Sư Phụ Khổ Quá Rồi

Chương 34: Hai đóa hoa lựu




Edit | 4702i

Vào trời đông, đầm cạn nước làm lộ lòng sông trơ trọi, mấy đứa trẻ con từ thôn xóm gần đó đang chổng mông đào ếch xanh trong đất ẩm. Tiết trời nay đã quá lạnh, ếch xanh đều tìm hang chui vào tránh rét, nên chúng bèn mang sọt đi đào ếch xanh ra khỏi hang.

Vào lúc thiếu thốn lương thực, đám trẻ ở miền thôn xóm như thế cứ chạy vạy khắp nơi, lên non xuống hồ tìm hết thảy những gì có thể ăn được.

Trong đám trẻ mặc những tấm áo vải thô lấm bẩn và đầy mụn vá ấy, Tân Tú với bộ đồ trắng đứng giữa hệt một con cò trắng giữa bầy chim sẻ.

“Ngươi tìm ở đó không thấy gì đâu, nhìn nè, phải tìm trong hang khô mới có.” Đứa trẻ con cởi truồng, đen đúa và gầy nhách nghiêm túc giải thích cho Tân Tú nghe.

Tân Tú không hiểu giọng địa phương bên này, nàng loáng thoáng hiểu ý nó nhờ vào cử chỉ bèn nghe lời đổi sang một cái hang nhỏ hơi khô. Luồn tay vào trong, quả nhiên chỉ một lát đã mò được con ếch xanh.

“Ha ha ha bắt được thật này!” Nàng tiện tay ném con ếch xanh vào trong sọt rách của đứa bé, nó toét miệng cười lộ ra hàm răng xiêu vẹo, có mấy chiếc răng như thù ghét nhau mà đứng cách nhau thật xa.

Mấy đứa trẻ đều đen gầy như nhau, nhưng bay nhảy bên ngoài suốt nên trông vẫn hoạt bát khỏe mạnh, chúng ăn mặc phong phanh dưới làn gió lạnh tới thế mà vẫn cứ dửng dưng.

“A, nó sắp rơi rồi! Nó sắp rơi rồi!” Đứa bé dạy Tân Tú cách bắt ếch bỗng nhiên chỉ thẳng vào chiếc gùi trúc trên lưng nàng.

Tân Tú thong thả với tay về sau đẩy đứa bé con đang bò ra khỏi gùi về lại chỗ cũ rất thành thạo, bé gái lại ngã vào gùi vẫn cứ kiên trì lại bò ra nữa. Mỗi lúc ngủ nó mới chịu ngoan ngoãn, chỉ cần tỉnh là bắt đầu “hành” bọn họ.

Tân Tú móc một quả hồng to ra ném vào trong gùi, bé gái ngồi trong cái gùi lót đệm vừa chơi vừa gặm quả hồng rớt từ trên trời xuống, tới đây mới chịu yên tĩnh trở lại.

Đám trẻ nọ đã bắt được kha khá ếch xanh, định lột da ếch rửa qua rồi nướng lên ăn.

Thấy bọn chúng quen đường quen nẻo tìm mấy hòn đá tròn ven sông chất vào nhau định nhóm lửa, Tân Tú bèn sang ngồi luôn xuống không chút khách sáo: “Ta nướng thịt lợi hại lắm, sao, muốn ta nướng giúp các ngươi không?”

Đám trẻ châu đầu xì xào gì đó, chúng hiểu ý nàng. Có lẽ do ban nãy Tân Tú đã giúp chúng nên đám trẻ có phần tin tưởng nàng, đứa trẻ lớn nhất lại gần đưa sọt cho nàng.

Sau khi món ếch nướng của Tân Tú tỏa mùi hương, đám trẻ tụ tập bên nhau cứ nuốt nước miếng không ngừng, chờ tới khi nàng mò gói bột gia vị tự chế qua loa của mình ra để đổ vào ếch xanh, cái mùi hương lạ lùng ấy lập tức chinh phục tất cả trẻ con ở đây, tiếng nuốt nước miếng của chúng to đến nỗi không ai có thể lơ đi được nữa.

