, thật đấy. Nhưng kiểu bà ấy như thế.”

Tôi gật đầu, nhưng không hẳn muốn chấp nhận. Cho dù chưa làm việc ở một công ty khác bao giờ, song tôi không tưởng tượng ra được mọi ông chủ bà chủ đều hành xử như Miranda. Biết đâu đúng thế thật?

Tôi đặt túi xuống và bắt đầu dọn bàn ăn. Tôi lấy tay bốc đồ ăn từ hộp bảo ôn, bày mọi thứ (thật kiểu cách, hy vọng thế) lên chiếc đĩa sứ lấy trong tủ ra. Rồi tôi chùi tay dính mỡ vào chiếc quần Versace của Miranda chưa đem đi giặt, đặt đĩa lên chiếc khay gỗ tếch lát gạch men vẫn cất dưới bàn. Cạnh đĩa là chén đựng nước xốt và bơ lỏng, muối và dao dĩa bạc vừa tháo ra khỏi khăn ăn (giờ đây không còn hình váy xếp nữa). Liếc mắt kiểm tra, tôi nhận ngay ra còn thiếu ly San Pellegrino. Nhanh chân lên – bất cứ lúc nào Miranda cũng có thể quay về! Trong bếp tôi lấy một nắm đá viên, phải thổi phù phù vào tay để khỏi bị bỏng lạnh. Thổi và liếm kỳ thực chỉ khác nhau tí tị tì ti. Không, Andrea! Hay giữ tư cách! Mi sẽ không nhổ vào đồ ăn, không liếm lên mấy viên đá. Mi không thể hèn hạ đến thế được!

Khi tôi ra khỏi phòng, Miranda vẫn chưa quay lại. Chỉ còn phải rót một chai nước và sắp xếp tử tế quanh khay đồ ăn trên bàn. Khi nào ngồi xuống cạnh chiếc bàn khổng lồ của mình, Miranda sẽ gọi chúng tôi đóng cửa phòng lại. Đó sẽ là mệnh lệnh duy nhất trong ngày mà tôi vui sướng chấp hành, không chỉ vì bây giờ chúng tôi sẽ có nửa tiếng rảnh rang trong khi bà buôn chuyện với Mr. Mờ-Cờ-Đờ như mọi trưa, mà cũng là lúc chính chúng tôi được đi ăn. Một người trong hai chúng tôi phi xuống tầng dưới, vớ lấy thứ gì ăn được rồi lại lao lên tầng; sau đó đến lượt người kia. Chúng tôi giấu đồ ăn dưới bàn hay sau màn hình máy tính, phòng khi Miranda bất ngờ đi đến. Nếu ở Runway có một đạo luật bất thành văn, nhưng bất di bất dịch, thì đó là: không ai được ăn trước Miranda Priestly. Chấm hết.

Theo đồng hồ thì đã là 2 giờ 15 phút. Theo dạ dày tôi thì phải tối khuya rồi. Trước đây bảy tiếng tôi được ăn miếng cuối cùng, một cái bánh xốp vội vàng trên đường từ Starbucks về văn phòng. Tôi đói đến mức chỉ rình xơi tái đĩa đồ ăn của Miranda.

“Emily, nếu bây giờ không được ăn gì ngay thì tôi xỉu luôn. Tôi chạy xuống nhà kiếm thứ gì nhé. Chị có cần gì ở đó không?”

“Chị điên à? Chị còn chưa phục vụ bữa trưa cho sếp mà. Miranda có thể về bất cứ lúc nào.”

“Nhưng tôi thực sự không khỏe. Tôi không đợi được nữa.” Thiếu ngủ cộng với đường huyết thấp làm tôi choáng váng. Tôi yếu đến nỗi ngay bây giờ Miranda xuất hiện cũng không đủ sức bưng cho bà khay đồ ăn.

