Ta Là Tiên Phàm

Chương 31: Hạ sơn




Dịch: Hoa Gia Thất Đồng

Trở về từ vùng núi phía sau Dược Vương Sơn Trang, Tô Trần đến đại viện của Tạp Dịch Đường đổi lấy một tấm lệnh bài chấp sự đê cấp.

Có là chấp sự đê cấp thì vẫn là tạp dịch thôi, nhưng địa vị của y lúc này đã cao hơn những tiểu tạp dịch thấp kém nhất một bậc, lại có được một đặc quyền nho nhỏ: từ đây y đã có thể tự chọn lấy nhiệm vụ tạp dịch, không còn bị những chấp sự cao cấp, trung cấp khác tùy ý chỉ định nữa.

Có được quyền lợi này, về sau Tô Trần đã có thể chọn những việc tạp dịch có thu nhập khá khẩm và linh hoạt mà làm.

Tuy nhập môn đã tám tháng, đột phá được hạ đan điền, thành quả của y cũng chẳng đáng là gì giữa một Dược Vương Bang to lớn như thế. Song ở Tạp Dịch Đường này, chuyện như vậy vẫn gây nên chấn động nho nhỏ. Đối với đệ tử Tạp Dịch Đường mà nói, đây là sự việc rất hiếm thấy.

oooOoOoOooo

Sau khi lãnh nhận thẻ bài, việc chuyển giao nhiệm vụ coi sóc ruộng dược thảo cũng đã xong, Tô Trần lĩnh được chín viên bạc vụn từ chỗ vị tiên sinh trông giữ sổ sách.

Tô Trần sờ sờ mấy viên bạc vụn ấy. Chín viên bạc vụn hực lên mùi hôi của tiền, đựng trong túi vải đánh lên mấy tiếng lách cách, khiến y cảm nhận được một niềm hân hoan không thể tả thành lời, hài lòng khôn xiết. Trong lòng y bấy giờ nhiều thứ cảm xúc đan xen.

Ngày trước, khi còn đánh cá ở thôn Chu, vất vả làm lụng mỗi tháng như thế, y nhiều nhất cũng chỉ dành dụm được mấy mươi đồng. Tình cảnh lúc ấy thật đáng thương.

Chẳng ngờ, y đến Dược Vương Bang chỉ làm một tiểu tạp dịch nhỏ bé, trong vỏn vẹn ba tháng đã kiếm được những chín viên bạc. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong đời, y kiếm được khoản tiền lớn đến vậy. Nếu là đệ tử của những phân đường khác, có lẽ còn kiếm được nhiều tiền hơn nữa.

Tô Trần nhét túi tiền vào trong ngực áo, giấu thật kỹ trong người, để số tiền mà mình đã vất vả làm lụng được không bị thất lạc hoặc bị trộm lấy mất.

Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, nếu phải thực sự phải tiêu số bạc vụn còn chưa đầy một lượng này, thì cũng chẳng dễ dàng gì. Mỗi một viên bạc vụn như thế, y chỉ hận chẳng thể bẻ làm đôi mà dùng(*).

(*) Ý nói mỗi viên bạc vụn quá nhỏ, không thể bẻ làm đôi, giá trị của mỗi viên đương nhiên rất ít ỏi.

Vốn dĩ y định đến Tàng Thư Các mua một quyển võ thư cấp thấp, nhưng chỉ một quyển bí kíp võ kỹ thấp kém nhất Tàng Thư Các cũng đã đến một lượng bạc. Dược thư cũng đắt như thế. Y vẫn còn thiếu một trăm đồng nữa, tạm thời vẫn chưa thể mua được.

Tính toán hồi lâu, Tô Trần vẫn muốn đi Cô Tô huyện thành một chuyến.