“Còn chưa ăn được à?”

“Ăn luôn đi mà, trước kia bọn ta nướng bừa lên là ăn được hết.”

“Ăn luôn đi, quen rồi.” Đám trẻ giục giã.

Nhưng Tân Tú vẫn ngồi đó lù lù, khi nàng cuối cùng cũng gật đầu chịu chia ếch xanh cho đám trẻ thì chúng liền lập tức nhét đồ ăn vào miệng, chẳng màng còn nóng mà ăn như hổ đói, thậm chí còn không nói lấy một câu.

Tân Tú cũng ăn một xiên thịt ếch, bé gái trong gùi trúc vịn thành gùi mà kêu a a a a, Tân Tú cầm quả hồng to dí sát mặt con bé, nhóc con này lại ôm quá hồng gặm gặm gặm, thực ra căn bản nó còn không gặm rách được vỏ quả hồng.

Cùng ăn một bữa ngon xong, Tân Tú hỏi thăm trong thôn có ai cho trẻ con bú được không, mấy đứa bé bèn nhiệt tình dẫn nàng đi tìm thức ăn cho bé gái.

Rời khỏi thôn xóm ấy, Tân Tú cưỡi la đeo gùi, tiếp tục đi về phía trước. Quãng đường này nàng thường xuyên gặp được đủ loại người, rất ít người có thể khiến nàng khen là “người tốt” hoặc mắng là “kẻ xấu”, hầu hết con người ai ai cũng bình thường như thế, như loài cỏ dại sống vất vưởng mà lại thật kiên cường.

Nàng muốn tìm nhà nào bằng lòng nuôi bé gái mình nhặt được, nhưng tạm thời nàng chưa tìm thấy, thậm chí không chỉ không tìm được mà nàng còn nhặt thêm một bé gái bị vứt bỏ nữa.

Lúc nàng nhặt được bé gái ấy một con chó hoang đang cắn xé quần áo trên người nó, bé gái không nhúc nhích, mặt tái xanh như đã chết.

“Haiz, chó con đừng cắn nữa, qua kia chơi đi.” Tân Tú bước vào khu đất hoang, quơ quơ miếng thịt khô nướng mình đang ăn dở hồi trưa trước mặt con chó rồi ném thẳng ra ngoài.

Chó hoang là loài động vật thông minh và nhạy cảm, dù thái độ của Tân Tú không hề hung hăng nhưng nó cũng nhận ra đó là đối tượng mình không đối phó được, bèn buông đứa trẻ ra nhào vào miếng thịt khô, sau đó ngậm miếng thịt chui tọt vào bụi cỏ. Tân Tú cũng không để ý đến nó nữa, nàng lại gần bế đứa bé gái kia lên.

La đạo sĩ đi theo nàng lâu nên nói chuyện tùy tiện hơn nhiều, thấy nàng kiểm tra xem bé gái kia còn sống không, bèn không nhịn được mà mỉa: “Vốn đã có một con nhãi phiền phức không ném đi được rồi, ngươi lại còn định nhặt thêm đứa nữa, thế gian này nhiều trẻ con bị vứt bỏ như thế chẳng lẽ ngươi cứu được hết à.” Lão thấy rất gai mắt trước hành động của nàng.

Tân Tú: “Giờ tâm trạng ta đang không tốt, muốn đập ai đó một trận cho bớt áp lực, người may mắn đó là ai đây nhỉ?”

La đạo sĩ im tuột, lão không dám nói gì nữa. Tân Tú nói được thì làm được, mà ở chỗ này người bị đánh ắt chỉ có mình lão. La đạo sĩ không hề hoài nghi rằng dù có kéo con chó hoang lúc nãy về đây đứng chung với lão, giữa hai đứa thì lão cũng nhất định là đứa bị ăn đòn.

Tân Tú lắc lắc cái bình cam lộ chừng đã sắp cạn của mình, nàng tặc lưỡi nhưng vẫn cho bé gái uống một ngụm, lại bón cho con bé ít đường âm ấm và ôm nó vào lòng.

