Sơn Nam Hải Bắc

Chương 2




Quay trở về trung tâm sức khỏe cộng đồng gần 4 giờ chiều, mưa đã nhỏ đi một chút.

Trung tâm có vị trí tương đối đẹp, nằm sát con đường duy nhất xuyên qua thôn Nhã Lý, tuy xung quanh không quá nhộn nhịp nhưng lác đá c có vài quán ăn và quán trà nhỏ.

Nói đến quán trà, đây cũng là nét đặc trưng của địa phương.

Hồi đại học, Trần Dật từng hẹn bạn bè đến Thành Đô chơi, cảm nhận sâu sắc của cô về thành phố này là sự yên tĩnh và thoải mái, trong đó độc đáo nhất chính là cách "uống trà".

Kiểu phong nhã đó là cảnh giới mà mọi người hướng tới sau khi đã cơm no áo ấm, cũng là cách thể hiện thói quen sinh hoạt và sự bình thản của người bản xứ.

Trong thôn Nhã Lý có không dưới mười quán trà từ lớn đến bé, trên phố lớn hay trong hẻm nhỏ, trên các bãi đất trống trong thôn đều dễ dàng nhìn thấy những nhóm người rảnh rỗi ngồi nhàn nhã uống trà.

Mới đầu, Trần Dật còn nghi hoặc, tiếp theo cảm thấy bàng quan và sau đó là chờ đợi, tất cả tâm trạng cuối cùng đã hóa thành một tiếng cười khẽ.

Mỗi người đều có chí hướng riêng, muốn nỗ lực vươn lên cũng tốt, mà chấp nhận số phận cũng được. Chẳng qua đều là sự lựa chọn của mỗi người mà thôi.

+++

Trung tâm sức khỏe cộng đồng không có cổng mà chỉ có một tòa nhà nhỏ hai tầng tường trắng nằm đối diện đường cái. Phía trên mái treo tấm biển điện tróc sơn ghi hàng chữ "trung tâm sức khỏe cộng đồng thôn Nhã Lý". Ở lối đi dưới tầng một dựng tấm bảng hướng dẫn, trên đó viết: "tầng tổng hợp". Phía sau tầng tổng hợp là một dãy nhà trệt ngói xanh, có tất cả tám chín căn phòng lớn nhỏ, là nơi ở của công nhân viên y bác sĩ trung tâm.

Trần Dật đi dọc con đường nhỏ lát đá xanh bên cạnh tầng tổng hợp đến gian cuối cùng của dãy nhà trệt, lôi chùm chìa khóa ra, mở cửa.

Cánh cửa tôn sượt qua nền xi măng, phát ra âm thanh chói tai.

Căn phòng 20m2, một chiếc giường đơn, một chiếc tủ vải đơn giản, một chiếc bàn làm việc cũ, một bệ bếp thô sơ dựng bên cửa sổ, cạnh đó là buồng vệ sinh chưa đầy 2m2 tạo thành không gian sống.

Trần Dật kéo rèm, thay bộ quần áo ẩm ướt, bê ra vòi nước công cộng dưới mái hiên giặt sạch sẽ, liếc mắt nhìn giờ, vừa hay 4h đúng.

Phơi xong quần áo, cô thay giầy đi ra ngoài, vào khu bên trái của tầng tổng hợp, ở đó có hai căn phòng nhỏ nằm hơi khuất.

Hai căn phòng này thông nhau, rộng chừng 30m2, chỉ có một cửa ra vào duy nhất bằng kính, trên cửa kính dán một tờ giấy khổ A4.

Trên đó ghi - Thời gian khám bệnh: Từ 8h sáng đến 8h tối (ngày nghỉ làm việc bình thường).

Nếu không nhìn kỹ sẽ không dễ dàng phát hiện vẫn còn một dòng chữ nhỏ xíu màu đỏ được dán trên đó "cơ sở điều trị Methadone".

Ngay bên trái cửa phòng khám kê một chiếc bàn tư vấn, sau chiếc bàn là mấy hàng ghế đợi, bên cạnh đó là giá đỡ tài liệu hướng dẫn cách phòng chống AIDS.

Ngồi trực ở bàn tư vấn là một nữ sinh viên tình nguyện, giáp bên là nhân viên bảo vệ, cả hai đang ngồi nói chuyện phiếm.

Cô gái trẻ nhìn thấy Trần Dật đi vào liền cất tiếng chào: “Bác sĩ Trần“.