Đã ba tháng ròng, y một mình coi sóc ruộng dược thảo ở vùng núi hoang vu phía sau Dược Vương Bang. Ba tháng ấy gần như không tiếp xúc với người nào, đã khiến y cảm thấy ngột ngạt lắm. Nay đến huyện thành Cô Tô náo nhiệt dạo quanh một chuyến, nơi đây người qua kẻ lại đông đúc, y cũng nhân tiện có thể tìm ít món ăn vặt ngon để đỡ cơn thèm.

oooOoOoOooo

Tô Trần rời khỏi Dược Vương Sơn Trang, băng qua Thiết Tỏa Hàn Kiều. Chẳng mấy chốc, y đã đến Cô Tô huyện thành náo nhiệt nằm cách đó chừng bốn, năm dặm.

Y mua được ít món ngon như bánh quế hoa, đậu hũ thối ở trên phố, cũng coi như tự khao thưởng cho mình đã vất vả suốt mấy tháng qua.

Phố thị Cô Tô huyện thành vẫn phồn hoa náo nhiệt như thường lệ, khắp nơi đều thấy kẻ buôn người bán tấp nập, nhốn nháo nào kiệu nào xe, ngựa xe thồ hàng qua lại như nước.

Còn ở những trà quán, tửu lâu dọc hai bên đường, hào khách giang hồ vào ra kín cửa, nườm nượp không ngớt.

Nơi đâu cũng thấy các bậc công tử phú gia dẫn theo vài tên nô bộc, tùy tùng, đem vài con dế nhũi non cùng với giun và lồng chim đi chơi bời nghịch ngợm. Còn có mấy tiểu thư cầm ô giấy dầu(*) dạo phố, họp thành từng nhóm nhỏ vào ra các cửa hiệu trang sức tinh xảo, nói cười ríu rít, thích thú chọn lựa những món trang sức và phấn son mà các nàng yêu thích. Lại còn có rất nhiều những gánh hàng bán hoa quả tươi dọc theo con phố, lớn tiếng rao bán mời mọc.

(*) Ô giấy dầu: loại ô truyền thống của Trung Quốc

Tô Trần một mình tản bộ nhàn nhã trên phố, thoải mái tận hưởng bầu không khí của nơi phố thị náo nhiệt này.

Trở lại Cô Tô huyện thành phồn hoa, đi giữa dòng người tấp nập, mọi thứ xung quanh đều sinh động như thế, khiến y có cảm giác thân thuộc tựa như đã ly biệt bao đời nay lại được tương phùng. Giờ đây, y đã không còn cảm giác lạ lẫm đối với Cô Tô huyện thành nữa, cũng không phải lưu lạc như lúc ban đầu y đến nơi này.

Y đã thăng tiến trở thành một chấp sự đê cấp ở Dược Vương Bang, có thể tự kiếm được ít tiền bằng chính bản lĩnh của mình.

Cũng coi như y đã có thể đứng vững ở chốn huyện thành phồn hoa này, không cần lo lắng những ngày tháng chạp đông giá, ăn bữa hôm đã lo bữa mai, bụng đói đến hoa mắt, lại sống trong cảnh bần hàn, rày đây mai đó. Vả chăng, bây giờ y đã là một võ giả tam lưu, đã bước qua ngưỡng cửa thấp nhất của đệ tử giang hồ. Thậm chí, đối với những bang phái nhỏ chỉ chừng mấy mươi người, y cũng đã được tính như một tiểu nhân vật, không còn là một tiểu tử chưa nhập lưu nữa.

Chỉ là, đối với một bang phái quảng đại bề thế, lại thuộc vào hàng ngũ đại bang ở Ngô Quận như Dược Vương Bang, đệ tử trong bang có đến hàng ngàn, y rõ ràng vẫn ở vào bậc thấp kém nhất.

Vị trí của Tô Trần hiện tại, nếu đem so với tình cảnh lang thang, không nơi nương tựa của nửa năm trước đây, đã tốt hơn không biết bao nhiêu lần.

Nhớ lại thuở đầu y đến Cô Tô huyện thành, trên người không một xu dính túi, hết bị bọn côn đồ đến chó hoang truy đuổi, còn bị mấy tên khất cái bắt nạt, suýt chút đã chết đói ở nơi đầu đường xó chợ. May mà lúc ấy còn có hảo huynh đệ A Sửu lưu lại một đêm, cho y miếng cơm để ăn, y mới vượt qua cơn đói lúc đó.