Gần đây có một ngôi làng, Tân Tú đứng hỏi một vị nông phu đang cày cạnh đó, người kia khoa tay múa chân cho nàng biết đứa trẻ này là con một gia đình trong thôn, nhà đấy có vài đứa con gái rồi nhưng mấy đứa trước đã chết sạch, con bé này bẩm sinh lại có bệnh vặt, không mở mắt ra nổi, nhà đấy không muốn nuôi bèn ném ra cửa thôn chờ người tới nhặt, nhưng không ai nhặt đứa bé đấy cả, nông phu còn tưởng nó đã chết đói rồi.

“Đứa bé mù đấy bị chó hoang tha đi chén rồi, ngươi đừng mang nó về nhà nữa, rồi người ta cũng bỏ nó thôi.” Nông phu liên tục xua tay.

Nghe câu ấy, Tân Tú ôm chặt bé gái đang cuộn mình trong chăn.

Mệnh như bèo dạt, rồi trời sinh lại ngoan cường. Dẫu cho thói đời tệ bạc nhưng đã tới cõi đời này một lần, có lẽ chúng cũng chẳng muốn chết đi dễ dàng như thế.

Tân Tú đặt đứa bé gái mình mới cứu nằm cạnh đứa bé trước, con bé này không khỏe được bằng đứa trước, có mấy lần nàng còn tưởng nó không chịu nổi nữa, nhưng ôm trong lòng một hồi lại nghe thấy tiếng thở. Tân Tú vốn là đứa dùng linh lực thuận khí trong cơ thể tệ nhất, giờ đã tự biết cách dùng linh lực dạy bé gái cách thở và thuận khí trong người nó.

Thuận khí mấy ngày cuối cùng nó cũng mở được bắt, có lẽ do lúc trước chưa từng mở mắt nên màu mắt bé gái khá nhạt, cũng may đôi mắt không sao, vẫn nhìn tốt.

Tân Tú làm cái nôi nhỏ đặt trong túi gấu trúc Doraemon, ban đêm nghỉ ngơi bèn đặt hai đứa trẻ vào trong nôi, sau đó để Doraemon biến cỡ to như người bình thường mà ngồi cạnh đong đưa nôi dỗ chúng đi ngủ.

Doraemon rất tốt tính, khí chất lại thật nhã nhặn, Tân Tú thấy nó cũng giống mẹ gấu trúc của mình, nếu như đêm lạnh nàng sẽ nằm trrên cái bụng nhiều lông mềm mại của Doraemon, hai bé gái đứa nằm trái đứa nằm phải, cùng nàng trải qua rất nhiều đêm thâu.

Sau khi xuống núi nay Tân Tú đã gặp phải trận tuyết đầu tiên, cuối cùng nàng cũng tìm được một thành trì khá lớn, tường thành cao và dày, hai tên lính thủ thành cứ nhìn đám người chăm chăm không chớp mắt. Thành trì lớn như thế có chỗ tốt là, sẽ không hơi chút lại có người nhìn nữ tử như nàng ra ngoài một mình bằng ánh mắt quái dị nữa.

Hơn nữa trong thành còn có quán trọ, trước tiên nàng tìm chỗ ăn một bữa no, sau đó thương lượng với chủ quán trọ để ngâm mình trong nước nóng, tiện thể tắm luôn cho hai đứa trẻ. Chu du khắp nơi khó tránh khỏi việc trông lôi thôi lếch thếch, ngâm nước nóng một lần Tân Tú thấy sung sướng như thể vừa sống lại.

Lúc trước đọc tiểu thuyết hay xem phim nàng nhớ đám đại hiệp trong đó chỉ mặc bạch y, mỗi lần xuất hiện đều trông như tiên nhân không nhiễm bụi trần nhưng sự thật cũng cay đắng như quảng cáo mì ăn liền, toàn là dối trá hết. Người tu tiên như nàng bôn ba khắp nơi cũng chẳng duy trì y phục sạch sẽ được, dù chẳng làm gì mà đi đường không thì hôm sau cả người cũng đã toàn tro.

