Tam Hạ Nam Đường

Chương 20: Cao, Phùng, Trịnh, vâng chỉ thành hôn Nghiệp, Duyên, Hoa cướp dinh phá giặc







Sáng hôm sau, cơm nước xong ba người đồng đi một đường, bất luận ngày đêm trở về thành Thọ Châu. Khi đến nơi, ba tướng vào tâu tự sự cho Tống Thái Tổ hay và thú tội rằng:

- Vì muốn hoàn thiện công việc nên phải quyền biến. Tống Thái Tổ phán:

- Nhân duyên ba người chẳng khác với Cao Quân Bảo với Lưu Kim Đính trước đây, trẫm không làm tội mà lại cho phụng chỉ kết hôn.

Nói rồi, truyền chỉ cho ba vị nữ anh hùng vào ra mắt. Ba nàng được lệnh rất mừng, liền vào tung hô vạn tuế. Tống Thái Tổ phong cho ba nàng nhất phẩm phu nhân, và bày tiệc đuốc hoa cho ba tướng thành hôn. Ba vợ chồng đồng bái lạy tạ ơn. Tống Thái Tổ phán:

- Tướng ngũ âm nay đã đủ bốn, chỉ còn thiếu một nàng, song trận trước mình hao binh quá nhiều, nay phải qua San Hậu mượn thêm binh mới phá Nam Đường nổi.

Cao Quân Bội bước ra lãnh lệnh đi viện binh. Tống Thái Tổ chấp thuận, vì biết rằng Cao Quân Bội tuy nhỏ tuổi song trí vẫn có thừa. Cao Quân Bội đi tới Thạch Châu, liền kêu quân vào phi báo. Dương Nghiệp nghe Tống Thái Tổ sai người tới trại, liền ra nghênh tiếp, thấy Cao Quân Bội hỏi thăm mọi việc. Cao Quân Bội bày tỏ sự tình, Dương Nghiệp nói:

- Nay cháu đường xa đến đây chẳng hay có việc chi? Cao Quân Bội thưa:

- Nay Thái Tổ bị vây tại Thọ Châu, sai cháu đến mượn năm vạn binh để phá Nam Đường, ngặt đường sá xa xôi, nên khó đem theo lễ vật. Dương Nghiệp nói:


- Xưa cha ngươi làm quan binh Tống, nay ngươi cũng phò Tống mà đặng hiển vinh, bởi Nam Đường không chịu phục tùng nên tranh đua với Tống, lẽ thì sẽ sai người đến trợ chiến mà phá Nam Đường cần gì phải có lễ vật mới giúp sức. Cao Quân Bội thưa:

- Chúa tôi có dặn phải năn nỉ hết lời, để xin binh cầu cứu.

Dương Nghiệp dọn tiệc đãi đằng, cả nhà ăn uống. Đêm ấy Cao Quân Bội chuyện vãn rồi nghỉ ngơi. Hôm sau, Dương Nghiệp và vợ là Dư Thái Hoa cùng cháu trai lớn là Diên Bình đem năm vạn quân qua Thọ Châu ứng tiếp. Cao Quân Bội tạ ơn rồi đi trước dẫn lộ, ngày đi đêm nghỉ chẳng bao lâu đã tới Thọ Châu. Tống Thái Tổ nghe tin liền truyền bá quan văn võ ra nghênh tiếp. Dương Nghiệp kéo binh vào thành ra mắt Tống Thái Tổ và tâu:

- Tôi muốn về Biện Kinh mà phò chúa, gặp cha tôi tuổi tác đã già, không lẽ bỏ mà đi cho đành. Tống Thái Tổ phán:

- Lệnh tôn xưa kia từng trải việc chiến binh nay còn sức khỏe, thật là phước tường, nay chốc đã ngoài chín mươi. Dương Nghiệp tâu:

- Cha tôi năm nay chín mươi tuổi mà không bệnh chi cho lắm.

Tống Thải Tổ truyền lệnh dọn tiệc đãi đằng vợ chồng Dương Nghiệp rất long trọng. Bấy giờ, tại Thọ Châu trước đã có Lưu Kim Đính, Trịnh Ấn, Phùng Mậu, là những tướng có phép tiên, nay lại được thêm ba nàng thần thông quảng đại nữa là Ngại Ngân Bình, Tiêu Dẫn Phụng, và Úc Sanh Hương mười phần thanh thế. Tống Thái Tổ thấy đã có thêm vây cánh, nhắm dẹp Nam Đường chẳng khó, liền truyền lệnh dẫn binh đi khiêu chiến.