Mỗi lần nhớ lại những chuyện này, Tô Trần đều phải thở phào.

Cũng chẳng rõ tám, chín tháng qua, sau khi đi Thiên Ưng Môn, tình hình A Sửu đã thế nào, đệ ấy đã luyện được căn cơ nơi hạ đan điền hay chưa? Y đã ước định với A Sửu, ngày sau nếu việc tu luyện có được thành tựu, chúng sẽ cùng nhau ngao du, tiếu ngạo giang hồ.

oooOoOoOooo

Bất tri bất giác, Tô Trần đã đi đến khu vực lân cận Thiên Ưng Khách Sạn.

Đến hậu viện Thiên Ưng Khách Sạn, Tô Trần trông thấy Trương đồ tể bấy giờ đang giết heo. Trương đồ tể đó cũng chính là cha của Trương Thiết Ngưu sư huynh, y khách sáo đến chào hỏi vài lời vậy.

Kể từ khi bái biệt Lý Khôi sư phụ, mối quan hệ giữa y với các sư huynh đệ đồng môn như Trương Thiết Ngưu cũng mỏng bạc đi. Nhưng y với Trương Thiết Ngưu còn là chỗ đồng hương – một thứ quan hệ khác nếu so với quan hệ đồng môn huynh đệ.

Tô Trần thăm dò tin tức của A Sửu từ chỗ Trương đồ phu, song ông ta cũng không rõ tình hình của A Sửu thế nào. Đã hơn nửa năm nay, Trương đồ phu chưa từng trông thấy A Sửu trở về Thiên Ưng Khách Sạn. Gần như chẳng có tin tức gì về thằng bé.

Tô Trần không khỏi có chút nghi hoặc.

Nhưng bấy giờ y lại sực nhớ đến một chuyện khác. Vợ của Trương đồ phu là người thôn Chu nên thường hay về thôn thăm viếng người thân. Y bèn nhờ Trương đồ phu tiện thể mang giúp năm viên bạc vụn về quê nhà, giao lại cho cha mẹ y.

Còn bản thân y, trên người bấy giờ vẫn còn lại vài viên bạc vụn, để dành đấy về sau còn có thể mua bí kíp võ kỹ để tu tập thêm.

Trương đồ phu đương nhiên không nề hà gì, đồng ý ngay. Thỉnh thoảng ông ta cũng cùng vợ về quê thăm thân, có thể nhân tiện giúp Tô Trần đem tiền về, cũng không tốn công sức gì.

oooOoOoOooo

Tô Trần trở ra từ khách sạn Thiên Ưng, lại tiếp tục tản bộ trên phố. Y đương nghĩ xem nên làm gì tiếp.

Đột nhiên, y trông thấy trước mắt mình, cách đó mấy mươi trượng, lẫn giữa phố phường náo nhiệt có một thiếu niên áng chừng mười hai, mười ba tuổi, y phục rách rưới, đang đẩy một cỗ xe phân. Trên xe bấy giờ chất chừng bảy, tám thùng phân. Thiếu niên đang đẩy xe ra ngoài cổng thành đông.

Trên mặt thiếu niên ấy có một vết bớt màu xanh, tướng mạo nó hơi xấu. Vai thiếu niên vắt một chiếc khăn lau mồ hôi.

Tô Trần sững sờ.

Kia chẳng phải là A Sửu sao!

Y mừng rỡ, liền vẫy gọi người bằng hữu: “A Sửu! Là ta đây!”

Thiếu niên mặt có vết bớt xanh nghe thấy tiếng người gọi mình trên phố, bèn bất giác quay đầu lại ngóng nhìn. Trông thấy không xa đó, ở nơi đầu phố chính là Tô Trần, thiếu niên không khỏi kinh ngạc. Nhưng nó ngay lập tức cúi đầu, vội vàng ra sức đẩy cỗ xe phân đi tiếp ra ngoài cổng thành đông.