Viên bảo vệ cũng mỉm cười chào hỏi, Trần Dật gật đầu đáp lại.

Toàn bộ phòng khám này vốn được cải tạo từ văn phòng của trung tâm sức khỏe cộng đồng. Bức tường màu trắng xanh, trang thiết bị mang phong cách của hai mươi mấy năm trước.

Xung quanh tường đều dán pano áp phích tuyên truyền phòng chống HIV AIDS, có mấy tấm đã bị ố vàng.

Đối diện cửa kính là phòng khám, trong phòng khám có cài máy báo động 110.

Căn phòng chiếm gần như một phần hai diện tích. Ba mặt là tường, mặt đối diện cửa ra vào là một cái bệ khám bệnh cao cỡ nửa người được gắn kính cường lực.

Cửa sổ kính gắn với bệ khám mở hé chưa đầy một mét vuông.

Trên cửa sổ dán ba chữ màu đỏ - Nơi uống thuốc.

Tại đây, bệnh nhân chỉ phải uống một loại thuốc -

Methadone.

Dùng thuật ngữ chuyên ngành mà nói, nó là một loại thuốc giảm đau nhóm opioid, cấu trúc hóa học khác hẳn với morphine nhưng tác dụng dược lý lại vô cùng giống. Đặc điểm nổi bật của nó là tác dụng giảm đau mạnh, dùng qua đường miệng, kéo dài tác dụng ức chế những triệu chứng cai nghiện của người nghiện các loại thuốc phiện, sử dụng lặp đi lặp lại có hiệu quả liên tục, dùng trong việc điều trị cai nghiện cho những người nghiện heroin.

Khách quan mà nói, nó chính là một nửa Thiên Sứ, một nửa là Ma Quỷ.

Với tư cách là một loại thuốc gây tê đặc thù, nếu đi theo con đường hợp pháp thì nó là thuốc để chữa bệnh cứu người. Nhưng một khi sa vào con đường bị nhà nước quản lý cưỡng chế thì sẽ trở thành thuốc phiện hàng thật giá thật.

Mà công việc của Trần Dật chính là sử dụng cái thứ vừa như ma quỷ vừa như thiên sứ kia để giảm bớt sự ỷ lại của người nghiện với heroin, đạt được hiệu quả thay thế heroin, kiểm soát sự lây lan của AIDS trong người bệnh nhân, đồng thời giảm bớt những tội phạm liên quan đến ma tuý.

Cho nên, phòng khám trị liệu Methadone trong mắt Trần Dật giống như cánh cửa đầu tiên đưa bệnh nhân mắc nghiện trở thành người bình thường quay trở về với xã hội.

Cho dù bằng con đường nào thì liệu có bao nhiêu người thật sự muốn đi vào. Điều này không sao biết được.

+++

Hiện tại không có bệnh nhân, trong phòng khám chỉ có một nam một nữ bác sĩ đang ngồi nói chuyện. Thấy Trần Dật đi đến, nữ bác sĩ hơi lớn tuổi đeo mắt kính đứng dậy đi về phía cửa sổ uống thuốc.

Nữ bác sĩ nheo mắt cười: “Tiểu Trần, sao đến sớm vậy?“.

Trần Dật đi đến, hơi xoay người lại: “Cũng không sớm đâu ạ, chị Lý bận nên cháu đến trực thay“.

Phòng khám và kho chứa hàng được quản lý theo phương thức hai người khóa, giám sát 24/24, người khác không được phép và phải được hai bác sĩ trực đồng thời mở khóa mới có thể vào.

Buổi sáng, lúc đi qua thôn Mộc Tử, Trần Dật gặp đồng nghiệp ở cửa trung tâm, nói trong nhà có việc nên đến chậm một chút, nhờ Trần Dật đến trực thay 3 tiếng.

Người bên trong mở cửa phòng, Trần Dật đi vào, thay áo khoác trắng, ký tên lên nhật ký phòng khám, hoàn tất thủ tục giao ban.

Nam đồng nghiệp họ Phương, tốt nghiệp chuyên ngành ở địa phương, 20 tuổi bắt đầu làm việc tại trung tâm sức khỏe cộng đồng, đến nay công tác đã được 4 năm nhưng so với Trần Dật 3 năm tuổi nghề thì lại kém hơn hẳn 2 tuổi.