“Andrea, suy nghĩ kỹ đi nào. Sẽ có chuyện gì khi chị chạm trán sếp trong thang máy hay ở khu lễ tân? Miranda sẽ biết là chị rời khỏi văn phòng và làm ầm lên! Thế thì nguy lắm. Đợi chút, tôi đi mua cho.” Cô cầm ví tiền và đi ra ngoài. Chưa đầy bốn giây sau tôi thấy Miranda đang đi về. Cơn chóng mặt, đói và mệt đột nhiên biến mất khi tôi nhìn bộ mặt cau có của bà. Tôi thoăn thoắt vùng dậy, bưng khay đồ ăn sắp xếp đẹp mắt vào phòng rồi quay về ghế ngồi. Mũi giày Jimmy Choo của bà đưa qua ngưỡng cửa khi tôi đã ngồi xuống sau bàn, đầu quay cuồng và miệng khô rang. Bà không nhìn về phía tôi và, may mắn thay, có vẻ cũng không nhận ra là Emily không có mặt ở vị trí mình. Tôi có linh cảm là cuộc chuyện trò với Mr. Ravitz không được ổn lắm, song có thể bà khó chịu vì phải rời phòng làm việc của mình để đi lên chỗ ông. Mr. Ravitz là người duy nhất trong tòa nhà này được Miranda chiếu cố.

“Aan-dree-aa! Cái gì thế này? Nói cho tôi biết, của nợ gì thế này?”

Tôi lao như tên vào phòng bà. Trước mặt hai chúng tôi là món ăn mà bà vẫn gọi nếu bà không đi nhà hàng. Tôi thầm điểm qua các mục quan yếu. Không thứ gì thiếu, không thứ gì đặt sai vị trí hay sai bên, không thứ gì nấu sai. Bà ta có vấn đề gì vậy?

“Vâng, à, vâng, bữa trưa của bà mà,” tôi khẽ nói, cố không để giọng mình đượm chút mỉa mai. “Có gì không đúng ạ?”

Nói cho công bằng thì tôi công nhận là bà chỉ nhúc nhích cặp môi, song trong trạng thái nửa mê sảng tôi dường như thấy bà nhe răng nanh đẫm máu.

“Có gì không đúng ạ?” Bà nhại lời tôi với giọng chua loét chẳng giống gì giọng tôi, cũng chẳng phải giọng người nữa. Bà nheo tịt mắt lại và cúi xuống. “Vâng, có gì đó không đúng. Hoàn toàn và tuyệt đối không đúng. Tại sao tôi phải về đây để nhìn thấy thứ này nằm chình ình trên bàn mình?”

Tôi như đứng trước một câu đố hóc hiểm. Tại sao bà phải nhìn thấy thứ này trên bàn mình nhỉ? Rõ ràng chuyện bà đặt bữa ăn trưa cách đây một tiếng không phải là câu trả lời chính xác. Nhưng tôi không tìm ra câu trả lời nào khác. Hay là bà không thích cái khay? Không, chuyện vô lý: bà đã thấy nó một triệu lần và chưa bao giờ ngỏ lời phàn nàn cả. Nhà hàng chọn sai loại thịt chăng? Đã có lần nhà hàng cung cấp miếng thịt thăn ngon tuyệt, vì họ cho rằng thịt này vừa ngon miệng hơn thịt sườn. Vừa trông thấy thịt là Miranda suýt nổi cơn đau tim. Bà bắt tôi gọi điện thoại cho ông bếp trưởng để mắng cho một trận, trong lúc bà đứng bên cạnh và bảo tôi phải nói gì.

“Xin lỗi bà, rất đáng tiếc,” đầu bếp nói nhẹ nhàng như con người đáng yêu nhất hành tinh. " Lỗi của tôi. Tôi cứ nghĩ là nên mời một khách hàng đáng kính như Ms. Priestly những gì tốt nhất trong nhà hàng. Tôi cũng không tính thêm tiền. Xin bà yên tâm là không bao giờ xảy ra lần nữa. Tôi xin hứa.” Tôi suýt phát khóc khi phải thốt ra rằng ông là đồ vô dụng và cho đến cuối đời chỉ xứng đáng được nấu cho một quán ăn hạng hai mà thôi. Ông ta xin lỗi lần nữa và đồng ý là “ tôi” có lý. Từ hôm đó trở đi Miranda luôn được mời món sườn rán lòng đào. Vậy thì không phải lỗi của nhà hàng. Tôi không hiểu bà bất bình vì cái gì.