Thấy A Sửu chẳng những không ngó ngàng gì đến mình, lại còn cúi đầu giấu mặt quay đi, Tô Trần không khỏi ngạc nhiên. Y liền nhanh chân đuổi theo.

Mấy tháng trước, y đã đến Cô Tô huyện thành và cả Thiên Ưng Môn để tìm A Sửu. Có điều tổng đường Thiên Ưng Môn quá rộng lớn, đệ tử trong bang lại nhiều, y cũng chẳng biết phải tìm A Sửu thế nào.

Bây giờ, không dễ dàng gì mới có thể tình cờ chạm mặt trên phố như thế, y lẽ nào lại để A Sửu rời đi như vậy?!

Tô Trần vội vã đuổi theo. Y mừng rỡ túm lấy tay A Sửu kéo lại: “A Sửu! Khi trước ta đi Thiên Ưng Khách Sạn tìm đệ, Lý thúc thúc và Trương thúc thúc đều nói đệ đã trở thành đệ tử Thiên Ưng Môn rồi. Mấy lần ta muốn tìm đệ đều không tìm được. Tình hình đệ gần đây thế nào?”

A Sửu lại dùng khăn lau mồ hôi che mặt. Ánh mắt nó tránh không nhìn Tô Trần, từ trên gương mặt lộ ra vẻ nhục nhã. Nó dường như không muốn nhận mình quen Tô Trần.

Nhưng lúc này nó đã bị Tô Trần kéo lại, không đi được nữa, chỉ đành buông tay đẩy xe phân xuống, lấy khăn lau đi mồ hôi nhễ nhại trên mặt. Nó cười gượng gạo tỏ ra vui vẻ, nói:

“Ây dà, ra là Trần ca, vừa nãy không trông thấy. Bây giờ đệ cũng đã gia nhập Thiên Ưng Môn rồi. Chẳng qua quản sự bên ấy nói đệ phải làm khổ sai không công cho họ ba năm, việc nặng nhọc vất vả thế nào cũng phải làm tất. Đợi sau khi qua ba năm này, thì đệ sẽ trở thành đệ tử ngoại môn thực sự.

Trần ca, huynh yên tâm, đệ nhất định sẽ luyện thành võ nghệ, ngày sau huynh đệ chúng ta sẽ cùng ngao du giang hồ!”

“Làm khổ sai ba năm?” Tô Trần sững người.

Gánh phân, giặt áo... đều là việc của nô bộc, nha hoàn. Đệ tử tạp dịch của Dược Vương Bang tuy cũng làm những việc tạp dịch, song đều là những việc như chăm sóc ruộng thuốc, tuần tra, gác đêm... chứ đâu làm những việc dơ bẩn, cực nhọc như thế.

Mà thế thì cũng thôi đi. Trước khi gia nhập Thiên Ưng Môn phải làm khổ sai ba năm, vây cũng không đến nỗi nào, dù sao cũng có thể trở thành đệ tử Thiên Ưng Môn. Bây giờ chịu khổ ngày sau được đền đáp.

Thế nhưng, thứ khiến Tô Trần giật mình chính là: dưới tay áo của A Sửu lộ ra từng vết thương dài do gậy gộc hoặc dao kiếm gây ra.

“Mấy vết thương trên người đệ là thế nào? Đây đều là những vết thương do gậy kiếm gây ra, hơn nữa đa phần đều là trong một tháng đổ lại mà có. Đừng có bảo là đệ té ngã rồi bị thương! Thiên Ưng Môn có kẻ bắt nạt đệ?!”

Tô Trần lộ ra mục quang sắc lạnh. Y lập tức giở tay áo của A Sửu ra, làm lộ những vết thương bị che giấu ở bên trong. Những vết thương của người bằng hữu đập vào mắt khiến y sững sờ.

Thương tích của A Sửu còn chưa lột mài, chắc chắn không phải vết thương cũ do Vương đại chưởng quỹ đánh vào tám, chín tháng trước, chỉ có thể là những vết thương mới bị gần đây.