Tháng sau Tiểu Phương kết hôn, vợ là cô giáo ngữ văn dạy ở trường tiểu học thôn Nhã Lý. Thiệp cưới đã phát gần hết. Đúng hai tuần trước Trần Dật được điều đến thành phố học lớp huấn luyện kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật, cho nên trong đám đồng nghiệp ở trung tâm, hiện tại chỉ còn thiếu mỗi cô.

Trần Dật vừa ngồi xuống, trước mặt đã xuất hiện một tấm thiệp màu đỏ.

Tiểu Phương cười hì hì: “Chị Trần, em chính thức có lời mời chị“.

Trần Dật nhận chiếc thiệp cười, quay sang mỉm cười với Tiểu Phương: “Chúc mừng cậu“.

Tiểu Phương xấu hổ sờ gáy, khuôn mặt từ đầu tới cuối tràn đầy vẻ hạnh phúc.

“Chị Trần cũng nhanh lên, sớm cho bọn em uống rượu mừng nhé“.

Trần Dật bật cười: “Tôi sẽ cố gắng“.

Tán gẫu qua lại vài câu, Trần Dật bắt đầu đối chiếu thông tin của bệnh nhân ngày hôm nay, kiểm tra xem bệnh án có được viết đầy đủ hay không.

Thi thoảng Tiểu Phương nhìn sang, nhưng cậu ta chỉ nhìn thấy mái tóc đen buộc lỏng lẻo sau gáy, cùng sườn mặt trắng bóc nhu hòa của cô.

Biết rõ Trần Dật luôn làm việc chăm chỉ, mặc dù cảm giác ngồi ngây ra đã quá nhàm chán, Tiểu Phương cũng chỉ biết ngồi chờ vô vị cho đến lúc hết giờ.

Từng giây từng phút cứ thế trôi qua.

Năm giờ, nhân viên tình nguyện tan sở, cô gái trẻ cởi chiếc áo khoác đồng phục màu lam, đến cửa sổ uống thuốc chào tạm biệt hai bác sĩ.

Nhìn bóng lưng nhân viên tình nguyện rời đi, Tiểu Phương chợt nghe người ngồi bên hỏi mình: “Hôm nay chỉ có 17 bệnh nhân thôi sao?“.

Tiểu Phương định thần, ánh mắt rơi vào tập giấy đăng ký trên tay Trần Dật.

“Vâng ạ, chỉ có 17 người thôi“.

+++

Giai đoạn đầu mới thành lập phòng khám, chỉ có không dưới mười bệnh nhân. Sau một năm phát triển, số bệnh nhân đến trị liệu đạt 123 người, trong đó nhỏ nhất 21 tuổi, lớn nhất 58 tuổi. Phần lớn bệnh nhân có lịch sử hút thuốc 5 năm trở lên.

Những nhân viên y tế trong lĩnh vực điều trị Methadone không bao giờ gọi những người nghiện Heroin đến điều trị là “kẻ hút thuốc phiện” hay “con nghiện”, bọn họ cố gắng duy trì mối quan hệ bác sĩ - người bệnh tốt đẹp và bình thường với những người đến tìm kiếm sự giúp đỡ, bọn họ gọi những người đó là “bệnh nhân” hoặc “người mắc bệnh“.

Bọn họ muốn những bệnh nhân tới đây tư vấn và khám bệnh giờ phút nào cũng luôn hiểu rõ về những kiến thức liên quan đến phòng và trị bệnh AIDS, muốn khiến những người đó đến đây mà giống như về nhà của mình. Nhưng nguyện vọng tốt đẹp kiểu này chỉ tồn tại trong mơ mà thôi.

Duy trì điều trị bằng thuốc không phải là một chuyện nhẹ nhàng và dễ dàng, cần người bệnh mỗi ngày hoặc cách ngày tự mình tới khám chữa, đăng ký các thông tin, nộp 10 tệ phí chữa bệnh, sau đó sử dụng thuốc uống dạng lỏng Methadone - thuốc điều trị phù hợp dưới sự giám sát y tế sạch và an toàn. Nhưng Methadone chỉ là để thay thế, chứ không thể khiến người nghiện hoàn toàn cai khỏi heroin một cách thực sự. Ý nghĩa tồn tại của nó, là khiến cho người nghiện quên đi heroin.