“ Aan-dree-aa, trợ lý của ông Ravitz không cho chị biết là tôi và ông ấy lúc nãy vừa đi ăn ở cái phòng căng tin thảm hại dưới kia hay sao?” Bà hỏi chậm rãi, tựa như phải hết sức kiềm chế cơn thịnh nộ.

Bà ấy vừa làm gì cơ? Chạy đi chạy lại, nghe Sebastian nịnh nọt, nghe chửi mắng trên điện thoại di động, món ăn 95 dollar, bài hát của Tiffany, sắp đặt khay đồ ăn, cảm giác choáng váng, bụng lép kẹp ngồi đợi bà ta quay về - thì ra bà đã ăn rồi?

“ À, không ạ, cô ấy không gọi điện đến đây. Vâng, à, nghĩa là bà không muốn ăn thứ này nữa ạ?” Tôi hỏi và chỉ vào khay.

Bà nhìn tôi như vừa nghe tôi đề nghị hãy ăn thịt một trong hai đứa song sinh. “ Thế chị nghĩ tôi muốn gì, Emily?” Tiếc quá, suốt từ nãy bà nói đúng tên tôi rồi.

“ Tôi nghĩ là, vâng, à, bà không muốn ăn.”

“ Chị nhanh trí quá, Emily ạ. Tôi thật hạnh phúc được gặp một người thông minh như chị. Dọn đi. Và đừng để xảy ra lần nữa. Chấm hết.”

Tôi nghĩ là mình vừa nhập vào một cuốn phim. Tôi thấy cảnh diễn ngay trước mắt mà trong đó tôi vồ lấy khay đồ ăn trên bàn và liệng chéo qua phòng. Bừng tỉnh sau hành động ấy, Miranda hối hận xin tha tội đã ăn nói với tôi một cách miệt thị. Nhưng tiếng gõ tay sốt ruột lên mặt bàn của bà đã nhanh chóng kéo tôi trở về thực tế. Tôi bưng khay ra ngoài.

“ Aan-dree-aa! Chị đóng cửa lại. Tôi cần nghỉ một lát,” bà gọi với theo. Tôi đoán là đột nhiên nhận được món đặc sản do chính mình đặt thì thật là một cú sốc trong ngày hôm nay.

Đúng lúc đó Emily quay về với một lon Dier Coke và một túi nho khô để tôi sống sót qua bữa trưa. Và tất nhiên trong đó không có lấy một calo hay một hạt đường hay một gam chất béo. Nghe Miranda gọi, chị đặt đồ xuống và nhảy xổ ra đóng cửa.

“ Có chuyện gì vậy?” Cô thì thầm và nhìn khay thức ăn còn nguyên mà tôi bưng trên tay trong khi đứng như mọc rễ cạnh bàn.

“ Ồ, hình như bà sếp yêu quý của chúng ta đã ăn trưa rồi thì phải,” tôi rít qua kẽ răng. “ Lúc nãy tôi chỉ chạy đi mua đồ ăn vì tôi không có tài tiên tri và ngoại cảm, cũng chẳng nhìn thấu được vào dạ dày bà ấy để biết là bà không đói nữa.”

“ Thật à?” Emily nói. “ Bà ấy mắng chị vì chị đã chạy đi mua đồ ăn cho mình và không biết bà ấy đã ăn rồi? Thật là đồ khốn kiếp.”

Tôi gật đầu. Thật khó tin vào ngoại lệ là Emily hùa về phe tôi, thay vì giảng giải về những gì mà tôi tối dạ không làm được. Nhưng tôi vui mừng quá sớm! Trong vòng một giây, hệt như mặt trời lặn xuống và chỉ còn để lại mấy vệt xanh tím, vẻ bực dọc trên mặt chị đã nhường chỗ cho hối hận. Cú thụt vòi đúng kiểu Runway.