Bấy giờ về phía Nam Đường thấy binh Tống treo miễn chiến bài đã hơn mười bữa, nay lại thấy đem binh khiêu chiến, liền thỉnh Quân sư luận bàn kế sách. Dư Hồng tâu:

- Để tôi ra trận xem sao? Nói rồi cưỡi cọp phát pháo khai thành, nhưng lại nghĩ thầm:

- Trước đây mình dùng phép gì cũng bị Kim Đính phá hết, sau đó dùng Phong hỏa phiến quạt Phùng Mậu, té ra quạt ấy cũng hết linh. Nghĩ chừng nào càng giận chừng ấy, nên vừa cưỡi cọp ra thấy Phùng Mậu liền thét lớn:

- Thằng lùn! Mày là tên trộm cắp, vua Tống dùng mày không biết xấu, vậy nay hãy trả gươm và sách lại thì ta bỏ qua, nếu trái lời thì ta về thỉnh lão tổ xuống đây, bắt ngươi lóc từng miếng thịt. Phùng Mậu cười lớn nói:

- Dư Hồng! Ngươi muốn ta trả gươm và sách cũng chẳng khó gì, hãy về bảo vua Nam Đường đầu hàng thì ta trả lại, nếu không nghe lời thì ta lấy đầu ngươi, chẳng những là gươm sách mà thôi.

Dư Hồng nổi giận đập Phùng Mậu một gậy, Phùng Mậu dùng cặp thước đánh Dư Hồng đỡ không kịp, nên Dư Hồng bị trúng một cây thước đau quá té xuống lưng cọp, tức thì binh Tống bắt trói. Bởi đau quá nên Dư Hồng độn thổ không kịp. Lưu Kim Đính sợ Dư Hồng biến hóa liền bước tới đưa cho Phùng Mậu một lá bùa bảo cài lên mão của Dư Hồng rồi truyền lệnh thâu quân trở về. Các tướng thấy bắt được Dư Hồng ai nấy đều vui mừng. Phùng Mậu dẫn Dư Hồng yêu đạo vào thành, quan thấy yêu đạo trợn mắt nghiến răng đều ghê sợ. Phùng Mậu biết ý tâu với vua Thái Tổ rằng:

- Lúc xuống núi thầy tôi có dặn chẳng nên giết Dư Hồng, nếu giết nó thì thầy nó là Xích Mi lão tổ nổi giận xuống đây, e bệ hạ không còn xã tắc. Xin bệ hạ hãy tha cho nó trở về, may ra nó biết ăn năn mà khuyên vua Đường đầu hàng nước Tống. Nếu nó còn cự địch thì lần sau bắt được sẽ giết đi, thì nó không còn chỗ nào oán trách. Tống Thái Tổ nghe Phùng Mậu xin tha cho Dư Hồng thì nghĩ thầm:

- Ta cũng từng nghe danh ông Xích Mi lão tổ là thần thông quảng đại, kẻ nào dám giết học trò của ông ấy mà gây thù oán. Vả lại binh tướng Tống đã đông, lại nhiều người có tài phép, nhắm tha Dư Hồng cũng không đến nỗi gì.

Nghĩ rồi truyền dẫn Dư Hồng đến. Cao Hoài Đức nghe Thái Tổ muốn tha Dư Hồng, liền quỳ tâu:


- Vua Nam Đường cậy có Dư Hồng mới dám cự Tống. Nay đã bắt được nó, xin bệ hạ giết đi. Tống Thái Tổ chỉ mặt Dư Hồng nói:

- Yêu đạo to gan? Dám nghịch mạng trời, hại binh tướng tử trận quá nhiều. Nay đã bị bắt rồi tội đáng phanh thây xẻ thịt. Trẫm nay vị tình Xích Mi lão tổ dung cho ngươi đặng toàn thân, song phải mau về bảo Lý Cảnh đầu hàng, kẻo muôn dân đồ thán. Nếu ngươi không y lời dặn, ta bắt được một lần nữa, thì chặt đầu chẳng tha.

Phán rồi, Thái Tổ truyền mở trói cho Dư Hồng mà thả về. Lúc này vua Nam Đường nghe tin Dư Hồng bị bắt thì chắc là không thể toàn mạng, nên lo bề bỏ khí giới đầu hàng để cho nhân dân lạc nghiệp. Bỗng thấy Dư Hồng về thành, nửa mừng nửa sợ, phán nói:

- Quân sư đã bị bắt, vì sao trở về được?