Cho nên giờ nàng đã biết phải mặc đồ tối màu cho đỡ bẩn, đội mũ rèm để bảo vệ tóc, đi ủng thay vì xỏ những chiếc giày thoải mái.

Hai đứa bé được nàng nuôi tới trắng trẻo mập mạp, thực ra Tân Tú thấy khá lạ, nàng nuôi rất tùy tiện mà trông chúng vẫn đến xinh. Nàng mua hai bộ y phục vừa thân cho hai đứa, chọt trán từng đứa một.

“Ta muốn tìm người nhà cho hai đứa ở đây, chờ tin tốt từ ta nhé.”

Nàng để Doraemon ở lại chăm sóc hai đứa còn mình thì ra ngoài dưới trời tuyết. Tân Tú định tìm mấy tòa nhà rộng rãi có ít tiền bạc, rồi mới đi quan sát nhân phẩm của gia chủ trong nhà.

Đội lớp tuyết dày, nàng lò dò trên nóc nhà và tường nhà người ta mấy ngày cũng không tìm được người thích hợp, tình cờ nghe thấy hai vị phụ nhân nói tới miếu cầu tự trong thành Tân Tú mới ngộ ra.

Đúng thế, nàng có thể tới miếu cầu tự mà, những người muốn có con sẽ tới đó dâng hương, nàng khỏi phải dò dẫm như thế này nữa.

Ngồi xổm trên xà ngang của miếu cầu tự linh nghiệm nọ Tân Tú nghe thấy mười nữ tử đến cầu tự, thì có đến tận chín người xin con trai.

Còn một đôi vợ chồng thì nam nữ đều được, họ chỉ muốn có một mụn con… Tân Tú lén theo chân vị phu nhân nọ về nhà nàng ta, ngồi xổm trong phòng ngủ nghe nàng ấy trò chuyện với phu quân của mình. Thực ra nhà này nàng cũng đã từng đến, nhưng trong sân vắng ngắt.

Nghe họ nói chuyện Tân Tú mới biết nam gia chủ nhà này còn làm quan, cụ thể chức quan gì thì nàng không biết, chỉ hay rằng hắn quản lý trị an trong tòa thành này, nhìn mặt rất ngay thẳng thật thà, quan trọng nhất là dưới thời đại nữ tử sống phụ thuộc vào nam tử thế này, thì vị nam tử này lại rất quan tâm phu nhân của hắn.

Họ không có con, dường như do thân thể người phụ nhân đó yếu nên không sinh con được, mà nam nhân cứ một mực ở đó an ủi phu nhân.

Tân Tú: Quyết định rồi, chính là các ngươi.

Về phần cho họ đứa nào, Tân Tú nghĩ một hồi, quyết định chuyện tốt thành đôi, “biếu” luôn ai đứa cho nàng nọ.

“Dù các ngươi sinh ra ở hai nơi khác nhau nhưng lại có vận mệnh giống nhau, nay lại có duyên phận trở thành tỷ muội, chỉ nguyện các ngươi chịu nâng đỡ lẫn nhau sống sót.” Sau khi về, Tân Tú đeo cho mỗi đứa một chiếc dây chuyền vàng. Mặt dây chuyền nàng dung luyện từ vàng nguyên chất, luyện thành hình hai con gấu trúc, cũng coi như là quà tiễn biệt tới hai đứa.

Từ phu nhân ở phía bắc tòa thành năm nay đã hơn ba mươi tuổi, nàng ta gả cho phu quân đã mười mấy năm nhưng vẫn không thể sinh cho hắn lấy một mụn con, có một đứa con giờ đã là tâm bệnh của nàng, dẫu cho phu quân thường xuyên an ủi nàng cũng khó tránh khỏi việc thấy buồn bực sầu não.

Ngày ấy tuyết rơi dày, thị nữ tới bẩm gốc lựu ngoài sân nở hai đóa hoa, Từ phu nhân cực kỳ ngạc nhiên, trời tuyết như thế há nào cây lựu nở hoa, mà lại chỉ nở vẻn vẹn hai đóa?