“ Andrea, chị hãy nhớ lúc nãy mình bàn chuyện gì.” À, run rồi phải không! “ Bà ấy không định xúc phạm chị, không phải có ác ý. Nhưng không thể để bà ấy phải nghĩ đến từng chuyện lặt vặt. Đừng bực mình nữa. Đổ đồ ăn đi rồi quên mọi chuyện đi nhé.” Emily quay đi và bật máy tính. Tất nhiên là cô ấy sợ Miranda cài rệp ở phòng và nghe hết mọi chuyện. Mặt cô đỏ dừ, chắc vì hối hận đã buột mồm nói thật. Tôi không hình dung ra làm sao cô ấy chịu đựng được công việc này lâu thế.

Tôi nghĩ xem có nên ăn béng đĩa sườn, nhưng nhớ lại trước đó mấy phút nó ở trên bàn Miranda là tôi muốn lộn mửa. Tôi bưng khay vào bếp và giữ nghiêng cho tất cả những gì trên đó trôi tuột thẳng vào thùng rác – toàn bộ món ăn được xào nấu và tra gia vị đúng kiểu, chiếc đĩa sứ, chén bạc đựng nước xốt, muối, khăn ăn, dao dĩa, dao bít tết, ly pha lê. Đi tong, chấm hết. Việc gì phải bận tâm. Trưa mai, hoặc lúc nào đó tôi lại mua đồ mới, nếu bà ta tình cờ gọi ăn trưa lần nữa.

Khi tôi mò được tới tiệm Drinkland thì Alex trông cáu bẳn và Lily mặt mũi phờ phạc. Tôi tự hỏi, liệu Alex có biết là hôm nay một người đàn ông khác muốn hẹn gặp tôi? Một người đàn ông không chỉ nổi tiếng và già hơn, mà cón điên điên nữa? Liệu anh có linh cảm thấy? Có nên kể cho anh biết không? Thôi, im đi thì hơn. Nói cho cùng thì tôi cũng không định nhận lời, và đằng nào anh ta cũng không hấp dẫn tôi lắm. Vẽ chuyện ra làm gì cho thêm rắc rối.

“ Xin chào cô búp bê thời trang,” Lily lè nhè, nâng cốc Gin pha Tonic lên chào. Một chút rượu sánh lên áo len song cô cũng không nhận ra. “ Hay nên gọi là người cùng phòng tương lai thì hơn? Lấy thứ gì uống đi. Ta có dịp chút mừng.”

Tôi hôn Alex và ngồi xuống cạnh anh.

“ Trông em hôm nay hot quá,” Alex nói và ngắm bộ đồ Prada đầy thán phục. “ Lên đời từ khi nào thế?”

“ Từ hôm nay. Từ khi người ta giải thích cho em hiểu là nên ăn mặc cho đúng kiểu nếu không muốn sớm bị ra đường. Đồ khá choáng đấy, nhưng cũng phải mặc đồ gì đó lên người. Bây giờ thì em phải xin lỗi mọi người vì đã đến muộn quá. SÁCH hôm nay mãi không xong, và nộp xong rồi thì Miranda lại sai chạy ra cửa hiệu đặc sản để lấy ít húng quế.”

“ Anh tưởng là bà ấy nuôi đầu bếp?” Alex chọc ngay. “ Sao không sai bếp đi mua?”

“ Đúng là bà ấy có đầu bếp. Có cả một cô giúp việc, một cô trông trẻ và hai con. Em hoàn toàn không hiểu nổi vì sao bà ấy lại sai chính em. Em đâu cần niềm vinh hạnh đó. Nhất là khi cả đại lộ 5 không có cửa hiệu đặc sản nào. Suốt đường Park và Madison cũng vậy. Ra đến Lex mới gặp một cửa hiệu, song tất nhiên ở đó họ lại không có húng quế. Em mất đúng bốn mươi lăm phút để mua được. Tốt nhất là em lấy tiền công ty mua cả tủ gia vị và hằng ngày đeo trên lưng. Nhưng mọi người nên biết là bốn mươi lăm phút ấy không hề uổng công vô ích, vì em đã học được nhiều điều quan trọng, nhiều kiến thức và kinh nghiệm cho tương lai làm báo của mình. Bây giờ em đang trên đường cao tốc tiến đến ghế biên tập viên!” Tôi mỉm cười đắc thắng.