Dư Hồng thấy vua Đường trọng đãi mình, nên hổ thẹn, sợ nói thiệt thì mất thể diện, nên kiếm cớ nói:

- Tống triều làm chi tôi được, vừa bắt vào thành tôi độn thổ bỏ đi, làm cho chúng nó thất kinh.

Vua Nam Đường mở tiệc, giải lao, lo bề cố thủ. Dư Hồng vốn có tánh háo thắng, lại có tài nói dối, nên vua Nam Đường không hay việc Tống Thái Tổ rộng lượng thả về, nên đã không biết ơn, lại còn tìm mưu đánh Tống.

Cách mấy hôm, Tống Thái Tổ không thấy Nam Đường dâng hàng thơ liền sai Phùng Mậu đi vấn tội. Phùng Mậu đem quân đến khiêu chiến. Dư Hồng túng phải ra trận. Phùng Mậu trông thấy Dư Hồng cười lớn:

- Hôm trước ngươi bị ta đập một thước nhào xuống đất, ta bắt trói đem vào thành, thiếu chút nữa cái đầu đã rụng. Nhờ ơn chúa ta rộng lượng tha cho về. Chẳng ngờ ngươi khỏi chết lại làm thinh, không khuyên vua Đường dâng hàng biểu, nếu nay ta bắt được ngươi, thì không thể tha được nữa.

Dư Hồng bị Phùng Mậu mắng trước ba quân, hổ thẹn xông tới đánh cho đỡ xấu. Vừa giao tranh được ít hiệp, Dư Hồng như chim bị ná, giật mình bỏ chạy. Phùng Mậu quyết bắt Dư Hồng, không ngờ Dư Hồng đã chạy mất, cực chẳng đã phải thu quân về trại. Dư Hồng chạy được một lúc, nghĩ thầm:

- Các phép hay đều bị Phùng Mậu lấy cắp, còn các phép khác thì trị không nổi thằng lùn. Ta cũng muốn về non cho rảnh, ngặt vì oán cừu chưa trả, pháp thuật không còn. Thì ăn năn đã muộn.

Bỗng sực nhớ lại có bạn đồng song là Dư Triệu, nguyên trước là con quạ thành tinh, tu luyện ngàn năm, thần thông quảng đại, chi bằng thỉnh Dư Triệu xuống giúp mình thì xong việc. Nghĩ rồi, Dư Hồng đằng vân bay qua động Hỏa Long. Đến nơi được Dư Triệu ra nghênh tiếp. Hai người dắt tay vào động. Dư Triệu chê Dư Hồng vì ham muốn công danh phú quý nên lận đận lao đao. Dư Hồng nói:

- Nếu biết trước sự việc khó khăn này, tôi đã không vâng lời sư phụ. Dư Triệu nói:

- Tôi nghe đạo huynh làm Quân sư cho Đường chúa, chắc là sung sướng lắm. Dư Hồng bèn thuật hết mọi việc. Dư Triệu nói:

- Nếu nước Tống có nhiều người tài phép như vậy, thì đạo hữu cũng nên lui về núi, ham mê làm chi cõi hồng trần ang nhục, lại mất cả bửu bối. Vả lại, đạo hữu phạm tội sát sanh nhiều lắm, vì hôm trước thầy có truyền lệnh cho tôi xuống bắt đạo huynh về, song vì tình nghĩa bạn bè cùng học một trường, nên xin thầy hoãn lại ít hôm, chắc nay mai cũng có lệnh thúc tôi đi bắt đạo huynh nữa. Dư Hồng nói:

- Như vậy thầy mình nói lôi thôi lắm. Trước đây thầy sai xuống phò Đường đánh Tống, không ngờ bà Lê Sơn Thánh mẫu sai học trò là Lưu Kim Đính xuống phá Đường. Trần Đoàn lão tổ ở núi Hoa Sơn lại sai Trịnh Ấn xuống trợ Tống nữa. Còn Huỳnh Hoa Sơn, Huỳnh Thạch Công cũng sai Phùng Mậu xuống đánh tôi. Bởi chúng nó đông quá, một mình tôi thiếu sức, không cự nổi. Nay thầy không giận chúng nó lại bắt học trò về. Thật là chúng nó có thầy còn anh em mình không ai binh vực. Thôi, tôi về núi cho thầy hành tội, dẫu kẻ có lòng thành cũng không dám theo thầy mà tu nữa.