So sánh giữa uống Methadone và hít heroin, giống như là mối liên hệ giữa ăn thịt và ăn rau, khi chấp nhận điều trị bằng Methadone, vẫn có không ít con nghiện không chịu nổi sức quyến rũ từ nàng tiên nâu, tiếp tục lén lút hút heroin. Trong quy định luật pháp liên quan của quốc gia, người cai nghiện trong thời gian trị liệu, một khi bị phát hiện hút hít hoặc chích Heroin hay các ma tuý khác, lập tức ngừng trị liệu. Từ kết quả kiểm tra nước tiểu mỗi tháng, sẽ sàng lọc những con nghiện đang cai nghiện...

Một khi kết quả dương tính, con nghiện bắt buộc phải ngừng trị liệu bằng Methadone.

Mà những con nghiện sau khi bị cưỡng chế ngừng trị liệu, lại không thể mua bán và hút chích hàng cấm, hoặc nhiều hoặc ít sẽ trút giận lên nhân viên y tế làm việc ở phòng khám. Họ cảm thấy bác sĩ ngừng điều trị, khiến họ khó chịu, cảm giác khó chịu như moi tim móc phổi, không thể giải thoát. Thậm chí có người còn chờ bác sĩ tan làm sẽ bám đuôi, uy hiếp, doạ dẫm.

Từ ngày phòng khám được mở ra cho đến nay, số lượng bệnh nhân kiên trì theo đuổi trị liệu, có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Tháng trước, mỗi ngày có khoảng 20 bệnh nhân tới khám. Đến tháng này, số bệnh nhân đã giảm xuống còn một nửa.

Với tư cách là người phụ trách phòng khám, Trần Dật không tránh khỏi hao tâm tổn trí trước sự thay đổi lên xuống của những con số.

+++

“Tiểu Phương, cậu thấy phòng khám trị liệu của chúng ta thế nào?“.

Tiểu Phương đang chìm trong suy nghĩ về buổi hôn lễ, bị Trần Dật hỏi một câu quay trở lại với thực tại.

Cô hỏi, cậu thấy phòng khám trị liệu này như thế nào?

Trước Tiểu Phương làm ở trên tầng tổng hợp, giờ bị thuyên chuyển xuống cơ sở điều trị Methadone chưa được hai tháng. Tự dưng hỏi về phương diện này e là không thật sự hiểu biết cho lắm. Nhưng vì Trần Dật hỏi, cậu liền biết gì đáp nấy.

“Em cảm thấy rất tốt. Thuốc phiện đắt như vậy, nhiều người vì nó mà táng gia bại sản. Nhưng ở phòng khám của chúng ta, chỉ cần mất 10 tệ mỗi ngày, uống một cốc Methadone là có thể có được cảm giác giống như hút heroin. Bởi vậy mà không phát tác cơn nghiện, cũng không tìm mua ma túy, càng không vì chích vào tĩnh mạch dẫn đến nhiễm AIDS. Đúng là một việc rất tốt“.

Trần Dật lẳng lặng nghe, Tiểu Phương nói xong, cảm thấy như chưa đủ, liền bổ sung thêm một câu: “Chính phủ triển khai mở rộng phương pháp trị liệu này, em cảm thấy đúng là một việc tạo phúc cho nhân loại“.

Im lặng một lúc, Trần Dật mở hồ sơ bệnh án, ánh mắt lướt qua một cái tên.

Cảm thấy cô nhất định còn điều gì đó muốn nói, Tiểu Phương chuẩn bị sẵn tinh thần để lắng nghe. Nhưng thấy cô sau khi giở bệnh án ra nhìn, vẫn không nói câu gì, sắc mặt Tiểu Phương có phần không thoải mái.

Ngẫm nghĩ cái gì không biết.

Đúng là một người khó hiểu.

Mưa tí tách nhỏ xuống, cánh cửa kính bỗng nhiên bị ai đó đẩy ra.

Trần Dật ngước mắt lên.

Người đàn ông mặc chiếc áo mưa màu đen, vóc dáng cao lớn, đỉnh đầu gần như chạm vào khung trên của cửa kính. Anh hơi nghiêng người về phía sau, cởi áo mưa, rồi trở tay khẽ đóng cửa lại.

Trần Dật không nhận ra, khóe miệng mình đang giương ý cười.

Anh thành thạo đi thẳng đến quầy uống thuốc, cúi xuống, đọc một dãy số.

Dãy số này là số hiệu điều trị của bệnh nhân, giống như mã số của chứng minh nhân dân, theo anh ta trong suốt quá trình trị liệu, đến chết cũng không mất.

Tiểu Phương bật máy tính, nhập số hiệu của bệnh nhân.