“ Mừng cho tương lai cậu!” Lily lên tiếng, chắc chắn không nhận ra giọng mỉa mai của tôi.

“ Cô nàng hết biết trời đất rồi,” Alex khẽ nói, lo lắng nhìn sang Lily như đi thăm một bà cô ốm nằm viện. “ Chắc cô ấy đến sớm hơn Max và anh hàng mấy tiếng, hoặc có tốc độ uống rất nhanh. Max cũng đi rồi.”

Lily luôn uống nhiều, nhưng không có gì lạ - đã làm gì là cô phải làm đến nơi đến chốn. Hồi học cấp hai, cô là người đầu tiên hút cần sa, và lên cấp ba cũng là người đầu tiên đánh mất sự trong trắng. Cô yêu tất cả những ai và những gì không đáp lại tình yêu ấy, cốt chỉ để cảm nhận được mình đang sống.

“ Tớ không hiểu tại sao cậu có thể lên giường với thằng cha đó, mặc dù cậu biết rõ là hắn không bao giờ chịu chia tay bạn gái mình,” có lần tôi nói về một bạn trai mà cô vụng trôm quan hệ ở trường.

“ Còn tớ không hiểu tại sao cậu cứ ngoan ngoãn tuân thủ luật chơi,” cô đả lại tức thì. “ Ở cậu mọi thứ đều theo kế hoạch và quy định, hãy sống đi, hãy vui đi chứ, Andy! Cảm nhận đi chứ! Cuộc sống vui lắm!”

Có thể gần đây cô uống nhiều hơn ngày xưa thật, nhưng tôi biết là cô học cực kì vất vả, ngay cả khi cô là người có nhiều nghị lực. Và các giáo sư ở đại học Columbia đòi hỏi cao hơn và nghiêm khắc hơn ở Brown. Biết đâu, tôi nghĩ bụng trong khi vẫy tay gọi bồi bàn, có thể rượu lại là một thứ trợ lực. Tôi gọi một ly Absolut với nước bưởi và làm một ngụm lớn. Nhưng tôi xỉu hẳn đi, vì ngoài lon Diet Coke và gói nho khô Emily mua cho lúc trưa tôi chẳng có gì trong dạ dày.

“ Em biết là mấy tuần nay Lily bị nhiều stress ở trường lắm,” tôi nói với Alex, cứ như không có cô ngồi cạnh. Đằng nào thì cô cũng không nhận ra tôi nói về mình, vì đang mải đá lông nheo mời một tay điển trai cạnh quầy bar. Alex vòng tay ôm tôi, và tôi áp sát người anh. Thật dễ chịu khi ở gần anh, tôi có cảm giác mấy tuần liền chưa được anh ôm.

“ Anh ghét phá cuộc vui, nhưng anh phải về nhà đây,” Alex nói và tém tóc tôi ra sau tai. “ Hai người ở lại có ổn không?”

“ Anh đi rồi à? Sớm thế?”

“Sớm? Andy, anh ngồi đây và quan sát bạn gái thân nhất của em uống đã được hai tiếng rồi. Anh muốn đến với em, nhưng em không có mặt. Gần nửa đêm rồi, anh còn phải chữa bài cho học sinh nữa.” Anh nói từ tốn, nhưng tôi nhận ra anh khó chịu.

“ Em biết, em xin lỗi, thật đấy, anh biết là nếu có thể được thì em đã đến đúng giờ. Anh biết là…”

“Anh biết hết. Anh không bảo đó là lỗi của em. Anh hiểu em. Nhưng em cũng phải hiểu cho anh, okay?”

Tôi gật đầu và hôn anh, nhưng không thoát được mặc cảm tội lỗi. Tôi hứa nhất định sẽ đền đáp bằng cả một tối chỉ dành cho anh. Quả là anh phải chịu đựng nhiều vì tôi và công việc của tôi.

“ Anh không muốn đến chỗ em hôm nay?” Tôi hỏi, giọng chan chứa hy vọng.