Nói rồi, Dư Hồng làm bộ hờn tủi, đứng dậy giã từ. Thực ra Xích Mi lão tổ không có sai Dư Triệu bắt Dư Hồng về chỉ vì Dư Triệu đặt điều mà hỏi Dư Hồng cho rõ. Bấy giờ Dư Triệu nắm tay Dư Hồng, nói:

- Đạo quân khoan đi đã! Lẽ nào Phùng Mậu dám khi dễ chúng ta như vậy? Hay là đạo quân đã phán đoán sai. Dư Hồng trợn mắt nói lớn:

- Đừng có nói nhiều lời. Thầy đã chịu nhục thì chúng ta đành bỏ mạng. Không nghĩ lại bạn hữu là bạn đồng song, nên nói cho hay trước mà giữ mình, nếu để nước dâng tới, nhảy sao cho kịp. Thôi tôi về núi mà chịu tội. Dư Triệu nghe Dư Hồng nói nổi giận:

- Quả chúng nó khinh chúng ta như vậy sao? Dư Hồng nói:

- Tôi không hề nói dối. Đạo hữu không tin thì cứ dò hỏi ở nơi khác. Dư Triệu nổi nóng hét:

- Nếu quả như vậy thì chúng nó là cừu địch với anh em mình. Anh đừng về núi làm chi, để tôi xuống ra mắt vua Đường mà trừ chúng nó, kẻo ngày sau mang khốn. Dư Hồng biết ý Dư Triệu đã quyết, nên nói khích:

- Ta đã chịu ơn Đường chúa hậu đãi, phải có lệnh thầy sai khiến, dầu mệt nhọc hay sống chết cũng không phiền. Còn sư đệ đã gần thành tiên lẽ nào xuống cõi hồng trần ang khổ. Huống chi Phùng Mậu, Trịnh Ấn, Lưu Kim Đính, đều là những tên có pháp thuật cao cường, nếu xuống mà không nên việc e chúng nó chê cười. Dư Triệu nói:

- Thầy nó hay, thầy mình cũng không dở, chúng nó dù giỏi chúng ta cũng chẳng thua, lẽ nào chịu hổ mặt. Em quyết trổ tài chúng nó được biết tài cao hay thấp, dù không thành chánh quả cũng được.

Dư Hồng nghe nói mừng thầm. Còn Dư Triệu thu nhặt các bửu pháp đem theo, rồi dặn học trò giữ động. Hai anh em đồng đằng vân xuống Thọ Châu. Đến nơi, Dư Hồng vào trước, tâu với vua Đường:

- Bần đạo một mình khó cự với số đông, nay bần đạo đã thỉnh được một đạo hữu đồng song, người ấy tài phép vô cùng, chắc là dẹp nổi binh Tống, xin bệ hạ truyền cho bá quan ra nghênh tiếp, cho rõ ý cầu hiền.

Vua Nam Đường mừng rỡ, truyền các quan ra ngoài thành. Dư Triệu vào bái yết, vua Nam Đường bước xuống ngai phán:

- Xin thượng tiên ngồi cùng trẫm thương nghị việc đánh Tống.

Lời bàn: Khích tướng là kế sách của xưa dùng làm cho lòng tự ái của người khác phải tùng phục chủ trương của mình. Dư Triệu là bạn của Dư Hồng, đã biết Dư Hồng làm trái ý trời phạm tội sát sinh, lại không thắng nổi kẻ địch, có ý khuyên Dư Hồng về núi để tránh tai nạn, thế mà Dư Hồng khích lệ, làm cho Dư Triệu quên hết những gian nan nguy hiểm có thể xảy đến cho bản thân, tình nguyện dấn thân vào con đường nguy hiểm. Như vậy, trước khi nghe lời khích lệ của Dư Hồng thì Dư Triệu bình tĩnh và sáng suốt, còn sau lời khích lệ của Dư Hồng, thì Dư Triệu đã bị mù quáng, không còn biết suy tính lợi hại. Bởi vậy lời khích lệ là một liều thuốc độc, làm cho con người vì tự cao tự phụ mất cả lương tri. Trong con người, tính tự cao tự phụ là nguồn gốc giúp cho kẻ lợi dụng sai khiến mình, mà mình không biết cho đó là chuyện tình nguyện đảm đương.-oOo-

- Hết hồi 20:0 (91):