Trên màn hình hiện ra một bảng thông tin cá nhân, Tiểu Phương liếc người vừa tới, rồi đưa mắt nhìn tấm ảnh trong bảng thông tin.

Hỏi: “Anh tên gì?“.

“Tiết Sơn“.

“Anh bao nhiêu tuổi?“.

“32“.

“Nhà anh ở đâu?“.

“Số 56 thôn Bắc Sơn“.

Đó đều là những thông tin cơ bản cần thẩm tra đối chiếu người bệnh đến đây uống thuốc. Sau khi xác nhận không có gì sai sót, Trần Dật chìa ra một bản đăng ký, Tiết Sơn nhận lấy, tìm chỗ trống trên bệ, sau khi điền xong thông tin cá nhân, cầm 10 tệ kẹp vào trong bản đăng ký, đưa trả lại.

Chữ viết của anh không rõ ràng, thậm chí hơi cẩu thả nhưng chứa đựng sự cứng cáp trong đó.

Trần Dật nhìn lướt qua bản đăng ký, hỏi theo thông lệ: “Bình thường uống nhiều hay ít?“.

Sắc trời u ám, bóng đèn tiết kiệm điện trong phòng khám đã bật, chiếu ánh sáng trắng xuống, xuyên qua cửa sổ kính hắt vào khuôn mặt người đàn ông. Có lẽ bởi vì mái tóc của anh khá ngắn nên càng tôn thêm góc cạnh khuôn mặt, nhìn qua có vẻ cân đối, rõ ràng.

Trên gương mặt không biểu cảm ấy dính vài giọt nước mưa. Xuống chút nữa, đầu vai và trước ngực áo còn lưu vết nước loang lổ.

Người đàn ông cúi thấp đầu, ánh mắt điềm tĩnh, giọng nói trầm khàn: “20 milliliter“.

Đối chiếu liều thuốc không sai, Trần Dật gật đầu, ý bảo Tiểu Phương chuẩn bị.

Tiểu Phương đứng dậy, lấy trong chiếc giỏ nhựa bên cạnh một chiếc cốc đo sử dụng một lần, ấn chốt mở của chiếc bình, chất lỏng màu xanh nhạt chậm rãi chảy vào trong cốc.

Trần Dật hỏi thăm thêm.

“Cảm giác của anh thế nào?“.

Tiết Sơn: “Khá tốt và rất hiệu quả“.

Trần Dật vừa cúi đầu viết gì đó lên cuốn sổ vừa hỏi: “Anh bị táo bón nhiều không?“.

Không khí yên lặng hai giây.

Trần Dật ngẩng lên, nhìn bóng dáng cao lớn bên ngoài ô cửa sổ thủy tinh, cho là anh không nghe rõ câu hỏi của mình.

Cô cất cao giọng hỏi lại: “Anh bị táo bón nhiều không?“.

Chứng kiến vẻ ngập ngừng của anh, Trần Dật thoáng mỉm cười: “Bữa trước anh nói vấn đề đại tiện không được thoải mái, giờ thế nào rồi, có thấy khá hơn không?“.

Lại im lặng hai giây, rồi ba giây.

Anh đáp: “Tốt hơn nhiều rồi“.

Trần Dật gật đầu, ghi vào bệnh án.

Vì phải sử dụng methadone trong một thời gian dài, đa số bệnh nhân sẽ bị táo bón hoặc rối loạn chức năng tiêu hóa. Điều này do methadone làm giảm bớt nhu động của đại tràng, kéo dài quá trình tiêu hóa.

Hai tuần trước, trước khi ra ngoài học nghiệp vụ, lúc anh đến uống thuốc, Trần Dật đã tư vấn về vấn đề này.

Trần Dật sau khi giải thích, khuyến nghị anh nên sử dụng sữa chua, ăn nhiều rau quả, giúp tăng cường khả năng vận động của dạ dày, làm giảm quá trình táo bón.

Tiết Sơn không ngờ, chuyện của hai tuần trước, cô vẫn nhớ rõ.

Tuy nhiên, điều anh không hay chính là, mỗi lần anh xuất hiện đã mang đến cho cô gái trẻ ngồi trong ô cửa sổ kính kia biết bao nhiêu niềm vui.

Bởi vì, tròn một năm rưỡi, tên của anh xuất hiện thường ngày trong bản đăng ký bệnh nhân. Giống như một người bạn cũ, gió mặc gió, mưa mặc mưa, đúng hẹn là tới.