“ Không, trừ khi em nhờ anh giúp đưa Lily về nhà. Anh phải về nhà, còn hàng chồng vở phải chữa.” Anh lại ôm tôi, hôn Lily lên má rồi đi về phía cửa. “ Nếu cần anh thì gọi điện,” anh nói trước khi ra đến đường.

“ Sao Alex bỏ đi sớm thế?” Lily hỏi, mặc dù suốt buổi cô ngồi cạnh hai chúng tôi. “ Anh ấy giận cậu à?”

“ Có thể,” tôi thở dài. “ Dạo này tớ đối xử với anh ấy quá tệ.” Tôi ra bar lấy tờ thực đơn, khi quay về thì gã có dáng nhân viên chứng khoán đã sán cạnh Lily và ngồi sát đùi vào cô. Trông gã chưa đến ba mươi, nhưng trán hói hai bên vẻ già đi hơn nhiều.

Tôi ném chiếc áo khoác cho Lily. “ Mặc vào đi, Lily, mình đi thôi,” tôi nói, mắt nhìn gã. Đã đành gã không thuộc loại người cao lớn, nhưng chiếc quần kaki xếp li làm cho lùn một mẩu. Và cái miệng gã còn cách năm phân đến tai cô bạn gái thân nhất không làm tôi có thêm cảm tình với gã.

“ Ê, sao vội thế?” Giọng gã lè nhè. “ Bạn em và anh vừa mới làm quen nhau mà.” Lily gật đầu và toan làm một ngụm từ cái ly cạn khô.

“ Nghe rất hay, nhưng bọn tôi phải về. Anh tên gì?”

“ Stuart.”

“ Rất vui được làm quen anh, Stuart. Sao anh không cho Lily số điện? Cô ấy sẽ gọi anh khi khỏe lên một chút – hoặc không gọi. Được không ạ?” Tôi nhe răng cười.

Tại sao không, thế cũng được, tạm biệt,” gã nhỏm dậy và biến nhanh về phía quầy bar đến nỗi Lily không nhận ra là gã đã đi khỏi.

“ Stuart và tớ vừa làm quen nhau một chút, đúng không? Stu…” cô quay sang bên cạnh, nhìn thấy chỗ trống và ngớ mặt ra.

“ Stuart có việc gấp. Lily, ta đi thôi.”

Tôi choàng chiếc áo khoác thủy thủ xanh lên trên áo len và kéo Lily dậy. Cô loạng choạng theo tôi ra cửa . Không khí bên ngoài lạnh như cắt, càng tốt.

“ Tớ không được khỏe,” cô lè nhè.

“ Biết rồi, cưng ạ, biết rồi. Đi, ta kiếm taxi trở về nhà cậu, okay? Cậu có nghĩ mình tự làm được không?”

Cô gật đầu, thản nhiên cúi về phía trước và nôn ọc lên đôi bốt nâu của mình, bắn lên cả quần bò. Bây giờ mà mấy con bé Runway nhìn thấy bạn nối khố của mình nhỉ - tôi bất giác nghĩ bụng.

Tôi dựng Lily ngồi lên bậu cửa sổ một cửa hiệu mà tôi đoán không lắp hệ thống báo động, dặn cô không được động đậy rồi chạy qua bên đường vào một cửa hiệu Tây Ban Nha giờ này còn mở cửa. Trước khi tôi trở về cô còn nôn lần nữa, lần này nạn nhân là ngực áo, mắt cô đờ đẫn. Tôi vừa mua hai chai nước khoáng, một để uống và một để rửa. Nhưng thấy Lily thảm hại quá, tôi đổ cả hai chai lên áo và giày cô. Thà mặc đồ ướt hơn là bốc mùi tanh tưởi, chẳng taxi nào cho lên. Cô say đến nỗi không biết chuyện gì xung quanh.

Tôi phải xin đến gãy lưỡi để làm mềm lòng ông lái taxi chấp nhận chở Lily trong tình trạng này. Giá taxi đã đủ chóng mặt, tôi còn hứa cho thêm tiền bo hậu hĩnh vì chúng tôi phải đi từ Lower East Side đến tận Upper West Side, tôi đã nhẩm tính mất tới 20 dollar chứ không ít. Khoản này có lẽ phải ghi vào vụ mua sắm thứ gì đó cho Miranda để thanh toán. Chắc không khó.