Hai đóa lựu nở giữa trời tuyết ấy được cắt xuống và cắm vào bình hoa trong gian phòng ấm.

Từ phu nhân ngắm hai đóa hoa đỏ rực nọ bỗng thấy buồn ngủ, trong cơn mơ màng nàng dường như thấy một vị thần nữ toàn thân đầy tiên khí xuất hiện trước mặt mình.

Thần nữ với gương mặt mỹ lệ cầm chiếc bình ngọc trong tay, nàng nọ cười khẽ với Từ phu nhân, hé miệng nói gì đó. Từ phu nhân không nghe rõ, nàng chỉ thấy thần nữ nọ thoáng phất tay, hai đóa hoa lựa bỗng biến thành hai bé gái nằm gọn trong lòng nàng.

Từ phu nhân sững người, rồi là hân hoan tột độ.

Tỉnh dậy từ khung cảnh huyền diệu lạ lùng, Từ phu nhân phát giác có gì nặng trĩu trong lòng mình bèn vội vã cúi đầu xuống ngó. Hai bé gái nàng thấy trong mộng vậy mà thực sự xuất hiện trong lòng nàng, nhìn nàng bằng đôi mắt đen láy trong veo như nước.

Từ phu nhân: “…”

A! Có con rồi! Tận hai đứa!

Tân Tú giả thần giả quỷ xong bèn ngồi trên xà nhà quan sát tình hình, thấy Từ phu nhân hân hoan tột độ, ôm chặt lấy hai đứa con gái mới thoáng yên tâm.

Lần trước nàng biến thành Cảnh Thành Tử sư thúc, lần này lại biến thành Bạch Phi sư thúc, ai bảo hình tượng của Bạch Phi sư thúc rất hợp với khí chất “Tống Tử Quan Âm” chứ.

Đã làm những việc lạ như báo mộng tới thần tiên hiển linh, giao phó hai đứa bé cho gia đình đáng tin nhưng Tân Tú cũng không vội đi, nàng ở lại trong thành thêm mấy ngày, mỗi ngày trừ đi dạo loanh quanh, quan sát phong thổ rồi tìm đồ ăn ngon, thì đều tới Từ gia xem xét tình huống của hai đứa trẻ.

Từ phu nhân cực kỳ yêu quý hai đứa bé đó, phu quân của nàng ta cũng vậy, vị nam tử cao lớn nghiêm nghị ấy bế bồng hai đứa con gái để yên cho chúng bứt râu mình, tuy đau đến méo miệng nhưng hắn vẫn không nỡ để chúng bỏ tay ra. Hai vợ chồng còn bế hai đứa tới miếu cầu tử tạ ơn thần linh.

Tân Tú ngồi trên xà ngang, nàng buông thõng một chân, nhìn gia đình nọ rồi cười nhẹ.

“Tạm biệt nhé.” Nàng vẫy vẫy tay, lẩm bẩm, quay về dắt La đạo sĩ ra khỏi thành, tiếp tục đi về phía nam.

Bỗng nhiên thiếu hai đứa bé La đạo sĩ lại thấy hơi không quen, lão cứ bất giác liếc về phía sau. Lúc hai đứa được Tân Tú ôm ắt sẽ bứt lông trên thân la của lão, hoặc véo cái tai la của lão.

Không còn hai đứa trẻ nữa Tân Tú thấy nhẹ nhõm hẳn, nàng ngồi trên lưng la viết du ký, lại nghĩ cách vẽ bản đồ. Nàng định vẽ chi tiết từng chỗ mình đi qua, có lẽ về sau nó sẽ trở thành một tấm bản đồ rất lớn.

Sau khi đi qua nhiều chốn nàng loáng thoáng nảy ra ý định nào đó. Giờ nói ra hãy còn sớm, nhưng nàng thấy mình đã có thể bắt đầu dự tính ngay.

Lời tác giả:

Hôm qua đọc bình luận mà tui chết cười, các bạn toàn giuộc cây ngay hem sợ chết đứng thôi, đúng là độc giả của tui có khác.