Mấy bậc thang lên nhà Lily ở tầng bốn còn kém thú vị hơn đi hai mươi lăm phút taxi. Sau khi được tôi cởi quần áo, cô tự tắm một mình dưới vòi hoa sen. Tôi dìu cô thẳng vào giường, cô đổ sấp xuống nệm và thiếp đi luôn. Tôi nhìn Lily và trong lòng trào lên kí ức hồi tưởng thời đi học và tất cả những gì chúng tôi cùng làm với nhau. Bây giờ thì vui, rõ rồi, nhưng không bao giờ chúng tôi trở lại thanh thản được như hồi ấy.

Lily dạo này hơi quá trớn trong chuyện rượu chè và thường xuyên trong tình trạng say xỉn. Tuần trước Alex có nhắc tới chuyện ấy nhưng tôi bênh cô: Lily vẫn là sinh viên và chưa bước chân vào thế giới thực sự để gánh những trách nhiệm thực sự ( ví dụ như rót một ly Pellegrino cho tử tế ) Chính tôi cũng không phải là một con chiên ngoan đạo. Đã bao lần hai chúng tôi chè chén và cạn hết bao nhiêu chai vang chát. Sau buổi liên hoan mừng thi xong, Lily là người vỗ về tôi trong khi tôi cắm mặt vào bồn cầu mà nôn. Một tối mà tôi chẳng còn nhớ gì ngoài tám ly rượu Rum pha Coca và bài “ Every Rose Hat Its Thorn” chuyển sang dạng karaoke kinh tởm, Lily đánh xe đưa tôi về nhà, dọc đường phải dừng bốn lần để tôi nôn. Hôm sinh nhật lần thứ hai mươi mốt của Lily, tôi vác cô lên giường và cứ mười phút một lần kiểm tra xem cô còn thở không, cho đến khi chính tôi kiệt sức ngủ thiếp đi dưới sàn nhà. Đêm đó cô còn tỉnh dậy hai lần nữa, một lần vì lợm giọng, một lần để nói rằng tôi là người bạn tốt nhất đời mà cô có thể có được. Người ta có bạn để cùng đập phá, làm những trò ngu xuẩn và chăm sóc nhau, đúng không nào? Hay tất cả chỉ là những nghi thức phải trải qua ở đại học? Alex tin chắc lần này không chỉ là trò vui vô hại, nhưng tôi lại nghĩ khác.

Đúng ra thì đêm nay tôi không được để Lily ở nhà một mình, nhưng lúc này đã gần hai giờ đêm, năm tiếng nữa là tôi đã phải có mặt ở văn phòng. Quần áo tôi hôi hám mùi nôn mửa, và trong tủ quần áo của Lily nhất định không có bộ nào mà tôi mặc đến Runway được – lại càng bất khả thi từ ngày tôi lên hạng Prada. Tôi thở dài, đắp chăn cho cô và đặt đồng hồ báo thức bảy giờ, hy vọng cô đủ sức bò dậy để đi đến trường.

“ Bye, Lily. Tớ về đây. Cậu ổn chứ?” Tôi đặt điện thoại xuống gối, cạnh đầu cô.

Cô mở mắt nhìn tôi mỉm cười. “ Cám ơn,” cô lẩm bẩm và mắt lại nhắm nghiền tại chỗ. Tình trạng của cô lúc này chắc chắn không cho phép lập kỷ lục chạy marathon, nhưng cũng chẳng có bệnh trạng gì, ngủ dậy là lại ổn.

“ Không có gì.” Tôi nhận ra là hai mươi mốt tiếng đồng hồ vừa qua chỉ làm con hầu đi phục dịch cho cả thế giới này. “ Mai tớ gọi điện cho cậu,” tôi nói lúc lê cẳng ra cửa, “ nếu một trong hai chúng mình chưa chết.” Giờ thì về, về nhà được rồi.